bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 91
Trong tuần: 1383
Lượt truy cập: 639169

CON ƠI ! ĐỪNG MẤT LÒNG TIN!

CON ƠI! ĐỪNG MẤT LÒNG TIN

                                 (Truyện ký)

                               NGUYỄN HÒA BÌNH

nguyen_hoa_binh

                Nó không dám trách ai, nhưng nó biết nó sinh ra trong một gia đình mà niềm vui thì ít, nước mắt thì nhiều.

Nó không dám trách ai, vì nó đã từng nghe bà nội nó nhiều lần than thở rằng: “Sao nhà này vô phúc quá hả giời! Tôi làm gì nên tội đâu để đến giờ gánh hết cái nợ của cả một lũ hư hỏng thế này!”

  Ngày còn bé, nó chưa hiểu điều bà than vãn là gì, nó cũng không hiểu thế nào là vô phúc, thế nào là hư hỏng. Nó cũng biết, họ hàng bên nội nhà nó cãi nhau suốt, hục hặc với nhau suốt.

Ngày còn bé, cứ mỗi lần nghe bà nội nó nấc lên mà thở than như thế, gào lên khi các cô em của bố nó mặt mũi thì hằm hằm, miệng thì văng ra đủ mọi thứ trên đời, nó cũng thấy khiếp.

Những lần ấy, nếu mẹ nó không lo việc đi chợ, đang ở nhà mà dọn dẹp, mà chuẩn bị cho gánh hàng chiều, nó chỉ thấy mẹ nó ngồi nép vào một góc nhà cứ ôm riết lấy nó mà khóc, mà van vỉ:

  Em xin bố nó. Xin các cô thôi đừng làm ầm lên thế nữa. Nhà cửa này, tài sản này vẫn một tay bà quản lý đấy chứ. Anh chị có tơ hào gì đâu mà các cô phải làm như thế. Mẹ đang còn sống, anh các cô tuy có điều này tiếng nọ với xã hội, nhưng anh ấy cũng đâu phải vì chuyện này mà giành giật căn nhà, mảnh đất với các cô. Anh chị với các cháu ở đây có mười mấy mét vuông, nhưng nhà bà 5,7 phòng cho thuê trọ, anh chị có ý gì với bà đâu mà các cô làm thế. Anh ấy nhiều lúc lên cơn làm liều sang dọa bà, đấy là anh ấy làm, chị đâu có xui khôn, xui dại gì.

Cũng lần ấy, mười lần như cả mười một, nó bao giờ cũng được nghe bà nội nó buông cho mấy câu khiến mẹ nó hầu như vài ngày sau mất ăn, mất ngủ:

  Vâng! Nhà này chẳng ai giành giật của ai cả. Chị không phải dạy khôn. Cái người giành giật là ai, thiên hạ nó còn biết đấy. Chị tưởng tôi đẻ được ra chị, tôi không biết chị là người thế nào à?

   Để rồi, cũng những lần ấy, bố nó lại như một người bị điên, lên cơn thần kinh phân liệt mà gào như bị dại: “Cụ im đi cho tôi nhờ. Tôi làm tôi chịu. Cụ đừng vơ vợ con tôi vào làm gì”; khiến mấy cô em biết mình đã bắt đầu đi quá, dù có hung hăng thật cũng sợ anh trai mình cho một nhát thì toi mạng.

Đối với nó, tuổi thơ và kỷ niệm về gia đình, họ hàng bên nội khiến nó thấy hình như giữa mẹ nó và bà nội có điều gì không được bình thường. Mẹ nó không bao giờ nói, không bao giờ kể xấu về bà, dù bà chửi mắng thế nào. Những đêm ấy, rúc vào nách mẹ, quên chợp mắt đi còn ngủ được, chứ gắng mà thức thì chỉ nghe mẹ hết thở vắn than dài, đến rấm rứt mà khóc.

