bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 74
Trong tuần: 971
Lượt truy cập: 630281

CẢM THỨC THỜI GIAN TRONG THƠ VIỆT NGA

Cảm thức thời gian trong thơ Nguyễn Thị Việt Nga

 

Vanvn- Những cảm thức về thời gian trong tập thơ “Ở phía mùa thu” của Nguyễn Thị Việt Nga thấm đẫm nỗi niềm nhân sinh, thấm đẫm tình yêu với thiên nhiên, con người và cuộc sống. Cảm thức về thời gian đã làm cho nhiều bài thơ của chị có sức ám ảnh…

Nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga ở Hải Dương

Ngày trôi, ngày trôi như thể

Nước rơi qua kẽ tay gầy”

(Thu, Nguyễn Thị Việt Nga)

Thời gian là một vấn đề triết học sâu thẳm, nhức nhối nhất mà con người phải đối diện. Như một lẽ tự nhiên vô hình, vô cảm, thời gian luôn là nỗi ám ảnh với các văn nghệ sỹ, đặc biệt là các thi sỹ. Cảm thức về thời gian, suy tư cắt nghĩa về thời gian là một trong những chủ đề lớn của thi ca nhân loại. Tập thơ “Ở phía mùa thu” (OPMT) của nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga (NTVN) cũng mang đậm cảm thức thời gian ấy.

I. Những tín hiệu của thời gian

Hầu hết các bài thơ của NTVN trong tập thơ mới nhất OPMT đều ngập bóng thời gian, vấn vương những cảm giác về thời gian. Thời gian luôn trở thành nỗi khắc khoải khôn nguôi trong thơ chị.

Thời gian trong tập thơ không chỉ xuất hiện trong các từ: năm, tháng, mùa, tiết, sáng, chiều, tối…mà còn biểu hiện trong vạt nắng, ngọn gió, giọt sương, ngọn khói; trong mảnh trăng, lá rụng, sợi tóc bạc…Đặc biệt, trong các loại hoa của từng mùa: hoa loa kèn, hoa gạo, hoa phượng, hoa cúc, hoa cải vàng, hoa tường vi, hoa sen, hoa dã quỳ…Mỗi loài hoa như một tín hiệu của một tháng, một mùa, một tiết. Không một tín hiệu nào của thiên nhiên mà NTVN không cảm thấy tính thời gian. Thời gian đã trở thành những hình ảnh mang tính biểu tượng trong thơ NTVN và  NTVN đã lựa chọn những biểu tượng này. Đồng hành với thời gian là tâm trạng, là những cảm xúc vui buồn của nhà thơ. Thời gian dung chứa những tâm tình của người làm thơ.

Nếu thời gian trong thơ có hai phạm trù cơ bản và cũng là hai bình diện đối lập nhau, đó là: thời gian thiên nhiên- vũ trụ và thời gian đời người, thì OPMT của NTVN đều đầy ắp những cảm giác về hai loại thời gian ấy.

II. Thời gian thiên nhiên- vũ trụ.

1.Thời gian như vó ngựa phi.

Thời gian thiên nhiên vũ trụ trong OPMT thường được biểu hiện dưới dạng thời gian tâm lý (thời gian không có thực/ ảo). Thời gian có thể ngắn, dài tùy theo tâm trạng vui buồn của người thơ. Ở đây, thời gian đã được nội cảm hóa.

Thảng thốt trước bước đi của thời gian, trong bài Thời gian NTVN viết: “Nhanh hơn chiến mã nhanh nhất” hay “Vó ngựa- thời gian- đang- phi- như- bay”. Trong bài Vẩn vơ nhà thơ buồn bã hỏi: “Vừa bình minh đã chiều tà thế ư?”. Đó là thời gian của một ngày, còn thời gian của một năm cũng trôi qua chóng vánh như vậy. Trong bài Trước tờ lịch cuối năm, người thơ lại tiếc nuối: “Một năm lại đã qua rồi”, hay “Một năm lại đã qua vèo”. Rồi mùa lại qua mùa, đi qua nhanh chóng: “Đã qua rồi mùa xuân/ Đã qua rồi mùa hạ” (Em chẳng còn gì cho anh). Câu thơ là nỗi trăn trở, băn khoăn, tiếc nuối trước sự mỏng manh, chóng tàn của tuổi trẻ.

Rồi người thơ lại thảng thốt trước sự chóng vánh của thời gian, sự vô thường của kiếp người: “Trăm năm chớp mắt người ơi”. Câu thơ như một tiếng thở dài về kiếp người ngắn ngủi. Cái cảm giác thảng thốt này ta cũng gặp trong thơ Dương Kiều Minh: “Ô hô thiên thu/ Chớp mắt, chớp mắt”…

2. Thời gian bốn mùa.

Người xưa thường gọi bốn mùa là “tứ quý”: Xuân quý, Hạ quý, Thu quý, Đông quý. Bốn mùa luôn là đề tài muôn thuở của thi ca. Cỏ cây, hoa lá, sông nước, mây trời, núi cao, biển rộng…luôn là người bạn tâm giao, là nguồn cảm hứng bất tận của muôn đời thi sỹ.

