bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 147
Trong tuần: 652
Lượt truy cập: 612794

RAU TẬP TÀNG

Mai Nam Thắng

RAU TẬP TÀNG
 
“Rau tập tàng thì ngon
Con tập tàng thì khôn”…
Bao nhiêu lời ca lao xao gió độc
Bao nhiêu ánh nhìn kim gai nhọn sắc
Bấy nhiêu âm thầm nhẫn nhục tốt tươi…
Rau tập tàng
canh tập tàng ơi!
Tươi tốt những năm khói lửa ngút trời
Đất hoả tuyến,
rau tập tàng…
hố bom lở lói…
Người và xe rì rầm đêm tối
Sống và yêu chết chóc liền kề
Thơm thảo bát canh tập tàng tiễn người ra trận
Đầm đìa trăng cỏ buổi chia ly!
Bao nhiêu anh hùng thăm thẳm ngày đi
Xanh tê tái những mùa rau ngóng đợi
Bao nhiêu anh hùng trở về xa lạ:
thương tích ngẩn ngơ…
long đong cơm áo…
loay hoay mũ mão cân đai…
Như chưa có vầng trăng dâng hiến
Đêm tập tàng chấp chới lửa ma trơi
Chỉ loài rau như con của đất trời
Xanh bền bỉ không đầu không cuối
Xanh trắc ẩn nắng mưa dầu dãi
Mớ rau quê sấp ngửa chợ đời
Ai hay một ngày hotel chọc trời
Có món rau tập tàng đặc sản
Thực khách hồn nhiên…
Rôm rả nói cười…
 
11 - 11 – 2006
     M.N.T
 
2a42dc45-b431-40cd-99df-1fefaa583a81

LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ PHẠM ĐÌNH ÂN
 
   Đây là một thi phẩm viết về chiến tranh dưới một góc nhìn khác, rất nhân văn và nhân bản.
   Phải chăng nội dung văn bản đã được nhan đề thông báo? Thoạt đầu, hãy hiểu như vậy. Rau tập tàng là những loài cây thân cỏ, nhỏ thấp, mềm yếu, đơn sơ, dễ có ở vườn nhà, vườn hoang, bên đường, bìa rừng, bến bãi…, được dân gian thôn quê nghìn đời dùng làm thức ăn…
   Nhưng bài thơ không dừng ở đó, mà nói đến rau tập tàng trên đường bộ đội hành quân ra trận, rau trong chiến tranh và hậu chiến đầy nghiệt ngã, thử thách. Rau tập tàng thì ngon / Con tập tàng thì khôn… dân gian nói vậy, tác giả nhắc lại, hé lộ hình ảnh người con ngay từ đầu bài thơ. Bản thân rau tập tàng không có riêng một câu ngạn ngữ nào, nó chỉ trở thành ngạn ngữ khi có mệnh đề “con tập tàng…” đi kèm. Vậy là “con” – hình ảnh đi theo “rau” bổ sung cho nhan đề, làm nên trọn vẹn một câu ngạn ngữ - chính là tín hiệu thẩm mỹ, một thông báo đến độc giả điều gì đó thuộc về làng quê, nếp sống, phong tục ăn ở… Như cây lá vườn bãi, như mầm xanh tươi tốt biểu trưng cho cái đẹp, cái mẫn tiệp của đời sống nhân gian, những đứa “con tập tang” kia sinh ra trong một hoàn cảnh đặc biệt: Nhiều đôi lứa bén duyên, họ trao cho nhau kỉ niệm quý báu, thiêng liêng nhất của tuổi thanh xuân khi trai là lính, gái là thôn nữ dọc đường muôn ngàn chiến sĩ hành quân ra mặt trận…
 