Còn bố nó, hết cơn nghiền thuốc, ngồi rũ một góc nhà như cái xác không hồn, chỉ thở hắt ra mà than:

   Thôi! Tôi xin mẹ mày. Bà nói thế kệ bà. Tôi không muốn nói cho bà biết rằng, nhà này cũng nhiều thứ vô phúc thật. Nhưng mà nhà này còn có phúc đấy, là tôi lấy được mẹ mày. Không có mẹ mày, bà có biết liệu tôi đã chết từ lúc nào không. Bà có biết, liệu mấy con ranh nhà này còn sống mà ngoạc mồm ra không. Tôi mà đã bất cần nhé, tôi cho một liều là đi hết. Cả tôi cũng đi cho xong nợ.

   Những lúc ấy, bao giờ nó cũng thấy mẹ nó vục dậy, đi pha cho bố nó ấm trà, rồi lặng lẽ xuống bên bố nó mà nhẹ nhàng:

-  Mình đừng nóng nữa. Tôi đã quá khổ rồi. Tôi xin mình. Mình đã đi trại một lần rồi. Mình đã bỏ bẵng mẹ con tôi 7,8 năm mà sống trong rừng rú, mà nay ốm mai đau, thiếu cả bàn tay vợ con chăm chút rồi. Hai thằng nhà này, một tay tôi lo được, nhưng rồi mai lớn lên, nhà cửa thế này, gia tộc thế kia, liệu chúng nó có thành được người tử tế?

Những lần ấy, dù không phải là nhiều, nó đã thấy bố nó khóc, nó đã thấy bố nó hứa rằng: “Tôi sẽ sửa. Tôi xin mình. Tôi sẽ sửa”.

  Nhưng, càng lớn hơn, càng hiểu hơn mọi điều, nó biết bố nó đã không bao giờ giữ đúng lời hứa ấy, không bao giờ sửa chữa một điều gì, để mỗi ngày như đẩy mẹ con nó xa hơn cuộc sống bình thường.

  Những ngày ấy, mỗi lần được mẹ cho về thăm quê ngoại ở Hải Dương, nó cứ tự hỏi: sao mẹ không về quê mà sống có sướng hơn không, có vui hơn không? Quê ngoài thật đấy, nhưng lại luôn ấm áp đến lạ kỳ.

  Nó đã nghe ông bà ngoại, họ hàng bên ngoại nó kể rằng, ngày còn trẻ, mẹ nó là người con gái ngoan nhất nhà, nhất họ, lại cũng xinh xắn nữa. Ngày ấy, khi bố nó đang bị dính vào cái án buôn bán và tàng trữ chất ma túy, bố nó bỏ trốn. Chính trong thời kỳ đi trốn chạy ấy, bố nó gặp và quen mẹ nó. Rồi, theo bà ngoại nó nói, chả biết duyên phận thế nào, bao nhiêu người tử tế hỏi thì không lấy, lại đâm đầu mà lấy cái thằng nghiện hút lại còn tù tội.

  Ngày ấy, bố nó chưa bị đi tù. Bố nó mới đang là thành phần bị điều tra trong vụ án ấy thôi. Vậy mà, dù bị dính án đấy, nhưng cái máu đàn ông, cái tài hót như khướu của bố nó đã đủ đánh bật bao nhiêu trai làng cùng lứa. Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai. Mẹ nó đã “chết” vì cái chất quá đàn ông của bố nó, đã bám là mặt trơ trán bóng ra mà bám đến cùng. Đã bám, thì sẵn sàng cả chuyện đao búa để chiếm cho bằng được người con gái mình thích. Mà chuyện gì chứ chuyện đao búa, bố nó có thừa. Trai làng ấy đông thế, cũng ối đứa từng hung hăng tuyên bố: “Nếu mày muốn lấy em Hoa, hãy bước qua xác chúng tao”. Bố nó không bước qua xác đứa nào nhưng đã bước qua mặt mấy đứa, mà đấy là bước thật, nếu không muốn nói là giẫm, để mà mẹ nó vừa phục vừa sợ cái máu yêng hùng ấy đến không dám dứt ra.

