bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 217
Trong tuần: 706
Lượt truy cập: 612921

ĐẤT VIỆT TRỜI NAM (7)

Đan Thành

Thủ Độ đeo ấn về quê tuyển câu đương
Nguyễn Bằng mang gươm vượt rừng sang đất giặc
 
   Thái tông ngồi trong lâu thuyền bỗng nghe trên mặt sông vang dậy tiếng reo hò đuổi bắt, vội ra xem, thấy Trần Liễu cùng hai tráng sĩ đang vội vã khua chèo trốn chạy. Đằng sau, Thủ Độ thúc quân đuổi riết. Nhà vua liền gọi:
   - Hoài vương mau lại đây.
   Hoài vương cho thuyền áp vào thuyền vua nhưng thuyền vua cao, thuyền Hoài vương thấp quá, không trèo lên được. Thái tông phải cầm tay anh kéo lên, đưa vào trong khoang. Anh em nhìn nhau khóc. Thuyền thái sư đuổi tới. Thủ Độ cầm kiếm nhảy sang thuyền nhà vua, xông vào khoang, thét:
   - Giết thằng giặc Liễu1!
   Nhà vua đứng chắn ở cửa che cho anh, nói:
   - Phụng Càn* vương đến hàng đấy1!
   Thủ Độ bực tức, quăng gươm, nói:
   - Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào1?
   Thái tông nói:
   - Anh em con đã biết lỗi rồi, xin thượng phụ rút quân về tha cho Phụng Càn*.
   Thủ Độ hầm hầm bỏ về thuyền mình, ra lệnh lui binh. Thái tông bảo Hoài vương:
   - Anh ơi! Tình thế đã đến nước này, anh em mình dẫu không nghe cũng không được đâu.
   Hôm sau thiết triều, nhà vua hạ chiếu tha cho Hoài vương, lại lấy đất Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Hưng, Yên Bang phong cho làm thực ấp. Vì thế Trần Liễu còn gọi là An Sinh vương.
   Nhân việc Thái Tông tha cho Hoài vương, về sau Trần Dụ tông làm bài thơ Đường thái tông dữ bản triều thái tông như sau:
                                   
             Vua Thái Tông nhà Đường
             Vua Thái Tông triều ta
       Đường, Việt hai vua hiệu Thái Tông
       Đường xưng  Trinh Quán, Việt Nguyên Phong
       Kiến Thành bị giết, An Sinh sống
       Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng2
  
