bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 159
Trong tuần: 949
Lượt truy cập: 629934

ÁNH ĐÈN LÒ (C4 + 5)

Vũ Thảo Ngọc

Chương 4

     Với cuộc đời của Đáo, có lẽ từ khi bước chân ra khỏi làng Trong là anh đã gặp may thì phải. Khi mà cánh thợ lò ở cùng tập thể còn vất vả đi kiếm vợ thì Đáo đã tìm được em Liên trong xóm. Ai cũng biết cánh thợ lò đông thế mà nữ ở đây thì đếm trên đầu ngón tay. Thế nên đứa thì về quê lấy vợ mang ra, đứa thì phải tìm vợ trong vùng cũng khá vất vả. Còn Đáo thì cứ như sự sắp đặt của trời đất, nhờ ông Tá thợ lò già đánh tiếng với bố mẹ Liên nên mọi việc được rút ngắn lại rất nhiều. Vì thế nên cũng mau mắn thành chồng, thành vợ. Đám cưới cũng giản dị, phòng tập thể thì anh em nhường cho, ghép hai chiếc giường sắt lại vẫn kê thành chiếc giường hạnh phúc ấm cúng. Hạnh phúc ngập tràn trong căn phòng nhỏ đã khích lệ Đáo những sức lực mới. Anh đã làm lụng cật lực hơn. Phần vì bổn phận, phần hạnh phúc chồng vợ giúp cho anh thêm phần gắn bó nơi “bâng khuâng chân trời lạ” câu hát mà anh Nam hát cho nghe ngày nào Đáo còn lơ ngơ bước đến nơi này.
       Liên con nhà công nhân, bố mẹ, ông bà cô đều ở mỏ, vì thế, Đáo cũng có phận nhờ gia đình vợ nhiều việc, khi đau ốm, khi con thơ. Tổ thợ bảo anh là chuột sa chĩnh gạo, vì dân tập thể mà lấy gái gia đình thì quá tốt, chứ cánh tập thể, lấy tập thể biết bao nhiêu là phiến toái, lo toan…Nhưng bù lại, cái hạnh phúc con con của mỗi gia đình thợ mỏ ấy đã nhen lên những ngọn lửa ấm nồng trong từng ngôi nhà tập thể rồi nhân lên thành những phố thợ đông đúc. Những thế hệ trẻ con đầu tiên ra đời, mỏ đã phải xây nhà trẻ, rồi xây trường học. Tự thân Đáo cảm ơn cuộc đời cho Đáo gặp toàn người tốt từ khi bước chân ra khỏ cổng làng Trong. Nếu không gặp người tốt, chắc Đáo cũng sẽ ngang ngạnh đi theo hướng cuộc đời khác, với cái tính ngang ngạnh của tuổi đôi mươi ấy, nếu không được cập bến, cập thuyền với những bờ bến tốt, chắc gì Đáo đã được như ngày hôm nay. Cuộc đời làm thợ là nhọc nhằn vất vả nhưng có những khi cũng thong thả khi được nghỉ ngơi. Đôi khi nhìn những vết chằm than tím lịm trên mu bàn tay, trên da mặt, lòng Đáo cũng thấy xót xa. Đó là cái giá phải trả  cho niềm say mê công việc. Đã có nhiều cơ hội được giám đốc Nam động viên đi học đại học tại chức ban đêm, để có điều kiện phù hợp thì tạo điều kiện cho Đáo một việc khác phù hợp. Nhưng Đáo chỉ cảm ơn sếp Nam, chấp hành đi học nâng cao kiến thức chứ nếu bảo về bàn giấy thì ...lắc đầu.
Bữa đó khi chỉ có hai anh em ngồi với nhau, giám đốc Nam đã thân tình bảo Đáo:
-Tao biết chú say mê cái nghề nặng nhọc nhất ở mỏ này, nhưng nếu có điều kiện, khi tuổi tác đã cao thì nên về  công việc gián tiếp cũng có sao đâu.
Đáo trả lời luôn, không nửa giây suy nghĩ:
-Em biết cái thịnh tình của anh cho em rồi, anh thương em, thương vợ con em mới nói thế, nhưng em cũng sắp nửa đời quen với cây búa, cái đèn lò rồi nên bảo về làm gián tiếp chắc em không làm được đâu ạ.
-Chú mày đúng là chưa chi đã chùn bước.
-Chùn thật đó bác, vì đi quen trong lò tối thui rồi, khi về nhà chạy xe trên phố mắt vẫn quen đường đi...trong lò đó bác.
Hai anh em cùng cười lớn, cuối cùng giám đốc Nam bảo:
-Thôi, tùy cậu, là tôi muốn tạo điều kiện để cậu phấn đấu chứ không bắt ép cậu nhé, mà cái ý nghĩ đi trên phố vẫn nghĩ đi trong lò của cậu hay thật đấy. Mùa hè này tôi phải đề xuất công đoàn mỏ thưởng cho các thợ lò bậc cao đi nghỉ ngơi cuối tuần một cách đàng hoàng để động viên anh em kịp thời, nếu có điều kiện cho cánh thợ lò đi cả nước ngoài nữa để anh em đỡ bị nhầm lẫn đường lò với đường phố như cậu nói nhé.
 Giám đốc Nam cười ngất vì cái khái niệm mà Đáo đưa ra là đi ngoài phố vẫn nghĩ đi trong lò, còn Đáo cũng thấy thú vị, chả hiểu sao, cả cánh thợ lò đều nghĩ  như Đáo. Như thế có nghĩa, công việc của cánh thợ lò luôn luôn choán hết mọi ý niệm,chi phối mọi hành động cuộc sống của mỗi người thợ lò quá sâu sắc...
