bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 138
Trong tuần: 645
Lượt truy cập: 612778

ĐÊM TRỰC KHÔNG QUÊN

 

Vũ Thảo Ngọc
 
ĐÊM TRỰC KHÔNG QUÊN
 
  Tốt nghiệp đại học y dược chuyên ngành điều dưỡng là Hòa nhận nhiệm vụ về bệnh viện của thành phố, với sự chăm chỉ và tận tụy với nghề, chỉ sau dăm năm cô đã trở thành một nhân viên điều dưỡng giỏi và là y tá trưởng của bệnh viện. Khi ở đại học, ngay từ những ngày đầu tiên ngồi ghế giảng đường cô đã được tiếp xúc nhiều tài liệu nói về các loại dịch bệnh. Các môn học về y tế dự phòng đã nói rất kỹ về các bệnh lý phát dịch,  đã được các thầy cô giới thiệu về những trận đại dịch gây nguy hiểm cho nhân loại như bệnh Lao, bệnh  phong hủi, bệnh tả, bệnh đậu mùa và một số bệnh lý khác. Ngay tại thời điểm phát dịch đó,  ngành  y tế thế giới mỗi lần dịch bệnh bùng phát đều nhanh chóng tìm ra vắc xin, tìm ra thuốc để nhanh chóng  dập các ổ dịch bùng phát, tuy nhiên không phải bệnh nào cũng ngăn chặn được nhanh như những năm 2000 ở thế kỷ 20 với bệnh dịch Sars mà thế giới  đã xác định  là chủng virus cấp tính corona gây bệnh Sars. Các chuyên gia y tế đã nhắc lại, trước đó, có những thời kỳ chúng ta không công bố thông tin, ngay cả tên dịch bệnh cũng không được gọi. Dịch tả thì gọi là '4 không', dịch bọ chét thì gọi là 'BC'. Bây giờ là thế giới phẳng, nên thông tin về bệnh dịch truyền nhiễm lan nhanh trên thế giới. Nhân dân cả thế giới biết nhanh và có biện pháp tự phòng vệ cho bản thân và cộng đồng…   
   Năm nay Hòa và đồng nghiệp thật sự ngỡ ngàng với dịch bệnh với bệnh lý là  hội chứng hô hấp cấp tính, hay nói gọn là bị viêm phổi cấp vẫn là chủng virus cấp tính corona, với cách gọi thông thường nôm na dễ hiểu gọi tắt luôn từ chữ covid là cô vi cho tiện, và ai cũng biết có hiểm họa mới từ loại bệnh này đang đe dọa đời sống cộng đồng. Sau một năm nó hoành hành khắp thế giới, các nhà nghiên cứu đã đánh giá nó kể từ sau chiến tranh thế giời thứ hai nó là một thảm họa của nhân loại. Vì thế, khi nó đã lây lan đến thành phố của Hòa, thì các nhân viên y tế  đã nghiễm nhiên đứng ở vị trí là những “chiến binh” ở tuyến đầu làm nhiệm vụ chống lại  căn bệnh thế kỷ này.