   Trần Thủ Độ bực lắm, ra lệnh chém hết binh sĩ của Hoài vương. Mấy trăm thủ cấp bêu trên cọc tre. Dân thành Đại La vừa thương vừa sợ. Ai cũng oán Trần Thủ Độ là tàn bạo. Mấy nghìn nam phụ lão ấu các gia đình tội binh đến nhận xác, tiếng khóc gào vang cả đất trời. Nhiều phụ nữ tay xách nách mang, bế địu con thơ đi tìm chồng nhưng không thể nhận ra ai vào mấy ai giữa những cái thây không đầu bê bết máu, chỉ còn biết lăn lộn kêu giời. Không ai trông thấy là không rơi nước mắt.
   Bấy giờ thông thị đại phu Trần Phụng Công thấy Thủ Độ giết người nhiều quá quyền lấn thiên tử, vào gặp nhà vua, khóc nói:
   - Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao3?
   Thái tông nói:
   - Thôi được! Khanh hãy cùng đi gặp thái sư với trẫm.
   Nói xong nhà vua sai đóng xe, cùng Phụng Công đến gặp thái sư. Nhà vua nói:
   - Bây giờ khanh nói lại những lời lúc nãy để trẫm và thái sư cùng nghe.
   Phụng Công không hề lúng túng, nói lại y nguyên ý kiến của mình. Thủ độ nói:
   - Tâu hoàng thượng! Lời thông thị đại phu nói rất đúng. Thần cũng chỉ mong trao trả bớt quyền bính cho hoàng thượng để có chút thời gian nghỉ ngơi. Ta thật cảm kích trước lời nói thẳng thắn của thông thị đại phu.
   Nói xong Thủ Độ lấy vàng lụa thưởng cho Phụng Công. Nhà vua nói:
   - Nếu vậy trẫm sẽ phong cho An Quốc làm tể tướng để cùng lo việc triều chính với thái sư.
   Thủ Độ tâu:
   - An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao4?
   Nhà vua nghe lời ấy, không dùng An Quốc làm tể tướng.
*
   Trời vào hè nắng đẹp, trên tấm màn xanh thi thoảng còn lởn vởn vài gợn mây. Chàng tân binh Thân Văn Khoai xúng xính trong bộ đồ lính tứ sương, cầm giáo đứng gác cổng hoàng thành, có vẻ mãn nguyện lắm. Bên kia cổng là anh lính cũ Thái Công Bình, đã đứng gác ở đây mấy năm rồi, từ thời hiệu uý Trịnh Quang Minh còn là một anh tốt hoẻn. Bỗng Văn Khoai giật nảy mình vì tiếng quát của Thái Công Bình:
   - Mụ kia đi đâu? Muốn chết à? Vào đây.
   Người đàn bà quẩy gánh lá cây vội quay đầu trở lại. Công Bình quát tiếp:
   - Đứng lại ! Không được chạy.
   Theo sau tiếng quát là tiếng tuốt kiếm nghe đánh roẹt, lạnh cả gáy. Người đàn bà quẳng gánh, lạy van rối rít.
   - Lạy cậu lính. Cậu tha... tha...tha cho em. Em trót dại.
   - Chót dại cái gì? Cố tình coi thường luật pháp, tội chẳng thể tha. Vào đồn!
   - Lạy cậu tha cho, em không biết ạ. Em trót dại. Nhà em ông ấy là thợ tỉa cây trong hoàng thành nên em mới dám vào đây xin nắm lá về cho bò chứ em có dám làm gì đâu.
   - Trong hoàng thành có biết bao nhiêu là thợ tỉa cây, ai cũng như mụ thì loạn hết à? Ai không biết cửa này chỉ dành riêng cho hoàng thượng thế mà mụ dám xông ra. Tội mất đầu đâu có nói chuyện chơi.
   - Dạ! Em có dám xông ra đâu? Cậu quát một cái là em quay lại ngay đấy chứ?
   - Còn già mồm hả? Mụ có biết giẵm lên vạch vôi kia đã phải tính là mắc tội rồi không? Thôi! Vào đồn.
   Người đàn bà thấy tình thế rất nguy mới thò tay vào ruột tượng lấy ra năm hào bạc, dúi vào tay Công Bình, nói:
   -  Cậu tha cho em. Có mấy hào bạc để cậu uống rượu.
   Công Bình trợn mắt quát:
   - A! Mụ dám hối lộ hả? Riêng tội hối lộ đã phải phạt một trăm roi rồi. Vào đây.
   Người đàn bà không biết làm sao đành theo Công Bình đi. Khi đã vào khuất trong cổng, Công Bình hất hàm bảo:
   - Bảo có mấy hào bạc thì đâu? Đưa đây.
   Người đàn bà biết ý, đưa đồng tiền cho Bình rồi đi ra. Văn Khoai thấy vậy hỏi Bình:
   - Anh làm thế nhỡ họ tố cáo thì sao.
   Công Bình ung dung trả lời:
   - Luật pháp quy định kẻ nào hối lộ phải phạt nặng. Bố nó cũng chẳng dám tố cáo. Với lại chả làm thế lấy tiền đâu mà nộp cho cấp trên. Mỗi tháng phải nộp cho các bố ấy tám đồng bạc đấy. Không bóp nặn của bọn này thì biết làm thế nào. Cái vạch vôi vẽ rộng mãi ra ngoài kia là để cho nhiều kẻ giẵm vào. Hiểu chửa?
   - Sao tôi nghe nói hiệu uý Trịnh Quang Minh là người nghiêm khắc, trong sạch lắm, đã được đích thân thái sư ban thưởng cơ mà?
   Thái Công Bình bịt mũi cười không ra tiếng, nói:
   - Thái sư bận trăm công ngàn việc, hiểu thấu sao những trò ma mị này. Mà nói chung các bố quan to nhìn xa trông rộng đâu đâu không biết, nhưng những việc ở ngay trước mắt lại mù tịt. Hiệu uý nhà mình bíp thái sư đấy.
   - Bíp thái sư?
   - Chứ sao nữa. Hồi ấy ông ta cũng chỉ là anh lính quân hiệu như tao với chú mày, suốt ngày đứng gác. Từ lính đến dân, anh nào mắc lỗi đều xì tiền ra là xong nhưng vô phúc vị quan nào dù to đến đâu, vi phạm quân lệnh là bị ông ta tóm ngay, xin xỏ đút lót mấy cũng không được. Các quan đều cho ông ấy là vừa nghiêm, vừa thẳng, vừa trong sạch, xem như tấm gương về sự liêm chính. Vì vậy hôm hoàng thượng ngự triều, ông ấy được vào gác trước thềm cấm. Thiên Cực công chúa không biết lớ ngớ thế nào ngồi kiệu đi vào, bị ông ấy bắt quay ra. Đôi bên hoá to tiếng. Bà Thiên Cực cậy là vợ thái sư, về nỉ non gì đó với chồng. Thái sư đùng đùng nổi giận cho đòi Trịnh Quang Minh vào hỏi tội. Ai cũng nghĩ Quang Minh lần này được một phen nhừ tử. Bà Thiên Cực cũng hỉ hả lắm. Lúc được thái sư hỏi, Quang Minh cứ tình thực kể lại. Thái sư sướng quá khen: “Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa1”, rồi thưởng cho vô khối vàng lụa, lại thăng ngay lên hàm hiệu uý. Thái sư có biết đâu Quang Minh nhà ta coi vương pháp ra cái đếch gì.