  Đáo nhớ như in cái ngày đầu tiên đi nhận việc gặp anh Nam cùng đi đến mỏ Làng Bang ngày nào. Cái thung lũng bên dòng sông Dương  ấy ngày nào còn hoang hóa với những đồi sim mua bạt ngàn, ven sông còn cả một cánh rừng sú vẹt với lũ chim chóc của biển ríu ran giờ như chật chội hơn vì những con phố mới của cánh thợ lò biết chắt chiu đồng lương làm nhà, dựng cửa ra phía cửa biển, cửa sông ấy cải thiện điều kiện sinh hoạt cho  cả gia đình khi con cái đã lớn khôn. Phố mỏ cứ thể đầy lên theo triền sông. Đám trẻ đã tung tăng đến trường đủ ba cấp học.  Cái thung lũng có mỗi Làng Bang xa tỉnh, xa huyện, chỉ có mỗi cái mỏ than khổng lồ ở đó. Với mấy ngàn người sinh cơ lập nghiệp, lại thêm hàng ngàn trẻ con được sinh ra ở đấy, nên việc đi học của trẻ con và đến bệnh viện của người lớn khi cần chữa trị là rất bức thiết. Đáo biết, giám đốc Nam đã vận động nhờ cậy trên tỉnh, trên huyện gì đó cho xây trường liên cấp tại mỏ, xây bệnh xá mỏ, nhờ thế mà bọn trẻ con nhà Đáo sau này may mắn có chỗ đi học hành gần nhà. Hai lần Liên sinh con đều được sinh con ở trạm xá mỏ, không phải chạy xa mấy chục kilomet vào thị xã mới có chỗ sinh nở. Nhưng điều tưởng đơn giản thế nhưng với một thời kỳ lịch sử đặc biệt ấy thì thật không dễ gì có được nếu ông giám đốc cứ…bình chân như vại. Ông giám đốc chỉ cần lo sản xuất nhiều than là hoàn thành nhiệm vụ, chứ ba cái việc xây trường, xây trạm xá đâu phải việc của ông. Nhưng cánh thợ lò, được coi là những người ít hiểu biết hơn cán bộ của mỏ cũng phải thừa nhận giám đốc Nam đã làm được quá nhiều việc to tát cho mảnh đất mỏ Làng Bangnày.
Cánh thợ mỏ sau hơn ba mươi năm lập nghiệp nơi này đã chứng kiến những đổi thay đến ngỡ ngàng của một vùng bán sơn địa, công sức của họ đã lậpnên  làng, nên phố. Những năm đầu của thế kỷ hai mươi mốt, cái làng bên dòng Dương ấy đã nổi lên nhiều căn biệt thự model đủ kiểu, đủ màu sắc, như chứng minh cho những giọt mồ hôi của thợ mỏ Làng Bang đổ xuống không hề uổng phí.
  Phố mỏ giờ cũng thay đổi nhiều, không còn bữa no, bữa đói như xưa, phương tiện đi lại cũng tiện lợi. Muốn về quê, chỉ cần alo là có xe đến tận nhà rước rồi, khu tập thể nhà nào cũng có dư dật, nhà cửa xây lên chắc chắn, đẹp, đồ đạc cũng sắm đẹp.  Vì thế, bọn trẻ sinh ra ở mỏ cũng không còn nhem nhuốc như thời cha mẹ chúng.
   Đáo nhớ cánh đồng làng Bang bé xíu nằm lọt thỏm giữa những quả núi chứa than. Hồi mới về mỏ khi còn chưa có vợ con, nhiều lúc nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cánh đồng làng Trong da diết Đáo đã ra ngồi bên mép ruộng cả giờ đồng hồ. Mảnh ruộng làng Bang nhỏ xíu nhưng có khác đâu cánh đồgn làng Trong của Đáo mênh mông lúa ngô. Mùi cánh đồng luôn làm xáo trộn cái tinh thần của chàng trai xa nhà. Mỗi khi cánh đồng bé xíu nằm lọt thỏm giữa thung lũng than ấy đã làm cho Đáo cũng vơi bớt nỗi nhớ thầy nhớ u, nhớ làng quê thân yêu. Và, cũng may, Liên đã cho Đáo một bờ vai mền dịu để anh chàng nhà quê như Đáo có được một gia đình ấm êm những nỗi nhớ xa nhà, nỗi chông chênh nơi chân trời mới vừa dịu lại.   
Đáo lấy vợ thì bốn chàng cùng phòng lại nhường luôn căn phòng tập thể đó cho vợ chồng anh. Ở khu tập thể mỏ, hễ có ai đi lấy chồng hay đi lấy vợ thì bao giờ cũng được anh em ở cùng nhường phòng cho đôi vợ chồng trẻ. Cái riêng ấy có lẽ chỉ có ở khu tập thể. Ngày đó, các phòng tập thể chủ yếu là dùng giường sắt, vì thế, khi lấy vợ, không chỉ riêng Đáo mà ai cũng phải xin phòng quản trị mỏ cấp thêm một cái giường nữa để ghép lại thành cái giường to. Tất nhiên trong mỏ cũng có nhiều gia đình khá giả có thể thu xếp cho con cái họ cái giường mới tươm tất, chứ riêng trường hợp như Đáo thì đông hơn, đa số cánh thợ lò hay thợ điện, thợ trong lò hay thợ ngoài mặt bằng thì điều kiện thời đó chỉ có thể vận dụng những gì có thể ngay trong cuộc sống của mình để thu xếp cho cuộc sống ổn thỏa đã là quý lắm.  Đêm tân hôn Liên cứ khóc mãi. Đáo ôm vợ vào lòng và bảo:
-Sao em khóc, em ân hận khi phải lấy anh à. Nếu...
