bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 42
Trong ngày: 339
Trong tuần: 1466
Lượt truy cập: 639679

CHUYỆN CỦA PHÒM (Tập 1)

LaHAN

CHÙM TRUYỆN CỦA PHÒM

PHÒM CHỌN NGHỀ CHO CON

  Đứa gái áp út nhà Phòm vừa thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điểm suýt soát 15. Hai nguyện vọng đầu - phèo. Hong hóng dò được trường để gửi nguyện vọng 3. Nhưng không thích - Nằm vật vã. Mắt đỏ hoe. Vợ Phòm thương con:
-Trường ấy cũng tốt chán con ạ!
 Bà dì phán:
 - Học hành nhiều làm gì! Cứ trường 5 chục mâm là xong!!!
 Ông chú:
- Học đại học cho danh giá cái thân con gái cháu ạ!
 Ông bác:
 - Nếu không thích. Nghỉ. Sang năm thi lại có sao đâu!
 Phòm bực mình hỏi:
-Thế cứ phải đại học mới được à? Đi học nghề nào mà người ta đang cần. Học ngắn. Đỡ tốn!
Vợ Phòm:
- Nhà mình có nó học khá nhất. Cho đi đại học cho vẻ vang với làng xóm chứ!
Phòm khua tay:
 - Mấy chục vạn đại học ra trường thất nghiệp kia! Đại học làm được cái con củ kiệc gì đâu?
Cô cháu gái thạc sĩ sư phạm, gọi Phòm bằng chú, thẽ thọt thưa:
- Cứ học rồi ra trường tính sau chú với dì ạ!
Phòm điên tiết:
 - “Tính tính cái gì? Chị định bảo tôi chạy chọt như hồi chạy cho chị vào biên chế chứ gì? Nhà chú dì không thừa tiền!!!”.
Cô cháu gái vừa ơ ơ... định nói thì Phòm bắn tiếp:
- Mà chị ạ! Chính những người như các chị đã làm cho gia đình và đất nước nghèo đi đấy!
 - Sao chú lại nói cháu vậy ạ?
- Này nhé! Tôi hỏi chị: Ngày mẹ chị đi dạy cấp 1, mẹ chị học cái gì?
 - Trung cấp sư phạm ạ!
- Ngày chị gái chị đi dạy tiểu học. Vẫn là cấp 1 chứ là cái đếch gì! Chị ấy học cái gì?
 - Chị cháu học cao đẳng sư phạm ạ!
 - Đến chị. Chị học Thạc sỹ để về dạy Tiểu học chứ gì?
 - Vâng ạ!
 - Học hành tốn kém hơn chứ?
 - Vâng ạ!
 - Lương thạc sỹ cao hơn trung cấp chứ?
- Tất nhiên ạ!
- Tôi hỏi: thế dạy các cháu bây giờ vẫn 25 chữ cái hay là dạy 60 chữ cái?
 - Vẫn 25 chữ cái ạ!
 - Vẫn dạy các cháu ăn cơm bằng đũa hay xúc bằng thìa môi?
- Dạ! Vẫn đũa ạ.
- Dạy các cháu đái, con giai vẫn phải vạch chim, con gái vẫn phải kéo váy chứ?
 - Dạ dạ.
 - Kể cả chùi đít các cháu vẫn dùng bằng giấy đấy chứ???
Cô cháu thạc sỹ ớ ớ một hồi. Chưa biết nói lại thế nào. Phòm phán:
- Việc vẫn chỉ có thế! Chữ vẫn chỉ có thế. Mà đua nhau bằng với cấp! Thối! Nói rồi Phòm rít một hơi thuốc lào đến tọt nõ điếu. Nhả khói. Mắt trợn. Phòm vẫy vẫy tay nói với con gái:
 - Làm nông cho giỏi cũng là một nghề quý đấy con ơi!...
 Cái nắng đầu mùa thu sánh như mật ong rừng, loang chảy vào tận chân giường nhà Phòm!
 