   Văn Khoai lắc đầu ngán ngẩm nói:
   - Chết thật! Thế mà tôi cứ tưởng được ở đây gần đèn cho nó rạng. Ai ngờ...!
   - Chú mày ấm ớ thật, sao không biết sát chân đèn là nơi tối nhất!
*
   Hải ấp đã là chốn khởi nguồn của Trần triều, là quê hương của nhà vua. Thôn xóm thay đổi, nhà cửa toà ngang dãy dọc mọc lên, đường xá thênh thang, lăng tẩm, hành cung được xây dựng huy hoàng tráng lệ. Năm nay lại được mùa, lúa chín đầy đồng. Trai gái vừa gặt hái vừa ca hát vui vẻ. Buổi chiều, Tô Đại Cơ say mèm từ quán bà hai Nhách, lảo đảo kéo đôi chân xiên xẹo về nhà. Lúc qua sân đình, hắn thấy mấy cô gái trẻ đang đẩy trục lúa trông cũng hay hay, liền giơ tay phát độp vào mông một cô, nói:
   - ừ hừ ! Mẩy quá nhỉ !
   Cô gái cũng chẳng vừa, cầm cây gậy đẩy trục, quay lại phang bốp vào lưng Tô Đại Cơ, chửi:
   - Cha bố tổ cái thằng mất dạy.
   Tô Đại Cơ chỉ tay nói:
   - A! Con ôn kia! Mày chửi ông mày nhé. Mày không biết ông mày là cháu quan thái uý à? Cô họ ông mày là công chúa nhé, đương kim phu nhân thái sư nhé. Ông mà lên kinh ông trình thì chúng mày bỏ con mẹ chúng mày ngay. Không biết ông là con vua cháu chúa à? Khôn hồn thì gọi ông bằng cậu công tử, không thì chết con mẹ chúng mày cả lũ.
   Thực ra “cậu công tử” chỉ nói thế thôi chứ  “cậu” cũng chưa lên kinh bao giờ. Cô gái điên tiết, văng cục:
   - Con vua cháu chúa bà cũng có sợ cái bề hê bà đây này. Rõ cái đồ chó mượn oai hùm.
   “Cậu công tử” tức lắm nhưng không làm gì được, đành dệnh dạng bỏ đi, cái đầu còn nghênh nghênh lắc đi lắc lại ra điệu ta đây kẻ dờ.
   Tô Đại Cơ quê ở Hải ấp, là con ông Tô Nhuận Điền. Ông Tô Nhuận Điền là cháu họ quan thái uý Tô Trung Từ, là anh họ ngoại Thiên Cực công chúa Trần Thị Dung. Thủa nhỏ ông Nhuận Điền học rất thông minh nhưng không muốn làm quan, không đi thi, ở quê chăm lo vườn ruộng giữ đạo nhà. Ông chỉ sinh được một mình Tô Đại Cơ. Đại Cơ lớn lên không chịu học hành, suốt ngày lêu lổng rượu chè, cờ bạc. Ông Nhuận Điền không nói được con, buồn bã mà chết. Từ đó không còn ai kiềm chế, Đại Cơ càng ngông cuồng lắm. Đại Cơ cứ khụng khiệng vừa đi vừa chửi mấy con nặc nô không coi công tử ra cái chó gì, bỗng nghe tiếng mõ rao:
   - Loa loa! Loa lo...a! Lệnh quan truyền xuống. Ngày mai thống quốc thái sư đương triều về ấp ta. Quan viên phụ lão, sĩ tử nho sinh, dân chúng bách tính ăn mặc chỉnh tề, trống cờ đi đón. Loa loa! Loa lo...a!
   Tô Đại Cơ quay ngay lại sân đình, chỉ tay vào mấy cô gái nói:
   - Đấy! Chúng mày đã nghe thấy chửa? Ông đã bảo mà. Ngày mai quan thái sư chồng cô ông về, rồi chúng mày biết tay. Ông mà xin được một chân quan thì thì...thì!... Chúng mày liệu mà run trước đi thì vừa.
   Hôm sau Trần Thủ Độ ngồi trong đình tra xét sổ đinh. Mấy vị đại tư xã, tiểu tư xã, lý trưởng, tiên thứ chỉ đều có mặt đứng hầu. Quân lính cầm giáo đứng hai hàng hộ vệ. Dân chúng bách tính xúm xít đầy sân đình để xem quan thái sư thống quốc. Những trai tráng trong ấp cứ theo tên gọi đến trình diện, được phát một tấm thẻ đại hoàng nam do chính tay thái sư đóng dấu ấn. Xong việc, thái sư ngẩng lên hỏi lý trưởng:
   - Làng ta có ai tên là Tô Đại Cơ không hả?
   Lý trưởng đã biết Tô Đại Cơ có họ dây mơ rễ má với thái sư mới khúm núm thưa:
   - Dạ! Trình thái sư! Có đấy ạ. Cậu Tô chính là nhân tài kiệt xuất của làng con đấy ạ! Cậu ấy thông minh, học hành giỏi giang lắm ạ!
   - Thế nó đâu mà không thấy có mặt?
   - Dạ! Cậu ấy còn đứng chờ ở ngoài kia ạ!
   Lý trưởng liền bảo anh tuần đinh gọi Đại Cơ vào. Đại Cơ nghe gọi, hí hửng lắm nhưng không quên giơ nắm đấm dứ dứ về phía mấy cô gái hôm qua, ý muốn nói chúng mày biết tay ông, rồi khuệnh khoạng đi vào, nhưng đến hè đình, hắn dừng lại sửa khăn áo, lom khom đi đến trước bàn thái sư, quì xuống vái, nói lí nhí:
   - Con là Tô Đại Cơ kính chào quan thái sư cùng các quan ạ!
   Trần Thủ Độ hỏi:
   - Kẻ đang quì kia tên là gì, con nhà ai, mau nói!
   Giọng quan thái sư âm vang nghiêm nghị quá làm Đại Cơ tự nhiên run rẩy, nói lắp bắp:
   - Dạ! Dạ!...Dạ! Con là Tô Đại Cơ Xin! Xin! Xin... kính chào các quạn ạ!
   - Cha mẹ ngươi là ai, làm gì.
   - Dạ! Dạ!... Bác con là thái uý Tô Trung Từ, cô con là Thiên! Thiên! Thiên... Cược công chúa ạ!
   Thái sư giận dữ đập bàn, quát:
   - Ta hỏi cha mẹ ngươi là ai chứ có hỏi cô bác ngươi đâu?
   Tô Đại Cơ sợ quá giật bắn người lên. Dân chúng đứng xem được mẻ cười thoả thích. Ai đó nói:
   - Đúng là cái đồ mả cha không khóc, khóc đống mối; mả mẹ không khóc, khóc bối thòng bong. Đi đâu cũng khoe là cháu thái uý, cháu công chúa. Chẳng ai biết cha mẹ nó là ai.
   Tô Đại Cơ lúng búng:
   - Dạ! Cha con là Tô Nhuận Điền ạ!
   Thái sư bảo:
   - à ra vậy! Sao ngươi không nói ngay ra mà cứ loanh quanh mãi?
   - Dạ! Nhưng cha con chỉ là dân thường thôi ạ.
   Dân chúng lại khúc khích cười. Thái sư nói:
   - Dân thường thì sao mà không dám nói. Thôi được! Bây giờ ta cho ngươi chức câu đương, ngươi có làm được không?
   - Dạ! Dạ! Thế thì nhà con thật có phúc ba đời ạ! Con làm được đấy ạ.
   Thái sư nghiêm mặt nói:
   - Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để khác với người khác2.
   Tô Đại Cơ vội cầm lấy hai bàn chân, kêu:
   - ối! ối! Thế thì con không làm câu đương nữa. Xin thái sư tha cho.
   Thái sư quát:
