bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 282
Trong tuần: 1330
Lượt truy cập: 644464

CÁI NHÌN CÓ MẬT

 Cầm Sơn                                                                     

CÁI NHÌN CÓ MẬT
              Truyện ngắn
1.
     Thắng là  bạn cùng phố lại học cùng nhau thời phổ thông với tôi. Hai thằng cùng đi bộ đội nhưng mỗi đứa mỗi nơi. Hắn xuất ngũ về trước, còn tôi theo binh nghiệp đến tận lúc nghỉ hưu. Tiếng là nghỉ hưu nhưng tuổi mới ngoài năm mươi nên còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Chính vì vậy mà Thắng hay gọi tôi đi lái xe cho hắn. Thắng có một cửa hàng kinh doanh thương mại tổng hợp to nhất nhì thị xã cho nên việc đi lại đối với hắn là thường xuyên. Cũng có lúc hắn tự lái lấy nhưng những chuyến đi xa thì hắn lại gọi tôi. Tuy là bạn ngang tuổi nhau nhưng trong lúc giao tiếp với đối tác tôi đều gọi hắn là sếp, là thủ trưởng. Với lại tôi cũng là người quảng giao nên hắn rất vừa lòng. Hắn bảo với tôi:
- Bạn bè là bạn bè, còn chuyện làm ăn là làm ăn cần rõ ràng, sòng phẳng. Có thế mới bền lâu. Cậu đi cho tớ, đi lần nào thanh toán lần ấy, nhiều ít tuỳ theo thời gian, đoạn đường và tính chất công việc. Có điều chuyện làm ăn của tớ cậu biết để trong đầu, không được bép sép làm hỏng việc.
  Khỏi phải bàn đến chuyện công xá, hắn trả cho tôi rất hậu hỹ và đương nhiên là tôi phải hết lòng cúc cung tận tuỵ với hắn. Sáng nay, bất ngờ hắn gọi bảo tôi ra ngay cửa hàng đưa hắn đi công tác đột xuất.
 Hắn đưa chùm chìa khoá bảo tôi ra xe chuẩn bị. Khi tôi quay vào phòng làm việc thì thấy hắn đang trao đổi với một người bạn hàng, hắn nói dứt khoát:
  • Tôi đã nói không là không!
  • Nào có nhiều nhặn gì đâu cơ chứ, anh cho em xin luôn đi, em đang khó khăn mà!
  • Ai chả khó khăn, Tôi đã thanh toán cho cô hết số hàng theo hợp đồng, còn số hàng cô mang vượt thì phải đợi bán xong tôi mới trả, nếu lăn tăn thì cô đem về giao cho người khác!
  • Anh thương em đi, hoàn cảnh của em anh cũng biết rồi đấy. Không lấy được tiền về là lại khổ với anh ấy!
Người đàn bà bật khóc thút thít. Thắng đứng phắt dậy.
  • Thôi, không nói chuyện với cô nữa. Tôi có việc phải đi, xe đang chờ.
Nói đoạn Thắng đi nhanh ra xe bảo tôi nổ máy đi ngay.
Trên đường đi, Thắng kể với tôi chuyện về người đàn bà bạn hàng..
