bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 186
Trong tuần: 996
Lượt truy cập: 630520

CHÂN DUNG NHÀ NGHIÊN CỨU NGUYỄN NGỌC THIỆN

Chân dung Nhà nghiên cứu phê bình
mác-xít qua cuốn sách mới([1])

 

              TS. BÙI NHƯ HẢI

 anh_nguyenngocthien

           CHÂN DUNG PGS.TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN


Tóm tắt:

Nguyễn Ngọc Thiện - nhà nghiên cứu, lý luận mác-xít, thế hệ 4X đã nghiên cứu Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản trong tiến trình gần 80 năm qua, kể từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), dưới góc nhìn xã hội - lịch sử biện chứng, kết hợp lý luận với thực tiễn, cho thấy tiến trình vận động nhất quán, liên tục phát triển của đường lối ấy, mà cốt lõi là tư tưởng mỹ học mácxít - leninnít được vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đời sống văn hóa, nghệ thuật ở Việt Nam.

Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng Việt Nam, cũng là các nhà văn hóa, đã có những đóng góp quyết định vào việc hoàn thiện, quán triệt đường lối ấy, đồng thời làm phong phú kho tàng lý luận mácxít về văn hóa, văn nghệ, phát huy hiệu quả của sự vận dụng lý luận mác-xít, thúc đẩy, định hướng sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam hiện đại, dân tộc, dân chủ, nhân văn và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Từ khóa: Nguyễn Ngọc Thiện; đường lối văn hóa, văn nghệ; sự nhất quán; sự tiếp tục phát triển; mỹ học mácxít -leninnít

Summary:

Nguyen Ngoc Thien - a marxist theorist and theorist, 4X generation has studied the Communist Partys art and cultural path in the past nearly 80 years since the Outline of Vietnamese culture (1943), under the social - dialectical history perspective, combining theory with practice, shows a consistent and continuously evolving movement process of that path, whose core is marxist - leninnit aesthetic thought applied creatively and in accordance with the reality of cultural and artistic life in Vietnam.

Ho Chi Minh and his predecessors of the Vietnamese revolution, who were also culturalists, made decisive contributions to the completion and grasping of that line, at the same time enriching the treasure for marxist theory of literature, culture, art, promoting the efficiency of the application of marxist theory, promoting and orienting the cause of building and developing a modern Vietnamese culture, the nation, democracy, humanity and intergration strong internationnalization.    

Keywords: Nguyen Ngoc Thien; the way of culture, art; consistency; development continuation; marxist – leninnit aesthetics.

 

Cái mốc đánh dấu tác phẩm tiểu luận - phê bình văn học đầu tay Văn chương và Tác giả ra đời cho đến nay vừa tròn 25 năm, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã xuất bản được 9 tác phẩm in riêng và 37 tác phẩm chủ biên. Tác phẩm thứ 9 vừa mới trình làng, đó là Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận, thực tiễn Nghệ thuật. Cuốn chuyên khảo này dày 360 trang in, khổ 14,5 x 20,5 cm, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 9 năm 2020. Vốn dĩ là một nhà lý luận, phê bình văn học uyên thâm, tài năng, có bề dày nghề nghiệp, nên hướng nghiên cứu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật nào Nguyễn Ngọc Thiện cũng gặt hái được những thành công nhất định, được bạn đọc, giới nghiên cứu và đồng nghiệp ghi nhận, yêu mến. Nhất là hướng nghiên cứu về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng được Nguyễn Ngọc Thiện theo đuổi, dành nhiều tâm huyết, trí lực nhất trong 43 năm nay và đã viết nhiều bài tiểu luận tham gia các Hội thảo khoa học, đăng trên các tạp chí, báo, sách từ Trung ương đến địa phương,... Những bài tiểu luận đó có những quan điểm, ý kiến,... mới mẻ, sắc sảo, nên đã có sự đóng góp to lớn về mặt lý luận và thực tiễn trong việc định hướng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ của Đảng trong bối cảnh hội nhập và giao lưu hiện nay. Đây không phải là một hướng nghiên cứu mới nên đã có rất nhiều người tham gia nghiên cứu, viết và công bố hàng chục tập sách. Đặc biệt, đã có 6 công trình (sách, giáo trình) được công bố rải rác qua các năm và đã đưa vào giảng dạy, tham khảo ở các trường học, các học viện, như Đường lối văn nghệ của Đảng - vũ khí, trí tuệ, ánh sáng (1975) của Hà Xuân Trường; Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam (1996) do Phan Khanh chủ biên; Giáo trình Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng (2005) do Trần Văn Bính chủ biên; Tìm hiểu đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam (2006) do Nguyễn Đình Hãng chủ biên; Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn văn hóa, văn nghệ - những mốc phát triển (2011) do Đinh Xuân Dũng chủ biên; Giáo trình Đường lối văn hóa của Đảng Cộng sản Việt Nam (2018) do Lê Thị Thu Hiền chủ biên,... Nhưng Nguyễn Ngọc Thiện lại có hướng đi riêng khi nhận thấy những bài viết, công trình đã công bố có khoảng trống cần phải nghiên cứu, bổ sung, tổng hợp, hoàn thiện từ quá trình hình thành và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Đồng thời, làm rõ sự nhất quán trên nền tảng, đặc trưng của mỹ học Mác - Lê nin mà đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh đã kiên trì quán triệt, hoàn thiện, đáp ứng kịp thời sự nghiệp dựng xây nền văn hóa, văn nghệ của dân tộc. Tập chuyên luận ra đời đã tạo nên một dấu ấn riêng đối với tác giả, góp phần làm phong phú, hoàn chỉnh cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn, mà các công trình trước còn để ngỏ, chưa giải quyết thấu triệt.

