MỘT NGƯỜI BẠN THÂN THIẾT CỦA CHÚNG TÔI
Phạm Ngọc Tâm Dung
Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ, Nhà phê bình văn học Vũ Nho là một đàn anh văn chương xuất sắc trong nhóm "Chúng tôi yêu nghệ thuật" và "Miền Cổ Tích".
Đã từng giảng dạy ở trường Đại Học Sư Phạm, đã từng học tập và công tác nhiều năm ở nước ngoài, đã từng giữ trọng trách trong ngành giáo dục, đã từng góp phần đào tạo các thế hệ nghiên cứu sinh sau đại học và đã từng nhận nhiều phần thưởng cao quý trong và ngoài nước, Nhà văn Vũ Nho trở thành một nhân vật khá đặc biệt trong giới văn chương.
Với số lượng sách xuất bản đồ sộ: gần 120 đầu sách chung và riêng gồm sáng tác thơ, truyện ngắn, ký, dịch thuật, nghiên cứu khoa học giáo dục, ứng dụng dạy và học văn ở bậc phổ thông, nghiên cứu văn hóa, văn chương, đặc biệt là phê bình văn học ... Tiến sĩ Vũ Nho đã trở thành một biểu tượng được rất nhiều thế hệ học trò, giáo viên, bạn đọc, đồng nghiệp và nhiều cơ quan truyền thông biết danh và yêu mến.
Với số lượng sách xuất bản khổng lồ như thế, dù có chăm chú đọc, tôi cũng chỉ như một con chim chích nhỏ len lỏi giữa cây đa biếc xanh, chỉ dám điểm qua đôi nét về sự biết được của mình:
Về sáng tác (truyện ngắn và thơ), anh in nhiều thơ trên báo, in chung tập thơ với TS. Nhà thơ Trần Đăng Thao và TS. Nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn. Từng nhận giải nhì thi truyện ngắn khu Việt Bắc và Giải nhất truyện ngắn Bắc Thái.
Về dịch thuật (cả mảng truyện cười đăng dài kỳ trên Miền Cổ Tích) anh có 8 cuốn dịch từ tiếng Nga được in ở Việt Nam, có cuốn in 2 lần là “Chào các em” và có cuốn in 4 lần, là “Giữa trời chiếc bánh ga tô”.
Về phê bình văn học, anh tập trung vào mảng thơ với các cuốn “ Thơ chọn và lời bình”, “Đi giữa miền thơ”, “Thơ và dạy học thơ”, “Thơ - những vẻ đẹp”, “Bình thơ”, “Thơ cho tuổi thơ”.
Chuyên khảo anh có “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca” và “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều, so sánh và bình luận”, Nhà xuất bản Hội nhà Văn, Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản. “Văn hóa dân tộc thời hội nhập”.
Với bạn văn, điều trân quý, ai cũng thấy ở Tiến sĩ Vũ Nho là sự giản dị khiêm nhường và hòa đồng hiểm thấy.
Dù vô cùng bận mải, nhưng anh vẫn giành cho bạn bè những giây phút thân ái. Hầu như anh chưa từ chối giúp đỡ bất cứ ai khi họ đã có lời.
Tôi nhớ, tầm năm 2016, anh Nguyễn Xuân Nhuận có nhờ tôi gửi tác phẩm tiểu thuyết "Hoa Dạ Hương" để nhờ Nhà văn Vũ Nho đọc giùm và viết lời giới thiệu cho cuốn sách, đúng lúc ngày mai anh cùng gia đình đi du lịch nước ngoài dài ngày. Tôi đang lo anh từ chối, nhưng không!
Nhà văn vui vẻ nói:
-Mình đi một tháng, nhưng không sao, mình sẽ cầm theo, tranh thủ đọc và gửi lời góp ý cũng như bài giới thiệu qua mạng.
Quả nhiên, chúng tôi đã nhận được món quà vô giá mà người đàn anh văn chương thân thiện gửi về từ đất nước Thái Lan.
Sự cần mẫn, sự thông tuệ, cộng với tư chất nhân hậu đã tạo cho anh một thế giới bạn bè đông đúc đến đáng nể.
Nhóm "Chúng tôi yêu nghệ thuật" của chúng tôi, gồm Phó giáo sư tiến sĩ Vũ Nho, Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó giáo sư tiến sĩ Đàm Đức Vượng, Nhà giáo thạc sĩ Hoàng Kim Bảo, Nhà giáo nhà thơ Ánh Tuyết, Kỹ sư nhà thơ Nguyễn Đình Bắc, Doanh nhân Hồng Ngát và tôi; hình thành từ những năm đầu của thập kỷ hai mươi, tầm năm 2013 - 2014 gì đó. Trước đó chúng tôi thường tụ tập, khi vài tháng một lần, khi một tháng vài ba lần. Chúng tôi thường lấy đủ các "lý do"( mà gọi cho có tầm quan trọng là "sự kiện"). Trò đời, đã "dính" vào văn chương thì thiếu gì "sự kiện". Khi thì nhân dịp sinh nhật của ai đó trong nhóm. Lúc thì mừng tác phẩm được đăng báo, được giải thưởng, mừng có người được làm "bố vợ phải đấm" ... Rồi dịp lễ, tết, du xuân, hội này hội nọ...
Nhưng trong số chúng tôi, người "được" tạo lý do nhiều nhất vẫn là nhà văn Vũ Nho. Nếu ta ví, các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật là những đứa con tinh thần thì "bà mẹ" Vũ Nho là người mắn đẻ hơn... cả gà. Đẻ bài in báo và đẻ sách. Chuyện "vỡ kể hoạch" năm nào cũng diễn ra. Mà lạ kỳ, "bà mẹ" này đi đẻ, cứ như người ta...đi chơi!
Vừa thấy rắng rỏi vài tháng trước, tháng sau đã có sách.
Khi chúng tôi ra chiều ngạc nhiên thì Tiến sĩ cười cười mà trần tình: "Các bài này mình viết rải rác đã mấy chục năm rồi, nay chỉ gộp lại và biên tập là xong...”.
Còn tác phẩm in các báo lớn, báo vừa, báo nhỏ thì không tính hết.
Vì vậy, bảo sao chúng tôi không đầy đủ lý do tụ tập để mà "ăn mừng"!
Tiếng là liên hoan nhưng các người thơ vốn xuề xòa, dễ tính và đạm bạc quen rồi. Trụ sở của chúng tôi thường là ở nhà Hoàng Kim Bảo, ngõ 218 đường Tây Sơn. "Đại tiệc" không bao giờ thiếu bánh gato của nhà văn Vũ Nho, rượu vang dâu hảo hạng tự cất của nhà thơ Nguyễn Đình Bắc, bánh ngọt và trà của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, hoa quả của Nhà Thơ Ánh Tuyết và đôi khi có cả đặc sản món măng mực hay mực xào su hào Bát Tràng của Hồng Ngát.
Chủ nhà Kim Bảo là người trọng bạn và mến khách. Nàng thường chủ trương mua sắm đồ nhậu, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, từ mấy hôm trước. Tâm Dung, Hồng Ngát, Ánh Tuyết khi nào có mặt là trở thành bộ ba, bộ bốn nhà bếp. Đây là thời gian khá đặc biệt. Kẻ nấu, người nhặt rau, đi chợ mua bổ sung... hệt như kiểu ... một gia đình có cỗ thời xưa. Anh Vũ Nho luôn được phân công "cắt gà". Chỉ với chiếc kéo kèm câu chuyện hài hài nào đó, chấm dứt câu chuyện là con gà đã lên đĩa chẳng khác dân "chuyên nghiệp" tẹo nào...