   Đấy là máu của một thằng đàn ông dám làm tất cả mọi thứ, dám chà đạp lên tất cả mọi thứ, mà sau này dù có nhận ra điều ấy, dù có biết đấy là một sự thật phũ phàng và tàn nhẫn, mẹ nó vẫn không bỏ được bố nó, cũng chỉ vì như mẹ nó nói với nó: “Mẹ không muốn mày và thằng Hòa lớn lên bị người ta bảo là một lũ con hoang”.

   Nhưng, cũng chính vì một điều khác nữa, ấy là những lời nói lúc nào cũng ngọt như mía lùi mà bố nó luôn dành cho mẹ nó. Sự quyết liệt đến tàn bạo với cuộc đời nhưng lại nhẹ nhàng đến mềm yếu trước đàn bà, khiến mẹ nó cảm thấy hình như đây là chỗ dựa của đời mình. Đúng là bố nó khéo thật. Kể cả sau này tù tội về, rồi lại dính vào ma túy, lại tù tội, nó chưa thấy bố nó gay gắt với mẹ nó dù chỉ một lần. Nó cũng lấy làm lạ, lấy làm khó hiểu, một người đàn ông dám làm những điều cấm kị, dám cả đao búa, chém giết đấy, sao lại luôn nhẹ nhàng đến không tưởng với phụ nữ, mà cụ thể là mẹ nó.

  Những ngày ấy, bố mẹ nó quen nhau chưa đầy một tháng thì quyết định đi đến hôn nhân. Chuyện cưới xin đâu có đơn giản khi bố nó đang nằm trong diện phải điều tra. Ông bà nội nó lại phải chạy vạy, phải nhờ vả các ngành chức năng để xin cho bố nó được “lo liệu gia đình xong, rồi sẽ chấp hành nghiêm các yêu cầu của cơ quan pháp luật”. Cưới nhau được mấy tháng, bố nó bị lôi ra xử, bị tuyên án 12 năm tù giam khi mà mẹ nó đã chửa vượt mặt rồi.

  Mẹ nó sinh nó ở quê ngoại. Khai sinh cho nó ở quê ngoại. Để như ông bà ngoại nó nói: “Thôi. Dù sao cũng được thằng cháu trai rồi. Cho nó ở quê cũng là tốt”.

  Mẹ nó không nghĩ thế. Ngày ấy, bà nội nó cũng không nghĩ thế. Được đúng một năm sau ngày cưới cũng là khi nó 3 tháng tuổi, bà nội nó về quê, xin phép họ hàng bên ngoại đón hai mẹ con nó ra Quảng Ninh sinh sống.

  Ngày mới ra ngoài này, lúc đầu mẹ nó còn ở chung với bà, với các cô. Hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, mẹ nó lại vốn là con gái nhà quê, một sớm một chiều đâu dễ gì đã quen với nếp sống thị thành. Dù có học đến hết cấp 3 đi nữa, cũng đâu có nghề ngỗng gì mà đòi xin vào cơ quan này, công ty nọ. Mẹ nó ở nhà, đỡ bà nội nó chạy chợ.

  Thôi thì rau cháo nuôi nhau, thiên hạ sống được, mình cũng làm sao mà chết được. Không có nghề, nhưng được cái mẹ nó có sức khỏe, lại chăm chỉ, nên trước thì ra chợ mà làm thuê, vác thuê, sau mới kiếm lấy đôi quang gánh để sớm ra chạy lấy hàng ở chợ đầu mối, từ 8-9 giờ túc tắc gánh rau, gánh củ rong ruổi mấy phố. Rồi, dần dần kiếm lấy một chỗ góc hè của cái chợ Hạ Long ấy, cũng thêm được đồng gạo, đồng mắm.

  Những ngày ấy, khổ đến như thế, thiếu đến như thế, vậy mà vài tháng mẹ nó vẫn lên trại thăm bố nó một lần. Lúc còn bé xíu, nó đâu đã biết gì, nó đâu đã cảm nhận được thế nào là thân phận của người tù.

