CHÙM THƠ ĐẶNG THÀNH TÔ

Đặng Thành Tô

Bút danh:Lão Say 

Năm sinh 1950

Quê quán: Hậu Lộc, Thanh Hóa 

Trú quán: Quận Cầu Giấy, Hà Nội

Tác phẩm đã xuất bản:

          Tỉnh Say Say - thơ ( 2022)

           Trái Cấm - Thơ ( 2023)

dang_thanh_to_1

 

1- VỘI VÃ THÁNG GIÊNG 

 

Tháng Giêng vội vã làm sao

Vừa Nguyên Tiêu, thoắt đã vào tháng Hai.

 

Giêng đi nên chẳng rét đài 

Để đào thôi thắm, để mai thôi vàng

Chẳng còn hương bưởi dịu dàng

Đêm đêm bên ấy gửi sang bên này.

 

Chẳng còn mưa bụi bay bay

Hoa xoan tím đã rụng đầy ngoài sân

Ngày vui cũng đã cạn tuần

Cùng bao lễ hội mùa Xuân qua rồi...

 

Vội vàng chi tháng Giêng ơi 

Đừng trôi nhanh thế kẻo rồi hết Xuân!

 

2- VÀO HẠ

 

Thế là cánh én bay xa

Đã nghe tu hú thiết tha gọi hè.

 

Đầu cành, phượng đã lập lòe

Bằng lăng đã nụ, hẹn thề thuỷ chung.

 

Lúa non đã mướt trên đồng

Trời xanh mây trắng đã bồng bềnh trôi.

 

Nỉ non gì chú ve ơi

Để ta nhung nhớ cái thời học sinh

 

Tan rồi trống hội ngoài đình

Ai còn đứng đó một mình đợi ai.

 

Đã nghe đêm ngắn ngày dài

Chập chờn đom đóm bay ngoài đồng xa.

 

Tàn rồi, hoa gạo tháng Ba

Hương loa kèn đã bay xa bay gần...

 

Đến rồi, mùa Hạ thanh tân

Qua rồi, lại một mùa Xuân qua rồi!

 

3- THU SANG

 

Sấu già đã rụng vào đêm

Chanh đào đã mọng và sen đã tàn.

 

Trời xanh giăng mắc tơ vàng

Hạ hồng đã cạn, thu sang thật rồi!

 

Thuyền trăng ai thả lưng trời

Nỉ non tiếng sáo như khơi nỗi buồn...!

 

Nhớ thương nhuộm tím hoàng hôn

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

 

Hạ đi, bỏ lại mình ta

Giữa cô đơn, giữa nhạt nhòa chiều Thu...!

 

4- DẠY MỒM

 

Mồm ơi, ta bảo mồm này

Nói năng thì phải thẳng ngay, thật thà

Họa từ cái miệng mà ra

Thế nên mày chớ có mà huyên thuyên.

 

Mày đừng lươn lẹo, xỏ xiên

Cũng đừng "ngậm miệng ăn tiền" nghe chưa

Nói năng phải biết gửi thưa

Chứ đừng nịnh hót, dối lừa, lộng ngôn.

 

Mày đừng càn rỡ mất khôn

Kẻo người ta bảo...cái trôn thì phiền! 

 

5- NGHỄNH NGÃNG

 

Già rồi, nghễnh ngãng lắm rồi

Chẳng còn "tai vách" như thời trẻ trai

Cũng vì cái chuyện nặng tai

Xem ra cũng thật bi hài...đến hay!

 

Chuyện trái ngang cuộc đời này

Không nghe cũng thấy đỡ day dứt lòng

Cứ...ậm ừ...gật cho xong

Chứ "hử", "hả"...mãi cũng không hay gì!

 

Bỏ ngoài tai chuyện thị phi

Mà vui với những thầm thì bên tai

Người ta dè bỉu mình "sai"

Lại sướng rơn tưởng khen "tài" gì đây?!

 

Uống về, vợ trách: "lại say"

Ngỡ rằng vợ rủ "lại đây" mà nằm

Đôi khi vợ bảo mình "hâm"

Tưởng rằng bà ấy bảo "cầm" cổ tay!

 

Ngẫm ra trong cuộc đời này

Nhiều khi nghễnh ngãng cũng...hay ra trò!

 

6-XIN EM 

 

Áo em cứ mỏng mòng mong

Cứ lồ lộ rõ từ trong ra ngoài. 

 

Áo em khuy ngực chẳng cài

Cứ thông thống thấy từ ngoài vào trong. 

 

Gặp em, bao gã đàn ông

Cổ cò cứ ngỏng ngòng ngong lên nhìn

 

Che bơn bớt lại đi em

Đừng chơi trò "nhẻm nhèm nhem" trêu người.

 

Không nhìn, thì tiếc của trời 

Nhìn rồi, khổ mắt chúng tôi thế này! 

 

 

7- GỪNG 

 

Lẽ nào gừng lại thế a

Tối là thạch tín, sáng là nhân sâm?

 

Sao không sau trước nhất tâm

Mà tình cầm sắt, tri âm ở đời? 

 

Sáng vừa "thơn thớt nói cười"

Tối đà hạ độc hại người thẳng tay! 

 

Đã từng "muối mặn, gừng cay"

Sao đành trở mặt, đổi thay thế gừng? 

 

8- NHỚ CÚN

 

Không nhau, từ bấy đến nay

Khi buồn, lại nhớ đến mày, Cún ơi!

 

Cảm ơn Phật, cảm ơn Trời

Cho ta với Cún trong đời gặp nhau

Bạn mà tình nghĩa trước sau

Ở đời dễ mấy ai đâu bằng mày!

 

Mày không lừa bạn, phản thầy

Một lòng với chủ xưa nay trung thành

Mày không tham lợi, hám danh

Cùng ta no đói, rách lành có nhau.

 

Thương mày chẳng quản cháo rau

Ngày dài canh cửa, đêm thâu giữ nhà 

Chẳng đòi cơm cá, thịt thà

Chẳng chê chủ khó, kêu ca chủ nghèo.

 

Tình còn nắng sớm, mưa chiều

Tông đồ phản Chúa còn nhiều Judas

Nhớ mày, ta lại nghiệm ra

Người... còn khối kẻ thua xa chú mày!

 

Kìa ai lừa bạn, phản thầy

Kìa phường bán nước, kìa bầy hại dân

Cún còn biết sống nghĩa nhân

Sao không học Cún tu thân làm người?

 

Cún ơi, bạn của ta ơi 

Nhớ mày, những nghĩ thói đời mà đau!

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung