bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 23
Trong ngày: 368
Trong tuần: 1470
Lượt truy cập: 639757

CƠN MƠ DIỀU SÁO

CƠN MƠ DIỀU SÁO


            Truyện ngắn của LÃ THANH TÙNG

                                                                                     

Không có ngọn gió nào đến đây vào cái lúc đêm khuya tĩnh mịch. Cả ánh trăng, ánh trăng rười rượi buồn kia cũng như đang mải tung tỏa đâu đâu, bỏ quên mụ cùng nỗi lòng chân nhang cháy dở. Cuộc đời là một cú leo dốc, phải không nhỉ? Nhưng ai bắt mụ phải leo? Thế thì phải nói là tuột dốc mới đúng chứ, cho đến khi không kìm được mình thì lao thẳng xuống vực, tan xương? Làm đàn bà mà cũng nhọc cực vậy ư? Sao bảo đàn bà là hoa của đất? Thôi không chua chát nữa, thử xem xem mụ đã có tội tình gì...  Khởi nguồn từ cái tuổi hoa niên...

*

* *

Ngày ấy mụ đẹp lắm, đẹp nhưng vẫn kín đáo, chồi nụ, chứ không phô phang sàm sỡ như lũ con gái ngổ ngáo bây giờ. Vẻ đẹp của mụ thật khó nói, chỉ biết loài chim sâu cây ổi đầu hồi thường vẫn tự nguyện sớm sớm về chuyền cành hát cho mụ nghe, ngấn nước lăn đến ngang chừng giọt gianh thì dừng lại lâng lâng cho người đẹp soi ngắm. Còn trai làng thì mỗi khi đi qua trước cái cổng tre liêu xiêu nhà mụ đều đêm về thao thức vơ vẩn.

Mụ mồ côi cha, phải phụng dưỡng mẹ già đã đến tuổi lẩn thẩn. Mụ không trách số phận, bởi đó là một cái gì mụ không nhìn thấy, đã đành, lại còn vô tính vô tình hay coi thường những người tốt nết. Nhưng cũng chẳng sao, số phận bắt mụ vất vả, nhưng lại bất ý để rơi cho mụ tuổi trẻ, sức khỏe, và cái đầu biết nghĩ. Mụ tự thấy mình chẳng nên cao giá, nhưng cũng không đến nỗi phải xo xúi. Đại khái nếu nhạt phận phai duyên, quá bóng ngủ trưa, thì chí ít cũng có thể sớm tối vơ váo tấm chồng khối người ao ước. Và đôi lúc mụ vẫn nhìn vào gương, cười với mình thực lòng nhí nhảnh.

Mụ ít nằm mơ, nhưng đôi khi giấc mơ có đến thì bao giờ mụ cũng nhận ra mình đang xao xuyến trước một đấng cao vời. Người ấy nhiều lông, khắp mình có vảy, nhưng mỗi lần xuất hiện thì như che khuất vòm trời, rộng dài khó tả, và đặc biệt giọng nói như khánh giục chuông ngân, chỉ nghe cũng đủ bải hoải. Người ấy mỉm cười với mụ, quăng vứt đao khiên, dang tay thênh thang ôm choàng lấy mụ, trong khi mụ luống cuống không cả dám kêu. Người ấy đặt lên mái tóc mụ nụ hôn rõ lâu, làm cho những sợi óng ả mới gội hoa bưởi cứ cuống lên mà xoắn bết vào nhau. Mụ không biết giấu cảm xúc vào đâu, tay chân cứ đuỗi ra, hệt như lũ em dại vô tư đứng ngoài xa mà tênh tênh, lêu lêu bà chị nô đang lả mềm trong niềm bấn loạn. Rồi nụ hôn của người ấy cứ trôi đi, rơi đi, mỗi phân mỗi ly là muôn dặm đê vỡ làm mụ tê dại. Mụ chưa được hôn bao giờ, nhưng trong mơ thì nụ hôn ấy vừa buồn cười vừa táo tợn. Người ấy hôn mà như đánh chiếm mụ, từng cứ điểm một trên khắp cái giang sơn gấm vóc bấy giờ đang còn nguyên khai và ngổn ngang như một trận địa. Mụ vừa muốn chống lại vừa muốn tung hê ấn tín mà dâng đất nộp thành, đầu hàng thật nhanh. Có ai nhục nhã như mụ chưa? Mà cũng có ai thỏa thuê tận mãn được bằng mụ? Cuối cùng là tam tứ tướng soái cùng bị bắt, địch quân trói gô những kẻ thất trận, niềm đau và vinh quang cùng lúc vút bay đến tận thiên đỉnh. Hình như có một tiếng kèn đâu đó vừa rúc lên từng đợt. Một chuyến bay dài, một lời ai điếu... Giấc mơ chỉ bất chợt kết thúc khi mụ miên man trút ra một tiếng thở dài... Ôi cuộc đời huyền hoặc.