   Với Hòa những đêm trực của nghề là bình thường. Do đặc thù của nghề y đã thành nếp rồi, cứ đến tuần có ca trực thì Hòa phải lo toan chợ búa, cơm nước chu toàn để bố con nhà nó yên tâm khi mẹ không ở nhà. Nhưng dạo này thì khác hẳn, những đêm trực đã không ổn định lịch trực như ngày xưa nữa. Chồng Hòa là bộ đội cũng không được về nhà nữa mà cũng nhận nhiệm vụ trực chốt phòng dịch cả tháng rồi. Khi nghe giao ban nhận nhiệm vụ Hòa phải điện đón bà ngoại xuống hỗ trợ trông hai đứa con đang tuổi mẫu giáo và lớp một. Một không khí căng như thời chiến tranh mà ngày xưa Hòa nghe bố mẹ kể…
   Có thể nói cơn chấn động lịch sử vì trận dịch gây tổn thương đường hô hấp và gây nguy cơ chết người toàn thế giới đã khiến các nhân viên y tế khắp nơi phải đối diện với mặt trận không tiếng súng. Hòa cũng thế, mọi sự đảo lộn sau một đêm khi ở phía tây thành phố đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên. Dịch bệnh ập đến nhanh và thực sự ban đầu đã khiến ngành y tế cũng lúng túng chứ không riêng nhân dân và các cơ quan liên quan và tất cả đều căng như dây đàn tìm cách ngăn chặn con sóng ngầm dịch bệnh đã lan đến vùng đất này. Dịch tràn đến như một cơn gió, như một cơn mưa bóng mây. Không nhìn thấy “giặc” nhưng đã bao trùm một nỗi âu lo của nhân dân trong vùng vì kẻ thù không hiện diện, không súng ống, xe tăng, không như cơn cuồng phong gió giật, mưa trút, mà lặng lặng xâm chiếm. Nó nhanh chóng hung hãn xâm chiếm và trú ngụ qua con đường không ai thấy, nó âm thầm len lỏi đến những lá phổi hiền lành bé nhỏ, một tấm lá chắn duy trì sự sống con người bỗng nhiên bị chiếm dụng, bị tàn phá. Làng xóm, phố phường phải chấp hành rất nhiều các quy định nghiêm ngắt không được ra khỏi nhà, không được tụ tập đông người, không giao thương chợ búa. Những khẩu hiệu màu đỏ đã được dán lên cánh cửa các ngôi nhà, những hàng rào tạm dựng lên ngăn những làng quê, con phố vì trong đó đã có người mang bệnh. Những bệnh viện dã chiến được dựng lên, trường học đóng cửa, ngành y tế mượn làm bệnh viện dành cho các bệnh nhân vừa bị lây nhiễm. Những thuật ngữ hoàn toàn mới, lạ, lần đầu xuất hiện trong ngôn ngữ Việt thông thường, chỉ nghe thôi đã thấy ớn lạnh. Cơn chấn động dịch giã chen vào cuộc sống đang băng băng trôi, bỗng dưng bị ngắt lại, bị chặn đứng, bị giăng lên vô vàn những lối ngang dọc trên dưới. Muốn ra cũng không được muốn vào cũng không, mọi cánh cửa như nhất thời dựng lên chặn lại mọi lối đi! Cơn chấn động như cơn mưa bóng mây đó không ai biết, không ai nhìn thấy, nó mơ hồ như màn sương mỏng tang, nhưng lại mù mịt, mù mờ trước mắt các chuyên gia y tế toàn thế giới. Nó thách thức nền y học thế giới, nó có sức công phá toàn nhân loại như một quả bom nguyên tử. Tất cả đều nơm nớp lo ngại. Tất cả đều cố né tránh nó. Nhưng rồi nó vẫn đến, nó chỉ là hơi thở nhẹ, nó chỉ là một cái hắt hơi bình thường, nó chỉ là một cơn sốt nhẹ , một cơn ho nhẹ đến mơ hồ rồi bỗng nhiên trở nặng dần lên và dẫn đến tử vong khi những lá phổi của con người đã không thể chống chọi được nó. Tất cả đều nín thở chờ cho cơn địa chấn đi qua, nhưng càng chờ hình như nó càng lơ lửng đâu đó, càng lăm le đe dọa mọi ngóc ngách quả địa cầu.  