bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 147
Trong tuần: 783
Lượt truy cập: 625718

ÂN TÌNH THỜI COVID

TRUYỆN CỦA THU LÂM

thu_lm

Nhà văn già trầm ngâm cúi mái đầu bạc trắng xuống trang giấy. Ông đang viết bản thảo cuốn tiểu thuyết tình cảm. Gần đến chương cuối ông dừng bút suy nghĩ phần kết: “Nên để cho đôi nam nữ này về với nhau hay tan đàn xẻ nghé nhỉ? Nếu tan thì câu chuyện sẽ ấn tượng, người đọc sẽ day dứt tiếc nuối khôn nguôi cùng nhân vật. Nếu kết có hậu là một đám cưới viên mãn hợp lòng độc giả thì sẽ không đọng lại lâu trong tâm thức…”.

Bỗng nhiên, tiếng chuông điện thoại vang lên cắt đứt dòng suy nghĩ của nhà văn. Ông liếc nhìn thấy số lạ liền tắt máy. Vài giây sau, tiếng chuông lại như réo gọi. Ông bực bội bấm tắt một lần nữa. Từ lâu, ông đã có thói quen không bao giờ nghe số máy lạ. Lần này, ông dứt khoát chặn số và bực mình nghĩ: lại mấy đứa chào mời dự án nhà đất đây…

Nhà văn quyết định viết phần kết của cuốn tiểu thuyết là những trang rộn rã tiếng cười trong niềm vui hạnh phúc. Ông cúi xuống dịch chuyển đầu bút bi trên trang giấy. Thói quen viết văn bằng bút giấy đã mấy chục năm nay thật khó bỏ. Khác với đa số các nhà văn hiện đại thời 4.0, đều viết trên máy tính vừa nhanh vừa tiện sửa chữa, lưu trữ, in ấn… Biết vậy, lúc ông còn trẻ máy tính có nhưng ông không dùng. Hình như cảm xúc không thể xuất hiện khi đặt tay lên bàn phím. Chỉ có ngòi bút và trang giấy trước mặt cảm xúc mới dâng trào. Ông viết vội vàng như đuổi theo con chữ nhảy múa trong đầu rồi hiện lên từng trang, từng trang… Cứ như vậy, tuổi đời càng cao bút lực ông càng dồi dào sung mãn. Những giải thưởng văn học cấp Nhà nước ông đã được trao tặng ở độ tuổi “xưa nay hiếm”… Đến nay, đã gần “bát thập” ông dự định ghi dấu ấn bằng một cuốn tiểu thuyết đồ sộ nữa, rồi nhẩn nha viết hồi ký về cuộc đời văn sĩ của mình…

Lại một hồi chuông điện thoại reo vang. Lần này thì thực sự nhà văn không chịu được, ông bực bội định tắt nguồn điện thoại cho đỡ bị làm phiền. Nhưng liếc nhìn màn hình, ông giật mình thấy số máy gọi đến lưu “Lễ tân” của toà chung cư ông đang sống. Ông phân vân bấm nghe: “Alô!”. Đầu bên kia một giọng nữ rất lễ phép, chắc là cháu gái vẫn trực hàng ngày:

-Dạ thưa! Bác là nhà văn Trấn Nam phải không ạ?

-   Vâng! Tôi đây. Có việc gì đấy cháu?

-   Dạ thưa! Bác có hàng “ship” đến đấy ạ! Mời bác xuống nhận. Nếu bác cần giúp, chúng cháu sẽ cử người đưa lên phòng cho bác ạ!

Nhà văn Trấn Nam thực sự ngạc nhiên trả lời:

-   Ồ, tôi có đặt mua đâu mà có hàng “ship”.

-   Chúng cháu không biết ạ. Lúc trước có bạn giao hàng gọi điện mãi cho bác không được, bạn ấy nhờ lễ tân chúng cháu chuyển giúp cho bác đấy ạ.

Nhà văn già một mực khẳng định:

-   Vậy thì ai đó nhầm địa chỉ rồi, tôi không mua hàng.

Cô lễ tân vẫn lễ phép gợi ý:

-   Thưa bác, hay là các con cháu hoặc người thân nào gửi cho bác ạ.

-   Vậy cháu xem hộ bác tên và số điện thoại người gửi nhé. Để bác kiểm tra thông tin.

-   Bác ơi! Hoá đơn không ghi tên ai gửi, chỉ có tên và số điện thoại của siêu thị bán hàng thôi ạ. Hoá đơn đã được thanh toán. Hàng hoá là nhu yếu phẩm, thực phẩm khô như mì gói, đường, sữa… Có thể sử dụng dài ngày ạ.

