bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 38
Trong tuần: 863
Lượt truy cập: 629221

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (10)

Đan Thành

Trái quân lệnh tiên phong bị giết
Ngăn binh thù viện tướng hi sinh
 
   Bọn A Truật, Triệt Triệt Đô bị dân binh đuổi, đang chạy không kịp thở lại thấy phía trước có quân xông đến mà trời tối đến nơi. A Truật bảo:
   - Ta chết ở đây mất.
   Triệt Triệt Đô nói:
   - Xin công tử chớ lo, để tôi ra đánh chúng.
   Triệt Triệt Đô nói xong múa cây đại phủ xông lên, khi tới gần thấy tướng đi đầu cánh quân kia chính là A Nhĩ Hải. Số là Cốt Đãi Ngột Lang thấy A Truật cùng Triệt Triệt Đô mang quân đi từ sáng chưa về mới bảo A Nhĩ Hải đem một nghìn lính đi tìm, nếu thu được nhiều lương thảo thì cùng nhau chuyên chở, nếu bị đánh phải tiếp ứng ngay. Bọn Triệt Triệt Đô, A Truật gặp được A Nhĩ Hải mừng quá, cùng đưa quân về trại.
   Tối hôm ấy có quân do thám về báo thấy quân Nam đóng rất nhiều ở ngã ba Bạch Hạc. A Truật báo cho Cốt Đãi Ngột Lang. Ngột Lang thúc các tướng đem quân đi ngay trong đêm, hai hôm sau đến gần ngã ba Bạch Hạc, chọn cánh đồng bằng phẳng cách bờ sông năm dặm hạ trại. Gần trưa Cốt Đãi Ngột Lang cùng các tướng ra bờ sông xem, bên kia cờ xí rợp trời, thuyền bè san sát. Cốt Đãi Ngột Lang nói:
   - Có thể đánh một trận lớn diệt sạch quân Nam được rồi đây.
*
   Ngã ba Bạch Hạc mùa cạn, lòng sông hẹp, ngầu đục phù sa, hai bên bờ ngô non bát ngát như tấm thảm màu lục trải dài đến tận chân trời. Trên mặt sông những chiếc thuyền mông đồng đi đi lại lại thoăn thoắt, tiếng dô dô của binh lính vang xa đến mấy dặm. Lê Tần đứng trên lâu thuyền quan sát quân sĩ dàn trận. Các thuyền cắm cờ chỉ huy đều hướng về phía bên kia sông. Mỗi thuyền chỉ huy có hai thuyền châu kiều đi phía trước. Trên mỗi thuyền châu kiều có hai giàn lệ chi pháo, một trăm cây nỏ mạnh, năm mươi mái chèo, mỗi mái chèo có hai người đẩy. Theo sau mỗi thuyền chỉ huy là tám thuyền mông đồng. Mỗi thuyền mông đồng có ba mươi hai mái chèo, mỗi mái chèo có một người đẩy, hai mươi nhăm chiến binh vai đeo túi tên, tay cầm nỏ cứng sẵn sàng tiến đánh. Lê Tần truyền lệnh:
   - Tất cả tướng sĩ trên bộ, dưới thuyền không được làm tổn hại các ruộng ngô non của dân. Ai sơ ý làm gãy hoặc để trâu ngựa ăn một cây nào, phải đánh mười trượng. Ai cố ý trái lệnh phải xử theo quân pháp.
   Lệnh ban ra, quân sĩ các đội, các thuyền đều làm đường riêng để đi từ trên bờ xuống sông, không tổn hại một cây ngô nào của dân. Trời gần sáng có  thám mã về báo giặc đã
 đến bên kia sông. Lê Tần lên bờ, vừa gặp lúc Trần Quốc Tuấn đến kiểm tra phòng tuyến. Hai người lên đài cao nhìn sang bên kia sông xem thế giặc, thấy doanh trại Mông Thát đóng liên tiếp nhau mấy chục dặm, toàn một thứ lều hình tròn theo kiểu dân du mục. Trại nào cũng có rào làm bằng tre hoặc gỗ rất chắc chắn. Các cửa tiền hậu, tả hữu  thông  thoáng, ra vào rất tiện lợi. Đường trên ngõ dưới có phép tắc. Trần Quốc Tuấn nói:
   - Ta thường nghe nói Cốt Đãi Ngột Lang là người giỏi cầm quân, nay xem y cắm trại mới thấy quả là danh bất hư truyền.
   Lê Tần hỏi:
   - Tôi xem thế giặc đang hăng. Tiết chế định phương lược thế nào?
   Quốc Tuấn nói:
   - Nên tránh khí hăng buổi sáng, dồn sức đè bẹp cái khí nản ban chiều thì chắc thắng. Ông cứ thế này...thế này mà làm.