   - Việc nước không phải chuyện đùa, muốn làm thì làm, muốn chơi thì chơi à? Lính đâu! Đem vị câu đương này ra chặt ngón chân cái cho ta.
   Đại Cơ giẫy giẫy hai ông quần ướt sũng, nước chảy cả ra sàn đình khai mù, lạy van rối rít mãi thái sư mới tha cho. Dân chúng thích quá, cười vang cả lên. Một người nói:
   - Thái sư nghiêm thế này, bố thằng nào có việc riêng cũng không dám đến nhờ.
   Người khác bảo:
   - Các quan ai cũng được như vậy làm gì còn có bọn tham nhũng, đất nước rồi chả mấy mà khá.
*
   Cuối thu, bầu trời vần vũ, từng đám mây đen chen chúc nhau tràn xuống phương Nam. Những cơn gió lạnh đầu tiên báo hiệu mùa đông khắc nghiệt sắp về. Cả kinh đô Thăng Long xôn xao vì cái tin thành Đại Lý5 thất thủ, vua Đại Lý chạy trốn. Chỗ nào người ta cũng bàn chuyện chiến tranh, y như giặc Thát đã đánh đến bờ sông Cái. Hai anh lính Thân Văn Khoai và Thái Công Bình ngồi uống rượu trong một tửu quán ở cuối phố. Khi đã ngà ngà, Văn Khoai hỏi Công Bình:
   - Dạo này em thấy bác ít phạt người thì phải.
   Công Bình nhấp một ngụm rượu, khà một tiếng, gắp miếng cổ hũ đưa lên miệng, vừa nhai vừa nói:
   - Chiến tranh đến nơi, mọi người đều lo đánh giặc, ai còn nghĩ đến chuyện kiếm tiền làm gì. Mà thực ra tao cũng có muốn lấy tiền của ai đâu. Hồi trước còn ông hiệu uý Trịnh Quang Minh được đô uý nâng đỡ mới cần tiền để dâng lên, đô uý lại được ông gì gì ấy che chở nên cũng cần cống lễ vì thế họ bắt anh em mình phải nghĩ cách phạt vạ lấy tiền. Từ khi thái sư khui ra vụ ấy, ông hiệu uý bị đuổi ra ngoài làm lính, ông đô uý bị giáng cấp, còn ông gì gì nghe đâu bị cách tuột cả quan tước.
   - Thái sư nghiêm thế không trách tướng sĩ răm rắp một lượt nhưng bây giờ giặc đã kề biên, không biết các bố ấy nghĩ thế nào.
   - Giặc đến thì đánh chứ lo gì, bao giờ bảo mình ra trận thì ra trận, biết thế đếch nào mà tính trước việc của các thầy ấy! Uống đi chứ chú mày. Mà tao nghe mấy ông ở trên nói hoàng thượng nhà mình anh dũng, mưu lược lắm, lúc mới  hai mươi ba tuổi đã cầm quân đánh sang đất Tống, trừ diệt bọn thảo khấu trên vùng biên đấy.
   - Thật thế á?
   - Thật chứ lại. Năm ấy bọn giặc cướp trên đất Tống hoành hành ngang ngược, sang tận Lạng Giang  bên  ta, cướp  của giết  người,  bắt  đàn  bà  con  gái  đem  về. Nhà vua sai ông Bùi Khâm đem quân lên, đánh cho một trận rồi báo cho quan quân bên Tống biết nhưng quan quân bên Tống không dẹp được. Năm sau vua ta lại sai đốc tướng Phạm Kính Ân6 đem quân sang triệt hết các ổ cướp, đốt phá hết doanh trại của chúng nhưng bọn thảo khấu ở các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình thuộc châu Khâm lại nổi lên. Hoàng thượng đi thuyền nhỏ đem quân sang. Bọn giặc sợ hãi bỏ chạy đến châu Liêm. Vua giả làm người thường, xưng là Trai Lang cùng các tướng tuỳ tùng đi thuyền Kim Phượng, Nhật Quang, Nguyệt Quang vào sâu trong đất Tống. Về sau bọn thổ dân biết là vua, chúng đem xích sắt chặn sông hòng đánh lại nhưng đánh không được. Vua sai quân nhổ mấy chục neo sắt đem lên thuyền, xuôi ra biển ung dung trở về. Năm sau nữa vua lại sai Thân vệ tướng quân Trần Khuê Kình đánh sang Bằng Tường để thảo phạt bọn giặc cướp cho đến khi nhà Tống cử tướng giỏi xuống giữ gìn được biên giới, vua mới ban chiếu cho tướng quân Trần Khuê Kình giao lại thành Bằng Tường cho người Tống, mang quân về.
   Thân Văn Khoai há mồm nghe Thái Công Bình nói chuyện. Khi Công Bình ngừng lời, Văn Khoai kêu lên thán phục:
   - Giỏi quá nhỉ!
   - Giỏi chứ chả giỏi, giặc Thát mà sang á! Vua ta lại chả đánh bỏ mẹ nó đi ấy chứ.
   Hai anh em chừng đã ngà ngà say, đứng dậy đi vào giữa phố, mua mỗi người một thanh kiếm thép.
*
   Thái sư Trần Thủ Độ bặm môi, nắm chặt tay, khuôn mặt vuông vức của ông đanh lại đầy vẻ can trường, đôi quai hàm bạnh ra như được đúc bằng đồng thanh. Ông nói:
   - Việc tuyển thêm quân ta giao cho Bùi Khâm, hẹn đến rằm tháng chạp phải làm xong.
   Bùi Khâm bước ra, chắp tay nói:
   - Xin tuân lệnh.
   Thái sư tiếp:
   - Lê Tần nhận lệnh! Ngươi lo việc huấn luyện thuỷ quân, tu sửa thuyền bè, cung nỏ sẵn sàng đánh giặc.
   Lê Tần tuân lệnh bước ra. Thái sư gọi tiếp:
   - Trần Khuê Kình! Nhà ngươi huấn luyện bộ binh, tân binh, mùa hè sang năm sẽ tổng duyệt.
   Khuê Kình dạ một tiếng rồi bước đi. Tiếp theo, thái sư phân công các tướng chỉ huy kị binh, tượng binh, quân lương, quân dược, chế tác binh khí, tất cả đâu vào đấy nhưng dường như ông vẫn còn điều gì băn khoăn. Trần Quốc Tuấn đứng bên hỏi:
   - Mọi việc đều đã được định liệu, sao thượng công vẫn có ý lo phiền ạ?
   Thái sư nói:
   - Ta muốn đưa người sang Đại Lý để dò tin tức giặc nhưng chưa tìm được ai phù hợp với việc này.
   Vương Lâm bước ra thưa:
   - Trình thái sư! Tôi xin tiến cử một người có thể đảm đương việc ấy.
   - Ngươi định cử ai vậy?
   - Trình thái sư! Người này tên là Nguyễn Bằng, quê ở Trường Tân, đỗ thái học khoa Kỷ Hợi7, văn võ song toàn, tính tình lanh lợi, hiện đang làm huyện lệnh ở Đường Hào.
   - Sao ngươi biết được người đó?
   - Dạ! Người này là em rể quân dược hiệu uý Phạm Hữu. Năm ngoái tôi lên nhọt độc ở lưng, được Phạm Hữu chữa cho. Một hôm tôi đến nhà Phạm Hữu để tạ ân, vừa gặp Nguyễn Bằng từ Đường Hào cũng lên chơi vì vậy quen biết nhau.
   - Người ấy võ nghệ thế nào?