Ban đầu nghe rất xa, rất mơ hồ, cứ tưởng nó ở phía bên kia quả địa cầu còn xa mới đến đất ta, nhưng chỉ trong tích tắc nó đã vào tận ngõ ngách thành  phố của Hòa đang sinh sống và làm việc. Vì thế Hòa cùng đồng nghiệp của cô dù muốn hay không thì nghiễm nhiên không thể ngồi yên với lịch trình của một nhân viên y tế thời chưa có “giặc cô vi”, cái tên gọi nôm na của thời dịch bệnh đã thành quen, đã bổ sung cho ngôn ngữ phong phú tiếng của Việt. Giờ ra đường hễ ai nhắc đến cô vi là ai đó đều thảng thốt, giật mình. Đâu đâu cũng chăng đầy những khẩu hiệu nhắc nhở người dân phòng chống giặc covid, nhiều bài hát, bài thơ  đầy âm điệu đến những  câu hò vè nôm na xuất hiện khắp nơi để nhắc nhở người dân cảnh giác với đại dịch covid xuất hiện. Nó góp phần cho nhân dân nhận thức được mức độ nguy hiểm của loại giặc không có hình hài này. Là lối sống mới đã thay đổi lối sống cũ, sự thắm thiết thể hiện khi lâu ngày gặp nhau, kể cả những cuộc nghị sự ngoại giao mang tầm quốc tế đã không còn “tay bắt, mặt mừng”, không còn hình ảnh cái ôm hôn thắm thiết đã thành thông lệ có nguyên tắc trong xã hội loài người từ lâu lắm rồi.nhanvienmaugiao
   Cuộc sống bỗng nhiên như bị ngưng lại, các nghi thức giao đãi tự dưng biến mất, mọi người đều phải né tránh ngồi gần nhau, đã xuất hiện sự kỳ thị người bệnh, người ta ngại đến nhà người có bệnh, các đám tang đã vắng người đến tiễn đưa, đám cưới thì dè dặt ngại đến chúc mừng… Những ngần ngại tiếp xúc cứ thế biến mọi cái thông thường trở thành cái bất thường, nhìn nhau đầy nghi ngại, ánh mắt dò xét liệu anh, chị, bạn, tôi có …mắc covid không, ai nấy cố giữ mình, tạo ra sự lạnh nhạt cần thiết để tránh tiếp xúc, để tránh được hậu họa covi xâm nhập đến mình. Cái tâm trạng của con người trong thời dịch cũng bỗng nhiên đổi khác, nó u uẩn, nó buồn tẻ, nó hẫng hụt khi có sự đe dọa đến tính mạng từ  kẻ thù không mang theo súng, theo bom đạn, nhưng còn nguy cơ hơn là bom đạn khi nó có cái tên mơ hồ là covid đang lơ lửng trong bầu không khí kia. Thế là tất cả đều theo nếp sống mới, mặt ai cũng khư khư cái khẩu trang che miệng, trong túi xách của ai cũng có thêm chai nước sát khuẩn, giữ khoảng cách nói chuyện, và vô số các bài thuốc dân gian được mọi người chia sẻ, và gần đây khi có đủ nguồn vắc xin tiêm phòng toàn dân thì cái sự e dè cũng bớt đi phần nào. Bớt e dè hơn khi hàng ngày phải nhận cả đống thông tin ảm đạm từ các ổ dịch lớn ở thành phố phía Nam không thật sự gây nỗi xót xa cho đồng bào, cha mẹ mất, ông bà mất, và những đứa trẻ  bỗng dưng rơi vào cảnh mồ côi … Đã có những xóm, phố trở thành hoang vắng  khi cư dân bị covi tấn công. Khắp đất nước đều dâng cao tinh thần cảnh giác với giặc covid.
