bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 5
Trong ngày: 92
Trong tuần: 661
Lượt truy cập: 623460

CHÂN DUNG VŨ NHO TRÊN BÁO NINH BÌNH CUỐI TUẦN

Chân dung Vũ Nho qua “Trên sóng & trong lòng bè bạn”

Đọc Trên sóng & trong lòng bè bạn của Vũ Nho, Nhà xuất bản Thanh Niên, 2021

                                              Nguyễn Thị Bình

 an_binh_ninh_binh

Ninh Bình không chỉ tự hào với những Danh lam Thắng cảnh nổi tiếng trong nước và thế giới, mà còn được biết đến bởi tên tuổi của những nhà văn sinh ra ở Ninh Bình, đã và đang làm rạng danh cho quê hương, như Sương Nguyệt Minh, Mai Văn Phấn, Vũ Xuân Tửu, Phạm Quang Trung, Vũ Nho… Có thể nói, tuy không lập nghiệp ở Ninh Bình, nhưng tác phẩm của những nhà văn ấy ít nhiều vẫn đau đáu về quê hương, và quan trọng là luôn thể hiện tâm hồn, cốt cách và tài năng của người con Ninh Bình.

Nói riêng về nhà văn- PGS.TS Vũ Nho. Ông quê ở thôn Trà Đính, xã Gia Minh, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Đối với bạn đọc, bạn nghe nhìn  trong cả nước- nhất là những người làm công tác giáo dục, thì tên tuổi của ông vô cùng quen thuộc “Trên sóng” qua hàng loạt bài trả lời phỏng vấn, các Đài, Báo Trung ương, và “Trên sách”, qua các tác phẩm thơ, truyện, lý luận phê bình, sách dịch, sách hướng dẫn, tham khảo dạy và học bộ môn Ngữ văn trong trường phổ thông… Cho đến nay (2021), ông đã in 114 đầu sách, sách dịch, viết chung và riêng về văn chương và giáo dục. Đúng là một “gia tài” đồ sộ khiến bao người thán phục, ngưỡng mộ và mơ ước. Cuốn sách ông mới cho ra mắt bạn đọc:  “Trên sóng & trong lòng bè bạn” ( NXB Thanh niên, quý IV, 2021) đã mang đến cho độc giả một cái nhìn khá thú vị về chân dung văn học của nhà văn Vũ Nho.

anh_bai_bao_nb

Là người được học hành và đào tạo bài bản (Tốt nghiệp khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Viết Bắc (1970); Tiến sĩ Đại học sư phạm Ghéc-xen, LêNingrat (1984), Phó giáo sư (1991), từng kinh qua nhiều cương vị công tác (Giảng viên Văn tại trường ĐHSP Việt Bắc, chuyên viên Bộ Giáo dục& Đào tạo, Nghiên cứu viên ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), lại luôn tâm huyết với nghề, cùng với tài năng, dễ hiểu vì sao sự nghiệp văn chương của PGS.TS Vũ Nho lại phong phú đa dạng và dễ đi vào lòng người đến vậy!

Tập sách “Trên sóng & trong lòng bè bạn”, gồm hai phần chính. Phần I: “Trong lòng bè bạn” tập hợp 56 bài viết của bạn bè, đồng nghiệp về những tác phẩm tiêu biểu của Vũ Nho (Thơ chọn với lời bình, Đi giữa miền thơ, Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca, 33 gương mặt thơ nữ, Thơ và dạy học thơ, Bình thơ, Từ Kim Vân Kiều đến truyện Kiều…), đan xen là những bài thơ, bình thơ, khi triết lý, khi dí dỏm mà bạn văn yêu mến tặng ông và tất nhiên có cả những bài thơ ông vui vẻ đáp từ. Ở đây có các tên tuổi quen thuộc trên văn đàn như Trần Đăng Thao, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Sơn, Cao Ngọc Thắng, Bùi Kim Anh, Nguyễn Việt Bắc, Đường Văn, Hoàng Dân,  Vũ Bình Lục, Vũ Quần Phương, Nguyệt Vũ, Ánh Tuyết…lại có cả các nhà khoa học, nhà giáo như GS.TSKH Mai Thanh Tân, GS.TS. Lộc Phương Thủy, nhà giáo ưu tú Trần Thị Thành, nhà văn nhà giáo Nguyễn Thị Lan, Nguyễn Thanh Mai,… Phần II: Tái hiện những bài trả lời phỏng vấn các Báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình của PGS.TS Vũ Nho về các vấn đề liên quan đến văn học và giáo dục... Cả hai phần, “chân dung” Vũ Nho đều được hiện lên nhất quán, đa tài, mực thước và rất chuẩn chỉ trong công việc văn chương- thẳng thắn, chân tình, thông minh và bản lĩnh “Trên sóng”. Thiết nghĩ, nếu được đọc cuốn sách mới nhất này của ông, dù chưa được đọc nhiều tác phẩm của Vũ Nho, ta cũng sẽ hiểu được tương đối căn bản tài năng và cốt cách của ông. Hơn thế, còn hiểu hơn tấm lòng bè bạn dành cho ông và tác phẩm của ông- nhà văn, nhà giáo, nhà khoa học, nhà lý luận phê bình, nhà thơ…

