bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 158
Trong tuần: 951
Lượt truy cập: 629895

BÁO CÁO TỔNG KẾT TRẠI VHCN CẦN THƠ

 An Bình Minh
 
BÁO CÁO TỔNG KẾT
TRẠI SÁNG TÁC VĂN HỌC CÔNG NHÂN
NĂM 2022
(Cần Thơ, từ 10/5 đến 24/5/2019)
 
Kính thưa các vị đại biểu
Thưa các nhà văn nhà thơ thân mến
 
    Sau 15 ngày, các nhà văn nhà thơ từ bốn phương trời của cả nước chúng ta tụ hội tại đây - Nhà sáng tác Cần Thơ, một thành phố trung tâm của châu thổ sông Cửu Long, trù phú, tuyệt đẹp và nên thơ, - nơi sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất của cả nước - nơi cư ngụ của những người nông dân giỏi về sản xuất lớn, đang tiến tới công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn - để thực hiện sáng tác văn học đề tài về công nhân và người lao động.
Ngay ở phút đầu tiên của buổi tổng kết này, tôi đã có thể trân trọng, vui mừng thông báo đến các quý vị và các bạn rằng, trại sáng tác của chúng ta đã thành công tốt đẹp.
- Kính thưa quý vị và các bạn!
Có được thành công này, lời mở đầu trước tiên xin gửi lời cảm ơn đến Trung tâm hỗ trợ sáng tác (của Bộ VH -TT & DL) đã tạo điều kiện để Trại sáng tác VHCN được tổ chức tại Nhà sáng tác Cần Thơ.
Lời mở đầu thứ hai xin nhắc lại việc Thường vụ Hội Nhà văn VN đã đến gặp gỡ, chúc mừng và Chủ tịch Hội Nhà văn VN, Nguyễn Quang Thiều đã phát biểu động viên trước lúc đoàn lên đường vào Nam. Chúng tôi coi đây yếu tố đáng quý tạo điều kiện cho Trại sáng tác hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Và thứ ba là xin cảm ơn Hội Nhà văn TP.Cần Thơ và Chi hội nhà văn VN ở Cần Thơ đã kết nối và tạo điều kiện cho chúng tôi mở rộng quan hệ, tiếp xúc với các nhà văn, nhà thơ ở TP. Cần Thơ. Đặc biệt, chủ tịch Hội nhà văn Cần Thơ, nhà văn Nguyễn Trung Nguyên đã cho anh em chúng tôi có điều kiện tham quan địa danh văn hóa lịch sử, tiếp xúc với các nhà hoạt động văn nghệ để thấu hiểu hơn về Vùng đất miền Tây Nam Bộ và Người miền Tây hào sảng, nghĩa khí, thân thiện.

 img_0828a

Thưa quý vị và các bạn!
 
   Ở Trại viết lần, các nhà văn, nhà thơ, bên cạnh việc miệt mài, trách nhiệm với nghề viết, gọt rũa, biên tập tác phẩm, đã tranh thủ thời gian đi thâm nhập thực tế, tạo vốn sống cho sáng tác. Kết quả chúng ta đã thu hoạch được 15 tác phẩm văn học phong phú, đa dạng cả về thể tài và nội dung. Có thể đơn cử với những dòng tóm tắt ngắn gọn qua các tác phẩm của nhà văn, nhà thơ sau đây:

1- Nhà thơ Vương Tâm (Hội viên hội Nhà văn VN - Hà Nội), một cây đa cây đề trong làng thơ VN, anh Vương Tâm đi nhiều, viết khỏe, viết nhanh. Thơ của anh như dòng chảy bình dị, tinh tế, đậm tình đời và tất nhiên đậm độ cả tình yêu đôi lứa “Tôi vẽ em bằng chén rượu cay/ Ngọt đến bỏng môi vì má thắm/ Nét mi cong ngời ngời mơ mộng/ Và nụ cười hy vọng thiết tha”. Anh Vương Tâm không hổ danh mang đến Trại chùm thơ 10 bài, cùng 1 bút ký duyên dáng như thơ viết bằng văn xuôi, có cái tựa đề nhấn nhá, gợi mở, mô phỏng câu hò hoan ca trên sông Hậu “Cần Thơ có bến Ninh Kiều”. Xin chúc mừng Nhà thơ Vương Tâm.
 
