bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 69
Trong tuần: 1517
Lượt truy cập: 642284

BÓNG RỪNG (TIẾP THEO)

BÓNG RỪNG

TRUYỆN VỪA CỦA THẾ ĐỨC

(Tiếp theo và hết)

II

 

Từ lâu rồi, cả khu vực Tây Nguyên, súng đạn và chất độc đã cố sức hủy diệt mọi sinh vật sống, hòng biến những cánh rừng bạt ngàn trở thành nơi vô hồn, vô nghĩa, tồn tại cùng với một lớp người dường như đã vô cảm với chính cả cuộc sống của mình.

Vậy mà những ngày gần đây, anh bỗng nghe tiếng chim hót. Mấy đêm trước, anh còn nghe thấy cả tiếng con Nai, con Hoẵng gọi nhau đi kiếm ăn. Linh cảm thì thầm bên tai anh về một sự hồi sinh rất kỳ lạ.

Một đêm dài đối với anh đã kết thúc khi con gà rừng vừa cất giọng gáy te te. Anh ngồi dậy, vươn vai, rồi vặn mình mấy cái. Chiếc nỏ treo trên vách đá bỗng đập vào mắt. Ta sẽ chẳng còn cơ hội nào để dùng tới nó nữa! Anh bỗng thấy lòng mình buồn se sắt và đau nhói như có sợi dây siết thật chặt…

Anh uể oải chui ra khỏi hang. Ta không thể chống lại ý Trời được nữa rồi! Cũng đành vậy! Việc đầu tiên của ta bây giờ là cần tìm ra được phương hướng. Kinh nghiệm của những người đi rừng, cứ trèo lên một ngọn cây thật lớn, rồi theo hướng mặt trời mọc hay mặt trời lặn ắt sẽ biết được đâu là đông, tây, nam, bắc.

Vừa mới sau một thoáng suy nghĩ đã thấy anh ngồi vắt vẻo trên tít ngọn cây cách đó một đoạn. Anh ngơ ngơ ngác ngác nhìn quanh. Bầu trời buổi sớm đùng đục, những sợi khói mang đầy hệ lụy vẫn còn lảng bảng đâu đó. Một vệt đỏ lòe hiện ra trước mặt. Bình minh! Ôi, đúng là bình minh kia rồi! Đã lâu lắm anh không được nhìn thấy bình minh. Ánh bình minh sớm mai vốn đẹp tuyệt vời, vậy mà bình minh của một đất nước chiến tranh nom cứ đỏ lòe, y hệt như màu máu.

Anh quay mặt nhìn về xuôi. Ở đó là hướng Nam. Điều gì đã xảy ra trong suốt thời gian mình nằm bẹp trong hang đá? Anh tự hỏi. Và linh cảm khiến anh nhận thấy rất rõ chiến trường miền Nam sôi sục đang đổi thay từng ngày. Đúng rồi! Còn nghi ngờ gì nữa chứ! Bên tai anh, tiếng chân của những người đồng đội đang rầm rập, tiến thẳng tới thành phố Sài Gòn…

Ta không thể ở mãi nơi này được! Ta không thể ở mãi nơi này được! Ruột gan anh như có ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Anh vội vàng chuyền từng cành cây để lao xuống đất, rồi lại dùng cả hai tay rẽ lối, mở đường, chạy thẳng về phía cửa hang.

“Miền Nam sắp được giải phóng rồi! Miền Nam sắp được giải phóng rồi!”

Anh vừa chạy vừa như thể muốn gào lên. Người nữ chiến binh Cộng hòa đã thu gom đồ đạc vào chiếc ba lô rồi ngồi bên ngoài cửa hang chờ đợi. Chị bất ngờ nhìn thấy thái độ khác lạ của anh lính Giải Phóng thì lấy làm ngạc nhiên lắm. Chị vội vàng hỏi:

- Coi bộ kỳ dữ vậy? Hy vọng không phải anh vừa nhìn thấy Việt cộng hay thám báo Cộng hòa đấy chứ?

Anh lính Giải phóng hổn hển nói:

- Kiều Trinh! Làm gì còn thám báo Cộng hòa ở đây nữa. Miền Nam sắp được giải phóng rồi! Miền Nam sắp được giải phóng rồi!

Người nữ chiến binh Cộng hòa nghe anh lính Việt Cộng nói miền Nam sắp được giải phóng với vẻ mặt rất nghiêm trọng thì bỗng ngớ người. Chị chưa kịp hiểu điều gì đã xảy ra thì anh lính Việt cộng đã nhào tới bên cạnh, nói tiếp:

- Miền Nam sắp được giải phóng rồi đó!

Kiều Trinh ngạc nhiên, rướn đôi mày nhìn anh lính Giải Phóng nhưng rồi lại buông chùng lập tức.

- Chắc anh không muốn bị tôi kết luận về chứng hoang tưởng kinh niên trong cái đầu của anh đấy chứ?

- Kiều Trinh, tôi nói thật mà! Anh lính Việt cộng ngắt lời. Tôi là một sĩ quan của quân Giải phóng. Chính tôi đã nhận được chỉ thị quyết tâm giải phóng miền Nam của cấp trên trước khi bị thương. Trận đánh lần trước là một trong những trận đánh đầu tiên của chiến dịch. Kiều Trinh hãy nghe tôi nói đi, hãy theo tôi trở về với cách mạng lúc này vẫn còn chưa muộn!

Kiều Trinh bật cười. Cũng chẳng nên chấp làm gì với những kẻ loạn trí như hắn. Chị liếc nhìn chiếc đồng hồ đeo tay, rồi chỉ vào chùm hoa quả còn tươi nguyên trước mặt:

- Cũng chẳng còn nhiều thì giờ nữa đâu, anh có nói thêm gì nữa cũng chỉ vô ích thôi. Mời anh dùng bữa điểm tâm cho đỡ đói rồi ta bắt đầu hành quân! Vừa nói, chị vừa kéo tay anh lính Giải Phóng. Nào! Tôi xin anh hãy ngồi xuống đi nào!

Anh lính Giải Phóng miễn cưỡng ngồi xuống, nhưng lòng dạ anh thì cồn cào không yên. Miền Nam sắp được giải phóng rồi! Linh cảm trong anh vẫn cứ thôi thúc, dồn dập. Vậy mà ta vẫn không thể thuyết phục cho Kiều Trinh hiểu được! Anh ngửa mặt lên trời, mắt nhắm nghiền lại, bất lực. Ước gì cô ấy cũng nghe được tiếng chân của đoàn quân Giải phóng đang rầm rập tiến về Sài Gòn!

* * *

Miền Nam giải phóng! Vẫn là những ý nghĩ sôi sục trong đầu anh lính Việt cộng. Còn sự hy vọng vào súng Mỹ, đạn Mỹ và quyết tâm đẩy lùi Việt Cộng ra khỏi miền Nam thì đã hằn sâu trong ý thức của người nữ chiến binh Cộng hòa.

Trong suốt thời gian hai người ngồi điểm tâm bằng những chùm quả rừng, họ chỉ lặng lẽ và nung nấu một ý nghĩ riêng trong cái đầu đã từng bị nhuốm cái thứ màu ý thức, tương phản nhau rất rõ rệt.