    Các nhân viên y tế như Hòa thì không kịp nghỉ ngơi  đến nửa giờ. Thuật ngữ bệnh viện dã chiến xuất hiện. Hòa được gọi tên đầu tiên. Vì Hòa là y tá trưởng bệnh viện thành phố. Các nhân viên điều dưỡng lên đường cùng Hòa. Đội ngũ nhân viên y tế lần đầu tiên đi chống dịch với trang phục không phải màu áo trắng bằng vải thoáng đãng truyền thống của ngành y nữa, mà là bộ đồ chuyên dụng vải nilon  kín bưng từ đầu đến chân. Là sự bức bối, là sự ngạt thở với trang phục phòng chống tốt nhất căn bệnh covid kia. Hàng loạt Bệnh viện dã chiến lập nhanh khi địa phương huy động một trường học đóng cửa để phục vụ bệnh nhân bị lây lan. Với điều kiện hoàn toàn không thể đáp ứng như cơ sở y tế nên các bác sĩ y tá đều phải nỗ lực rất nhiều để duy trì các công việc chuyên môn. Mỗi ngày các bệnh nhân lại được đưa đến đông hơn. Những bệnh nhân đủ thành phần nam phụ lão ấu. Có gia đình cả nhà cùng …nhập khu cách ly!  Thương nhất mấy em bé, nhìn các cháu mà đứt ruột, vì bé quá, bố mẹ không bị nhiễm, các cháu lại lây nhau ở trường mẫu giáo. Đưa các cháu vào bệnh viện nhưng bố mẹ phải ở ngoài, vì nếu vào cùng con lại bị lây chéo. Đang lúc căng thẳng nhất của dịch bệnh,  những cơn gió độc covid tiếp tục thổi về bốn phía của thành phố,  nhiều trường học phải đóng cửa cho học sinh nghỉ học, rồi học sinh học trực tuyến. Cũng may mà ngành công nghệ thông tin phát triển nên việc học cở ngành giáo dục không bị lỡ những chương trình của một năm học. Nhưng cơn gió độc tiếp tục nã vào đời sống xã hội như không có hồi kết.  Khi dịch lan nhanh quá,với nhiều cách thức để chống lại nó thì chỗ này chỗ kia đã cho dừng các hoạt động thông thương, chợ búa, xe liên tỉnh phải dừng, cố gắng ngăn chặn sự lây nhiễm với tốc độ của cơn bão cấp mười hai. Nhưng rồi tất cả các biện pháp đó cũng như bàn tay bé nhỏ và mỏng manh của con người không ngăn được cơn gió độc và cấp độ bão tố ấy. Những chuyến xe đi thầm lặng, những lời kêu gọi cứu nhau khắp nơi khi người ta phải ngồi ở nhà chống dịch nhưng ở nhà lâu quá thì làm gì có đủ lương thảo duy trì cuộc sống, và dù có cố gắng đến mấy, con covid vẫn trơ trẽn xâm nhập mọi ngõ ngách. Từ sự ách tắc giao thông, không luân chuyển được hàng hóa, cây hoa, rau màu, gia cầm, gia súc của người nông dân đến kỳ thu hoạch gọi người mua không được. Những giọt mồ hôi nhọc nhằn và nước  mắt của người nông  dân đã đổ bời bời trên cánh đồng hoa, rau quả bị vứt bỏ, những đàn lợn đàn gà không còn đủ sức để nuôi…Những con tàu du lịch đẹp như những lâu đài trên biển chưa kịp khai trương đón khách đã tức khắc bị rơi vào nỗi ảm đạm của người chủ tàu. Dịch bệnh ngưng hết, không có ai có tâm trạng mà tìm chốn rong chơi trên các con tàu lộng lẫy ấy, tức là người chủ của con tàu kia cũng cùng chung số phận như người nông dân…