Ngoài phần lời nói đầu, phần phụ lục, phần mục lục, những tư liệu, hình ảnh,... cuốn chuyên khảo được chia làm thành hai phần chính. Phần thứ nhất: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam - sự nhất quán và phát triển. Phần chuyên luận này có tổng số 180 trang, thoát thai từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Ban Đảng do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học - nghệ thuật Trung ương chủ trì. Phần này chủ yếu nghiêng về lý thuyết, có tính hàn lâm, có phương pháp nghiên cứu nghiêm túc, được soi sáng, quán triệt một cách nhất quán và tiếp tục phát trển đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay. Những vấn đề Nguyễn Ngọc Thiện đặt ra, luận bàn trong chuyên luận đều có minh chứng và luận điểm cụ thể, rõ ràng, dựa trên cơ sở tư duy thực chứng của triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Phần thứ hai: Tiểu luận và phê bình. Phần này có tổng số 160 trang, tập hợp 17 bài tiểu luận, phê bình tiêu biểu mà Nguyễn Ngọc Thiện đã nghiên cứu và đã được công bố ở các hội thảo, tạp chí, báo,... Phần này coi như là một phần ứng dụng thực tế, cụ thể hóa lý thuyết, quan điểm qua những vấn đề trọng điểm, trường hợp điển hình. Cả hai phần này không có sự tách rời nhau, trái lại có sự thống nhất với nhau, bổ trợ và minh họa cho nhau; đồng thời làm sáng rõ những giá trị có tính phổ quát về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong suốt quá trình hình thành và phát trển, nhất là trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế.