Bỗng họ đưa mắt nhìn nhau. Cảm xúc ngập tràn. Buồn? Vui? Sự cảm thông hay vẫn còn giấu kín hận thù trong trái tim mỗi người? Điều đó thì chỉ riêng mỗi người trong số họ và ông Trời mới có thể biết được. Thế nhưng, khi quãng thời gian chung sống bên nhau đã sắp trở thành kỷ niệm, để hai con người đã từng là hai kẻ cừu địch, rồi trở thành ân huệ của nhau, đang chuẩn bị rẽ sang đôi bờ chiến tuyến, tiếp tục giương họng súng lạnh ngắt vào trái tim nhau như trước cái ngày xảy ra cuộc gặp gỡ định mệnh, thì làm sao họ có thể tránh khỏi cái cảm giác khó tả như thế được…

Bữa điểm tâm cũng đã xong. Người nữ chiến binh Cộng hòa nhận thấy cần phải chấm dứt ngay cái dòng cảm xúc hỗn tạp đang chi phối tinh thần giữa hai người. Chị đột ngột đứng dậy, nói:

- Nào, ta đi thôi anh!

Người lính Việt cộng miễn cưỡng đứng dậy theo. Có lẽ trong cuộc đời của họ, không có khoảnh khắc nào thiêng liêng hơn giây phút này. Cặp mắt của họ bỗng nhiên cay sè. Rồi không ai bảo ai, cả hai người đều cùng nhìn về phía cửa hang. Sau một hồi, lại cũng chẳng ai bảo ai, họ cùng đột ngột đổi hướng nhìn, dán chặt đôi mắt vào đôi mắt của nhau…

Giá như chúng ta đang cùng đi trên con đường của một đất nước tự do và hòa bình! Họ cùng buông một tiếng thở dài. Nhìn nét mặt của họ lúc này, ai cũng đoán được họ đang có chung một nỗi niềm như vậy.

Nhưng cũng chẳng thể làm gì khác được nữa rồi! Đúng vậy. Trong hoàn cảnh của họ lúc này, cái mơ ước được cùng nhau đi trên một con đường là điều vô cùng xa lạ. Chiến tranh vẫn còn đó. Trước mắt họ là đầu rơi máu chảy. Sau lưng họ là mệnh lệnh. Cuộc chiến là cái gianh giới đẩy họ rẽ về mỗi ngả…

Người nữ chiến binh Cộng Hòa đưa tay quẹt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má. Chị cúi xuống, nhặt đôi quai chiếc ba lô khoác lên vai, rồi sải bước.

- Khoan đã! Người lính Giải Phóng thấy vậy, vội ngăn lại. Cô hãy nghe tôi nói đây. Phía trước chúng ta vẫn còn rất nhiều mối đe dọa. Cô để tôi đi trước mở đường, nếu có vấn đề gì, tôi sẽ ra hiệu và cô cứ thế mà làm theo nhé!

- Vâng! Người nữ chiến binh Cộng Hòa nói, rồi tháo chiếc dây lưng có đeo bao da chứa khẩu súng bé tẹo đưa anh lính Giải Phóng, bảo:

- Anh hãy cầm lấy, trên đường hành quân, biết đâu sẽ có lúc rất cần đấy!

- Cám ơn cô! Người lính Giải phóng vừa đưa tay đỡ lấy khẩu súng, vừa nói, rồi quay đi.

Miền Nam được giải phóng! Đó là nỗi niềm khao khát đến tột cùng. Cái khẩu hiệu đền nợ nước, trả thù nhà, quyết không đội trời chung với quân giặc đã trở thành khẩu lệnh thôi thúc anh điên cuồng. Vậy mà bây giờ, cùng với cái thù hận yêu thương ấy, trong lòng anh lại đeo thêm một nỗi niềm nặng trĩu mà ngay chính bản thân anh cũng không thể cắt nghĩa nổi. Người thiếu nữ có khuôn mặt đẹp như sao băng đã trở thành máu thịt mà anh sắp phải chia xa vĩnh viễn, đang cào cấu, giằng xé,  làm trái tim anh cứ thổn thức, cồn cào, tan nát…

Trời ơi! Ta có tội tình gì đâu mà ông Trời nỡ trừng phạt ta như vậy? Tại sao ông Trời đã bắt ta và nàng sinh ra ở hai bên bờ chiến tuyến, rồi lại bày đặt cho ta và nàng gặp nhau, để gieo vào cuộc đời ta một nỗi niềm ngang trái như vậy?...

Người lính Giải Phóng bước đi mà lòng cứ nặng trĩu như đeo đá. Anh cảm giác bầu trời đang chụp sát xuống đỉnh đầu. Dưới chân, lá rừng nhằng nhịt quấn vòng quanh. Anh bức bối, rút chiếc lê đeo bên sườn, thẳng tay phát lia lịa. Nàng sẽ không bị vướng lối và gai góc sẽ không thể làm xước da thịt vốn trắng mịn của nàng!

Đằng sau anh, người nữ chiến binh Sài Gòn cũng đang lặng lẽ bước và theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Người lính Giải Phóng đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm mà chị vô cùng ngưỡng mộ. Bỗng chị giật thót tim khi chợt nghĩ tới cái linh cảm của anh ta. Nếu miền Nam bị Việt Cộng cưỡng chế là đúng sự thật thì ta sẽ làm gì trước sự thất thủ của quân đội Việt Nam Cộng Hòa? Chị rùng mình. Những hình ảnh ghê rợn lướt qua tâm trí. Cả miền Nam sẽ trở thành một biển máu! Khi còn là sinh viên Y khoa ở Sài Gòn, chị đã nhiều lần đến thư viện của nhà trường và được đọc rất nhiều sách nói về sự trả thù của Cộng sản miền Bắc sau năm 1954. Theo đó, những người làm việc trong chế độ cũ bị tịch thu tất cả nhà cửa, tài sản, ruộng vườn, rồi bị giết hại. Người nữ chiến binh Cộng hòa chợt nghĩ đến ba mẹ. Cả gia đình chị đều là công chức thuộc chính quyền Sài Gòn…

Trời ơi! Ba má tôi! Thật khủng khiếp quá! Chị ngồi thụp xuống, đưa cả hai bàn tay úp lên mặt rồi hét lên một tiếng kinh hoàng. Anh lính Giải phóng giật mình quay lại, nhìn thấy cảnh tượng như vậy, anh cuống cuồng lao tới:

- Kiều Trinh làm sao vậy?

- Anh hãy nói thật đi! Không phải là Việt Cộng đã về thành phố rồi đấy chứ? Đó chỉ là sự tưởng tượng hão huyền của anh thôi phải không?