 Tình cảnh  bố mẹ bị bệnh thì vào khu cách ly, bệnh viện dã chiến, phải để con ở lại nhà và ngược lại con mắc bệnh thì bố mẹ ở nhà, biết bao phiền toái đi theo. Các nhà máy, xí nghiệp cũng căng đầu với những ổ dịch tự nhiên tạt qua xưởng máy của họ.  Công nhân phải nghỉ làm, sản lượng sản phẩm không đảm bảo, không chỉ người làm chủ mà cả tất cả  đều quay cuồng cái vòng xoáy như chong chóng xâm hại của giặc co vi. Ở biên giới những người  lính  cũng phải gánh trên vai việc kép, vừa bảo vệ biên cương, vừa canh chốt để ngăn chặn giặc covid,  ở thành phố tất cả mọi hoạt động đều như cố gắng để chặn, để chống lại loại giặc không có khuôn mặt người này. Con người như trở nên bé nhỏ trước đại dịch lần này, trước loại giặc không hiện hình vóc dáng…
   Và đêm ấy là đêm trực đầu tiên ở bệnh viên dã chiến, Hòa mất ngủ. Trực đêm không ngủ là chuyện quá quen với chức phận người làm trong ngành y, nhưng mất ngủ vì nhìn thấy một lớp mầm non mười lăm cháu bé và cô giáo mầm non vừa nhập viện khi chiều khiến trái tim Hòa bỗng dưng như thắt lại, cơn buồn ngủ bỗng dưng mất tích, thay vào là nỗi đau xót vò xé trái tim người mẹ trẻ. Cô và trò bỗng dưng bị làn gió độc xâm nhập. Với một đứa trẻ chăm sóc đã là cả vấn đề. Giờ một lớp mười lăm cháu bé. Cô khóc, trò khóc. Các cháu nhớ mẹ, nhớ bà, và nhớ căn nhà thân thuộc của chúng nên không chịu ăn, không chịu ngủ và chỉ…khóc. Hòa và cả đoàn công tác phải hỗ trợ cùng cô giáo lớp mầm non. Ai cũng vừa làm vừa khóc thầm. Tiếng khóc như muốn bùng lên phải nén lại. Xưa nay niềm xúc động thương cảm càng nén lại thì nó càng bùng lên, nhất là trái tim phụ nữ, những người mẹ trẻ đang phải làm nhiệm vụ. Bộ quần áo chống dịch vướng víu, nóng bức mà vẫn phải mặc cả ngày đêm, là thương các cháu bé phải xa bố mẹ ông bà, nếu chỉ nghe khóc như ri thì chưa  cảm nhận hết khi chứng kiến bọn trẻ cùng…khóc đồng loạt cả tiếng đồng hồ lại càng xót xa! Các cô đã cố gắng dỗ dành nhưng nhìn bộ quần áo của Hòa và đồng nghiệp các cháu càng sợ  và càng nép vào cô giáo. Nhìn chúng túm vào chân cô giáo không ai có thể cầm lòng được. Nỗi niềm chất chứa như muốn bùng nổ mà phải nén lại, phải nén cái cảm xúc ấy thật sâu trong trong lồng ngực. Nhìn bọn trẻ túm vào cô giáo như thế thế, Hòa bảo cô Huế, cô giáo mầm non của bọn trẻ:
  • Cô Huế ơi, cô tìm cách dỗ dành sao cho các bé đi ngủ là được, nó ôm cô cả đêm như thế kia thì cô làm sao đủ sức cho những ngày sau. Và chúng tôi cũng thật sự ái ngại cho cô, vì chúng tôi lại không thể kham được nhiệm vụ này.
Cô Huế ngân ngấn nước mắt đáp lời Hòa;
  • Vâng ạ, em cảm ơn các chị, không có các chị thì cô trò em cũng thật khó mà vượt qua tình cảnh này. Rồi cô quay ra nói với bọn trẻ - Nào, các con ơi không sao đâu, đừng sợ, các cô là nhân viên y tế, quần áo như thế như không phải người xấu đâu, các cô đến bảo vệ các con nhanh khỏi con cô vi độc ác kia để chúng ta sớm về nhà nhé. Các con nghe cô nào. Chúng ta cùng về giường ngủ nhé.
  Hòa rơm rớm nước mắt. Nghe cô giáo nói xong, nhìn cô ấy vỗ về bọn trẻ, một lát thì bọn trẻ cũng lần lượt về giường của mình tự ôm chăn, ôm gối thút thít một lúc lâu thì chúng cũng vì mệt mà cất lên những tiếng thở nhè nhẹ! Trong giấc mơ của chúng chắc chắn cơn hoảng loạn chiều nay sẽ ám ảnh, sẽ khắc ghi rất lâu vì biến cố quá sợ hãi giáng xuống trái tim thơ ngây bé bỏng của chúng. Hòa ngẫm ngợi mà nuốt sự uất nghẹn vừa dâng lên, nhìn bọn trẻ lại nhớ hai đứa con ở nhà đến thắt ruột!