VỢ CHỒNG PHÒM DẠY CHÁU
 
  Cô con gái nhớn được hai thằng cu. Đứa 5 tuổi, đứa lên 3. Nghịch như quỷ! Vào hè, chúng mang tất sang nhà Phòm. Vợ chồng nó bẩu:
- Chúng con bận tối ngày với bò sữa, với cửa hàng. Ông bà trông nom dạy dỗ các cháu giúp chúng con!     Đành vậy! Cháu mình, bỏ cho ai? Phòm phân công:
 - Bà hay chợ búa, quen tính toán. Phụ trách dạy toán và phần ăn uống! Còn tôi, dạy chữ và phụ trách phần vui chơi, giải trí...
  Thế là hai thằng cháu cười tít mắt. Nhưng thằng lớn đòi theo phe bà vì không thích học chữ. Thằng em khoái theo phe ông vì được chơi!!! Tối nào, trước khi đi ngủ, vợ Phòm cũng cùng hai cháu đều học bảng cửu chương. Được mấy tháng, thằng anh làu làu thuộc hết từ bảng 2 đến bảng 9. Thằng em cũng líu lô học theo. Rỗi quá, bà ấy dạy cháu học cả phép nhân với 11,12,13,14... Thế mà cu cậu cũng đọc như cháo chảy. Phòm cong hai ngón tay cái và hai ngón tay trỏ cụng đầu các ngón tay vào nhau rồi hỏi:
 - Chữ gì đây?
Cả hai thằng reo lên:
 - Chữ O!
Phòm giơ ngón tay trỏ và ngón giữa, xòe ra. Hỏi chữ gì đây? Hai thằng hét:
 - Chữ “ Vờ”!
Đến lúc Phòm cong một ngón trỏ (ý muốn dạy chữ C). Nhưng thằng anh thì bảo:
- Cháu biết thừa. Đấy là nửa chữ O!
Còn thằng em nhảy cẫng lên:
- Chữ Chim!
Phòm trợn mắt thét:
 - Cha bố mày! Sao lại nhìn ra chữ Chim?
Thằng cháu cười:
- Nó giống cái Chim của cháu mà!!!
Bó tay chấm Com! Đến phần vui chơi. Hai thằng đi mẫu giáo được cô dạy chơi cờ vua. Đòi ông bày quân chơi cùng. Phòm chỉ biết chơi cờ tướng, nên dàn xếp:
 - Ông dạy các cháu chơi cờ tướng!
 - Ứ! Cờ vua cơ!
Hai thằng cùng nằng nặc. Nghe chừng khó ổn. Phòm giở bài cùn:
 - Thời này còn vua đâu, chỉ có tướng thôi!
 - Ông kể có những tướng gì?
- Này nhé: Tướng công an, tướng bộ đội, tướng cướp! Thằng cháu không vừa. Cãi:
- Cháu có nhiều vua nhé: Vua nhạc Pop, Vua Thép, Vua Gà, Vua Chó, Vua Dầu hỏa... trên ti vi nói đầy!!! Thế rồi cả hai thằng cháu dẩu mồm đòi chơi cờ vua. Vì vua có nhiều hơn! Phòm đùa
- Cờ tướng!
Hai thằng cháu cãi
 - Cờ vua!
 - Cờ tướng!
  - Cờ vua...
 - Tướng. Vua. Tướng. Vua...
 Vợ Phòm đang nấu xào gì đó, quay ra hét:
 - Mấy ông cháu có bớt mồm đi không? Tướng với vua mà cứ om sòm thế thì bà cho nhịn!
Cả ba cái miệng cùng im bặt. Cùng lè lưỡi. Thằng cu bé thì thầm:
 - Mở tivi xem Tôn Ngộ Không đi ông! Bay lên trời thích hơn...
Ông cháu Phòm ngoắc tay tạm dừng tranh cãi trong một tối cuối hè đã bớt oi nồng                          
                                                                                                                                   
