BUÔNG CHO NHẸ

BUÔNG CHO NHẸ
Câu chuyện ngắn này diễn ra trong một giảng đường, đúng hơn là một hội trường lớn ở một trường đại học nổi tiếng. Một vị nữ giáo sư môn Tâm lý học bước những bước chậm rãi trên bục giảng trong một giảng đường sinh viên ngồi kín.

Bấy giờ là bài giảng về những nguyên tắc ứng xử với cảm xúc và kiểm soát căng thẳng. Trên tay vị giáo sư có một ly nước. Chợt bà dừng lại đối diện với các sinh viên, tay nâng cao ly nước ngang trước mặt. Hầu hết sinh viên trong thính đường đều chờ đợi một câu hỏi quen thuộc kiểu như: “Vơi hết một nửa rồi” hay “Còn đầy tới một nửa”. Nụ cười trên môi, bà hỏi: “Các bạn có thể cho tôi biết ly nước tôi đang cầm nặng bao nhiêu không?”
 
Nhiều tiếng hô to các câu trả lời của nhiều sinh viên: Các con số từ 300 gram cho đến 600, 700 hay 800 gram.

Giáo sư bấy giờ mới trả lời: “Theo tôi, trọng lượng tuyệt đối của cái ly này không đáng kể. Nặng bao nhiêu tùy thuộc vào thời gian tôi giữ nó. Nếu tôi giữ chiếc ly trong 1 hoặc 2 phút, thì nó khá nhẹ. Nếu tôi giữ ly nước 1 giờ liền, trọng lượng của nó có thể làm tay tôi hơi đau. Nhưng nếu tôi cầm ly nước nguyên cả ngày, tay của tôi sẽ bị chuột rút, tê liệt, buộc tôi phải buông cái ly xuống. Trong mọi trường hợp trọng lượng của ly không thay đổi, nhưng tôi càng giữ lâu, càng thấy ly nước nặng hơn".

Trong khi cả lớp gật đầu đồng ý, bày tỏ sự tán thành, giáo sư tiếp lời: "Những áp lực và muộn phiền, lo lắng của các bạn rất giống như ly nước này. Nghĩ về những căng thẳng lo âu ấy chốc lát thôi chẳng sao cả. Nghĩ về những chuyện đó lâu hơn, bạn bắt đầu thấy đau nhức. Nghĩ về chúng cả ngày, bạn sẽ thấy tê liệt hoàn toàn không làm được gì cho đến khi buông bỏ chúng khỏi tâm trí".

Bởi vậy, đừng bao giờ giữ những lo âu, muộn phiền QUÁ LÂU trong mình. Hãy học cách buông để thân tâm ta sớm trở nên nhẹ nhàng bạn nhé!
(ST)


Ngừng giảng, giáo sư Tâm Lý Học vênh mặt lên cười, ra điều hãnh diện là đã có một bài giảng lý thú cho sinh viên.  Nhưng giáo sư chưa kịp tận hưởng trọn vẹn giây phút tuyệt vời đó thì một sinh viên đã giơ tay lên xin được phát biểu ý kiến.  Giáo sư hơi ngạc nhiên và có vẻ mất vui nhưng giáo sư vẫn cố gắng tuơi cười:  

- Em có thắc mắc gì thì cứ hỏi, tôi sẽ cố giải đáp tường tận.

- Thưa giáo sư, em thấy thí dụ của giáo sư có hai điều không ổn.

- Không ổn như thế nào, em nói cho tôi nghe !?  

 - Điều không ổn thứ nhất là ly nước là để uống.  Thông thường ta cầm ly nước vài phút rồi ta uống nước trong ly chứ không ai cầm ly nước suốt ngày cho liệt tay hết cả, trừ phi ta mắc bệnh tâm thần.  Trong trường hợp này ta cần được đưa vào nhà thương điên chứ ta không nên đứng trên bục giảng thính đường phát ngôn lung tung. 

- Thế còn điều không ổn thứ hai là như thế nào ? 

-  Vâng thưa giáo sư, trước khi nhân viên y tế cho ta nhập viện, nhân viên y tế cũng cần quan sát xem ta cầm ly nước ra sao.  Nếu ta cầm ly nước và giang tay ra cả ngày thì đúng là ta điên nặng, nhân viên y tế phải cho ta nhập viện tức thì.  Tuy nhiên nếu ta cầm ly nước nhưng ta cẩn thận đặt ly nước trên mặt bàn thì đấy là một điều đáng mừng.  Đáng mừng không những cho ta mà còn cho nhà phân tâm học.  Đáng mừng cho ta vì rõ ràng ta còn đủ minh mẫn để hiểu rằng ly nước cầm lâu không có chỗ tựa thì ly nước sẽ trở nên nặng tay.  Lo âu giữ lâu trong người mà không chia sẻ được với ai thì lo âu đó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.  Đáng mừng cho nhà phân tâm học vì ta là một bệnh nhân lý tưởng, ta còn đủ lý trí để suy tư và còn đủ sức chi tiền cho những buổi nói chuyện dai dẳng với nhà phân tâm học. Ối ... ối ối ...

- Hử. tại sao em lại ối ối, em tính đùa với tôi đấy à !!!???

- Dạ thưa giáo sư, em có tính đùa với ai đâu ! Nhưng ối ối ... sao nãy giờ giáo sư cầm ly nước mà giáo sư mặt hầm hầm như muốn bóp nát cái ly đó vậy, sao giáo sư không đặt cái ly ấy lên mặt bàn ?  Giáo sư có vấn đề gì không đấy ???    
 
CÁM ƠN BÁC NGUYỄN KHÔI ĐÃ GỬI CÂU CHUYỆN SƯU TẦM!
hoa-xuan

 

--

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung