bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 60
Trong tuần: 2128
Lượt truy cập: 658798

ĐIỆN ẢNH HÀ NỘI - MÁI NHÀ THÂN YÊU

Thái Kế Toại
 
ĐIỆN ẢNH HÀ NỘI
MÁI NHÀ THÂN YÊU
                                      
 
   Hà Nội Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một vùng đất địa linh nhân kiệt, trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa xã hội của đồng bằng sông Hồng và cả nước.
   Trước 1995 Điện ảnh Hà Nội đã hình thành và phát triển rất sớm, đóng một vai trò quan trọng với điện ảnh nước nhà. Là nơi khai sinh những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam như Bến cũ, Kiếp hoa, của nền điện ảnh cách mạng như Chung một dòng sông. Đây là nơi tập trung nhiều nhà sản xuất, hoạt động điện ảnh xuất sắc và cơ sở điện ảnh lớn của cả nước.
   Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, hết sức quan tâm đến sự xây dựng và phát triển nghệ thuật Điện ảnh của Hà Nội nói riêng trong sự phát triển chung của ngành nghệ thuật Điện ảnh cả nước. Đó là đầu tư xây dựng Đơn vị quay phim tư liệu trong chiến tranh phá hoại của Sở văn hóa thông tin Hà Nội, các rạp, các sân chiếu phim ngoài trời Hà Nội phục vụ cho công tác tuyên truyền và thưởng thức nghệ thuật của quần chúng nhân dân.
  Sự ra đời của Hãng phim Hà Nội đánh dấu một quyết định quan trọng trong việc gây dựng một đội ngũ, sự nghiệp cho Điện ảnh Hà Nội phát triển. Từ lúc ban đầu khi Hãng phim ra đời, với cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu thốn, lực lượng quản lý và sáng tác chưa đủ, kinh phí còn nghèo nàn. Nhưng được sự ủng hộ của các cấp chính quyền và các anh em đồng nghiệp, Hãng phim Hà Nội đã tập hợp được một đội ngũ sáng tác bao gồm nhiều nghệ sĩ Điện ảnh nhiệt tình với Điện ảnh Hà Nội, có tâm huyết với những đề tài về Hà nội và sự nghiệp của Điện ảnh Hà Nội nói riêng, cũng như sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật của Hà Nội nói chung. Bước đầu Hãng phim Hà Nội và các nghệ sĩ Điện ảnh đã hợp tác hoàn thành một số đề tài. Đánh giá sâu sắc những tư liệu giá trị của tư liệu lịch sử về Hà Nội, Hãng phim Hà Nội đã tổ chức thực hiện ghi lại những sự kiện lịch sử, những nhân chứng lịch sử, những hình ảnh lịch sử đặc sắc liên quan đến hiện tại và quá khứ của Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở đó, tiến hành xây dựng những bộ phim tài liệu như: “Lịch sử Đảng bộ Hà Nội”, “ Thủ đô Hà Nội nhớ về Thủ đô kháng chiến”, “Nơi ấy Hà Nội những năm tháng không quên”, phim nói về những chiến sĩ Cộng sản trong nhà tù Hỏa Lò, bộ phim được sử dụng chiếu thường xuyên tại bảo tàng Hỏa Lò; “Bác Hồ với quê hương cách mạng Tháng Mười”; :Xin gửi Cu-Ba tấm lòng Hà Nội”; “Chiến thắng B52” bộ phim sử dụng 3 màn hình cho bảo tàng chiến thắng B52 chiếu phục vụ khách đến thăm quan; “Từ Hoa Lư đến Thăng Long”; “Văn Miếu quốc Tử Giám”; “Điện Biên Phủ bản hùng ca bất diệt” bộ phim kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
    Ngày 30-11-1995 Hội Điện ảnh Hà Nội đã ra đời với 38 hội viên sáng lập. Ban Chấp hành khóa I gồm 5 nghệ sĩ: Tổng thư ký: Đạo diễn, nhà quay phim Đan Thiết Thụ, Phó Tổng thư ký thường trực: Nhà biên kịch, nhà báo Nguyễn Hữu Cẩn, Nhà báo Lê Xuân Hội. Hai ủy viên là Đạo diễn Đào Trọng Khánh và Nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh. Trong các hội viên sáng lập nhiều người là văn nghệ sỹ nổi tiếng trong nền điện ảnh nước nhà. Đó là Nhà văn Tô Hoài, Vũ Bão, Nguyễn Thị Hồng Ngát, nhà biên kịch Nguyễn Đình Chính, Đoàn Trúc Quỳnh, Vũ Đình Minh, Cao Nhị, Nhà quay phim Trần Thế Dân, Phạm Việt Tùng, Nguyễn Quang Hải, đạo diễn Đào Trọng Khánh, Xuân Sơn, Bùi Đình Hạc, Nguyễn Mạnh Lân, các nhà lý luận phê bình điện ảnh Trần Luân Kim, Trần Thanh Hiệp, Vũ Quang Chính…
Đồng chí Phạm Thế Duyệt nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội đã tới dự.
