bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 298
Trong tuần: 1494
Lượt truy cập: 641551

BÚT KÍ CỦA CAO NGỌC THẮNG

MỎ ĐÈO NAI – HÔM NAY VÀ KÝ ỨC

                                                  Bút ký của Cao Ngọc Thắng

 

      

  

 

Tháng 4 năm 1975, lần đầu tiên tối đến Cẩm Phả, khi đang là sinh viên năm thứ ba khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội đi thực địa, tìm hiểu phương thức tổ chức sản xuất tại một vùng lãnh thổ. Thời điểm đó, cuộc Tổng tiến công mùa xuân của quân và dân ta đang diễn ra thần tốc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đang rất gần.

Chuyến thực địa ra Cẩm Phả năm ấy, đối với lứa sinh viên chúng tôi háo hức lắm, bởi được đi tàu thủy, từ bến Bính-Hải Phòng, xuyên qua Vịnh Hạ Long - một danh lam thuộc bảy kỳ quan của nhân loại (theo cách sắp xếp trước đây), được tận mắt nhìn thấy một khu mỏ nằm trong vùng mỏ lớn nhất nước ta, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên phong phú, được mệnh danh là vùng “vàng đen” của Tổ quốc với những loại than có chất lượng tốt nhất thế giới, nơi có nhiều sự kiện lịch sử in dấu vàng son.

Từ đó đến nay, không ít dịp ra Quảng Ninh với những mục đích khác nhau, và mỗi chuyến đi đều cho tôi những cảm xúc về vùng mỏ nơi địa đầu Tổ quốc. Nhưng, chuyến thực tế những ngày cuối tháng bảy năm nay (do báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức), khi đứng chân ngắm nhìn thành phố Cẩm Phả, ký ức của tôi hơn bốn mươi năm về trước như ùa ra, chen chúc, chẳng thành hàng thành lối gì cả.

 

*

 

Nhóm chúng tôi, gồm dịch giả Nguyễn Đăng Bảy, nhà báo Nguyễn Việt Thắng và tôi, được phân công về Công ty cổ phần than Đèo Nai - Vinacomin (TĐN). Người hướng dẫn ba chúng tôi thăm “khai trường” là Phó chánh Văn phòng Công ty Hoàng Thị Quỳnh Trang. Hôm đó là một ngày nắng đẹp. Quỳnh Trang đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc mũ bảo hộ lao động màu vàng và nói: “Các anh đội để bảo đảm an toàn. Quy định của mỏ là khi ra khai trường bất kỳ ai cũng phải đội mũ bảo hộ”.

Đội mũ trông ai cũng ra dáng thợ mỏ, chỉ khác là không mặc quần áo công nhân, mà cả ba người không ai bảo ai đều mặc áo màu đỏ (trừ Đăng Bảy), mọi người trong đoàn đùa: “Áo đỏ chứng tỏ Đèo Nai”, ý nói nhóm này dễ phân biệt với các nhóm khác, còn mấy anh công nhân lái xe gạt ở bãi thải đang chờ giao ca thì nhận xét: “Trông các bác chẳng giống nhà báo, nhà văn gì cả”, khiến mọi người cười thoải mái.

Khu “khai trường” của TĐN nằm trong phạm vi 6,6 kilômét vuông, có hai moong chính là Lộ Trí và Vỉa Chính - khai thác than lộ thiên. Đi một cách “bao quát”, lên cao rồi đổ dốc, loanh quanh một buổi, vậy mà chúng tôi đã vượt qua quãng đường dài năm sáu chục cây số. Ở những điểm dừng chân, nhìn xuống thấy cả thành phố Cẩm Phả nằm gọn giữa một bên là núi và ngoài kia là vịnh Bái Tử Long nhấp nhô những hòn núi đá vôi được “đẽo gọt” kỳ vĩ. Ngày trước, tôi cũng đã lên một trong hai mỏ lộ thiên ở đây. Ngày ấy, lòng moong so với bây giờ còn nông và nhỏ hơn nhiều. Công việc khai mỏ chủ yếu là lao động thủ công, máy khoan thì nhỏ, máy xúc cũng tầm tầm, xe ô tô Bella “bò” lồm cồm trong một không gian khá chật chội. Giờ đây, đáy moong Vỉa Chính ở độ sâu 145 mét dưới mực nước biển. Để xuống đáy moong, các loại ô tô phải đi trên những con đường ngoằn ngoèo bám vào vách dốc của moong dài dăm cây số.