2- Nhà văn Nhật Hồng tức Nguyễn Văn Lộc (Hội nhà văn Cần Thơ) - Anh mang đến Trại viết 3 truyện ngắn Cánh sếu mùa luân lạc, Giấc mơ kỳ lạ Đón cá viết về Người và Đất Đồng bằng sông Cửu Long. Truyện của anh giàu tình tiết, âm thanh và hình ảnh. Đọc truyện của Nhật Hồng như được nhìn rõ dáng vóc người nông dân Nam Bộ bộc trực, thẳng thắng, “nói vậy là vậy” không vòng vo sống trong một phong tục tập quán riêng có và đặc biệt là nếp canh tác sản xuất lớn. Tất cả đã làm nên một vùng ĐBSCL, một vựa lúa và trung tâm sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước. Xin chúc mừng Nhà văn Nhật Hồng ...
 
3- Nhà thơ Nguyễn Thị Minh Đức (Hội viên Hội nhà văn Quảng Ninh) mang đến và viết ở Trại sáng tác 5 bài thơ trong đó có bài viết về thành phố Cần Thơ, dù chỉ thoáng qua những ngày ngắn ngủi nhưng đã để lại cho nhà thơ tình cảm lưu luyến, để nhớ để thương... Về đâu chiếc áo bà ba/ Miệt vườn xanh nhớ tiếng gà xôn xao/ Tháng năm trời đổ mưa rào/ Ngoài kia hoa khế rụng vào tương tư... Cùng với chùm thơ, Minh Đức còn có 1 tùy bút Nơi bình minh thức giấc viết về sự đổi thay vùng đất Tiên Yên, Quảng Ninh, gắn với kết nối sắc màu văn hoá dân tộc vùng Ba Chẽ, Bình Liêu... (Tôi đã chiến đấu ở Tiên Yên - Ba Chẽ năm 1966 - 1967. Đọc tùy bút lãng mạn này chắc chắn sẽ tìm dịp đến thăm lại phố núi Tiên Yên. Xin chúc mừng nhà thơ Minh Đức).
 
4- Nhà văn Phạm Minh Hằng (Hội viên hội Nhà văn VN - Hòa Bình) mang đến Trại sáng tác một ngắn, dự thảo từ năm 2021 và hoàn thành ở Cần Thơ tháng 5/2022 có tên Người quân tử. Truyện kể về anh lái xe tên Hùng (cũng chính là phân đoạn cuộc đời của tác giả) trong chuyến về xuôi vận chuyển hàng hóa cho tỉnh Phong Sa Lỳ, Thượng Lào, đã nghe được một bài hát phổ thơ từ chính bài thơ của tác giả tặng mình năm xưa. Rồi từ ca khúc hát trên loa công cộng ấy, Hùng nhớ về chuyến thăm người anh ruột làm ở phòng Văn hóa tỉnh Hà Tây. Tại đây, anh gặp được các nhà thơ nổi tiếng là Bế Kiến Quốc,  được Bế Kiến Quốc tặng cho bài thơ vừa viết... Hồi ức trở về với hiện tại, đó là lúc Hùng nghe ca khúc này thì Bế Kiến Quốc đã mất. Anh để lại tâm sự như một lời dặn dò: “Những nhà văn, nhà thơ, những người làm công tác sáng tác hãy là người quân tử, hãy làm việc gì đó có ích cho quê hương, cho đời”. Truyện kể chi tiết về chuyến đi với cuộc gặp gỡ và được kết bằng triết lý cao quý ấy. Hy vọng đây là một câu chuyện hay thể hiện bút pháp và phong cách sáng tác của anh. Xin chúc mừng Nhà văn Phạm Minh Hằng.
 
5- Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, tên thân mật và Thảo Ngọc (Hội viên Hội nhà văn VN – Quảng Ninh). Thảo Ngọc viết văn xuôi, nhưng lần này chị mang đến Trại viết Trường ca đồ xộ Thành phố vỉa than. Thành phố vỉa than là khuôn hình thu nhỏ về vùng mỏ - quê hương của Thảo Ngọc Lấp lánh gương mặt người rạng rỡ/ lấp lánh những mùa than bừng thức cả địa cầu... Và khắc họa dáng vóc con người đất mỏ: Thợ mỏ như đời gặp vỉa/ Thợ mỏ như đời gặp than/ Thợ mỏ uống bia và hát tình ca/ Thợ mỏ đá bóng và luận bàn thế sự...
Rất dễ thương phải không ạ. Xin chúc mừng Nhà văn Vũ Thảo Ngọc).
 
6- Nhà văn Trương Ngọc Hùng (Hội Nhà văn Nam Định). Quê ở Nam Định, nhưng anh trưởng thành trong quân ngũ và lập gia đình ở Miền Tây Nam Bộ. Nhà văn Trương Ngọc Hùng có gần 10 năm chiến đấu ở chiến trường Biên giới Tây Nam. Truyện anh viết không nói về chiến tranh và những năm tháng anh cùng đồng đội trong những ngày gian khổ, hy sinh có hào quang chiến thắng và mất mát, đau thương, mà về khoảng lặng, một khúc xạ trận mạc của một nhân vật “phía bên kia” diễn ra ở chính vùng châu thổ sông Cửu Long này. Truyện ngắn có tên Ông già quản trang. Truyện tóm lược về một cuộc đời nhiều oan trái, bất công với đoạn kết ngắn có hậu, mang tính tâm linh, nhân quả. Xin chúc mừng Nhà văn Trương Ngọc Hùng...
 
7- Nhà thơ Thanh Dũng (Hội viên Hội nhà văn Sóc Trăng). Anh nộp cho Trại viết tập bản thảo gồm nhiều bài thơ. Thơ Trần Thanh Dũng lạ và khá kén từ. Trong bài Đêm xanh xưa mắt Ninh Kiều, Thanh Dũng viết: Bấy giờ là tiết tháng năm. Ve kêu rôm rả thăng trầm mỗi cây/ Chiều chiều bìm bịp kêu ngày. Le le ục nước cho khuây khỏa đồng/ Em về dưới chiếc cầu không. Với tà áo mỏng bạc lòng dạ tôi. Và với tâm sự kín đáo Thò tay tôi chạm bóng tôi/ vỡ ra dị mộng mặt người mặt quê. Cứ với phong cách sáng tác, chắt lọc ngôn từ này, hy vọng Thanh Dũng sẽ còn tiến xa trên con đường thơ ca của mình. Xin chúc mừng thơ Thanh Dũng.
 
8- Nhà văn Dương Hiền Nga (Hội viên Hội nhà văn Yên Bái) đã mang đến Trại sáng tác 4 truyện ngắn, trong đó 2 truyện xinh xắn viết cho thiếu nhi. Hiền Nga là nhà giáo, tuổi đời cũng thuộc loại “liền chị”, nhưng giọng truyện rất trẻ trung, vui hoạt. Truyện của chị thường khai thác ở chính lĩnh vực của mình – người giáo viên cao quý và đặc biệt trong ngày địa bàn mình từng công tác: Một giáo viên vùng cao với những câu chuyện cảm động về những cô giáo lên miền núi khắc phục mọi khăn trong tình cảm và cuộc sống riêng, “cắm bản”, dạy con chữ... Chúc mừng nhà văn Hiền Nga.
 
9- Nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương (Hội viên Hội nhà văn VN - Vĩnh Phúc ), vạm vỡ như người thợ, tính tình xởi lởi phóng khoáng nhưng truyện viết có kết cấu chặt chẽ, tinh tế, ngôn từ chọn lọc kỹ lưỡng.., Nó thể hiện trong sản phẩm anh viết ở Trại lần này: Tập truyện ngắn với 5 truyện Nhất tự vi sư bán tự vi sư; Người vắng mặt; Gặp lại nguyên mẫu; Mùa xuân này em hátCỏ mật. Truyện của Hồng Phương viết về đời sống đương đại, nhưng đậm nét folklore phonclo với ngôn từ dân gian, gần gũi, dung dị. Trong một tương lai gần, khi các nhà văn nhà thơ U90 nổi lên, những người có phong cách viết quý như anh sẽ không còn nhiều. Mong anh vững dạ, phát huy. Xin chúc mừng Nhà văn Nguyễn Nhuận Hồng Phương.
 
10- Nhà thơ Trần Quốc Dũng (Hội viên Hội nhà văn tỉnh Hòa Bình). Anh Trần Quốc Dũng vừa là nhà báo vừa là nhà văn của tỉnh, nên Hòa Bình với anh thuộc như trong lòng bàn tay. Thế nên, tác phẩm của anh đậm sắc hình một vùng quê miền núi, phên dậu của Thủ Đô Hà Nội, tập trung nhiều dân tộc lưu giữ nhiều văn hóa đặc sắc và sản vật phong phúc, như: “Gà đồi treo nướng, trời trong/ Rau tươi trái ngọt từ đồng Mường vang/ Nấm hương, gạo cẩm cơm lam/ dịu thơm làn gió rộ ràng chợ quê/ Gái trai đâu muốn sớm về/ Tình trong ánh mắt say mê chợ Chiềng..”. Ở Trại viết này, anh Quốc Dũng mang đến tập bản thảo gồm 8 bài thơ với đề tài khá đa dạng, cập nhật đời sống cư dân miền núi tỉnh Hòa Bình. Xin chúc mừng Nhà thơ Trần Quốc Dũng.
 
11- Nhà văn Phạm Hồng Loan (Hội viên Hội nhà văn Nam Định). Phạm Hồng Loan hoàn thành ở Trại sáng tác truyện ngắn Một mảnh đời - Truyện viết về đề tài đang có nhiều bức xúc: Đất đai và thân phận con người. Đất là ước mơ, là sự phấn đấu gìn giữ của cả một đời người. Nhưng cũng từ đất nếu không được ứng xử hợp lý, hợp tình thì sẽ nảy sinh biết bao hệ lụy đau thương, len lỏi vào tận gia đình, anh em họ mạc, tàn phá đaọ lý tình nghĩa ruột thịt, thậm chí dẫn đến cái chết oan ức, tức tưởi. Truyện của Hồng Loan viết về điều đó, với kết cấu mạch lạc, rõ ràng, hợp lý như chính nghề giáo viên của chị. Xin chúc mừng nhà văn Hồng Loan.
 
12- Nhà thơ Nguyễn Đắc Phượng (Hội viên hội Nhà văn Phú Thọ - đồng thời anh cũng là Hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN). Phong cách phóng khoáng, nhưng ân tình, lễ nghĩa. Điều này cũng thẻ hiện trong thơ anh. Nghề chính nhiếp ảnh của anh là chọn lọc và chớp lấy khoảnh khắc, chỉ một khoảnh khắc - một vài giây. Có lẽ điều này cũng ngấm vào thơ anh. Anh viết nhanh, viết nhiều, gần như xuất khẩu thành thơ... Ở ngay tại Cần Thơ này, Đắc Phượng đã viết khá nhiều tứ thơ tặng bạn, tặng chính mình, mang hơi thở tình cảm của anh về con người, về vùng đất mà Đắc Phượng đã đi qua nhiều lần nhưng vẫn rất mới mẻ, như - lần - đầu - gặp - gỡ. Riêng về Trại viết này, Đắc Phượng đã biên tập, hoàn chỉnh một Tập thơ Miền yêu, dự kiến sẽ xuất bản vào quý III/2022. Xin chúc mừng Nhà thơ Đắc Phượng.
 
13- Nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên (Hội viên hội Nhà văn VN - Phú Thọ và Hà Nội). Anh Nguyễn Quang Thuyên cũng là nhà thơ đã viết khá lâu, viết từ ngay trên môi trường công tác với sở trường là Trường ca và thơ tình. Và anh đã giành được giải thưởng của Hội Nhà văn VN và giải thưởng Báo Văn Nghệ (tuần báo của Hội Nhà văn VN) ở chính hai thể loại này. Nhà thơ Quang Thuyên được cử vào Nam với chức danh Trại phó, phụ trách công tác tổ chức, nội chính. Trong thời gian ở Trại viết, anh đã biên tập, sửa chữa một tập thơ hàng chục bài, cùng với Trường ca có tựa đề rất hay Vời vợi xứ Đoài. Với 7 chương tình khúc viết tặng các thày cô giáo và các bạn lớp 10A Trường cấp 3 Quảng Oai, Hà Tây. Xin chúc mừng Nhà thơ Nguyễn Quang Thuyên.
 
14- Nhà văn Cầm Sơn (Hội viên hội Nhà văn VN - Phú Thọ và Hà Nội). Anh trưởng thành từ giám đốc lâm trường, có hàng ngàn công nhân nên môi trường ấy đã giúp anh có vốn sống, giao thoa phong phú. Cầm Sơn là người đa tài, từ các lĩnh vực điện ảnh, báo chí, Văn hóa dân tộc đến chuyên viên quản lý Edmin trang web Văn học Hội nhà văn Hà Nội, ở lĩnh vực nào anh cũng chuyên nghiệp. Chính vì thế, Cầm Sơn đã dành cho trại viết lần này một kịch bản phim truyện Các anh vẫn hành quân kể về những học sinh xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu. Thân phận của họ nổi trôi theo năm tháng chiến tranh, nhưng vẫn khao khát một tình yêu và ngày trở về quê hương yêu dấu... Kịch bản có nhiều tình tiết hay với nhưng bối cảnh “mở chồng” nhiều kịch tính, đa sắc, đa tình. Hy vọng đây là một bộ phim hay, sớm được bật máy. Xin chúc mừng Nhà văn Cầm Sơn.
 
15- Cuối cùng là nhà văn (tôi) An Bình Minh (Hội viên Hội nhà văn VN - TP.HCM), tuy “bận rộn trăm công nghìn việc”, (nói vui) nhưng đã tranh thủ viết ba chương tác phẩm thể loại Tiểu thuyết ứng dụng Trường Sơn bi tráng... Ở Trại viết này đã cho tôi xây dựng được chủ đề tư tưởng, cũng như kết cấu của tiểu thuyết qua các phần Khúc dạo làm nét điểm xuyết giao thoa, đồng hiện bổ sung cho những Truyện ngắn phản ánh thân phận hùng tráng, bi ai của những người lính và TNXP chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn suốt từ Quân Khu 4 đến Đường 9 Nam Lào - Nơi mà tác giả có mặt từ 1969 đến 1973.
Dự kiến cuốn tiểu thuyết này sẽ được viết tiếp để hoàn thành vào tháng 9/2022. Tiểu thuyết có độ dài khoảng 220 - 250 trang khổ 14,5 x 20,5 cm.
img20220524101319
 
Thưa quý vị và các bạn!
 
   Trong phần tổng kết này chỉ xin tóm tắt vài nét về tác giả tác phẩm là vi muốn được các tác giả thơ tự trình bày những vần thơ chọn lọc của mình để thấy “người thật việc thật”, ngõ hầu tạo thêm sắc thái sinh động cho chương trình tổng kết, tô thắm thêm thành quả thu được ở trại viết này. (Phần đọc thơ này cũng năm trong chương trinh chính thức của báo cáo tổng kết trại sáng tác VHCN năm 2020.
 - Mở đầu, xin giới thiệu Nhà thơ Vương Tâm. Tiếp theo là các nhà thơ Minh Đức. Nhà thơ Quang Thuyên. Nhà thơ Đắc Phượng. Nhà văn Phạm Minh Hằng, nhà văn Nhật Hồng.
 
                                                                                      A.B.M
 
 
 
 
 
 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)