   Lê Tần mỉm cười có vẻ tâm đắc lắm, nói:
   - Xin tuân lệnh.
   Quốc Tuấn xuống đài trở về đại bản doanh ở Bình Lệ.
   Bên kia sông Hoài Đô nói với Cốt Đãi Ngột Lang:
   - Quân ta đã hội đủ, sĩ khí đang hăng. Xin thống tướng cho quân tiến đánh ngay ắt quân Nam không kịp trở tay.
   - Ta đâu phải không biết điều ấy nhưng các bè tre nứa còn thiếu nhiều. Chỉ cần ta bắc được cầu phao sang bên kia coi như quân Nam đã nằm trong rọ cả rồi. Ngươi hãy cùng bọn A Nhĩ Hải, Tín Thư Phúc cho quân làm suốt đêm nay, đầu giờ Mão ngày mai phải có cho ta hai nghìn bè tre để bắc cầu phao, năm trăm mảng nứa có thể chở được quân sang sông và đuổi đánh thuyền quân Nam.
   Hoài Đô nhận lệnh đi ra. Đoàn Hưng Trí đến nói:
   - Trên bãi sông có rất nhiều cây ngô non, xin thống tướng điều quân cắt về cho ngựa ăn, giữ lại lương cỏ khô để đến những ngày sau cũng tốt.
   Ngột Lang cười ha hả, nói:
   - Thế là người Nam bắt đầu cấp quân lương cho ta rồi đấy.
   Nói xong sai Bố Nhĩ Hải đem mấy nghìn quân đi cắt sạch cánh đồng ngô đem về cho ngựa ăn. Những con ngựa chiến to khoẻ lâu nay trên đường hành quân phải ăn toàn cỏ khô thóc cũ kham khổ, nay được cây ngô non ngốn lấy ngốn để. Con nào cũng bạnh cổ ra nuốt cái thứ cây phương Nam ngon ngọt.
   Đầu giờ Mão hôm sau, Cốt Đãi Ngột Lang họp các tướng, truyền lệnh:
   - A Truật, A Nhĩ Hải đem một vạn quân lên năm trăm chiếc bè, đánh nhau với binh thuyền quân Nam bảo vệ cho đội quân bắc cầu phao. Đoàn Hưng Trí, Tín Thư Phúc đem một vạn quân Bắc Thoán đưa hai nghìn bè tre xuống sông bắc ba hàng  cầu phao. Triệt Triệt Đô cùng ta khi nào xong cầu phao, cho kị binh sang sông đánh vào trại quân Nam. Hoài Đô, Bố Nhĩ Hải trông coi hậu quân, lương thảo cho sang sông, khi sang đến bên kia điều lính cắt hết cây ngô ở bờ bên ấy mang đi làm thức ăn dự trữ vài ngày cho ngựa.
   Các tướng nhận lệnh ra quân. Cứ mười người một bè tre hoặc bè nứa khiêng ra sông, quân nào theo tướng ấy ào ào kéo đi như thác đổ, chỉ trong chốc lát đã kín đặc mặt nước.
   Bên kia Lê Tần trên đài cao đã nhìn thấy mới cầm cây cờ lệnh phất một cái, mười bốn chiếc thuyền châu kiều tiến về phía quân Thát đang xúm xít bắc cầu phao; gần đến nơi hai mươi tám giàn lệ chi pháo cùng phóng đạn. Đạn đá rơi như mưa xuống đám quân Bắc Thoán  nhiều đứa vỡ đầu chết trôi ngay trên sông, máu loang đỏ cả nước, tiếng kêu gào váng cả trời đất. A Truật, A Nhĩ Hải đem năm trăm chiếc mảng nứa xông ra, cho cung thủ nhất tề bắn trả, tên bay như mưa rào, tiếng reo hò sôi cả mặt sông. Lúc ấy một nghìn bốn trăm cây nỏ mạnh trên các thuỳên châu kiều mới theo hiệu lệnh bắn ra. Quân A Truật, A Nhĩ Hải không sao chống đỡ nổi, lăn xuống nước chết vô số. Vả lại quân Thát không thạo nghề chèo chống trên mặt nước, làm bè mảng nhiều cái xoay tít va vào nhau mà vỡ. Quân sĩ rơi xuống sông chết đuối không có người vớt, kêu la inh ỏi. Lê Tần cho nổ một tiếng pháo, năm mươi sáu chiếc thuyền mông đồng cùng tiến sang. Quân Thát liệu thế không địch nổi dạt cả lên bờ, bỏ lại cơ man bè mảng trôi phập phều trên sông. Bên kia Lê Tần cho nổi chiêng thu quân về hữu ngạn. Cốt Đãi Ngột Lang kiểm điểm quân mã, thiệt mất một nghìn rưởi quân Bắc Thoán và gần một nghìn quân Mông Cổ, ngồi buồn rầu chưa biết nên tìm cách gì để sang sông thì Hoài Đô đến, nói:
   - Quân ta không có thuỷ binh mà người Nam lại rất giỏi thuỷ chiến, nếu không dùng kì binh ắt không thắng được chúng.