Kiều Trinh vừa khóc, vừa hổn hển nói. Đây là lần đầu tiên chị khóc trước mặt một người ở bên kia chiến tuyến. Người lính Giải phóng nhìn đôi vai đeo bông mai bạc rung rung bỗng dấy lên một nỗi niềm thương cảm. Anh nghẹn ngào, nói:

- Nhưng đó lại là sự thật. Miền Nam nhất định sẽ được Giải phóng. Kiều Trinh hãy nghe tôi, hãy trở về với hàng ngũ của những người Giải phóng! Kiều Trinh là một bác sĩ, sẽ được cách mạng khoan hồng, trọng dụng…

- Anh im đi! Tôi đã biết cả rồi. Nếu quân đội Việt Nam Cộng hòa thất thủ thì đương nhiên tôi sẽ là một tù binh. Việt cộng sẽ không bao giờ tha thứ cho kẻ bại trận đâu! Chị nói, rồi giơ cả hai bàn tay ra trước mặt người lính Giải phóng. Họ tàn ác lắm! Họ sẽ dùng kẹp rút từng chiếc móng của tôi ra cho xem! Mắt chị bỗng hoa lên. Những chiếc móng màu hồng vuốt dài, thon thả, bị chiếc kìm đen sì kẹp chặt, rút bật khỏi ngón tay. Máu chảy đỏ lòe, ướt sũng, nhểu đầy xung quanh chị…

- Kiều Trinh đừng nghe bọn Tâm lý Sài Gòn tuyên truyền tầm bậy. Cách mạng sẽ kiên quyết trừng trị những kẻ điên cuồng chống đối chứ không đàn áp những người biết ăn năn hối cải đâu! Anh lính Việt cộng vừa đỡ Kiều Trinh đứng dậy, vừa nhẹ nhàng nói. Thôi nào! Kiều Trinh đừng sợ nữa! Bây giờ chúng ta lại tiếp tục hành quân nhé!

Kiều Trinh gạt nước mắt, đáp lại bằng cái giọng vẫn còn đang vỡ vụn:

- Vâng! Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Anh đưa tôi ra khỏi khu rừng này nhé!

* * *

Rốt cuộc thì họ cũng gặp một con đường mòn. Trên con đường mòn ấy lại có nhiều ngả rẽ về những hướng khác nhau. Lạc lối trong khu rừng hoang vu đã lâu, đột nhiên bắt gặp dấu chân người như vậy thì kể sao hết nỗi vui mừng. Cảm giác được trở về với cuộc sống thể hiện rõ trên khuôn mặt của cả hai người.

Rồi họ bỗng ngơ ngác nhìn nhau. Dưới chân họ vẫn là đất. Xung quanh họ vẫn là rừng. Trước mặt, sau lưng họ vẫn chỉ thấy toàn cây cối và gai góc nhằng nhịt. Đất trời, rừng núi vẫn im phăng phắc. Cái không gian im lặng như thế vốn không phải là bản chất của chiến trường!?

Người lính Giải phóng định thần lại giây lát rồi quay mặt về hướng mặt trời mọc, hai tay dang rộng thành một đường thẳng. Đông, Tây, Nam, Bắc. Đủ cả bốn phương tám hướng đã được anh ghim lại trong trí nhớ từ lúc trèo lên ngọn cây cổ thụ để quan sát.

- Ta đi về hướng này nhé, chắc không xa nữa sẽ ra khỏi khu rừng này thôi! Vậy là Kiều Trinh có thể tìm về đơn vị của mình rất dễ dàng! Người lính Giải phóng chỉ tay về hướng Đông, nói.

- Thế còn anh?

- Tôi ư? Anh quay mặt về hướng tây. Đất của chúng tôi là rừng, rồi tôi sẽ quay lại tìm đơn vị của mình sau!

Người lính Giải phóng nói vậy cốt để Kiều Trinh yên lòng, chứ thực tình, anh đã khẳng định rất rõ về cái linh cảm của anh hồi sáng là đúng sự thật.

Cả hai người tiếp tục hướng về phía tay người lính Giải phóng chỉ. Họ đã bắt gặp rất nhiều thứ của những người lính Cộng hòa vất bỏ trên dọc đường. Bình đựng nước, bao đạn, giày dép, thậm chí cả mũ áo vẫn còn nguyên quân hàm quân hiệu…

Cái quang cảnh ấy là dấu hiệu tàn trận của một cuộc chiến đã làm Kiều Trinh cảm thấy mệt mỏi rã rời. Chị cố lê từng bước. Người lính Việt Cộng đã có lúc vừa phải dắt tay chị, vừa phải lựa lời động viên để chị cố gắng đi tiếp.

Chừng nửa giờ sau nữa thì họ nhìn thấy một căn nhà sàn nằm nép bên bìa rừng. Phía trước của căn nhà sàn là một con đường nhỏ chạy uốn quanh. Trong những vùng chiến sự ác liệt, những người dân sống lẻ loi như thế thường tỏ ra trung lập để giữ hòa khí, tránh sự trả thù của bên đối lập. Hai người mừng rỡ, vội vàng đi tới. Nhưng rồi sự mừng rỡ của họ đã tắt ngấm bởi ngôi nhà không có lấy một bóng người. Anh lính Giải phóng khum hai tay lên miệng gọi. Anh gọi mãi nhưng vẫn không thấy tiếng ai trả lời. Anh quay lại, chỉ lên sàn và nói với Kiều Trinh:

- Ta lên đó xem thử thế nào nhé!

Anh nói, rồi bước tới chiếc cầu thang làm bằng gỗ bên trái căn nhà. Người nữ chiến binh Cộng hòa cũng vội bước theo. Lầu trên của căn nhà sàn thật đẹp, được làm bằng một thứ gỗ rừng, đã ngả màu nâu, bóng loáng. Họ ngó vào bên trong, mọi thiết bị vẫn được giữ nguyên trạng, nói lên chủ nhân của nó cũng thuộc lớp người tương đối khá giả. Người lính Giải Phóng nhìn trên chiếc bàn kê ở gian chính thấy một chiếc radio nhỏ. Anh mừng rỡ, nói:

- Kiều Trinh vào đây, ta sẽ nắm được tin tức chiến trường ngay thôi!

Hai người chụm đầu vào chiếc đài. Người lính Giải phóng bật công tắc rồi vặn núm điều chỉnh âm thanh. Một giọng phụ nữ có vẻ rất yếu ớt, đưa tin:

Trần văn Hương từ chức…

Tổng thống Dương văn Minh đang nhóm họp nội các mới…

Dòng người từ khắp nơi đổ về Sài Gòn tỵ nạn…

Vậy là đã rõ ràng. Người nữ chiến binh Cộng Hòa mở to đôi mắt nhìn anh lính Giải phóng. Chị không khóc. Nhưng đôi mắt của chị lúc này đang tỏ rõ sự hoang mang đến tột cùng. Người lính Giải phóng hiểu tất cả mọi diễn biến tâm lý của chị. Anh đưa tay ra hiệu cho Kiều Trinh hãy bình tĩnh rồi vội vàng tìm sóng của đài phát thanh Giải Phóng.

Cũng là bản tin thời sự về chiến trường. Nhưng đó là giọng nói hừng hực khí thế của người thắng trận:

Quân Giải phóng đang tiến vào Sài Gòn từ năm cửa ô…

Xe tăng quân ta được biệt động Sài Gòn dẫn đường đang rầm rập tiến về dinh Độc Lập…

Và cuối cùng là giọng nói của Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng…

Anh lính Giải phóng nhảy cẫng lên, miệng reo thật to:

- Miền Nam giải phóng rồi! Miền Nam giải phóng rồi! Miền Nam giải phóng rồi!...

Lúc ấy vào đúng 11 giờ 30 phút trưa ngày 30 tháng tư năm 1975…

Vì quá sung sướng, người lính Giải Phóng đã vô tình trước mái đầu người thiếu nữ đang gục trên bàn. Đôi vai đeo bông mai bạc của người ấy lại một lần nữa rung lên cùng tiếng khóc nức nở. Lát sau, chị ngẩng đầu nhìn anh lính Giải Phóng bằng đôi mắt đỏ hoe, nói:  

- Anh đã là kẻ thắng trận. Đường về Sài Gòn bây giờ không còn là của tôi nữa. Anh hãy đi đi! Chúc anh mau chóng tìm được những người chiến hữu của mình!