Là người yêu thiên nhiên say đắm, thiên về cái đẹp cao cả, cái đẹp vĩnh hằng, NTVN thường hòa nhập cuộc sống của mình với bốn mùa thiên nhiên, tìm thấy ở thiên nhiên sự bình yên, tự do, thư thái trong tâm hồn. Thơ NTVN giàu thiên nhiên, có khi đơn sơ mộc mạc tao nhã, có khi lộng lẫy giàu màu sắc.

Cũng như các tác phẩm văn học xưa nay, thời gian bốn mùa đi vào thơ NTVN đã được nhào nặn theo chủ quan của nhà thơ. Từ đó, thời gian không hẳn chỉ là chiều thứ tư của không gian mà đã hóa thành chiều thứ  năm trong sâu thẳm của tâm hồn. Bốn mùa trôi qua, nhưng với chị nó là bốn mùa của yêu thương dịu ngọt, của những kỷ niệm, của tình yêu giản dị, đằm thắm và của cả những nỗi sầu muộn, mất mát, tiếc nuối. Trong tập thơ OPMT, mỗi bài thơ là một họa đồ đa sắc, gợi cảm, đồng thời cũng thể hiện thế giới tâm hồn riêng, khả năng cảm thụ, đồng hóa và tái hiện của nhà thơ.

“Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng”( Mùa Xuân là mùa sinh sản, mùa Hạ tăng trưởng, mùa Thu thâu rút lại, mùa Đông ẩn tàng chất chứa), đó là quy luật của vũ trụ. Với mỗi mùa, thơ NTVN đều có những cảm thức riêng.

2.1 Xuân, Hạ- thời gian của sinh sôi, nảy nở, tăng trưởng.

Mùa Xuân:

“Vạn vật khởi ư xuân”. Mùa Xuân là mùa thứ nhất trong bộ tranh tứ bình bốn mùa, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên; đó vừa là không gian vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của  của sự sống sinh sôi nảy nở.

Trong OPMT có những bài viết về mùa Xuân: Tạm biệt tháng giêng, Tháng ba, Thanh minh về quê, Tháng ba viết cho mẹ, Hoa loa kèn. Ở những bài thơ đó có bức tranh xuân tươi tắn, màu sắc sống động.

Mùa Xuân là mùa hồi sinh của vạn vật, cây trổ lộc đơm hoa, cỏ khô héo trong mùa Đông nay trở nên xanh tốt. Người Trung Hoa thường có hội “Đạp thanh” (dẫm lên cỏ xanh) hàng năm vào tiết Thanh minh. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng viết: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”.

OPMT nhà thơ NTVN cũng viết nhiều về cỏ: khi thì “Cỏ đan kín đất yên lành”, khi thì: “Ông bà nằm đây với cỏ/ Đồng xanh sóng lúa rì rào”. Cỏ xanh tốt trên cánh đồng bao la, cỏ nơi yên nghỉ vĩnh hằng của người đã mất…cỏ biểu hiện sức sống mãnh liệt, sự trường tồn vươn lên bất khuất của muôn loài trong tự nhiên; cỏ thể hiện tính sinh tồn mạnh mẽ, vượt qua mọi hoàn cảnh sinh tử.

Không chỉ có cỏ, mùa Xuân hoa cũng ngập tràn:“ Cái tháng hoa nở đầy mặt đất”, “Tháng ba huy hoàng của muôn hoa khoe sắc”

Mùa Xuân, bên cạnh màu xanh của cỏ, tập thơ còn có màu vàng của hoa cải (tàn xuân ngồng cải đơm hoa), màu trắng của hoa loa kèn (Hoa loa kèn tinh khiết/ Trắng kiêu sa mượt mà), màu đỏ của hoa gạo (Hoa gạo cháy bập bùng ven sông). Cỏ là cái nền còn hoa là những chấm phá của thiên nhiên.

Mùa Xuân còn tràn đầy sức sống với đồng xanh “sóng lúa rì rào”, với “Lá bàng đầu ngõ lại xanh”. Mùa Xuân với những dấu hiệu đặc trưng: gió thì “dịu dàng thiếu nữ” (gió nhẹ), mưa xuân thì làm ướt cả không gian “Mưa xuân như là nước mắt/ Ướt mềm đất thấp trời cao”. Rồi “nắng nhạt”, rồi “Rét nàng Bân về qua ngõ”, rồi “chim én lại về.”

Chính sức sống của  mùa Xuân đã làm tươi lại hồn thơ nhạy cảm và đa cảm của NTVN. Có một luồng rung động trẻ trung, rạo rực, căng tràn sự sống trong tâm hồn người làm thơ. Chẳng thế mà Xuân qua đi NTVN nuối tiếc:  “Người ơi, xuân ngắn quá”. Cảnh xuân tàn khiến người thơ thấy buồn: “Mẹ ơi tháng ba nắng nhạt/ Nhắc con năm tháng đã già”. Với người thơ, tạm biệt mùa Xuân cũng là “tạm biệt năm tháng say mê”. Ở đây, mùa Xuân của đất trời cũng là mùa Xuân của tuổi trẻ với bao say mê, khát vọng. Cũng như thơ ca cổ kim, mùa Xuân trong thơ NTVN đã thoát khỏi cái vỏ cụ thể của nó, mặc nhiên biểu tượng cho mùa vui, mùa hạnh phúc.

Mùa Hạ:

Những bài thơ viết về mùa Hạ là: Tháng tư, Tháng sáu, Viết cho con mùa hoa phượng.

Khi “sau lưng là cả mùa xuân” thì “Hạ trưởng” đến. Trong thơ NTVN thiên nhiên cũng rộn ràng, không chỉ với những sắc màu mà cả âm thanh. Mùa Hè đến được báo hiệu bằng dàn nhạc giao hưởng của những chú ve con: “Tiếng ve đầu mùa nấc nghẹn”. Thời khắc giao mùa giữa Xuân và Hạ đã được NTVN miêu tả thật đáng yêu trong bài thơ Tháng tư: “Ngập ngừng như thể tháng tư/ Nắng dè dặt nắng…/ với mưa dùng dằng”.

Cũng như rất nhiều bài thơ, áng văn xuôi khác của NTVN, hoa phượng là gam màu đặc trưng của mùa Hè. Viết về hoa phượng, thơ của chị thật nồng nàn, ấm áp:  “Phượng hồng cháy trong mắt biếc”, hay “Phượng hồng rót lửa vào tim” .

Mùa Hạ giống mùa Xuân vì đều rực rỡ sắc màu với màu xanh của lá: “Lá bàng tựa tay con gái/ Xanh xao biết mấy nỗi niềm”; màu vàng của nắng: “Nắng vàng hối hả mùa thi”; của ánh trăng: “Trăng vàng rải nhớ vào đêm”.

Đó là những màu của tự nhiên. Nhưng cũng có những màu của mùa Hạ do con người mang đến, đó là màu áo trắng của tuổi học trò. Cái màu áo đó đã đi vào tập thơ đầy xúc động: “Áo trắng sân trường ướt mưa”, hay: “Áo trắng sân trường rưng rưng”.

Mùa Hạ là mùa chia tay của tuổi học trò để về nghỉ hè và chuyển lớp, chuyển cấp. Không những ở tập thơ OPMT mà cả trong thơ và truyện của mình, đã bao lần khi nói về phượng đỏ NTVN lại nói về áo trắng với biết bao yêu thương. Bài thơ “Điệp khúc” trong tập thơ “Cõng mình qua những cơn mưa” là lời giã biệt của cô nữ sinh áo trắng với tuổi sinh viên:

“Thì thôi nhé, em về thay áo tím

Áo trắng xưa xin gửi lại sân trường

Thì thôi nhé, qua một thời nhung nhớ

Phượng hồng ơi sao mắt đỏ rưng rưng”.

2.2 Thu, Đông- thời gian của tàn tạ, phôi pha.

NTVN viết về các mùa trong năm, nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là những bài thơ viết về hai mùa Thu, Đông. Loại thời gian này  thường đi với các từ: tàn, tàn phai, cũ, rũ…

Thơ của NTVN thường nặng nỗi buồn, nhẹ niềm vui. Cái nỗi sầu của thơ chị vốn dĩ có vì “ Thơ gần nước mắt hơn gần nụ cười, gần máu hơn gần mực” (Nguyễn Trọng Tạo). Vả lại, cái sầu ấy như có từ tiền kiếp của những kẻ được gọi là thi nhân từ xưa đến nay. Thơ có mặt ở trên đời này, đầu tiên là để giải tỏa những cảm xúc của con người mà phần nhiều là ưu tư, phiền muộn.

Chính vì vậy, dù say sưa với mùa Xuân, mùa Hạ thì NTVN cũng trở về với hai mùa Thu Đông, đặc biệt là mùa Thu, và coi đó là chốn nương náu của tâm hồn mình. Ở đó, những tâm hồn đa cảm nhạy cảm như chị dễ tìm thấy sự cộng cảm hơn các mùa khác. Không phải ngẫu nhiên mà NTVN đã đặt tên tập thơ của mình là ‘”Ở phía mùa thu”. Lúc đó, con người ta có cái gì, sau lưng là mùa Xuân mùa Hạ, trước mặt là mùa Đông?

Mùa Thu:

Về mùa Thu, tập thơ có những bài thơ Đẹp và Buồn: Thu, Ngẫu hứng thu, Thu Hà Nội, Cuối thu.

Cũng như mùa Xuân, mùa Thu là mùa đặc biệt trong năm. Đó là hai “bình minh” trong một năm, đem lại sự thay đổi hệ trọng nhất trong tâm hồn. Nếu như mùa Xuân là mùa vui thì mùa Thu thường gợi cho người ta nghĩ tới nỗi buồn. Mặc nhiên, mùa Thu biểu tượng cho sầu muộn. Điều này để lại dấu ấn trong Hán tự: chữ “sầu” (…) là tâm tình mùa thu. Trời đất Xuân, Thu ví như đời người khi vui, khi buồn. Chẳng thế mà NTVN mở đầu tập thơ là bài Cuối thu:

“Vạt nắng thu sót lại

Như nhan sắc cuối mùa

Chạm tay vào lá rụng

Lòng buồn như gió mưa.”

Chỉ có những lá rụng, gió mưa; những sót, cuối, buồn.

Sang Thu, không còn cảnh sắc muôn vật sinh sôi, cây lá đâm chồi nảy lộc như tiết xuân, cũng qua những ngày hè chói chang, giàu năng lượng, đốt cháy lên tâm tư con người. Sang thu là bước vào miền phai nhạt, úa tàn. Thiên nhiên một lần nữa có sự “biến hình”. Bảng sắc màu từ Hạ sang Thu của Thơ NTVN từ “ đỏ” (hoa phượng), sang “vàng” (màu vàng của lá rụng, của sen tàn…):

Hà Nội vào thu/ Lá âm thầm rụng”

“Lá bàng rụng rồi vẫn bướng bỉnh rực lên”

“Lá bàng rụng rồi vẫn đỏ tựa môi son”

“Sen tàn trong hồ vắng”.

Tất cả đều tàn tạ, phôi phai không sức gì cưỡng nổi. Cảnh vật thiên nhiên đều mang gương mặt buồn, thê lương, ảm đạm của cái “nhan sắc cuối mùa”.

Không chỉ có sắc thu, cảnh thu mà còn rất nhiều tình thu. Những nồng nàn vẫn còn nhưng đã bớt dần. Những bâng khuâng, nuối tiếc, nhớ, buồn  chiêm nghiệm tăng dần.

Có khi mùa Thu như nói hộ tâm trạng đầy tiếc nuối khi mùa Hạ đã qua đi:

“Cánh phượng cuối cùng đã rụng

Mùa Hạ đã thành mùa xưa

Sen tàn rũ trong đầm vắng

Chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ”.

(Thu)

Nếu cái tình Xuân, Hạ được cất lên bằng những lời thơ trong trẻo hồn nhiên thì cái tình Thu lại lặng lẽ, lắng sâu và phảng phất buồn. NTVN yêu mến mùa Thu, viết nhiều (và cả hay) về mùa Thu phải chăng vì mùa Thu BUỒN và ĐẸP với cái thời tiết vừa trữ tình, vừa lãng mạn, làm cho người ta bâng khuâng, hoài cảm, buồn vẩn vơ với những cảm xúc mơ hồ, đẹp đẽ? Và cũng phải chăng vì người thơ đã thấy mình dần bước sang tuổi “thu”, cái tuổi mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã hình tượng hóa qua bài thơ “Cửa biển”:

“Đến đây gần biển xa nguồn

Con sông chảy chậm, nỗi buồn tan lâu”

Mùa Đông:

Tiếp nối cái tàn tạ, phôi phai của mùa Thu là mùa Đông. Những bài thơ về mùa Đông là: Mùa đông, Nhớ thương tháng chạp, Hoa dã quỳ, Chiều cuối năm, Trước tờ lịch cuối.

Cũng như thơ về các mùa Xuân, Hạ, Thu, thơ mùa đông của NTVN hay viết về hoa. Chị là người yêu hoa nên thường bắt đầu cảm xúc về hoa: hoa cải vàng, hoa dã quỳ…Rồi những hình ảnh đặc trưng cho cái tàn tạ, ảm đạm của mùa Đông như: lá rụng, gió lạnh, giá lạnh, sương muối, sương mù…

Này đây hoa cải vàng trong nỗi nhớ: “Vẫn mãi thương về tháng chạp/ Bến sông ngồng cải hoa vàng”. Này đây hoa dã quỳ trên cao nguyên lộng gió: “Ai đưa mùa Hạ về đây/ Nghìn con mắt nắng trên cây đợi chờ”. Hay: “Vàng hoa đang nở ngập ngừng/ Cao nguyên buồn giữa lưng chừng mùa Đông”.

Rồi sương trong những ngày tháng chạp: “Sương muối phủ trắng cánh đồng”. Sương trên phố núi: “Sương mù phố núi chưa tan”.

Rồi lá rụng tơi bời: “Một trời mây trắng mông lung/Một sân lá rụng, một Đông giá buồn”

Rồi gió. Để tăng cái lạnh, không gian bầu trời trong thơ NTVN thường đi kèm với gió: “Mùa Đông gió lạnh bời bời”

Sang Đông, sự lạnh lùng đã trở thành buốt giá. Là một hồn thơ hồn nhiên, trong trẻo, yêu đời, trước cái lạnh của ngày đông bao phủ, NTVN càng thấm nỗi lẻ loi, cô đơn. Và càng buồn hơn khi tuổi xuân, năm tháng qua đi:

“Một đời là mấy đam mê

Một năm thêm một bước về xa xôi

Bao nhiêu ngày tháng đã rơi

Bao nhiêu xuân sắc đã vơi cuối chiều”.