Liên xoay người bịt miệng Đáo lại và khóc nức to hơn. Đáo thở dài. Đêm như trong veo hơn. Những vì sao lấp lánh trên bầu trời mỏ mà Đáo nhìn qua khung cửa sổ cứ nhấp nháy mãi. Làn gió nhẹ thổi vào khe cửa. Tiếng Liên đã thôi thổn thức. Nàng thủ thỉ với chồng:
-Em thương anh, em thương cả em nữa, giá bố mẹ anh và bố mẹ em cũng khá giả như bố mẹ cái Nga, cái Hạnh cùng xóm, thì chúng mình không phải nằm trên cái giường cưới được ghép bằng hai cái giường sất như thế này. Đám cưới của chúng mình cũng không chỉ xoàng xĩnh như  chiều nay chỉ mấy anh em trong tổ thợ tổ chức, giá mà...
-Ôi, em ơi....đừng nói nữa, anh biết mà, anh sẽ cố gắng để em không phải xấu hổ với bạn bè. Chúng mình còn trẻ mà. Chỉ cần chúng mình chịu thương, chịu khó...
-Ai chả biết thế, nhưng mà...
-Anh cũng...không biết nói với em thế nào. Điều kiện gia đình hai bên chúng ta em đều tỏ, giờ cứ giá mà, giá mà thì...khó lắm em ơi.
-Thế em mới...thấy em thua thiệt hơn bạn bè cùng xóm, lấy chồng mà ngổn ngang bao nhiêu là khó khăn trước mắt và cả lâu dài.... Cái Nga, cái Hạnh nó lấy chồng là cố vốn liếng hai nhà cho luôn, vợ chồng mình thì...hai bàn tay trắng...
-Thì...có ai chọn cửa mà sinh ra đâu em. Thôi, quá đêm rồi, mình ngủ đi rồi mai còn thu xếp công việc để ...lên kế hoạch làm giàu nhé, vợ tôi.
Liên thấy Đáo đùa thế thì cũng nguôi ngoai.
Mấy mươi năm sau cái đêm chồng vợ đầu tiên ấy Đáo chả bao giờ quên sao được. Nhưng rồi cuộc đời cũng mỉm cười với vợ chồng Đáo từng ngày. Liên cũng vui hơn khi có chửa thằng Để. Liên như quên hẳn những khó khăn mà vợ chồng cô đang phải đối mặt. Đáo thấy vợ bụng mang dạ chửa vẫn tham lam trồng thêm                                   luống rau khoai lang, nuôi thêm đôi lợn nhỡ, anh cũng bồn chồn không kém và chỉ biết động viên vợ mấy câu nhẹ bẫng:
-Này, mẹ mày làm ít thôi, nhỡ ông bà ngoại nhìn thấy lại bảo tôi để đằng ấy vất vả khi bụng mang dạ chửa.
-Ui trời, chửa con so làm cho láng giềng nhé, bố mày cứ yên trí đi, ngày xưa các cụ còn vất vả hơn ấy chứ.
Đáo chỉ còn biết cười trừ. Rồi anh cũng tranh thủ phụ giúp vợ việc các công việc nặng nhọc. Đôi lợn nhỡ bán được một món tiền, ba con gà thay nhau đẻ trứng thế là đủ tùng tiệm để đón đứa con đầu tiên chào đời. Đáo thấy lòng lâng lâng, anh đã được lên bố trẻ con khi mới hăm lăm tuổi. Anh phục Liên vô cùng, cô ấy đã thu vén cho cái tổ ấm của anh mỗi ngày một ấm thêm. Bố mẹ anh ở xa, lại nghèo nên cũng khó giúp anh thêm. Bố mẹ vợ ở gần chỉ giúp được vợ chồng anh khi sớm tối đỡ đần thằng cu tí cho mẹ Liên nó thu dọn nhà cửa đã quý lắm rồi. Đáo thấy như một giấc mơ. Anh đã có hẳn một gia đình, một tài sản riêng tư của mình, anh thầm hứa sẽ làm lụng thật nhiều để cho mẹ con Liên đỡ khổ. Được cái Liên cũng thấu hiểu hoàn cảnh nên tự thu vén mọi điều ổn thỏa. Chỉ đến khi chuẩn bị đẻ thằng cu Để thì hai cái giường sắt đã được thay thế bằng cái giường gỗ lát màu gụ rõ đẹp. Bữa đó đi làm về, Đáo ngạc nhiên vì cái giường nổi bật trong căn phòng cũ kỹ của vợ chồng anh. Thấy anh còn ngỡ ngàng, Liên đã đon đả:
-Anh lại lo tiền cho mẹ con em “nằm ổ” đâu rồi chứ gì?
-Ơ ơ...anh đang hỏi em đấy, cái giường gỗ mới thì...
-Để cho con chúng mình được nằm giường gỗ mới cho may mắn, cuộc đời nó cũng sẽ may mắn hơn vợ chồng mình. Hai giường sắt...cu con nằm đau người lắm anh ơi.
-Nhưng mà...
-Mọi việc em lo rồi, từng món tiền một cho con, cho mẹ khi em sinh, anh đình lo lắng, cứ yên tâm đi làm.
-Ui...sao em giỏi thế. Cứ như anh thì...đúng anh là dạng...chả biết làm gì cho mẹ con em sung sướng hơn.
-Thì anh đã chăm chỉ đi làm, có nhiều công là mẹ con em có nhiều tiền rồi. Anh yên trí đi, đừng lo lắng quá. Em thu xếp được mà.
Đáo cứ lơ ngơ khi gần đến ngày sinh con, Liên đã trang hoàng căn phòng tập thể cũ kỹ ẩm mốc và có phần tối tăm sáng dần lên. Đầu tiên là cái giường, sau đó là cái mảnh màn gió màu hoa cà tươi rói. Liên bảo,nhà có mỗi phòng, khi sinh em bé, cần có cái che đi cho nó đỡ gió máy và ai vào cũng không bị...vía! Đáo thì biết gật đầu đồng ý là       xong. Biết tính vợ thế nên Đáo chỉ cất lên hai chữ “nhất trí”.