Nói rồi, chị lấy khăn tay thấm những giọt nước mắt nhòe trên má. Trước mắt chị lúc này là những hình ảnh hết sức ghê rợn về sự trả thù của Việt Cộng. Chị lại nghĩ tới ba mẹ. Thế là hết! Máu những người Cộng Hòa, trong đó có cả ba mẹ đang nhày nhụa trên đường phố Sài Gòn! Vậy là ta chẳng còn con đường khác để lựa chọn nữa rồi! Chị đứng bật dậy, khoác chiếc ba lô lên vai và nói:

- Thôi nhé, chào người lính Giải Phóng anh hùng. Tôi đi đây!

Anh lính Giải Phóng cũng đứng bật dậy:

- Kiều Trinh đi đâu bây giờ?

- Tạm thời tôi sẽ trở lại hang đá rồi sẽ tính sau!

- Trời ơi! Không thể như vậy được! Đó là con đường chết, Kiều Trinh có biết thế không?

- Tôi lại không nghĩ như vậy! Những ngày sống ở đó thật tuyệt vời, chắc chắn còn tốt hơn nhiều nếu phải làm tù binh của Việt Cộng! Kiều Trinh như có vẻ rất xúc động. Chị ngưng lời giây lát, rồi tiếp: Trước khi ra đi, tôi chỉ xin anh một đặc ân nếu anh có thể rộng lòng…

- Được, Kiều Trinh nói đi, nhất định tôi sẽ làm hết sức mình.

- Cám ơn anh! Tôi cầu xin anh hãy đừng chỉ điểm cho Việt Cộng đến bắt tôi! Chỉ có thế thôi anh lính Giải Phóng ạ! Chào anh!

Người nữ chiến binh Sài Gòn nói và quay đi. Anh lính Giải Phóng vội nhào người về phía trước, vừa giơ cả hai tay ngăn cản người nữ chiến binh Cộng Hòa, vừa phản ứng rất gay gắt:

- Kiều Trinh! Đó là sự lựa chọn của những kẻ điên rồ, tôi sẽ không để Kiều Trinh dễ dàng lựa chọn con đường ấy đâu! Tôi xin Kiều Trinh hãy bình tĩnh lại trước khi còn chưa muộn!

- Sao? Anh định bắt tôi làm tù binh cho Việt Cộng?

- Không bao giờ! Nhưng tôi muốn Kiều Trinh ra trình diện để được hưởng sự khoan hồng của chính quyền cách mạng. Đó là con đường tốt nhất để Kiều Trinh có thể lựa chọn. Vả lại, nếu Kiều Trinh ra đi lúc này sẽ rất dễ bị bắt làm tù binh. Đến lúc đó, tình thế sẽ bị đảo chiều, sẽ rất nguy hiểm cho Kiều Trinh!

Anh lính Giải Phóng vừa nói dứt lời thì nghe có tiếng chân bước rầm rập bên ngoài. Cả hai người cùng giật mình, rồi cùng ghé mắt nhìn qua khe cửa sổ. Một trung đội lính Giải Phóng đang hành quân ngang qua. Chắc họ nghĩ trong ngôi nhà có chủ nhân nên ai cũng nhìn về hướng đó và giơ tay vẫy chào tíu tít. Người lính Giải Phóng nhìn đoàn quân biết họ vừa ở ngoài Bắc vào. Thời kỳ đó, những tân binh mới ở Bắc vào thường được giao nhiệm vụ ở lại giữ vùng đất mới giải phóng. Họ vừa đi vừa hát bài “Giải phóng miền Nam” nghe rất oai hùng…

Khi đoàn quân Giải Phóng vừa đi qua, người nữ chiến binh Sài Gòn quay lại bên chiếc radio. Chị đưa tay tắt công tắc rồi buông mình xuống ghế và đưa tay làm dấu thánh. Lạy Chúa linh thiêng hãy phù hộ cho đứa con tội nghiệp của Người thoát khỏi sự trừng phạt của Việt Cộng!

* * *

Cứ mỗi khi bóng đêm sập xuống thì rừng lại bắt đầu trở thành lãnh địa của muôn loài thú dữ. Đúng lúc ấy, người nữ chiến binh Cộng hòa quyết định rời khỏi căn nhà sàn. Chị vừa khoác chiếc ba lô nhà binh lên vai thì bất ngờ anh lính Giải Phóng quỳ sụp xuống, hai tay chắp trước ngực rồi ngửa mặt nhìn vào khoảng không tối om và miệng thì thầm cầu khấn một điều gì đó.

Dứt lời, anh vụt đứng dậy, nói:

- Tôi sẽ đi cùng với Kiều Trinh. Tôi không thể ngồi nhìn cô ra đi một mình trong hoàn cảnh như thế này được!

  Người nữ chiến binh Cộng Hòa hết sức ngạc nhiên. Trong đêm tối, đôi mắt chị ánh lên một tia sáng rất kỳ lạ, rồi nói:

- Sao? Anh đi theo tôi? Liệu tôi có nghe nhầm không thế này? Chẳng lẽ anh đã nếm mật nằm gai, chiến đấu quên mình để có được ngày này rồi lại rũ bỏ tất cả để đi theo một kẻ bại trận?

- Đúng vậy, nhưng…

Người lính Giải Phóng còn đang ngập ngừng thì Kiều Trinh đã ngắt lời:

- Anh còn muốn nhưng cái gì nữa? Chắc anh không thể quên chúng ta là những kẻ ở hai bên bờ chiến tuyến đấy chứ? Bây giờ, anh đã trở thành người chiến thắng, còn tôi đang là kẻ bại trận. Chúng ta đã và sẽ không thể cùng nhau đi trên một con đường. Chẳng bao lâu nữa, anh sẽ tìm được đơn vị của mình rồi lại được trở về thành phố quê hương. Anh sẽ được gặp ba má, được gặp những người chiến hữu của mình. Tương lai của anh là con đường rực rỡ, đầy ánh nắng mặt trời. Còn tôi, từ giờ phút này, tôi sẽ lấy rừng và bóng đêm để làm bạn đồng hành, hy vọng rừng và bóng đêm sẽ che chở cho tôi thoát khỏi sự trừng phạt của Việt Cộng. Tôi xin anh hãy đừng lo lắng gì cho tôi nữa, anh lính Giải Phóng ạ!  

Người lính Giải Phóng nghe nói bỗng thấy lòng buồn se sắt. Trong bóng tối của căn nhà sàn trống rỗng, anh hướng đôi mắt về phía Kiều Trinh, nói:

- Đúng vậy. Tôi là người chiến thắng. Nhưng khi con người đã được định đoạt bởi số phận thì lại không dễ gì có thể cưỡng lại được…

- Anh cũng tin vào số phận ư?