Người ta tính, để lấy được 1 tấn than, trung bình phải bốc xúc 11,5 mét khối đất đá (theo hệ số hiện nay. Trước đây, hệ số này nhỏ hơn, bởi càng xuống sâu lượng đất đá phải bốc xúc càng nhiều). Cũng theo thống kê, từ năm 1960 (năm chính thức thành lập Mỏ than Đèo Nai) đến năm 2015 (55 năm), tổng sản lượng than khai thác của TĐN đạt 62 triệu tấn, tương đương với 408,8 triệu mét khối đất đá phải bốc xúc, thì chỉ trong vòng 8 năm (từ 2007 đến 2015), để khai thác 19,9 triệu tấn than phải bốc xúc 194,45 triệu mét khối đất đá. Riêng năm 2015, đất đá phải bốc xúc là 11,5 mét khối cho 1 tấn than. Dự kiến, tổng sản lượng than khai thác tính từ năm 1960 đến năm 2020 sẽ là 70 triệu tấn và tổng lượng đất đá bốc xúc sẽ xấp xỉ 500 triệu mét khối. Lãnh đạo Công ty cho biết, để đáp ứng khối lượng đất đá bốc xúc ngày càng lớn, Công ty đã dần thay thế các loại thiết bị, máy móc và ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại với số tiền đầu tư rất lớn (mỗi năm trên 200 tỷ đồng).

Tổ trưởng Tổ máy khoan thủy lực Trần Công Sơn, người từ Vụ Bản-Nam Định ra mỏ Đèo Nai học nghề và đã có trên 30 năm làm việc ở Công ty, tâm sự: trong ngần ấy năm anh đã vận hành ba loại công nghệ máy khoan khác nhau. Chiếc máy khoan thủy lực DML mà tổ anh đang vận hành là một trong hai chiếc máy khoan hiện đại nhất của TĐN (nhập từ Mỹ với giá là 1 triệu USD/chiếc), có công suất 525 mã lực, cho năng suất tăng gấp đôi so với các loại thiết bị cũ. Đây là loại máy có máy nổ đi kèm, sử dụng mũi khoan đường kính 230 milimet (giá nhập là 70 triệu đồng), cho phép giải phóng lỗ khoan nhanh, đảm bảo hoàn thành định mức được giao là 130 mét khoan sâu 1 ca (do hai công nhân vận hành).

Công việc bốc xúc đất đá cũng được hiện đại hóa từng bước. Hiện TĐN có 22 tổ máy xúc, sử dụng 7 máy xúc công nghệ tiên tiến. Từ năm 2003, Công ty trang bị máy xúc thủy lực loại 1250 có dung tích gầu 5,2-:-6,7 mét khối (giá trên 1 triệu USD/chiếc). Tổ máy xúc thủy lực PC số 9 do Trần Đình Hiền (sinh năm 1964) làm tổ trưởng hiện đang vận hành một trong những chiếc máy xúc này cho biết: Tổ có 11 người, chia thành ba ca, định mức cho mỗi ca là 1800 mét khối (tương đương khoảng 280 lượt bốc xúc). Hiền kể: loại máy xúc này mỗi phút vận hành “ăn” 1 lít dầu.