Sau những đêm nằm mơ, bao giờ mụ cũng thấy đau khắp mình mẩy. Mụ cứ nghĩ đó là do trong lúc quằn quại thì mụ đã va đập vào đâu đó. Mãi đến hôm cái Mướt nhà ông lang Cân đến chơi, bảo đấy là những cơn đau con gái, thì mụ mới biết mình đang dần trở thành thiếu nữ. Thì ra là vậy, thảo nào người ấy, cái người trong mơ táng tận kia, cứ lảm nhảm điều gì đó về mẹ. Mụ mà cũng có thể giống như một bà mẹ được ư? Một niềm vui thích xen lẫn xấu hổ từ lúc nào lại nhè nhẹ dâng lên trong lòng.

Bà mẹ già của mụ tuy lẩn thẩn nhưng đâu phải câm điếc. Thấy mụ hân hoan thì bà tưởng con gái hóa điên. Bà ra bờ ao thắp hương vào một cái miệng hang sâu hun hút, xì sụp khấn vái. Rồi bà cứ để nguyên hoa tre hoa khế vương vãi trên đầu mà về chửi mụ. Bà chửi rằng bớ cái con nặc nô yêu tinh cầy cáo kia, sao mày dám ám vào hạt lúa củ ráy của bà. Nó mà bụi bờ, bỏ bà cô độc thì bà trát phân bôi trấu vào cái tổng kho nhà tổ bố mày. Mụ lúc đầu hơi sợ, nhưng phần vì đã quen, phần cho là bà cụ mê ngủ, nên vừa chạy vừa cười rinh rích. Cái Mướt đến chơi quát mụ không được hỗn. Nó ôm choàng lấy bà cụ, dìu vào chõng bảo bu ơi ngủ đi.

Nhưng mụ không kể cho cái Mướt nghe. Nó thì biết gì về mộng mơ lướt phướt. Hoặc sau này lúc nào nó lấy chồng thì mụ sẽ kể, thật tỉ mỉ, để nó phát cuồng lên mà khát thèm.

