bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 190
Trong tuần: 681
Lượt truy cập: 612877

ĐAU ĐÁU NỖI NIỀM...

Đỗ Ngọc Yên
 
ĐAU ĐÁU NỖI NIỀM ĐẤT NƯỚC, QUÊ HƯƠNG
 
   Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Lôi Vũ ở tư gia nhà thơ Trần Quang Quý trên đường Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội cách nay chừng 4- 5 năm gì đấy. Ngồi bên phải tôi là một người đàn ông cao to, có tướng quan võ, mặt vuông chữ điền, giọng nói hùng hồn. Tôi được nhà thơ Trần Quang Quý giới thiệu đây là thượng tá công an, nhà thơ Lôi Vũ. Tôi bắt tay ông và chào xã giao vài câu. Thế rồi chúng tôi quen nhau từ lúc nào không biết.
*
   Nhà thơ Lôi Vũ tên thật là Đỗ Trọng Vụ, sinh ngày 3/8/1960 tại xã Hải Thanh (nay thuộc thị xã Nghi Sơn), huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá.
Ông từng là học sinh Chuyên văn, trường cấp 3 Tĩnh Gia 2. Năm 1978, ông vào học trường Hạ sĩ quan Công an, thành phố Hà Nội. Năm 1981, Lôi Vũ về làm cảnh sát khu vực, Công an quận Hoàn Kiếm. Ông tốt nghiệp Đại học sư phạm ngoại ngữ (1994). Đến năm 1995, ông học khoa Điều tra hình sự, Học viện cảnh sát nhân dân. Sau đấy Lôi Vũ học tiếp đại học Luật và hiện nay là thành viên đoàn Luật sư Hà Hội.
    Nhà thơ Lôi Vũ từng tham gia học lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du của Hội Nhà văn Việt Nam (khóa X); học lớp Thẩm bình văn chương ngắn ngày của khoa Báo chí và Viết văn, trường Đại học Văn hóa, Hà Nội. Ông tham gia viết báo, chuyện cảnh giác, vụ án từ những năm 1984. Ông đã có thơ và truyện ngắn in trên các báo Công an Nhân dân, An ninh Thủ đô, Văn nghệ Quân đội. Ông hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành thơ; Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội.
Nhà thơ Lôi Vũ đã xuất bản các tập thơ: “Mùa đông cho em”, (2017); “Bất chợt” (2018); “Về Tây tiến” (2919) “Khúc dạo một con đường” (Thơ Namkau, in chung, 2020). Được biết, ông đang gấp rút hoàn thành và cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ “Nẻo Quê”; “Đất biên cương” và 1 tập truyện ngắn “Tái xuất giang hồ” trong năm 2022 này. 
*
    Ai đã từng đọc thơ Lôi Vũ từ những tập trước đây đã xuất bản: “Mùa đông cho em” (2017); “Bất chợt” (2018) và cả tập “Về Tây Tiến” này nữa, sẽ không quá khó để nhận ra đây là một nhà thơ luôn đau đáu những nỗi niềm với đất nước, quê hương. Tuy nhiên, đối với thơ ca nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung, cái làm nên tên tuổi của một người, trong tư cách là chủ thể sáng tạo, nhà thơ, lại không nằm ở khâu chọn đề tài, chủ đề cho tác phẩm của mình (cái được chọn), mà quan trọng nhất vẫn là cách xử lý và thể hiện chúng như thế nào, bất luận nó là cũ hay mới.
Trong lao động sáng tạo nghệ thuật việc phát hiện ra một sự vật, hiện tượng, đề tài, chủ đề mới là hết sức khó khăn và rất hiếm hoi. Có thể nói, cả đời một người cầm bút viết văn, làm thơ, nếu có thực tài thì may lắm anh ta cũng chỉ có được một đôi lần phát hiện ra được cái mơi mới, tức là không hoàn toàn mới hẳn, mà chỉ là có ít người biết thôi, còn lại hầu hết là làm mới lại cái đã cũ. Nói như vậy để thấy đối với phần lớn các nhà văn, nhà thơ từ xưa đến nay, công việc làm mới lại những đề tài, chủ đề đã cũ nào đấy để được bạn đọc, công chúng đón nhận đã là điều rất đáng ghi nhận và khích lệ về những nỗ lực cá nhân trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của mỗi người.
    Với suy nghĩ ấy, tôi thấy “Về Tây Tiến” của nhà thơ Lôi Vũ là một sự cố gắng rất đáng được ghi nhận ngõ hầu có thể để đem đến cho công chúng, bạn đọc sự hài lòng ít nhiều về những đề tài, chủ đề cũ mà anh đã dày công làm mới lại theo cách của riêng mình. 
   Hai mảng chính, xuyên suốt của “Về Tây Tiến” là mảng thơ tình và mảng thơ thế sự, là những điều mà có thể ai cũng dễ dàng nhận ra khi tiếp cận văn bản tập sách. Tuy nhiên với không ít bạn đọc lại không mấy dễ dàng nhận ra cách làm mới những bài thơ thuộc hai mảng này của nhà thơ Lôi Vũ. Trong tư cách của một người làm lý luận, phê bình chuyên nghiệp, tôi quan đến cách làm mới hơn là cái được làm mới của nhà thơ trong quá trình xử lý các đề tài, chủ đề không phải là mới.  
“Tây Tiến” là bài thơ nổi tiếng làm nên thi hiệu của nhà thơ tài hoa Quang Dũng trong thời kỳ cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cam go và ác liệt, cách thời điểm hiện tại của chúng ta chừng ba phần tư thế kỷ (1948- 2019). Anh cán bộ tiểu đoàn Quang Dũng cùng đoàn quân của Trung đoàn Thủ đô hành quân bổ sung lực lượng cho chiến trường Tây Bắc nước ta là nơi có tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp và vùng thượng Lào của nước bạn. Trên đường hành quân lên miền Tây Bắc, anh cán bộ tiểu đoàn Quang Dũng bỗng nổi thi hứng và đã để lại cho đời nhiều tác phẩm thi ca, trong đấy có một kiệt tác, mà cho đến hôm này không còn xa lạ với số đông độc giả yêu thích thơ ca cách mạng, vì “Tây Tiến” là tác phẩm đã mở ra cho thơ Việt hiện đại một khuynh mới trong việc tái hiện lại những đề tài, chủ đề quen thuộc.
   Là người thuộc thế hệ con cháu của thi sĩ Quang Dũng, nhà thơ Lôi Vũ cũng đã tìm được cách riêng cho mình khi thể hiện lại một cách khá thành công về đề tài, chủ đề này trong bài “Về Tây Tiến”.  
    Bài thơ không dài, được chia làm 4 khổ, 2 khổ đầu mỗi khổ 4 câu, 2 khổ cuối, mỗi khổ 6 câu, nhưng người đọc dường như được gặp lại một Tây Tiến năm xưa, ở một tâm thế và hình thức thể hiện hoàn toàn khác so với thế hệ cha chú trước đây. Sau gần ba phần tư thế kỷ, non song, đất nước ta đã sạch bóng quân xâm lược, nhà thơ Lôi Vũ hôm nay về Tây Tiến trong tâm thế của người chiến thắng, lên miền Tây trong không khí hòa bình, người dân khắp mọi miền Tổ quốc đang ngày đêm hăng say lao động sản xuất xây dựng lại quê hương, phát triển kinh tế hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh, khác xa với tâm thế của thế hệ cha chú xưa lên Tấy Tiến là đi chiến đấu, chống lại quân xâm lược Pháp, giải phóng quê hương, đất nước.
Ngược Tây Bắc trong tâm thế ấy, nhà thơ hoàn toàn có thể phóng tầm mắt mà ngắm nhìn đất trời xứ sở đang thay da đổi thịt từng ngày và thả trí  tưởng tượng đến từng ngõ ngách của bản làng với những người con trai, con gái nơi đây hồn nhiên và xinh đẹp đến nao lòng:
“Cô gái bản mắt trong veo như suối
Giấu mặt trời trên má hây hây
Sương chẳng chịu tan níu mùa xuân cạn
Cỏ ngọt lùi xanh mía Mộc Châu”.
   Có thể nói hai câu đầu của khổ thơ này thuộc loại hai câu thơ hay nhất của Lôi Vũ, khi anh miêu ánh mắt và gương mặt của cô gái bằng cách nói của người dân tộc vùng cao: “mắt trong veo như suối” và “giấu mặt trời trên má hây hây”. Quả là một sự quan sát tinh tế và vận dụng ngôn ngữ dân tộc khá nhuần nhuyễn.
