bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 390
Trong tuần: 1437
Lượt truy cập: 643601

ĐẶC SẮC VĂN XUÔI THU LÂM

Trần Thị Trâm
 
 tranthitram
 
ĐẶC SẮC VĂN XUÔI THU LÂM
 (Tuyển tập truyện Thu Lâm)
 
   Tuyển tập truyện Thu Lâm của tác giả Nguyễn Thị Phi Yến (bút danhThu Lâm), do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023, dày 528 trang. Trong đó có hai truyện vừa: Nước mắt đàn ông và Vũ điệu tình yêu; bẩy truyện ngắn: Say nắng, Khi đàn ông ngoại tình, Họp lớp, Lối thoát, Đêm Noel, Tình yêu mùa thu, Ân tình thời Covid; hai chương trích từ tiểu thuyết: Dạ khúc (chương 9 - Dạ khúc cuối) và Những người tôi yêu (chương 5 - Vườn cổ tích). Cuối cuốn sách là mục Thu Lâm trong lòng bạn bè với mười hai bài viết của các tác giả Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Nho, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Thị Thiện, Trần Thị Trâm, Trần Đức, Nguyễn An.
 
   Đọc Tuyển tập truyện Thu Lâm ta có thể thấy được những giá trị đặc sắc của văn xuôi Thu Lâm trên cả hai bình diện nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật. Bởi đây là những sáng tác hay nhất được tinh tuyển kỹ càng từ toàn bộ sự nghiệp văn chương của chị mà thành tựu của một tác giả bao giờ cũng kết tinh ở những tác phẩm tiêu biểu nhất.
  1. Đặc sắc về nội dung tư tưởng
   Dường như toàn bộ sáng tác của Thu Lâm đều tập trung vào đề tài: hôn nhân và hạnh phúc gia đình trong giới trí thức. Điều chị đặc biệt quan tâm là sự bất ổn của những gia đình Việt Nam hiện nay và làm thế nào để giúp những bảo vật ấy tránh được nguy cơ đổ vỡ mà trong đó có nguyên nhân ngoại tình - một vấn đề nóng, một hiện tượng có tính chất toàn cầu và đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam.
 
   Bằng chứng là trong tập truyện này, 9/11 tác phẩm (Nước mắt đàn ông, Vũ điệu tình yêu, Say nắng, Khi đàn ông ngoại tình, Họp lớp, Lối thoát, Tình yêu mùa thu (chuyện xảy ra ở Nga), Ân tình thời Covid, Vườn cổ tích) phản ánh vấn đề ngoại tình cuối tuổi trung niên. Hai truyện còn lại: Đêm Noel cảnh báo về sự rạn nứt khó hàn gắn của vợ chồng Việt - Bảo vì cuộc hôn nhân của họ không dựa trên cơ sở là tình yêu và thiếu sự đồng điệu của tâm hồn; Dạ khúc cuối nói về niềm hạnh phúc nhọc nhằn của cặp đôi Nhàn - Duy Ánh, qua đó khẳng định sức mạnh của tình yêu, vai trò của gia đình, người thân trong việc chữa trị căn bệnh tự kỷ nan y của thời đại.
 
   Việc đi sâu vào giai đoạn khủng hoảng của các cặp vợ chồng trí thức ở độ tuổi xế chiều sau nhiều năm chung sống dẫn đến nguy cơ đổ vỡ gia đình của Thu Lâm là một lựa chọn đúng và trúng, vừa phù hợp với thực tế vừa phù hợp với chủ thể cầm bút. Vì đó đang là vấn đề cần giải quyết của thế hệ chị; đồng thời cũng là vùng hiện thực nữ nhà văn rất quen thuộc nên những buồn - vui, sướng - khổ của mỗi nhân vật, chị dễ dàng thấu cảm. Nhất là bây giờ, với chị viết văn là niềm hạnh phúc là để cuộc sống thêm ý nghĩa, là được sống cuộc đời thứ hai theo sở thích của mình.
 
