bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 95
Trong tuần: 982
Lượt truy cập: 630304

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (5)

Đan Thành

Nguyễn Nộn phản bạn đánh chiếm Hồng châu
Phạm Hữu gặp thầy học nghề Đại ấp
 
   Trên kia đang nói Bà Liệt thấy mẹ chết, đau buồn quá liền rút gươm tự sát. Viên hiệu uý đứng cạnh vội giật lấy thanh gươm. Thượng hoàng cũng ôm con an ủi, truyền dùng lễ hoàng phi an táng Mai Thị, sai Bà Liệt mang lính về quê lập đền thờ mẹ.
   Thượng hoàng nhà Lý lúc bấy giờ đã gọi là Huệ Quang đại sư, từ khi ra ở chùa Chân Giáo, trong lòng buồn phiền, khí sắc hao gầy. Các vị tăng chúng thấy vậy thương lắm, thường chuyện trò để người khuây khoả. Hôm ấy ngày rằm tháng bảy, nhà chùa cúng cháo thí cho các vong hồn. Huệ Quang bảo:
   - Các cô hồn còn được nhà chùa cúng tế, hồn phách cha mẹ ta chẳng biết giờ đây phiêu bạt nơi nào, có ai cúng lễ cho không.
   Nói xong ôm mặt khóc rưng rức. Sư cụ trụ trì biết Huệ Quang chưa dứt được lòng phàm mới sai hai chú tiểu mang tiền đưa Huệ Quang ra chợ chọn mua lễ vật về đặt ban thờ riêng cúng cha mẹ. Người phủ thái sư biết, về báo với Trần Thủ Độ
   - Thượng hoàng nhà Lý ra chợ chơi, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, nhiều người thương khóc. Xin thái sư định liệu, để lâu tất không hay.
   Thủ Độ nói:
   - Dù sao Huệ Quang cũng từng là một vị hoàng đế, ngươi truyền lệnh ta cho các sư tăng ở chùa Chân Giáo không được để ông ấy đi đâu, nhỡ bệnh cũ tái phát nguy đến tính mạng đó, bảo họ phải phụng sự cẩn thận.
   Lệnh ấy của Thủ Độ làm ra vẻ quan tâm giữ gìn cho Huệ Quang nhưng thực tình chỉ muốn giam chặt lại, không cho đi đâu sợ mọi người trông thấy sinh lòng nhớ vua cũ. Mấy hôm sau Thủ Độ cho mời Phùng Tá Chu và Lê Khâm đến bàn. Phùng Tá Chu nói:
   - Thượng hoàng nhà Lý bây giờ đã như cái hạt luộc chín, thái sư cần gì phải lo.
   Thực ra Phùng Tá Chu tuy thờ nhà Trần nhưng trong lòng vẫn còn chút tình thương vua nhà Lý mới nói như vậy để Trần Thủ Độ tha cho Huệ Quang. Lê Khâm thì khác, với tinh thần Bất cộng Lý gia1, ông ta nói:
   - Cây khế đã chặt đi, còn sót có cái rễ mà sau mọc lớn hơn cây mẹ.
   Thủ Độ là người sáng dạ, chỉ cần được người khác gợi ý một, lập tức có thể hiểu mà thực hiện gấp năm gấp mười. Lời của Lê Khâm chỉ muốn nhằm vào một mình Huệ Quang, chẳng ngờ làm Thủ Độ nảy ra ý phải diệt cả họ hàng nhà Lý. Sang tháng Tám, Thủ Độ ra chơi chùa Chân Giáo, lúc ấy Huệ Quang đang ngồi xổm nhổ cỏ. Thủ Độ nói:
   - Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu2.
   Huệ Quang đứng dậy phủi tay nói:
   - Điều ngươi nói ta hiểu rồi2
   Mấy hôm sau, Thủ Độ sai người bày biện hương hoa đến bảo Huệ Quang:
   - Thượng phụ sai thần đến mời2.
   Huệ Quang nói:
   - Ta tụng kinh xong sẽ tự tử2.
   Huệ Quang vào trong phòng khấn rằng;
   - Thiên hạ nhà ta về tay ngươi, ngươi lại còn giết ta, ngày nay ta chết, đến khi khác con cháu nhà ngươi cũng bị như thế2.
   Khấn xong ra vườn sau thắt cổ tự tử, năm ấy Huệ Quang mới ba mươi ba tuổi. Các nhà sư thấy vậy thương khóc thảm thiết. Các quan đại thần trong triều cũng đến khóc lạy chịu tang. Trần Thủ Độ không cho đưa tang ra lối cửa chính mà bắt khoét tường thành phía Nam làm cửa, gọi là cửa khoét, đem linh cữu ra phường Yên Hoa thiêu, chứa xương vào tháp chùa Bảo Quang. Dân chúng đi đưa khóc như mưa gió. Chiều hôm ấy lính canh bắt mấy người dân thường đến trình với Trần Thủ Độ rằng bọn người này trong khi đi đưa tang đã nói những lời xúc phạm hoàng thượng và đức ông thái sư thống quốc, xin thái sư trị tội. Thủ Độ bảo:
   - Xét cho cùng chúng cũng chỉ vì lòng trung mà nói như vậy. Ta không nỡ trách phạt. Thôi! Thả hết chúng đi.
   Đám dân thường ấy mới biết Trần Thủ Độ cũng là người nghĩa khí, cùng nhau thụp lạy tạ ơn.  