   Cốt Đãi ngột Lang bảo:
   - Nay ta mới biết thế nào là Miền Bắc cưỡi ngựa, phương Nam chèo thuyền. Ngươi có mẹo gì không?
   - Trình nguyên soái! Muốn sang được sông nhất định phải làm thế này... mong nguyên soái minh xét.
   Cốt Đãi Ngột Lang cười ha hả, nói:
   - Phải lắm! Phải lắm! Quả là trời đã cử ngươi giúp ta.
   Nói xong liền cho gọi bọn A Truật, Triệt Triệt Đô, A Nhĩ Hải, Đoàn Hưng Trí vào nhận mật lệnh. Đến đêm, trời trở rét mưa bay mù mịt trên sông, tối như bưng, giáp mặt không nhìn thấy nhau. Canh ba, A Truật, A Nhĩ Hải cho quân khiêng bè nứa ra sông reo hò thách đánh làm nghi binh thu hút sự chú ý của quân Đại Việt nhưng không dám tiến sang mà cũng chỉ thấy quân Đại Việt reo hò chứ không có thuyền tiếp chiến. Trong khi đó bọn Đoàn Hưng Trí, Tín Thư Phúc đem số quân Bắc Thoán lên phía thượng nguồn bắc cầu phao, đến gần sáng thì xong. Tín Thư Phúc cho đốt hàng trăm hoả bè thả xuôi cho trôi vào thuỷ trại quân Đại Việt. Lửa bốc lên soi sáng cả một dải sông nhưng chẳng thấy thuyền bè của quân Việt đâu. Mờ sáng, Cốt Đãi Ngột Lang cùng Triệt Triệt Đô mang kị binh sang sông đánh thẳng vào trại quân Việt cũng không có ai chống đỡ, dưới sông không thấy thuyền bè nào cả. Bọn A Truật, A Nhĩ Hải cho quân đẩy bè sang sông. Cốt Đãi ngột Lang đang bối rối không biết Lê Tần đem quân biến đi đằng nào thì thấy một đám lính khinh kị của Đại Việt thấp thoáng phía cánh rừng xa, liền bảo Triệt Triệt Đô:
   - Ngươi đem một nghìn quân kị đuổi bọn kia, bắt cho được vài tên. Ta sẽ đem quân tiếp ứng cho.
   Triệt Triệt Đô đem bọn dũng sĩ Cổ Hà Cáp Hoa, Ngạc Cáp Đan cùng một nghìn kị binh đuổi miết suốt hai ngày nhưng quân Việt toàn kị binh nhẹ chạy nhanh, không sao đuổi kịp được. Chiều ngày thứ ba tới một cánh đồng rộng, phía trước có sông chắn ngang, mà đám kị binh Đại Việt lên thuyền sang bên kia sông mất rồi, Triệt Triệt Đô bảo các tướng:
   - ở đây trống trải, không biết là nơi nào?
   Có tên lính chinh thám người Bạch Man nói:
   - Trình tướng quân! Cánh đồng này gọi là Bình Lệ, dòng sông kia là Bình Lệ nguyên.
   Triệt Triệt Đô nói:
   -Ta nên đóng trại lại đợi nguyên soái đến rồi sẽ liệu.
   Nói xong lệnh  cho  quân sĩ xuống ngựa cắm trại giữa đồng nghỉ. Cuối canh  một, bọn A Truật, A Nhĩ Hải, Đoàn Hưng Trí, Tín Thư Phúc cũng lần lượt lục tục kéo đến, lúc ấy là đêm mười một tháng chạp năm Nguyên Phong thứ bảy (Đinh Tỵ-1257). Cốt Đãi Ngột Lang dẫn các tướng ra sông ngắm sang bên kia, chỉ thấy trời tối đen như mực, không biết quân tình Đại Việt thế nào, dưới sông cũng không có ánh đèn lửa thuyền bè gì cả mới bảo Tín Thư Phúc:
   - Ngươi cử ngay mấy đội do thám sang sông xem quân Nam ở bên ấy nhiều hay ít.