   Chúng ta biết rằng, gia đình luôn có vị trí thiêng liêng, quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân và sự vững mạnh của một quốc gia dân tộc. Nó được xây dựng trên cơ sở của hai mối quan hệ hôn nhân và huyết thống. Trong đó, mối quan hệ hôn nhân có tính chất quyết định vì hôn nhân có bền vững thì gia đình mới tồn tại và phát triển. Là người tinh tế và nhạy cảm, nhà văn hiểu rằng, trong quá trình hội nhập, mô hình văn hóa gia đình và mô hình văn hóa con người Việt Nam đã có nhiều biến đổi: từ con người đạo đức và con người cộng đồng, chuyển sang con người cá nhân và con người kinh tế. Với những cặp vợ chồng trí thức ở độ tuổi U60, U70, mọi việc trong gia đình họ giờ đã ổn định, các chức năng (sinh con đẻ cái, nuôi dưỡng chăm sóc các thành viên, tạo dựng các mối quan hệ, làm kinh tế) đều đã hoàn thành. Trong điều kiện mới và môi trường văn hóa mới, các thành viên sống qua thời bao cấp tất yếu sẽ có nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống. Không chỉ đủ đầy về vật chất mà quan trọng là đời sống tinh thần phải phong phú, phải cao hơn, chuyện gối chăn phải được quan tâm hơn. Với họ, lúc này người bạn đời tốt vẫn chưa đủ mà cần phải phù hợp và đồng điệu. Muốn thế, mỗi người phải thay đổi, phải biết làm mới mình để cùng nhau già đi trong hạnh phúc. Còn nếu ai đứng lại sẽ tụt hậu, lạc thời và bị lùi rất nhanh so với lịch sử...
 
   Từ những câu chuyện của mỗi số phận cụ thể, nhà văn đã giúp bạn đọc thấy được nguyên nhân và tự rút ra bài học bổ ích. Rằng, tổ ấm gia đình không gì sánh được và để giữ được gia đình, mỗi người phải làm tốt phận sự của mình. Đồng thời không quên nhắc nhở các cặp vợ chồng đã luống tuổi muốn hạnh phúc ấm êm thì ngoài việc lo cho con cháu, ngoài đức hy sinh phải biết yêu chính mình, biết quan tâm đến nửa kia của mình và đừng coi thường chuyện gối chăn. Ai cũng có thể có những phút xao lòng nhưng nếu sống bản năng như ông bố của Huy trong “Nước mắt đàn ông”, ông Thành trong “Vũ điệu tình yêu”, Dũng trong “Vườn cổ tích”…tất yêu gia đình sẽ tan vỡ, bản thân bất hạnh, tủi hổ, bẽ bàng; ngược lại, cần phải bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ để bảo vệ gia đình và cũng là để mỗi người có được cuộc sống tốt đẹp.
  Như vậy vấn đề tác giả Tuyển tập truyện Thu Lâm đặt ra có tính chất thời sự cao và là bức thông điệp mà nhà văn gửi đến bạn đọc mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
vudieutinhyeu
  1. Đặc sắc về hình thức nghệ thuật
    Đọc văn xuôi Thu Lâm ta thấy, văn của chị có một chất giọng riêng và một lối đi riêng.
   Truyện của chị được viết theo lối truyền thống, cốt truyện rất được quan tâm. Nội dung tác phẩm thường giản dị giống như những lát cắt của cuộc sống khiến người đọc có cảm giác quen thuộc gần gũi. Truyện ngắn của chị phần lớn là dài nhưng được kể một cách tự nhiên, mạch lạc theo dòng thời gian tuyến tính. Cách lựa chọn và xử lý đề tài của tác giả khéo léo và vừa đủ, truyền thống mà hiện đại. Điểm nhìn nghệ thuật ở ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất và kết thúc thường có hậu. Cũng có khi chị sử dụng thời gian đồng hiện (như trong Vườn cổ tích - trích tiểu thuyết Những người tôi yêu). Vấn đề luôn được soi chiếu từ cái nhìn hiện tại nên thoáng và mở. Kết thúc tác phẩm thường lạc quan và khá bất ngờ, cách mở nút nhẹ nhàng nhưng vẫn thấu tình đạt lý. Dĩ nhiên, bạn đọc vẫn muốn truyện ngắn của chị ngắn hơn, cô đọng hàm súc hơn.
 