Tại bãi xe trên khai trường, công nhân đang chờ giao ca. Những chiếc xe tải CAT 777D nổi bật giữa các loại xe tải hạng nặng khác, bởi nó to “vật vã”, cao như tòa nhà hai tầng, trọng tải tới 96 tấn, theo mô hình chất tải mỗi chuyến chở khoảng 60,1 m3 đất đá, tương đương 9 gầu máy xúc thủy lực 1250, giá nhập cũng tầm 1 triệu USD (Công ty hiện có 8 xe). Nhà báo Nguyễn Việt Thắng cao 1 mét 80 đứng chỉ cao quá nửa chiếc bánh của nó (đường kính của bánh xe là 2 mét 60). Những người lái xe trèo lên và nhanh chóng lọt thỏm trong buồng lái. Mỗi xe chỉ một người vận hành, không có phụ, nhưng phía sau có tới ba người trợ giúp các công việc: bảo quản, kiểm tu và bảo dưỡng. Hiện TĐN có tổng số 80 xe vận tải chở than, đất các loại, hằng ngày đưa vào sử dụng 70 chiếc. Anh Trần Trung Kiên (sinh năm 1977), Tổ trưởng Tổ xe CAT 777D 502, Phân xưởng vận tải 5, cũng đã từng lái các loại xe khác nhau: Bella, CAT 773 E, nói rằng: Trong một ca hoạt động, xe ô tô chở khoảng 10 chuyến với cung độ 5 km, thì nhiên liệu tiêu thụ hết khoảng 70 lít/chuyến.

 

*

 

Những đoạn văn trên đây dẫn ra khá nhiều con số, nhưng đó là những con số biết nói. Chúng giúp ta so sánh, hình dung và ngẫm suy rất nhiều điều. Điều kiện lao động của người thợ mỏ ở Công ty cổ phần than Đèo Nai hôm nay hoàn toàn khác và vượt xa Mỏ Đèo Nai của hơn bốn mươi năm về trước. Trong hoàn cảnh đất nước thực hiện đổi mới đã ba mươi năm và đang tiến nhanh vào hội nhập quốc tế, điều đó là hiển nhiên. Song, hình ảnh lầm lũi, mỏi mệt của những người thợ mỏ năm xưa vẫn chưa chịu thoát khỏi ký ức của tôi. Ngày ấy, tôi cũng đã chui xuống hầm lò, đi trong những đường hầm chật hẹp, tạt vào các hàm ếch để tránh nhau, tránh xe goòng, cũng đã đến các moong khai thác than lộ thiên, cũng đã ngồi trên thùng xe tải dính đầy than ra cảng Cửa Ông tham quan dây chuyền chuyển than xuống tàu thủy…, đã hằn vào trí nhớ của tôi cảnh lao động thủ công thật là vất vả, những người thợ mỏ phải đổ nhiều mồ hôi, công sức cho việc đào bới bằng choòng, bằng máy khoan cầm tay, xúc đất đá, xúc than, đẩy xe goòng bằng sức người, mỗi khi từ công trường khai thác than về, dù trên mỏ lộ thiên hay dưới hầm lò, mặt ai cũng nhem nhuốc, đen nhẻm bụi than, chỉ lộ đôi mắt và hàm răng còn giữ được màu trắng, về đến tổ ấm gia đình vẫn âm thầm bên mâm cơm đơn sơ, đạm bạc. Hôm nay, đi vòng quanh phố sá, tôi không thể tìm lại được cái xóm thợ bên bờ vịnh mà bọn sinh viên chúng tôi trú nhờ ngày trước. Đứng trên độ cao của khai trường nhìn xuống thấy Cẩm Phả đã thực sự trở thành một thành phố sầm uất, hoàn toàn thay thế cái thị xã xộc xệch trước đây.

Có một thay đổi ở nơi đây, mà nếu ai chưa có dấu ấn của quá khứ thì khó hình dung nổi, mặc dù trước khi lên khai trường Chủ tịch Công đoàn Công ty Nguyễn Đăng Hưng đã “khái quát” tình hình - đó là sinh hoạt hằng ngày ở thành phố mỏ diễn ra sôi nổi và trật tự. Không chỉ riêng TĐN, các mỏ đều tổ chức xe đưa đón công nhân mỗi ca và đảm bảo bữa ăn giữa ca tại nơi thợ mỏ làm việc, không còn cảnh mạnh ai người ấy đi, ai có gì ăn nấy; và, trước khi trở về thành phố, về nhà, người thợ tươm tất trong trang phục sạch sẽ, cứ như họ vừa ở công sở ra chứ không phải là ở mỏ than đầy bụi bặm. Thay đổi này tưởng chừng không lớn, song rất quan trọng, bởi nó liên quan đến công tác vệ sinh, an toàn, đến kỷ luật và năng suất lao động, đến sản lượng chung của mỗi công ty và cuối cùng là đến thu nhập của từng người thợ. Bình quân tiền lương của 2.400 công nhân ở TĐN là 6,8 triệu đồng/tháng/người, chưa kể các khoản phân phối lại ngoài lương.