Hội Điện ảnh Hà Nội đáp ứng yêu cầu cấp thiết của lực lượng nghệ sỹ công tác điện ảnh của thủ đô Hà Nội –  một trung tâm điện ảnh lớn của cả nước cần một mái nhà chung cho các nghệ sỹ làm nghề sản xuất phim, phát hành phim, chiếu phim, truyền hình và các công đoạn khác như bảo quản, lưu trữ, nghiên cứu phê bình phim tại địa bàn Thủ đô.
Đó là những cơ sở điện ảnh lớn như:thaiketoai
Viện Nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh Việt Nam
Hãng phim truyện Việt Nam
Hãng phim truyện 1
Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương
Hãng phim hoạt hình Việt nam
Hãng phim truyền hình Việt Nam
 Hãng phim Hội nhà văn
Hãng phim Hà Nội
Điện ảnh quân đội nhân dân
Điện ảnh công an nhân dân
Điện ảnh bộ đội biên phòng
Báo Màn ảnh và sân khấu
Đài phát thanh và truyền hình Hà nội
Phát hành phim trung ương
   Hãng phim Sao Khuê trực thuộc Hội Điện ảnh Hà Nội được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập đã ra đời gánh vác sứ mệnh của Hãng phim Hà Nội.
Những nhà đại diện tiêu biểu của điện ảnh đã có mặt ngay từ buổi đầu ra mắt HĐAHN. Trong hành trình cùng điện ảnh Hà Nội họ đã góp những tiếng nói trung thực phản ánh cuộc sống Hà Nội với những khó khăn, nỗ lực vượt qua những khó khăn để vươn lên xây dựng một Thủ đô tươi đẹp.
  Họ cũng là tác giả của những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Việt nam phản ánh hiện thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước,
Điều lệ của Hội thể hiện cương lĩnh như sau:
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích
  1. Hội Điện ảnh Hà Nội (sau đây gọi tắt là Hội Điện ảnh) là tổ chức chính trị
xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác điện ảnh và truyền hình ở Hà Nội, tự nguyện hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
  1. Mục đích của Hội Điện ảnh là tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng sáng tạo của hội viên nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật Thủ đô
tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; đẩy
mạnh hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật với các đặc trưng dân tộc, nhân văn,
dân chủ và khoa học, vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước, xây dựng
nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về
chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh.
   Với cương lĩnh đó, với sự động viên khích lệ, HĐAHN với tư cách là một tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp đã trở thành mái nhà thân yêu, ấm cúng với các nghệ sỹ trong hoạt động sáng tạo của họ.
   Trong số nhiều tác phẩm điện ảnh của các nghệ sỹ hội viên Hội Điện ảnh Hà Nội cuộc sống và con người Hà Nội chiếm một nguồn cảm hứng mạnh mẽ, dồi dào.
Vẻ đẹp con người, văn hóa, lịch sử Hà Nội. Phim Hà Nội trong mắt ai.
Bộ phim tài liệu: “Đảng bộ Hà Nội và dấu ấn 1000 năm Văn hiến” do Hãng phim Sao Khuê của Hội sản xuất, đã được sử dụng trong dịp Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XV năm 2010 và phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.