   Huệ Quang chết rồi, Trần Thủ Độ tâu với vua Trần giáng thái hậu Trần Thị Dung làm Thiên Cực công chúa, gả cho mình làm vợ, lại ban cho châu Lạng làm ấp thang mộc. Việc này khiến người đời sau hết lời chê trách. 
   Mùa thu tháng tám năm Kiến Trung thứ tư (1228), vua Trần phong anh là Trần Liễu làm thái uý. Phùng Tá Chu tâu:
   - Nay trong triều đã yên định, quân thế đủ mạnh, lương thảo dồi dào xin hoàng thượng lo mặt tả ngạn để thiên hạ thu về một mối.
   Trần Thái Tông hỏi:
   - Muốn sang tả ngạn phải làm thế nào?
   Phùng Tá Chu tâu:
   - Nhà Tống vẫn muốn đánh Đại Việt ta, nhưng hiện nay họ đang cùng người Thát đánh nước Kim. Quân Kim tuy mạnh nhưng không thể cùng một lúc chống với hai kẻ địch hung bạo như Mông và Tống, trước sau gì cũng phải tan vỡ. Người Thát là giống sài lang hiện đã đánh chiếm hết cả miền Tây Hạ, khi nước Kim đã diệt rồi, ắt sẽ đến lượt nước Tống. Tống, Mông nước nào thắng cũng không thể bỏ qua Đại Việt, nếu nước ta cứ trong tình trạng chia năm xẻ bảy thế này sao đủ sức chống được giặc mạnh. Còn việc nên làm thế nào, thần chắc quan thái sư đã có kế sách.
   Thái Tông quay nhìn thái sư Trần Thủ Độ. Thủ Độ tâu:
   - Thần xin đem quân sang sông, trước chiếm đất Tế Giang, Gia Lâm làm bàn đạp, sau đánh chiếm Đằng châu, chiếm được hai nơi ấy thì Hồng châu thượng hạ như trong lòng bàn tay rồi. Mặt khác, xin hoàng thượng gia phong thêm cho Nguyễn Nộn để y không đi cứu Đoàn Thượng, việc ta chắc xong.
   Lê Khâm nói:
   - Tôi xin hiến một kế để Nguyễn, Đoàn hai nhà đánh nhau; ta ở giữa thu lợi, như vậy chẳng đỡ mệt cho thái sư sao.
   Thái Tông truyền:
   - Nhà ngươi cứ nói.
   Lê Khâm tâu:
   - Nguyễn Nộn không phải là người tín nghĩa. Xưa kia nhiều kẻ theo hắn là nhờ có Đỗ Nguyên Bá sắp đặt. Nay Nguyên Bá đã chết, Nguyễn Nộn lộ nguyên hình là một gã tham tàn. Chúa thượng nên nhân việc Đoàn Thượng không nhận phong vương, đem đất thượng Hồng mà gia phong cho Nguyễn Nộn. Tôi chắc thế nào hai nhà ấy cũng hại lẫn nhau. Đây chính là kế Tào Tháo phong đất Kinh Tương cho Công Cẩn vậy.
   Trần Thái Tông nghe theo kế ấy, phái sứ giả sang phong đất thượng Hồng cho Nguyễn Nộn. Nộn họp các tướng bàn:
   - Ta có ý lấy đất Hồng châu đã lâu, nay vua Trần lại phong đất ấy cho ta nhưng sợ Đoàn Thượng không chịu, nên làm thế nào bây giờ?
   Đại tướng thuỷ quân Võ Hàn nói:
   - Từ cổ đến nay chưa ai tự dưng đem đất cho người khác. Đại vương muốn được đất ấy chỉ có cách nhân dịp này cử sứ sang đòi. Thế nào Đoàn Thượng cũng gây khó dễ. Ta mượn cớ tiến binh sang đánh mới được.
   Đại tướng tiền quân Trương Thái nói:
   - Họ Trần rất là ma giáo, đây chính là kế khích Chu Du đòi đất Lưu Bị, ai có lạ gì. Nếu ta tham một mảnh đất thượng Hồng, nhất định mắc mưu ngay.
   Nguyễn Nộn nói:
   - Ta cũng biết là như thế nhưng không lấy đất Hồng, chịu kẹp giữa hai nhà Trần, Đoàn mãi hay sao. Ma Lôi, ngươi có ý gì không?
   Phan Ma Lôi nói:
   - Tôi có một kế không những có thể lấy được đất thượng Hồng mà ngay hạ Hồng cũng về tay ta cả. Đoàn Thượng tuy ngang tàng nhưng lại dễ tin người, chỉ cần một mẹo lừa nhỏ là cơ nghiệp của hắn thành tro tàn.
   Nguyễn Nộn cười bảo:
   - Mưu kế của ngươi thế nào, cứ nói.
   Ma Lôi thưa:
   - Đại vương nên viết thư sai sứ đến nói rõ với Đoàn Thượng việc nhà Trần phong đất là kế li gián hai nhà Nguyễn, Đoàn, rồi hẹn với Đoàn Thượng cùng đem quân đánh nhà Trần. Đoàn Thượng đang hận nhà Trần, tất mang quân đi. Hạ Hồng bỏ ngỏ, ta đem quân đánh úp, hai đầu ép lại, chắc là toàn thắng.