Phần I: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam - sự nhất quán và phát triển là một chuyên luận, có tính độc lập như một công trình nghiên cứu khoa học thực thụ, trình bày dưới dạng hàn lâm, có cấu trúc chặt chẽ, logic, khoa học, vì thế nó giống như một công trình luận văn Thạc sĩ hay luận án Tiến sĩ. Với một lối tư duy thực chứng, tổng hợp, phân tích mạch lạc, Nguyễn Ngọc Thiện đã cung cấp cho người đọc thấy được những giá trị to lớn về mặt tư tưởng lý luận và thực tiễn đời sống; về những định hướng, chỉ đạo của Đảng trong sự nghiệp hình thành và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ; về sự đúng đắn, khoa học cũng như thành tựu của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; về sự kết hợp chặt chẽ giữa tư tưởng lý luận và thực tiễn đời sống văn hóa, văn nghệ,... Từ đó, góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận Mác-xít về văn hóa, nghệ thuật mà Đảng ta đã dày công dựng xây. Một điều quan trọng, mới mẻ, đó là lần đầu tiên tác giả đã nêu ra được định nghĩa về đường lối văn hóa, văn nghệ Việt Nam một cách chặt chẽ, đúng đắn. Bởi, đường lối văn hóa, văn nghệ  là “một bộ phận hợp thành hữu cơ của đường lối cách mạng nói chung, do Đảng cộng sản Việt Nam đề ra, từ khi thành lập (3/2/1930), giữ vai trò lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cách mạng đề ra trong từng giai đoạn lịch sử” (tr.28). Tác giả tiếp tục đi truy tìm sự ra đời khái niệm về “Đường lối văn hóa, văn nghệ” và đường lối ấy hình thành từ bao giờ, phân tích cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của đường lối văn hóa, văn nghệ,... Những vấn đề này được tác giả luận bàn dựa trên nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và được vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ. Dựa trên cơ sở đó, tác giả tiếp tục chỉ ra nền tảng khoa học, ý nghĩa lịch sử, quan điểm cơ bản của Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) - tác phẩm mở đầu đã trở thành kinh điển, tuyên ngôn, kim chỉ nam của Đảng trong việc định hướng, chỉ đạo thực hiện đời sống văn hóa, văn nghệ trong đời sống dân tộc. Qua thực tiễn lịch sử của dân tộc, văn kiện đầu tiên này được bổ sung, hoàn thiện, trở thành một nguồn lực mạnh mẽ trong việc phát huy, tập hợp sức mạnh toàn dân đấu tranh, bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh. Có được thành quả đó, phải kể đến sự đóng góp to lớn của các nhà lãnh đạo cao cấp xuất sắc của Đảng, đồng thời là nhà văn hóa, văn nghệ như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu,… Sau khi trình bày, phân tích cụ thể, tác giả đã đi đến khẳng định tầm vóc lớn lao trong việc đóng góp, xây dựng các quan điểm đúng đắn, đặc sắc, phù hợp với thực tiễn trong mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc cũng như phù hợp với bản chất, đặc trưng của lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt là những ý kiến chỉ đạo, định hướng mang tính chiến lược, cụ thể nhằm soi sáng thực tiễn văn hóa, văn nghệ của Hồ Chí Minh. Các ý kiến của Người cũng chính là những khía cạnh cơ bản, quan trọng nên cần phải vận dụng, quán triệt vào đời sống văn hóa, văn nghệ, đồng thời “chỉ rõ mối quan gắn bó chặt chẽ giữa văn hóa, văn nghệ với chính trị của giai cấp lãnh đạo cách mạng; vai trò văn nghệ là vũ khí sắc bén; phẩm chất chiến sĩ của văn nghệ sĩ trên trường đấu tranh của mặt trận văn nghệ với các lực lượng thù địch; con đường để tác phẩm văn nghệ đến với công chúng, được công chúng hiểu và yêu thích” (tr.48 - 49). Những ý kiến đúng đắn ấy của Người đã trở thành “tài sản” quý giá của dân tộc, đặc biệt là thế hệ hôm nay và mai sau trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp nối sự đóng góp to lớn ấy là các học trò của Người, trong đó Trường Chinh - nguyên Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam là một học trò xuất sắc. Với trí tuệ mẫn tiệp, kiến thức sâu rộng trong mọi lĩnh vực, đồng thời lại sâu sát thực tiễn của đời sống cách mạng, sinh hoạt học thuật và văn chương nước nhà, nên ông đã có những ý kiến, chỉ đạo về văn hóa, văn nghệ phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế của đất nước lúc bấy giờ. Đặc biệt, ông đã soạn thảo văn kiện lý luận văn hóa, văn nghệ Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam và trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 họp tại Việt Bắc tháng 7 năm 1948 đã thể hiện được tầm nhìn xuyên suốt lịch sử của dân tộc, tư duy nghiên cứu sâu sắc, tâm huyết, nhạy bén với những dự báo chính xác về tiền đồ văn hóa, văn nghệ trong từng nhịp bước của sự nghiệp cách mạng. Cuối cùng, tác giả  kết luận: Công trình Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam chính là “sự tiếp nối, hoàn chỉnh sáng tạo trên tầm cao mới chiến lược phát triển nền văn hóa dân chủ mới được sơ khởi từ văn kiện đầu tiên Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943)” (tr.55 - 56). Chính Trường Chinh là người đặt nền móng đầu tiên vào năm 1948 về vấn đề học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người từ đó đến nay đã trở thành một phong trào lan rộng khắp cả nước, đủ mọi thành phần, lứa tuổi,… tham gia, đi vào thực tiễn đời sống của toàn dân tộc.  

Ngoài những ưu điểm, thành tựu to lớn đó, Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã thẳng thắn, mạnh dạn nêu ra một số hạn chế, mặt trái khó tránh khỏi như vấn đề về tầm nhìn, trong thực hiện đường lối, trong nhận thức của cán bộ văn hóa, văn nghệ chưa đầy đủ, vì thế cần phải khắc phục: “Trong quá trình xây dựng và phát triển đường lối văn hóa, văn nghệ ngót 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề mắc sai lầm mà đã thu được những thành tựu to lớn, đáng kể, thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên văn hóa xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Tuy nhiên, trong quá trình đó, trên tinh thần phê bình và tự phê bình, Đảng đã nhận ra những hạn chế, khuyết điểm và thiếu sót trong việc vạch ra đường lối, chỉ đạo thực hiện đường lối, qua từng giai đoạn cách mạng, để tìm cách khắc phục đưa cách mạng tư tưởng và văn hóa đáp ứng với những yêu cầu và thực tiễn đặt ra ngày một cao, đòi hỏi không ngừng tiến lên” (tr.123 - 124). Tác giả của phần chuyên luận đã nêu 4 hạn chế, thiếu sót của đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay.

Thứ nhất là, mặc dù Đảng ta đã xác định những nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra trong văn kiện đầu tiên Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) chính là nền tảng vững chắc của cách mạng tư tưởng và văn hóa của nước ta, có ý nghĩa lâu dài cho sự tiếp tục phát triển và hoàn thiện Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong những giai đoạn kế tiếp. Nhưng trong quá trình vận dụng vào thực tiễn vẫn không tránh khỏi một số thiếu sót, hạn chế nhất định như: “Về sự bao quát, tầm nhìn, về phạm vi khái niệm văn hóa, Đề cương đã không đặt cho mình nhiệm vụ đưa ra một định nghĩa đầy đủ về văn hóa, mà xuất phát tự thực tiễn cách mạng, Đề cương chỉ mới đặt vấn đề văn hóa theo nghĩa thiết thực nhất mà người ta thường hiểu, xem văn hóa là sự phản ánh toàn bộ đời sống xã hội vào ý thức của con người, tập trung thể hiện trên các mặt: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật - tức là những phương diện của văn hóa tinh thần” (tr.124).

Thứ hai là, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954, Đảng ta chủ yếu “tập trung vào việc triển khai vận dụng những quan điểm, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới, dân tộc dân chủ nhân dân theo các phương châm: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa mà Đề cương đã nêu ra” nhưng lại “ít ra nghị quyết về công tác văn hóa, văn nghệ, chậm đề ra những chính sách cụ thể đối với văn nghệ sĩ. Những văn kiện của Đảng về lý luận văn nghệ còn quá ít và không đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, nhất là những khi cách mạng chuyển sang giai đoạn mới” (tr.267). Chính vì thế, trong hơn 10 năm trước và sau Cách mạng tháng 8/1945 nền văn hóa, văn nghệ của nước ta chưa thật sự có những tác phẩm đỉnh cao, xứng đáng với tầm vóc to lớn của sự nghiệp giải phóng dân tộc, với toàn thể nhân dân anh dũng được cả thế giới ngưỡng mộ, cảm phục. Theo tác giả phần chuyên luận, thì những nhược điểm trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan: “Đó là những nhược điểm của một nền văn hóa, văn nghệ trẻ tuổi, xây dựng trong một hoàn cảnh đầy khó khăn, thiếu thốn, buổi đầu còn bị phong tỏa,... Song nhược điểm ấy phần chủ yếu cũng do khuyết điểm của chúng ta gây ra - của trình độ non yếu của đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ các cấp, từ những nguồn gốc khác nhau chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc những tư tưởng, quan điểm và nhiệm vụ mà đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng đã chỉ đạo, để vượt qua những quan niệm cũ, nhận đường với nhận thức mới của chủ nghĩa Mác - Lênin” (tr.128 - 129).

Thứ ba là, trong hơn 20 năm dài tập trung chống Mỹ cứu nước, Đảng ta cũng đã định hướng rõ nét việc xây dựng văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đấu tranh chống xâm lược, bè lũ tay sai để giành độc lập, thống nhất nước nhà. Nhưng trong thời kỳ này Đảng ta chưa ra nghị quyết có tầm chiến lược, có ý nghĩa cương lĩnh, định hướng nhằm nối tiếp, nhất quán văn kiện đầu tiên Đề cương văn hóa Việt Nam để tiếp tục phát triển văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn mới; những văn kiện của Đảng về văn hóa, văn nghệ còn quá ít, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu mới; thiếu nhạy bén trong việc sớm nhận ra những nguy cơ ảnh hưởng của tư tưởng tư sản, của chủ nghĩa xét lại trong văn học nghệ thuật, của cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp,...

Thứ tư là, Sau 1975, đặc biệt sau thời kỳ Đổi mới, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng vẫn là chủ yếu và căn bản, gặt hái được những thành tựu to lớn. Thế nhưng, vẫn không tránh khỏi một số thiếu sót trong việc đề ra và thực hiện đường lối như vấn đề lãnh đạo và quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật; vấn đề sáng tác và phê bình; vấn đề cơ chế quản lý, tổ chức, các chế độ, chính sách đối với văn hóa, văn học nghệ thuật; vấn đề cán bộ lãnh đạo, quản lý sự nghiệp văn hóa, văn nghệ thuộc các cấp ủy đảng, cơ quan nhà nước, trong hệ thống chính trị,... Việc nhận rõ khuyết điểm, thiếu sót như vậy nhằm tìm cách khắc phục qua từng thời kỳ lịch sử thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ. Từ đó, đảm bảo một cách chắc chắn để “đường lối ngày càng hoàn thiện, phát huy cao nhất hiệu quả của nó trong tiến trình đi vào thực tiễn để đổi mới và sáng tạo không ngừng, nhằm khai tâm con người, khai trí xã hội, khai sáng đất nước, nuôi dưỡng nguồn lực tinh thần và vật chất để Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh cường thịnh với nền văn hóa cao đẹp nhất trong lịch sử” (tr.139).

Sau khi nêu bật, phân tích những thành tựu, ưu điểm cũng như hạn chế, thiếu sót về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, Nguyễn Ngọc Thiện đã rút ra được 4 bài học xác đáng có ý nghĩa cả lý luận lẫn thực tiễn, đảm bảo hiệu quả đối với việc thực thi đường lối đó. Một là, luôn luôn kiên trì, vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam. Hai là, đề cao, tôn trọng quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân. Ba là, nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý sự nghiệp văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách, thể chế hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng về văn hóa, văn nghệ.

Bốn là, coi trọng trong công tác, nghiên cứu đề xuất lý luận, tổng kết thực tiễn để phát triển, bổ sung, hoàn thiện lý luận,… Đồng thời, nhằm thúc đẩy sự phát triển cũng như hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, từ thực tế đó, tác giả đã đưa ra 7 kiến nghị phù hợp với logic, cấu trúc vấn đề của chuyên luận đặt ra như: Kiên trì và nhất quán lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở nền tảng định hướng chiến lược; quán triệt quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn, văn nghệ theo đường lối của Đảng, đảm bảo quyền văn hóa của nhân dân,…

Phần thứ hai: Tiểu luận và phê bình như trên đã nói, là một phần cụ thể hóa, quan điểm hóa lý thuyết cũng như những vấn đề trọng điểm, trường hợp điểm

hình trong đời sống thực tiễn lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ ở nước ta. Hầu hết 17 bài tuyển đều được phát biểu tham luận tại các Hội thảo khoa học, được đăng trên báo chí chuyên ngành Lý luận - phê bình VHNT, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, Kỷ yếu khoa học Hội thảo của Hội đồng Lý luận - phê bình VHNT Trung ương. Những vấn đề đặt ra trong các bài viết này được PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện luận bàn, trao đổi, đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, trên tinh thần đối thoại, dân chủ, đầy trách nhiệm. Mở đầu là bài tiểu luận Văn hóa, nghệ thuật cần “vào sâu trong tâm lý quốc dân”, “soi đường cho quốc dân đi”. Tác giả của bài viết tập trung luận bàn về tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh. Để khẳng định ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực tiễn của tư tưởng văn nghệ Hồ Chí Minh, tác giả đã điểm qua thực tiễn phát trển của văn học, nghệ thuật thế giới, khẳng định tư duy về vai trò, chức năng xã hội của văn học, nghệ thuật trong việc tác động vào đạo đức xã hội, vào nhân cách con người, hướng đến Chân, Thiện, Mỹ. Từ đó tác giả đã đi sâu phân tích, chứng minh tính khoa học, thực tiễn của luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Hồ Chí Minh. Chính quan điểm khải thị này của Người “đã thể hiện sâu sắc tư duy duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của mỹ học Mác - Lênin, ghi nhận tác dụng to lớn, không thể thay thế được của văn hóa nghệ thuật góp phần định hướng phát triển và tiến bộ xã hội” (tr.190). Tính chuyên nghiệp của phê bình văn học nghệ thuật và nhà phê bình chuyên nghiệp là một bài viết hay, sâu sắc, có tính thời sự trong việc luận bàn về tính chuyên nghiệp của phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta. Để bài viết thêm phần thuyết phục, tác giả đã điểm lại một số ý kiến có tâm huyết, rất đáng được lưu ý kịp thời của hai nhà phê bình tiêu biểu xuất hiện từ nửa đầu thế kỷ XX ở nước ta là Thiếu Sơn và Hoài Thanh về những quan điểm, thực trạng của phê bình văn học, nghệ thuật- một thể tài văn học mới của nước ta trước Cách mạng tháng 8/1945. Từ đó nêu lên “những đòi hỏi chất lượng đặc thù từ sản phẩm của hoạt động này cùng những phẩm chất không thể thiếu được giúp nhà phê bình có vị trí xứng đáng trong nền văn học nghệ thuật nước nhà” (tr.201). Đặc biệt, là những ý kiến có tính chỉ đạo của Trường Chinh trong bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam năm 1948 về phê bình văn học nghệ thuật. Theo tác giả bài viết, thì trong bản báo cáo này đã nêu bật được vai trò to lớn của việc đối thoại, dân chủ trong trao đổi, tranh luận trong phê bình; nâng cao tính chiến đấu, bảo vệ cái đúng, phê phán, bài trừ cái lệch lạc, cái sai trái về quan điểm học thuật; người làm phê bình phải công tâm, công minh, phải làm rõ được cái hay, cái dở của tác phẩm để tác phẩm không bị rơi vào quên lãng hay bị bỏ qua, tiếp thu một cách lạnh nhạt; đề cao tính quần chúng trong phê bình, bác bỏ những quan điểm coi thường, đánh giá thấp về quần chúng,... Sau đó, tác giả bài viết khẳng định rằng: Những ý kiến của Trường Chinh chính là “sự cụ thể hóa những vấn đề của hoạt động phê bình văn nghệ, nhà phê bình văn nghệ theo quan điểm mácxít - lêninnít, tư tưởng Hồ Chí Minh và các Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ 2 (1957), lần thứ 3 (1962) và lần thứ 4 (1968)”. Và nó đã “góp phần định hướng, phát huy kết quả trong hoạt động thực tiễn của lý luận phê bình văn nghệ Việt Nam từ sau Cách mạng tháng 8 đến trước thời kỳ Đổi mới” (tr.204 - 205). Kết thúc bài viết, tác giả đã có những kiến nghị thiết thực, phù hợp với thực tiễn đời sống phê bình văn học nghệ thuật của nước ta hiện nay.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện vốn là một người giàu tâm huyết với văn học nghệ thuật nên rất chú ý, quan tâm đến đến đội ngũ hoạt động lý luận, phê bình văn học nghệ thuật, nhất là đội ngũ ở các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Trong bài viết Về đội ngũ hoạt động lý luận phê bình VHNT hiện nay ở các Hội văn học nghệ thuật, tác giả đã nêu bật được về những thực trạng của đội ngũ hoạt động lý luận, phê bình VHNT trong việc phân bổ lực lượng nghiên cứu lý luận phê bình các chuyên ngành nghệ thuật khác nhau một cách không đồng đều cả về số lượng và chất lượng cũng như sự chuyên nghiệp trong nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật chưa cao. Từ thực trạng đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp, những kiến nghị thiết thực, phù hợp với tình hình đất nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT. Cùng mạch nguồn, nhưng trong hai bài viết Kiến nghị về thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng trong thời kỳ Đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nướcĐội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam và các yêu cầu, thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại, Nguyễn Ngọc Thiện đã có sự mở rộng biên độ trong việc kiến nghị về thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập khu vực và quốc tế. Tác giả bài viết cho rằng: Để vận dụng và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ Đổi mới thì cần phải chú ý quy hoạch, đào tạo bài bản đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa văn nghệ cấp chiến lược từ Trung ương đến địa phương; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng các văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, đầu đàn và những bậc thầy uy tín, tin cậy, được trọng thị trong giới chuyên môn, trong giảng dạy; đồng thời cần phải chú tâm đặc biệt trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tầng lớp trí thức văn hóa vừa là văn nghệ sĩ vừa là nhà khoa học mà về tư duy nghệ thuật, phương pháp làm việc có những nét đặc thù khác với những người văn nghệ sĩ chuyên chú sáng tạo. Ở bài viết Đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam và các yêu cầu, thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tác giả tiếp tục dành sự quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ trước những yêu cầu và thách thức mới trong thời kỳ Đổi mới. Theo Nguyễn Ngọc Thiện, thì trong hơn 70 năm qua - tính từ ngày thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (tháng 7/1948), đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Với một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu đến từ năm thế hệ, có trên 40.000 người sinh hoạt trong 73 Hội thành viên thuộc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và đã tạo ra những công trình văn học nghệ thuật có giá trị về mặt tư tưởng và nghệ thuật, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, gìn giữ và phát triển nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Nhưng trong quá trình hình thành và phát triển, hội nhập quốc tế, nền văn nghệ và đội ngũ văn nghệ sĩ nước ta cũng đang đứng trước những yêu cầu và thách thức lớn. Do đó, cần phải chú ý, bổ sung, hoàn thiện trong việc tạo lập môi trường, điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động thuận lợi, đáp ứng được những đòi hỏi mới của công chúng cũng như hội nhập văn hóa quốc tế trong một “thế giới phẳng” của nền văn minh nhân loại; trong việc tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa các chính sách, chế độ của Nhà nước về việc đãi ngộ, trọng dụng và tôn vinh văn nghệ sĩ có công đóng góp, xây dựng nền văn hóa, văn nghệ cho đất nước, cho dân tộc; trong việc chuyên nghiệp hóa, đồng bộ hóa đội ngũ văn nghệ sĩ cũng như quy tụ được một số văn nghệ sĩ đầu đàn, tầm cỡ, có ảnh hưởng lớn ở trong nước, khu vực và quốc tế; trong việc nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý sự nghiệp VHNT của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, đồng thời quy tụ các nguồn lực văn nghệ sĩ gốc Việt Nam có tinh thần dân tộc trên toàn thế giới. Cuối cùng, tác giả bài viết lưu ý, cảnh tỉnh đối với đội ngũ văn nghệ sĩ trước những yêu cầu và thách thức mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế phải hết sức nỗ lực rèn luyện phẩm chất đạo đức, tư cách, trao dồi tài năng cũng như giữ vững bản lĩnh, cảnh giác trước những âm mưu chống phá, lôi kéo của các thế lực thù địch đang nấp dưới danh nghĩa đảm bảo “quyền con người trong xã hội dân chủ, dân sự”,… Thể hiện sự quan tâm cũng như tầm hiểu biết, khả năng nắm bắt thực trạng đời sống văn học nghệ thuật của nước ta, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã có cuộc trả lời phỏng vấn nhanh rất thú vị, sâu sắc về vấn đề Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai sái, thù địch trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trong cuộc phỏng vấn này, Nguyễn Ngọc Thiện đã chú trọng, đưa ra những phương thức, hình thức chủ yếu để nhằm bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực VHNT. Đề xuất ý tưởng có tính chất vĩ mô về nội dung cụ thể của những phương thức mới, hình thức mới trong việc bảo vệ, đấu tranh đó.

PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện là một người có thâm niên trong nghề, gắn bó, sâu sát thực tế trong suốt thời gian hơn 23 năm với vai trò kiêm nhiệm (từ năm 1997) và đảm trách nhiệm Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam (từ 2006) nên đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, trong việc nâng cao chất lượng chuyên nghiệp của tạp chí, báo văn nghệ. Nguyễn Ngọc Thiện vì thế đã có những bài viết, những đóng góp ý kiến hay, thiết thực về những vấn đề quản lý và nâng cao chất lượng của báo chí văn nghệ như Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam - cầu nối và bạn đồng hành giữa văn nghệ sĩ với công chúng; Quản lý báo, tạp chí chuyên ngành trong Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - thực trạng và giải pháp; Tuyên truyền, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trên Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam những năm gần đây,... Các bài viết này chủ yếu tập trung xoáy sâu vào những hạn chế, thực trạng của tạp chí, báo thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật, từ đó mạnh dạn đưa ra những kiến nghị, giải pháp kịp thời trong việc quản lí và nâng cao chất lượng, đưa tạp chí, báo chuyên ngành trở thành chuyên nghiệp hơn. Bài viết Quản lý báo, tạp chí chuyên ngành trong Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - thực trạng và giải pháp là một minh chứng cụ thể. Tác giả bài viết đã đóng góp ý kiến và những giải pháp thiết thực, quan trọng trong việc quản lý báo, tạp chí chuyên ngành của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Sau khi điểm qua những nét chính về quá trình hình thành và phát triển, những thăng trầm, khó khăn và thuận lợi,... của Hội văn nghệ Việt Nam - nay là Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và hệ thống tổ chức các cơ quan báo chí trong Liên hiệp hội; vấn đề quản lý các tạp chí, báo của các hội VHNT, tác giả bài viết đã nêu lên những thực trạng báo chí VHNT cũng như các vấn đề đặt ra cho hoạt động báo chí VHNT trong thời kỳ Đổi mới, đặc biệt từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Từ thực trạng đó, tác giả đưa ra những kiến nghị, giải pháp về quản lý báo chí văn nghệ. Theo tác giả, báo chí văn nghệ là một lĩnh vực hoạt động đặc biệt trong đời sống chính trị - xã hội, văn hóa, để báo chí văn nghệ ngày càng phát triển, vững mạnh, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế thì lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương cần đổi mới tư duy về văn hóa văn nghệ và báo chí văn hóa văn nghệ; phải có chiến lược và kế hoạch dài hạn về phát triển báo chí VHNT trong bối cảnh xã hội và quốc tế hiện nay; phải sắp xếp lại hệ thống báo chí ở các ngành, các cấp, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo tinh giản về cơ cấu, bộ máy tổ chức, sự tinh thông về nghề nghiệp theo các chuẩn mực quốc gia, đáp ứng hội nhập vào các yêu cầu của truyền thông quốc tế hiện đại; coi trọng tính đặc thù của báo chí VHNT, sự đa dạng của phong cách, bút pháp và cá tính sáng tạo của văn nghệ sĩ thuộc các loại hình VHNT; Các cơ quan tham mưu của Nhà nước cần bổ sung, hoàn chỉnh các chế độ về lương, thù lao, quyền tác giả, thuế, chính sách khuyến khích sáng tác, phổ biến, lưu giữ tác phẩm thuộc danh tác vào bảo tàng các cấp; Tăng cường hoạt động thông tin, nghiên cứu lý luận phê bình về văn học nghệ thuật, đảm bảo sự dân chủ, khách quan, văn hóa trong tranh luận học thuật, trao đổi ý kiến, góp phần định hướng sáng tạo, tiếp nhận VHNT hướng về xây dựng con người mới theo các giá trị của văn hóa dân tộc và văn minh nhân loại.