Tên, địa chỉ người nhận đúng là tên bác rồi: “Nhà văn Trấn Nam, toà AT0415”. Vậy chúng cháu mang lên giúp bác nhé!

Nhà văn già hấp tấp trả lời:

-Ấy chết! Đừng mang lên. Tôi không dám nhận đâu. Có biết ai gửi cho mình mà nhận, con cháu tôi cũng không có ai gửi. Nhờ các cháu chuyển trả siêu thị hộ bác vậy.

-   Bác ơi! Việc trả lại thì quá dễ. Nhưng cháu nghĩ, thời điểm này dịch bệnh đang lan rộng, thành phố đã chỉ đạo hạn chế ra khỏi nhà, các phương tiện giao thông đã ngưng hoạt động. Chúng cháu cũng được Ban Quản lý chỉ đạo không cho phép khách khứa ra vào các toà nhà. Siêu thị chỉ phục vụ cư dân một ngày nữa là đóng cửa.

Theo cháu, bác nên nhận lô hàng này, biết đâu đó là thiện chí của độc giả nào đó. Thấy bác cao tuổi, đi mua hàng chuẩn bị cho cách ly sẽ khó khăn, nên đã bầy tỏ lòng ngưỡng mộ bác đấy ạ.

-    Tôi không dám nhận đâu. Tôi còn khoẻ mà. Với lại để chuẩn bị cho chiến dịch cách ly toàn xã hội các con đã chuẩn bị chu đáo cho tôi rồi. Thực phẩm, thuốc men, khẩu trang… không thiếu thứ gì đâu.

Tôi xin cám ơn lòng tốt của ai đó. Còn lô hàng này, nhờ các cháu chuyển trả siêu thị hoặc trợ giúp cho gia đình nào đó đang gặp khó khăn vì dịch Covid. Bác cảm ơn các cháu nhé.

Ông tắt máy rồi đứng lên ra ban công ngắm nhìn xuống đường phố. Phố xá hôm nay khác hẳn trước đây, không còn ồn áo náo nhiệt cảnh xe máy, ô tô chen lấn nhau mà vắng vẻ như sáng mồng một Tết mọi năm. Lệnh cách ly toàn xã hội đã được ban bố.

Nhà văn bất giác thở dài, ông quay trở lại bàn làm việc không còn cảm hứng viết lách nữa. Nghĩ đến cả thế giới và xã hội đang phải chống trả với nạn dịch nguy hiểm đang bùng phát. Người ta đồn đoán rằng năm nay là năm đại hạn, vì trong đêm giao thừa năm cũ chuyển sang năm mới đã có một trận mưa rào cực lớn, thậm chí có chỗ còn có mưa đá… Vậy mà chỉ sau Tết hai tháng, “đại hoạ” đã giáng xuống đầu nhân loại đúng như lời dự báo.

Nghĩ đến sự việc vừa xảy ra, ông phân vân không hiểu ai đã gửi hàng đến cho mình? Thực ra ông mới về sống trong khu chung cư này được vài tháng. Trước đây ông ở cùng gia đình con trai và con dâu với hai đứa cháu nội. Còn người vợ quá cố đã bỏ ông đi từ lâu, để lại ông một mình gà trống nuôi con. Cuộc sống chung với con cháu không phù hợp với công việc viết lách của ông. Do vậy, cậu con trai thành đạt đã mua riêng cho ông một căn hộ nhỏ ở toà nhà bên cạnh. Mỗi buổi chiều, ông lại đi tản bộ sang nhà con trai ăn bữa cơm tối và vui cùng các cháu. Còn hai bữa sáng và trưa, ông vẫn đủ sức tự phục vụ. Bởi vậy thỉnh thoảng ông vẫn xuống siêu thị mua thực phẩm và một vài nhu yếu phẩm khác.

Ông hài lòng với cuộc sống mới, say sưa với công việc sáng tác văn học của mình. Ông chưa có cơ hội tiếp xúc làm quen với ai ở môi trường mới này, ngoài mấy cháu hay giúp ông đưa hàng từ siêu thị về căn hộ tầng thứ 15 của ông.

Hay là hàng của mấy cháu đó tặng mình. Ông ngẫm nghĩ và tự nhủ: “Thôi để lúc nào siêu thị mở cửa mình sẽ xuống hỏi cho ra nhẽ rồi cảm ơn vậy”.