   - Ông ta võ nghệ chẳng kém gì tôi nhưng văn chương, mưu lự thì hơn tôi nhiều lắm. Để tôi mời đến thái sư xem.
   - Thôi được! Ta không cần gặp. Phép dụng gián ai cũng chỉ biết người trực tiếp giao việc cho mình, không lộ ra ngoài. Việc này ta giao cho ngươi lo liệu, mau chóng thu xếp cho đi ngay, càng vào sâu đất giặc càng tốt. Tin tức chuyển về theo  mật tuyến.
*
   Nguyễn Bằng đang xem lại cuốn sổ đinh tráng trong huyện thì nhận được lệnh bàn giao công việc cho quan huyện mới, trong ba ngày phải về tới kinh thành gặp tướng Vương Lâm để nhận trọng sự. Chiều hôm sau, mọi công việc bàn giao đã xong, Nguyễn Bằng nói với vợ:
   - Giặc Thát đang lăm le xâm lấn, có lẽ triều đình điều ta sang việc quân, nàng hãy đem con về quê nương tựa xóm làng, ngày mai ta lên kinh, sự thể thế nào sẽ tin về cho.
   Phạm Thị nghe lời, đưa các con về làng Cao Duệ ở huyện Trường Tân nương nhờ bên ngoại, ngày đêm mong ngóng tin chồng. Nguyễn Bằng lên kinh tìm đến phủ tướng quân Vương Lâm nhưng Vương Lâm đang ở bên dinh thái sư. Nguyễn Bằng đành ra nghỉ ở nhà công quán đến chiều mới trở lại, gặp ngay lúc Vương Lâm vừa về. Một gia nhân đưa Nguyễn Bằng vào ngôi đại sảnh. Vương Lâm đã chờ sẵn ở đó. Trông thấy Vương Lâm, Nguyễn Bằng vội làm lễ, nói:
   - Hạ chức là Nguyễn Bằng xin có mặt để tướng quân sai bảo.
   Vương Lâm vội đỡ Nguyễn Bằng dậy, nói:
   - Đây là nhà tôi, không phải là chốn quân doanh. Hơn nữa tôi với ông là bạn, không cần đa lễ.
   Hai người chia ngôi chủ khách ngồi bàn việc. Sau khi nói cho Nguyễn Bằng biết nhiệm vụ, Vương Lâm hỏi:
   - Việc nặng nề thế đấy, ông có vướng mắc gì không?
   - Việc quân, việc nước, tôi dẫu phải bước lên chông, lăn vào lửa cũng chẳng dám từ. Xin tướng quân cho biết bao giờ khởi hành?
   Vương Lâm cười thân mật, hỏi:
   - Có cần về thăm nhà không? Hay là ngày mai ông về thăm nhà vài bữa rồi lên đây ta liệu.
   - Tôi đã chịu mệnh đâu còn dám nghĩ chuyện nhà!
   - Tôi  thật  cảm  kích  trước tấm lòng vì  nước của ông. Công việc như thế tạm ổn, bây giờ ta có thể cùng nhau làm vài chén; từ hôm nay ông đã là người lính rồi. Bay đâu! Sắp bàn rượu bên gốc tùng kia để ta tiếp khách.
   Bóng trăng trên cao soi rõ hai người lính ngồi đối ẩm bên gốc tùng già. Chừng đã ngà ngà, Vương Lâm bảo:
   - Nào cạn chén! Uống đi ông. Ngày mai ông đi, tôi chờ ra trận, sau cuộc chiến này dù không còn được ngồi uống với nhau thì cũng thoả lòng.
   Nguyễn Bằng đã say nên thoải mái hơn, nói:
   - Uống chứ! Uống chứ! Tửu phùng tri kỉ. Bác cứ đợi tôi về.
   Hai người cười váng lên, gõ bàn làm nhịp, cùng hát: Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu hề. Cổ lai ư...hư hư...chinh chiến kỉ nhân i i i...hi hi... hồi8.
   Tiếng hát về đêm nghe vang xa, bay cao như chạm lanh canh vào các vì tinh tú.
 *
   Sáu con tuấn mã phi như bay về phía biên thuỳ. Trước mặt đã là ải Qui Hoá, nơi ấy có chúa động Hà Khuất trấn giữ. Nguyễn Bằng ra hiệu cho mọi người đi chậm lại. Đường núi khúc khuỷu trập trùng. Hai bên đường, vô số cây đại thụ gốc rễ xù xì đứng nghiêm nghị bên nhau như những tráng sĩ rừng xanh canh miền biên ải. Hết sườn núi này sang sườn núi khác kéo dài vun vút về đỉnh Chim Ưng, bao nhiêu chóp đá của dãy Tây Côn Lĩnh quanh năm mây phủ tưởng như chạm tới trời. Sáu con ngựa cùng chạy nước kiệu vào trước quân doanh. Mọi người xuống ngựa. Hai anh lính cầm giáo đứng gác, chặn lại hỏi. Nguyễn Bằng đưa trình tấm thẻ. Một anh lính gác bảo mọi người chờ, cầm tấm thẻ chạy vào, lát sau quay lại cùng với người đàn ông chừng gần năm mươi tuổi ăn vận theo kiểu dân man động, đó chính là tướng quân Hà Khuất ra đón. Khi tất cả đã vào trong trại, Hà Khuất nói:
   - Tao đã nhận được cái lệnh đưa các cái mày sang phía bên kia nớ. Người của tao ở bên ấy sẽ đón à. Cửa Mã Quan có quân Mông Thát nó chiếm rồi nớ, tao cho người đưa các cái mày đi tắt rừng qua khe Độc Long rồi vượt lên đỉnh Chim Ưng mà sang nớ. Hôm nay các cái mày cứ nghỉ, sớm mai sẽ đi à. Hàng hoá tao cho đóng gói sẵn cả rồi à.
   Sớm hôm sau, Hà Khuất cho mang đến sáu bộ quần áo man, bảo mọi người thay vào,  mỗi người đeo một thanh kiếm có ngạnh khoằm ở gần mũi và một chiếc gùi đựng hàng buôn cùng lương thực, theo anh lính dẫn đường, nhằm hướng đỉnh Chim Ưng mà đi. Càng đi sâu vào rừng càng âm u ẩm ướt. Hai chiếc dây đeo gùi thít chặt vào hai bên nách làm Nguyễn Bằng cảm thấy đôi tay tê dại. Dưới chân rêu đá lầy nhầy, chỉ cần sơ ý trượt chân là lao ngay xuống vực thẳm. Tiếng chim bắt cô trói cột gọi nhau xé rách vẻ uy nghiêm tĩnh lặng của rừng già. Đôi lúc có những đàn khỉ, thấy  người, kéo nhau đến xem, kêu chí choé. Anh lính dẫn đường im lặng, đi phăm phăm phía trước, thỉnh thoảng dừng bước chờ mọi người, tay cầm cây kiếm mũi khoằm chốc chốc lại giật đứt những dây leo chăng cản ngang đường. Rất nhiều khe nước nhỏ rót xuống vực, có vòi nước không chạm được xuống phía dưới mà rơi đến lưng chừng tan ra tạo thành một màn hơi mỏng trắng đục bay lượn lờ trên thảm rừng xanh. Bất giác Nguyễn Bằng ngâm:
 Vạn trượng hồng tuyền lạc
             Thiều thiều bán tử phân
             Bôn lưu há tạp thụ
             Sái lạc xuất trùng vân
             Nhật chiếu hồng nghê tự
             Thiên thanh phong vũ văn
             Linh sơn đa tú sắc
             Không thuỷ công nhân uân8
  