Nhưng, một thay đổi khác cơ bản hơn, ý nghĩa hơn, chắc chắn đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn, mặc dù mới chỉ ở bước đầu - đó là thay đổi tư duy và hành động về bảo vệ môi trường. Những con số đất đá bốc xúc dẫn ra ở TĐN đã cho ta một hình dung về lượng chất thải khổng lồ, chưa kể các dạng chất thải khác, đặc biệt là các loại hóa chất có trong nước thải từ các moong, nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng. Trước hết là bụi. Đợt thực địa ngày trước, tôi đã chứng kiến bụi len lỏi, bám chắc trong ngóc ngách, xó xỉnh, trên giường ngủ, bàn học, phủ lên tất tần tật mọi nơi, mọi thứ trong mỗi căn nhà của người dân, không phân biệt to nhỏ, giàu nghèo; bên ngoài cũng vậy, bụi phủ bất cứ chỗ nào: cành lá, mái nhà, xe cộ, tàu bè… Bụi ở vùng mỏ gây một ấn tượng mạnh. Chẳng cứ ở đây, nơi nào diễn ra khai thác khoáng sản đều như vậy cả, nhưng bụi ở vùng than nhiều hơn, dày hơn vì khối lượng đất đá bốc xúc lớn gấp bội. Loại chất thải rắn này có khối lượng lớn đến nỗi làm biến đổi dạng địa hình trong khu vực - các bãi thải nhanh chóng trở thành đồi, thành núi, và cũng nhanh chóng “bành trướng” để đến lúc nào đó không còn chỗ chứa chất thải nữa. Phó phòng Đầu tư và Môi trường của TĐN Phạm Thế Phi cho biết: trong đất đá thải này nồng độ sắt rất cao, quá mức cho phép, còn độ pH lại rất thấp, chỉ từ 3 đến 5, kèm với lưu huỳnh theo nước từ moong chảy ra. Các nguyên tố độc hại này chắc chắn theo bụi đất đá “về thăm” thành phố, tới tận từng nhà, “bắt tay” từng người. Hơn nữa, các đồi, các núi chất thải này luôn luôn ở tư thế trượt tự do, bất kể lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão, trở thành mối đe dọa trực tiếp đến đời sống dân cư đông đúc và vịnh biển nên thơ bên dưới. Nguy cơ này là có thật, đến mức Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ thị phải nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nếu không sẽ ngừng công việc khai thác than (!).

Trong vòng 10 năm, kể từ năm 2007, khu vực Bãi thải Nam Đèo Nai (rộng 500-1000 mét, dài 3 kilômét, độ cao cho phép là 300 mét trên mực nước biển) do TĐN quản lý, đã được cải tạo bằng cách phân tầng các triền đồi nghèo kiệt, trở thành khu rừng rộng 118 hecta với hàng vạn cá thể cắm rễ sâu vào lớp đất đá, như một mạng lưới bê tông tự nhiên, chống sạt lở và cải tạo môi trường bãi thải, tạo nên thảm thực vật xanh mát cho một vùng không gian rộng lớn, thiết lập một môi trường sinh thái khá hoàn chỉnh, có hệ thống mương thoát nước được xây kè chắc chắn, có hồ điều hoà, lọc nước, dưới lòng hồ nhiều loại cá sinh sản tốt. Các vạt rừng luôn được chăm sóc, phát triển nhanh và có giá trị điều hòa khí hậu, chống ô nhiễm, làm sạch không khí, giảm tiếng ồn, giảm thiểu những nguy hại tới sức khỏe của người lao động và nhân dân, kích thích quá trình sinh học của các loài.

Bãi thải Nam Đèo Nai thực sự trở thành lá phổi xanh của thành phố Cẩm Phả, đón nhiều đoàn khách đến thăm quan và học tập mô hình hoàn nguyên cho các bãi thải sau khai thác khoáng sản. Bãi thải Nam Đèo Nai đã được Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Ninh gắn biển “Công trình Chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIII”. Một con đường bê tông dài gần 3 kilômét ngăn cách khu rừng-bãi thải với khu dân cư, chạy từ hồ điều hòa, nơi các xe tải đi qua được phun nước rửa trước khi về nơi tập trung, cũng là nơi đặt một trạm bơm có công suất 24000 mét khối/ngày đêm để xử lý nước thải bơm từ các moong của hai công ty Đèo Nai và Cọc 6.