- Có chứ! Chẳng phải số phận đã xắp xếp cho kẻ sắp chết này gặp được ân nhân cứu mạng trong hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã đó sao? Vậy thì bây giờ, chính cái số phận ấy đã buộc chặt tôi như một định mệnh rồi, làm sao tôi có thể rời xa ân nhân của mình được nữa…

Kiều Trinh không giấu được sự cảm động, nói:

- Đành là vậy, nhưng còn ba má anh nữa chứ! Anh không thể từ bỏ ba má của anh được. Chắc họ đang trông anh nhiều lắm. Anh hiểu chứ?

- Vâng, tôi hiểu. Nhưng có một điều vô cùng hệ trọng mà tôi chưa từng nói để Kiều Trinh được biết, vì e sẽ làm tổn thương đến tình cảm giữa chúng ta. Không biết Kiều Trinh có sẵn lòng nghe tôi nói không?

- Vâng, tôi vẫn đang nghe anh nói đây!

- Đó là cái chết của cả cha và mẹ tôi. Cha tôi cũng là người lính Giải phóng đã chiến đấu và hy sinh ở chiến trường Nam Bộ. Mẹ tôi thì bị mất trong cuộc oanh tạc của không quân Mỹ xuống Thủ đô Hà Nội. Khi ấy, tôi đang là sinh viên năm thứ ba của một trường Đại học. Vì quá căm thù những kẻ đã giết hại cả cha và mẹ mình, tôi đã tình nguyện ra chiến trường chiến đấu để trả mối thù không thể dung thứ ấy…

Người lính Giải Phóng bỗng thấy nghèn nghẹn trong họng nên không thể nói thêm gì được nữa. Kiều Trinh thấy vậy, vội đỡ lời:

- Thật tội nghiệp cho anh quá! Vậy mà anh vẫn không căm thù tôi ư?

- Tôi đã từng giương nòng súng vào ngực Kiều Trinh,  hình tượng cha mẹ nằm trên vũng máu đã thôi thúc tôi bóp cò. Nhưng thật may mắn điều tôi mong muốn lúc ấy đã không thể xảy ra. Rồi sau đó, sự đối xử đầy lòng vị tha của Kiều Trinh đã làm thay đổi tất cả mọi suy nghĩ trong tôi. Cái chân lý “chúng ta đều là người Việt Nam” đã giúp tôi hiểu ra một điều, không phải bất cứ người lính Cộng Hòa nào ra trận cũng đều mang theo dòng máu dã thú, chỉ biết bắn, giết, và uống máu đồng loại mà không hề biết tanh tưởi…

Cảm xúc như những con sóng cồn cào thôi thúc trong con tim người lính Giải Phóng. Anh không thể kìm nén được những gì bấy lâu vẫn giữ kín trong lòng. Anh hít một hơi thở thật dài, rồi nói tiếp: Từ đó, tôi dần gỡ bỏ mọi sự thù hận với Kiều Trinh, và cũng không biết từ lúc nào, một thứ tình cảm rất lạ cũng bắt đầu nảy nở. Những lúc Kiều Trinh đi kiếm thức ăn ở bên ngoài, tôi đã nhớ và mong đợi Kiều Trinh như cơn khát nước trên đường hành quân giữa buổi trưa hè. Đã hơn một lần, tôi tự hỏi, phải chăng mình đã yêu Kiều Trinh? Nhưng cuối cùng thì cái thân phận giữa hai con người khiến tôi không thể có được câu trả lời…

Giờ đây, tổ quốc đã thống nhất. Người Việt Nam đã được tự do. Bản thân tôi cũng đã thỏa ước nguyện đền nợ nước, trả thù nhà, bởi vậy, tôi đã quyết định trả lại tự do cho con tim của mình với đúng ý nghĩa của nó. Kiều Trinh cho phép tôi nói thật và nói hết nỗi lòng của mình được không?

- Vâng! Anh cứ nói đi! Anh hãy nói tất cả những gì anh muốn cho nhẹ bớt nỗi lòng!

- Em có biết tôi đã vô cùng yêu em? Kể từ giờ phút này, tôi sẽ từ bỏ tất cả để cùng em đi đến cùng trời cuối đất.

Kiều Trinh vừa nghe người lính Giải Phóng nói đến thế thì không làm sao kìm nén được nỗi lòng. Chị ôm choàng lấy anh, nghẹn ngào nói:

- Vâng! Có người phụ nữ nào lại chối từ tình yêu của một người anh hùng đã hết lòng yêu mình. Em cũng đã từng yêu anh...

Họ ôm ghì lấy nhau, ngây ngất trong vòng tay của nhau. Giữa cái không gian yên tĩnh của đêm rừng, cả hai trái tim cùng thì thầm, trăn trở, nhưng lại đang vùng vẫy rất quyết liệt. Sau một lát, người lính Giải Phóng như sực bừng tỉnh, anh thả vòng tay khỏi tấm thân người thiếu nữ, rồi nói:  

- Bây giờ, việc đầu tiên của chúng ta là rời khỏi nơi này ngay lập tức, càng nhanh càng tốt em ạ!

Thật bất ngờ, khi anh vừa dứt lời thì người nữ chiến binh Cộng Hòa đứng bật dậy, nói:

- Ta sẽ không đi đâu nữa. Ngày mai, anh đưa em ra trình diện chính quyền Cách mạng.

Người lính Giải Phóng sững sờ. Anh còn chưa thể tin đó là sự thật thì người thiếu nữ đã nắm chặt lấy bàn tay anh, nhắc lại:

- Ngày mai, anh đưa em ra trình diện chính quyền Cách mạng nhé!

- Trời ơi! Em sẽ ra trình diện chính quyền Cách mạng?

- Vâng! Em tin anh. Chỉ có anh mới xứng đáng là người đưa em đi trên con đường tươi sáng nhất…

Người lính Giải Phóng sung sướng đến tột cùng. Anh ôm chầm lấy Kiều Trinh, ghì thật chặt và đặt lên đôi môi nàng một nụ hôn bất tận. Ngọn lửa tình yêu bỗng chốc bùng cháy dữ dội trong trái tim của cả hai người.

* * *

Đêm qua là một đêm tuyệt đẹp của hai người yêu nhau. Họ đã mở toang cõi lòng sau bao ngày khép chặt để đón nhận sự trao tặng từ mối tình đầu. Căn nhà sàn hoang lạnh bỗng ấm cúng hẳn lên và câu chuyện tình không biên giới giữa họ là một đề tài tưởng như vô tận!

Sau đó Kiều Trinh đã ngủ thiếp đi. Còn người lính Giải Phóng thì vẫn thao thức mãi. Tới quá nửa đêm anh mới chợp mắt được một chút rồi lại thức dậy rất sớm.

Rừng thì thầm trăn trở.

Lạnh hơi sương đầu mùa.

Mình nghẹn nghào nức nở.

Trao nồng nàn cho nhau!

Anh vừa nhọn mỏ huýt sáo, vừa đánh thức chiếc đài để nghe bản tin thời sự buổi sáng. Vẫn là lời kêu gọi những người lính Cộng Hòa ra trình diện để được hưởng sự khoan hồng của chính quyền Cách mạng…

Đất nước đã giải phóng. Cảm giác trong anh về một ngày mới rất khác lạ. Sôi sục! Hào hùng! Tình yêu! Sự chinh phục! Tất cả những thứ đó đang hòa trộn thành một ca khúc khải hoàn, vừa hân hoan, vừa rất đỗi kiêu hãnh…

Anh kết thúc tấu sáo miệng bằng một nụ cười tươi rói, rồi tiến về phía Kiều Trinh:

- Đất trời hôm nay mới tuyệt đẹp làm sao! Em đã chuẩn bị tinh thần đón nhận cuộc đời mới rồi đấy chứ?