Những ngày lễ valentine, 8 tháng 3 hay 20 tháng 10 các "chàng trai" lại trổ tài ga lăng bằng những bó hoa và một chút quà xinh xắn, làm cho mấy chị em nức nở tươi tắn bên tà áo dài mà lung linh với ảnh...
Thường thì chúng tôi bắt đầu "tập kết" từ 9 hoặc 10 giờ sáng, "chén chú chén anh" nhắm với thơ, với chuyện, với ảnh... Cho đến tầm 2, 3 giờ chiều, Có buổi say sưa với những câu chuyện vui hay buồn nên "quá chén"! Cánh mày râu đã khi "vào rượu" thì nói ...hơi nhiều, mà anh Vũ Nho là người rôm nhất. Thôi thì đủ các loại chuyện, kể cả tiếu lâm trong và ngoài nước, chủ yếu là chuyện văn, chuyện đời, vui vẻ. Tuy "say" mà vẫn tỉnh hơn ai...!
Điều cốt yếu trong các buổi sinh hoạt này, Tổng biên tập Nguyễn Ngoc Thiện thường hay mở đầu bằng những câu chuyện liên quan đến những vấn đề "thời sự" văn chương, đến Tạp chí Diễn Đàn Văn Nghệ, và những con số 7 may mắn... Còn Vũ Nho, tôi chưa thấy ai trọng nể, yêu quý bạn, trọng thị văn chương như Vũ Nho.
Không mấy khi anh không khoe mình được tặng sách, mình đã viết lời bình cho người nọ, người kia (Tôi xin nói là trong đó có cả những người mới quen hoặc thậm chí chưa biết mặt tin cậy gửi bản thảo qua email)...
Khi trò chuyện, Vũ Nho rất lắng nghe bạn bè chia sẻ. Có lần, Ánh Tuyết trần tình về nỗi niềm đa đoan của cuộc đời người đàn bà làm thơ, và những vần thơ nhỏ máu trên đầu ngọn bút nàng viết... Cả nhóm lặng im! Vũ Nho lặng im đặt chén xuống mâm, rồi đột ngột phản ứng bằng cách... cứ thế... Uống...! Khi ấy, Nguyễn Đình Bắc như một "Triển Chiêu" thù tạc. Hai người đàn ông nhìn vào mắt nhau tri kỷ, hai tâm hồn lặn vào nhau, chan chứa tình bạn, tình đời!
Nhóm chúng tôi cứ hình thành hồn nhiên, kết lại dẻo quánh và nồng nàn như những hạt phù sa quen thành bờ bãi. Rồi đã đến lúc cần có tên, có tuổi, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, người anh cả của nhóm được nhóm ủy thác đặt tên là nhóm "Chúng tôi yêu nghệ thuật" và chúng tôi nhất trí bầu Tiến sĩ Vũ Nho làm trưởng nhóm.
Ngoài việc đàm đạo văn chương, chúng tôi còn tổ chức thăm thú các nơi danh lam thắng cảnh, thăm nhà nhau. Mấy năm liền, cứ nhắm mùng 5 tết nguyên đán là kéo quân về nhà kĩ sư Nguyễn Đình Bắc ở Bán Đảo Linh Đàm. Rồi đến nhà Tiến sĩ Vũ Nho ở Phan Đình Giót. Nhà Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện ở Trần Quốc Hoàn và nhà cổ ở Làng Nành Gia Lâm; nhà Tiến sĩ Đàm Đức Vượng ở Hoàng Quốc Việt; nhà doanh nhân Hồng Ngát ở Bát Tràng; nhà Ánh Tuyết tại Thành phố Thái Bình... Chuyển đi thăm thú nào, Vũ Nho cũng đóng vai trò nòng cốt, là người tiên phong, người “hoạt náo viên” cho cả chuyến đi.
Tôi có người em họ là Phạm Thường Dân, vì chán cảnh đô thành mà trở về quê hương, đóng một con thuyền bồng bềnh trên dòng sông Sứ bên xóm nhỏ để tụ tập bạn bè cùng có thú vui tao nhã với những vần thơ.