   Mấy đội do thám về đều báo bờ bên kia không có quân Nam. Cốt Đãi Ngột Lang chắc mẩm quân Đại Việt sợ hãi đã bỏ đi hết. Số là hôm trước ở ngã ba Bạch Hạc, Quốc Tuấn đã dặn Lê Tần chỉ cần đánh một trận cho chúng nhụt nhuệ khí đi rồi rút quân về Bình Lệ hợp với quân của nhà vua, phục sẵn chờ quân giặc tới, để một đội khinh kị nhử cho quân Thát đi đúng vào nơi đã mai phục.
   Tại Bình Lệ, Trần Khuê Kình nói:
   - Quân Thát đến nhất định không dám sang sông ngay. Ta nên nhân lúc giặc chưa lập xong trại, tung quân vào đánh chắc thắng to.
   Trần Quốc Tuấn nói:
   - Quân giặc mới đến, nếu ta đánh ngay chắc chỉ có số quân đi trước không đáng kể, có thắng thì thắng nhỏ mà lại phô mất lực lượng của mình, phí công mai phục, đợi chúng đến đông mới đánh, khó cho ta vì bên kia toàn đồng trống rất thuận tiện cho kị binh của chúng. Chi bằng ta đem quân phục sẵn trong các cánh rừng bên này, các thuyền chiến tạm lánh vào khe lạch và bãi lau, lập thành Điểu Vân trận. Giặc không thấy quân ta, ắt khinh suất mà tiến. Khi chúng sang  sông,  quân  huỷ  bộ  của  ta  đổ  ra  đánh  mới có thể toàn thắng được. Trong thiên Thiểu chúng, Thái công có nói: Đánh vào lúc địch chưa kịp vượt sông. Hậu quân địch còn chưa xuất quân nhưng Tôn tử, Ngô tử cũng có nói địch đến giữa sông thì đánh. ý của ta là như vậy.
   Các tướng nghe theo, ai mang quân ấy đi mai phục. Lê Tần cũng mang thuỷ quân  lánh vào các bờ lau sậy.
   Sáng sớm hôm sau mười hai tháng chạp, Cốt Đãi Ngột Lang đổ quân ra sông, bắc cầu phao vượt sang. Khi quân sĩ đã xuống sông quá nửa, nghe thấy bên hữu ngạn nổ một tiếng pháo, cơ man là thuyền chiến trong các ngách sông, bãi lau kéo ra. Tiếng binh lính hô: Giết! Giết! Vang ầm trời đất. Quân Thát hốt hoảng định thoát lên bờ nhưng không kịp, bị tên đạn bắn chết rất nhiều, xác nổi trên sông như cá ruộng cạn nắng tháng sáu. A Nhĩ Hải bị một viên đá lệ chi đập vào mặt, máu chảy ướt đẵm ngực. Hoài Đô nói với Cốt Đãi Ngột Lang:
   - Nguyên soái tạm cho lui binh. Tôi xin hiến kế khác có thể sang sông được.
   Cốt Đãi Ngột Lang vội vã cho khua chiêng thu quân. Quân Thát nghe tiếng chiêng, chen nhau lên bờ chạy như vịt, bị tên đạn của quân Việt bắn đuổi theo, chết đầy bãi sông. Hoài Đô nói với Cốt Đãi Ngột Lang:
   - Tôi nghe nói vua Nam mới dùng một viên tướng trẻ làm nguyên soái, tên là Trần Quốc Tuấn. Người này trí dũng song toàn, tinh thông thao lược. Cứ xem cách phục binh thì rõ ràng y đã dùng thế trận Điểu Vân để đánh ta. Ta phải tương kế tựu kế mà đánh lại mới có cơ thắng được.
   Cốt Đãi Ngột Lang hỏi:
   - Vậy bây giờ ta phải làm thế nào?
   Hoài Đô ghé vào tai Ngột Lang nói thầm mấy câu. Ngột Lang gật gật lia lịa, nói:
   - ừ !Được! Được.
   Nói xong gọi Triệt Triệt Đô vào, dặn:
   - Ta cho ngươi năm nghìn quân, lấy Tín Thư Phúc cùng đi. Ngươi đem xuống hạ lưu vượt sông sang bên kia. Không được đánh nhau. Khi nào thấy quân Nam sang bờ bên này đuổi quân ta, ngươi đánh vào phía sau chúng, cướp hết thuỳên bè, không cho chúng có đường rút. Ta đem quân đánh quay lại nhất định bắt được vua Nam.
   Lại dặn Cổ Hà Cáp Hoa và Ngạc Cáp Đan:
   - Ta cho hai ngươi mang một nghìn quân ra bờ sông khiêu chiến, vừa đánh vừa lui, nhử cho quân Nam đuổi lên bờ, cứ việc chạy. Quân Nam đuổi xa bờ sông là chui vào bẫy của ta rồi.