    Tuy nhiên, khi trở lại Tây Bắc lần này, nhà thơ không quên là mình đang đến với những chiến công huyền thoại của quân đội ta cùng bà con các dân tộc thiểu số anh em một thời đã làm nên những chiến công oai hùng, góp phần vào một “Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu” và sẽ mãi còn lưu danh sử sách. Để hôm nay đây, chính nơi chiến trường xưa đã và đang dần trở thành một địa chỉ đỏ cho bất cứ ai muốn khám phá truyền thống lịch sử chống ngoại xâm của các thế hệ cha ông chúng ta, cùng với những vẻ đẹp hoang sơ của mảnh đất được coi là phên giậu nơi cửa ngõ biên cương phía Tây Tổ quốc:    
“Ta về Tây Tiến còn đây
Hào khí ngất trời Tây Bắc
Hoa ban nở trắng rừng dụ mê lòng lữ khách
Châu Mộc ơi tôi tìm tôi giũa mênh mông
Cổ sử thêm một lần để nhớ
Cao nguyên đêm về ôm những hoang sơ”
    Bài thơ viết về một đề tài không mới, nhưng người đọc vẫn cảm thấy bị cuốn hút bởi cách viết mới của tác giả từ việc khai thác đề tài, chủ đề đến sự thay đổi giọng điệu, kết cấu và ngôn ngữ thể hiện,… trong tác phẩm.  
*loi-vu-7696
    Tôi thật sự ấn tượng bài thơ anh viết về quê nội, một làng chài ven biển miền Trung, có cái mặn mòi của biển cả, cái bỏng rát của gió Lào, những mùa vụ đánh bắt hải sản và cái tình người làng quê được gửi vào bát nước chè xanh. Ở nơi đấy có hình bong người cha đã từng oằn mình ra chống chọi với bão lũ, có dáng vẻ người mẹ siêng năng, cần cù và lam lũ, để cho những mùa vàng về tận sân:  
“Tôi nghiện nước chè xanh quê nội
Yêu đất cát pha gội sóng biển ngàn đời 
Chắt từ gió Lào ngọt nước sông quê
Củ khoai bở đầu hè dậy thơm hương đất”

“Thơm dụ nước chè nhâm nha mỗi sáng 
Tôi thả mình trong trời sớm Tĩnh Gia
Gió biển mùa chiêm ngậy vị quê nhà
Đăng đắng chè xanh, thơm muối vừng ai giã”
“Nhớ bóng Cha nghiêng đồng chống lũ
Mẹ chở mùa về sân
Phượng đỏ trời đón hạ
Bạn mời ta bát nước tình thân”
(Tình quê nội)
Bài thơ tuy không có gì mới về nội dung đề tài, chủ đề hay hình thức biểu hiện, nhưng bù lại là tính chân thật và giàu cảm xúc trước cái tình quê hương, chòm xóm. Theo tôi, với thơ thế là đủ. Bởi lẽ thơ chỉ có thể ghi dấu ấn trong lòng độc giả bằng hai phương cách: hoặc là tìm ra được cái mới độc đáo, hay làm mới lại cái cũ một cách độc đáo thông qua hình thức thế hiện bằng ngôn ngữ, hình tượng và giọng điệu hoặc phải thật sự giàu cảm xúc chân thực cuốn hút người đọc. 
Có thể nói một tỷ lệ không nhỏ trong tập này là những bài thơ thế sự được Lôi Vũ thể hiện dưới nhiều dạng thức, giọng điệu và ngôn ngữ khác nhau, chứng tỏ nhà thơ rất quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng chủa đất nước và người dân về chủ quyền biển đảo, biên giới, về đối ngoại, về tốc độ đô thị hóa đang diễn ra chóng mặt, những tệ nạn xã hội hay vấn đề ô nhiễm môi trường,… qua các bài: “Chào tháng Tám”, “Mưa Hà Nội”, “Các anh không về”, “Bay về miền xích đạo”, “Rác đêm”, “Bạn tôi”, “Đa thần làng Ngụ”, “Bước chân người lính”, “Thăm Vị Xuyên”, “Tiếng khua đêm”, “Ngoại giao Trung Nam Hải”…
*
Phần lớn trong số gần 60 bài thơ có trong tập này đều thể hiện rất rõ nỗ lực làm mới lại những đề tài, chủ đề cũ bằng cách riêng của nhà thơ Lôi Vũ. Vì thế, nhìn chung các bài thơ viết khá đều tay, không có sự chênh lệch quá lớn giữa các tác phẩm. Thậm chí có một số bài Lôi Vũ dường như đã tiếp cận được lối viết khá hiện đại so với mặt bằng thơ hôm nay, nên trở thành những bài thơ đọc khá thú vị, đặc biệt ở mảng thơ tình:  
“nắng quái về ngõ nhỏ
dậy sắc vàng mắt thu
tím nhạt trăng mê dụ
vàng ru khúc thụy du”
(Thu sang)
Hay:
“Nhạt chiều nắng loãng hoàng hôn
Gió lay vỡ túi càn khôn giữa chừng
Mắt trong mắt ướt rưng rưng
Cạn ngày bỗng chạm ngập ngừng hương thu”
(Hoàng hôn tím)
Và:
“Chim rộn ngoài hiên vắng
Mắt ánh niềm nhớ xa
Gió vịn cành gọi nắng
Thả ta hồn ú òa”
(Bâng khuâng)
Đây là những bài thơ ngắn gọn, khá chân thật, giản dị về nội dung tư tưởng chủ đề cũng như lối diễn đạt, nhưng chúng vẫn gây nên sự bất ngờ thú vị nhất định chonhs ở lối bẻ ghi, hay đổ đèo của một câu hay có khi chỉ là một vài thực từ, thậm chí là hư từ như “ú òa”.    
Những bài tương tự như này, bạn đọc hoàn toàn không quá khó tìm thấy trong “Về Tây Tiến”. Chẳng hạn như: “Mưa Hà Nội”, “Mơ trăng”, “Mưa nối vụ”, “Dấu xưa”, “Tháng bảy”, “Về Thiên Cầm”, “Chiều Cửa Lò”, “Tuổi thơ”, “Giấc trưa”, “Hè về”, “Về Núi Đôi’… Có thể nói Áo vàng là một trong số những bài thơ khá hay của tập thơ này. Thậm chí có những câu thơ và những chữ gọi là xuất thần của Lôi Vũ khiến ai cũng phải trầm trồ khi đọc: “điểm một lả lơi nốt ruồi” trong cặp lục bát:
“Áo vàng là áo vàng ơi
Sao không điểm một lả lơi nốt ruồi”
Hay cụm từ phẩy nai trong cặp lục bát kết thúc bài thơ:  
“Phẩy nai tóc xoã vai mềm
Trói người quân tử nát rền tương tư”
Tôi đồ rằng không ít người còn chưa bao giờ được nghe và hiểu một cách tường tận nghĩa của cụm từ phẩy nai trong ngôn ngữ đời sống chứ chưa nói là trong thơ. Không biết đây có phải là những cụm từ mới được Lôi Vũ sáng tạo ra hay không, nhưng chắc chắn trước đây, tôi rất ít khi thấy ai gieo vần câu bát bằng một cụm tính từ láy đôi như: “điểm một lả lơi nốt ruồi” và cụm từ “phẩy nai” quả thực lần đầu tôi mới bắt gặp.
*
Dù chưa in riêng thành tập, nhưng tôi khá ấn tượng với những bài thơ Namkau
của nhà thơ Lôi Vũ mới viết cách đây chưa lâu. Bởi đây là thể thức thơ mới do nhà thơ Trần Quang Quý sáng tạo ra từ trước khi CLB Thơ Namkau được thành lập (2019), do ông làm chủ nhiệm và nhà thơ Lôi Vũ làm Phó Chủ nhiệm thường trực, phụ trách. CLB lớn mạnh không ngừng, hiện có gần 70 hội viên, rải khắp từ Bắc chí Nam và cả ở nước ngoài nữa. Năm 2020, CLB đã trình làng tập thơ mang tên KHÚC DẠO MỘT CON ĐƯỜNG (tập I) có độ dày trên dưới 220 trang in, tập hợp 402 bài thơ của 55 tác giả, trong đấy có hai tác giả hiện đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài là Nguyễn Yến Ngọc (Canada) và Tú Oanh (CHLB Đức). Tác giả lớn tuổi nhất là nữ nhà thơ Nguyễn Việt Hằng ở quận Hà Đông, Hà Nội, năm nay bà đã 77 tuổi (sinh năm 1945). Tác giả ít tuổi nhất là nữ nhà thơ Vũ Hồng Nhung, năm nay mới 40 tuổi (sinh năm 1982) quê ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Tập thơ được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Theo tôi được biết, CLB hiện đang gấp rút hoàn thành bản thảo KHÚC DẠO MỘT CON ĐƯỜNG (tập II) để sớm ra mắt bạn đọc trong năm nay, 2022.