Câu thơ như một tiếng thở dài buồn bã, đầy tiếc nuối trước sự trôi chảy của thời gian.

Tóm lại, từ Xuân đến Hạ, từ Thu sang Đông, cái vòng tuần hoàn của tự nhiên đất trời đã đi vào tập thơ OPMT với bức tranh thiên nhiên sống động, đặc trưng. Sự luân chuyển bốn mùa của thiên nhiên ở đây cũng như quy luật vận động thời gian của đời người từ trẻ đến già, từ vui sang buồn. Xuân, Hạ, Thu, Đông không chỉ là bức tranh thiên nhiên mà còn là chân dung tâm hồn, là tài năng và cá tính của người làm thơ.

3. Thời gian buổi chiều và đêm.

Nếu mùa Thu là mùa được nhắc nhiều và ấn tượng nhất trong các mùa thì thời gian trong ngày của thơ NTVN lại tràn ngập bóng chiều và đêm tối. Tiêu biểu là những bài: Chiều cuối năm, Chiều giáp tết, Thăm Hoàng thành Huế, Chạm vào Sa pa, Đêm nghe tiếng còi tàu, Nghe “Dạ cổ hoài lang” nhớ một người xa xứ…Và rải rác nhiều câu thơ về buổi chiều và đêm tối trong tập thơ.

Nếu như thời gian buổi sớm thường gợi cái mới, cái sinh sôi nảy nở đầy sức sống thì ngược lại thời gian buổi chiều thường gợi lên cảm giác u hoài, trống vắng của lòng người; gợi cái cũ, cái tàn tạ, cái đã qua; gợi nhớ. NTVN đã có những buổi chiều như thế khi Chạm vào Sa pa: “Sương khói về đâu/ Mà chiều hoang hoải thế…”Và: “Vạt nắng chiều tắt nghẹn/ Giữa thung xanh…”.Hay trong bài thơ Chiều cuối năm người thơ thấy: “Ngày tàn từng giây…”với bao phập phồng mong đợi mùa Xuân về.

Đêm tối chính là khoảng thời gian lắng đọng sau một ngày dài của cuộc sống thường nhật, xô bồ. Đêm tối đem lại không gian yên tĩnh để con người có thể suy ngẫm. Đêm tối chính là khoảnh khắc mà tâm hồn thấy trống trải cô đơn nhất để người ta tìm đến thơ, trải nghiệm nỗi buồn. NTVN đã có một đêm như vậy ở một ga xép:

“Ta khách bộ hành lỡ nhịp

Nửa đêm nằm lại ga buồn

Phố núi mùa đông heo hắt

Đốm đèn vàng chìm trong sương”.

Rồi một đêm trăng Nghe “Dạ cổ hoài lang” nhớ một người xa xứ:

“Thương làm sao, nhớ làm sao

Người đi như nắng qua rào cuối đông”.

“Dạ cổ hoài lang” là một bài vọng cổ nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc nửa đêm. Chỉ nghe một khúc nhạc trữ tình trong đêm, bao thương nhớ lại dội về với  người thơ. Ở đây, trong sự cộng cảm sâu sắc của người nghe với nhạc phẩm không thể không nói đến “công” của thời gian “ đêm trăng”

III Thời gian đời người.

1. Đời người ngắn ngủi.

Trong tập thơ OPMT, nếu thời gian thiên nhiên- vũ trụ trôi chảy vĩnh hằng qua đi vùn vụt, thì thời gian đời người cũng vậy. Đó là một thứ quỹ- quỹ thời gian của một đời người. Trong tập thơ ta thường gặp mô tip về sự ám ảnh của thời gian: bình minh, chiều tà, tóc bạc, vó ngựa…

Thảng thốt trước bước đi  của thời gian, trong bài Vẩn vơ NTVN đã tự hỏi: “Vừa bình minh đã chiều tà thế ư?”. Đó là thời gian vật lý của một ngày, hay thời gian của một đời người nếu hiểu “bình minh” là tuổi trẻ, còn “chiều tà” là tuổi già?`

Trước sự trôi chảy không ngừng của thời gian, lòng người buồn tê tái. Trong bài Thời gian, người thơ đã hai lần kêu lên: “Tóc em trắng rồi!”(…)”Tóc em trắng rồi!” như một sự tiếc nuối trước cái tất nhiên. Và: “Em chỉ còn mùa đông thôi”(…), “Em sợ vô cùng vó ngựa thời gian”. Người thơ luôn cảm thấy sức ép của thời gian đè nặng lên mình

Sợ hãi cuống quýt về thời gian trôi nhanh, lo lắng bối rối trước thời gian vô hình, nhưng những lúc bình thản hơn người thơ vẫn không ngừng nghĩ ngợi về thời gian. Có khi là lúc:

“Mặc lại tấm áo cũ

Lại thấy lòng buồn tênh

Bao nhiêu là năm tháng

Lặn trong từng mũi kim”

(Áo cũ)

Có khi từ Sợi tóc trắng của anh mà nghĩ ngợi:

“… như chiếc lá rơi

Như dấu chấm sau câu thơ trọn vẹn

Sợ tóc lặng im giữa bốn bề biến động

Giữa bốn bề thời gian trốn thật nhanh.”