   Trời về  chiều, sương  xuống lạnh. Đoàn người đi đến một thung lũng hẹp. Người lính dẫn đường dừng lại nói:
   - Các cái mày dừng lại, lên chòi ăn cơm, đi ngủ nớ, không được xuống đất, ông khái mang đi đấy à.
   Lúc này Nguyễn Bằng mới để ý nhận ra cái chòi làm chông chênh giữa lưng chừng bốn cây gỗ lớn. Các gốc cây đầy những vết cào của loài thú dữ. Người lính dẫn đường bám thân cây trèo lên chòi, vứt xuống một chiếc thang dây, bảo mọi người leo lên.
   ở rừng thời gian đi nhanh. Loáng cái, màn đêm đã trùm kín khắp mọi nơi nhưng hình như bây giờ chúa rừng mới đánh thức muôn loài trong cái thế giới hoang dã đầy bí mật này. Mở đầu là tiếng tru dài của một con chó sói, tiếp theo là hàng loạt tiếng hú trả lời của bầy đàn. Cánh rừng rộn rã hẳn lên bởi tiếng sói, tiếng vượn, tiếng tác của hươu nai, tiếng chim khảm khắc gọi bạn, tiếng ve rừng ra rả suốt đêm...
   Anh lính dẫn đường vừa đặt lưng đã ngáy ngon lành. Mấy anh lính miền xuôi nói chuyện nhí nháu. Nguyễn Bằng bảo:
   - Các chú ngủ đi cho lại sức, ngày mai đường xa lắm đấy.
   Tuy nói vậy nhưng chính Nguyễn Bằng cũng đâu có ngủ được, âm thanh của rừng hoang làm cho chàng trằn trọc không yên. Về khuya rừng càng lạnh, những tiếng i...i...i...on...on...on không biết từ đâu vọng đến khiến chàng liên tưởng tới bao nhiêu câu chuyện ma rừng đã từng được nghe người già kể lại từ thời thơ bé. Bỗng mấy tiếng iái...gừm...iái...gừm rất to ở ngay dưới chân chòi làm sáu anh lính miền xuôi ngồi bật cả dậy. Có anh hoảng hốt nói:
   - Cái gì mà nghe ghê thế hả?
   Anh lính dẫn đường ầm ừ, trở mình, nói:
   - ừ ...ừ! Ông khái đấy nớ! Ngủ đi à.
   Dứt lời, anh ta lại ngáy ngay được, mặc mấy anh lính miền xuôi rúm rít vì sợ, một thứ sợ hãi xen lẫn thích thú vì sự lạ. Lát sau có tiếng cào sồn sột vào gốc cây. Anh nào đó vừa cười vừa nói:
   - Bỏ mẹ! Nó trèo lên đấy, có thằng thì mất ấy!
   Nguyễn Bằng bảo mọi người:
   - Thôi! Không nói nhảm nữa. Tất cả ngủ đi. Nó không lên được đâu.
   Sáng hôm sau, khi đôi chim khảm khắc ngừng hót thì rừng già cũng lấy lại được cái vẻ trầm tư huyền bí ban ngày. Một anh nói:
   - Đêm hôm qua thích thật đấy, tớ nằm mãi mới ngủ được.
   Anh khác cười, bảo:
   - Sợ bỏ mẹ lại còn thích.
   Anh khác nữa:
   - Chả trách người ta bảo rừng già cũng như vị quan lớn vậy, ban ngày trầm tư đạo mạo, đến đêm nghịch như ma như mãnh.
   - Chẳng thế lại có câu ban ngày quan lớn như thần, ban đêm quan lớn tần mần như ma.
   Đoàn người cứ đi nhưng bây giờ không phải là trèo lên, mà lao xuống dốc. Con đường đi xuống vừa âm u vừa trơn như  ai bôi  mỡ. Thỉnh  thoảng  lại có  một người ngã bệt đít làm ai nấy cười như nắc nẻ, càng xuống sâu càng hun hút như tới tận âm ty địa phủ, trước mặt sau lưng toàn dốc đá dựng đứng, cây cối khoằm khoèo kì quái. Nguyễn Bằng hỏi người lính dẫn đường:
   - Đây là đâu mà có vẻ ác địa thế này?
   Người lính dẫn đường trả lời:
   - Các cái mày không biết à? Chỗ này gọi là khe Độc Long nớ, chưa ác đâu, xuống dưới kia rồi mới biết à.
   Một lúc sau xuống đến đáy khe. Nơi đây dường như quanh năm không có gió, một mảng trời nho nhỏ bị cầm tù giữa bốn bề vách đá. Nước chảy róc rách qua những lớp lá mục ẩm ướt. Chướng khí bốc lên mờ mờ khiến mọi người ngột ngạt  tức thở. Lối lên ở phía bên kia không có đường, phải bám vào dây leo mà đu mình lên từng nấc một, vách lên cao gấp hai lần vách xuống. Người lính dẫn đường nói:
   - Tao lên trước nớ, các cái mày bám dây cho chắc, tuột tay rơi xuống là tan thây à.
   Một anh lính vừa nắm lấy thân dây leo vừa nói:
   - Để tôi thử xem nào.
   Người lính dẫn đường vội thét lên:
   - Dừng à! Ay à!!! Chết rồi à.
   Không kịp rồi! Theo tiếng nói của anh lính dẫn đường, anh lính vừa định thử leo lên ngã vật xuống, mặt xám ngắt trong giây lát nổi lên những vết tím lịm. Những người lính miền xuôi hốt hoảng không biết chuyện gì đã xảy ra. Anh lính dẫn đường nói:
   - Nó chết rồi! Con rắn lục nâu cắn nó nớ.
   - Rắn lục xanh chứ sao lại rắn lục nâu.
   - Lục xanh cắn may ra còn kịp cứu nớ, lục nâu cắn thì chết ngay thôi. Nó đây à.
   Anh lính dẫn đường chém một nhát kiếm vào thân dây leo. Một con rắn mầu nâu nhạt, hơi có sắc xanh bóng chỉ nhỏ như ống sậy, đứt đầu rơi xuống quằn quại. Anh lính dẫn đường nói tiếp:
   - Các cái mày phải tinh mắt nớ, cẩn thận à.
   Ai nấy mặt buồn rười rượi. Trong lòng khe toàn là đá khối không đào được huyệt, họ phải xếp cho người bạn xấu số một ngôi mộ đá.
   Trời gần tối lên đến lưng chừng núi, ở đây có lối hơi bằng phẳng để leo lên. Anh lính dẫn đường nói:
   - Từ đây lên dễ hơn rồi nớ. Giờ các cái mày mệt rồi, nghỉ à, mai đi tiếp à.
   Nguyễn Bằng hỏi người lính dẫn đường:
   - Hôm sau chú quay về một mình có buồn không?
   - Cái đại nhân không biết à. Tao lên ở lại đó thay cho người khác về nớ. Khi nào có người lên thay tao mới về à.
   Trưa hôm sau lên đến đỉnh Chim Ưng, lởm chởm đá tai mèo sắc như gươm giáo. Nhìn sang bên Tây, vách đá dựng thành, phía xa là thảo nguyên mênh mông một màu xanh nhàn nhạt rồi lại núi trùm lên núi, rừng ken vào rừng tầng tầng lớp lớp không biết đâu là điểm tận cùng. Quay lại bên Đông bát ngát một màu mây bạc, loáng thoáng lộ ra những bạt rừng xanh thẫm. In trên nền trời xanh là những cánh chim đại bàng bay lượn một cách kiêu dũng. Gió thổi phần phật làm tung khăn áo mọi người. Mấy anh lính miền xuôi lần đầu lên núi rất phấn khích, một niềm phấn khích thật là bồng bột. Họ muốn gào lên, mặc dù tất cả đã mệt rã rời.
   Nguyễn Bằng đứng ngắm mãi về Đại Việt, chưa bao giờ chàng có cảm giác đất nước đẹp đến thế này, nhất là giờ đây sắp phải rời xa để đi sâu vào đất giặc. Chàng cất tiếng hát:
 