Tôi biết Hoàn từ thời chiến tranh chống Mỹ. Ngày ấy, đơn vị tôi phải dừng xe trú lại mấy ngày khi sắp qua trọng điểm Trà Ang trên lộ 20. Hoàn là Thanh niên xung phong ở đấy. Được gặp gỡ giao lưu với nhau một ngày trong chiến trường cũng đã là dài lắm, là thân thiện nhau lắm rồi. Đến khi xuất ngũ, tôi đi dự đám cưới thằng bạn đồng ngũ thì cô dâu lại chính là Hoàn, thế là vợ chồng họ đều  thân quen cả. Hoàn là người nông thôn lấy chồng ở Thủ đô, lúc bấy giờ nhập được khẩu về Hà Nội rất khó nhưng bố chồng Hoàn vốn dĩ là cán bộ công tác lâu năm lại quen thân nhiều nên không những Hoàn nhập khẩu về nhà chồng mà còn được bố trí công tác cùng chồng ở ngành Thương nghiệp. Sau chuyển đổi cơ chế, các công ty thương nghiệp gần như khoán cho nhân viên. Vợ chồng Hoàn thuê lại cửa hàng ra mở công ty riêng. Công ty của vợ chồng Hoàn làm ăn cũng được, không rầm rộ nhưng phát triển chắc chắn. Một phần cũng nhờ vào uy lực, danh tiếng của bố chồng Hoàn. Có một điều không may mắn là đến tận khi bố mẹ chồng Hoàn khuất núi  mà Hoàn vẫn chỉ có mỗi một đứa con gái, và đó cũng là điều nhức nhối và bất hạnh đối với vợ chồng nhà họ. Anh chồng chán chường sinh ra rượu chè bê tha bỏ mặc công ty cho vợ lo liệu. Không khí gia đình thường xuyên nặng nề, thà là cứ xảy ra xung đột với nhau còn dễ chịu hơn, đằng này anh ta không hề nói vợ mà lại cứ tự đay nghiến mình là đồ không biết đẻ, là đồ bất hiếu. Mấy lần tôi đến khuyên can, hắn trừng mắt bảo:
 
  • Mày có hai đứa con trai, một đứa con gái. Mày nói phét thế nào chẳng được. cứ ở hoàn cảnh như tao xem. Tốt nhất là cất cái giọng dạy đời ấy về mà dạy vợ con, đừng nói với tao. Bạn bè đã đến đây thì uống cho say, cho quên hết sự đời.
Hắn đã nói đến nước ấy thì tôi chịu.
  Gần đây, có người đến hỏi mua một số lượng lớn cái mặt hàng mà tôi vừa nhập đỡ một phần ấy. Nó thương thảo  mức tiền ứng trước, cò kè về giá cả rồi mở cặp lấy giấy soạn thảo hợp đồng cố ý cho Hoàn nhìn thấy mấy cục tiền trong cặp. Đến lúc sắp sửa ký kết thì nó nhận được một cú điện thoại. Nó đứng dậy nói với Hoàn:
- Vợ em  đau đẻ phải về ngay. Chị cứ cho chuẩn bị hàng, ngày mai hoặc ngày kia em sẽ quay lại làm việc tiếp! Nhớ là hàng em cần gấp để phục vụ chương trình trợ giúp đồng bào miền núi. Nếu lỡ em đi thu gom cũng được, có khi giá còn rẻ hơn nhưng như thế vất vả mà mất thời gian lắm. Chị cố gắng giúp em.
Nói rồi nó vội ra xe đi luôn. Hoàn hí hửng vì vớ được quả to gọi cho tớ vay ít tiền để gom hàng. Tôi hỏi hợp đồng ra sao thì Hoàn bảo cứ yên trí lớn đi. Tôi cảm thấy có gì gờn gợn nên chỉ chuyển cho Hoàn vay một trăm triệu.
Hoàn tích cực gom đủ hàng cho nó. Thế rồi ngày kia, ngày kìa, đến ba cái ngày kìa nữa mà chả thấy nó quay lại. Gọi điện thoại theo số máy nó ghi ở tờ hợp đồng chưa kịp ký thì  nghe thấy một giọng miền Nam khê nồng lạ hoắc. Lúc bấy giờ Hoàn mới bổ ngửa ra là bị nó lừa. Hoá ra là Hoàn đã đi thu gom hết những hàng chậm luân chuyển cho nó. Vừa là để lấy lại khoản tiền mình cho vay, vừa cũng là để giúp đỡ Hoàn. Mặt khác, mặt hàng ấy  bán chậm ở Hà Nội nhưng trên mình thì vẫn có thể tiêu thụ được. Tôi nhận cho Hoàn năm trăm triệu tiền hàng có ký hợp đồng cẩn thận, thế mà cô ấy lại đem tống lên đến gần gấp rưỡi.
