CHIỀU XANH
Trần Nhuận Minh
Có một chiều xanh thẳm ở trong nhau
Gian gác nhỏ mưa lan mờ bến bãi
Áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu
Có một chiều xa vắng ở bên nhau
Gió non thổi bậc thềm già nắng quái
Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải
Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây
Có một chiều giếng đá lá khô bay
Con đường dốc em đi không trở lại
Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm bãi
Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu
Có một chiều yên ấm ở xa nhau
Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết
Tà áo bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay...
--------------------------------------------------
CHIỀU XANH- Thơ Trần Nhuận Minh trong “ Hà Nội
Thơ tình tuyển chọn-Sở VHTT Hà Nội-11/2000,trang 173
LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG
CÓ MỘT CHIỀU XANH NHƯ THẾ
Nhà thơ Trần Nhuận Minh, như tôi biết: ông từng dạy học ở Mạo Khê-Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh-khi còn trẻ; Lúc đó ông lấy bút danh cho thơ là Trần Bình Minh.
Nhà thơ họ Trần, từng nổi tiếng từ những năm “Chống Mỹ cứu nước”-tất nhiên cảm hứng thơ ông khi đó, cần/phải gắn với cảm hứng thời đại, mà tạm gọi ra trong mấy chữ : yêu nước, chiến đấu, lạc quan-Cách mạng...
Sau này (sau 1975) khi giải phóng hoàn toàn đất nước, thơ Trần Nhuận Minh ( cũng như nhiều nhà thơ cùng thời !), lại có bước chuyển hóa, đáng ghi nhận. Thơ ông đã đạt đến độ đằm lắng, tinh tế và sâu sắc trong cách nhìn cuộc sống-từ đó, nhà thơ tự bộc bạch được cảm hứng tự thân của lòng mình và bắt gặp Nên-Duyên-Tình của lòng người, dẫu ở cõi Hiện-Sinh hay ở cõi Tâm-Linh.
Và, tôi như đọc được “Suối nguồn tươi trẻ” và chân thành ấy trong bài thơ “Chiều xanh” của nhà thơ được in trong tập “Hà Nội thơ tình tuyển chọn” ( NXB, VHTT- năm 2000).
Với bốn khổ thơ và trong mỗi khổ, nhà thơ điệp lại hình ảnh “Có một chiều” như ghi lại thời khắc đã thành kỉ niệm được lưu dấu trong tâm. Nỗi nhớ của Một-Thời-Yêu gắn với buồn vui, yêu thương...như lan tỏa suốt dọc “Chiều xanh”.Bao nhiêu yêu thương, đắm đuối như được phát lộ, không giấu che, từ khổ thơ đầu:
“Có một chiều xanh thẳm ở trong nhau
Gian gác nhỏ mưa lan mờ bến bãi
Áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu”
Không gian hẹp trong kí ức dường như không chứa nổi tâm tình của những lứa yêu tuổi trẻ; không gian ấy chứa đựng sắc màu tự nhiên khi chiều buông và ám ảnh khôn nguôi của lòng người “xanh thẳm ở trong nhau”. Hơn thế nữa, nhà thơ tự thú mà “đọc vị” ra nỗi thảng thốt khi yêu của người bạn tình mà cũng của chính mình. Con mắt tâm tư dõi ra từ “gian gác nhỏ” trong mưa mà hướng vào nội tâm của cả bạn yêu-từ hai phía:
“Áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu”
Ai đó từng nói : Trái tim loạn nhịp (khi yêu !?), hẳn là ám ảnh vào những câu thơ trên của Trần Nhuận Minh ! Những tiếng “hết một thời con gái” là tiếng tâm tư của nhân vật trữ tình (em), hay cũng chính là lời bộc bạch của nhân vật trữ tình(anh) !? Có lẽ, khó mà nhận biết cho rành rẽ, tường minh về điều ấy !
Kỉ niệm cùng nỗi niềm trong tình yêu gặp gỡ những phút giây “bên nhau” như hút vào tâm tưởng người thơ từ con “gió non thổi bậc thềm già” tới những hình ảnh mềm mại mà mong manh, quyến rũ trong vẻ đẹp ảo huyền của người bạn tình : “Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải/Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây”. Bao nhiêu điều nhớ lại từ “em”, về “em” ngỡ như dậy lên xao xuyến của trái tim đa cảm của nhà thơ; Đồng thời như cũng lay động từ những hình ảnh vừa thực vừa mộng ảo, chập chờn.. gần gũi tựa như hơi thở cận kề, để rồi bỗng xa xôi, nuối tiếc từa tựa như thước phim trôi đi loáng lướt. Ấy là khi “Con đường dốc em đi không trở lại”. Tất cả như tan biến. Tất cả như ngậm buồn, tiếc thương, khi nhà thơ đem xúc động của lòng mình, tự lòng mình mà phổ vào ngoại cảnh qua những câu chữ giầu giá trị tạo hình, tạo thanh đầy sức gợi với “giếng đá lá khô bay”; đến đám mây trôi ngang cũng nhuốm màu giã biệt. Và, tiếng chim le le kêu chiều gọi bạn như cũng khắc khoải niềm thương, nỗi nhớ :
“Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm bãi
Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu”
Hóa ra từ “Áo em ngắn hết một thời con gái” (khổ thơ đầu) cho đến “Tà aó bồng bềnh cơn gió rét” (khổ thơ kết), vẫn nhất quán tận lòng như nhất trong tình yêu, khi “ở trong nhau” và cả khi “ở xa nhau”.
Bài thơ “Chiều xanh” của Trần Nhuận Minh, vắt qua những tiếng “Có một chiều”, sang khổ thơ cuối bài và cũng là khổ kết, theo qui luật thông thường của những đôi bạn tình khi xa nhau thường là buồn nhớ cùng khôn nguôi tiếc nuối; điều đó cũng được nhà thơ giãi bày thành thực. Cũng bởi “em đi không trở lại”.Cũng bởi thế mà “Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết”. Cảm giác xa cũng thật chông chênh khi nao lòng nhớ đến “Áo em ngắn hết một thời con gái” và đến giờ này đây:
“Tà áo bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay”
“Chiều xanh” của Trần Nhuận Minh, giăng mắc trong hoài niệm yêu của một thời tuổi trẻ với bao mê say, bao nhiêu thơ mộng. Song, đó vẫn là một thời “tuổi chớm hoa bay”. Tất thảy đã qua rồi. Đã bay vào quá vãng. Bởi thế, nhà thơ gửi lời tâm tình và cũng là những lời tự yên ủi lòng mình : “Có một chiều yên ấm ở xa nhau”-Những lời thổ lộ chân thành mà thật xúc động.Bởi ,“Chiều xanh”ấy có bao giờ tắt đi sắc màu ! Và,có bao giờ vơi cạn!?
HÀ NỘI, những ngày đầu tháng 7/2020.
Người gửi / điện thoại