Tay vịn lên mây trắng
Đầu cụng vào trời xanh
            Giang sơn tình muôn dặm
            Nâng bước chân lữ hành.
  
  Tất cả mấy anh em đều đồng thanh hát:
 
            Giang sơn tình muôn dặm
            Nâng bước chân lữ hành.
             Giang sơn tình muôn dặm
            Nâng bước chân lữ hành...
 
   Tiếng hát ngân xa, kéo dài mãi ra như muốn gửi bao tình lưu luyến của những anh lính về chốn quê nhà. Hứng khởi cảm động, họ khoác chặt tay nhau, hát vang lên mãi...
    Anh lính dẫn đường đưa mọi người vào một hang đá. ở đó đã có ba người chờ sẵn, một người mặc kiểu dân man động còn hai người kia vận y phục Đại Lý. Một người mặc y phục Đại Lý chạy ra đón, nói:
   - Xin chào mọi người! Chúng tôi chờ các vị ở đây đã lâu rồi.
   Hoá ra ông ta là người kinh ở miền xuôi lên. Người lính dẫn đường nói:
   - Tao dẫn các cái mày đến đây là xong nớ. Từ đây hai cái người kinh này nó dẫn các cái mày đi à.
   Hôm sau, anh lính dẫn đường ở lại thay cho người mặc y phục man động trở về. Nguyễn Bằng và bốn anh lính miền xuôi thay quần áo Đại Lý, bỏ kiếm, đeo gùi hàng theo hai người dẫn đường mới đi tiếp xuống sườn phía tây. Con đường này dốc đá dựng đứng, phải dùng dây cột chặt phía trên, thả các gùi hàng xuống trước, người tụt xuống sau, cứ như thế nhiều nấc, nhiều nhịp mới tới chân núi. Người dẫn đường chỉ tay nói:
   - Xuống chân núi này là đất Đại Lý rồi. Từ đó có hai đường, xuôi về hướng Nam bốn mươi dặm là đến ải Mã Quan, đi tiếp ba mươi dặm nữa đến địa phân ải Quy Hoá của ta, ngọn núi này thuộc về châu Thuỷ Vĩ9. Còn một lối hướng thẳng phía Tây hai trăm dặm đến thành Thiện Xiển10 rồi ngược lên hướng Bắc ba trăm dặm nữa là tới thành Đại Lý. Ta đi nhanh cũng phải mất sáu ngày mới tới được thành Thiện Xiển.
   Chỉ còn nhịp cuối cùng này nữa là đến chân núi, đã có bốn người xuống tới nơi. Nguyễn Bằng đang treo mình trên lưng chừng vách đá, cũng đã gần mặt đất, bỗng có những chuyển động lạ truyền từ sợi dây đến tay chàng. Sợi dây đứt chăng? Từ sáng đến giờ nó đã bị cạnh đá cứa sước nhiều lắm rồi. Nguyễn Bằng chỉ kịp nghĩ vậy, cái điều tồi tệ nhất đã xảy ra. Sợi dây leo bị cạnh đá cứa đứt. Một anh lính ở dưới kêu lên:
   - Chết rồi! Đại nhân đứt dây rơi xuống rồi!
   Mấy người xuống trước cùng chạy xúm lại, chỉ thấy Nguyễn Bằng dang chân tay nằm bất động. Một người nói:
   - Nguyễn đại nhân mà làm sao thì hỏng hết công việc.
   Thật là:
 