Có khi trong Chiều cuối năm, nhìn những đóa hoa xuân đang nở, lại chợt thấy: “Gót thời gian hồng trên những đóa hoa”. Có thể nói, không sự vật hiện tượng nào trong thơ NTVN không cảm thấy tính thời gian.

2. Thời gian hoài niệm.

Đây là kiểu thời gian có trong thơ mọi thời. Cơ sở của nó là một nét chung nằm trong bản tính người. Nhân loại dường như có một đặc điểm là đi giật lùi tới tương lai, NTVN cũng vậy.

Thời gian gồm ba chiều: quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong ba chiều của thời gian: quan trọng nhất là hiện tại, hấp dẫn nhất là tương lai, phong phú nhất là quá khứ. Tập thơ OPMT được viết ở chặng người thơ nhận thấy “gia tài thời gian còn lại chẳng bao nhiêu”. Ý thức về sự quý báu của thời gian, luôn mang nỗi đau luyến tiếc từng giọt thời gian, sống với thời gian hoài niệm như một nhu cầu tinh thần, đó là nguyên nhân chính khiến thơ NTVN cất lên đầy những tiếc nuối và hoài niệm khi thời gian qua đi, khi người thơ nhận thấy cuộc đời đầy quyến rũ nhưng vô cùng ngắn ngủi.

Với NTVN, hình như ở chị luôn có những khoảnh khắc thật đặc biệt nằm ngủ yên trong tâm trí, chỉ cần một chút lay động nhẹ là đủ để những ký ức đó ùa về, sáng lên, đẹp rực rỡ như chỉ mới xuất hiện ngày hôm qua; làm cho người thơ muốn bằng mọi giá được trở về, sống trong những khoảnh khắc ấy thêm một lần nữa. Những điều xưa cũ ấy luôn có chỗ đứng nhất định. Quá khứ giống như thiên đường đã mất (mặc dù không phải lúc nào cũng hoàn toàn như vậy). Và khi nhớ lại buồn bã, bâng khuâng, tiếc nuối, nhớ bao yêu thương của một thời xa xôi, cũ kỹ.

Những hoài niệm được nhắc đến nhiều nhất trong OPMT là tuổi thơ, tuổi trẻ, tình yêu, gia đình, người thân, thày bạn, cố hương…Từ đó những lời cảm thán thốt lên như muốn kéo thời gian trở lại, như muốn ngăn dòng chảy của thời gian.

Đó là hoài niệm về tuổi thơ, một thời đói nghèo, thiếu thốn nhưng bình yên, ấm áp. Trong bài Nhớ thương tháng chạp, người thơ “Vẫn mãi thương về tháng chạp”, với “Bến sông ngồng cải hoa vàng”, với “bướm trắng”, với “sương muối phủ trắng cánh đồng”, “Củ khoai ngày đông bới vội”, và “Khói nhòe đám lửa lá thông”. Rồi “bánh pháo tép”, “tranh gà”, “bánh chưng”. Rồi “áo nâu” của mẹ. Đó là một “thiên đường” đã mất của tuổi thơ. Trong hoài niệm về làng quê xưa ấy có một sự cố gắng nối mạch với hồn quê, với văn hóa dân gian làm điểm tựa tinh thần, làm đối trọng với mặt trái của cuộc sống đô thị hiện đại.

Hoài niệm về tuổi học trò, thơ NTVN lộng lẫy với những sắc màu của hoa phượng (Phượng hồng rót lửa vào tim), của lá bàng (Xanh xao biết mấy nỗi niềm), của trăng (Trăng vàng rải nhớ vào  đêm), của hoa quỳnh (Quỳnh hoa lặng lẽ trắng thềm), của áo trắng (Áo trắng sân trường ướt mưa). Ở đây, thiên nhiên đã phát sáng, lung linh trong tâm hồn tuổi trẻ. Dường như cỏ cây, hoa lá, vầng trăng, màu áo trắng học trò… trong thơ NTVN lúc nào cũng ánh lên vẻ đẹp huyền diệu.