   Nói xong gọi bọn A Truật, Bố Nhĩ Hải, Hoài Đô, Đoàn Hưng Trí nhổ trại rút đi. Cổ Hà Cáp Hoa, Ngạc Cáp Đan đem một nghìn quân ra sông dàn hàng bắn tên xuống thuyền Đại Việt, reo hò thách đánh. Trung Thành vương và Bùi Khâm cho thuyền tiến sát vào bờ, hô quân xông lên đuổi đánh. Trần Quốc Tuấn trên đài trận trông thấy vội hạ lệnh khua chiêng thu quân. Nhà vua đứng cạnh, hỏi:
   - Quân ta đang đuổi giặc sao tiết chế lại cho khua chiêng lui binh?
   Quốc Tuấn nói:
   - Tâu hoàng thượng! Binh thư có nói giặc chạy thật thì cờ xí nghiêng ngả, quân ngũ lộn xộn. Nay quân Thát chạy mà cờ quạt nghiêm chỉnh, hàng ngũ không loạn, ắt muốn nhử quân ta sang sông để chúng dễ bề dùng kị binh mà đánh rồi cho một mũi bọc hậu cướp thuyền bè, quân ta nguy ngay.
   Lê Tần nói:
   - Tiết chế nói rất đúng. Dưới hạ lưu có một chỗ sông rộng nhưng nước nông. Tôi e quân Thát đã theo đó mà sang rồi cũng nên.
   Quốc Tuấn nói:
   - Điều đó tôi cũng đã tính đến, cho người chặn giữ rồi. Giặc sang tất có ngựa về báo.
   Còn đang nói, có phi mã về báo quân Thát đã theo phía hạ lưu sang sông rồi. Nhà vua nói:
   - Quả không ngoài dự đoán của tiết chế.
   Quốc Tuấn bảo Trần Khuê Kình:
   - Ông đem quân tiếp ứng cho cánh ấy. Phải đánh tan đội quân đó, đại quân của chúng mới hết hi vọng sang sông.
   Lại cho Trung Thành vương cấp tốc đưa binh thuyền xuống đánh ngang vào đội hình quân giặc. Khi thuyền của Trung Thành vương tới nơi, quân Thát cũng sang sông gần hết. Đạo quân của Trần Khuê Kình vây bọc quân Thát, buộc lòng Triệt Triệt Đô phải giao chiến. Triệt Triệt Đô, Tín Thư Phúc dẫn đầu đám kị binh xông lên. Trần Khuê Kình cho lệ chi pháo, Hồi Hồi pháo và các giàn nỏ cùng bắn chặn lại. Người ngựa quân Thát chết chồng chéo lên nhau. Hai bên đang kịch chiến, bên kia sông có đạo quân kỵ của A Truật tiến đến, ào cả xuống sông lội sang. Thì ra Cốt Đãi Ngột Lang thấy quân Đại Việt không đuổi, biết là mưu kế của mình đã hỏng, lại thấy bọn Triệt Triệt Đô, Tín Thư Phúc không quay lại, mới bảo A Truật đem kỵ binh đi tiếp ứng. Lúc ấy A Nhĩ Hải bị thương, đau lắm, đang nằm trong xe, bảo Cốt Đãi Ngột Lang:
   - Tôi chắc Triệt Triệt Đô sang được sông rồi. Nếu nguyên soái cho A Truật sang hãy đánh dọc theo bờ sông ngược lên để chia cắt thủy binh với bộ binh của chúng không cho liên hệ với nhau. Nhất định quân chúng rối loạn. Ta nhân đấy mới sang sông được.
   Cốt Đãi Ngột Lang nghe theo, cho A Truật cứ y kế thi hành. Triệt Triệt Đô, Tín Thư Phúc thấy có quân tiếp viện càng đốc quân đánh dấn vào. Trần Khuê Kình cho nổi một hồi tù và. Quân Đại Việt lui dần về phía bìa rừng. Quân Thát đuổi theo. Bỗng một tiếng pháo nổ. Hơn năm mươi thớt voi chiến trong rừng xông ra, tiếng gầm rống kinh thiên động địa làm cho ngựa chiến của quân Thát sợ hãi quay đầu ù té chạy. Trần Khuê Kình thúc quân vây đánh. Đến khi A Truật sang được sông thì năm nghìn quân của Triệt Triệt Đô đã chết gần hết, Triệt Triệt Đô, Tín Thư Phúc đem quân nhập với quân của A Truật theo bờ sông cố chết đánh lên. Trần Quốc Tuấn cho đội khinh kỵ ra chặn nhưng kị binh Đại Việt đánh không lại với kỵ binh Mông Thát, bị chết hại nhiều lắm. Trần Thái tông thấy thế, rút cây bảo kiếm vẫy một cái, dẫn đầu đội long kỵ, cùng thái tử Hoảng xông vào đám quân Thát, đánh rát một hồi, làm quân Thát chùn hẳn lại nhưng quân long kỵ cũng tổn thất nhiều. Trong lúc ấy Cốt Đãi Ngột Lang xua quân xuống sông bắc cầu vượt sang. Hoài Đô nói với binh lính:
   - Thắng bại chỉ có lúc này, không gắng sức xông lên thì chịu chết cả dưới sông hay sao?