Thế rồi công việc cuốn hút ông, cuốn tiểu thuyết hết trang này đến trang khác đã được hoàn chỉnh dần dần dưới ngòi bút tài hoa và lão luyện của nhà văn già đáng kính.

Qua một năm, dịch bệnh vẫn tiếp diễn ngày càng căng thẳng. Cả đất nước căng mình để chống trả kẻ thù vô hình nhưng cực kỳ nguy hiểm. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi quyết liệt và cam go nhất, tiếp đến là Hà Nội và một số thành phố khác. Nhà văn già vẫn thực hiện “giãn cách xã hội” trong căn phòng của mình và chưa có cơ hội nào “hỏi cho ra nhẽ”, để cảm ơn cái người đã tặng quà cho mình.

 

Vào một ngày cuối Xuân năm 2021, như thường lệ vào buổi chiều trước khi sang nhà con ăn bữa tối, nhà văn già dạo gót trong khuôn viên chung cư. Ông đang suy nghĩ ý tưởng viết về những ngày sóng gió mà cả đất nước đang gánh chịu. Biết bao gia đình đã tan nát vì nhiễm dịch bệnh vào những ngày đầu chưa có vacxin phòng chống. Đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng không đủ lực lượng phải căng mình làm việc trong môi trường đầy nguy hiểm, lây nhiễm bất kỳ lúc nào… Mặc dù sau một năm, đến giờ phút này đã có vacxin nhưng dịch bệnh vẫn tiếp diễn với nhiều biến chủng mới ngày càng nguy hiểm khôn lường. Số ca nhiễm tăng chóng mặt, nhưng mức độ đã nhẹ hơn trước. Nhưng vẫn là bài toán khó giải cho đất nước, trẻ em chưa được đến trường, mọi hoạt đông xã hội vẫn ngưng trệ…

Nhà văn nung nấu một quyết định gác lại dự định viết hồi ký để viết về mốc lịch sử quan trọng này. Mặc dù không phải là chiến tranh có kẻ thù hữu hình, mà kẻ thù này tuy vô hình nhưng đã tàn phá con người, nền kinh tế của cả thế giới nhanh chóng khủng khiếp. Ông sắp xếp những ý nghĩ trong đầu và tự nhủ: “ngày mai ta phải bắt tay vào viết thôi, không thể để cho thời khắc lịch sử nặng nề này trôi qua mà không ghi lại được những mất mát đau thương và những gì xã hội đã và đương vượt qua”.

Mỏi chân, ngồi nghỉ trên ghế đặt dưới gốc thông tươi tốt, ông đưa mắt kín đáo liếc nhìn một người phụ nữ ngồi ghế cách ông bốn cây thông.

Đã nhiều lần, ông nhận ra hình như vào giờ ông đi dạo cũng trùng với giờ thư dãn dạo chơi công viên của bà này. Bà ta đã có tuổi nhưng có lẽ kém tuổi ông. Bà bịt khẩu trang kín nửa mặt, thậm chí còn đeo mặt nạ chống giọt bắn, nên chịu chẳng hình dung được nét mặt ra sao.

Nhìn cách ăn mặc và phong độ của bà, ông đoán chắc bà không phải là người vất vả lao động chân tay. Tóc đen màu hạt dẻ uốn cao gọn gàng lượn sóng phía sau gáy, nếu tinh ý nhận ra hai bên tóc mai và nơi đỉnh đầu có cụm tóc đã bạc trắng… Có lẽ vì dãn cách, cáccửa hàng tóc đóng cửa nên bà chưa thể đi làm đẹp. Bà mặc bộ quần áo thể thao màu ghi sáng ôm sát thân hình khoẻ mạnh cao ráo hơi đẫy đà của người có tuổi nhưng vẫn gọn gàng săn chắc. Đôi giày thể thao mầu ghi sẫm,chứng tỏ bà cũng là người phụ nữ tinh tế sành điệu…

Bỗng nhiên, nhà văn như có ý định thôi thúc muốn làm quen với người đàn bà ngồi nghỉ cách ông không xa nhưng chưa biết nên làm thế nào… Thì ôi, may mắn làm sao, tim ông đập gấp gáp khi thấy người đàn bà ấy tiến lại phía ông rồi dừng lại nghiêng mình, rõ ràng nói

với ông:

-   Dạ thưa, tôi xin phép được hỏi ông có phải là nhà văn Trấn Nam không ạ?