Theo bố cục của sách và cũng là dụng ý của nhà văn, thì phần I: “Trong lòng bè bạn” chính là tấm lòng tri ân bạn đọc của tác giả và ngược lại. Có thể nói, hạnh phúc nhất đối với nhà văn là được độc giả đón nhận thành quả lao động của mình một cách chân thành và khách quan. Đó chính là động lực khích lệ động viên người viết tiếp tục hành trình sáng tạo và thăng hoa. Dĩ nhiên Vũ Nho cũng là một trong số những nhà văn có được cái hạnh phúc ấy. 56 bài viết dài ngắn khác nhau, là 56 cách nhìn nhận đánh giá về các tác phẩm tiêu biểu của Vũ Nho là minh chứng cho cái hạnh phúc ấy. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả giá trị văn chương của ông, nhưng cũng đủ làm nên một chân dung văn học đa tài, phong phú trong làng văn Việt Nam. TS.Chu Văn Sơn từng nhận xét khá xác đáng khi cho rằng, Vũ Nho là người “rộng lòng với thơ mà công phu với chữ” nên “mọi danh phận thơ rất khác nhau đều có thể tìm thấy ở đây một niềm tin cậy, ấm ápĐối tượng nào cũng được anh dành cho sự trân trọng, nâng niu, chắt chiu thành thực đến thật thà”. Quả đúng như vậy, người viết bài này tuy không danh phận lắm, nhưng cũng hân hạnh được ông ưu ái viết bài giới thiệu và cảm nhận tập thơ “Gót mềm vương cọng cỏ mê”, điều đó càng chứng tỏ tâm huyết của ông “chia đều cho tất thảy” mà không hề có sự phân biệt... Nguyễn Thị Lan trong “Thơ và dạy học thơ với Vũ Nho” cũng nhận xét: “Văn của Vũ Nho hấp dẫn người đọc vì nhiều lẽ, nhưng quan trọng nhất có lẽ là cái THẬT và cái CHÂN THẬT… Không có sự thái quá, bất cập, dù cả khi tranh luận thì Vũ Nho cũng bình tĩnh, thận trọng, phân tích và kiến giải, phần nhiều dành cho người đọc tự rút ra kết luận. Chính vì vậy Vũ Nho tạo được sự tin cậy từ phía độc giả”.

Những nhận xét, đánh giá, thẩm bình về các tác phẩm của Vũ Nho, tuy chiều kích khác nhau, nhưng tựu trung lại, đều góp phần làm sáng tỏ chân dung tinh thần của ông- một người, tài hoa, mực thước, tinh tế, và luôn trân trọng người viết, tính tình khoan hòa, dễ mến, lối viết điềm đạm, chừng mực mà đằm thắm, ân tình giống như con người của ông vậy…“Tư cách nhà giáo giúp ông tính chuẩn mực trong nghiên cứu, tư cách nhà báo giúp ông cập nhật thời sự, tư cách nhà văn giúp ông viết có tình, khoan dung và hòa hiếu trong cách đánh giá theo tinh thần gạn đục khơi trong” (Bùi Việt Thắng).