PHÒM CHÔN SỔ ĐỎ
 
  Phòm hỏi vợ:
 – Sổ bìa đỏ bà cất đâu, đưa tôi!
Vợ Phòm nhăn mặt:
- Sổ nào?
 Phòm bảo:
 - Cái sổ Quyền sử dụng đất màu đỏ ấy!
 - Để ông làm gì? Mất thì toi.
 Phòm gằn giọng:
– Để tôi mang đi chôn!
Rồi Phòm ực một ngụm trà sáng, nói tiếp:
- Chôn giấu đi, chứ theo quy định mới, sổ đỏ phải ghi tên đầy đủ mọi người trong nhà, ông con trai quý tử nhà này mà vớ được, ông lên huyện, ông tỉ tê, ông chi Tích cực phí, rồi ông có tên trong sổ, ông đòi chia đất thì làm sao!!!”.
Vợ Phòm đăm chiêu:
 - Ông nghĩ thế cũng phải. Nhưng Nhà nước sao lại có cái quy định mới kì quặc thế nhỉ?
 - Đúng bà là đàn bà, chả hiểu gì sất. Quy định này là tuyệt đối đúng! Tôi hỏi bà, bà có là dân không?
 - Có!
- Tôi có là dân không?
 - Có!
- Con cháu bà có là dân không?
 - Có!
- Thì Hiến pháp ghi: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân...”. Quy định thế là đúng quá còn gì! Đất đai của mọi người dân, bà bẩu kỳ quặc ở chỗ nào? Vợ Phòm bĩu môi:
 - Nói cứ như thánh tướng ấy!
Phòm lên giọng giảng giải tiếp:
 - Còn chuyện này nữa, sắp có quy định bỏ sổ hộ khẩu, bà biết rồi. Sổ đỏ rồi sẽ thay thế sổ hộ khẩu.
Vợ Phòm tròn mắt, Phòm nhấn mạnh:
- Phải thế mới quản lý được xã hội chứ! Ví như lũ con gái, lũ cháu gái nhà bà cứ đẻ ùn ùn ra, đến tôi làm trưởng thôn, là ông chúng nó còn chẳng nhớ hết tên cháu mình thì lãnh đạo cấp cao hơn họ biết nhìn vào đâu mà đếm số dân!!! Họ sẽ trông vào sổ đỏ chứ trông vào đâu?
- Eo! Thế bỏ cái này lại thay cái khác phức tạp hơn hả ông?
 - Thay bằng cái quý hơn! Sổ đỏ là chứng nhận về Đất. Mà tấc đất tấc vàng. Chứ xưa nay có ai bảo tấc khẩu tấc vàng đâu???
Vợ Phòm chớp chớp mắt, nghe chừng mới thông đến cổ: “Ông nói cũng có vẻ đúng nhẩy!”.
 - Lại còn chuyện này nữa - Phòm thấp giọng vẻ bí mật - Đây là sách lược chống tham nhũng, bà hiểu không? Đất không đẻ, người cứ đẻ sòn sòn. Tới đây rồi sẽ quy định người chết được 2 mét vuông, người sống được 20 mét vuông đất thôi. Cứ thế mà chiểu theo danh sách trong sổ đỏ nhân lên. Anh nào làm nhà mà thừa đất, thừa diện tích nhà ở là nộp thuế. Thuế cao vào, thuế mạnh vào, cho chết bọn biệt phủ, cho chết bọn tham lam, nhũng nhiễu, cướp đất của dân đi... Thế có hay không bà???
- Ôi, ông nói tôi cứ thấy nôn nao cả người, hình như cũng đung đúng đấy ông ạ!
Phòm cười to:
- Thì tôi là Phòm - Cán bộ to nhất nhà này mà lỵ!
 