Mụ quyết rồi, mụ không thèm lấy chồng làng. Trong mắt mụ đám trai cày ngộc nghệch lau nhau chẳng đáng nửa gắp chuyện. Mụ sẽ đi xa, đi tận đâu chưa rõ, nhưng nhất định phải ra khỏi bức hoành bệ đắp phía ngoài chợ Tổng. Đêm đêm khi giấc mơ hiện về, mụ vẫn thấy cái người nhiều lông lắm vảy kia đượm gió pha sương. Có nghĩa là số phận mụ thuộc về giang hạ, à quên, thiên địa. Cả tháng nay mụ thường để ý, và mụ đã lờ mờ nhận thấy. Bên kia sông có một bãi gỗ buôn bán dập dìu. Thuyền bè các nơi tụ về, xe trâu kéo gỗ đi các ngả. Trong đám thợ làm công có một gã phong trần, lưng gù nhưng mắt sáng. Mỗi bận mụ sang đó kiếm củi gã vẫn đứng góc khuất nhìn mụ trân trối. Xưa nay mụ vẫn lắm người ngắm kẻ rình, nhưng chỉ ánh mắt của người ấy giờ đây mới đủ làm mụ rộn rạo. Đằng thẳng mà nói, mụ chẳng coi gã ra gì, nhưng hình như mỗi lần gã nhìn, mụ thấy khắp trên người như bị sâu róm bò. Một lần mụ mạnh bạo quát vào mặt gã: “Dơ chưa, trúng gió à?”, chẳng ngờ gã tiến đến, lừng lững, làm mụ phát hoảng, quăng cả dép lẫn củi, ù té chạy. Thế rồi đêm đó gã đến. Mụ đang day lưng cho bà mẹ lẩn thẩn thì nghe gió thổi như tiếng sáo diều. Bà cụ đã ngủ từ lúc nào, và chỉ một cái kẹt cửa là mụ đã nằm gọn trong hai vạt áo cánh nâu của gã. Gã bảo cô kêu tôi sẽ đi luôn. Mụ bảo tôi im thì anh làm gì tôi? Gã rút ra một bọc tiền bảo tôi cho cô xây nhà tậu ruộng. Mụ nhìn bọc vải thấy nó nặng trĩu, đoán nhiều lắm, nhưng không cầm, chỉ bảo: “Tôi mà đã im thì cần gì tiền. Nhưng anh lấy tiền mà mua tôi thì là đồ hèn, cũng bằng như bọn mạt hạng”. Gã không nói nữa, cúi đầu như sắp khóc. Mụ thương tình bảo thôi về đi, người tử tế không đi đêm về hôm. Gã biến vào bóng tối để mụ đứng bên mái hiên như cái chum nước vừa đầy vừa lạnh vừa thao thiết, đến tê người. Cuộc tình đầu đời của mụ như quen mà như lạ. Mụ chưa hiểu gì về gã, nhưng lại biết gã đã thật lòng. Cái cách gã nhìn mụ và vẻ oằn xuống của cái lưng gù cho mụ cảm giác thư thái. Mụ không làm cao, chỉ nung nấu ý muốn gửi thân phương xa. Mụ không đoan trang, chỉ mù tịt về cách đáp đền tình cảm giới tu mi quyết tử. Mụ cũng không biết một “chuyện dài lâu” thì phải cần đến những “thủ tục” ra sao. Thật may là bà lão lẩn thẩn đang ốm, và mụ có thể một mình gặm nhấm cái bánh ngọt theo kiểu từ từ. Có ai tranh mất của mụ mà lo. Nhưng chính vì miếng ngon ăn một mình mà mụ thành ăn dở. Mấy đêm sau gã phu lại đến. Gã bảo tôi sắp thôi việc, chuẩn bị về quê tận miền biển. Lần này thì mụ khóc, mụ tiếc cho cuộc tình mới chớm nở đã trái ngang. Mụ bảo tôi muốn theo anh, nhưng ngay bây giờ thì chưa được, bu già ốm không thể bỏ. Mụ bảo nếu anh thực bụng thương thì xin quay lại bãi gỗ, nấn ná thêm ít bữa, đợi bu tôi có thế nào sẽ định. Lúc ấy trăng đã chói lói trên đỉnh đầu. Gã nghe mụ nói mà như người đớt. Rồi như hóa dại, gã ôm nghiến lấy mụ. Mới đầu mụ còn nằm im như ngẩn ngơ, nhưng đến khi gã gặm mãi vào cái vành tai non con gái thì mụ không chịu được nữa. Mụ vùng lên ghì lấy gã mà đu mà hít. Gã làm đúng như cái người trong mơ đã từng làm, và mụ cũng bấn loạn như đã từng chết đi sống lại. Chỉ có khác là mụ không dám cho gã đi đến tận cùng, mụ sợ vỡ lở sớm hỏng việc. Mà hình như gã cũng không có cái ý định ấy. Sau khoảnh khắc mê tơi, khi đã hổn hển rời vườn tiên tố nữ, gã không nói gì, chỉ nhìn mụ với đôi mắt ngầu đỏ. Mụ hỏi anh có thật bụng thương tôi không? Gã chỉ thốt được đúng một câu: “Sao cô...”

Rồi gã ra đi không bao giờ trở lại. Mụ vật ốm mất gần chục ngày, may lúc ấy bu già lẩn thẩn của mụ lại khỏe. Bà chăm con gái mà thỉnh thoảng lại ra cầu ao vái tạ cái miệng hang sâu hun hút.