Góp thêm sự phong phú, đa dạng cho phần II, PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện đã dành trọn vẹn tấm chân tình của mình đối với những bậc khả kính, những người thầy, đồng nghiệp và bạn bè quý mến, thủy chung, thể hiện tấm lòng sắt son, nét đẹp rất đỗi đời thường, ân nghĩa cuộc đời qua những bài viết như Kỷ niệm về GS.VS. Hoàng Trinh - người Thầy, người Anh, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học hàn lâm; Đồng chí Lê Khả Phiêu với Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; Cuốn sách quý, gắn bó với một vùng biên viễn phía Đông Bắc; Tư tưởng và phong cách nhà văn - những vấn đề lý luận và thực tiễn của GS.TS. Trần Đăng Suyền; Một danh họa bậc thầy, lão thực,... Tác giả của các bài viết này đã giới thiệu đến bạn đọc những gương mặt, những tác phẩm tiêu biểu, đặt ra những vấn đề lý luận và phê bình cốt yếu, có giá trị thực tiễn, giá trị tư tưởng, nghệ thuật.

Thiết nghĩ, tôi cũng như bạn đọc trân trọng, quý mến PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện - tác giả của cuốn chuyên khảo này đã mạnh dạn, trao đổi ý kiến thẳng thắn, có trách nhiệm với chính ngòi bút của mình. Đồng thời đề cao tranh luận, trao đổi dân chủ, coi trọng tinh thần đối thoại chứ không độc đoán, áp đặt cùng với văn phong trong sáng, giản dị, điền đạm, mực thước và một giọng điệu uyên bác, hàn lâm, sinh động, uyển chuyển. Những vấn đề luận bàn trong chuyên khảo vừa có tính chất lý luận, thực tiễn vừa có tính cập nhật, thời sự, vì thế nó rất quý cho chúng ta hôm nay và mai sau trong việc bám sát vào định hướng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, tư tưởng, kế thừa những truyền thống tốt đẹp, tiếp thu cái mới mẻ, tinh hoa của thế giới,...

Cuốn chuyên khảo chính là sự tổng kết một đời của PGS. TS Nguyễn Ngọc Thiện trong 43 năm nghiên cứu về đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người, về một số khía cạnh của văn hóa, văn nghệ và báo chí văn nghệ,... của một nhà nghiên cứu, phê bình từng trải, lão thực, giàu nội lực ở cái tuổi xưa nay hiếm - ngoài thất thập. Cuốn sách không chỉ có giá trị to lớn trong việc tổng kết cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn của một giai đoạn lịch sử trong việc triển khai, thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng ta mà còn có giá trị để đời của một cây bút hàn lâm, lý luận mác xít, xứng đáng là thế hệ kế cận, tiếp nối các nhà nghiên cứu, phê bình mác xít Hải Triều, Đặng Thai Mai, Hà Xuân Trường, Hoàng Trinh, Hà Minh Đức,... Đây là cuốn sách thứ 7 nghiên cứu về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng được công bố mới nhất, chuẩn mẫu mực về sách nghiên cứu khoa học, xứng đáng cho các công trình nghiên cứu khác tham khảo, làm theo,… Cuốn chuyên khảo vì thế rất bổ ích, đáng được đọc và đồng thời nó cũng đang vẫy gọi bạn đọc cùng đồng hành, cùng sáng tạo.

Portland, Maine ngày 5/9/2020

 


([1]) Đọc Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Lý luận thực tiễn Nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Thiện, NXb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020.

7583.jpg_wh860

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)