Cái ngày đó luôn day trở trong tâm khảm hai vợ chồng, bao khó khăn chồng chất mà vẫn tj qua. Thằng cu Để chả như con nhà người ta được ăn này nọ, đây mỗi bú tí mẹ mà cứ lớn như thổi. Ai nhìn cu Để cũng phải giơ tay bế nó một cái. Nó chũn chĩn đáng yêu lắm, ai cung xbaro mẹ Liên tốt sữa nên mới được như thế. Đúng là nhà có phúc, con nhà khó mà cứ lớn như thổi, chả bù cho con nhà giàu thì lại vỗ mãi chả lên cân tí nào... Mới ngày nào nó còn là cu bé con nhanh nhảu, hiếu động giờ đã là một thanh niên tuấn tú. Không ai nghĩ nó là con một thợ mỏ đích thực. Nó không theo nghề bố mà theo học về ngành truyền thông. Bữa trước cả phố mỏLàng Bangtrầm trồ khi xem trên đài truyền hình quốc gia có hẳn một phóng sự về việc con thợ mỏ tổ chức đám cưới tại công trường mỏ. Chiếc váy cưới trắng tinh đã nhuộn tím màu than khi cô dâu được chú rể khoác tay đi trên những tầng mỏ mà cha mẹ cô dâu và chú rể đã đến lập nghiệp nơi đây. Bây giờ họ không làm nghề mỏ, họ đã đi tới những chân trời xa hơn bố mẹ chúng. Cặp đôi đó chính là con trai đầu lòng của thợ lò Đào Văn Đáo, cái thằng cu Để đẻ trong cơn bão số chín gì đó, may nó tọt ra khỏi lòng mẹ thì mất điện. Mẹ con ôm nhau đến hãi. Vợ chồng Đáo nhớ mãi cái đêm đưa nhau đi đẻ cu Để. Giờ, nhgix lại còn ứa nước mắt. Giờ thấy con trưởng thành hơn cha mẹ nó quá, cũng bật khóc vì vui. Nhất là Liên, cô chả bao giờ nghĩ mình có con giai giỏi giang thế, lại còn lấy một cô dâu cũng giỏi giang không kém. Cô dâu giờ là một biên tập viên của Đài truyền hình quốc gia. Cô lý giải về tình yêu của mình với vùng than nơi cô sinh ra bằng chính hành động cụ thể của mình. Trong lời bình của phóng sự, cô nói, dù con dù không sinh ra ở đây, nhưng cha mẹ đã sinh ra chồng con ở đây, con hạnh phúc khi được là con của cha mẹ, vợ của chồng con,  vì thế con phải về nơi cha mẹ  đã lập nghiệp đã hoài thai ra anh, con yêukính và trân trọng sự nhọc nhằn của cha mẹ trên tầng mỏ ...
Ai xem những giây phim ngắn đó trong chuyên mục Cuộc sống quanh tôi dạo đó cũng đều tấm tắc, con bé con dâu nhà Đáo giỏi quá. Nó nói thay cho bao người thợ mỏ ở cả vùng mỏ rộng lớn này.
Giám đốc Nam cũng xem cái phóng sự của vợ chồng cu Để, anh cũng rất xúc động khi ngồi với cánh thợ lò hôm gặp gỡ đầu xuân với tổ thợ của Đáo:
- Tôi thật sự nể con bé, nó đã nói hộ tôi, nói hộ tình yêu của bao nhiêu lượt thợ mỏ đã đến và dừng lại mảnh đất này. Như tôi thuở ấy gặp anh Đáo, đúng là “bâng khuâng chân trời lạ...” vậy mà....
Giám đốc Nam nghẹn lời, Đáo đã đỡ lời anh:
 - Vâng, em cảm ơn giám đốc đã khen cháu, em đâu biết nó lại giỏi giang hơn bố mẹ nó thế cơ chứ. Nó đã trưởng thành quá rồi anh ơi. Công này cũng có phần giám đốc đó ạ. Anh đã gắn bó với mỏ ngần ấy năm nên nhờ anh mà chúng em  đã có được những điều kỳ diệu đó.
- Hà hà hà...cậu này giờ cũng văn vẻ ghê. Ừ, thì tôi cũng có duyên nghiệp với mỏ nên mới ở lì hết hơn ba mươi năm, nên cũng phải thừa nhận, thì cũng có đóng góp cùng các anh chị. Chứ thực tình chỉ làm dăm năm rồi đi nơi khác, có lẽ tôi cũng...không yêu mỏ yêu các anh chị nhiều thế này. Xem cái phóng sự của con Bích Đào nhà cậu, tôi không nén nổi giọt nước mắt đó. Trân trọng quá, các con trưởng thành mà luôn ghi nhớ, luôn kính trọng nơi mình được nuôi dưỡng như thế gọi là hồng phúc nhà ta các bố ạ.
Cả tổ thợ vỗ tay. Quả thật, với họ, giám đốc Nam luôn là một người anh, người bạn đáng kính, là một diễn giả số một trên thế giới, với cái giọng ấm truyền cảm của anh, cái ánh mắt luôn hướng về người nghe luôn làm cho những người đối diện được chia sẻ và tôn trọng. Cái ấm áp tình thân đó đã lưu giữ trong họ những tình cảm chân thật xen lẫn kính trọng.
   Sau khi về nghỉ hưu, nhiều lần giám đốc Vũ Quốc Nam về thăm “chiến trường xưa” lần nào anh cũng tràn căng niềm xúc động. Nhớ nhất những dịp vào áp tết cổ truyền. Ấy là một dịp “giỗ chung” của những người thợ mỏ bị tai nạn đắm tàu khi về ăn Tết. Chỉ thấy bóng Nam cao lớn ở đầu Nhà văn hóa mỏ, cả phố mỏ đã xôn xao. Nam lại trở về thăm những con người ngày xưa cùng chung lưng đấu cật với anh của một thời khốn khó. Những gương mặt già nua theo năm tháng. Nhà mất hai mẹ con, nhà mất hai cha con, nhà mất hai chị em… đau thương bao trùm xóm thợ ngày ấy. Cái Tết đại tang của phố mỏ. Ai cũng xót xa. Những niềm vui của người thợ và con em họ được về quê ăn tết, nhưng đã bị nhấn chìm bởi con tàu khách trên biển già nua cũ kỹ. Những số phận không may mắn ấy đã mãi mãi mang theo niềm vui của một cái tết no đủ mà giám đốc Nam đã lo cho toàn bộ công nhân mỏ gồm gạo nếp, giò lạc, mứt tết. Không phải lúc nào cũng lo đủ cho hàng ngàn thợ mỏ đủ đầy như năm đó, vì thế, cái tết năm đó là một cái tết vượt qua nỗi khó khăn rất lớn của một thời bao cấp phải rất có tâm với thợ mỏ thì giám đốc mới đi ngoại giao được ngần ấy thứ cho họ được túi quà tết xôm. Nói như bây giờ là phải đi “ngoại giao nhân dân” hay “xã hội hóa” mới có gạo, lợn, mứt tết về mỏ được. Một túi quà tết chắc đáng giá  trăm bạc thời kỳ ấy,  nhưng giám đốc đã phải rất khéo léo để thoát ra khỏi cái tư tưởng “ tư bản hưởng thụ” mà các nhà quản lý tư tưởng sẽ chụp mũ lên đầu là nguy lắm. Ấy thế mà giám đốc Nam đã khéo léo để “chuyển hóa” các vấn đề vật chất và tư tưởng cao siêu ấy thành ra một sự đã rồi cho công nhân và cán bộ của mình có niềm vui được…quà Tết! Vậy mà, ông trời đã tước đi của họ những niềm vui vừa chợt đến đó. Mấy chục con người của mỏ được tìm thấy, vớt từ biển đưa về mỏ để làm ma chung! Nhìn mà xót xa không thể  khóc được. Đó là nỗi đau không diễn tả. Mãi sau này Nam vẫn không bao giờ quên cái ngày hăm bảy tết định mệnh ấy, dù bận rộn đến đâu thì anh cũng cố gắn về chia sẻ với mấy gia đình có người bị nạn đó, cầu mong cho người đã đi xa an lành, cho người sống có thêm những điều thanh thản, âu cũng là số mệnh. Dòng Dương vẫn màu nước nửa sông nửa biển, chỉ nghiêng một chút là cả dòng sông như trút hết nước về cửa biển Đức Ông. Nhưng khi nước biển vào dịp triều lên thì dòng Dương lừng lững như một chiến lũy, nhìn xa hút tầm mắt mới thấy bờ bên kia. Những đám cây sú vẹt như chỉ còn một chấm xanh trên dòng Dương lừng lững đó. Dòng sông ngăn cách giữa mỏ và biển. Nhưng chính dòng sông đã làm dịu mát cho khu tập thể mỏ bên này bờ mỏ những chiều hè dịu mát và thư giãn bởi cái vẻ đẹp mộc mạc của nó. Một bên là mỏ than khổng lồ, dưới chân là dòng sông, đi chút chút thôi là ra đến cửa biển lộng gió. Phong cảnh hữu tình không phải ai cũng dễ dàng nhận ra. Với Nam, đó là niềm vui, tự hào về mảnh đất mà anh đã đến và ở lại, và ra đi, những năm tháng tuổi trẻ trào dâng nhiệt huyết.
    Nam không bao giờ quên được chuyến tàu biển cuối năm đã bị đắm ở Tài Xá năm đó, hầu hết hành khách là người của mỏ Làng Bang, ai may thì thoát chết, ai không may thì thành gặp nạn. Đó là nỗi ám ảnh kinh hòang mà không thợ mỏ Làng Bang nào quên dù thời gian có phủ bụi dày đến thế nào.
    Lúc ấy, giám đốc Vũ Quốc Nam đang đón vợ từ Hà Nội xuống ăn Tết vì năm đó anh phải trực những ngày Ba Mươi và Mồng Một, khi nghe tin dữ tai nạn đắm tàu, giám đốc Nam đã lao ngay ra bến tàu. Nhìn cảnh tượng bến tàu ngày cuối năm sao mà  lạnh lẽo đến thế là cùng. Người về bến được, người thì trôi dạt khắp vùng ven biển chưa tìm thấy được. Chao ôi là xót xa.
   Ngay lập tức giám đốc Nam đã lệnh cho toàn bộ lãnh đạo mỏ trực Tết một trăm phần trăm, mục đích nhanh chóng chia mỗi người một ngả đi tìm các công nhân và người thân của họ trên chuyến tàu bị nạn đau lòng kia nhanh nhất, vì bữa đó đã là hăm bảy Tết. Năm đó mỏ Làng Bangkhông có Tết. Cả mỏ buồn bã vì những người thân của mình không may mắc nạn. Giám đốc Nam đã phải đi cầu cứu các mỏ bạn hàng xóm, nhằm giúp ngay thịt lợn và gạo cho dân mỏ làng Bang, đặc biệt những gia đình bị nạn đắm tàu. Bởi lẽ, thời kỳ đó, nhà nào nhà ấy chỉ mong mải lo cho túi quà tết và côn kê tiền lương, tiền thưởng đủ một chuyến bồng bế về quê rửa mặt với làng với xóm sau một năm, sau nhiều năm đi tha phương khỏi quê nhà, công nhân hồi đó còn nghèo lắm, vì thế, số gia đình công nhân bị nạn hầu như  rơi vào hòan cảnh khó khăn, trắng tay theo chuyến tàu định mệnh. Làm mỏ đã vất vả, ai cũng lo những nguy cơ tai nạn xảy đến ở trong đường lò sâu thẳm kia, ai ngờ lại còn có những bất trắc ở bên ngòai ngay khi người thợ tưởng cầm được hạnh phúc trong tay. Trong số gia đình bị nạn đó có nhà Chúng cùng tổ thợ với Đáo, Chúng cuống cuồng khi tàu lật, chới với tìm con, tìm vợ, nhưng vì quá đông người bấu víu, nên Chúng chỉ đưa được hàng loạt người vào bờ an tòan còn vợ con mình thì không cứu được. Cô Vân và thằng cu Tũn năm tuổi mũm mĩm là thế đã bị sóng biển nhanh chóng cuốn đi. Chúng đau đớn. Nỗi đau dường như không thể nào buông tha cái hạnh phúc giản đơn của mình. Đáo và anh em tổ thợ đã đến động viên và chia sẻ nhiều mà Chúng không thể nguôi ngoai.  