PHÒM LÀM NHÀ MỚI
 
 Nhà đông con. Chúng lại đã lớn. Phòm tính chuyện đập nhà cũ, xây nhà mới. Nhưng có người khuyên:
 - Mới làm trưởng thôn được hơn khóa, xây nhà có nên không?
- Ơ! tiền tao làm ra, tao xây, cắc cớ đ. tới thằng nào!
Nói lại với vợ, vợ bảo:
- Xin ý kiến các cụ trong làng.
Phòm vẫn hậm hực nhưng cũng ra đền Vua than hỏi mấy bô lão. Các bô lão đều nói:
- Bác Phòm là trưởng thôn, nhà bác như cái mặt của thôn... Bác phải làm cho to, cho đẹp... Có thế chứ! Phòm cho chở sắt thép, gạch, cát về chất đầy vườn nhà. Vợ lại bảo:
- Mình nói với bác Thuốn, Bí thư chưa?
- Ơ... tao là đảng viên đếch đâu mà phải báo cáo?
 - Thì mất được gì. Đã được lòng dân, thì thêm ý bác lãnh đạo nữa càng tốt chứ sao?
 Bác Thuốn - Bí thư chi bộ nghiêm sắc mặt nói:
- Chú Phòm thuộc diện Đảng ủy, Ủy ban xã quản lý, phải kê khai thu nhập và tài sản!
 Phòm vừa “Ơ.. ơ...!” định cãi, thì bác thấp giọng:
- Là kê khai cho nó đúng thủ tục... Ai kiểm tra chú mà lo...
Rồi bác nhấn mạnh:
- Dân thì lo làm ăn, ai để ý tới nhà chú ăn gì, mặc gì. Giữ là giữ từ mấy đồng chí trong nội bộ làm lãnh đạo với nhau ấy chứ!!!
Thì kê, thì khai. Mỗi năm nuôi 8 con lợn, 2 nái xề, thu nhập... Nuôi 3 con bò có cho sữa, thu nhập... Vợ chạy chợ buôn hàng sáo, thu nhập... 6 sào ruộng, thu nhập... Hai đứa con gái lớn bán quần áo sida ở khu công nghiệp tỉnh, thu nhập... Ối chà... nhiêu khê quá!!! Lại phải kê khai cả tính tiết kiệm chứ. Mà mụ vợ Phòm thì nó keo đến ghê răng. Hai đứa con gái khi học cấp 2, mụ mua cho mỗi đứa một cuốn vở, ghi tất các môn. Chúng xin quyển giấy nháp. Mụ bảo:
- Tao đi chợ, nháp tất vào đây! Mụ xòe hai bàn tay cáu bẩn ra.
Thế là bàn tay, cẳng tay, mu tay, mu chân hai đứa con gái hôm nào đi học về cũng chi chít con số. Có hôm con chị còn nằm sấp xuống cho con em vẽ hình tứ giác vào mông để giải toán hình học... Bản kê khai dài 6 trang giấy. Cuối cùng nhà mới cũng xong. Vợ lại bàn:
- Làm mấy mâm cơm mời các bác lãnh đạo, nhưng không nhận phong bì.
Phòm trợn mắt:
- Mụ cứt sắt mà nay thoáng thế!
Mụ bảo:
- Ở quê là thế. Chén rồi, muốn nói gì chẳng lẽ móc họng ra à!
Phòm gật gật:
- Chí phải, chí phải!!!
Khách đến. Chờ cơm. Khách vào toilet. Mụ vợ Phòm đứng ngoài hỏi vọng vào:
- Bác đái xong chưa?
Khách luống cuống:
- Xong rồi, xong rồi. Tôi ra ngay, ra ngay...
Mụ lai bảo:
- Bác đái xong đừng giật nước, cứ để đấy cho em.
Ông trưởng ban Mặt trận vừa bước ra, mụ lao ngay vào WC, gí nút xả có số 3 lít. Thì ra mụ sợ ông khách gí nút 6 lít nước, phí phạm! Mụ vợ Phòm hơn hớn bước ra đón khách. Mặt mụ như mái ngói mới vừa nhận cơn mưa, giờ có nắng, sáng bừng lên...
 