Trên khai trường và ở hệ thống tuyển than Huyền Phù (một dây chuyền khá hiện đại, có trang bị camera), chúng tôi chứng kiến công việc tưới nước thường xuyên (bằng xe ô tô và bằng hệ thống phun sương tự động), nên không còn hiện tượng bụi bay tự do như trong chuyến thực địa năm 1975 trước đây. Anh Phi cho biết: hằng năm số tiền Công ty đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường xấp xỉ 60 tỷ đồng (nạo vét và làm mới hệ thống thoát nước, trồng và chăm sóc cây, bơm và xử lý nước thải…, nộp phí bảo vệ môi trường cho địa phương, cho Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam); và, dự kiến đến năm 2037 tổng diện tích rừng trồng sẽ là trên một nghìn hécta.

Ngắm khu rừng ở Bãi thải Nam Đèo Nai mà mắt mát, lòng vui, vì nguy cơ tấn công của đất đá và bụi từ các bãi thải đã cơ bản được ngăn chặn. Thế mới biết việc gì khó đến mấy mà con người có quyết tâm và kiên trì thì sẽ tìm cách giải quyết được hết. Nguyễn Phúc Văn, người lái xe, nói với chúng tôi: cây xanh đã gọi chim muông về quần tụ rồi đấy. Vâng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng chim ríu rít, đã nhìn thấy những chú sóc leo cành. Chắc chắn còn nhiều loài động vật nữa mà chúng tôi chưa nhìn thấy.

Vui chuyện, Nguyễn Phúc Văn kể: con đèo chúng ta vừa đi qua là lối tắt từ Cẩm Phả sang Dương Huy và Ba Chẽ, các cụ già nói lại, xưa nơi đây rừng mọc bạt ngàn, trầm, dẻ, trò, ngát lẫn với tre, nứa và dây leo chằng chịt, các loài thú về tụ tập rất nhiều, nhất là nai, bởi vậy có tên Đèo Nai… Câu chuyện chưa dừng, nhưng tôi lãng đuổi theo một suy nghĩ khác: ước gì công việc trồng rừng ở nơi này nhanh chóng khôi phục được phần nào cảnh quan tự nhiên vốn có ngày xưa…

 

*

 

Công việc khai thác than lộ thiên được những ngày nắng ráo là quý hóa lắm, nhân đó mà nhịp độ và cường độ lao động khẩn trương hơn, song người công nhân phải chịu áp lực của cái nóng cũng cao hơn. Theo quy luật, khi lên núi, cứ 100 mét độ cao nhiệt độ giảm 0,6 độ C; ngược lại, cứ xuống sâu 100 mét nhiệt độ lại tăng lên 1 độ C. Với quy mô ngày nay, lòng moong thực sự là một cái chảo khổng lồ, sự đối lưu không khí rất hạn chế, sức nóng cộng với áp suất tăng luôn luôn hút kiệt mồ hôi và sức lực của người thợ mỏ. Người vùng than ví thợ mỏ: “là người trần mà làm việc nơi âm phủ”, kể cả thợ khai thác hầm lò lẫn khai thác lộ thiên, là vậy. Đứng ở dưới lòng moong nhìn lên vẫn thấy cả bầu trời lồng lộng, nhưng người thực sự đã ở dưới lòng đất, nên nói: người thợ mỏ cõng bầu trời chui vào lòng đất cũng chẳng ngoa. Nhưng, khi ngắm nhìn than lộ ra dưới ánh mặt trời rực rỡ lòng mới rạo rực làm sao. Từ vỉa than tỏa ra màu nhóng nhánh, lung linh, đẹp huyền ảo. Tôi chợt bật ra khúc haiku, một thể thơ Nhật Bản:

Than nhóng nhánh 

Gương mặt em 

Lòng moong thăm thẳm

 

*

 

Tin cơn bão số 1 năm 2016 có khả năng đổ bộ vào Quảng Ninh không làm người dân ở đây “xao xuyến”. Đã bao đời nay họ đã từng đương đầu với thiên tai. Nhưng, ký ức về trận mưa lịch sử năm ngoái, cũng vào những ngày tháng bảy này, khiến người thợ mỏ Cẩm Phả phải cảnh giác. Trận mưa quái ác năm ấy gây ra lụt trên diện rộng, nhấn chìm những thành quả lao động cũng như tài sản của công và của nhiều gia đình dưới làn nước mông mênh, để lại những hậu quả nặng nề.