     Nhưng trong nỗi đau tột cùng đó, Chúng luôn dằn vặt nghĩ tại mình cứ ham cứu người khác mà bỏ mặc vợ con, tội Chúng trời không dung, đất không tha, không bao giờ Chúng có được cái tổ ấm hạnh phúc ấy nữa! Cùng ra mỏ một đợt với Đáo, Chúng cách nhà Đáo một xã, gọi nhau là đồng hương huyện, vui buồn gì thì hai thằng vẫn chia sẻ với nhau. Ai ngờ, định mệnh, ai ngờ ông trời không thương Chúng để cho Chúng đau đớn quá.  
    Một năm, hai năm sau thì Chúng cũng vơi bớt phần nào, có cô Lý bạn với Liên nhà Đáo cùng đi chuyến tàu định mệnh ấy, Liên đã cố gắng tác thành họ với nhau. Ban đầu thì còn e ngại nhưng sau họ đã dựa vào nhau để cùng chia sẻ. Năm đó Lý và Sung vừa cưới nhau, về ra mắt họ hàng nội ngoại. Cũng như Chúng, Sung đã hết sức cứu giúp những người cùng chuyến tàu bị nạn, nhưng khi đến người cuối cùng đưa vào bờan toàn thì Sung kiệt sức rồi bỏ Lý đi luôn! Vì thế, mỗi khi đến dịp cuối năm, ngày giỗ chung của mỏ bao giờ cũng được làm long trọng ở nhà văn hóa cạnh khu dân cư. Những người được cứu đã đến cảm ơn và chia buồn cùng Lý, cùng Chúng. Những ngày đó trong làn hương trầm thơm ngát ấy, tình cảm cánh thợ cùng khu tập thể như dâng lên bội phần.  
     Nhiều năm sau khi không còn làm giám đốc mỏ Làng Bang nhưng  Nam luôn trực tiếp dẫn đầu đoàn lãnh đạo đến thắp hương cho từng nhà có người thân bị nạn. Và, nhiều năm sau khi đã về nghỉ hưu, cựu giám đốc Nam một mình vẫn đến từng nhà để chia sẻ nỗi đau không vơi cho những ông bố, bà mẹ già bị mất con, những ông chồng trẻ, cô vợ trẻ mất một nửa của mình. Chính giám đốc Nam cũng đã có tác động mạnh để Lý và Chúng tác thành đôi lứa. Và đúng như mong muốn của mọi người, họ đã về với nhau trong hạnh phúc nghẹn ngào.
   Thời gian cũng vèo trôi, mới ngày nào Nam còn tác thành cho họ, nhưng Chúng cũng lại bỏ mẹ con Lý ở lại, may cu Thành học hành tiến bộ, anh tự thấy ấm áp khi làm được một việc nhỏ cho con của người thợ lò đoản mệnh ấy.

Chương 5
 
      Tổ thợ của Đáo hôm nay làm đến cánh phải của diện khai thác. Theo “hộ chiếu” kỹ thuật, cánh này trữ lượng khá, nhưng có nguy cơ sẽ dính vào vỉa kẹp nhiều đá rồi mới tới gương than chính. Không sao, kinh nghiệm bao năm cho thấy, càng khó thì càng có nhiều  than, năng suất cao thì cánh thợ càng phấn chấn. Tiếng than rơi rào rào xuống máng cào, cái làn sáng phát ra từ những mảnh kíp lê cứ óng ánh  loang lóang theo ánh đèn lò. Tiếng anh em tổ thợ tếu táo:
-                     Ông Đáo ơi phen này tổ ta lại đạt tổ năng suất kỷ lục sớm trước ngày mười hai tháng mười một rồi. Khớ khớ, mẹ kiếp, than gio gì cứng như thép, bổ mãi chưa vỡ.
-                     Ông Hoạch tào phào ơi, làm đi, chưa làm đã năng suất kỷ lục nước mẹ gì, chỉ được cái hóng hớt.
-                     Ô hay, cái ông này đến lạ, thì tổ ta có bao giờ không đạt danh hiệu đó. Không đạt thì đ. phải tổ đào lò của thợ Đáo nhá. Mẹ kiếp.
-                     Hô hô hô, chưa gì đã cáu, làm đi anh em ơi
-                     Thôi xin cái bố, chuyện gì chả chuyện cứ nhè nhau thế có ngày bổ vào nhau đấy. Tiếng Đáo xen lẫn tiếng than rơi rào rào.
-                     Ha ha ha tổ trưởng ơi - tiếng thợ lò khác- phen này về trước kế hoạch đến nhà tổ trưởng để em Liên lại chiêu đãi món mộc tồn nhá. Hahaha
-                     Ui trời, làm đi mấy bố, chuyện nhỏ như đồng cỏ mùa xuân nhá- Đáo cũng đùa theo
-                     Mà này, các bố ơi, các bố có nghe ca mình họ bàn tán gì không, hôm qua có một vụ rất chi là hay xảy ra ở lối đi bộ xuống lò đấy.