PHÒM NẰM VIỆN
 
Phòm nói tiếp chuyện làm nhà. Cái nhà mà cả nhà Phòm lao động sặc tiết, vợ Phòm tằn tiện đến “ghé quăn” mới có được. Vừa xong. Phòm lăn ra ốm. Ai cũng bảo hạn làm nhà! Huyết áp Phòm thụt xuống thò lên chóng mặt. Phòm nằm viện. Có vào viện mới thấy hết nỗi niềm người ốm! Nhưng nằm sang ngày thứ ba, Phòm mới ngộ ra một vài điều. Giờ nhiều người kêu ca bệnh viện với bác sĩ quá!!! Chẳng qua là họ không chịu suy ngẫm mà thôi. Bác sĩ thời nào cũng nhân từ, ở đâu cũng nhân từ. Này nhé! Bệnh viện bẩn ư? Nếu sạch sẽ thì mấy cô mấy chị người nhà các nhân viên y tế biết làm gì? Đó chẳng phải bác sĩ thương người ư? Lại chuyện trật tự an ninh kém. Thế mới có cơ sở tuyển mấy thanh niên con cán bộ lười học vào làm bảo vệ chứ. Bác sĩ chả thương người lắm sao? Nằm ở phòng đặc biệt là một cụ già trên 90 tuổi. Có hai cô chăm sóc. Hỏi: Con gái hay con dâu? Đều không phải! Sáng nào cụ cũng nhỏm dậy hỏi:
- Sao tôi vẫn chưa chết à?
Cụ có con trai là đại gia ở mãi tận Sài Gòn. Thuê mỗi người 6 triệu một tháng chăm cụ. Chi 15 triệu mỗi tháng bồi dưỡng cụ và điều dưỡng viên. Mỗi năm ông đại gia ủng hộ công đoàn bệnh viện 300 triệu vào quỹ phúc lợi. Hôm qua, cụ hỏi câu hỏi cũ:
- Sao tôi vẫn chưa chết à?
Một cô hét vào tai cụ:
- Cụ không thể chết! - Cụ nghển cổ hỏi lại... Hả hả..., thì cô nhân viên y tế đi qua hét:
- Bác sĩ lệnh Cụ không được phép chết!
Thế đấy! Hoàn cảnh nào bác sĩ cũng nhân từ! Lại nữa, hai trung niên đánh nhau. Kẻ bị hại nhập viện vì kêu đau tức ngực. Con cháu vào nuôi đã đành. Nhà hung thủ cũng lao vào đòi trông nom. Nhà bị hai:
- Cút! Mày định hại bố tao nữa à?
Nhà hung thủ:
- Tao không trông chừng, mày giết bố mày rồi đổ cho nhà tao thì tao tù mục xương à?
  Lại nhờ bác sĩ. Hoàn cảnh này bác sĩ phải nhân từ mà hết lòng cứu chữa thôi! Phòm ra viện. Vừa ngồi sau xe của cậu quý tử đã hét:
- Sau tao già chớ đưa vào viện nhé! Đ.m! Muốn chết không được chết! Thằng con cứ hả hả... Bố bảo gì con nghe không rõ! Gió ù ù bên tai Phòm, nghe như tiếng tù và rúc trong núi đá những ngày mưa dai!