   Trương Thái nói:
   - Kế ấy tuy hay nhưng là việc lừa người, không phải hành động của bậc quân tử.
   Ma Lôi nói:
   - Phàm đã là việc dụng binh, tranh thành cướp đất không lừa người tất bị người lừa, vậy đằng nào hơn?
   Võ Hàn nói:
   - Lời quân sư Ma Lôi rất phải, không nên vì tiểu tiết mà bỏ cơ hội lớn. Đại vương nên quyết ngay đi thôi.
   Nguyễn Nộn phán:
   - Lời Võ tướng quân rất hợp ý ta.
   Nói xong liền sai lấy bút mực viết thư cho Đoàn Thượng, mặt khác lệnh cho các tướng điểm binh sẵn sàng chờ lệnh. Cử Ma Lôi làm quân sư, toàn quyền điều vát tướng lĩnh. Từ khi Đỗ Nguyên Bá chết, truyền lại cuốn Bát thập nhất kì mưu cho Ma Lôi. Ma Lôi đêm ngày nghiền ngẫm, chẳng bao lâu đã thuộc hết các mưu mẹo như : Mồi ngon câu cá đói, thóc tốt nhử gà tồ, nhà cao cần chắc móng, vững giậu thì bền tường, giấu vuốt chờ mồi, tách trâu khỏi cỏ..., nay muốn đem ra thi thố, đêm ngày vạch kế hoạch cho Nguyễn Nộn.
 
*
 
   Đây nói về Đoàn Thượng, từ khi không đến nhận phong của nhà Trần, rút về Hồng châu xưng là Đông Hải vương, xây thành đắp luỹ tính kế lâu dài, tự mình luyện tập quân sĩ ở Thị Đức thành, cho con là Đoàn Văn giữ thành Yên Nhân khống chế cả một dải Gia Lâm, Tế Giang cho đến Đằng châu. Hôm ấy nhận được thư của Nguyễn Nộn, Thượng cho họp chư tướng, nói:
   - Ta dẫu là tội nhân của nhà Lý nhưng không bao giờ có dạ phản chủ, ngày đêm chỉ mong diệt được bè lũ nhà Trần để trấn hưng triều Lý. Nay có thư của Hoài Đạo vương hẹn cùng khởi binh, các tướng nghĩ thế nào?
   Đại tướng là Phạm Đình Khanh thưa:
   - Hoài Đạo vương tuy lâu nay kết thân với ta nhưng lòng dạ hiểm ác khó lường. Nếu ta tin ngay, cất quân đi e có điều gian dối gì chăng. Vả lại họ Nguyễn đã nhận phong của họ Trần, thường thông sứ qua lại, một khi họ hợp mưu với nhau thì ta nguy mất.
   Tả quân Mai Đức Long nói:
   - Hoài Đạo vương đã kết tình huynh đệ với đại vương ta, xưa nay chưa có điều gì khiếm khuyết. Bỗng dưng ta đem lòng nghi kị, như thế chẳng phải mang lỗi lớn lắm sao?
   Đoàn Thượng bảo:
   - Mai tướng quân nói có lý lắm. Ta dựng cờ cốt lấy chữ tín làm trọng mà lại đi nghi ngờ anh em còn ai tin ta nữa.
   Nói rồi truyền lệnh chuẩn bị, phân công Phạm Đình Khanh lĩnh tiền đội đi trước. Mai Đức Long, Trịnh Dực lĩnh tả hữu đội. Đoàn Thượng giữ trung quân đi ở giữa, sai Nguyễn Ưng đốc thúc thuyền bè theo đường sông lên bãi Cửu Liên, chọn ngày mùng hai tháng chạp tiến binh, để hai nghìn quân cho Nguyễn Hoa giữ thành Thị Đức, lại báo cho Đoàn Văn chuẩn bị quân lương vận chuyển trước đến Tế Giang.
  
*
   Nguyễn Nộn, sau khi đưa thư cho Đoàn Thượng, liền sai Nguyễn Sĩ Vinh đem năm nghìn quân đến Gia Lâm chia lẻ ra đóng làm mười trại dọc bờ sông Phú Lương, nói phao lên là hai vạn quân, cho người đưa thư giục Đoàn Thượng tiến gấp. Khi biết Thượng đã cất quân đi rồi, Ma Lôi liền cùng bọn Nguyễn Sĩ Hiển, Võ Hàn đem quân đánh úp thành Thị Đức để chẹn đường về của Đoàn Thượng, còn Nguyễn Nộn cùng Quách Thanh phục binh đánh Thượng ngang đường.
   Thị Đức là ngôi thành đắp bằng đất, bên ngoài và phía trên trồng luỹ tre gai rất dày, Nguyễn Hoa lệnh cho quân sĩ canh phòng cẩn mật chẹn ngang con đường từ huyện Thanh Miện đến bến sông Thưa. Ma Lôi trước đây theo kế của Đỗ Nguyên Bá đã huấn luyện sẵn một đội hoả công binh. Lúc ấy là cuối mùa đông cây cỏ héo tàn, thời tiết khô hanh lại có gió hây hẩy rất thuận lợi. Canh ba, Ma Lôi cho đội hoả công binh tiến sát chân thành phía Bắc, cứ cách ba mươi bước đặt một bó rơm tẩm dầu, đồng loạt đốt lên. Lửa được gió cháy như Hoả Diệm Sơn, các thân tre nổ như pháo tết. Nguyễn Hoa vừa đi tuần về, thấy bên ngoài xôn xao, chạy ra, bốn bề đã rực trời lửa sáng. Phó tướng Vũ Bình bảo:
   - Tướng quân nên chạy ra cửa Nam.
   Nguyễn Hoa nói:
   - Ta là tướng giữ thành tất phải sống chết với thành chứ có đâu lại bỏ chạy bao giờ. Nhưng ta sẽ đưa ngươi ra khỏi trùng vây, mau tìm đến cấp báo với đại vương để tránh mắc lừa quân giặc.
   Nói xong, Nguyễn Hoa múa cây côn bịt sắt dẫn Vũ Bình cùng năm tráng sĩ ra cửa Nam, ở đây lửa cháy to quá không thể ra được, lại vòng sang cửa Tây. Quân Bắc thấy có người ra thành, liền xúm lại đánh. Nguyễn Hoa không hề nao núng, rút trong người ra bốn ngọn phi tiêu, vung tay ném không sai phát nào. Quân Bắc kinh sợ dạt ra. Nguyễn Hoa bảo Vũ Bình và mấy tráng sĩ:
   - Các ngươi cứ việc đi mau, để ta chặn chúng cho.
   Vũ Bình đi rồi, Nguyễn Hoa múa tít cây côn, đánh quay lại cứu quân sĩ. Lúc ấy quân Bắc đã tràn vào thành, hai bên đánh nhau dữ dội, xác chết nằm ngổn ngang. Hoa đang xông xáo đánh lui mấy toán Bắc quân, gặp ngay Nguyễn Sĩ Hiển chặn lại nói:
   - Nguyễn Hoa! Ngươi chết đến nơi rồi mà còn hung hăng thế sao? Mau hàng ngay đi, đại vương ta cũng không bạc đãi đâu. Ta lấy tình quen biết mà đảm bảo như thế đấy.
   Nguyễn Hoa cười nói:
   - Ta biết bụng dạ đại vương nhà ngươi thế nào rồi, muốn hàng lắm nhưng cây côn này nó không cho hàng.
   Hoa nói xong, vung côn xông vào. Hai người đánh nhau đang hăng, Ma Lôi từ xa trông thấy, xem ra Sĩ Hiển không thể một mình hạ được Nguyễn Hoa, liền vác cây đại phủ xông vào đánh giúp. Nguyễn Hoa một mình qua lại đánh với hai tướng, vẻ mặt vẫn bình tĩnh như không. Võ Hàn thấy thế cũng lao tới, vây Nguyễn Hoa vào giữa. Nguyễn Hoa thấy đuối sức, vờ vụt Ma Lôi một côn rồi nhảy ra khỏi vòng, chạy đến gần ngôi nhà đang cháy, rút một cây phi tiêu dài, đợi ba tướng đuổi tới, vung tay ném. Cây phi tiêu cắm trúng giữa mặt Sĩ Hiển. Hiển chỉ kịp rú lên một tiếng, ngã lăn xuống đất chết. Hoa định quay lại đánh chẳng ngờ cây xà đang cháy rơi trúng người, lảo đảo ngã xuống, bị Võ Hàn xông đến chém chết. Quân Đông Hải thấy mất chủ tướng, chạy tan cả. Ngay ngày hôm sau, Ma Lôi  cử người ở lại giữ thành Thị Đức còn bao nhiêu quân sĩ và các tướng đều đi sang Đường An3, chặn lối về của Đoàn Thượng.
   Chiều hôm ấy Đoàn Thượng dẫn quân đến địa phận Tế Giang, hai bên đường lau sậy rậm rạp, đây đó những bạt rừng thưa rải rác. Mặt trời ngả bóng tà tà, Thượng cho quân dừng lại nấu cơm ăn bỗng đâu nổi lên một tiếng pháo lệnh, quân Bắc ba mặt ào ào xông đến chém giết. Quân Thượng không kịp trở tay bị chết hại rất nhiều. Mai Đức Long nói:
   - Có lẽ quân ta bị Nguyễn Nộn lừa thật rồi. Đây gần thành Yên Nhân, đai vương mau rút về đó ngay cho. Tôi xin đi sau cản giặc.
   Nói rồi giục Phạm Đình Khanh và Trịnh Dực bảo vệ Đoàn Thượng chạy sang thành Yên Nhân, không ngờ Nguyễn Nộn dùng kế của Ma Lôi lấy mất thành Yên Nhân rồi. Đoàn Thượng phải quay ngược trở lại, rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch, không biết chạy vào đâu. Đang lúc cùng đường bỗng thấy một đạo quân mấy trăm người đánh thốc từ hướng Tây Nam đến, tướng đi đầu chính là Nguyễn Ưng. Bốn tướng hợp sức đánh giết một hồi, cứu được Đoàn Thượng ra ngoài vòng vây. Đoàn Thượng hỏi Nguyễn Ưng:
   - Sao nhà ngươi đến kịp đây tiếp ứng cho ta?
   Nguyễn Ưng thưa:
   - Tôi xin đến đây chịu tội với đại vương. Thuyền bè bị Vương Thiện Luân lừa cướp hết mất rồi. Tôi chưa chết là muốn về đây báo để đại vương khỏi mắc vào gian kế của Nguyễn Nộn. Xin đại vương nhận một lạy.