          Các nghệ sĩ ở các Chi hội thuộc Hội còn làm các phim tài liệu về một số danh nhân văn hóa cổ điển như “Đoàn Thị Điểm”, “Hồ Xuân Hương”, “Bà Huyện Thanh Quan”, “ Bí mật vụ án Lệ Chi Viên”(về Nguyễn Trãi), phim về các nhân vật tên tuổi đương đại như: “Trần Quốc Vượng trong ký ức chưa xa”,“ Nhà văn Tô Hoài”,nhạc sĩ Văn Cao, NSND Đặng Thái Sơn, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà văn – nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhạc sĩ Chu Minh...  nhiều bộ phim tài liệu về một số vùng còn lưu lại các di tích văn hóa truyền thống của Văn hiến Thăng Long Hà Nội và Văn hiến xứ Đoài.  Đạo diễn Nguyễn Sỹ Chung còn làm phim Du khúc ngàn năm, đạo diễn Lê Việt Hương làm phim Ngàn năm sênh phách lưu giữ các dòng nghệ thuật ca nhạc cổ truyền.
   Năm 2011 Hãng phim Sao Khuê phối hợp với tỉnh Hưng Yên và Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Ninh sản xuất bộ phim truyện truyền hình 30 tập “Độc nhãn Tướng quân Nguyễn Bình “hiện đã phát hành. Hội cũng tổ chức nhiều cuộc đi dã ngoại bổ ích cho hội viên, như đi Côn Sơn, Kiếp Bạc, đi Hưng Yên, Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương…Các hội viên đã kết hợp trong các chuyến đi tìm càm hứng, tư liệu văn hóa lịch sử  với việc hoàn chỉnh một số kịch bản phim và phim.
   Được sự quan tâm, ủng hộ chí tình về tinh thần của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức được các Trại sáng tác định kỳ ở Tam Đảo, Nha Trang, Vũng Tàu và Đại Lải, tạo điều kiện cho hội viên đến hoàn chỉnh các kịch bản. Đã có nhiều kịch bản tốt được hoàn chỉnh sau các đợt đi diền dã hoặc các trại sáng tác như: Hoa hậu xứ Mường (của Đoàn Trúc Quỳnh), Dòng họ Thái tể Định Quốc công Nguyễn Bặc (Nguyễn Hữu Cẩn), Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn hiến Thăng Long- Hà Nội (NSND Đào Trọng Khánh – Đan Thiết Thụ), Dấu ấn một vùng quê (NSUT Thanh Loan), Giáo sư Đào Duy Anh (Phan Thanh Tú), Tranh Hàng Trống (Chu Minh), Một thời Văn hóa cứu quốc (Thái Kế Toại), Bác Hồ ở Thái Lan (NSƯT Sỹ Chung) v.v..
   Hội còn có mặt hoạt động rất đáng chú ý là thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm về lý luận, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn sáng tác, trao đổi thông tin về tình hình cập nhật của điện ảnh trong nước và quốc tế.
    Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con người Hà Nội cũng đã lập nên nhiều chiến công góp phần vào lịch sử của Hà Nội. Hình ảnh những chiến sĩ tự vệ của trung đoàn Thủ đô trong Hà Nội mùa đông năm 1946 biên kịch : Hoàng Nhuận Cầm- Đặng Nhật Minh, đạo diễn: Đặng Nhật Minh), Sống mãi với Thủ đô đạo diễn: Lê Đức Tiến đã tạo nên nét đẹp khó phai mờ. Những chiến sĩ cảm tử ôm bom xăng, bom ba càng lao vào chặn đánh xe tăng quân giặc, những chiến sĩ cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh đã trở thành biểu tượng đẹp trong lịch sử, văn hóa, trong văn học, điện ảnh. Họ đã trở thành niềm tự hào của dân tộc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Ở một góc khác, bộ phim Mùa đông năm 1946 lại miêu tả một đội ngũ những chiến sĩ, tự vệ Thủ đô trong sự kiện lịch sử của tháng 12- 1946. Đây là một giai đoạn tế nhị trong lịch sử cách mạng. Thời điểm mà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà còn non trẻ tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng. Bộ phim đã cho thấy sự đoàn kết, nhất trí của cả một tập thể cách mạng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự mưu lược, bình thản tìm ra những sách lược ứng phó trong nhiều tình huống gay cấn trước những biến cố của cả bộ máy lãnh đạo Chính phủ cùng sự năng động, dũng cảm của nhiều cán bộ, chiến sĩ.