PHÒM HỌC VIẾT BÁO
 
 Phòng văn hóa huyện có công văn về xã, rồi xã về thôn. Có lớp tập huấn viết tin bài cho đài, báo của huyện. Mỗi xã cử 2 người, xã ưu tiên cho thôn của Phòm. Phòm đi mấy nhà bảo mấy cháu vừa học hết phổ thông. Chẳng đứa nào chịu đi. Vì thành tích thôn, Phòm đi học. Phòm nghĩ thầm: Sợ đếch gì, trưởng thôn mà viết báo thì càng tốt chứ sao; vài cái câu đọc trên đài huyện thì ai mà chả viết được!!!
   Thầy dạy là giáo sư mời từ Học viện Báo chí truyền tin từ ở Hà Nội về. Cán bộ huyện bảo: Đã cất công mời thầy, đã tốn tiền thuê thì mời hẳn Trung ương cho nó oách.
   Bài giảng của thầy những là sáng tạo tác phẩm báo chí, nào là chủ đề, nào là tư tưởng chủ đề trong một bài báo, rồi là Tìm Nghiên (tức là tìm hiểu và nghiên cứu)... cứ rối tinh rối mù trong đầu Phòm.
   Thế rồi nguyên tắc 6W + H
Thế rồi rút tít hấp dẫn.
Rồi thì nhấn mạnh trọng tâm vấn đề.
Rồi còn thăm nắm dư luận khi bài báo đã phát hành...
Chao ôi! Có ba ngày tập huấn mà cứ như đào tạo tiến sĩ không bằng!!!
Đến ngày thảo luận. Phòm hỏi thầy:
 - Muốn nắm đúng, sát thực tế phải làm gì?
Thầy bảo :
- Phải lăn lộn với đời sống nhân dân.
 - Muốn vạch mặt xã hội đen thì làm thế nào?
Thầy bảo:
- Phải có đủ cứ liệu.
- Muốn đủ cứ liệu phải làm gì?
 - Phải trà trộn, phải lẫn vào với chúng!
 - Chúng biết thì sao?
 - Đôi khi phải dùng “Khổ nhục kế”.
- Khổ nhục kế là gì?
- Như Việt Vương Câu Tiễn nếm cứt Vua Ngô Phù Sai...
Cả lớp cười, vỗ tay đôm đốp... Phòm lai hỏi thầy:
 - Giả sử viết về chống tham nhũng, kẻ tham nhũng biết được, giương bẫy đưa mình vào tròng thì sao? Thầy ân cần dặn:
- Thường có hai cái bẫy: Tiền và gái. Các anh phải tránh xa hai thứ đó ra!.
Phòm cười:
- Hơ hơ... Làm gì thì cũng phải làm ra tiền và có sung có sướng, tránh hai thứ ấy thì đi viết báo làm gì???
 Thầy và cả lớp tròn O mắt nhìn Phòm.
Phòm cao giọng:
 - Em là em đưa thẳng chân vào bẫy cho nó sập!
Thầy chưa hết bàng hoàng, Phòm nói tiếp:
- Đấy cũng là khổ nhục kế mà thầy. Em không chịu khổ về cái thân xác, mà em xin chịu khổ về cái danh dự. Cũng thế cả thôi!
Thầy bước đến bắt tay Phòm, lắc lắc và nói với cả lớp:
- Điều này chưa có trong giáo án của Học viện. Sau đợt này, tôi về Hà Nội, bổ sung ngay, bổ sung ngay... Cả lớp tung hô Phòm như một nhà phát minh. Trời giữa trưa hè, nắng quắt lá tre mà Phòm thấy mát hây hẩy khắp mặt mày chân tay...
 
