bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 140
Trong tuần: 945
Lượt truy cập: 629832

ĐI TÌM VẺ ĐẸP CỦA THƠ (TIẾP)


TIẾP THEO

 v_nho_tc_bch_kim

                            NHÀ VĂN VŨ NHO

Các nhà thơ hiện đại không ít thì nhiều đều chú ý đến tìm chữ. Có thể thấy rõ xu hướng này trong thơ Lê Đạt, Vũ Xuân Hoát và rõ rệt hơn cả là Nguyễn Duy. Trong thơ Nguyễn Duy, chúng ta gặp ngày ngun ngủn, đêm rỗng tuếch, gió toang hoang, gió tuây huẩy, bay bướm bườm rườm, nhoẻn nụ đười ươi…

       Những từ ngữ độc đáo trong thơ, ngoài giá trị tự thân của mình, chúng còn thường gắn liền với những phương tiện, biện pháp tu từ. Các nhà thơ thường dùng phổ biến là so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, tượng trưng. Đã có hẳn một bài viết về so sánh trong thơ ( Đi giữa miền thơ. Nhà xuất bản Văn Học,1999). ở đây sẽ nói qua về các phương tiện, biện pháp còn lại.

       ẩn  dụ cũng là so sánh, nhưng là so sánh ngầm. Các nhà ngôn ngữ học cho rằng đây đây là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng dựa trên sự tương đồng hay giống nhau giữa hai khách thể.

       Trần Thị Vân Trung viết:

Ôi! Em căm giận cho sự nhạy cảm của chính bản thân mình

Để đến nỗi

      -Nụ cười anh trẻ trung

    -Lời nói anh dịu dàng

            Cũng không còn có thể

           Níu kéo một mặt trời đang lặn ở trong em

                                             Một mặt trời đang lặn.

       Trong tập Khoảng cách cuối cùng, Nxb. Thanh Niên,1999.

Mặt trời đang lặn là ẩn dụ về người mà nhà thơ yêu quý, tôn thờ, nâng niu. Có vẻ rất hiện đại. Nhưng người con gái trong ca dao đã từng coi người mình yêu như mặt trời rồi: Thấy anh như thấy mặt trời. Chói chang khó ngó trao lời khó trao. Cái mới ở đây là vừng mặt trời đang lặn không thể níu kéo lại.             

Chúng ta hãy xem xét câu Kiều:

                   Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

                   Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai

       ở đây, Nguyễn Du đã dùng hình ảnh hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu để so sánh với hai chị em Thuý Vân, Thuý Kiều. Cả hai người đẹp ví với hai loại hoa đẹp của hai mùa là rất phù hợp. Và trong đó hình như nhà thơ cũng vẫn luôn có ý thức về vẻ đẹp "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười".

          Trong bài thơ Viếng lăng Bác, nhà thơ Viễn Phương viết:

                   Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

                   Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ

       Hình ảnh mặt trời trong câu thơ thứ hai là hình ảnh ẩn dụ chỉ Bác Hồ. Đây là ẩn dụ hay, vì trong tình cảm nhân dân, Bác là mặt trời Cách mạng, mặt trời chân lí, Bác như trời xanh biển rộng ( Bác ngồi đó lớn mênh mông. Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non. Tố Hữu ).

       Hoán dụ cũng là một phương tiện các nhà thơ thường hay dùng. Những hoán dụ thành công sẽ đem lại chiều sâu ý nghĩa  cho câu thơ, giúp nhà thơ bày tỏ được những điều mình muốn nói.

       Diễn tả tấm lòng của nhân dân Việt Bắc với lãnh tụ, Tố Hữu dùng hình ảnh rừng núi:

                   Nhớ chân Người bước lên đèo

                   Người đi rừng núi trông theo bóng Người

Rừng núi là nơi chiến khu cách mạng, rừng núi là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Vậy rừng núi trông theo … chính là nhân dân Việt Bắc ngưỡng mộ, trông theo lãnh tụ. Câu thơ thể hiện tấm lòng, tình cảm của nhân dân với Bác.