   Nói xong tự đẩy bè xông vào đánh nhau với thuyền Đại Việt. Thuỷ binh Đại Việt tuy mạnh nhưng đã mất tuyến chi viện trên bờ mà mấy vạn quân Thát tràn cả xuống sông, không sao cản nổi nữa. Bọn Đoàn Hưng Trí, Cổ Hà Cáp Hoa, Ngạc Cáp Đan đã sang được bờ liền đánh thốc lên hợp với bọn A Truật tấn công quân Đại Việt. Trần Thái tông vẫn đang xông pha đánh giết trong đám quân Mông Thát. Tên đạn loạn xạ. Đội quân long kỵ đã lúng thế, không chặn được đám kỵ binh Mông Thát. Vua ngoảnh lại trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (Lê Tần) một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không. Lê Tần ra sức đánh đỡ che chắn bảo vệ Thái tông cùng thái tử.
   Đang khi nguy cấp bỗng thấy phía sau quân Thát rối loạn, bỏ chạy tứ tung. Hoá ra Trần Khuê Kình đã kịp mang đội tượng binh đến cứu giá. Trần Quốc Tuấn cũng thúc quân đánh dốc xuống, tạm đẩy lui quân Thát. Bùi Khâm nói:
   - Xin hoàng thượng dừng lại ở binh trạm, chỉnh đốn quân ngũ để tiếp tục chiến đấu.
   Nhà vua nói:
   - Được! Ta quyết sống mái với quân Thát phen này.
   Lát sau nhà vua đem ý ấy nói với Lê Tần. Tần quỳ xuống tâu:
   - Nếu bệ hạ làm như vậy chẳng qua chỉ là dốc túi đánh một ván thôi, hãy tạm lánh chúng rồi liệu sau thì hơn.
   Trần Quốc Tuấn cũng nói:
   - Quân Thát tuy thiệt hại rất nhiều nhưng chúng đã sang được sông. Kỵ binh của chúng còn mạnh. Nếu ở lại quyết chiến thì quân ta phải chịu tổn thương nặng. Lời bàn của Lê tướng quân là rất sáng suốt. Xin hoàng thượng xét cho.
   Nhà vua nói:
   - Tiết chế cũng nói như vậy, ta nên lui binh.
   Quốc Tuấn nói:
   - Tướng quân Lê Tần và tướng quân Trần Khuê Kình hộ giá nhà vua rút theo đường bộ đi trước về bến Lãnh Canh. Trung Thành vương, lão tướng Bùi Khâm cùng tôi sẽ đi đường thuỷ, đem binh thuyền về Lãnh Canh đón hoàng thượng.
   Lúc ấy quân Thát lại ồ ạt xông đến. Trần Khuê Kình đi trước mở đường cho nhà vua, gặp ngay Cổ Hà Cáp Hoa. Hai bên đánh nhau ba bốn hiệp. Khuê Kình giả vờ thua chạy. Cổ Hà Cáp Hoa đuổi sát tới tung quả truỳ sắt đập sang. Khuê Kình né người tránh được, quay ngoắt lại, tay trái đẩy vào vai Cáp Hoa, tay phải chém một nhát kiếm cực mạnh. Cáp Hoa bật cả mũ trụ, đứt nửa mặt lăn xuống chết. Quân Thát thấy Khuê Kình dũng mãnh như một vị thần, lùi cả lại. Đoàn quân củaThái Tông vì thế đi thoát.
   Trần Quốc Tuấn thấy nhà vua đã đi xa, cho quân vừa đánh vừa rút xuống thuyền, nhổ neo xuôi dòng mà đi. Cốt Đãi Ngột Lang hô quân cung tên bắn xuống nhưng không làm gì được. Bọn Triệt Triệt Đô, Tín Thư Phúc, A Truật đến ra mắt Cốt Đãi Ngột Lang, trình lại mọi việc. Ngột Lang đang lúc cáu tiết vì  mưu kế hỏng bét, không bắt được vua Đại Việt lại thiệt gần vạn nhân mã, mắng Triệt Triệt Đô:
   - Ta cho ngươi Năm nghìn quân, bây giờ đâu cả? Ta dặn ngươi sang sông không được giao chiến chỉ cốt cướp thuyền, vậy thuyền ngươi cướp được đâu?