Mụ thương và nhớ gã phu gỗ, nhưng mụ đoán có nhẽ gã đã có vợ, chỉ chơi bời chứ không dám xây thêm một công quốc. Mụ chỉ nghĩ gã đúng là một con đực, có lực mà không biết nghị. Thì mụ cũng việc gì phải tiếc. Khỏe lại mụ càng phơi phới, những cơn đau con gái giờ đây chỉ càng giống như những lằn roi quất xiên cho cái sắc đẹp của mụ phải đau đớn quá mà bật trồi lên thêm. Trước vẻ thanh xuân của mụ, đàn ông trong làng như hóa rồ hóa dại. Chả ngày nào vắng người luẩn quẩn khúc vắng gốc ổi, còn tối tối vẫn có những vụ choảng nhau trên đê. Thật kỳ cục, mụ chẳng đoái hoài đến ai mà họ vẫn ghen nhau. Thế mới biết nhà quê đáng thương. Mụ âm thầm chuẩn bị cho một chuyến đi hằng mơ. Và cuối cùng thần phật đã thấu tình mà giải phóng cho mụ. Một lần ra bờ ao khấn cái hang sâu, bà bu già lẩn thẩn của mụ bị rắn sọc dưa mổ trúng mắt, về nhà khạc ra một bãi đờm xanh như rêu vón rồi mất, mụ thành người cô độc. Hết tang, mụ gửi nhà cho cha con ông lang Cân, dặn cái Mướt thỉnh thoảng khói hương cho bu, hẹn khi nào đứng số sẽ về. Cái Mướt khóc mắt đỏ hoe, nhưng mụ đã quyết rồi, sông dài biển rộng tất cả đâu phải chỉ toàn nước lã?

Một chuyến xe ca đầy những hành tỏi dưa chuột đưa mụ đến một nơi sầm uất, rặt người là người. Từ bé, mụ giờ mới thấy cuộc đời sao mà trùng điệp. Giữa muôn thác lũ nổi chìm, mỗi người chẳng khác cọng rác nhàu nát sấp ngửa, thoạt nhìn thì miên man, nhưng dõi kỹ cũng khúc nhôi lắm nỗi. Đã có lúc mụ phát hoảng, định quay về mảnh vườn bãi sông, nhưng hình như số phận vẫn trốn nấp đâu đó, âm thầm giục mụ dấn bước. Vả lại mụ sợ cái Mướt nó trêu. Cái con ranh ấy mà vén mũi lên, du mông sang một bên giễu ai thì người đó cứ gọi phải độn thổ. Cũng may, tìm đến một người mới quen trên xe, mụ được giới thiệu ra khu trại trồng hoa đận cuối ngoại ô. Người chủ nhận mụ là một bà sồn sồn có ông chồng làm to nhưng sắp bỏ. Bà chủ tốt bụng cho mụ ở không lấy tiền, chỉ trông coi và mỗi ngày tiếng rưỡi đồng hồ tưới hoa khu vườn vào lúc chập tối. Ổn định, mụ hàng ngày đi làm cỏ thuê cho cả khu, công việc nhênh nhang nhưng cũng có tiền quấn túi ni lông.

Xa quê, mụ vẫn ăn mặc tươm tất và để ý người đời trùng điệp. Mụ chẳng khinh trọng ai, nhưng tuổi trẻ và nhan sắc hơ hớ của mụ nó như cái thỏi nam châm hút hồn thiên hạ. Đến cuối tuần thì mụ đã phải pha nước tiếp mấy bác trẻ quanh vùng, và sang tháng lối vào vườn hoa đã có những vụ quệt xe lăn rãnh.

Trong số những đồng hồ kính trắng hàng ngày lượn lờ bông lơn, mụ ưng nhất một tay thương binh một tròng mắt giả. Cái cách người ấy nhìn hơi đáng sợ, nhưng tiếng nói ấm trầm, sâu hút, và thấm tháp thì lại quá đỗi thiêu đốt. Mụ không bỏ bùa cho người ấy, nhưng hình như đôi lần vô ý để lộ khuôn trăng qua hàng cúc cài lơ đễnh áo bảo hộ tím chàm. Và rồi đêm đầu tiên họ ngồi bên nhau là khi mụ đã đuổi được hai thanh niên đi “en-dồ” ám suốt buổi tối. Người ấy nấp chỗ khuất đột ngột xuất hiện làm mụ suýt ngã. Mụ bảo em chưa kịp tắm rửa. Người ấy nói tôi muốn xin việc ổn định cho cô. Mụ mời người ấy vào nhà. Người ấy bảo mai vợ cũ tôi về chia tài sản... Mụ không hiểu mình đã ôm người ấy chưa, nhưng cái cách người ấy cư xử với da thịt mụ thì quá đỗi đáng nhớ. Lúc viên mãn nhất, trong đầu óc mụ lại thấy xuất hiện những cảnh trong mơ, những ấn tín lình sình, những nụ hôn chiếm đóng. Hình như đàn ông là thế, kiểu gì họ cũng quy đàn bà về hình ảnh một bà mẹ dịu hiền nào đó của họ. Còn đàn bà như mụ thì chất ngất bải hoải tựa cái gốc cây sắp mục, sắp hồn lìa khỏi xác.