Tuổi thanh xuân là tuổi đẹp nhất, đáng quý nhất của mỗi người. Thanh xuân chỉ đến một lần. Thanh xuân ngắn lắm, chớp mắt là qua ngay. Tuổi thanh xuân cũng là quãng để NTVN nhớ nhung, hoài niệm. Sự sớm tàn, mau tạ của thanh xuân khiến tư thế trữ tình của nhà thơ NTVN chưa bao giờ bình thản. Chính vì vậy, giờ đây nhìn “Hoa tường vi nở trong mưa ướt đẫm” mà cô thiếu nữ của ngày xưa  quay quắt nhớ: “Em xa rồi, mười bảy của ta ơi”, hay: “Em thẹn thùng cái thuở tóc ngang vai”. Nhớ và không khỏi nuối tiếc về một vẻ đẹp mãi mãi lùi xa:

Hoa tường vi ướt đẫm vẫn lung linh

Đẹp như những tháng ngày đã mất”

Rồi những câu hỏi khắc khoải, dồn nén trong lòng:

“Đâu rồi tóc xanh môi thắm

Ngang vai bóng đổ chiều tà”

“Đâu rồi mùa hè nóng bỏng

Đâu rồi tuổi xuân trẻ trung”.

Những hồi ức đẹp ấy kèm theo cả sự nuối tiếc mãi in dấu nơi đáy trái tim người thơ.

Tình yêu bắt đầu từ thuở thanh xuân. Thời thanh xuân chứa đựng lần đầu ta biết yêu, biết rung động. Nó gói trong đó người mà ta từng thương mến, từng say nắng. Đó là một ký ức đẹp “Nghìn năm hồ dễ mấy ai quên”. Với NTVN cũng vậy. Kỷ niệm cũ càng chợt ùa về trong một buổi chiều thu:

“Một tình yêu rất thật

Đã trở thành chuyện xưa”

Gắn với thời gian hoài niệm, NTVN còn có nhiều bài thơ, câu thơ xúc động về người thân trong gia đình: ông bà, bố mẹ, các em…Không tô vẽ theo hướng tụng ca, hình ảnh, số phận của họ là hình ảnh, số phận đích thực của nhân dân trong cuộc sống bình thường. Họ mang trong mình dấu vườn, dấu ruộng, dấu quê, dấu làng trong yêu thương khuất nẻo của người thơ.

Này đây, hình ảnh của ông bà nhà thơ đã đi xa mãi mãi:

“Lưng bà còng như dấu hỏi

Gậy tre ngõ vắng chiều chiều

Tay ông một đời cuốc đất

Chai sần mười ngón thương yêu”

Nhưng nhớ hơn cả có lẽ là nhớ mình.

Người mà NTVN nhớ nhất có lẽ không phải là người mình từng thương yêu, một kỷ niệm đẹp hay điều gì đó thật hão huyền, mà thật ra lại chính là bản thân mình của ngày xưa ấy. Vào một khoảng lặng giữa bốn bề của cuộc sống, bất chợt NTVN nhớ đến chính mình của ngày xưa, rất xưa, hồn nhiên, trong trẻo, tin yêu cuộc đời, nhìn đâu cũng thấy đẹp: “trong veo”, “nở thắm”,“lấp lánh”:

“Đã từng tin yêu đến thế

Phía nào trời cũng trong veo

Đã từng hoa thơm nở thắm

Suốt dọc đường đời cheo leo”

“Đã từng hồn nhiên như trẻ

Nụ cười theo cả giấc mơ

Đã từng có ngàn cánh hạc

Mang bao lấp lánh theo về”.

(Cho mình)

Toàn là những tiếc nuối. Tiếc nuối những khoảnh khắc, những chặng đời, những kỷ niệm đã qua hay đó là những tiếc nuối về những gì đã mất, những điều chưa thể làm được. Những vần thơ cất lên từ lời tiếc nuối đến đau lòng. Phải chăng với NTVN: “Những thiên đường có thật là những thiên đường đã mất”?

Không chỉ có tiếc nuối mà còn yêu thương, yêu thương đến thắt lòng. Không phải ngẫu nhiên mà suốt cả  tập thơ mà suốt cả tạp thơ NTVN hay nói về: ngày xưa, ký ức, nhớ, thương, nhớ thương, tàn, tàn phai, cũ, nhạt màu, phôi phai, xa lắc, đã mất , bay mất, đã xa…

Tóm lại, hoài niệm trong thơ NTVN chân thực, giàu yêu thương. Nó như một nhu cầu tinh thần để người thơ tìm lại sự bình yên và làm phong phú thêm tâm hồn mình trong cuộc sống hiện tại. Thời gian không chờ ai, đợi ai và khước từ bất cứ ai. Chỉ có những tâm hồn tha thiết với cuộc sống, với con người mới “giàu” hoài niệm như vậy. Hoài niệm tạo nên vẻ đẹp trong thơ NTVN.

IV. Thời gian lịch sử.

Nếu thiên nhiên bốn mùa được vận hành theo chu trình: sinh, trưởng, diệt thì cái tàn tạ, phôi phai của thời gian không chỉ có trong thiên nhiên cảnh vật mà cả trong những di tích lịch sử. Cảm hứng lịch sử của NTVN gắn liền với những di tích mà người thơ đặt chân đến: Lăng Gia Long, Hoàng thành Huế, Thánh địa Mỹ sơn, đền thờ Chu Văn An…Qua đó NTVN bộc lộ niềm ưu tư trước sự trôi chảy của thời gian trong giới hạn của không gian, trước sự suy vi của thời đại; nỗi nhớ tiếc về một quá khứ vàng son; những suy nghĩ về lẽ thịnh suy, hưng phế; những chạnh lòng với “nỗi niềm dâu bể”:

“Vàng son lùi lại cuối đường

Chỉ làn mây trắng vô thường còn nguyên

Chỉ làn mây trắng bình yên

Bay trên thăm thẳm nỗi niềm nhân gian.”