Kiều Trinh nghe nói, ngồi bật dậy. Từ nãy, tai chị vẫn chú ý đong từng lời từ cái radio để trên mặt bàn kia phát ra. Quân Giải Phóng. Chính quyền Cách mạng. Đường phố Sài Gòn đang tràn ngập cờ hoa và những khuôn mặt  hớn hở của đồng bào đón mừng ngày giải phóng. Lạy Chúa! Vậy là không có sự trả thù. Không có tắm máu những người đối lập! Vậy mà con đã quá lo sợ, đến nỗi suýt đi vào con đường tuyệt vọng, tăm tối! Chị lại đưa tay làm dấu Thánh. Tạ ơn Chúa linh thiêng đã dẫn dắt con đi trên con đường thiên mệnh của người!

Chị đưa mắt nhìn anh. Ôi! Người lính Giải Phóng của em thật tuyệt vời! Hạnh phúc ngập tràn đến nghẹn lòng. Một dòng nước mắt trào qua bờ mi, lăn dài trên má, thấm đến tận cõi lòng.

- Vâng! Cám ơn anh đã mang lại cho em một niềm tin vào chính quyền Cách mạng! Kiều Trinh nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay anh khi ấy đang chìa ra đón chị. Em hy vọng con đường đi tới tương lai của chúng ta sẽ là ý Chúa!

- Đúng vậy!

Người lính Giải Phóng gật đầu rồi nhẹ nhàng đỡ chị đứng dậy, và cùng chuẩn bị cho công việc buổi sáng. Khẩu phần thức ăn của họ vẫn là những thứ hoa quả rừng mang theo từ hôm trước còn lại. Trong căn nhà sàn này, có thể tìm kiếm được vô khối thức ăn dự trữ nhưng họ đã quyết không đụng đến cái kim sợi chỉ của dân. Người lính Giải Phóng nói với Kiều Trinh về kỷ luật thép của những người lính Cụ Hồ ngoài chiến trường…

Mọi việc xong xuôi. Kiều Trinh thay bộ đồ dân sự chị mang theo rồi hai người bắt đầu rời khỏi căn nhà sàn. Việc đầu tiên là họ tìm đến Ủy ban quân quản địa phương. Người lính Giải Phóng hồ hởi đeo chiếc ba lô của Kiều Trinh bước đi. Kiều Trinh cũng mang một tâm trạng nhẹ nhàng sải bước bên cạnh. Con đường nhỏ viền quanh bìa rừng còn chưa tan hết hơi sương. Không khí buổi sớm mùa xuân những ngày đầu giải phóng thật mát mẻ, gợi cảm, và đẹp đẽ vô cùng.

Họ đi được một đoạn thì tới ngả rẽ. Đang lúc loay hoay chưa biết Ủy ban Quân quản địa phương đóng ở địa điểm nào thì gặp một tốp lính đi tuần. Người lính Giải Phóng mừng rỡ, lên tiếng:

- Chào các đồng chí!

- Chào đồng chí! Chào đồng chí!...

Tốp lính nhìn thấy người lính đội mũ tai bèo thì biết ngay đó là lính chiến trường nên rất nể phục, tất cả cùng lên tiếng đáp lại. Người lính Giải Phóng nói tiếp:

- Vừa ngoài Bắc vào phải không? Ở ngoài đó thế nào?

- Khí thế lắm! Nhân dân miền Bắc vô cùng phấn khởi và nức lòng khen ngợi quân Giải phóng miền Nam anh hùng!

- Tốt lắm! Các đồng chí làm ơn chỉ giúp Ủy ban quân quản địa phương?

Người lính đeo quân hàm hạ sĩ, cao nhất của tốp lính,  nhanh nhảu chỉ tay sang một ngả rẽ phía bên trái của con đường, trả lời:

- Đồng chí đi theo con đường này, rồi vòng theo bìa rừng bên kia, đi thẳng sẽ tới một bản nhỏ của đồng bào. Ủy ban Quân quản vừa được thành lập đóng ở đó.

Họ bắt tay hoan hỉ rồi chia tay. Người lính Giải Phóng và Kiều Trinh vừa bước đi được vài bước thì vẫn anh lính ấy gọi giật lại:

- Này đồng chí “kia” ơi! Có việc gì mà hỏi Ủy ban quân quản sớm thế. Đồng chí ở đơn vị nào vậy?

Người lính Giải Phóng quay lại, trả lời:

- Trung đoàn 150 sư Quả đấm thép đây!

Người lính kia quay lại nói gì đó với mấy người đi cùng, rồi lại quay sang người lính Giải Phóng nói tiếp:

- Quả đấm thép sao bây giờ còn ở đây? Vừa nói, viên hạ sĩ vừa sấn sổ bước đến bên người lính Giải Phóng: Đồng chí cho kiểm tra giấy tờ!

- Tôi bị lạc đơn vị trong tình huống bất ngờ, quân tư trang mất hết cả nên chẳng còn gì. Các đồng chí thông cảm cho!

- Tây Nguyên đã giải phóng được gần hai tháng rồi cơ mà, làm gì có chuyện lạc đơn vị lâu như thế được! Lại đảo ngũ phải không?

- Không, bị thương!

- Bị thương sao không nằm ở quân y viện điều trị mà lại lang thang ở đây?

Cả tốp lính cùng xăm xăm tiến đến, vây kín hai người. Nhìn thái độ của họ thay đổi nhanh chóng, Kiều Trinh hoảng sợ đứng nép bên người lính Giải Phóng. Vẫn người lính kia lại lên tiếng:

- Tôi là tiểu đội trưởng đang làm nhiệm vụ tuần tra trên địa bàn. Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ và giữ gìn thành quả của Cách mạng, nhất định không thể để kẻ thù trà trộn, phá hoại cuộc sống yên bình của nhân dân. Nếu đồng chí không xuất trình được giấy tờ quân nhân để chúng tôi kiểm tra thì yêu cầu theo chúng tôi về đơn vị để giải quyết!

Người lính Giải Phóng vẫn bình thản, nói:

- Các đồng chí vừa ở ngoài Bắc vào không biết đấy thôi. Anh em chúng tôi là lính chiến, chỉ có số hiệu của lính chứ làm gì có giấy tờ như ở ngoài Bắc. Các đồng chí thông cảm nhé!

Người lính Giải Phóng nói rồi định bước đi, nhưng viên Hạ sĩ đã tỏ thái độ rất kiên quyết:

- Đứng lại! Đồng chí không được coi thường người đang thi hành công vụ! Nói rồi, anh ta hất hàm về phía  Kiều Trinh, nói tiếp: Thế còn cô gái này là ai, có giấy tờ gì không?

Người lính Giải Phóng giải thích:

- Đây là một người lính quân đội Việt Nam Cộng hòa đang muốn ra trình diện chính quyền Cách mạng. Yêu cầu các đồng chí giúp đỡ cô ấy thực hiện nghĩa vụ của mình!

- Á à! Cả tốp lính cùng đồng thanh.