   Nguyễn Ưng nói xong vái Đoàn Thượng một vái, rút gươm định tự sát. Mai Đức Long ngăn lại nói:
   - Lỗi này không riêng của mình bác, chính tôi có tội đầu tiên. Tôi đã khuyên đại vương tin lời Nguyễn Nộn nên mới ra cơ sự này. Bác hãy đợi tôi đi cùng.
   Nói rồi cũng định tự vẫn. Đoàn Thượng nói:
   - Nói về lỗi, chính ta mới là kẻ có tội. Nhưng bây giờ không phải là lúc trách lỗi ai cả, hãy quay về Thị Đức củng cố lại lực lượng có hơn không?
   Vua tôi đang tìm đường đi tắt qua rừng thì thấy Vũ Bình cùng mấy tráng sĩ quần áo tơi tả chạy đến quỳ thưa:
   - Đại vương ôi! Thị Đức bị Ma Lôi Đánh chiếm mất rồi. Tướng quân Nguyễn Hoa cản giặc cho tôi đến đây báo tin, không biết bây giờ sống chết thế nào.
   Nghe tin mất Thị Đức, Đoàn Thượng rất lo lắng. Lúc sau lại có đám tàn binh từ Thị Đức chạy đến báo tin Nguyễn Hoa đã giết Sĩ Hiển và chết thế nào. Đoàn Thượng nghe tin Nguyễn Hoa chết, đau xót vô cùng. Phạm Đình Khanh nói:
   - Bây giờ trước sau đều có giặc, đại vương không nên nấn ná ở đây. Ta mau tìm đường về Bàng châu4. Đất ấy xuôi về Tam Trĩ Nguyên còn mấy trăm dặm, có thể tính kế lâu dài được.
   Đoàn Thượng nghe theo, đi tắt đường sang châu Nam Sách, đến Hàn giang, nước chảy xiết lại không có thuyền bè, chưa biết tính thế nào. Trống mõ ở đâu nổi lên, quân Bắc từ các bãi ngô bãi mía xông ra đuổi đánh, tướng đi đầu chính là Trương Thái. Quân Đông Hải hết vía rụng rời, xô nhau bỏ chạy. Mai Đức Long bảo bọn Phạm Đình Khanh, Nguyễn Ưng và Trịnh Dực:
   - Các bác bảo vệ đại vương, để tôi cản giặc cho - quay lại nói với mấy viên tuỳ tướng -  Chúng ta ngày thường ăn lộc của đại vương, hôm nay xin hãy đem thân báo đền ân chủ.
   Các tướng đều nói:
   - Chúng tôi chẳng dám tiếc thân.
   Mai Đức Long cầm ngang ngọn giáo, dẫn tám dũng sĩ cản đường Trương Thái. Trương Thái chỉ tay bảo:
   - Đức Long! Ta biết ngươi là dũng tướng đời nay, cùng đường rồi sao không hàng đi, mua lấy cái chết làm chi cho uổng.
   Đức Long nói:
   - Chủ ta là người quân tử, nhất thời lỡ nhầm gian kế của lũ ngươi. Ta là đại tướng, chết thì được chứ có đâu lại theo hàng một lũ tiểu nhân.
   Trương Thái cười lớn nói:
   - Liệu ngươi có dám đỡ lưỡi đao của ta không?
   Đức Long cũng cười, nói:
   - Không giết được ngươi đâu dám nhận là dũng sĩ Hồng châu.
   Hai người lao vào đánh nhau. Quân Bắc nhất loạt tiến lên. Tám dũng sĩ Hồng châu liều chết đánh cản nhưng làm sao chặn được mấy nghìn quân Bắc, tất cả lần lượt tử thương chỉ còn mình Đức Long đánh với Trương Thái. Đức Long sợ đơn thương độc mã không làm gì nổi, mới nghĩ ra một kế, vờ kéo lê ngọn giáo chạy ra phía bờ sông Hàn. Trương Thái đuổi theo bén gót, reo lên giễu cợt:
   - Dũng sĩ Hồng châu chạy nhanh quá, đợi ta với chứ.
   Đức Long chẳng nói gì, cứ cắm đầu chạy đến sát mép nước, dừng lại nói:
   -Ta với ngươi đánh nhau bằng binh khí chán rồi, ngươi có dám cởi trần đánh nhau tay không với ta mới là giỏi.
   Trương Thái nói:
   - Việc đó có gì là khó. Ta đang bức đây, cởi trần thì cởi trần.
   Nói xong bỏ đao, cởi tuột giáp trụ. Đức Long cũng trần trùi trụi xông vào nhưng lại nghĩ: “ Đánh nhau ở chỗ cạn nhỡ mình không kéo được nó xuống chỗ sâu thì hỏng mất ”, liền giả vờ kêu “ Ôí ” lên một tiếng, ngã ùm xuống nước chìm nghỉm. Trương Thái không biết là mẹo liền lao theo quyết bắt sống. Đức Long chỉ chờ có thế, giơ tay túm ngay lấy búi tóc của Trương Thái, lôi ra xa dìm cho chết. Trương Thái chỉ quen đánh nhau trên bộ, chống sao được Đức Long là người sinh ra và lớn lên bằng nghề chài lưới vùng ven biển, bị dìm cho một trận, uống nước ừng ực nhưng nhờ có sức khoẻ hơn người nên cứ túm chặt lấy Đức Long. Hai ngươi cùng chìm dần trong dòng nước cuồn cuộn chảy. Bắc quân chạy theo trên bờ kêu gào nhưng không ai dám xuống cứu. Việc này về sau có bài thơ chứng rằng:
 
 Sông Hàn cuồn cuộn chảy về Đông
 Lưu mãi đời sau dấu anh hùng
 Ngàn năm sóng giội không rửa sạch
 Phù sa hay máu để nước hồng.