Nhà văn vội hất mái tóc dài trắng như cước đang xoà xuống che mắt ông, chiếc khẩu trang hai lớp khiến ông vướng víu, hơi thở dồn dập biến thành hơi nước che phủ đôi mắt kính vừa lão vừa cận khiến ông lúng túng.

-    Vâng! Chính tôi.

-   Ồ! Vui quá, từ lâu em cứ ngại không dám hỏi sợ làm phiền anh.

Bỗng nhiên, người đàn bà đổi ngay cách xưng hô thành “anh, em” rất thân mật. Ông Nam ngỡ ngàng không dám tin vào tai mình nữa.

-   Là em muốn xin chữ ký của anh vào cuốn tiểu thuyết anh mới xuất bản em mua được ở hiệu sách.

Nói đoạn, bà lấy ra từ trong túi cuốn sách có bìa được trang trí rất đẹp bằng những mảng màu sắc dung dị trừu tượng phóng tác ý tưởng cao siêu nội dung tác phẩm.

Bà vẫn ý tứ đứng cách xa ông, đưa cuốn sách và cây bút kẹp sẵn cho ông.

Nhà văn chuyên viết chuyện tình yêu ngang trái mùi mẫn là thế, vậy mà đến bạc đầu gặp tình huống này trái tim ông vẫn “ngủ không yên”. Ông lịch sự mời bà ngồi cách xa đầu bên kia ghế. Bà cũng dón dén ghé ngồi xuống. Cả hai người đều tuân thủ khuyến cáo 5K, không hề bỏ khẩu trang.

Ông dở trang đầu cuốn sách và hí húi viết lời đề tặng cho một độc giả ngưỡng mộ mình. Ông phân vân ngẩng lên hỏi bà:

-   Vậy bà thích tôi viết thế nào thì tôi sẽ viết.

-   Anh chỉ cần viết “Tặng cô Đỗ  thị Đào” là được. Em ít tuổi hơn anh mà. Em đã đọc hết những tác phẩm của anh, em rất ngưỡng mộ anh. Nếu mà được nhận chữ ký của anh trên cuốn sách em tự hào lắm.

Bà Đào nói một mạch tự nhiên thoải mái như hai người đã quen nhau từ lâu lắm. Còn ông Nam vẫn ngượng nghịu khách sáo, chưa quen với phong cách tự nhiên thân mật của bà. Xong việc, ông trao sách cho bà, không biết nên ngồi lại hay đứng lên. Không ngờ bà Đào lại chủ động tiếp lời:

-   Em xin lỗi được hỏi anh một câu thôi, tên em là Đào có gợi nhớ cho anh điều gì không? Anh đã từng quen ai tên như vậy chưa?

Ông Nam chột dạ, ngơ ngác suy nghĩ. Không hiểu bà này hỏi có ý gì. Nhưng ông cũng lục lại trong trí nhớ của mình. Từ khi ông tốt nghiệp trường Tổng hợp, khoa Văn, rồi đi dạy văn, chuyển hết trường này trường kia, tiếp xúc với giới văn chương cũng nhiều, đi thực tế tiếp xúc cũng lắm, quen hầu hết các tạp chí văn học, nhà xuất bản… Gần như hết cuộc đời, ông chẳng hề quen ai tên Đào.

-   Không. Tôi không quen ai tên Đào.

Nghe câu này, bà Đào có vẻ thất vọng. Giá mà không bịt khẩu trang và đeo mặt nạ, ông Nam sẽ nhận ra điều đó. Hoặc ít ra khuôn mặt của bà cũng sẽ gợi nhớ cho ông một điều gì mà ông chót quên…

-   Em xin phép gợi ý cho nhà văn nhé. Hình như anh có biết con bé Đào con ông Công, bà Sự ở xóm Chùa, Hưng Yên không?

Ông Nam bỗng reo lên, tay vỗ trán.

-   Trời ạ! Lâu quá, qua hai thế kỷ sao nhớ được.

Bỗng ông cười lớn:

-   Hoá ra là “Đào Công Sự” à? Nhớ ra rồi.

-   Vâng! Là em đây. Cái con bé Đào hay bẽn lẽn trước các anh sinh viên khoa văn. Giờ thì khác rồi.

Vậy là họ đã nhận ra nhau, ở cái thì quá khứ xa lắc xa lơ. Mấy chục năm qua, họ đã từng sống với nhau dưới cùng mái nhà dễ đến gần một năm trời. Câu chuyện nở như pháo rang.

( CÒN TIẾP)

 vbnhuy

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)