  • Xem ra cô ấy khó khăn quá, không bấu víu được vào ai nữa thì mới làm thế.
  • Nhưng phải dải ra nhiều nơi chứ một nơi sao kham nổi
  • Đã vậy. Nhưng nghe cô ấy khóc mà thấy mủi cả lòng.
  • Cậu tưởng tớ là sắt đá chắc, chính vì thế mà tôi phải đứng dậy đi ngay để khỏi mắc sai lầm. Bạn bè đã từng vào sinh ra tử với nhau chứ có phải người dưng nước lã đâu.
  • Tôi vẫn thấy áy náy thế nào ấy.
  • Cậu cho tôi là người vô cảm chứ gì. Trong kinh doanh, nếu vô cảm được là tốt. Thậm chí còn phải tàn bạo nữa kia. Cậu nghĩ cái thằng cha lừa Hoàn là thế nào? Nếu nó có quan hệ thân quen với Hoàn thì có thể đánh giá đạo đức của nó, đằng này chả ai biết ai. Bảo là nó lừa? Đâu có. Hợp đồng đã ký đâu? Xét về mặt kinh doanh thì thằng ấy là một thằng tài đấy! Phải học nó, Hoàn phải trả học phí cho bài học này cũng xứng đáng thôi.
  • Đúng là về luật pháp thì không thể lên án, nhưng thực chất là nó lừa rồi còn gì.
  • Đừng nghĩ như thế. Cơ chế thị trường là cái gì? Là tự do kinh doanh! Mà mục đích cuối cùng của kinh doanh là gì? là lợi nhuận! Cậu có nghe lời của Engels nói thế nào không? đại loại là “… Nếu lợi nhuận lên đến 100% thì dẫu có phải treo cổ bố nó lên nó cũng làm”.
  • Hoá ra do cơ chế thị trường mà bây giờ xem ra đạo đức xã hội xuống cấp quá.
  • Đúng là đạo đức xuống cấp. Nhưng đừng đổ tất cả do cơ chế thị trường. Nếu không đổi mới nhanh thì bây giờ đến cơm cũng chẳng có mà ăn, mà đói thì sinh ra loạn lạc, lầm than. Cơ chế thị trường là giai đoạn tất yếu của tiến trình lịch sử mỗi dân tộc . Những chuẩn mực về đạo đức, lối sống của thời kỳ bao cấp phải thay đổi cho phù hợp. Còn thay đổi thế nào để vẫn giữ gìn được cốt cách ông cha thì do tấm lòng, đạo đức của mỗi người. Nhưng tác động lớn nhất đến xã hội trước hết là từ ở những người chèo lái. Người trên mà thanh liêm thì kẻ dưới không tham nhũng, người trên mà đức độ thì kẻ dưới không làm càn…
  • Cậu nói cứ như là một lý luận gia ấy.
  • Chả cần gì phải lý luận. Tôi là dân đen, cứ nhìn ngó trên, dưới, ngang, dọc rồi lựa mà sống. Đừng để mang tai mắc tiếng điều gì nhưng sống trong thửa ruộng cỏ lúa lẫn lộn thì  cũng phải tỉnh táo, đừng để cho bố con thằng nào nó chèn ép…            
Hắn còn nói nhiều, nhưng tai tôi ù đặc không dám nghe hắn nói nữa. Không nhẽ tất cả những người làm kinh doanh đều vô cảm…Mà hắn đâu có phải là người vô cảm. Đối với vợ con hắn yêu thương, bình đẳng, đối với hàng xóm hắn mềm mỏng ôn hoà, ai khó khăn gì giúp được là hắn sẵn lòng không tính toán. Thỉnh thoảng hắn còn làm thơ, thơ hắn cũng hay, đã được đăng nhiều bài trên trang Tạp chí Văn nghệ tỉnh. Mà hầu hết những kẻ ác tâm thì không thể làm được thơ…Đang mông lung suy nghĩ về những tính cách trái ngược trong hắn thì thấy tiếng vỗ ghế bồm bộp:
  • Đến nơi cần đến rồi, dừng lại trước cái cánh cổng thép màu trắng kia. Vào nhà nó nằm nghỉ một chút, trưa nay ăn cơm tại nhà nó luôn.