-                     Sao cơ?
-                     Sao cơ?
Nhiều tiếng hỏi, có tiếng than rơi như vợi đi. Đáo hắng giọng bảo:
-                     Bố sư các ông, giải lao đi, tên nào có chuyện kể thì kể béng đi rồi còn cuốc chứ không là hết ca chưa được tí nào đâu. Bố Hoạch tào phào phải không, cho kể năm phút để anh em giải lao.
Sau tiếng của Đáo, cánh thợ vỗ tay rào rào, tiếng vỗ tay trong lòng đất cũng thấy nặng chịch. Ánh đèn lò không soi tỏ mặt người mà chỉ thấy những ánh mắt có những tia sáng phát ra lốm đốm như ánh mắt của những chú mèo tinh khôn. Than đã nhuộm đen họ, có chăng chỉ khác là họ lay động còn than thì đứng im. Tiếng Hoạch tào phào ậm ệ rồi kể:
-                     Các ông biết không, hôm qua chính giám đốc Nam tóm dính một đôi “chịn” nhau ở cửa lò, chỗ bậc lên xuống dự phòng ý.
-                     Phét lác. Trên bậc làm gì được.
-                     Tào phào ơi, phét lác đủ năm phút cho bọn tớ được ngơi thôi, làm đ. gì có chuyện đó.
-                     Ơ hay, mấy bố, hết mẹ nó năm phút đến nơi, để thằng tào phào kể đi.
-                     Mẹ kiếp, bố đ. kể nữa.
-                     Ô hay, cái thằng láo cá, tổ trưởng cho kể, không kể thì bịa. Mặc xác mày.
-                     Đúng đấy, mày không kể được, các bố nọc xác mày bằng bữa mộc tồn tinh tươm đấy, đừng có giỡn.
-                     Dạ, dạ, thưa các bố, con kể ngay đây ạ. Số là, số là…hai đứa kia đang chết dí vào nhau thì vớ được giám đốc mỏ đi tuần tra. Úi giời ơi là giời. Con đĩ kia thì gác cửa giếng bên trên, thằng kia thì gác phía cửa giếng phụ, phải mề nhau lâu rồi. Không hiểu sao cả hai dám bỏ ca, mỗi đứa chạy một nửa cái giếng phụ dốc ngược đó rồi dính vào nhau. Hahaha….đang hành sự thì ông giám đốc Nam lại đi tới nơi, tưởng có vật gì cản đường phía trước, càng tới nó càng to ra, nhấp nhổm…Tới nơi hóa ra đôi dâm phụ đó! Hai đứa như trời trồng. Cấm khẩu luôn. Đòan kiểm tra vừa tới nơi. Mấy cậu kiểm tra kiểm mẹ đó lập tức lập biên bản, nhưng giám đốc Nam bảo khoan. Mọi người đi đi, để tôi giải quyết.
-                     Rồi sao, rồi sao
Cả bọn đồng thanh hỏi.
-                     Để tớ uống ngụm nước đã, kể thể chó nào hết năm phút được, xin một phút nữa tổ trưởng nhé.
-                     Ông câu giờ bỏ mẹ. Thì kể tiếp đi, đừng ai hỏi nó nữa. Chuyện này chắc bốc phét thôi, đ. đứa nào hành sự giữa cái đường bậc dốc đứng ấy. Chỉ được cái phét lác…
-                     Thế đếch kể nữa.
-                     Thôi đi bố, đã kể thì kể nốt, cuối cùng giám đốc xử lý sao?
-                     Mẹ kiếp, mất cả hứng. Cuối cùng, ông giám đốc đứng lại bảo hai đồ khùng kia mặc quần áo vào rồi ra trình bày hòan cảnh. Hai đứa vội vàng chạy tút vào hốc đá chỉnh trang quần áo ra trình bày với giám đốc.
-                     Trình bày thế nào?
-                     Ơ hay, có để tôi kể hết không mấy bố.
-                     Ừ, kể tiếp, mày kể như củ cặc, dài lê thê, chả đâu vào đâu. Kể nhanh đi, bốn phút rưỡi rồi.
-                     Hai đứa dâm phu dâm phụ ấy nói là, vì chúng nó yêu nhau.
-                     Chuyện như cứt.
-                     Nhạt tọet, mà cũng làm các bố mất bốn phút chín để nghe.
-                     Yêu nhau là thế nào, đã dâm phu, dâm phụ thì đều bọn có chồng có vợ rồi chỉ có mà phải lòng nhau, đánh chén vụng trộm mới thế.
-                     Sai toét, hai đứa đó yêu nhau thật, tình đầu hẳn hoi. Đứa nào cũng chê thiên hạ không hợp với mình, thế là đứng bóng mẹ nó rồi mới vạ vào nhau, anh đáy giếng, em miệng giếng ta giềng nhau chơi. Hahahaha..nghe câu chuyện của hai đứa, ông giám đốc Nam tha bổng. Ông bảo, hai đứa lập tức báo cáo công đòan phân xưởng để chủ nhật tới tổ chức đám cưới. Ông giám đốc sẽ làm chủ hôn. Hahaa…hết chuyện.
-                     Hay. Thằng  tào phào hóng hớt ở đâu ra câu chuyện được đấy.
-                     Bốc phét mà nghe ra cũng có lý.
-                     Mẹ kiếp các bố không tin thì thôi, nhưng các bố đi ca thể nào chả gặp cái thằng Phụng béo đứng gác ở cái giếng phụ ý, nếu không tin đi mà hỏi nó nhé.
-                     Này, ông Đáo ơi, tôi thấy có một luồng gió lạnh xuyên qua. Hình như, hình có gì đó không ổn.