 Hòa nhìn sang bên kia phòng bệnh, cô Huế cứ đi đi lại lại đi từng giường các cháu. Nhìn cô ấy Hòa nghĩ nếu cô ấy phải ở đây với các cháu hết mười bốn ngày cách ly theo quy định phòng dịch thì cô ấy sẽ ngã gục mất. Bên góc phòng trực đối diện, Hòa cũng không ngủ, và cô nhìn Huế cứ trở đi trở lại mấy cái giường với đám học trò -  bệnh nhân bé xíu -  đàn học trò bỗng nhiên rơi vào hoàn cảnh oái ăm này,  lòng Hòa cũng dâng lên nỗi niềm khó tả. Nếu như, ừ nhỉ, nếu như mình đi chống dịch, con mình cũng rơi vào hoàn cảnh như các em bé kia thì sao, ôi trời, chỉ nghĩ đến đó thôi thì trái tim Hòa đã thắt lại. Hòa bật khóc rấm rứt. Ngẹn ngào cả đêm khi thấy cô giáo Huế cứ đi đi lại lại cái căn phòng của bệnh viện dã chiến kia. Nhìn cô Huế chăm sóc các bé mà không cầm lòng được. Mười lăm đứa bé, nếu mà cả tuần trong điều kiện này chắc không ổn. Phải tìm cách hỗ trợ cô ấy. Mình nhân viên y tế còn phải nhiệm vụ rộng hơn và phía ngày mai chưa biết sẽ còn dâng lên bao nhiêu bệnh nhân nữa. Phải hỗ trợ cô ấy, không thì cô ấy quỵ mất, mà còn mười lăm cháu bé ngây thơ kia nữa. Hòa nghĩ thế và nhẹ nhàng đi sang buồng cô trò cô Huế, nhìn thấy Hòa, Huế ơ lên, nhưng Hòa ra hiệu yên lặng cho các bé ngủ. Cô vẫy cô Huế lại phía cửa và nói nhỏ:
  • Huế nghỉ đi, tôi trông đỡ cho, mai tôi đề xuất cho một hay hai phụ huynh vào hỗ trợ cô, chứ thế này thì không ổn đâu, hơn mười ngày chứ không phải hai hay ba ngày cô ạ.
Cô Huế nghe thế bèn rối rít:
     - Ôi, em cảm ơn chị, nhưng mà quy định của chống loại bệnh dịch này, nếu được thế thì tốt quá, nhưng sợ phụ huynh không dám vào và lãnh đạo bệnh viện không cho thì sao.
     - Tôi nghĩ được Huế ạ, vì tình hình dịch bệnh và căn bệnh lây chéo rất nguy hiểm, nhưng không thể để mình cô với đám trẻ thế này được. Nếu không đề nghị được, tôi sẽ hỗ trợ cô, chứ nhìn cô cả đêm cả ngày với các bé như thế này, tôi thấy mình vô trách nhiệm lắm..
       - Ấy, không không chị ơi, nếu thế là em lại tước đi quyền được chăm sóc của các bệnh nhân khác, chị cứ lo nhiệm vụ đi ạ, cô trò em mất buổi đầu thôi, mai mà ổn định được là các cháu sẽ ngoan và chấp hành trong điều kiện mới ạ, chị về ngủ chút đi, cũng gần bốn giờ sáng rồi ạ. Chị Hòa, em cảm ơn chị nhiều lắm, chị đã đồng cảm với cô trò em, đúng là không nghĩ lại rơi vào hoàn cảnh thế này.
       - Ồ, không phải cảm ơn tôi, mà cô ngủ chút đi, tôi không ngủ đâu, vì tôi quen trực đêm bệnh viện rồi.
       - Không em thức được chị ơi…
       - Không, cô không quen thức đêm, ngày mai cô quỵ ngã thì ai trông bọn trẻ cho cô, cô cố ngả lưng tí đi, ngả lưng nửa giờ cũng tốt hơn là thức trắng, bọn tôi nghề quen rồi, nên thức cả tuần vẫn chẳng sao.