Chủ nhà là một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi, nhanh nhẹn hoạt bát, tíu tít chạy ra tận cổng đón khách
  • Đang cần gặp bác thì nghe bác gọi hẹn vào chơi, thật đúng là buồn ngủ gặp chiếu manh.
  • Thôi vẽ! Đây là cậu Hùng, vừa là bạn, là hàng xóm, lái xe cho tôi. Còn đây là chú Vân, bạn đồng ngũ của tôi. Chú Vân bố trí cho Hùng lên gác nghỉ đợi cơm trưa rồi tôi với chú có chuyện đây.
  • Dạ! mời bác vào rửa ráy rồi nghỉ ngơi.
Buổi chiều ra về, câu chuyện của Thắng lại tiếp tục kể về Hoàn, Vân và đồng đội.
 nonglam
2.
  Chồng Hoàn tên là Tùng, người Hà Nội, cùng Trung đội với Vân và Thắng. Mấy ngày nằm chờ thông đường là những ngày thực sự vui vẻ, náo nhiệt đối với tiểu đội nữ Thanh niên xung phong. Cánh lái xe  đi dọc tuyến đường còn được gặp gỡ nhiều chứ Thanh niên xung phong ở trọng điểm thì chỉ gặp cánh lái chào nhau qua cửa kính xe, mà lại phần lớn là vào ban đêm chứ mấy khi được ở với nhau tới tận mấy ngày. Lần ấy, đường bị hỏng nặng mà đang là thời điểm địch tập trung chú ý. Các cô gái lúc thì ra đường vào ban ngày, lúc lại vào ban đêm, bận bịu và khẩn trương nhưng vẫn luôn chú ý nhiều đến cánh lái xe. Hở ra được một chút thời gian là họ lại rủ đi lấy rau rừng, đi đặt bẫy chuột, bẫy chồn…  Phụ nữ họ rủ đi tức là họ nhờ mình, từ chối sao được. Mà thực ra thì trong bụng anh nào chả thích. Duy có Tùng thì hắn ít nói lại cứ lừ lừ chả biết hắn nghĩ gì nên ít chị em dám gần. Thắng được Hoàn đặc biệt chú ý, cô thường rủ Thắng đi riêng, có khi chỉ để lấy mấy sợi dây rừng hoặc xuống suối vặt vài nhánh thạch xương bồ mà cô bảo đem về làm thuốc chữa ho. Khoảng tám giờ tối ngày thứ ba, hôm ấy tiểu đội Thanh niên xung phong và trung đội xe kết hợp làm bữa liên hoan. Sau khi ăn xong, Hoàn nói với Thắng là nhờ anh một lát. Ra đến bờ suối, Hoàn nhìn thẳng vào mắt Thắng. Cái nhìn như có mật bên trong…
  • Hôm nay em được phân công về nấu cơm. Ăn cơm xong lại phải dọn dẹp mâm bát, bây giờ mới đi tắm được. Nhờ anh ngồi trên này cảnh giới không có tối trời em sợ lắm.