          Tự thuật về mình, nhà thơ Hữu Thỉnh viết:

                             Tôi bước vào thành phố

                             Với nguyên mùi rơm tươi

                                      Tôi bước vào thành phố

       Mùi rơm tươi là mùi của mùa màng, của làng xóm làm nông nghiệp. Mùi rơm tươi ở đây để thay thế cho sự mộc mạc, chân chất, vất vả, lực lưỡng của những người gắn bó với ruộng đồng, những người "chân quê".

       Kết thúc bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết:

                             Không có kính rồi không có đèn

                             Không có mui xe, thùng xe có xước

                             Xe cứ chạy vì miền Nam phía trước

                             Chỉ cần trong xe có một trái tim

       Trái tim chính là hình ảnh hoán dụ, nói về tấm lòng, về phẩm chất tinh thần, về người chiến sĩ lái xe. Hình tượng thơ gợi nhớ trái tim chói sáng của chàng Đan cô trong thần thoại. Đồng thời, nhà thơ muốn khẳng định: con người mới là yếu tố quan trọng quyết định cuộc chiến tranh chứ không phải là vũ khí.

       Trong bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, chúng ta sẽ gặp một hoán dụ hay:

                             Câu hát căng buồm với gió khơi

                             Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Câu hát  là hình ảnh hoán dụ chỉ những người lao động làm chủ đời mình, làm chủ biển khơi. Câu hát thấp thoáng trong suốt quá trình ra khơi, đánh cá, trở về. Đó là khí thế phơi phới yêu đời, vui tươi, hăng say lao động dựng xây cuộc sống mới.

       Nhân hoá là một phương tiện không thể thiếu trong các phương tiện  mà nhà thơ sử dụng. Nhân hoá thường gắn liền với tượng trưng. Bài thơ "Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy là một ví dụ khá tiêu biểu cho sự nhân hoá và tượng trưng.

                             - Vươn mình trong gió tre đu

                             Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

                             - Bão bùng thân bọc lấy thân

                             Tay ôm, tay níu, tre gần nhau thêm

                             Thương nhau tre không ở riêng

                             - Lưng trần phơi nắng phơi sương

                             Có manh áo cộc tre nhường cho con

       Cây tre đã được nhân hoá một cách tài tình. Tre đúng là con người nông dân Việt Nam vất vả, lam lũ, cần cù, nhưng rất lạc quan yêu đời, biết gắn bó đoàn kết, biết nhường nhịn, hi sinh.

       Trong bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương, hình ảnh cây tre cũng được nhân hoá và tượng trưng cho các chiến sĩ cảnh vệ canh gác cho giấc ngủ của Bác, cho đất nước, dân tộc quây quần xung quanh Bác:

                   - Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

                   Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

                   - Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này  

       Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bản thân  việc nhân hoá cũng đã đạt hiệu quả biểu đạt. Vì thế không nhất thiết nhân hoá gắn liền với tượng trưng.

       Ví dụ câu thơ của Bà huyện Thanh Quan:

                             Bước tới đèo ngang bóng xế tà

                             Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

Cỏi, cây, đá, lá, hoa, năm loại được nhân hoá như con người "chen" lấn nhau trong một câu thơ để thể hiện sự rậm rạp, hoang sơ của đèo Ngang. Không có một sự tượng trưng nào cả.

       Nhiều bài thơ của Trần Đăng Khoa sử dụng nhân hoá rất đạt, rất thành công : Buổi sáng ở nhà em, Mưa, Đánh thức trầu, Vườn em, Cây dừa, Đám ma bác Giun, Tiếng võng kêu…Những câu thơ hồn nhiên mà thật sinh động, tinh tế:

            - Chị tre chải tóc bên ao

                   Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương

                                                          Buổi sáng ở nhà em

                     - Kẽo cà kẽo kẹt

                             Cây na thiu thiu

                             Mắt na hé mở

                             Nhìn trời trong veo

                                                Tiếng võng kêu

                   - Đứng canh trời đất bao la

            Mà dừa đủng đỉnh như là đứng chơi

                                                                                      Cây dừa

       Một lối diễn đạt các nhà thơ hay dùng là sự tương phản. Tương phản về  số lượng, về  chất lượng, về không gian, về thời gian:

                             Em mười chín tuổi nghìn năm trước

                             Sao đến bây giờ mới hai mươi

                             Nghìn sau gặp lại…em hăm mốt

                             Môi, mắt, vòng tay vẫn thiên thần

                                                Thiên thần- Nguyễn Trọng Tạo

       Đây là sự tương phản giữa có và không:

                             Chỉ lòng anh chật bóng hình em

                             Và như thế anh lại càng đơn độc

                             Và như thế anh buồn phát khóc

                             Bởi có em mà không có em

                                                Bóng buồn- Nguyễn Việt Bắc

       Khổ thơ gợi nhớ bài thơ Hà Nội vắng em của Tế Hanh. Tế Hanh khai thác không gian thành phố vắng để đi đến cảm giác vắng đầy cả em- nghĩa là em vẫn ngự trị nơi không em, để được an ủi, thoả mãn.

Nguyễn Việt Bắc khai thác không gian nhỏ hơn và ảo hơn- không gian tình cảm, không gian lòng anh. Lòng chật bóng hình em. Tưởng là có nhưng hoá ra không. Bởi có em mà không có em. Càng có lại càng không, nên càng không thể an ủi, không thể thoả mãn, càng đơn độc "Hai người nhưng chẳng bớt cô đơn" (Xuân Diệu).

       Sự tương phản tạo ra sự nhoè mờ, câu thơ càng  lấp loáng, thú vị:

       Nguyễn Trọng Tạo viết:

                             Hai đôi môi khát một thời tìm nhau

                             Chín can…rượu chẳng còn đâu

                             Còn em hoá rượu. Cúi đầu, anh say

                                                                                          Rượu cần

       Chín can, rượu hết, nhưng không hết vì em đã hoá rượu. Hai đôi môi khát đâu chỉ có uống rượu, mà còn uống nhau. Vậy say đâu chỉ là say rượu. Mà rượu hết thì sao lại say rượu được. Vậy là say em. Say cúi đầu như kiểu Cao Chu Thần cúi đầu trước vẻ đẹp hoa Mai.

       Vấn đề không phải là cứ dùng phương tiện và biện pháp tu từ thì câu thơ sẽ hay, sẽ đạt hiệu quả nghệ thuật. Dùng thế nào cho hay  hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của nhà thơ. Bởi vậy, không phải  tất cả so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hoá, tượng trưng.. đều cùng một chất lượng nghệ thuật. Chỉ có sự độc đáo mới là thước đo chính xác.

          Ngoài chữ nghĩa, các phương tiện, biện pháp tu từ, các nhà thơ ưa tìm tòi  sự mới mẻ của hình tượng. Hình tượng mới mẻ thường đem đến cho bài thơ một sức hấp dẫn mới. Chiếc áo đỏ cháy rực như ngọn lửa mà Nguyễn Mĩ  đã phát hiện ra trong "Cuộc chia li màu đỏ" là hình tượng trung tâm toả sáng cả bài thơ.

Hình tượng núi cứ ba ngọn như  chiếc đinh ba "Trụ trời trụ đất đứng nguy nga" trong bài thơ "Lên núi Ba Vì" là một phát hiện độc đáo của Phạm Tiến Duật về hình sông thế núi thể hiện tinh thần thượng võ cuả dân tộc.

Hình tượng "Đầu súng trăng treo" trong bài thơ "Đồng chí " của Chính Hữu là một hình tượng mới mẻ. Trăng treo vốn không mới lạ. Lí Bạch đời Đường, trong thơ đã thấy trăng treo. Trường lưu nhất phiến nguyệt. Quải tại Đông khê tùng - Còn mãi một vành trăng. Treo trên ngọn tùng phía đông dòng suối. Thời Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm cũng thấy mảnh trăng treo:  Non Kì quạnh quẽ trăng treo. Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò. Nhưng trăng treo đầu súng là hình tượng  vừa thực, vừa tượng trưng chỉ thấy trong thơ Chính Hữu. Đó là biểu tượng  tình đồng chí sáng rỡ như vầng trăng, là biểu tượng khát vọng hoà bình, biểu tượng  chính nghĩa ngời ngời của cuộc kháng chiến…

       Hình tượng con Xà Mâu  trong bài thơ Con Xà Mâu tội nghiệp của Thu Bồn: Tiếng sủa trung thành trở thành phản phúc- con Xà Mâu  bị mai phục giữa hai làn đạn chéo súng cực nhanh. Là một hình tượng mới mẻ và ám ảnh.

       Những hình tượng độc đáo trong thơ thường là hình tượng gợi sự liên tưởng bất ngờ, thú vị.

       Xuân Diệu nhìn đất nước như một con tàu lớn mà mũi Cà Mau là mũi thuyền xé sóng:

                             Tổ quốc tôi như một con tàu

                             Mũi thuyền xé sóng  mũi Cà Mau

       Tố Hữu viết về mẹ Tơm, những người mẹ chở che Cách mạng :

                             Sống trong cát, chết vùi trong cát

                             Những trái tim như ngọc sáng ngời

       Người đọc vừa thấy được sự vất vả, lam lũ, sự bình dị của những người lao động, đồng thời liên tưởng về sự cao đẹp, sáng ngời của những tấm lòng, lại thấy được cả sự biết ơn, trân trọng của người viết.

       Về một đêm mưa kỉ niệm, nhà thơ Đoàn Thị Kí  có câu thơ:

                   Mưa như trời đất chăng dây

                   Chúng mình cùng vướng, ai đây gỡ giùm

       Đã có bao nhiêu là hình tượng mưa: mưa như chăng tơ,  mưa như đánh trống,  mưa như thác, mưa lèm nhèm, mưa lay phay, mưa nhập nhoà, mưa như khói qua chiều…Song mưa như trời đất chăng dây gơi lên một liên tưởng mới. Hoá ra Trời và Đất cũng hay nghịch, cũng chăng dây để bẫy người. Trong sợi dây mưa còn có cả sợi dây tơ hồng của ông Tơ, bà Nguyệt. Mà như vậy thì đôi trai gái kia vướng vào mưa, vướng vào sự thắt buộc của Tạo hoá thì có mà… giời gỡ! Câu thơ ai đây gỡ giùm  vì vậy mà biết bao là ý nghĩa thắt buộc tự nhiên. Hình thức hỏi nhưng lại là khẳng định thiên duyên.

       Nhà thơ Lê Thị Mây xây dựng hình tượng Gió quả phụ rất thành công trong bài thơ cùng tên. Đã có bao nhiêu là hình tượng Gió trong thơ. Và hình tượng quả phụ có thể ít hơn song cũng không phải là hiếm.

Song, Gió quả phụ - người Quả phụ-gió thì lần đầu tiên xuất hiện trong thơ Lê Thị Mây. Đó là tượng hình của những hi sinh, mất mát mà người phụ nữ phải gánh chịu trong và cả sau chiến tranh:

         Gió- trầm ca- gió

        Đấy là tóc của những người đàn bà chết bom

                             trong

                             thành phố

       đấy là tóc của người đàn bà goá bụa nuôi con

       Sau chiến tranh đã qua được mười năm.

       Một ví dụ khác về sự liên tưởng do hình tượng thơ gợi nên. Đó là bài thơ Lá Diêu bông của Hoàng Cầm.

                             Chị ba con em tìm thấy lá

                             Xoè tay phủ mặt chị không nhìn

Tay xoè ra là để ôm mặt, che mặt. Nhưng tác giả lại viết là phủ mặt. Bàn tay tựa như tấm giấy người ta dùng lúc lâm chung vậy. Phải chăng lúc ấy, bàng hoàng, kinh ngạc trước sự bền bỉ, chung tình của người con trai, chị cũng tựa như đã chết. Hay chính chị  tự mình liệm đi những điều lí trí khô khan bấy lâu chế ngự tình cảm của mình?

       Thơ hay thật muôn vẻ. Cũng có thể thơ hay ở giọng điệu, ở cách nói mới về những điều đã quen, đã cũ.

       Mấy câu thơ sau của Phan Thị Thanh Nhàn hay chính là ở sự phát hiện, khái quát:

                             Các cụ ông say thuốc

                             Các cụ bà say trầu

                             Còn con trai con gái

                             Chỉ nhìn mà say nhau

                                      Đám cưới ngày mùa

       Nhưng cũng Phan Thị Thanh Nhàn lại hay ở sự bất ngờ khi phát hiện ra mình trong cô gái mình nhìn thấy:

                             Một cô gái xinh tươi

                             Ngồi sau xe mỉm cười

                             Tôi nhìn theo cô đấy

                             Chợt gọi thầm : tôi ơi!

       Trần Thị Vân Trung  trong bài thơ Tuổi mười sáu cũng chung một cách nhìn của Phan Thị Thanh Nhàn. Nhà thơ thấy lại mái tóc, ánh nhìn, nụ cười và cả sự chưa lớn của mình"Cái thời chưa lớn khôn. Mọi điều đều lạ lẫm. Cái thời chưa…dám hôn. Chỉ nhìn… mà say đắm". Và kết thúc thật bất ngờ:

                             Mùa xuân trôi quá vội

                             Để lại bao vấn vương

                             Nước mắt mờ hơi sương

                             Nhìn em mười sáu tuổi

       Hoặc thơ nói về vẻ đẹp của các cô gái. Mỗi thời có một cách quan niệm về vẻ đẹp. Mỗi thời lại có cách ăn mặc, thời trang khác nhau. Bởi vậy  nhà thơ  bao giờ cũng có những  đóng góp mới trong ngay cả chi tiết thơ.

          Đây là vẻ đẹp của cô gái trong ca dao:

          Một thương tóc bỏ đuôi gà

          Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

          Ba thương má lúm đồng tiền

          Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua

          Năm thương cổ yếm đeo bùa

       Nhưng đến Nguyễn Bính thì  cô đã có sự thay đổi đáng kể:

                             Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng

                             áo cài khuy bấm em làm khổ tôi

                   Nào đâu cái yếm lụa sồi

                   Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân

                   Nào đâu cái áo tứ thân

                   Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen

                                                                                      Chân quê

       Trong thơ Phạm Công Trứ sau này, cô gái diện quần bò áo chẽn:

                             Về quê ăn tết vừa rồi

                             Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò

                                                Lời thề cỏ may

       Đến Nguyễn Việt Bắc thì cô gái đã thành một tay chơi có hạng mà các tay sành điệu cũng phải chào thua:

                             Con gái

                             Môi mọng chín

                                                Mắt xanh đánh võng

                             áo ba lỗ

                             Soóc bò

                             Phóng Dream cong kim cây số

                                                Ngỡ ngàng

       Trong mỗi hình ảnh cô gái ấy ngoài chi tiết về áo quần, ăn mặc, đều có thái độ đánh giá của mỗi nhà thơ. Và sự độc đáo chính là ở thái độ  cảm xúc và góc nhìn.

       Nhà thơ Nguyễn Duy viết về vẻ đẹp những con đường Hà Nội:

                             Đường nào cũng lắm thương yêu

                             Lối nào cũng đẹp rất nhiều lứa đôi

                             Mưa trong nắng, Nắng trong mưa

       Cũng có thể nghĩ tương tự như thế về những nẻo đường đi tìm vẻ đẹp của thơ. Đường nào, lối nào, hướng nào cũng có thể tìm thấy vẻ đẹp. Có vẻ đẹp rực rỡ, tưng bừng. Có vẻ đẹp khiêm nhường, bẽn lẽn. Có vẻ đẹp lồ lộ, có vẻ đẹp lấp ló, kín đáo. Có vẻ đẹp lực lưỡng, có vẻ đẹp mảnh mai. Có vẻ đẹp bắt mắt, sắc bén, có vẻ đẹp dịu dàng, mờ tỏ…

       Những bước đường chúng ta vừa đi chỉ như là những bước dạo ban đầu trên miền thơ bát ngát.

 

                                                          Hà Nội, tháng 7/2001

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)