Vậy thì còn gì phải nói nữa. Anh ta là ai? Sư đoàn Quả đấm thép đánh mở màn chiến dịch Ban mê thuột sao bây giờ còn ở đây với một con giặc cái? Nhất định phải có vấn đề nghiêm trọng rồi!

Vẫn là viên Hạ sĩ kia tiếp tục nói:

- Vậy thì mời cả hai người về Tiểu đoàn bộ để giải quyết!

Người lính Giải Phóng cưỡng lại:

- Các đồng chí bắt giữ một chiến sĩ Giải Phóng vừa bị thương là vi phạm kỷ luật chiến trường! Yêu cầu các đồng chí giúp đỡ tôi đến Ủy ban Quân quản địa phương thì sẽ rõ tất cả. Các đồng chí hiểu chứ?

- Không nói lôi thôi gì hết! Về doanh trại mà trình bày với cấp trên!

Những tiếng giật quy lát “rốp, rốp” và từng ấy họng súng cùng chĩa thẳng về phía hai người: Đi!

Người lính Giải Phóng miễn cưỡng để tốp lính mới áp giải. Anh đưa mắt về phía Kiều Trinh như muốn nói: Em đừng sợ! Rồi cả hai cùng lặng lẽ bước đi như những tên tù binh trước những họng súng đen sì, lạnh ngắt…

* * *

 Cả trại lính xôn xao về việc bắt được hai tên gián điệp trà trộn vào cuộc sống yên bình của nhân dân để phá hoại thành quả Cách mạng. Người lính Giải Phóng và Kiều Trinh lần lượt bị dẫn giải từ Đại đội lên ban chỉ huy Tiểu đoàn. Sau khi nghe báo cáo, ban chỉ huy tiểu đoàn ra lệnh điệu tiếp hai người lên Trung đoàn bộ. Tại đây, anh bị quản thúc tại doanh trại của Trung đội vệ binh, còn chị thì bị tạm giữ trong biệt khu dành cho quân nhân vi phạm kỷ luật để chờ xử lý. Biệt khu giam giữ những quân nhân vi phạm kỷ luật là mấy túp lều nằm gần doanh trại của Vệ binh Trung đoàn. Chiều dài của mỗi túp lều ước chừng hai mét, chiều rộng khoảng hơn một mét, được dựng bằng phên nứa lá như tất cả các lán trại khác trong toàn cơ quan Trung đoàn bộ. Cửa ra vào của mỗi túp lều được đóng mở cũng bằng một tấm liếp ken bằng phên nứa, có néo thêm mấy vòng dây thép để buộc vào đố cửa phía bên ngoài, không cho người vi phạm được tự do đi lại.

Kiều Trinh bị hai người lính áp giải vào túp lều thứ nhất. Chị sợ hãi, ngồi bệt xuống mảnh phên nhỏ đặt ở góc lều phía sau dùng làm chỗ nằm cho người vi phạm bị phạt qua đêm. Chiếc ba lô của chị đã bị tịch thu để làm tang chứng phục vụ cho công tác điều tra. Tất cả kỷ niệm quen thuộc đựng trong đó bây giờ không còn nữa khiến chị cảm giác vô cùng trống trải. Chị đưa mắt nhìn quanh. Cũng chẳng mấy ai có dịp được cư trú lâu dài ở chốn này. Mùi hôi hám, ẩm mốc, tối tăm trong bốn bức vách quây kín làm chị hết sức kinh hãi.

Ngày thứ nhất qua đi.

Ngày thứ hai.

Rồi lại ngày thứ ba.

Đã hết ngày thứ tư và sáng nay là sang đến ngày thứ năm rồi…

Chị nhẩm tính từng ngày. Vậy là mình đã thật sự trở thành tù binh của Việt Cộng! Như một thông lệ, cứ mỗi ngày một lần, chị lại bị một người lính vệ binh áp giải đi lấy khẩu cung.

Người thẩm vấn chị là một viên thiếu úy. Bộ mặt lạnh lùng đến mức vô cảm của ông ta và những cuộc truy hỏi đầy kịch tính làm chị vô cùng mệt mỏi và sợ hãi.

Rồi không biết những gì sẽ tiếp tục xảy ra với mình? Việt Cộng thật khó hiểu quá! Chính tai ta đã nghe họ kêu gọi những người lính bại trận ra trình diện để được hưởng khoan hồng rồi lại đối xử tệ bạc như vậy? Chị nhíu mày. Có lẽ đó là mưu kế để hốt một mẻ lưới bắt gọn, giết sạch những người Cộng Hòa? Trời ơi! Thế thì kinh khủng quá! Vậy là số phận của mình đã coi như cá nằm trên thớt rồi!

Chị im lặng, chìm đắm trong những suy nghĩ miên man. Chị lại nghĩ tới anh. Những cuộc truy hỏi của viên sĩ quan kể từ khi hai người bị dẫn giải lên cấp Trung đoàn lần lượt diễu qua sự hồi tưởng của chị.

- Lạy chúa linh thiêng soi xét hãy đừng làm tổn thương đến một người anh hùng như vậy. Con xin Người hãy chỉ bảo cho chúng con biết cần phải làm gì để thoát khỏi sự trừng phạt của Việt Cộng?

Chị khẽ cầu nguyện và đưa tay làm dấu thánh rồi gục đầu kê lên hai cánh tay đặt trên đầu gối. Bất lực! Rã rời! Có lẽ Chúa cũng bất lực rồi chăng nên chẳng thể giúp gì cho đứa con chiên khốn khổ của người? Toàn cảnh Sài Gòn thất thủ và những cuộc tắm máu, bắt bớ, tù đày. Những người lính Việt Cộng cầm kìm rút từng chiếc móng tay đàn bà vốn sẵn có trong tiềm thức của chị lại tái hiện rõ mồn một. Chị rùng mình. Cảm giác ướt lạnh, rợn người, chạy dọc xương sống. Mắt chị hoa lên. Hàng ngàn con đom đóm bỗng nhiên quay cuồng trước mắt…

- Máu! Máu!

Chị bất thần hét thật to. Hai bàn tay chị run rẩy giơ lên trước mặt. Vẫn là cảnh tượng mười đầu ngón tay bị rút từng chiếc móng tô son đang tóe máu, đỏ lòm…

Đến lượt người lính Giải Phóng phải đối mặt với viên sĩ quan thẩm vấn tại văn phòng thường trực của ban chỉ huy Trung đoàn. Vẫn quanh quẩn chỉ là vấn đề hai người đã gặp nhau trong hoàn cảnh nào? Tại sao hai người lại có quan hệ thân thiết với nhau? Khẩu súng anh mang theo có dòng chữ USA là một bằng chứng để ông ta buộc tội mà anh không làm sao lý giải được.

Sau một hồi vòng vo với hàng loạt câu hỏi, ông ta đột ngột nghiêm giọng:

- Lúc anh bị thương có ai biết không?

Người lính Giải Phóng vẫn ôn tồn:

- Tôi đã trình bày với đồng chí tất cả những gì đã xảy ra. Tôi chẳng còn gì để nói nữa…

- Anh có nghĩa vụ phải trả lời bất kỳ câu hỏi nào của chúng tôi! Anh hiểu chứ? Mặt viên sĩ quan thẩm vấn hằm hằm, rồi hất hàm về phía người lính Giải Phóng, ngắt lời.