   Thời ấy, nhiều thôn nữ yêu bộ đội, gần như “phong trào”. Do chiến tranh nghiệt ngã, khốc liệt, họ không kịp kết hôn, bởi thế mà Thơm thảo bát canh tập tàng tiễn người ra trận / Đầm đìa trăng cỏ buổi chia ly… để sau đó đành gửi lại “Con tập tàng…”. Thật đau buồn, số trường hợp gặp lại nhau sau chiến tranh, được sum họp cùng đứa con là rất hiếm hoi. Nhiều đứa “con tập tàng” là kết quả của cuộc “Sống và yêu chết chóc liền kề”, mong ngóng bố trở về trong tuyệt vọng. Có trường hợp cô gái hiến dâng cho chàng trai khi chưa kịp yêu, bởi lòng cô xao động một xúc cảm bao dung, cao thượng. Người phụ nữ ở hậu phương thì thắt lòng chịu đựng sự bêu riếu do hiểu lầm. Thời ấy, cô gái làm vậy ắt bị mang tiếng xấu, cô lại khăng khăng giữ kín thông tin về bạn tình, thì rất đơn độc, đau khổ và phải chịu nhiều thiệt thòi. Có cô được người ruột thịt đùm bọc thì cũng vất vả nuôi con đến nhiều năm sau. Tuy nhiên nếu có “Bao nhiêu lời ca lao xao gió độc / Bao nhiêu ánh nhìn kim gai nhọn sắc”, thì lại có “Bấy nhiêu âm thầm nhẫn nhục tốt tươi…”. Rau cũng phải tốt tươi một cách nhẫn nại, còn lòng người thì cay đắng khôn cùng…
 
  Với giọng điệu hào sảng, bi thương đầy trắc ẩn, bài thơ như một bức tranh toàn cảnh miêu tả một cách hùng vĩ về thân phận, hạnh phúc con người trong cuộc triến tranh chống Mỹ, cứu nước, bao trùm cả không gian – thời gian hậu phương và tiền tuyến, có âm hưởng một trường ca bi tráng, lại mang dáng dấp một tiểu thuyết thu gọn, đậm chất tạo hình điện ảnh, có tính khái quát cao về khía cạnh một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước, của dân tộc.
 
   Chiến tranh trong bài thơ được tái hiện như một trường đoạn phim tập trung những thi ảnh ác liệt khá điển hình, trong đó có rau tập tàng cùng con người kiên gan chịu đựng để chống lại đạn bom: “Tươi tốt những năm khói lửa ngút trời / Đất hoả tuyến, / rau tậm tàng… / hố bom lở lói… / Người và xe rì rầm đêm tối”. Một trường đoạn khác về hậu chiến cho thấy: “Bao nhiêu anh hùng thăm thẳm ngày đi / Xanh tê tái những mùa rau ngóng đợi / Bao nhiêu anh hùng trở về xa lạ: / thương tích ngẩn ngơ… / long đong cơm áo… / loay hoay mũ mão cân đai…”. Sau chiến tranh, nhiều chục nghìn chiến sĩ đã không trở về, không ít chàng trai tuổi hai mươi chưa được hưởng nụ hôn trinh trắng hiến dâng, không ít người để lại ở quê nhà (hoặc nơi đi qua) đứa con mồ côi, người phụ nữ goá bụa. Trong những người may mắn được trở về, lại có nhiều thương bệnh binh, dở dang hạnh phúc, đâu còn “thơm thảo bát canh tập tàng” ngày nọ?
 
   Bài thơ ào ạt xúc cảm sâu và mạnh, nhiều thi ảnh gợi cảm bởi ngôn từ tượng hình, tượng thanh chói sắc kết nối vào các trạng từ, tính từ được chọn lọc đắt giá, tạo nên ám ảnh khó quên đối với độc giả về một thời gian khổ, khó khăn mà oanh liệt, vẻ vang. Đó là: lời ca lao xao gió độc; ánh nhìn kim gai nhọn sắc; âm thầm nhẫn nhục tốt tươi; đầm đìa trăng cỏ; thăm thẳm ngày đi; ngẩn ngơ; long đong; lay hoay; chấp chới lửa ma trơi; sấp ngửa chợ đời... Bên cạnh đó, từ và cụm từ chỉ số lượng nhiều, không xác định, tồn tại bằng thủ pháp điệp từ, điệp ngữ, lặp đầu cùng tên gọi rau với đặc tính xanh bền bỉ; xanh tê tái; xanh trắc ẩn… xuất hiện với tần suất cao, cứ như mãi mãi đi theo độc giả khi bài thơ đã khép lại từ lâu. Lời thơ chân thành, tác giả không cố ý làm nghề nhưng câu thơ hay vẫn cứ hiển hiện như chủ thể sáng tạo rút ruột ra mà viết: “Thơm thảo bát canh tập tàng tiễn người ra trận / Đầm đìa trăng cỏ buổi chia ly! Bao nhiêu anh hùng thăm thẳm ngày đi / Xanh tê tái những mùa rau ngóng đợi / (…) Đêm tập tàng chấp chới lửa ma trơi... Ánh trăng đầm đìa tưới xuống bãi cỏ, vườn cây, nơi lứa đôi tâm sự trước lúc chia xa, có thể cũng là nước mắt. “Thăm thẳm ngày đi” là không gian và thời gian trong nhau, nói thay cho nhau, rộng và xa như bất tận. “Lửa ma trơi” là linh hồn liệt sĩ trở về, sống lại kỷ niệm về rau tập tàng khắc khoải, xót xa.
 