Gió giật từng hồi. Mưa ràn rạt từng cơn. Có khoảng nắng chấp chới. Tâm bão đang bao trùm khu mỏ. Công việc phòng chống bão lũ diễn ra khẩn trương ở tất cả các mỏ. Rồi đột ngột có tin cơn bão chuyển hướng xuống phía nam. Bớt lo ở đây, nhưng lòng dạ những người quê ở Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình lại cồn cào, thấp thỏm thoáng hiện lên ánh mắt, trong giọng nói của những thợ mỏ mà chúng tôi tiếp xúc.

Đèo Nai là một trong những mỏ khai thác than lâu đời nhất ở vùng than Hòn Gai-Cẩm Phả, mở “khai trường” ngay từ cuối thế kỷ XIX khi người Pháp tăng cường cuộc “khai hóa Đông Dương”, cho nên ở đây nhiều gia đình có tới ba, bốn thế hệ thợ mỏ. Chúng tôi đến thăm bác Mai Hữu Phần tại nhà riêng. Tới kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống vùng mỏ năm nay (12-11-1936 – 12-11-2016), bác Phần cũng vừa tròn 80 tuổi và có 66 năm gắn bó với mỏ Đèo Nai, từ lúc còn là cậu bé 14 tuổi đưa cơm vào mỏ, trở thành công nhân mỏ sau ngày tiếp quản, tham gia công cuộc khôi phục sản xuất (năm 1955) và trưởng thành trong các phong trào thi đua lao động sản xuất, đến khi nghỉ hưu (năm 1994) vẫn gắn bó với công tác công đoàn và đời sống người thợ mỏ. Bác Phần còn nhớ từng chi tiết ngày Bác Hồ về thăm Đèo Nai, ngày 30 tháng 3 năm 1959: Người cầm hòn than kíp-lê và nói “Than này rất quý, không được lãng phí”. Ký ức của bác Phần gợi trong tôi suy nghĩ, rằng trong thời đại khoa học-kỹ thuật và công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, lợi nhuận từ khai thác than (và các quặng kim loại đen, kim loại màu, cũng như các tài nguyên thiên nhiên khác) không những có đủ điều kiện và khả năng cải thiện môi trường sống luôn trong lành và đẹp hơn, ngăn chặn được căn bệnh hủy hoại thiên nhiên truyền nhiễm từ các nước công nghiệp phát triển, mà còn đủ sức kéo dài tuổi thọ các nguồn tài nguyên dưới lòng đất không thể phục hồi bằng việc đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao, chế biến ra nhiều loại sản phẩm giá trị lớn từ các loại quặng - một cách tiết kiệm tích cực và phục vụ đắc lực công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng phát triển bền vững nền kinh tế quốc dân; đồng thời duy trì hoạt động các mỏ lâu hơn, ổn định hơn. Trí tuệ người Việt Nam thời đại mới hoàn toàn làm được điều này.

Chia tay vùng mỏ, tôi đem theo tình yêu với mảnh đất Quảng Ninh, nơi có nhiều địa danh mang dấu ấn liên quan đến sự hình thành than đá và kỳ quan độc đáo, nơi vừa chứa đựng quá trình thai nghén và quằn quại lâu dài của bà mẹ thiên nhiên, vừa xác nhận nỗi trằn trọc nhọc nhằn của con người trong cuộc sống lầm than. Đó là bến phà Rừng, là Bãi Cháy, là vịnh Hạ Long, là Móng Cái, là Hòn Gai, là Cửa Ông, là Mông Dương… và là Đèo Nai nữa.

 

 anh_chuan_5

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)