-                     Hả, ở đâu thế, góc đằng này. Có một tiếng gì đó, không hiểu là nước, là bùn hay một cái gì đó…
-                     Nghe xem nào, nghe kỹ đi…
-                     Chạy thôi tổ trưởng.
-                     Bình tĩnh đi. Có lẽ thần hồn nát thần tính.
-                     Không, thật đấy, tôi có linh cảm mà, anh Đáo cho tổ ngưng đi, rút thôi.
-                     Ờ.
Bỗng một tiếng ầm, roạp. Tứ phía bùn đất ào đổ xuống.
Đáo hét to
-Cả tổ rút đi, có chuyện rồi, thằng nào chạy nhanh báo động đi. Tôi ra sau cùng. Khẩn trương rút nào anh em ơi.
Tứ phía gương than như cùng rung chuyển. Nước, bùn nhão nhoẹt nhanh chóng từ mọi ngả dâng lên ngập đường rút của cánh thợ. Mạnh ai người đó tự giải quyết thoát thân. Hơn nửa cánh thợ làm việc trong khu vực đã thóat ra, số còn mắc lại có Đáo. Anh đã nhanh chóng liên hệ với anh em để tìm cách thóat thân. Đường lò như bị đút nút tối thui. Không một tiếng gì ngòai tiếng thác âm âm trút nước và bùn xuống. Chỉ một tích tắc thì cả đường lò biến mất. Trong các họng sáo, hàm ếch của đường lò cánh thợ đang cố cùng để tranh giành sự sống với thần chết. Kinh nghiệm của cánh thợ là cứ cố thủ và tự tìm cách thóat thân bằng mọi cách. Đường lò khai thác ai cũng thuộc nằm lòng, chỉ sợ nó tắc hết thì đành bó tay thôi, nhưng còn khả năng thì còn phải chiến đấu để thóat thân. Đáo ở cạnh tốp thợ ba người. Anh quan sát kỹ cái hàm ếch và phán đoán có lẽ cứ nhanh tay tự đào đường lên phía ngách trên sẽ có được đường ra. Đúng như dự đóan, sau một ngày bị giam hãm trong cái không gian chật hẹp đó, Đáo cùng hai anh thợ đã cùng nhau chọc thủng được một lỗ lên trên, không khí lọt vào, có khí thở ba anh em cũng đỡ mệt hơn. Việc đầu tiên cầu cứu đội cứu hộ bên trên là xé áo nối thành đoạn dây buộc vào cây thìu rồi cố đùn lên trên để họ sớm biết mà đến cứu. Đúng như dự đóan, khi cái đầu cây thìu có mẩu áo bảo hộ chui lên mặt đất đã được đội cứu hộ tìm thấy và họ nhanh chóng cứu được nhóm người lên trong sự vui mừng hân hoan vô bờ của vợ con, gia đình và đồng nghiệp.
    Nhìn hình ảnh những công nhân vừa được giải cứu thành công lên khỏi cửa ngõ thần chết, xúc động trào dâng trong mỗi người có mặt ở đó, họ là trụ cột của gia đình, của mỏ, họ đã cống hiến và đã hi sinh để dòng than luôn chảy mãi.
Đáo và đồng đội đã phải nằm viện cả tháng trời để hồi phục sức khỏe. Sau khi ra viện, anh vẫn tiếp tục động viên anh em tổ thợ vững tin với công việc của mình. Đau đớn nhất là tổ của Đáo đã có một cậu hy sinh, đó chính là Họach tào phào, cái biệt danh đó anh em tổ thợ đặt để gọi cho vui, và Họach cũng đôi khi tào phào thật, cậu chẳng để ý điều gì và chả bao giờ cho điều gì là to tát nên cứ …tào phào cho vui. Bữa đó, câu chuyện vừa kể dứt thì sự cố bục nước trong tích tắc đã nhấn chìm tất cả. Dù Đáo đã kêu gọi anh em chạy nhanh thóat thân, nhưng không hiểu sao Hoạch lại rớt lại. Họach rớt lại ở một hàm ếch khác. Vì một mình, sức lực bị hút kiệt khi ba ngày không ăn uống lại thiếu dưỡng khí, nên cái cách mà Đáo đã phổ biến tự tìm đường thóat thân ở bất cứ tình huống nào Hoạch đã không cố được.
Khi đội cứu hộ tìm được thì Hoạch đã đào được một đoạn họng sáo nhỏ xíu phía bên trên, nhưng cái họng sáo đó mãi mãi không vươn tới ánh mặt trời, và vì thế Hoạch đã ôm cây thìu và nằm lại thảnh thơi như một giấc ngủ dài trong cái hàm ếch nhỏ xíu đó, để rồi mãi mãi bỏ lại gia đình, vợ con và đồng đội thân yêu. Sự hy sinh của Hoạch là nỗi buồn lớn không chỉ riêng tổ thợ của Đáo, nó còn là nỗi mất mát vô bờ của vợ con, gia đình Hoạch. Nhiều anh em cũng nản, hôm đưa đám Họach, thằng Dũng đã bảo Đáo:
-  Buồn. Thằng Hoạch nó chết khiến tao và anh em nản chí, chả thiết tiếp tục công việc nữa. Đời sao mà cay đắng, cứ lấy đi những thứ quý giá của con người.
Nói rồi mắt Dũng rưng rưng. Đáo cũng thế. Con người có phải gỗ đá đâu. Hôm qua còn bên nhau, còn gọi nhau là này kia, giờ thì muốn trêu nhau cũng thực là khó. Cuộc sống thì vẫn tiếp diễn, dù muôn vàn những khó khăn vẫn đang xảy đến mà không ai có thể dừng lại được. Anh em tổ thợ của Đáo cũng chùng nản đến tháng trời vì sự ra đi của Hoạch.
(Còn nữa)

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)