 Chọn một phiến đá trèo lên ngồi ngắm rừng ngắm suối. Trăng thượng tuần đã vượt lên trên đỉnh núi dát vàng cả non ngàn, ánh trăng xuyên qua tán cây đóng xuống mặt đất lỗ chỗ, loang lổ, dải lên dòng suối những đốm sang lóng lánh, lung linh. Cả cánh rừng yên tĩnh, chỉ có âm thanh của con suối đều đều rả rích. Trong cái  khoảnh khắc thanh bình ấy, Thắng bỗng nhớ da diết mái trường, nhớ từng gương mặt bạn bè. Đứa học lên Đại học trong nước, ngoài nước. Đứa ở nhà cày cấy. Đứa cầm súng ra chiến trường. Đứa nào thành đạt, đứa nào còn mất.  Cuộc chiến tranh đã hút vào vòng xoáy của nó biết bao nam thanh nữ tú. Suốt ngày suốt đêm chỉ nghe thấy toàn là tiếng máy bay, tiếng động cơ, tiếng nổ của bom của đạn. Đồng đội trên dọc tuyến đường Trường Sơn không ngày nào là không có người nằm xuống. Ranh giới giữa cái sống và cái chết mỏng manh, mỏng manh đến mơ hồ. Trên đường ra trận, cũng có người sợ hãi chùn lại, thậm chí bỏ trốn nhưng tuyệt nhiên không có ai vụ lợi, không có sự tính toán riêng tư. Cả đơn vị là một, không chỉ như anh em một nhà mà đồng đội là máu, là thịt của nhau…
Đang miên man mộng tưởng, bỗng Thắng giật mình nghe tiếng hét ré lên của Hoàn:
  • Anh Thắng, anh Thắng, cứu em!..
Thắng chạy bổ xuống suối đến chỗ Hoàn tắm. Trong ánh trăng mập mờ, một chú  kỳ đà đang chống hai chân trước trên một hòn đá vươn cổ thè lưỡi nhìn về phía Hoàn. Cái cổ và sống lưng xù xì như da cá sấu lại có dáng dấp như một chú khủng long con, phần đuôi chìm trong nước nên không đoán được nó dài bao nhiêu. Thắng bật phì cười, nhặt một hòn đá ném thẳng vào con kỳ đà. Con kỳ đà thấy bị tấn công bèn lao xuống nước bơi đi. Đang định quay lại thì bỗng Thắng bị Hoàn ôm chặt.
  • Anh Thắng ơi, em sợ lắm!
  • Sợ gì, loài kỳ đà này nó không chủ động tấn công người bao giờ.
Thắng định đưa tay gỡ Hoàn ra thì chạm phải làn da mát rượi. Lúc ấy Thắng mới nhận ra  rằng Hoàn đang ở trần. Thắng rùng mình, như có một luồng sung điện phóng ra lan toả làm tê dại toàn cơ thể, chân tay bủn rủn, lóng ngóng.  Hơi thở và hương thơm của da thịt người đàn bà giống như một liều thuốc kích thích mạnh vào khứu giác người đàn ông và mỗi một người đàn bà đều toát ra một mùi hương riêng biệt để quyến rũ người đàn ông của mình mà theo cách nói dân dã là mùi mồ hôi. Bản năng đàn ông trong người Thắng đùng đùng trỗi dậy. Thắng xoay người vòng tay xiết chặt lấy Hoàn, anh đưa tay lên sau gáy vít mạnh khuôn mặt Hoàn  và đặt