Năm 2014, cả nhóm chúng tôi dưới sự chủ trì của nhóm trưởng Vũ Nho đã về nơi đó.
Anh đứng lặng người trước những "tán si già mấy trăm năm tuổi" cùng những "chùm rễ già buông buông nước vu vơ", trước "ngôi nhà cổ rêu phong thâm mái ngói/ đàn sẻ thung thăng ríu rít gọi bầy..."
Và dưới con thuyền sơn màu xanh, tiếng ai đó ngân nga thơ của thi sĩ đồng quê Quốc Anh:
Chân trần khoả nước mạn thuyền
Em cười rơi cặp đồng tiền xuống sông
Tôi mò đằm tận đáy dòng
Nước thì có nước, tiền không thấy tiền
Rủi tôi thác xuống cửu tuyền
Xin em đốt vía đồng tiền được không.
Không một chút e dè, khách khí, tâm hồn nghệ sĩ của người thơ, nhà nghiên cứu văn chương Vũ Nho hòa nhập vào với không gian và con người ở đây như người xa quê lâu ngày được trở lại.
Tách trà thơm thảo, bát nước vối thanh mát, chùm sung vừa hái trên cây còn nguyên nhựa, đĩa lạc luộc vườn nhà và rượu nếp cái hoa vàng thứ thiệt đã nối mãi vòng tay.
Từ đó trở đi, với "Miền Cổ Tích", anh vẫn cần mẫn đóng vai trò một "Bác Trưởng ban cố vấn Vũ Nho" hiền lành, dễ mến. Anh cũng cặm cụi chi chút từ việc nhỏ đến việc to như người chị hiền, như người anh cả. Anh âm thầm lặng lẽ chọn những tác phẩm văn xuôi hay, những áng thơ lạ của các thi nhân đăng trên trang "Miền Cổ Tích" hay chọn trong sách "Thi Nhân Miền Cổ Tích", viết lời bình, biên tập và gửi cho các báo đăng để động viên và quảng bá hình ảnh để cho người yêu văn chương cả nước biết đến "một miền thơ như thế". Cho đến thời điểm này (mùa hè năm 2021) chúng tôi không thể thống kê hết được những bài viết anh đã đặc biệt vinh danh và trao tặng cho Miền Thơ Cổ Tích và cho các bạn bè. Chỉ biết rằng thơ, tản văn, truyện của Tâm Dung tôi, thơ Ánh Tuyết, truyện của Hoàng Kim Bảo, truyện của Y Mùi, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Nhuận, thơ của Trần Đăng Thao, Đàm Đức Vượng, Tô Diệp, Xuân Đam, Phạm Thường Dân, Quốc Anh, Nguyễn Đình Bắc, Lê Tiến Vượng, Đặng Thành Tô, Dương Đoàn Trọng, sách nghiên cứu của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thiện đều đã được anh viết bình luận và giới thiệu.
Miền Cổ Tích có được ngày nay, là một phần công lao to lớn của Tiến sĩ. Hôm ở nhóm “Chúng tôi yêu nghệ thuật”, anh thông báo là có ý định tập hợp những bài viết của bạn bè cho mình, in thành một cuốn sách tri ân. Tôi đánh bạo viết một bài về anh, nhưng thú thực, cái vốn văn chương bé nhỏ của tôi, nó tựa như một kẻ đứng dưới bóng đa, bóng đề, râm mát lắm nhưng chỉ nhìn thấy màu xanh rầm rì, có chăng chỉ nghe được tiếng gió, tiếng chim trên cành cao, ngắm đôi búp chồi non xinh xinh đang vươn từ một tảng biếu nơi thân gốc, hoặc giả một chút rêu, vài nhành tầm gửi bám chơi vơi trên gốc đại thụ... Dầu sao, đây cũng là những dòng viết tự tấm lòng!
Hà Nội, tháng 6 năm 2021
Người gửi / điện thoại