  
   Phạm Đình Khanh cùng Nguyễn Ưng và Trịnh Dực bảo vệ Đoàn Thượng chạy về  huyện Trường Tân5, chỗ này đến thành Thị Đức đi bộ mất nửa ngày đường. Quân Bắc đằng sau đuổi gấp, trên mặt sông Đĩnh Đào la liệt thuyền chiến của Võ Hàn. Đoàn Thượng cùng đường, bảo các tướng:
   - Các ngươi theo ta đến đây cũng tỏ được lòng trung rồi. Trời chẳng thương, mình ta chịu là đủ, các ngươi phải cùng chết làm chi, hãy mau tìm đường trốn cả đi.
   Bọn Phạm Đình Khanh, Nguyễn Ưng và Trịnh Dực cùng các tướng sụp lạy, khóc nói:
   - Chúng tôi thà chết cả chứ nhất định không chịu bỏ đại vương lúc này.
   Nói xong, Khanh, Ưng dẫn hơn trăm tàn binh xông ra cản giặc, chết cả trong đám loạn quân. Đoàn Thượng biết không thể thoát, trèo lên gò đất cao nguyền rằng:
   - Ta là Đông Hải vương cùng ngươi thề khôi phục nhà Lý, coi ngươi như anh em, hết lòng tin tưởng, vậy mà ngươi nhẫn tâm lừa ta. Ta chết rồi cũng kiện nhà ngươi tới tận Diêm la địa phủ.
   Nói xong rút gươm tự sát. Trịnh Dực và các tướng tuỳ tùng cũng đâm cổ chết theo.
   Nguyễn Nộn trước kia vốn ở nhà chùa, xem nhiều tranh tượng tả cảnh cực hình chốn âm ty, nay nghe quân lính kể lại lời nguyền của Đoàn Thượng, sợ hãi sinh ra bệnh hoảng hốt mất ngủ, truyền cho quân lính lấy gỗ tốt làm quan tài mai táng Đoàn Thượng tại nơi tự sát. Dân Hồng châu gọi nơi ấy là Mả Vua6.
   Đoàn Văn con trai Đoàn Thượng, khi trước ở thành Yên Nhân, nhận lệnh cha đem lương thảo đến Tế Giang, giao thành cho phó tướng Vương Hà giữ. Mấy hôm sau Nguyễn Nộn cho đội quân của Quách Thanh mặc giả quân Hồng châu gọi mở cổng cho công tử về. Vương Hà không nghi ngờ gì, mở cổng ra đón, bị Quách Thanh chém một nhát chết. Quân Bắc ùa cả vào thành bắt hết gia quyến Đoàn Văn. Khi Đoàn Thượng chết rồi, Nguyễn Nộn cho người đến bảo Đoàn Văn nếu không chịu hàng sẽ giết sạch cả họ. Đoàn Văn không biết làm thế nào đành đến xin hàng.
   Nguyễn Nộn thắng lớn nhưng mất hai viên đại tướng Trương Thái và Nguyễn Sĩ Hiển, tiếc lắm, lệnh cho bắt hết gái đẹp, trai tráng, trâu ngựa, của cải đất Hồng châu đem về Kinh Bắc. Kẻ nào không tuân, giết không tha. Nguyễn Sĩ Vinh nhân lệnh ấy làm quá lên, ra tay chém giết binh lính cũ của Hồng châu, trả thù cho em trai là Nguyễn Sĩ Hiển.
 
*
 
   Phạm Hữu, từ khi chia tay Nguyễn Bằng sang với Nguyễn Nộn, được tin dùng làm quản binh hiệu uý dưới trướng Đỗ Nguyên Bá, chuyên lo sổ sách, nay theo đi đánh trận, trong khi giao chiến ở Tế Giang, bị một mũi tên vào vai phải ngã lăn bên gốc cây, đến đêm tỉnh lại, chiến trận đã im lìm. Chàng nghiến răng rút mũi tên, nhai cỏ rịt vào vết thương, gượng đau đứng dậy đi về phía bìa rừng. Đây đó xác quân lính hai bên còn ngổn ngang chưa có người thu táng, bỗng nghe văng vẳng có tiếng ai kêu rên cầu cứu lúc càng rõ. Phạm Hữu tiến lại phía ấy thấy bốn năm xác lính Hồng châu lẫn với mấy xác lính Bắc quân đè lên nhau, trong đó có một người còn động đậy. Chàng nâng người đó lên, dưới ánh trăng lờ mờ nhận ra đó chính là Nguyễn Bằng, liền kéo ra nhưng Nguyễn Bằng bị thương cả hai chân không thể đi được. Phạm Hữu liền xé áo của mấy xác lính làm băng buộc vết thương cho bạn, lại lấy một bộ đồ lính Bắc quân cho Nguyễn Bằng mặc, bảo:
   - Bây giờ Sĩ Vinh đang truy giết quân Hồng châu. Anh thay bộ này nhỡ sáng ra có gặp Bắc quân cũng không lo bị sát hại.