lên đấy một nụ hôn dài, cháy bỏng… Tiếp theo là công việc của đôi tay, nó lần lướt, xoa vuốt, lúc thì mềm mại, mơn trớn, lúc lại cứng như một cái gọng kìm nắn bóp, véo nặn…Rồi Thắng bế thốc Hoàn lên bê ra đặt lên một phiến đá lớn giữa suối. Trăng đã lên cao hơn, không còn bị mấy ngọn cây bên bờ suối che khuất làm cho kiệt tác của tạo hoá lại càng nổi bật hơn lên. Hình như cơ thể của người đàn bà là sự sáng tạo hoàn mỹ nhất của đấng tối cao, những đường thẳng rất thẳng, những đường cong rất cong, uốn lượn uyển chuyển và hài hoà. Thắng cởi phắt chiếc áo trên người rồi cúi xuống xiết chặt, hôn tới tấp từ má môi xuống đến vai cổ… Hoàn nằm duỗi thẳng chân, nhắm mắt và dang rộng hai cánh tay mãn nguyện. Khi chạm đến đôi bầu vú căng tròn, Thắng ghì mặt thật chặt vào nơi ấy hít thật sâu tận hưởng cái hương vị ngầy ngậy thơm thơm gần giống như mùi hoa dẻ, một lúc lâu sau lại ngồi thẳng dậy để cho cặp mắt dán lấy cơ thể Hoàn như một con thú mới bắt được con mồi mà chiêm ngưỡng sự kỳ ảo của sắc màu tạo hoá. Ngoài suối tóc đen mượt ướt nước loà xoà tứ tung dán trên tảng đá và một hai nơi phơn phớt đen hồng, cơ thể Hoàn sáng hừng lên, thánh thiện dưới lồ lộ ánh trăng dát bạc. Đôi tay Thắng đang run run vụng về với hàng cúc  quần thì bỗng giật thót người bởi tiếng bom đinh tai động đất và tiếng máy bay rít rách trời.
  • Thôi chết, không khéo nó phát hiện ra đoàn xe.
Thắng vớ lấy cái áo, còn Hoàn thì cũng bật dậy. Thắng nhẩy xuống suối, vừa mặc áo vừa nói với Hoàn
  • Em cứ bình tĩnh, anh phải về trước xem sự thể thế nào.
 Hoá ra là mấy cái máy bay vừa rồi nó thả hú hoạ nốt những quả bom còn sót để bay về cho nhẹ.
     Khi đi qua trọng điểm thường là phải đi nhanh và đoàn xe không được quá dài để đề phòng máy bay trinh sát của địch phát hiện. Vì thế nên ngay đêm ấy, Thắng và Vân cùng một nửa trung đội xe được lệnh lên đường. Tùng và một nửa trung đội còn lại sẽ đi vào tối hôm sau.
 Chiến trường càng ngày càng thúc dục cuốn hút mọi chiến binh vào vòng xoáy của nó. Suốt cho đến tận ngày thắng lợi, Thắng không còn được gặp lại Hoàn nữa nhưng  hễ cứ đi đến đâu bắt gặp mùi hương ngầy ngậy của hoa dẻ là Thắng lại nôn nao, da diết nhớ đến Hoàn…
  Kể đến đấy Thắng dừng lại trầm ngâm một lúc lâu rồi quay sang Hùng:
- Nếu kịch bản của cuộc sống nó xếp đặt cho tớ vẫn được gặp lại Hoàn trên tuyến đường Trường Sơn thì cậu nghĩ bây giờ sẽ ra sao?
- Thì các cậu sẽ là một gia đình hạnh phúc!