Nhưng rồi người ấy cũng tỉnh lại. Mụ còn chưa kịp cài đám cúc chắc như răng cá sấu thì người ấy đã ngồi thừ ra như bị ma đe. Mụ xán đến bên muốn củng cố mối tin, nhưng người ấy vẫn không quay lại dù cũng kéo mụ ngả đầu vào một bên vai ấm áp lúc bấy giờ đang rung bần bật. Mụ chợt có cảm giác mất mát, muốn nũng nịu bắt đền người ấy. Nhưng khi nghe một tiếng thở dài như nước thủy triều rút, mụ lại co mình về trong nỗi hoang mang. Phải chăng người con gái như cái dây tơ, gảy lên có tiếng kêu là xong, còn thì toàn bộ bản đàn phải do cơ mưu người đàn ông bày biện? Nếu vậy thì mụ đây nào có chùng chình, mụ đã gắng kêu đến sắp đứt cái thanh âm tiền định. Mà sao khi lũ họ đã thử phím lựa dây xong thì lại buông cần lỏng khấu? Thế thì mụ còn biết làm sao? Chẳng lẽ sáo đàn cứ tự nhiên phải nhảy chồm chồm lên sân khấu mà hành vân lưu thủy? Có mà thành ma ám quỷ giục? Nhưng không thì đau đớn quá. Ơi hỡi cái tấm tình phong hoa tuyết nguyệt, ơ hờ cái màn đời cợt đùa suông nhạt, những đắm say nồng đượm ở đâu? Chỉ sáu tháng ở đợ làm mướn khu bãi trồng hoa mà mụ đã bốn lần mừng hụt. Ngoài tay thương binh chột mắt thì mụ còn dính thêm đến ba keo sụt bờ lở ruộng nữa, nhưng đều huyễn hoặc cả. Có chú nghê vàng con nhà quan to bên kia sông, nhãng học nhưng lại hiếu sắc, quấn mụ được vài tuần thì bỏ, lấy cớ ông bô bà via cấm. Có ông dân xây to như kiêu gạch xếp cố, quê tận vùng đạo Thiên chúa, bậm bạch tưới hoa được dăm hôm cũng chuồn, bảo tôi với cô khác nhau tổ thờ, khó bền. Còn thằng cha buôn hoa mới đây nhất thì tuy bạo liệt hung hăng, nhưng lại lụy tiền đến quái gở. Ai đời vừa ôm hôn người yêu vừa luồn tay về chuyển ví xuống ngăn sâu túi trong, sợ rơi, làm mụ bị cái cùi trỏ tì lên mạng sườn đau đến suýt ngất. Cả bọn họ, không ai bảo ai, cứ đến giai đoạn sáp nhập lãnh thổ thì buông rơi trách nhiệm, đuổi cốc xua cò, làm mụ vừa bẽ bàng vừa thắc mắc. Mà nào mụ có giăng bẫy cài chông gì cho cam? Mụ chỉ một lòng một dạ quy thuận thiên duyên, buông chèo xuôi lái, mặc sóng xô nước đẩy, mà rồi vẫn giữa dòng mắc cạn. Thật cay đắng quá. Hay là bọn họ khinh mụ quê mùa? Hay là đàn ông chê người nghèo khó, sợ phải cưu mang mãn kiếp? Sau những đận như thế, mụ bao giờ cũng tàn đêm thao thức. Nhưng cái trí óc mụ nó cạn, cái thân xác mụ nó đốn, để rồi mụ lấn bấn mãi vẫn chưa biết làm sao. Bao nhiêu tuần trăng là bấy nhiêu lần mụ khấn vong linh mẹ, nhưng hình như bu già oán giận mụ bướng gàn mà không chịu về giúp, chỉ có tiếng gió như tiếng ai huýt sáo là cứ day diết réo rắt mãi không nguôi. Nhưng chả mong thì đến cuối năm đó, cuộc đời mụ cũng rẽ sang ngả khác.