  Khi nó lên 8 tuổi, bố nó được ra tù, được giảm án do có thành tích cải tạo tốt. Bố nó về năm trước, năm sau mẹ nó sinh thêm thằng Hòa. Bố nó về mấy tháng, bà nội nó nói rằng:

Mày đi ngần ấy năm. Vợ con mày ở đây với bà, nó chăm chỉ, nên nhà tuy không khá giả, cũng chưa đứt bữa nào. Ngày mày đi, mẹ cũng bảo với mấy đứa con gái rồi, suất tiền tao cho thuê nhà, vẫn chia cho mày một phần. Tiền của mày, tao để trong sổ, giờ được mấy trăm, mày tính sao thì tính.

  Bố nó đã dùng số tiền ấy mua được căn nhà này cho mẹ con nó ra ở riêng. Thế cũng là quý lắm rồi. Nhưng cũng lại vì có sẵn tiền thế, lũ bạn cũ, các mối làm ăn cũ đâu có chịu buông tha cho bố nó. Mẹ nó biết đấy. Mẹ nó đã từng có lần quỳ xuống chân bố nó mà lạy:

Em van bố nó. Bố nó đừng đi theo đám thằng Huy, thằng Duy, thằng Đức nữa. Bố nó còn thương mẹ con em, em xin bố nó cứ ở nhà, cháo rau em cũng lo đủ, không để bố nó đói bữa nào.

Bố nó im lặng. Bố nó khóc đấy. Nhưng những giọt nước mắt ấy hình như đã nằm sẵn ngay trong hốc mắt rồi nên nó nhạt quá, nó vô hồn quá, để rồi sáng vừa khóc với vợ con xong, chiều đã lại dính án.

Nó đã nghe mẹ nó nói với mấy cô em gái bố nó:

Chị nói mãi, anh ấy có nghe đâu. Bạn bè anh ấy, có thằng nào mặt mũi ra người đâu. Đứa thì mắt trắng dã, môi thâm xì như thế, đứa thì mặt trơ trán bóng mắt thì ti hí mà đảo như rang lạc… những loại ấy, sao là người tử tế được.

  Bố nó dính án, nhưng lần này trước khi đi trại bố nó tuyên bố một câu xanh rờn, một câu mà kể cả ngày bố nó ở trại được hơn 1 năm, rồi yếu quá được về sớm, rồi cũng lại yếu quá sống được dăm tháng thì mất… nhà nó lúc nào cũng như cái thùng thuốc súng sắp nổ tung: “Nhà này, tao là trưởng. Vợ con tao dù ra ở riêng, nhưng đấy là tạm thời. Đất đai nhà cửa của bà, một tay tao gây dựng nên. Tao không tranh giành, nhưng đứa nào bén mảng, nhòm ngó, liệu hồn không mất mạng với tao”.

Nhà cửa, đất đai thì chưa thấy. Tiền bạc chia chác kể cả cái phần đang cho thuê cũng chưa thấy một trinh, một cắc, nhưng anh em, mẹ con đã bắt đầu nhìn nhau như cướp, xử với nhau ngày một nhạt dần, nếu không muốn nói là cạn tàu ráo máng.

Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng. Các cô nó bắt đầu quay sang nói xấu mẹ nó. Nó không bênh mẹ, nhưng nó biết mẹ nó không thế, mẹ nó không có thói quen xúc xiểm ai. Mẹ nó dẫu sao và mãi vẫn là một người phụ nữ nhà quê chân chất, mộc mạc và thật thà như đếm.

  Nó bắt đầu biết phản kháng, biết gân cổ lên mà cãi một, hai lần để thành quen, để lại được nghe bà nội nó, các cô nó rít lên: “Cả họ nhà này vô phúc quá. Đúng là cha nào con nấy mất rồi”.

Nó chẳng cần biết vô phúc là gì. Còn bố nó, dù có là kẻ tội phạm buôn ma túy đi chăng nữa, đấy cũng là bố nó. Nó đã nói với các cô nó như thế. Nó đã hiểu rằng gia đình nó, dẫu mẹ nó tốt thế, dẫu nó muốn được sống yên thân lắm, nhưng ai cho nhà nó điều ấy.