- Sau đó tớ được điều động bổ xung sang đơn vị khác tiến về phía Nam sâu hơn, thế là không còn có cơ hội gặp lại Hoàn. Hoà bình rồi thì cuộc sống mới tiếp tục cuốn hút, ai  còn có thể tìm lại được nhau chỉ vì những cuộc gặp thoáng qua, đến quê quán cũng còn chưa kịp biết nhau ở đâu nữa là. Điều trớ trêu của tạo hoá là lại cho tớ gặp  Hoàn khi cô ấy trở thành cô dâu trong đám cưới của thằng bạn. Vì là bạn bè nên thỉnh thoảng vẫn phải gặp nhau, mỗi lần sắp sửa gặp Hoàn tớ phải dùng dầu gió xoa lên mũi, lên mặt để tránh phải cảm nhận thấy cái mùi ngầy ngậy của hoa dẻ. Sáng nay, không được báo trước, bất ngờ cái hương thơm ngầy ngậy của hoa dẻ ấy bật cửa ùa vào phòng làm việc của tớ. Tự nhiên chân tay tớ bủn rủn đầu óc cứ lộn tùng phèo cả lên, không biết nên ngồi hay nên đứng, quên cả những lời chào hỏi giao tiếp cần thiết. Nàng mặc một chiếc áo màu đen khoét rộng cổ hở cả cái chân gò bồng đảo trắng ngần cứ phập phồng theo nhịp thở làm tớ lại liên tưởng đến cái đêm trăng sáng giữa suối trên đại ngàn Trường Sơn. Cậu biết đấy, cái cửa hàng của tớ có hai tầng, bên dưới là phòng bán hàng cùng với gian ở của bảo vệ và một phòng làm bếp,  tầng hai có một phòng vừa để làm việc vừa để nghỉ những lúc cần thiết còn lại giành làm kho chứa hàng. Trong cái bối cảnh ấy, không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra. Hình như nàng cũng nhận ra sự bối rối của tớ, nàng ngồi đấy không nói, không cười, đôi mắt chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui, nó cứ thăm thẳm như xa như gần, như thứ mật ngọt quyến rũ bầy ong. Choáng váng một lúc thì rồi tớ cũng lấy lại được hồn vía. Bỗng trong đầu tớ tự nhiên cứ lướt nhanh qua những gương mặt của Tùng, của Vân, của cậu và đồng đội. Thế là tớ nghĩ đến chuyện gọi ngay cho cậu và không hiểu thế nào mà lại phát cáu cả với nàng.
 
   3.
 
      Hôm nay, hắn gọi Hoàn lên lấy nốt số tiền hàng thì Hoàn lại bảo có cả Tùng cùng đi. Vậy nên hắn gọi tôi sang làm cơm và cùng tiếp khách giúp hắn. khoảng 9 giờ Hoàn đi xe khách lên đến nơi nhưng lại chỉ có một mình. Hắn có vẻ lo lắng:
  • Sao bảo Tùng cùng đi. Lại khục khặc với nhau hay sao mà đi có một mình?
  • Ơ cái nhà anh này! Khách đến không rót nước mời lại hạch sách ngay là sao.
Sau khi nhấp giọng, Hoàn sửa lại tư thế, ngồi dựa hẳn lưng vào ghế khoanh hai tay trước bụng ngắm hắn
  • Kể ra thì anh Thắng cũng có già đi chút ít nhưng vẫn to cao, đẹp trai như thời ở chiến trường, mà bây giờ phong độ còn có vẻ đĩnh đạc hơn lên ý chứ!
Hắn đâm ra lúng túng trước câu nói và thái độ của Hoàn
  • Lại vòng vo Tam Quốc kiểu gì đấy, thế lão Tùng đâu?
  • Lão Tùng không liên quan gì đến công việc của chúng ta. Bây giờ em với anh làm việc với nhau cho xong phần công việc cái đã.
Hắn đi lại phía tủ mở lấy ra một bọc tiền quẳng lên bàn
  • Có việc quái gì mà làm, còn mấy đồng tiền hàng đấy thì nhận nốt đi là xong.
Hoàn giở gói tiền lấy một sấp đẩy sang phía hắn rồi chậm rãi
  • Vẫn còn có việc để làm với nhau đấy. Đây là số tiền của anh về việc tiêu thụ giúp hàng cho em!
  • Lại còn đến mức ấy nữa kia.
  • Thì là em cũng học anh thôi. Anh vẫn nói bạn cứ là bạn, còn làm ăn là làm ăn. Rất cần sự sòng phẳng đó thôi sao.
Sau phút lúng túng, Thắng đã bình tĩnh trở lại. Hắn gạt sấp tiền ra góc bàn
  • Thôi được. Thế số hàng ấy giờ đã tiêu thụ hết chưa?
  • Hết sạch bách rồi, có khi em còn cho nhập thêm vào nữa ý chứ.
  • Thôi đi, nhớ lấy bài học này, bán được hết hàng là may lắm rồi.