   Phim Mùa hạ không quên, Điệp vụ thứ nhất của Điện ảnh công an phản ánh cuộc chiến đấu của các chiến sỹ công an và nhân dân Hà Nội trong lòng đô thị bị tạm chiếm. Phim có nhiều hình ảnh về những nữ chiến sỹ tình báo xinh đẹp, mưu trí và những khung cảnh đẹp, cổ kính của Hà Nội.
Phim   Hoa ban đỏ của Điện ảnh quân đội về chiến dịch Điện Biên lịch sử.
Phim Màu cỏ cháy của Hãng phim truyện Việt Nam về nhưng nhân vật chiến sỹ là sinh viên Hà Nội ra trận chiến đâu và hy sinh ở thành cổ Quảng Trị.
Một lần nữa Hà Nội lại trở thành niềm tự hào thiêng liêng của cả nước khi mà quân và dân Hà Nội đã lập nên một chiến thắng B52 lừng lẫy giữa lòng Thủ đô Hà Nội, kỳ tích đó đã được gọi tên Điện Biên Phủ trên không. Và sự kiện này cũng đã được ghi đậm trong nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam mà tiêu biểu là bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm của nghệ sĩ nhân dân Bùi Đình Hạc. Có thể nói với chiến công bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội, người Hà Nội đã được cả thế giới kính phục. Họ đã là những người đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học quân sự khi có thể bắn gục Pháo đài bay của giặc lái Mỹ.
   Trong những ngày tháng của năm 1972 đầy bi thương ấy, hình ảnh tiếng đàn Violon như những thanh âm trong trẻo được kéo lên bởi bé Hà, cô bé mới mười hai tuổi trong Em bé Hà Nội (Đạo diễn: Hải Ninh, quay phim: Trần Thế Dân). Đặt một em bé thành biểu tượng đối lập với sự hủy diệt tàn khốc của kẻ thù hung bạo bậc nhất đã tạo nên những rung động sâu sắc. Một nét khác trong mối quan hệ gia đình, bạn bè, xã hội cũng được khắc họa khá sắc nét trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Nguyệt, Khánh, Hà là ba người bạn học trong một trường đại học. Ra trường, để phục vụ ngành học đúng với chuyên môn họ đều phải chấp nhận rời xa Hà Nội. Đối lập với Khánh, con một cán bộ cao cấp nhưng không dựa thế gia đình để ở lại Hà Nội. Tình thương con vô lối đã khiến bà bất chấp thủ đoạn miễn sao cho con mình được ở lại và làm việc tại Thủ đô. Mối quan hệ gia đình ở đây chính là tác nhân gây ra những cản trở cho sự phát triển nhân cách, tình yêu, trách nhiệm với công việc, xã hội. Và chính tình thương con mù quáng ấy đã làm hỏng tương lai, sự nghiệp và hạnh phúc của cuộc đời Nguyệt. Ở đây, bên cạnh việc khắc họa những nét đẹp trong một gia đình Hà Nội truyền thống đã xuất hiện những mặt đối lập, nhiều mẫu hình gia đình khác biệt trong cuộc sống.
  Trong bộ phim Cách sống của tôi kịch bản Lưu Nghiệp Quỳnh, đạo diễn Đỗ Ngọc, quay phim Đan Thiết Thụ, người Hà Nội cũng trở thành lá cờ đầu trong phong trào đi xây dựng quê hương mới. Hà Nội đã gửi nhiều người con ưu tú trên các lĩnh vực vào Lâm Đồng để khai phá vùng đất mới. Đó là những người như ông Hòa, ông Bình, như Thu, Minh… Những thành viên ưu tứ trên mặt trận đời sống. Họ đã rời Thủ đô đến Lâm Đồng theo tiếng gọi của Đảng, của đất nước.