PHÒM LÊN YÊN BÁI
 
Gớm! Mấy ngày nay các bác nói về Yên Bái nhà em ghê ghê là. Nào:
 - Lên Yên Bái đi đái cũng run(!).
Thế em là con rể Yên Bái, lên thăm quê vợ thì nhịn ăn, nhịn đái à? Quê em cảnh đẹp. Người xinh. Không tin các bác lên gặp gái Mường Lò, quanh họ nhà vợ em xem. Khéo thì chẳng mang được cái thân về!
 Trừ mấy thằng đầu trộm đuôi cướp (ngày xưa còn làm thổ phỉ). Trừ những thằng lục lâm thảo khấu (ngày nay gọi là lâm tặc). Trừ những tay anh chị ma cô dắt gái, trừ những thằng tàng trữ vũ khí tự tạo và vũ khí quân dụng. Trừ những thằng ba bửa ăn vạ dọc đường. Trừ những thằng những con cướp vợ giật chồng người khác. Trừ những thằng chửi bố, đánh thầy; Trừ những thằng buôn thuốc phiện, ma túy...
  Tóm lại là trừ hết bọn tiêu cực thì quê vợ em rặt những người hiền lành.
  Ngày xưa, tức là những năm đói kém cuối thế kỷ trước, Phòm em cũng lăn lộn lên rừng Yên Bái kiếm sống. Em cũng lạc rừng, cũng đói ợ cả giun ra mồm. Nhưng lấy được vợ xứ Yên.
  Ngày ấy lấy gỗ rừng cũng khó khăn rồi. Phòm em lận đinh lim sến táu dưới bè nứa bè vầu về xuôi. Cũng có nhiều bận bị cướp trắng. Mà lũ cướp thì... Eo ôi! Kể ra... Các bác ướt đũng quần!
   Vợ em vốn nhà lành. Bố làm trên tỉnh. Hình như ông có phòng nhì ở phố. Ít về quê lắm. Chỉ có 3 mẹ con đàn bà con gái ở xó rừng. Một hôm em lừa cô ấy lên xe máy bảo ra phố chơi. Em vù 80 kilômét một giờ trên đường rừng. Vào lán tạm của tụi khai thác gỗ xin phép thầm. Em chỉ ảnh một ông cụ cắt ra từ họa báo, treo trên vách nứa bảo:
- Bố anh mới mất. Em vái cụ đi! Cô ấy mới học xong cấp 2, lóng ngóng cầm 3 thẻ hương. Vái như bổ củi. Gió thổi lật bật vào khung ảnh làm cái má cụ già trong đó cũng như méo xệch đi. Xong. Em bảo:
 - Em là người nhà anh rồi đấy nhé!
  Cô ấy ngơ ngác hồi lâu rồi òa khóc! Về nhà em cũng nói với mẹ vợ em thế. Bà người tông giật, lại hơi điếc; cười cười và gật gật...
  Sau này ôm bụng chửa về xuôi. Gặp bố em còn sống. Cô nguýt em rách cả khóe mắt. Có vợ rồi mà đi đâu em cũng phải thủ dao phòng thân. Vì ông bố vợ ở tỉnh hận em lắm! Thuê đầu gấu định diệt em.
  Thế rồi con cái đầy nhà, vợ em chửa 6 bận đẻ được 4 đứa, nom vẫn xinh ra phết. Giờ lên Yên Bái cứ vui như Tết cộng ra Giêng.
  Bố vợ em hưu rồi. Ông thường vỗ vai em bảo:screenshot_948
 - Mày khá!
 Lại còn dặn thêm:
- Trưởng thôn tuy chức nhỏ. Nhưng biết làm thì... vẫn... vẫn khá!!!
 