  • Bảo may thì cũng đúng, nhưng mà phải kể đến sự giúp đỡ của anh và đặc biệt là anh Vân.
  • Vân nó giúp thế nào?
  • Anh ấy nhận hộ em ba trăm triệu tiền hàng, trả tiền ngay tắp lự. Lại còn bày em cách bán hàng cho nhanh nữa chứ.
  • Nó bày cách gì?
  • Anh ấy bảo: “ khi trưng bày ra cửa hàng, chia nó ra thành hai mảng. Một mảng lấy mẩu giấy ghi  giá mầu có  dạ quang dán vào, loại này bán tăng lên 2% so với định giá và giải thích với khách hàng là hai thứ hàng cùng một hãng sản xuất, chất lượng tương đương nhau nhưng loại này là hàng dành xuất sang những nước thuộc khu vực Âu, Mỹ. Mà cũng chỉ có ít hàng để bán thử thôi.  Còn loại kia bán giảm đi 2% so với định giá, như vậy nó sẽ chênh lệch nhau 4% giá, nhưng loại rẻ hơn là để tiêu thụ trong nước và xuất loanh quanh cho các nước khu vực Đông Nam châu Á. Em bảo: thế khách hàng họ chỉ mua loại giá rẻ hơn thì em bị lỗ à. Anh ấy nói lỗ là lỗ thế nào. Mình chỉ trưng bày một số lượng ít ở cửa hàng nên không lo, nghe thị trường mà điều chỉnh. Trò này tuy không mới, nhưng thị hiếu người mua vẫn cứ bị huyễn hoặc. Tôi dám cược với cô là loại đắt hơn sẽ bán hết trước.”
  • Thế là cô làm theo nó!
  • Đúng như anh ấy nói, khách hàng cứ chúi vào mua cái loại đắt hơn, chắc họ nghĩ để xuất sang châu Âu, châu Mỹ thì chất lượng phải cao hơn rồi. Phân ra làm hai loại như vậy làm cho tâm lý khách hàng bị kích thích, đâm ra lại bán được hàng nhanh. Nhưng thôi không nói chuyện ấy nữa. Quan trọng là anh Vân anh ấy làm cho lão Tùng tỉnh ra rồi. Bây giờ vui vẻ với vợ con lắm.
  • Vậy à, nó làm cách nào thế?
  • Anh ấy kéo lão Tùng đến một ông bác sỹ rất có uy tín khám bệnh. Chẳng biết thế nào nhưng sau cái đận ấy ông Tùng khác hẳn. Mà anh Vân bảo cái ông bác sỹ ấy cũng là bạn anh đấy!
Một chiếc Parado đỗ xịch ngoài cửa. cả Tùng và Vân ào vào. Họ ôm lấy nhau, tíu tít. Tùng  đấm bồm bộp vào lưng hắn.
  • Hoàn nói với tao: “ Cái cơ chế thị trường nó làm con người ta biến thành sắt đá mất rồi.”.  Sai bét! Mày vẫn là một người lính, một đồng  đội tốt!
 Nói đoạn, Tùng quay lại phía Hoàn
  • Trên xe chú Vân nói với anh, mọi chuyện về phi vụ hàng hoá của em đều do Thắng nó sắp đặt cả đấy!
Vân mở cặp lấy ra một bọc tiền đưa cho hắn
  • Em cũng bán hết hàng rồi, xin gửi lại ông anh.
Quay sang phía Hoàn, Vân nói:
  • Số tiền hàng lấy ở chỗ em vừa rồi là tiền của anh Thắng đấy!
Hoàn quay sang nhìn hắn. Cái nhìn như có mật bên trong…
  • Thôi thôi! Hùng nó đã dọn xong mâm và rót rượu ra rồi, Chúng ta đều là đồng đội cả. Nào, xin mời! Trăm phần trăm!
Dô! dô!!!
                                                                     C.S
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)