   Rau nói chung và “rau tập tàng” nói riêng là ý nghĩa biểu trưng về nhân dân lam lũ mà kiên gan. “Rau tập tàng” là hình ảnh được liên hệ đến người phụ nữ sinh con ở hậu phương thời chiến tranh, chúng là kẻ trung gian nhân ái, là vật chứng, “nhân chứng” của tình yêu, hạnh phúc khắc nghiệt. Bốn dòng thơ gần cuối bài như thông điệp của tác giả gửi đến chúng ta:
Chỉ loài rau như con của đất trời
Xanh bền bỉ không đầu không cuối
Xanh trắc ẩn nắng mưa dầu dãi
Mớ rau quê sấp ngửa chợ đời.
 
   Chiến tranh qua rồi, rau vẫn cứ là rau mang phẩm chất chung nhất. Nhưng nếu rau xưa là “thơm thảo bát canh tiễn người ra trận”, là tái tê ngóng đợi người trở về, thì rau sau này “sấp ngửa chợ đời”. Cuộc sống sau chiến tranh có nhiều khó khăn “sấp ngửa” trớ trêu, những vấn đề văn hoá đời thường chưa phải đặt ra một cách cấp thiết. Ấy vậy mà thật nhanh chóng, sau Đổi mới đã khác. Rau xoàng xĩnh, quê mùa ngày xưa từng được coi là một giá trị đã trở nên món ăn đặc sản trên bàn tiệc, mang một giá trị mới. Tuy nhiên giá trị xưa là giá trị tinh thần, nó còn lại mãi mãi, còn giá trị nay chỉ còn là vật chất đơn thuần, nó chỉ là món ngon ở một hoàn cảnh mới, không chứa đựng dấu ấn của tinh thần lịch sử, của số phận con người.
  
   Bài thơ Rau tập tàng tích hợp nhiều vấn đề - đề tài mà một số người làm nghiên cứu – phê bình muốn tách bạch từng phần một cách cơ học để dễ khảo sát. Thao tác cần thiết ấy nếu áp dụng vào bài thơ này thì có thể thấy tác giả nói đến: một là cuộc chiến tranh vĩ đại; hai là hình ảnh bộ đội Cụ Hồ; ba là hậu phương và nhân dân; bốn là tình yêu và hạnh phúc trong chiến tranh; năm là thân phận người phụ nữ trong hoàn cảnh rất khắc nghiệt; sáu là thương binh và liệt sĩ, cũng là vấn đề di hoạ nặng nề của chiến tranh, một đề tài rất được lưu tâm. “Rau tập tàng” và “con tập tàng” không được nhắc đến trong những nội dung nêu trên bởi đó là hai thi ảnh, hai hình tượng thơ cụ thể quán xuyến cả bài thơ, đi xuyên qua và kết nối, tích hợp những nội dung ấy để làm nên một hình tượng thơ bao trùm, mang tính khái quát cao, đáp ứng đòi hỏi về tư tưởng và kết cấu của tứ thơ.
 
   Từ chuyện dân gian lâu đời thể hiện ở một câu ngạn ngữ súc tích, giàu sức biểu cảm, tác giả đã tạo ra sự có mặt nghệ thuật về những đứa con, về bạt ngàn rau cỏ được sinh ra, tốt tươi đời từ sống đầy hiểm nguy, thử thách, nhưng quá đỗi hào hùng. Thiết nghĩ, Rau tập tàng là một tác phẩm thơ đạt tới hiệu quả nghệ thuật cao nhất - kể cả ở tư tưởng và biện pháp sáng tạo – ít ra là của riêng Mai Nam Thắng, nhìn ở thời điểm hiện tại.
 
                                                                                       P.Đ.Â


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
08-09-2022 10:52:54 VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ THƠ MAI NAM THẮNG VÀ TS. NHÀ THƠ PHẠM ĐÌNH ÂN!

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)