               Tráng sĩ trên đường vừa hiến mạng
               Chủ quân cơ sự cũng khôn lường
 
   Mời bạn đọc tiếp chương sau xem số phận Nguyễn Bằng ra sao.
 
______________________________________
 
1 Những lời thoại này lấy nguyên văn trong ĐVsktt.
* Phụng Càn là tên cũ của Trần Liễu.
2 Bài thơ vốn chữ Hán, Lời dịch của Đào Phương Bình, nói rằng vua khởi thuỷ nhà Đường là Lý Thế Dân lấy hiệu Thái tông phải giết anh là Kiến Thành để tranh ngôi. Vua khởi thuỷ nhà Trần cũng lấy hiệu Thái tông nhưng lại cứu sống anh là An Sinh vương, đức của vua Trần lớn hơn vua Đường nhiều lắm.
3 ĐVsktt.
4 Theo ĐVsktt.
5 Đại Lý: Một quốc gia cổ, ở Vân Nam, có biên giới chung với Đại Việt, nay là vùng Vân Nam-Trung Quốc, bị Hốt Tất Liệt và Cốt Đãi Ngột Lang đánh chiếm năm 1254.
6 Phạm Kính Ân là tướng cũ của nhà Lý.
7 Năm Kỷ Hợi (1239) có khoa thi thái học sinh. Lưu Miễn, Vương Giát đỗ đầu-Theo ĐVsktt.
8 Thơ của Vương Hàn đời Đường. Tạm dịch:  Say nằm bãi cát đừng cười nhé. Xưa nay ra trận mấy ai về.
8 Thơ của Trương Cửu Linh đời Đường. Xin tạm dịch:
                     Mạch tuôn muôn trượng suối hồng
                     Chập chờn hơi tím lưng chừng núi cao
                     Giội trên cây lá ào ào
                     Tung lên đến tận trời cao  mây vờn
                     Nắng soi hiện mống chiều hôm
                     Trời xanh mà ngỡ mưa tuôn bời bời
                     Linh sơn cảnh đẹp trên đời
                     Lẫn màu sơn thuỷ như thời hỗn mang.
9 Thuỷ Vĩ: Tỉnh Lào Cai ngày nay (Theo Dư điạ chí của Nguyễn Trãi- chú thích 13 chương 27)
10 Thiện Xiển: Một thành phố và căn cứ quân sự quan trọng của Đại Lý.  (Theo nghiên cứu của Nguyễn Lương Bích).
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)