   Triệt Triệt Đô không biết nói sao, cúi đầu chịu trận. Cốt Đãi Ngột Lang gọi quân mang Thuốc độc đến bắt Triệt Triệt Đô tự xử. Các tướng đều quỳ xuống khóc như mưa xin cho Triệt Triệt Đô. Tín Thư Phúc nói:
   - Tôi là phó tướng, nếu tiên phong có tội thì tôi há không có tội hay sao? Tôi nguyện cùng chịu tội với tiên phong.
   Ngột Lang nói:
   - Nhà ngươi cũng có tội, nhưng xưa nay việc quân trách nhiệm ở người chánh tướng. Ta để đường cho ngươi đới công chuộc tội, còn Triệt Triệt Đô tội đã rõ ràng chẳng thể tha.
   Cốt Đãi Ngột Lang nói xong bỏ ra ngoài, lệnh cho các tướng mang quân đuổi theo vua Đại Việt. Triệt Triệt Đô nói:
   - Ta một đời thanh gươm yên ngựa, lẽ nào lại chết bằng thuốc độc như bọn đàn bà.
   Nói xong quay về Bắc, lạy ba lạy, rút kiếm đâm cổ chết. Bọn Hoài Đô, Bố Nhĩ Hải, Đoàn Hưng Trí cùng các tướng thấy Triệt Triệt Đô chết thê thảm như vậy, ai cũng thương xót. Trong trận này dũng tướng Ngạc Cáp Đan xông pha lập nhiều công trạng được Ngột Lang lấy làm tiên phong thay Triệt Triệt Đô.
 
*
   Lê Tần cùng Trần Khuê Kình bảo vệ Thái tông đi chưa lâu thì quân Thát đuổi tới. Chỗ này đồi thấp lúp xúp, cây cối rậm rạp, cỏ lau chằng chịt. Mấy viên thị vệ xin Thái tông dừng lại lập trại đánh giặc. Lê Tần gạt đi, nói:
   - Nơi  này thế đất thiên la không thể trú quân. Tướng quân  Khuê Kình hộ giá đi cho nhanh để tôi cản giặc.
   Nói xong, Lê Tần lấy một trăm kị sĩ mang cung nỏ nấp trong các lùm cây hai bên, một mình hoành giáo đứng cản giữa đường, đợi tiền quân giặc vừa tới, chẳng nói chẳng rằng xông thẳng lên đâm chết mấy tên. Lính Thát lùi cả lại. Lê Tần quay ngựa lững thững bỏ đi. Quân Thát liền đuổi theo. Lê Tần vẫy ngọn giáo một cái, một trăm cây nỏ cùng bắn ra. Mấy chục lính Thát trúng tên. Tiên phong Ngạc Cáp Đan cũng bị một mũi tên xuyên vào cánh tay hữu. Quân Thát tưởng có đông phục binh, không dám đuổi. Lê Tần mang một trăm kị sĩ theo kịp Thái tông, không mất người nào. Nhà vua bảo:
   - Khanh đúng là Triệu Tử Long của trẫm.
   Cốt Đãi Ngột Lang đến nơi, nghe Ngạc Cáp Đan báo có phục binh liền lên chỗ cao đứng ngắm, nói:
   - Các ngươi chỉ thần hồn nát thần tính, làm gì có phục binh. Chỗ này là đất thiên la, ai dám cho quân vào đấy mà ẩn bao giờ. Mau đuổi gấp đi.
   Ngạc Cáp Đan bị thương không đánh nhau được. Cốt Đãi Ngột Lang gọi A Truật lên làm tiên phong.
   Vua Trần về gần đến sách Cụ Bạn, quân Thát cũng sắp đuổi tới. Phía trước lại thấy bụi bay mù mịt, một đội quân đang tiến đến nhanh như gió lốc. Thái tông bảo:
   - Phía sau có giặc đuổi, phía trước có quân đến, ta phải cố mà đánh không chết cả.
   Trần Khuê Kình nói:
   - Bệ hạ cứ yên lòng, để thần ra xem phía trước là quân nào.
   Nói xong, Khuê Kình phi ngựa lên. Tướng kia đến gần hoá ra là Phạm Cụ Chích. Số là Trần Quốc Tuấn đã cho thuyền chiến về đến bến Lãnh Canh nhưng chưa thấy Thái tông,
mới bảo các tướng:
   - Hoàng Thượng đi đường bộ, ta e giặc có thể đuổi kịp, Lê Tần và Khuê Kình tuy khoẻ nhưng ít quân lại mệt cả, sợ không cản nổi giặc. Ai có thể đem quân đi tiếp viện?