Trở lại với mảng thơ Namkau của Lôi Vũ, tôi thấy có lẽ do đặc trưng của thể thức và thể loại của dòng thơ này, mà phần lớn những bài thơ ông viết theo thể thức Namkau đều súc tích, nhưng vẫn giữ được sự mới mẻ về ý thơ cũng như ngôn ngữ biểu đạt:
Mây sà xuống vai người bươn bải
Sương đẫm mùa ngân ngấn lệ thương trăng
Lọn nắng nghiêng chao rơi vào chiều vàng nhạt
Hà Nội ngâm tôi trong run run heo may”
(Tháng Tám về). 
Với không ít người, khi viết về tháng Tám của Thủ đô Hà Nội là nghĩ ngay đến Ngày khởi nghĩa giành chính quyền (19/8/1945) và Ngày Quốc khánh (2/9/1945) thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đầu tiên ở Đông Dương… Còn Lôi Vũ lại đem đến cho bạn đọc một tháng Tám của riêng mình đầy vẻ hoài niệm của một Hà Nội trong hương sắc mùa thu của thiên nhiên, trời đất.
Cũng là viết về thời gian, nhưng ở bài thơ sau đây lại hoàn toàn khác từ thi hứng đến ý tưởng thơ cũng như sự mới mẻ trong ngôn ngữ thể hiện:
Em heo may tôi tháng bảy
Từng giọt mắt rót vào bừng nóng
Mở thế giới phồn sinh
 
Tôi đa thức cái nhìn em diệu vợi
Nhuốm heo may cả một cuộc người”
 (Nhuộm).
Hai câu “kết” và “nghiệm” của bài Namkau này lạ và mới bởi việc đặt đúng chỗ (đắc địa) những từ ngữ mà trong đời sống thường nhật không ai nói như vậy, nhưng trong ngôn ngữ thi ca lại hoàn toàn có thể. Vì thế chúng đã tạo nên sự ám ảnh và sức lan tỏa cần thiết.
Tôi rất thích bài “Chuyển” của tác giả viết về sự biết ơn những người thầy của mình. Từ “chuyển” ở đây chí ít cũng bao hàm vài ba nghĩa như: chuyển đổi, chuyển tải, chuyển giao từ thế này sang thế hệ khác hay ít nhất cũng là từ người đi trước (thầy) cho người đến sau (trò):
Thầy tặng sách như tặng chân tu kiếp trước
Ta mở bốn mùa tiếp bước bội thu
Những ký tự ứa lệ bung trên dòng sông chữ
 
Thế sự ngàn đời đảo chao vần vũ
Hồn chữ dậy thì mầm nở nõn vườn Xuân”
(Chuyển). 
Có thể nói không một ai trong đời không có cho mình một người thầy dù trực tiếp hay gián tiếp hướng đạo, dẫn dắt mình đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật đầy chông gai, vất vả nhưng mình yêu thích và lựa chọn. Đặc biệt, đối với những người thầy có tâm, có tầm như một vị chân tu thì những gì thầy truyền thụ, chuyển giao cho mình quý giá biết chừng nào. Và nếu ai đó trong đời gặp được những người thầy như thế thì niềm vui và hạnh phúc sẽ được nhân lên gấp bội, tạo thêm cảm hứng phấn khích mỗi khi nàng thơ có nhã ý đến thăm. Nhà thơ Lôi Vũ chính là người có được may mắn ấy.
Trên mặt bằng của đời sống thơ ca Việt hiện nay “Về Tây Tiến” là tập thơ được nhà thơ Lôi Vũ đầu tư khá nhiều công sức, viết khá đều tay nên rất đáng đọc, mặc dù đây đó cũng còn những khiếm khuyết nhất định, nhưng đều có thể được bỏ qua, châm chước được. Chúc mừng nhà thơ./.
 
                                                  Dịch Vọng, Hà Nội 9/2019- 9/2022
                                                                        Đ.N.Y
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)