Bà chủ sồn sồn sau lần dẫn chồng về giám định vườn hoa bỗng gặp vận hên, được sang tận “Pa di” “Boọc đô” chữa bệnh chỉnh béo. Ông quan to thay vợ cai quản điền trại, cai quản luôn cả mụ bấy giờ đang cơn chống chênh. Một đêm gió bấc mưa phùn, mụ đã được ông ta ban cho cái ơn biết thế nào là đàn ông sau cơn say, trăn vầy cọp xé... Ông ta bảo mụ việc chó gì phải du dương, cứ ở đây chăm hoa tưới cây vài năm, miễn là đừng vãi con rơi cứt, thì rồi ông ta sẽ cho vốn về quê mà làm mẹ thiên hạ. Mụ ghê tởm cái tương lai ông ta thoán định cho mình, nhưng niềm lạc thú mà ông ta đang xối xả rót lên đời mụ bấy giờ thì sao mà mãnh liệt và dễ nghiện. Ngay cả trong những cơn mơ bấy lâu, cái người nhiều lông lắm vảy lồng lộng của mụ cũng chẳng làm được đến vậy. Và mặc dù vẫn thiêm thiếp bên cõi tiên bồng, thì mụ cũng không thể phủ nhận rằng cuộc sống trại hoa của mụ bây giờ thật đã khác xa những gì mụ từng tưởng tượng. Và mụ chẳng việc gì phải chối từ hay dè bỉu. Ngày ngày mụ vẫn đi vun hoa rẫy cỏ, nhưng tối về lại róc rách kỳ cọ sẵn chờ “quan anh”. Tiếng gió rít, tiếng mưa tuôn ư? Mặc xác. Chiêm bao xưa, ước vọng cũ ư? Kệ thây. Đến khi nào mụ có tiền làm bậc mệnh phụ, thiên hạ sẽ biết mụ thuộc giống gì. Chứ bấy giờ chả quỳ dưới chân mụ như cái mướp tép, con cún ngô thì mụ chớ bảo. Và ngày ấy đã đến, đến thật chóng vánh.

Mặt trời vừa lên khỏi ngọn hồng xiêm, lúc mụ còn chưa buồn ra khỏi giường sau một đêm nồng nã, thì ba bốn chú công an mặt mũi non choẹt đã lục tục kéo vào. Lệnh bắt giam ông quan to mắc tội dâm loạn đến độ vô sinh đã được đọc ngay dưới giàn quất hoàng dương mụ từng chải tóc. Người ta hỏi mụ quan hệ thế nào với can phạm? Rồi khi mụ lỡ lời bảo từng trao thân gửi phận, thì họ liền giao ngay cho bên tệ nạn xã hội, tống mụ vào trại cải tạo heo hút mãi gần ngọn núi gì có ba đỉnh nhọn chọc thủng cả mây trắng. Rồi mụ bị tống về quê.

Nhưng mụ không về. Đã ra đi thì mụ không thể về theo cái kiểu ấy. Nhờ gói tiền còm cõi mà mụ cũng đủ can đảm vào phố kiếm việc chứ quyết không chịu ngồi chợ lao động cho nó mất thể diện. Dòng đời đưa đẩy mụ đến với một nhà hàng có cái đầu dê vàng treo bên ngoài mốc thếch, mọc cả tổ ong bầu đất. Phần vì quyết chí đổi đời, phần đã có chút dạn dĩ và “kinh nghiệm học hỏi” trong trại, mụ nhanh chóng hòa mình vào thế giới đèn mờ trướng rủ. Đàn ông thích vẻ ngây ngô rực lửa nơi mụ. Nhà chủ ưng cách tiếp khách lăn xả của nhân viên non. Lắm hôm đã hai ba giờ sáng mà vẫn còn khách cao cấp gọi điện đón xe. Mụ biết thế là dơ dáy ô uế, nhưng vì chưa biết thoát ra kiểu gì, hơn nữa cũng muốn nhân đà này ky cóp thêm nên đành đưa chân nhắm mắt. Thấm thoắt mà đã hơn chục cái tết giữa đồng người.