ĐÃ NẶNG VIỆC LÀNG LẠI QUÀNG VIỆC NƯỚC
 
Phòm phớn phở bước vào nhà cụ Tén.
Cụ đang ngồi thư thái thưởng trà. Phòm cất giọng:
 - Thưa cụ, con thay mặt dân làng cảm tạ cụ đã hiến trên 1.000 mét vuông đất để dân làng làm sân sau của nhà đền ạ!
Cụ Tén xua tay:
- Chuyện có gì đâu bác Phòm. Đấy là đất tôi chớp thời cơ mua được, còn như bác hiến cả đất hương hỏa của các cụ để làm đường dân sinh mới đáng phục.
 - Dạ, cháu là...
 - Vưỡn biết bác làm cán bộ. Cán bộ làm gương thế, dân ai dám không theo!
- Thưa cụ, chúng con đang tính xin ý kiến dân làng và Ủy ban xã, đặt tên cái cầu sau đền, chỗ đất cụ hiến, là cầu cụ Tén ạ!
 Cụ giãy nảy:
 - Ấy chết, bác đừng làm tôi tổn thọ!
Rồi cụ nghiêm mặt:
 - Bác Phòm ạ, cái tên Tén là tên cha mẹ đặt cho tôi. Tôi không muốn lúc nào cũng có người réo tên cúng cơm của tôi. Bác hiểu không!?
- Dạ! Cháu xin lỗi vì sự ngu dốt ạ!
- Đó là các bác chưa nghĩ đến thôi. Chứ bác để ý mà xem. Cuối phố huyện mình có cái cầu cô Hương. Chẳng biết từ xa xưa dân ở đó quý trọng cô như thế nào. Nhưng nghe lũ trẻ nó nói: “Cướp trên đầu cô Hương!”, rồi “Có đái qua đầu cầu cô Hương mà đái!!!”. Rồi chúng hẹn nhau lên cầu cô Hương hôn hít sờ mó nhau, ô uế cả cầu, hổ cả tên cô.
 - Thế ý cụ thì đặt tên các cầu, các phố, các đường phố thì...
 - Tôi chẳng dám Gái góa bàn chuyện triều đình. Nhưng cũng thế cả thôi! Theo tôi thì đừng nên lấy tên cúng cơm đặt tên đường, chỉ lấy công tích hay địa danh phát tích của người đó thôi. Ví như đường Hai Bà Trưng thì tên là Mê Linh, đường Trần Hưng Đạo thì tên là Chí Linh, đường Nguyễn Trãi thì tên là Côn Sơn, đường Lê Lợi thì là Lam Sơn...
Phòm gật gù. Tán thưởng. Rồi bỗng dưng đứng phắt dậy:
-Vậy thì đường Lê Lai tên là đường Cứu Chúa, đường Phạm Ngũ Lão là đường Đan Sọt, đường Yết Kiêu là đường Đục Thuyền, đường Trịnh Văn Bô là đường 5.000 lượng vàng...
Phòm bỗng lắc đầu:
- Không ổn, không ổn cụ ạ! Nếu thế thì đường La Văn Cầu tên là đường Lựu Đạn, đường Bế Văn Đàn là đường Giá Súng, đường Phan Đình Giót là đường Lỗ Châu Mai à? Ghê quá! Ghê quá! Rồi đường Nguyễn Bính là đường Lỡ Bước Sang Ngang, đường Chế Lan Viên là đường Điêu Tàn, đường Trần Mai Ninh là đường Nhớ Máu à... Nghe sợ!
- Thế ý bác Phòm thì nên thế nào?
 - Theo cháu thì Thủ đô và các thành phố lớn, ngoài các phố cổ Hàng Nón, Hàng Đào, Hàng Thùng... ra thì nên lấy tên các tỉnh thành cả nước. Có đường Lạng Sơn, đường Phú Thọ, đường Trà Vinh, đường Cà Mau... Rồi lấy đến cấp huyện, có đường Tam Quan, đường Củ Chi, đường Phù Ninh, đường Quảng Xương, đường Thuận Thành... Có những con phố mang tên Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc, phố Tình Yêu, Thân Ái, Thương Yêu... Rồi phố Sao Hỏa, phố Sao Kim, phố Sao Thổ... Còn các phố Hoa nữa, phố Hoa Cúc, phố Hoa Hồng, phố Hoa Lan... Chao ôi! Thành phố sẽ tràn ngập hoa!!! Còn ở thôn quê, cần ghi công đức ai thì lấy họ và tên đệm của người đó đặt cho công trình ạ. Cụ Tén chưa hiểu, vẫn ờ ờ... thì Phòm nói luôn:
- Ví như cụ họ Lê Hữu, chúng con xin đặt tên cầu là CẦU LÊ HỮU, vừa nhớ ơn cụ Lê Hữu Tén, vừa nhắc nhở cả dòng họ Lê Hữu luôn noi gương và phải làm gương như cụ ạ!
Cụ Tén cười móm mém:
- “Bác giỏi, giỏi...”.
 Mũi Phòm cũng phập phồng theo hơi thở và tiếng cười khộc khộc cố nén trong họng!
 Làm trưởng thôn phải thế chứ!
                                                                                                LaHAN
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)