   Cùng với sự chuyển biến trong trào lưu đổi mới đạo diễn Trần Văn Thủy đã thực hiện hai bộ phim xuất sắc về Khát vọng văn hóa và vẻ đẹp Chân Thiện Mỹ của con người Hà Nội. Đó là Phim Hà Nội trong mắt ai và Chuyện tử tế, Phim thể hiện bản lĩnh trung thực, dũng cảm và năng lực sáng tạo của một nghệ sỹ điện ảnh Hà Nội.
Nhiều tác phẩm có những yêu cầu chuyển biến của cuộc sống hậu chiến như Mười hai bến nước của Điện ảnh quân đội, cuộc sống hiện đại như Của rơi của Hãng phim truyện Việt Nam…phim tài liệu Người dân quê tôi của Nguyễn Sỹ Chung
   Điện ảnh Hà Nội còn có sự hợp tác với những nền điện ảnh lớn trên thế giới. Phim Người thừa do ĐACA hợp tác với Điện ảnh Pháp, Phim Điện Biên Phủ, Hà Nội mùa hè chiều thẳng đứng của Hãng phim truyện Việt Nam hợp tác với Điện ảnh Pháp.;.
Nhiều rạp chiếu phim với công nghệ hiện đại đã có mặt ở Hà Nội phục vụ thị hiếu, nhu cầu thưởng thức của các tầng lớp nhân dân. Nghệ sỹ nhân dân Trần Quốc Chiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội phát biểu:
Các nghệ sỹ điện ảnh Hà Nội đã được đồng bào chiến sỹ cả nước tin yêu. Được Đảng và Nhà nước đánh giá cao cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Một đồng chí lãnh đạo Hà Nội đánh giá về những đống góp của các nghệ sỹ điện ảnh Hà Nội trong công tác xây dựng văn hóa Hà Nội…
Lãnh đạo HĐAVN nói về vai trò của điện ảnh Hà Nội với điện ảnh Việt Nam.
Các thế hệ lãnh đạo Hội Điện ảnh Hà Nội với những cống hiến, đóng góp cho phong trào, đời sống điện ảnh Thủ đô:
Ban Chấp hành Đại hội I (1995 – 2000): Đan Thiết Thụ (Tổng thư ký); Nguyễn Hữu Cẩn (Phó Tổng thư ký); các ủy viên: Đoàn trúc Quành, Đào Trọng Khánh; Lê Xuân Hội.
Ban Chấp hành Đại hội II (2001 - 2005): Đan Thiết Thụ (Tổng thư ký); Lê Xuân Hội (Phó Tổng thư ký); Các ủy viên: Đoàn Trúc Quỳnh, Đào trọng Khánh; Thanh Loan, Thanh Phong.
Ban Chấp hành Đại hội III (2006- 2010): Đan Thiết Thụ (Chủ tịch); 2 Phó chủ tịch: Lê Xuân Hội, Thanh Loan; các ủy viên: Đoàn Trúc Quỳnh, Đào Trọng Khánh, Thanh Phong, Vương Đức, Cao Mạnh, Cao ngọc Thắng.
Ban Chấp hành Đại hội IV (2011-2015): Đan Thiết thụ (Chủ tịch); 2 Phó Chủ tịch: Lê Xuân Hội, Thái Kế Toại; các ủy viên: Bành Mai Phương, Cao Ngọc Thắng, Đoàn Trúc Quỳnh, Thanh Phong, Đào Trọng Khánh, Lê Thi.
  Ban Chấp hành Khóa V (2015- 2020): Đan Thiết thụ (Chủ tịch); 2 Phó Chủ tịch: Thái Kế Toại và Thanh Loan; các ủy viên: Bành Mai Phương, Cao Ngọc Thắng, Nguyễn Hà Bắc, Đào Duy Phúc, Lưu Nghiệp Quỳnh, Lê Thi.