Thi thoảng mụ vẫn để ý nghe ngóng tin quê, nhưng chốn ấy giờ đây dường như đã có phần xa lắm. Mụ chẳng biết gì nhiều, chỉ mong manh rằng cái Mướt đã lấy chồng, đâu như cùng làng cùng xóm, đẻ sòn sòn năm sáu bận rồi hoạn. Cái con ranh ấy thế mà sướng, ra đường thấy đàn ông đái bậy còn úp nón chạy thục mạng, vậy mà bây giờ cũng tí sửu dần sàng. Còn như mụ thì chán ngán quá. Đàn ông đến, nhưng chỉ vầy vò trác táng, chứ cấm thấy ai nói được với mụ một lời tử tế. Tiền nong mụ định ky cóp mà cũng nào có ra gì, được đồng nào vào áo quần son phấn là xong. Cả chục năm trời dành dụm được cái dây mặt đá tám chỉ, mà đợt chạy công an đã bị đứa bạn cùng phòng cuỗm mất. Nó cứ bảo em thề có cái đầu dê làm chứng, nhưng mụ lạ gì. Tuy thế, nếu không nhờ nó kéo quân đến đánh tháo thì mụ đã bị cái bà phu nhân phó phường phó quận gì đó dần cho tàn xương. Vả lại, bố đẻ nó chạy thận cả mấy năm nay, em trai nó nghiện ma túy nặng, thì mụ cũng chẳng lòng nào mà trách. Có giận thì chỉ giận cái số cái kiếp mụ thôi, ba chục đến nơi rồi mà vẫn đuổi hình bắt bóng. Không, mụ không thể chịu hèn đớn mãi. Mụ quyết định rồi, ở đời này đàn ông làm được điều gì thì đàn bà cũng phải gần được như thế, chứ lại lép mãi ư? Lẳng lặng, mụ tập uống rượu hút thuốc. Những lúc say sưa cuồng loạn, mụ đã lôi cả cái đầu dê vàng mọc tổ ong bầu đất xuống múa thử và cười khanh khách. Rồi mụ lên chùa mắng sư, quăng cả vàng hương lẫn bài vị ra sân. Bát hương cháy đùng đùng, còn bài vị thì tả tơi rơi rụng. Thật lạ, từ đấy mụ thấy mình mỗi ngày một khác, đêm ngáy rền vang, còn ngày thì như có lửa đang cháy. Đã chẳng ai dám quở phạt mụ thì thôi, mà ngược lại, mụ bắt đầu kiếm được tiền bề bộn. Mỗi sáng mụ vơ được hàng nắm xanh đỏ la liệt bên gối. Mỗi đêm mụ lại được khách bo tờ ta tờ tây. Nhà chủ khi trước kiệt xỉ, đến sữa rửa mặt còn không dám mua, nay thả lỏng cho nhân viên mặc sức đánh quả. Cuối tháng mụ đã sắm được máy di động. Cuối năm tài khoản vãng lai của mụ đã thừa sức mua “a còng”. Nhưng mụ không mua, mụ kết thân với một khách chơi chuyên quản chợ đầu mối, dùng tiền cho vay lãi nóng, mỗi tháng thu đến mấy chục phần trăm. Lão kia sợ lở chuyện đồi trụy, cứ cung cúc giúp mụ. Chỉ mấy năm sau nữa mà tài sản của mụ đã đủ tầm mua đất khu Sin Cô, bãi Trấu, ai cũng phải kinh ngạc. Nhưng cũng chính từ đấy mụ xuống mã thảm hại. Da thịt mụ trước nõn nà như đọt sen mầm giá thì giờ đây ngày mỗi ố xạm, bầy hầy ẽo ợt. Mụ hoảng sợ cho cái tương lai vô định đang lù lù hiện lên. Có phải đỏ bạc đen tình là đây chăng? Không, mụ phải giành lấy phần của mụ trước khi quá muộn. Bao nhiêu cái hĩm thị nở còn biết khuynh thiên đảo địa, chứ mụ thì kém gì? Thần phật trên chùa đã trừng phạt mụ ư? Thần phật là cái thá gì? Bọn họ làm khổ mụ thì có, mụ quyết không chịu.