Người lính Gải Phóng nhìn thẳng vào mặt ông ta, nói:

- Tôi thiết nghĩ, nếu đồng chí đã từng chiến đấu ở chiến trường thì sẽ không bao giờ hỏi tôi những câu như vậy. Tôi bị thương và ngất xỉu trong lúc chiến đấu, lại đang lúc nửa đêm. Nếu các đồng chí của tôi nhìn thấy thì chắc chắn tôi đã không bị lâm vào hoàn cảnh như thế này. Tôi yêu cầu các đồng chí liên lạc với đơn vị của tôi thì sẽ rõ tất cả…

- Hừ! Thế cái gì đây?

Lại vẫn là khẩu súng có dòng chữ USA. Viên sĩ quan đặt chiếc xà cột đeo trên vai xuống bàn, mở nắp, lôi khẩu súng bé tẹo ra. Sau một hồi ngắm nghía, ông ta ném về phía người lính Giải Phóng một cái nhìn đầy bí hiểm, rồi nói:

- Anh đừng hòng tìm cách chối tội. Đây là bằng chứng sống để chúng tôi khẳng định anh có liên quan đến kẻ địch.

Người lính Giải Phóng nghe nói không thể chịu đựng thêm được nữa. Anh phản ứng gay gắt:

- Tôi yêu cầu đồng chí không được bôi nhọ danh dự của người quân nhân Cách mạng. Tôi đã chiến đấu không tiếc cả máu xương cho độc lập tự do của tổ quốc…

Bất ngờ, viên sĩ quan đập bàn đánh rầm một cái rồi đứng phắt dậy, quát:

- Anh cũng dám nhân danh là người quân nhân Cách mạng à! Chúng tôi sẽ đưa anh ra Tòa án Quân sự tiền phương để truy tố về tội phản bội tổ quốc! Rồi anh sẽ ra đó mà trình bày! Vệ binh đâu!

Hai người lính cảnh vệ lập tức xuất hiện. Viên sĩ quan ra lệnh:

- Đưa tên gián điệp này xuống biệt khu B!

Người lính Giải Phóng nghe nói cũng đứng phắt dậy:

- Tôi phản đối quyết định của đồng chí! Tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ lên gặp và trình bày với thủ trưởng cao nhất của Trung đoàn!

Viên sĩ quan đùng đùng bỏ đi chẳng thèm đếm xỉa gì đến lời nói của người lính Giải Phóng. Ngay lúc đó, hai người lính Vệ binh xông vào, chĩa nòng súng sau lưng anh, quát:

- Đi!

Người lính Giải Phóng bị áp giải đến nơi giam giữ mới mà viên sĩ quan vừa gọi là biệt khu B, đó chính là nơi Kiều Trinh đang bị giam giữ. Khi anh đi ngang qua phòng giam số một thì đúng lúc Kiều Trinh đang la hét. Tiếng la hét hoảng loạn của Kiều Trinh như một tần sóng cực mạnh xuyên thẳng vào ngực làm con tim anh bỗng đau nhói. Trời ơi! Kiều Trinh! Anh đứng khựng lại, ngoái đầu nhìn về phía đó. Một người lính Vệ binh thấy vậy, lấy tay đẩy lên vai anh, giục:

- Đi!

Anh bị đưa tới túp lều cuối cùng của biệt khu B.

Bấy giờ cũng đã muộn. Người nhân viên nhà bếp mang khẩu phần ăn trưa cho anh nhưng anh chẳng còn bụng dạ nào mà ăn uống được nữa. Vết thương của anh tuy đã khỏi, nhưng do bị kích thích mạnh, xưng tấy, và nhức nhối vô cùng. Anh nghiến răng chịu đựng. Đau đớn đối với anh thì có hề chi, nhưng hình ảnh của Kiều Trinh, rồi lại viên sĩ quan thẩm vấn cứ lởn vởn vòng quanh. Tất cả sự yêu thương, oán giận, căm thù, đều rạch ròi, minh bạch trong trái tim người lính. Anh mệt mỏi, đưa hai bàn tay bóp bóp lên mái tóc rối bù. “Chúng tôi sẽ đưa anh tòa án quân sự tiền phương để truy tố về tội phản bội tổ quốc!” Vậy là ta sẽ phải ra vành móng ngựa! Những kẻ quan liêu có việc gì mà chúng không dám làm! Ôi! Đất nước đã giải phóng, vậy mà ta lại bị tước đi quyền tự do như thế ư?!

Trong đầu anh bỗng vụt lên một ý định. Anh ngước mắt nhìn quanh. Bốn bức vách nứa của chiếc lều đối với anh chẳng có nghĩa lý gì, chỉ giống như một đứa trẻ xé nát chiếc vỏ hộp diêm trong chớp mắt mà thôi. Đêm nay, ta sẽ đưa Kiều Trinh trở lại hang đá. Ở đó sẽ chẳng có tù đày. Ở đó sẽ là tổ ấm, là hạnh phúc, là tự do vĩnh viễn của ta và Kiều Trinh!

III  

Đoàn công tác của chúng tôi phát hiện ra bóng của hai người lạ trông rất giống người rừng nhưng phải tốn khá nhiều thời gian mới tiếp cận được với họ. Người đàn ông vẫn mang trên mình bộ đồ lính rách tả tơi, bạc phếch. Râu tóc anh rất dài, điểm những sợi bạc phơ phất. Người đàn bà mặc bộ đồ dân sự cũng te tua chẳng kém gì người kia nhưng da dẻ thì vẫn trắng mịn màng, những nét trên khuôn mặt chị vẫn hiền lành phúc hậu và rất xinh đẹp. Có lẽ là nhờ dòng suối tiên trong hang đá! Chị nói với chúng tôi như thế. Một điều đặc biệt nữa là cả hai đều có đôi mắt sáng long lanh và trí tuệ vẫn minh mẫn đến không ngờ. Kết thúc buổi nói chuyện, chúng tôi cho họ biết đất nước đã đổi mới và khuyên họ nên trở về với cuộc sống đời thường. Cả hai đều lắc đầu. Rồi nhanh như hai con sóc, họ vụt biến mất trong màu xanh bất tận của rừng.

Tất cả đoàn công tác chúng tôi ai cũng ngơ ngác trước sự ra đi nhanh chóng của họ. Chúng tôi không đuổi theo họ vì biết là không thể. Hơn nữa, tất cả mọi người đều mang chung một ý nghĩ tôn trọng cuộc sống mà họ đã lựa chọn.

Nhưng kể từ khi đó, chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi. Bóng của hai người lính đã trở thành cái bóng của rừng trùm kín, đè nặng lên tâm trí làm chúng tôi không sao thoát ra được.

Trở về Hà Nội, tôi lần tìm theo địa chỉ mà người đàn ông đã cho biết. Quả nhiên, cả cha và mẹ  anh đều không còn nữa. Khi đến gặp chính quyền địa phương và được xem hồ sơ về anh: Liệt sĩ, trung úy, đại đội trưởng, cùng rất nhiều huân huy chương, trong đó có cả huân chương chiến công hạng nhất anh được truy tặng sau ngày đất nước giải phóng. Một không khí nghiêm trang, cảm động, bỗng nhiên bao trùm lên khắp căn phòng. Tất cả những người có mặt khi ấy đều không ai có thể ngăn nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má…

        dao                                                                                                             

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)