Ban chấp hành Khóa VI (2020-2025) gồm: Bành Mai Phương (Chủ tịch), Hai Phó Chủ tịch: Lê Việt Hương và Đào Duy Phúc. Các ủy viên: Cao Ngọc Thắng, Nguyễn Hà Bắc, Lưu Nghiệp Quỳnh, Đỗ Khánh Toàn, Thanh Loan, Nguyễn Thu Dung.
   Trong số đó nổi bật những nghệ sỹ đã tận tụy đóng góp cho phong trào như: Đạo diễn Đan Thiết Thụ, Đạo diễn Đào Trọng Khánh, Nhà báo Lê Xuân Hội, Đạo diễn Nguyễn Thị Thanh Loan, Nhà biên kịch Thái Kế Toại, Nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh, Nhà biên kịch Nguyễn Hữu Cẩn…
Điện ảnh Hà Nội đã có những thành tựu to lớn cho nền điện ảnh nước nhà:
Với các danh hiệu: Hơn 40 Nghệ sỹ ưu tú: Nguyễn Thị Thanh Loan, Tố Uyên, Vũ Đình Thân, Đỗ Khánh Toàn, Nguyễn Sỹ Chung, Nguyễn Đăng Khoa, Phạm Hồng Linh, Lê Quang Phú, Vũ Thanh Quý…
14 Nghệ sỹ nhân dân: Nguyễn Hà Bắc, Bùi Bài Bình, Trần Quốc Dũng, Đào Trọng Khánh, Trần Văn Thủy, Phạm Quang Vĩnh…
Với các giải thưởng:
Nhiều Giải thưởng của Hà Nội và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội
Nhiều Giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam
Nhiều Giải thưởng của Liên hoan truyền hình Việt Nam
Nhiều Giải thưởng của UBTQ LHCHVHNTVN
Nhiều Giải thưởng của Liên hoan phim Việt Nam
Và một số Giải thưởng nghệ thuật danh giá khác của quốc tế và của các tổ chức, cá nhân trong nước: Vương Đức với phim Cỏ Lau Giải Ngọn đuốc vàng Liên hoan phim các nước không liên kết Bình Nhưỡng 1994, Đặng Nhật Minh với Giải thưởng Bùi Xuân Phái Vì tình yêu Hà Nội 2023…
Hàng chục nghệ sỹ được Giải thưởng nhà nước về VHNT: Trần Thế Dân, Lê Thi, Phạm Việt Tùng, Đặng Xuân Hải, Vương Đức, Nguyễn Lương Đức, Phạm Nhuệ Giang…
Nhiều nghệ sỹ được Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT: Hoàng Tích Chỉ, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh, Nguyễn Hải Ninh…
Các tác phẩm của các ông thấm đẫm tình yêu Hà Nội, là tấm gương trung thực về con người Hà Nội với những hình ảnh cao đẹp.
Trong những nghệ sỹ đó có đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Ông có một chùm phim về Hà Nội và người Hà Nội thấm đẫm tinh thần nhân văn như: Hà Nội mùa đông năm 1946 (năm 1997), Mùa ổi (2001), Trở về (1994), Đừng đốt (2009) và cuối cùng, gần nhất là phim Hoa nhài (2020), bộ phim ông làm ở tuổi 82.
   Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 Của HĐAHN đánh dấu một bước chuyển biến mới. Hội đã Trẻ hóa lãnh đạo Hội, đổi mới cơ cấu tổ chức và phong cách làm việc.
Quán triệt Học tập HCT: các kịch bản về Hồ Chủ tịch và xây dựng dự án phim “Muôn vàn tình thân yêu “về công lao và tìn thân yêu của Bác với nhân dân Hà Nội, tình càm của nhân dân Hà Nội đối với Bác.
   Vượt qua bao khó khăn của đời sống thời bình, những thách thức khắc nghiệt của kinh tế thị trường, các nghệ sỹ điện ảnh Hà Nội vẫn nhiệt huyết với những thành quả của công cuộc xây dựng Thủ đô và bảo vệ Tổ quốc.
 Họ chia sẻ với các chiến sĩ Trường Sa đang bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…Họ thao thức trên cùng các chiến sĩ biên phòng đang canh giữ biên cương phía Nam, phía Bắc, phía Tây.
Họ bám sát cùng ống kính với các chiến sĩ săn bắt tội phạm ma túy, ghi chép cuộc đấu tranh khốc liệt chống các loại tội phạm hình sự của các chiến sỹ biên phòng, chiến sỹ công an nhân dân…
Trong thời bình công việc sáng tác, những trang bản thảo, những thước phim vẫn có giá đắt, đẫm mồ hôi và cả máu của nó.  Nghệ sỹ quay phim Nguyễn Xuân Nghiệp ở Điện ảnh Quân đội đã hy sinh khi quay phim ở vùng biên giới phía Bắc trên sông Đà.
   Có người như đạo diễn Đỗ Phương Thảo, Nguyễn Thành Thái, nhà biên kịch Đoàn Trúc Quỳnh hàng ngày vừa chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo vừa cặm cụi bên trang bản thảo về một tình yêu Hà Nội của các anh chị. Nhìn bộ kịch bản phim truyền hình 30 tập Từ Lam Sơn đến hồ Hoàn Kiếm của Đoàn Trúc Quỳnh không ai không thể xúc động.
            Ba mươi năm đã qua nhưng Điện ảnh Hà Nội đã kế thừa bề dày của lịch sử điện ảnh cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Bao thế hệ, bao tên tuổi đã góp phần để lại nhiều tác phẩm danh tiếng.
  Hà Nội đã kỷ niệm mười năm sáp nhập với Hà Tây. Thủ đô bước vào thời kỳ phát triển mới. Lãnh đạo thành phố đã xây dựng Chương trình Hiện đại hóa đời sống văn hóa. Bộ mặt mới của HN đang thay đổi. Những khu giải trí mới. Những cơ sở điện ảnh mới. Những máy móc làm phim, chiếu phim mới hiện đại
Chủ tịch Hội Bành Mai Phương phát biểu về Những trăn trở trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, trong hoạt động sáng tạo với chủ trương công nghiệp hóa văn hóa trong đó có điện ảnh Thủ đô.
Đạo diễn Nguyễn Hà Bắc một nghệ sỹ rất nhiệt huyết với việc đem kỹ thuật số cho kỹ thuật làm phim trong thời đại công nghệ 4.0.
Đạo diến Bùi Trung Hải đã từng tu nghiệp tại Pháp và Mỹ với ý tưởng Vươn lên đỉnh cao mới Hợp tác mở rộng, cơ hội với điện ảnh Mỹ. Bài báo mới đăng trên tạp chí LLPB Văn học Nghệ thuật về chuyển đổi kỹ thuật số trong Điện ảnh Chúng ta có thể học được gì từ điện ảnh Mỹ?
  Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh một nhà văn đã có thành công trong làng truyện ngắn Hà Nội rất sớm nhưng là gắn bó cả đời với điện ảnh. Tuổi đã cao nhưng với khả năng đặc biệt của mình ông đã tận tụy sưu tầm, khám phá những thông tin đặc sắc, mới lạ của điện ảnh thế giới cho Hội, cho anh em. Một thế hệ mới của HĐAHN đã trưởng thành, đã tiếp quản từ lớp cha chú, đàn anh kỹ thuật mới, phương pháp quản lý mới, tiên tiến và hiện đại. Có thể thấy điều đó từ ánh mắt, nụ cười, tác phong của những nghệ sỹ trẻ của Hãng phim Tài liệu Khoa học trung ương, của Điện ảnh quân đội, Điện ảnh công an, Hãng phim Sao Khuê, Hãng phim hoạt hình… hôm nay.
Từ lúc chỉ có hơn ba chục hội viên đến nay Hội đã có hơn 400 người.
     Dưới mái nhà thân yêu này, dưới vườn ươm tài năng đầy hy vọng này, sẽ cho chúng ta những bông hoa đẹp và những mùa quả mới, những tác phẩm điện ảnh xuất sắc của thời đại mới.
                      
                                                                   Hà Nội tháng 10-2023
                                                                                 T.K.T
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)