   Phạm Cụ Chích bước ra, nói
   - Tôi là người vùng này, thông hiểu đường lối. Xin để tôi đi.
   Quốc Tuấn liền cho Phạm Cụ Chích năm trăm kị binh tức tốc đi ngay. Lúc ấy gặp Trần Khuê Kình, Phạm Cụ Chích hỏi:
   - Hoàng thượng đâu?
   - Bệ hạ còn ở phía sau kia.
   Cụ Chích đến bái kiến nhà vua, nói:
   - Xin hoàng thượng cứ đi, bến Lãnh Canh không còn xa. Tiết chế đang đợi bệ hạ ở đó. Để thần chặn giặc lại.
   Nói xong đem năm trăm tráng sĩ chặn ngang đường chờ quân Thát đến.
   A Truật đi tiên phong. Được một lúc gặp Phạm Cụ Chích chặn mất đường. A Truật quát:
   - Ngươi là tên nào? Tài đảm được bao nhiêu mà dám cản đường ta? Biết điều xuống ngựa hàng đi. Phụ thân ta sẽ dùng làm quan hướng đạo.
   Cụ Chích biết đó là A Truật, con của Cốt Đãi Ngột Lang, bảo:
   - Hướng đạo hử? Ta sẽ hướng cho cha con nhà ngươi vào đường địa phủ.
   A Truật tức quá xông vào đánh Cụ Chích. Đoàn Hưng Trí đánh trống thúc đội kị binh Bắc Thoán ào cả lên vây bọc năm trăm chiến binh Đại Việt. Hai bên xô vào nhau hỗn chiến. Phạm Cụ Chích đang đánh với A Truật, bị Tín Thư Phúc chém một nhát, không kịp đỡ, lăn xuống chết. Mấy chục tráng sĩ Đại Việt xông đến cướp xác đưa lên ngựa chạy vào rừng.
   Trần Thái tông về đến bến Lãnh Canh, đoàn thuyền của Trần Quốc Tuấn đã chờ sẵn ở đấy, liền đón tất cả quân sĩ lên thuyền, đang nhổ neo, quân Thát đuổi tới. Cốt Đãi Ngột Lang cho quân cung thủ nhắm cả vào thuyền long phụng của nhà vua mà bắn. Tên bay như vãi trấu. Lê Tần đứng cạnh cầm mộc che cho vua từ từ rút về sông Cà Lồ để đến Phủ Lỗ là nơi có trận địa của hầu tướng Vương Lâm. Đường bộ dần dần tách xa đường sông nên quân Thát không theo được nữa. Khi đến sông Cà Lồ, Vương Lâm mang thuyền nhẹ ra đón lên quân doanh. Lê Tần sai quân Phá cầu Phù Lỗ để quân giặc không sang được. Trung Thành Vương nói:
   - Ngày xưa Dực Đức phá cầu Tràng Bản mà Tào Tháo dám sang sông. Huyền Đức chê Dực Đức là kém mưu. Sao tướng quân còn phá cầu đi?
   Lê Tần nói:
   - Ngày xưa ở trận Tràng Bản, Lưu bị dùng kì binh để chống Tào Tháo nên mới làm như vậy. Ngày nay ta lấy chính binh mà đánh không thể áp dụng như thế được.
   Trần Quốc Tuấn nói:
   - Lê tướng quân nói rất phải. Nơi đây cũng không thể giữ lâu dài được. Xin hoàng thượng lui về Thiên Mạc hội quân với thái sư. Cho dân trong thành Đại La lánh ra ngoài, chôn giấu hết lương thực. Hoàng gia cũng lánh cả về Thiên Trường. Bỏ thành không cho giặc vào. Đấy chính là tử địa của chúng. Lúc ấy thần khắc có kế hay, chỉ cần đánh một trận là quét sạch bọn chúng.
   Bỗng có một tướng bước ra nói lớn:
   - Việc ấy quyết không thể được. Kinh thành là nơi tôn miếu xã tắc, trăm họ trông về, không thể để giặc Thát vào giày xéo. Tôi thà chết chứ không dám tuân lệnh ấy.
   Thế mới là:
              
       Muốn giăng lưới rộng lừa cá lớn
       Còn ngại kình ngao cắn dây rường.
  
   Chưa biết tướng ấy là ai, chương sau xin nói rõ.

------------------------ 

(Mời bạn đọc vào xem các chương khác theo đường dẫn sau: http://clbvanchuong.com/dat-viet-troi-nam-b72.html)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)