   Nguyễn Bằng nói:
   - Từ ngày chúng ta xa nhau đến nay đã mấy năm, không ngờ gặp lại trong tình huống trớ trêu thế này.
   Phạm Hữu bảo:
   - Anh còn nhớ chuyện hai con trâu bị ép đánh nhau năm xưa không? Có điều chúng ta nhất định phải sống. Chúng ta khác loài trâu chính là ở chỗ ấy đấy. Thôi! Chuyện thì dài, sau này còn dịp nói, để tôi dìu anh đi, tìm nơi trú tạm đã.
   Xa xa có ánh lửa lập loè, Nguyễn Bằng bảo:
   - Ta đến chỗ ánh lửa kia xem có phải nhà dân, xin cái gì ăn tạm.
   Hai người đỡ nhau lê đi, lúc lâu đến một làng nhỏ ven sông. Nơi phát ra ánh lửa là một ngôi nhà gỗ năm gian, có vẻ là gia đình khá giả, đêm khuya lắm nhưng ở tiền sảnh vẫn còn ánh đèn, phía sau là hai ngôi nhà nhỏ hơn tối im ỉm. Phạm Hữu ngó qua giậu râm bụt thấy có bóng người, cất tiếng gọi.
   - Trong nhà có ai còn thức, giúp chúng tôi với.
   Có tiếng kẹt cửa, một ông già cầm đèn ra hỏi:
   - Ai mà đến khuya thế này?
   Phạm Hữu nói:
   - Chúng cháu là lính bị thương ở rừng, mong cụ giúp đỡ. Bạn cháu yếu lắm.
   Ông lão mở cổng cho hai người vào. Trong nhà sực nức mùi thơm của các loại thuốc quý. Ông lão cởi mở nói:
   - Nhà tôi đêm khuya có người gọi cổng lấy thuốc là chuyện thường. Chắc các bác chưa ăn gì. Tôi bảo trẻ nó làm cơm ngay. Bác này trông mệt quá. Để tôi xem vết thương thế nào nào.
   Nói xong, ông cụ gọi người nhà nấu cơm còn tự mình rửa vết thương cho hai chàng trai, lấy thuốc dấu rịt lại kĩ càng. Phạm Hữu nói:
   - Thật phúc đức chúng con gặp được cụ, xin cho chúng con được biết cao danh ạ.
   Ông lão vuốt chòm râu bạc, nói:
   - Tôi họ Chử7, tên là Nhiệm Khai. Nhà tôi đời đời làm thuốc ở ấp Đại này.
   Phạm Hữu ồ lên một tiếng, hỏi tiếp:
   - Dạ! Có phải cụ là Chử thái y của Lý triều không ạ?
   Ông lão vui vẻ bảo:
   - Bác cũng biết có Chử thái y này ư ?  Nhưng từ khi nhà Lý mất, tôi về quê làm thuốc cứu giúp dân lành, tránh xa chốn quan trường rồi. Cũng may vết thương của các bác đều không chạm tới xương nên mau lành thôi.
   Phạm Hữu rút trong người ra một nén bạc, hai tay dâng lên, nói:
   - Chúng con có lẽ còn phiền cụ ít ngày, gọi có chút lễ mọn trong lúc khó khăn, mong cụ nhận giúp. Chúng con biết ơn nhiều lắm.
   Chử thái y nói:
   - Tôi đã giúp được gì cho các bác đâu. Hãy cất bạc đi, sau này còn nhiều dịp dùng đến đấy.
   Hai người ở lại nhà Chử công qua tết nguyên đán. Đầy tháng, các vết thương lành lặn cả. Chử công thấy hai chàng nói năng lễ độ, lại là người có học thì mến, coi như con cái trong nhà. Nguyễn Bằng bảo Phạm Hữu:
   - Chúng ta làm phiền Chử công đã lâu, có lẽ đã đến lúc xin phép về quê được rồi.
   Phạm Hữu hỏi:
   - Về quê rồi anh định làm gì?
   Nguyễn Bằng nói:
   - Thì chúng mình lại đi học ?
   Phạm Hữu bảo:
   - Học rồi đi thi, nhao vào chốn quan trường. Con đường đó thật là ghê sợ. Tôi muốn bái Chử tiên sinh làm thầy, ở đây học lấy nghề làm thuốc cứu người. Một mai về quê có thể giúp giùm làng nước.
   Nguyễn Bằng nói:
   - Anh có ý như thế thì hai chúng ta cùng ở lại.
   Hai chàng mới vào bái lạy Chử công, nói rõ ý nguyện của mình. Chử công bảo:
   - Các con biết mưu việc cứu người thật là đáng quý. Nhưng nghề làm thuốc vất vả lắm. Ai muốn làm giầu chớ chọn nghề này. Vả lại y thuật cũng phải có duyên mới làm được. Bây giờ mỗi anh lấy một con dao lạng, lạng lấy hai cân xuyên quy tôi xem đã.  
   Nguyễn Bằng nhanh nhẹn, lạng thoăn thoắt, một lúc đã làm xong, lại làm giúp cho Phạm Hữu. Chử công cầm tay từng người xem xong, nói:
   - Tiếc rằng trong hai người chỉ có Phạm Hữu học làm thuốc được thôi. Nguyễn Bằng tay nhiều mồ hôi quá. Con còn nhiều vất vả với đời, nhưng đừng buồn, cứu người cũng có dăm bảy đường, làm ông quan tốt còn có thể cứu được nhiều người hơn cơ đấy. Xem ra con có duyên với văn chương, hãy gắng công học hành, mai này ra giúp dân.