   Nhân vật của Thu Lâm sinh động, có da thịt và chiều sâu tâm lý. Nhìn chung đó là những “Nhân vật hiền hòa, hướng thượng chân thành giàu tính yêu thương, đức hy sinh như tác giả ngoài đời” (kiến trúc sư Nguyễn An, Đôi dòng cảm xúc về tiểu thuyết Dạ khúc). Nói như Nguyễn Thị Mai: Thu Lâm “đã thành công bởi cách xây dựng nhân vật và những tình tiết đặc sắc hấp dẫn người đọc” (Dạ khúc - một thông điệp về tình yêu cứu số phận con người). Lối miêu tả tâm lý nhân vật của chị rất linh hoạt: khi trực tiếp, khi gián tiếp qua ngoại hình và cử chỉ hành động. Nhờ độ chênh giữa nội tâm và ngoại hiện, tính cách nhân vật luôn được làm rõ. Bên cạnh đó, tác giả cũng rất quan tâm đến những chi tiết đắt giá, ám ảnh và giàu chất điện ảnh. Ví dụ như chi tiết “khi Nga bất ngờ tìm đến phòng ảnh của chồng qua lỗ khóa: dưới tấm drap trắng thò ra hai đôi chân, một đôi với những móng sơn đỏ chót còn đôi kia với ngón chân cái bong móng tội tình của chồng cô, “không thể lẫn đi đâu được, chính cô là người đã băng bó cho ngón chân đó”. Cô hét lên một tiếng thảm thiết “Dũng ơi...” (Vườn cổ tích).
 
   Văn Thu Lâm đẹp, nhã, chuẩn mực, nhẹ nhàng, tinh tế và rất duyên. Ngay cả khi miêu tả những cảnh nóng như cuộc làm tình giữa Nhàn và Duy Ánh (Dạ khúc cuối), giữa Dũng và Thu Hồng (Vườn cổ tích) tác giả vẫn làm rõ tinh thần mỹ học và đã truyền tới bạn đọc nguồn cảm hứng lãng mạn dâng đầy. Lãng mạn từ cái tít Dạ khúc cuối, Vườn cổ tích. Lãng mạn toát lên từ không gian, thời gian, cảnh vật. Đấy là cái đêm Nhàn đã mở được cánh cửa trái tim Duy Ánh giữa đất trời Tam Đảo sương giăng giăng đầy mộng ảo. Đó là cái buổi sáng ma mị mà Dũng đến với Thu Hồng tại phòng tranh nude nghệ thuật “Tất cả hình ảnh tạo nên một cảm giác nên thơ về một vẻ đẹp thuần khiết, không một chút dung tục, mềm mại như mây khói như dải lụa…” (tr.499).
 
   Thành công của văn xuôi Thu Lâm còn do khả năng sử dụng linh hoạt, chuẩn xác vốn ngôn ngữ phong phú và giàu có, phù hợp với kiểu nhân vật. Với các nhân vật trí thức, thỉnh thoảng chị lại hữu ý đánh rơi vào câu văn ít tiếng nước ngoài: Candidatte, votka, style, Harlem, docbuganhua tru a man, lam ba da, san sa, bachata, under, Apolio, lavabo, Olympus, blue, nude, massage, pajama, pose, stalist, make up, Studio, fan, shiper, type, game, loby, xie xie nỉ... Rồi để nhân vật sinh động và mang được dấu ấn thời đại đôi khi chị cũng không ngại cho họ sử dụng một lớp ngôn từ xù xì được lấy ngay từ đời sống hàng ngày: mì chính cánh, bóng hồng, cây si già, cặp đôi hoàn hảo, gương mặt thân quen, bồ, hàng xách tay, đệ tử ruột, lộ hàng, ngã đâu đứng lên ở đó, cứ để yên xem sao... và khá nhiều thành ngữ, tục ngữ (cả cổ truyền và đương đại): đầu mày cuối mắt, coi trời bằng vung, công thành danh toại, trời sinh voi, nửa đường đứt gánh, chuẩn không cần chỉnh, láu tôm láu cá, gan cóc tía, tái hồi Kim Trọng...
 
      Không những thế, ngôn ngữ văn xuôi Thu Lâm còn dung nạp ngôn ngữ của nhiều loại loại hình nghệ thuật, khoa học khác: thơ ca, nhạc họa, điện ảnh, nhiếp ảnh, tâm lý... Đây là nét đặc sắc của ngôn ngữ văn học Thu Lâm, điều mà không nhiều nhà văn đương đại có được. Khi đi vào tác phẩm văn chương những kiến thức nghệ thuật liên ngành đồng loạt phát sáng làm cho những câu văn của chị trở nên đẹp đẽ, hấp dẫn và cuốn hút.
   Như vây, những trang sách của Thu Lâm không chỉ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn bạn đọc, góp phần vào bảo vệ sự bền vững của gia đình Việt Nam mà còn bổ sung cho độc giả không ít kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau. Với tính hướng thiện và tính giải trí cao, tính giáo dục nhẹ nhàng, văn xuôi Thu Lâm luôn mang đến cho độc giả cảm giác bình an và giúp họ thêm tin yêu cuộc sống.
 
                                                                  Chớm thu 2023
                                                                         T.T.T
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)