       - Ôi, chị Hòa, chị đúng lương y như từ mẫu. Vâng em hiểu rồi, nhưng mà có chị ngồi cùng thì em lại không buồn ngủ nữa. Nếu mai mà có được một hai vị phụ huynh được vào hỗ trợ em sẽ ngủ bù chị ạ. Nhưng việc này cũng lại phải nhờ chị đề đạt với cấp trên cho em ạ, chứ thực tình em không biết xoay sở thế nào nếu với thời gian nửa tháng trong tình cảnh như thế này chị ạ.
      -  Ừ, mình hiểu mà, để sáng nay giao ban mình đề đạt với lãnh đạo bệnh viện, nhìn bọn trẻ mà thắt cả ruột cô ạ.
      - Vâng chị, trong nhóm này có cả con gái em đó ạ.
       -  Thế à cô, rõ là…
       - Vâng ạ, nguyên nhân là một bé đi ăn cỗ với bà ở xã bên kia, về thì cũng bình thường, hôm sau cháu đến lớp nhưng chiều thì báo là bà cháu bị covid xâm nhập và cháu thì cũng là bệnh nhân tiếp theo nên cả lớp coi như mắc bệnh theo quy định phòng dịch thế là cô trò cùng vào khu cách ly là thế ạ.
      - Khổ thật đó, hiện tại cả thế giới đều gồng mình chống dịch, hiện tại vẫn chưa đủ vắc xin nên biện pháp tốt nhất của y tế là ngăn chặn là cách ly tránh lây lan diện rộng cô ạ. Thôi các con đã vào đây là hy vọng sẽ được đảm bảo, cô cố gắng đi, nhất định sáng nay tôi phải xin lãnh đạo đồng thuận ý kiến chị em mình xin một hai phụ huynh vào đỡ cho cô.
     - Vâng em cảm ơn chị nhiều ạ. Chưa bao giờ em thấy đêm lại ngắn như đêm nay vì có chị đó. Em đang nghĩ cách sao cả cô và trò nhanh mà khỏi bị lây nhiễm mà về nhà, nghĩ mãi còn chưa dám nói với ai thì chị đã mở lòng bày cho em. Mai em cũng xin ý kiến lãnh đạo bên em đề nghị được hỗ trợ từ phía phụ huynh chị ạ.
     - Ừ, đêm nay tôi cũng thấy ngắn hơn bao nhiêu đêm trực của nghề mình, vì chúng ta cùng là những người mẹ, nhìn các con thế này ai mà không xót. Chắc các phụ huynh sẽ xung phong vào hết ý, họ chắc cũng mất ngủ như chúng ta đêm nay thôi cô ạ.
     - Vâng, em cũng nghĩ như chị ạ.
   Câu chuyện của hai chị em chưa dứt thì ánh ban mai phía núi Bảo Đài như dọi đến những tia sáng đầu tiên. Cả một vùng quê tĩnh mịch đến ngỡ ngàng, tiếng gà gáy như sớm nay quên không cất tiếng, hai chị em Hòa và Huế cũng chỉ biết chào nhau qua ánh mắt chan chứa những dự cảm, nỗi niềm giữa trận chiến giặc cô vi. Trong ánh mắt ấy dù có đám mây chen ngang nhưng vẫn ngời lên niềm tin, niềm hy vọng của họ về ngày mai cơn chấn động của trận dịch thế kỷ sẽ đi qua, sẽ chỉ còn là trong một khoảnh khắc ký ức nào đó. Ngày mai, ngày mai sẽ tươi sáng, ngày mai sẽ không có những đêm trực đầy âu lo như đêm nay của Hòa. Ngày mai các bé con kia và tất cả mọi người sẽ lại được bình an trong bầu trời tươi đẹp này.
   Và đêm nay là một đêm trực không thể quên đối với một nhân viên y tế của Hòa. Chắc chắn đêm trực này sẽ theo cô suốt cuộc đời. Một đêm trực không quên.
 
                                                                                  V.T.N     
hoa-sen-phat                                          
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)