   Nguyễn Bằng nói:
   - Dạ thưa thầy! Ngày nay nhà Lý đã mất. Trần Thủ Độ chuyên quyền, vô học, vậy còn trông mong gì về đường khoa cử nữa ạ?
   Chử công bảo:
   - Không phải hoàn toàn như thế đâu. Đúng! Trần Thủ Độ là người chuyên quyền và tàn nhẫn vô học thật đấy nhưng ông ta có tài và quyết đoán mà liêm chính, biết trọng người hiền lại hướng về trăm họ. Ta chắc nhà Trần rồi sẽ khá.
   Phạm Hữu hỏi:
   - Thầy nhận định như vậy sao không giúp nhà Trần mà lại bỏ về ạ?
   Chử công nói:
   - Không phải chỉ riêng mình ta như thế, nhiều người cũng bỏ đi chỉ vì chữ “trung”. Người quân tử có lẽ đâu lại thờ hai chúa. Há các con chẳng hiểu đạo tam cương8 sao?
   Hôm sau Nguyễn Bằng bái biệt Chử công và chia tay Phạm Hữu, hẹn ba năm sau gặp lại ở chốn quê nhà. Phạm Hữu ở lại nhà Chử công ra sức tu nghiệp, vốn tính thông minh học đâu nhớ đấy. Chử công quý mến lắm mới đem hết những điều tinh diệu của y thuật truyền cho, lại đưa những bộ sách quý của Biển Thước, Trương Cơ bảo chép ra hai bản dùng về sau. Các phép chẩn mạch đoán bệnh, lôi công bào chế, xuyên lâm tầm dược cũng chỉ bảo cặn kẽ. Người con gái út của Chử công là Chử Thị Ngọc, tuổi vừa đôi tám xinh đẹp nết na, thấy Hữu thông minh nho nhã lại chịu học chịu làm, đem lòng yêu. Chử công biết ý mới bảo Phạm Hữu:
   - Ta xem con là ngươi tư chất, em Ngọc cũng có ý thương yêu. Ta muốn tác thành cho hai con. Vậy ý con thế nào?
   Phạm Hữu thưa:
   - Con đội ơn thày đã dày công dạy dỗ, còn chưa có dịp báo đền nay lại được thày thương như vậy thật nhà con có phúc lớn, con đâu dám không vâng nhưng việc nhân duyên là ở mẹ cha sắp đặt. Xin thày cho con về Trường Tân thưa lại với cha mẹ để có cơi trầu gọi là sính lễ và con cũng được tròn hiếu đạo.
   Chử công thấy Hữu nói như vậy mừng lắm, liền sắp sửa hành trang để hôm sau Phạm Hữu về quê, lại cho một gia nhân theo hầu sớm tối. Nói sao hết tình lưu luyến của đôi trẻ khi chia tay, Phạm Hữu bảo:
   - Ta về quê chuyến này nhiều nhất là nửa tuần trăng, xin nàng chớ nên lo buồn làm chi.
   Chử Thị nói:
   - Đường đất xa xôi, mong anh cẩn trọng rồi mau trở lại. Đừng để tôi mòn mỏi mong chờ.
   Nói xong đưa cho Hữu một chiếc khăn trầu. Phạm Hữu và người gia nhân đi rồi, Thị Ngọc buồn lắm, chỉ mong sao cho chóng đến ngày người yêu trở lại. Nhưng mới được ba ngày thấy tên gia nhân hớt hải chạy về báo:
    - Giữa đường cậu Hữu bị quan binh bắt trói đưa đi rồi, không biết lành dữ thế nào.
   Cả nhà nghe tin đều rụng rời hết vía.
   Thật là:
  
                 Chỉ muốn ẩn thân tìm an lạc
                 Biết đâu kiếp nạn lại đang chờ .
  
   Chưa biết Phạm Hữu vì sao bị bắt, xin nói rõ ở chương sau.
  ----------------------------
1 Vì Lê Khâm là dòng dõi nhà tiền Lê.  Nhà tiền Lê bị nhà Lý đoạt ngôi nên hậu duệ thề không cộng tác với nhà Lý.
2 Những câu thoại này lấy nguyên văn trong ĐVsktt.
3 Đường An: Nay là huyện Bình Giang, Hải Dương.
4 Bàng châu: Từ thuộc Minh trở lại đây gọi là huyện Chí Linh (Theo Phương Đình dư địa chí).
5 Trường Tân: Huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay (theo Phương Đình dư địa chí).
6 Mả Vua: Cách thị trấn Gia Lộc 7km về phía Nam, sát mép đường 38, thuộc xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, đến những năm 1963-1964 vẫn còn nhiều ngôi mộ đá lớn, về sau mất dần, nay nhiều nhà dân làm lên trên.
7 Đến nay trong nhân dân còn cho rằng những người họ Chử theo nghề làm thuốc ở đất Văn Giang thuộc dòng dõi Chử Đồng Tử.
8 Tam cương: Ba nguyên tắc rường mối của kẻ sĩ là  trung với vua, hiếu với cha mẹ, tiết hạnh trong tình vợ chồng. Trong đó chữ “trung” được đặt ở vị trí hàng đầu.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)