Thì phút lóe sáng của mụ đã đến. Ba sáu tuổi đầu, mụ xuất tiền đi mỹ viện “xốc lại đội hình” lần cuối. Lão tiến sĩ gà trống nuôi con xem chừng đã chịu lún trước sự vô tư “cả vật chất lẫn tinh thần” của mụ. Mụ giao hẹn rồi, sự nghiệp khoa học của anh thì em không biết, hai suất học bổng Nga, Úc cho các con anh cũng đã sẵn sàng, nhưng gian xép sát miệng cống mà gọi là nhà của anh thì dứt khoát phải nâng cấp, để xứng làm buồng hạnh phúc. Lão bơ phờ mất mấy đêm rồi cũng đồng ý. Mụ ngày ngày nhờ người móc nối, quyết lo xong vụ “anh xã” có ghế ngồi xứng phẩm hàm, chiều về hì hụi ngâm rượu cường dương tráng khí cho “đằng ấy”, sợ tuổi “lục nghênh nghênh” nó không đùa với ai lâu. Và xem chừng sự gắng gỏi của mụ cũng không đến nỗi hoài hủy. Cuối năm lão lên Viện phó. Chớm xuân mụ bắt đầu thèm chua. Đêm đêm nằm bắt chồng quài tay “dưỡng giả an thai”, mụ mơ màng đến ngày “phụng nghi mẫu”. Quay sang thấy “tiến sĩ cụ” đã ngáy từ lúc nào, hai cánh mũi bành ra như hai cái vảy rắn đen sì xịt khí thì mụ cũng chán. Nhưng thế là tốt rồi…

Hóa ra tốt là tốt đen, khố đen khố đỏ.

Khi mụ lên cáng vào phòng mổ thì cũng là lúc tiến sĩ viện phó đến tuổi nghỉ hưu. Cầm tờ quyết định trên tay, lão buồn chán bỏ đi “chát chít” tâm sự với hai đứa con riêng tận Men Bơn Khắc Cộp, mặc mụ ngất lên ngất xuống với cái đuôi thai thòi lòi kéo mãi không hết. Thì ra mải nghiên cứu đề tài tiến sĩ, lão đã nhiễm sóng cao tần vi ba từ khi nào, để họa cho mụ bây giờ gánh chịu. Mụ không trách lão, nhưng mụ chẳng còn hy vọng gì ở cái cuộc đời này nữa. Nhân lúc các bác sĩ hộ lý vắng mặt, mụ đã dốc cả lọ thuốc mê vào miệng, quyết đi tìm bu già để khóc một trận cho vơi cho nhẹ.

*

* *

Cho đến hôm nay, sau mấy năm bàn hoàn trong nhà an dưỡng, mụ đã phần nào hồi tỉnh. Chiều theo ý thích của mụ, cái Mướt đã dựng lại căn nhà cũ dột nát ngày xưa, thành một cơ ngơi nghiêm ngắn, trong ngoài thoáng tiện. Mụ quyết định không đi đâu nữa, mà ở nhà trông cây làm từ thiện. Nhân có người bán rong đi qua mời, mụ mua nuôi một con kỳ đà cổ rụt làm vui. Ban ngày, nó tha thẩn đớp gián bắt ruồi, còn đêm đến lại biểu diễn trò leo cột, cãi bóng đèn khá ngộ. Ước vọng được khóc với bu già không thành, nhưng mụ cũng không vì thế mà cố thực hiện. Đã lâu lắm rồi, có nhẽ kể từ cái ngày mụ lên chùa nổi loạn, những giấc mơ gặp người nhiều lông lắm vảy cũng không về nữa, mà thay vào chỉ là tiếng gió giữa trời đuổi nhau vi vút. Những lúc như thế, mụ bao giờ cũng trở dậy, thắp một nén nhang ra ngoài chỗ chum nước, rồi trở vào vỗ về con kỳ đà đang chẹp chẹp miệng, chả biết đang mê hay tỉnh.

 

 9-8-201819-579901461-w680-6002-1533808400

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)