(Về lăng Gia Long)

Rồi:

“Đền đài lộng lẫy đâu rồi

Chỉ còn gạch đá tơi bời lối hoang

Chỉ mây vẫn trắng huy hoàng

Trời xanh leo lẻo qua ngàn bão dông”

(Nghĩ ở thánh địa Mỹ Sơn)

Và đây cố đô Huế:

“Hai trăm năm ấy là đâu

Cơ đồ nhà Nguyễn nhuốm màu khói mây”

(Một lần với Huế)

Theo thời gian, chỉ có mây trắng là vĩnh viễn. Rõ ràng thời cuộc với những biến đổi lớn lao đã ảnh hưởng sâu sắc đến cảm thức thời gian; đến những suy nghĩ, cảm xúc, quan niệm nhân sinh của nhà thơ.

V. Những thay đổi trong cảm quan thời gian.

Trong hoài niệm của NTVN, hình như có một “thiên đường” đã mất?

Nhưng quá khứ dù phong phú, dù đẹp đến đâu cũng chỉ là quá khứ. Con người ta không thể sống với quá khứ, đắm chìm với quá khứ với những hoài niệm đẹp. Theo thời gian, những cảm quan của NTVN về thời gian có sự thay đổi. Hay nói cách khác, NTVN đã tìm cách “chiến thắng” thời gian. Nghệ thuật là một sự giải phóng. Để thoát khỏi nỗi buồn nhân sinh, thoát khỏi cái hữu hạn của đời người, mỗi thi sỹ có một cách, NTVN cũng vậy. Ở chị, đó là thái độ sống tích cực, coi trọng hiện tại.

Không “tô hồng” thực tại, NTVN từng Tâm sự: “Đôi khi thấy mình chán nản”, “Đôi khi thấy mình tuyệt vọng”, “Đôi khi thấy mình kiệt sức”… Những lúc ấy, người thơ lại trở về với thiên nhiên- Người Mẹ thứ hai của con người, và tự an ủi:”May còn một làn mây trắng/ Neo hoài trước mọi biến thiên”. Thiên nhiên sẽ chữa lành mọi vết thương trong lòng người.

Nhà thơ ý thức về thời gian, rằng “thời gian sẽ qua đi”. Vậy sao không hưởng hạnh phúc, tình yêu ngay trong thực tại. Hãy tận hưởng cuộc sống bởi cuộc đời ngắn ngủi lắm. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc thời gian. Trong bài thơ Vẫn còn tình yêu, người thơ khẳng định:“Này cỏ vẫn xanh/ Này hoa vẫn thắm”.

Vẫn với nhiệt tình yêu cuộc đời như thế, trong bài Chiều cuối năm, người thơ mong đợi:

“Xua những nhọc nhằn đi xa, thật xa

Bao tin yêu ở lại cùng ta nhé

Chút ngọt ngào chắt ra từ dâu bể

Đủ nuôi ta những năm tháng hào hùng”.

Xuân về, có một luồng rung động rạo rực trẻ trung căng tràn nhựa sống trong tâm hồn nhiều lúc mỏi mệt của người thơ ấy. Thời gian là yếu tố của hạnh phúc, nảy mầm sinh lực, đơm hoa kết trái. Nhà thơ đã học cách tận hưởng từng khoảnh khắc ngọt ngào mà cuộc sống mang lại.

Đời người rất ngắn ngủi, vậy hãy sống tỉnh thức, sống trọn vẹn, không để thời gian trôi qua một các vô ích. Hãy làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn bởi cuộc đời này thật đẹp. Trong bài An ủi, NTVN đã thắp lên cho mình niềm hy vọng hướng tới tương lai:

“Đừng buồn ta nhé

Đông rồi sẽ tàn

 Bao nhiêu hoa thắm

Phía mùa xuân sang”

Những cảm thức về thời gian trong tập thơ “Ở phía mùa thu” của NTVN thấm đẫm nỗi niềm nhân sinh, thấm đẫm tình yêu với thiên nhiên, con người và cuộc sống. Cảm thức về thời gian đã làm cho nhiều bài thơ của chị có sức ám ảnh. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong thơ NTVN, ta khám phá một khía cạnh của thi pháp, giúp ta cảm nhận tác phẩm trong cái cụ thể- sáng tạo của nó. Những cảm thức về thời gian ấy đã làm giàu cho thơ ca của nhà thơ NTVN và thơ ca trên đất Hải Dương đương đại.

Nhà sáng tác Đà Lạt, tháng 5.2022

 NGUYỄN THỊ LAN

product2531506759683

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)