Nhà nghiên cứu phê bình Bùi Việt Thắng đã hơn một lần gọi Vũ Nho là “lão nông tri điền” và còn cho rằng, con người này “lúc nào cũng có lửa”, cứ như là một “Hỏa diệm sơn”. Ở độ tuổi nào năng lượng sáng tác của ông cũng dồi dào và luôn tiềm ẩn một sự bung phá ngay khi có cơ hội. Bạn bè đều nhận xét, văn của ông không hoa mỹ, kiểu cách mà luôn bám sát để nắm bắt cái “thần” của đối tượng. Đó là lý do ông luôn tìm được sự tin cậy và yêu mến nơi độc giả. TS. Đường Văn cho rằng: “Vũ Nho thuộc loại nhà nghiên cứu phê bình văn học viết văn khảo cứu “có văn”. Nghĩa là lời văn câu chữ không khô khan, thuần luận lý mà khá dồi dào cảm hứng và hình tượng, hình ảnh, trong khi vẫn giữ được sự mực thước, chặt chẽ điềm đạm trong quá trình luận chứng…” Một người khoác trên mình rất nhiều “nhà”, nhưng PGS.TS.Vũ Nho chỉ khiêm tốn nhận mình  cơ bản là một nhà giáo, có viết văn, làm thơ, dịch sách…Nhà nghiên cứu phê bình Nguyên An đánh giá Vũ Nho là một trong những “Đặc sản văn chương Ninh Bình, một nhà văn viết nhiều mà chụm, một nhà nghiên cứu đã chuyển hóa được khá nhanh các thành quả của mình vào hoạt động Giáo dục- Đào tạo”.

Tình cảm trân quý của bạn bè anh em đồng nghiệp dành cho Vũ Nho không chỉ ở những bài viết bình giá cảm nhận tác phẩm, mà nhiều khi còn là những bài thơ khi thân mật, tếu táo đến suồng sã, lúc ân nghĩa, ân tình… nhưng đều toát lên lòng cảm mến của mỗi người dành cho ông. Đúng là ông luôn có chỗ đứng trong lòng bè bạn.

Phần II, của cuốn sách cũng không kém phần quan trọng. Nếu như ở phần I ta hiểu được tấm lòng bạn bè dành cho Vũ Nho, thì phần II chính là trình độ, khả năng và tầm bao quát của nhà văn “Trên sóng”. Đó là trên hai mươi bài Vũ Nho trả lời phỏng vấn các Báo, Đài phát thanh, Đài truyền hình về đời sống văn chương đương đại và một số vấn đề liên quan đến văn hóa, giáo dục... Ở phần này, kiến thức sâu rộng vừa cụ thể, vừa khái quát, cùng bản lĩnh văn chương của Vũ Nho, được bộc lộ rõ qua từng chủ đề, khi mạch lạc, tường minh, lúc linh hoạt, biến hóa, tuy vậy vẫn luôn bám sát vấn đề cần trao đổi, làm hài lòng người nghe, người đọc. Qua đó, ta vừa thấy được văn hóa phê bình, nghệ thuật phê bình của một nhà văn dày dặn kinh nghiệm, vừa thấy được bản lĩnh khoa học của một nhà khoa học. Có được điều đó bởi Vũ Nho hiểu rất rõ “Mà trong lẽ phải có người có ta” (Nguyễn Du), cho nên: “Nâng cao văn hóa tranh luận trước hết là cần tôn trọng người tranh luận và tôn  trọng người đọc… Thứ hai là mỗi người khi tham gia tranh luận cần bình tĩnh, vì chân lý, vì khoa học chứ không vì bản thân mình… Thứ ba là công chúng cần tỏ thái độ với những người có biểu hiện thiếu văn hóa, thiếu khoa học trong tranh luận…”

“Trên sóng & trong lòng bè bạn”, đã phần nào hiển lộ chân dung tinh thần nhà văn Vũ Nho-  khá đa tài, khoan hòa, độ lượng, và rất sung sức trên con đường văn nghiệp. Thiết nghĩ, người ta biết nhiều đến tên tuổi Vũ Nho phần vì số lượng sách khá “khủng” nhưng phần quan trọng hơn, những trang viết của ông luôn neo lại trong lòng độc giả. “Gừng càng già càng cay”, bạn đọc tin tưởng, yêu mến và chờ đợi những thành quả  mới của ông trên nhiều lĩnh vực.

 

                                                        N.T.B.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)