  Ở trường, ở lớp, nó học cũng đâu đến nỗi nào, mặt mũi nó cũng đâu đến nỗi nào, nhưng trừ các thầy cô luôn quan tâm đến nó, còn nó cứ thân với đứa nào, chỉ vài bữa sau bọn ấy đã bị bố mẹ chúng cấm không cho quan hệ. Nó có phải là hủi đâu. Nó có phải là con bệnh gì ghê ghớm dễ lây đâu mà bị hắt đi, bị ghẻ lạnh như thế.

Càng lớn nó càng nhận ra một điều: Nó, gia đình nó hình như đang bị đẩy, bị dồn về một góc của cuộc đời này, nơi đầy u ám và ngột ngạt.

Mẹ nó dường như đã nhận ra nó đang nghĩ gì. Vẫn chạy chợ đều mà lo đủ cho các con ngày hai bữa, nhưng mẹ nó cũng bắt đầu để mắt đến nó nhiều hơn. Ở đời, gà mái nuôi con là hợp lẽ, nhưng con cái thiếu hơi lửa của người đàn ông, xem ra sự khiếm khuyết không hề đơn giản.

  Nó và em nó đã lớn lên mà thiếu hẳn bàn tay dìu dắt của người cha. Không ai định hướng cho nó. Không ai chỉ cho nó trước mỗi vấp váp của cuộc đời phải biết làm thế nào để đứng lên, đi tiếp. Không ai chỉ cho nó phải biết chấp nhận để đi qua đổ vỡ, đi qua mất mát luôn hiện hữu mỗi ngày.

  Hai anh em nó lại là con trai cả. Hai thằng con trai sống giữa chốn phồn hoa đô hội thế, lại là điểm du lịch lớn của cả nước, nên hai mặt đối lập mà thống nhất của đời sống xã hội vùng du lịch âu cũng là điều tất yếu. Nó không chọn để đi theo được mặt sáng, cái phần mặt mà ít ra nó muốn can dự vào thì nhà nó, chính bản thân nó ngoài chuyện phải có một chút vốn liếng cần thiết, lại phải cần danh phận đàng hoàng.

  Nó đã bị cuốn đi trong cơn đam mê của khát khao được ăn, được chơi như những vị khách du lịch tứ xứ đã đến Hạ Long này. Có điều, sẽ lấy đâu ra tiền?

  Nó và bạn nó đã làm một “quả”, dọn sạch nhà bà cô bạn nó để cả hai đứa thỏa mãn cái cơn đam mê mà chúng hằng khao khát ấy. Bốn ngày sau khi chúng nó dọn sạch tủ tiền ấy, hai đứa bị bắt. Nó bị công an tạm giữ ít ngày rồi được chuyển về Trường giáo dưỡng số 2, Bộ Công an. Nó dần hiểu và bắt đầu “ngấm” hơn câu bà nội nó hay than vãn: “Nhà này vô phúc quá!”.

Nó biết, nó không thể trách ai được. Vào đây đấy, bố mẹ, gia đình bao nhiêu đứa đã bỏ hẳn, coi như lũ ấy đã chết rồi. Nhưng nó tin mẹ nó không thế.

  Niềm tin ấy là đúng. Nó bị chuyển lên đây mấy bữa, mẹ nó đã dò đường mà lên thăm nó ngay. Nó đã nhìn thấy những hàng nước mắt lăn dài trên gương mặt hốc hác của mẹ nó. Nó biết, mẹ nó thương nó lắm. Có điều, hình như cũng là cái chất của mẹ nó, cái chất mộc mạc thật thà như đếm của người phụ nữ nông thôn, mẹ nó đã không đủ trí tuệ và bản lĩnh để giữ bố nó lại ngày hôm qua và hôm nay kéo cổ nó trở về với đời sống bình dân.

  Nó đã khóc. Đây hình như là lần đầu tiên sau bao nhiêu bức bối, uất ức, tủi nhục và day dứt yêu thương, nó đã ôm lấy mẹ nó mà khóc thật. Đấy là những giọt nước mắt của ân hận mà hy vọng, bởi cũng chưa bao giờ nó được nghe mẹ nó nói rằng: Mẹ tin con sẽ vượt qua được thời khắc này. Con ơi, đừng bao giờ mất niềm tin vào cuộc đời, Tùng ạ!

 hoa_gao_1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)