bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 20
Trong tuần: 824
Lượt truy cập: 625915

ĐIỀU ƯỚC CỦA CHA

ĐIỀU ƯỚC CỦA CHA

         TRUYỆN NGẮN CỦA PHẠM KHẮC MÃ

Ông Nam và vợ tạm biệt gia đình ông thông gia sau một lần gặp gỡ thân mật, vì con rể và con gái còn bận việc tiếp khách nên ông Nam tự lái xe riêng cùng vợ về Thái Nguyên. Ông Nam chọn tuyến đường QL1 mới từ Gia Lâm đi Bắc Giang, đường rộng, lưu thông thưa, chất lượng đường tốt làm ông bà Nam nhớ nhiều về quá khứ. Cái thời đạp chiếc xe mượn để hai người về quê, lúc đó chuyện đi lại Thái Nguyên - Thái Bình bằng xe đạp đối với ông Nam quá đỗi bình thường.

Mấy chục phút thôi đã tới Đình Trám, đường rẽ đi Thái Nguyên. Chiếc xe Mazda 626 nhập khẩu đã cùng ông Nam công tác xa nhà đã mấy năm.

Cho xe lăn chậm vượt qua đường tầu hỏa, hai bên đường tới tấp lời chào bán bánh đa Kế, chỉ cần dừng lại chút thôi là cửa xe có tới dăm ba người mang những bao tải căng đầy bánh đa chào mời…, bánh chín có, bánh sống có, đây là đặc sản nổi tiếng của làng Kế. Bà Nam mua nhiều, vừa để ông Nam gặp bạn bè ngày cuối tuần, vừa để làm quà cho những người cùng dãy phố.

Vừa qua khu đông dân cư, ông Nam chuẩn bị tăng ga thì có người đàn ông đứng bên đường vẫy xe đi nhờ. Khi dừng xe cả hai vợ chồng ông Nam nhận ra người vẫy xe là ông Hoàng - Thủ trưởng cũ của ông Nam. Sự gặp gỡ bất ngờ sau gần 20 năm nhanh chóng trở thành những câu thăm hỏi thân mật, chúc mừng, khen ngợi của ông Hoàng dành cho ông Nam và gia đình ông Nam, với giọng sang sảng bẩm sinh và điệu cười mãn nguyện về sự tình cờ may mắn này, ông Hoàng bộc bạch:

“Chú bận công tác, anh em mỗi người một công việc, nhưng anh biết rất rõ về chú và gia đình cô chú, hơn nữa con gái chú và con trai anh chúng nó cùng học với nhau, nên mọi chuyện của gia đình chú, nó về khoe hết với anh chị…” . Ông Hoàng cười phá: “giỏi, giỏi…rất giỏi..., nhất cô chú đấy, rời khỏi cơ quan cũ là chú phất lên trông thấy, mấy đứa con nhà chú theo gen bố, đứa nào cũng học giỏi, còn cô thì công việc bình thường nhưng nhàn hạ có điều kiện chăm sóc dạy dỗ con cái cho chú an tâm phấn đấu…” lại một tràng cười vang dội.

Qua câu chuyện ông Nam biết được ông Hoàng về hưu được mấy năm, sức khỏe sau khi nghỉ công tác cũng giảm sút nhiều, cùng với nghiện thuốc lào mãn tính nên trông ông tiều tụy. Khuôn mặt vốn góc cạnh cùng bệnh tật, ông già nhiều so với tuổi 63 của ông. Nghe tin có thầy lang giỏi ở khu Đình Trám nên ông Hoàng bắt xe tuyến tới bắt mạch kê đơn để mua thuốc chữa bệnh. Ông Hoàng nói nhiều, vợ chồng ông Nam chỉ biết nghe và cảm ơn ông đã quá khen, có những điều ông Nam không cần hỏi thăm, ông Hoàng cũng nói ra hết, tới lúc mệt mỏi ông Hoàng liu diu ngủ…. Ông Nam cho xe rẽ vào cổng phụ trường đại học Công nghiệp Thái Nguyên, xe chạy chậm men theo bờ ao nhỏ qua bãi đất trống, xe dừng lại, bà Toan xuống mở của xe và gọi ông Hoàng dậy. Ông Hoàng mở choàng mắt thấy xe đã đỗ trước cổng nhà mình, có vẻ cảm phục sự nhớ đường của ông Nam:

“Chú vẫn nhớ đường vào nhà anh? Vui câu chuyện, nói hăng quá, anh ngủ quên mất, mời cô chú vào nhà anh chơi đã”. Trên xe, ông bà Nam đã biết bà Mai (vợ ông Hoàng) đang ở quê, nên sau khi gửi chục bánh đa Kế làm quà, ông bà Nam xin phép về nhà.

Xe lăn bánh trên con đường mặt đổ bê tông qua khu nhà A1, A2, A3, nơi là hiệu bộ của trường Đại học Cơ Điện trong thập kỉ 70 và 80 thế kỉ 20, sau khi rời khu sơ tán. Một biểu tượng quyền lực mấy chục năm giờ đã cũ, ba căn nhà đã chuyển mục đích sử dụng, ông Nam bồi hồi nhớ lại 18 năm sống, học tập, trưởng thành và xây dựng gia đình trên mảnh đất này. Mồ hôi, nước mắt, hạnh phúc một thời trai trẻ, những kỉ niệm vui buồn như thước phim tái hiện trong đầu ông. Xe qua cổng trường, lướt nhẹ qua mảnh đất cũ nơi ông bà từng sinh sống cùng gia đình, cũng là nơi cha mẹ ông từ biệt cõi trần gian về cõi Niết Bàn. Ông Nam nghẹn lòng nhớ lại giờ phút lâm chung trước khi nhắm mắt, cha ông thều thào nói với ông chú, có sự chứng kiến của ông và vợ ông: “Chú ơi! Tôi sắp về với tổ tiên rồi, trước khi ra đi, tôi không ân hận gì cả, vợ chồng anh Nam (cha thường gọi vợ chồng Nam là anh, chị) đã trưởng thành, nhưng có điều tôi mong ước chưa được là anh Nam chưa được kết nạp Đảng…” rồi cha ông nhắm mắt ra đi mãi mãi.

***

Chuyện kết nạp Đảng của ông Nam và quá trình học tập, phấn đấu tới khi quyết định rời Trường Đại học, nơi in dấu bao kỉ niệm của ông và gia đình để tìm con đường phát triển là một kỷ niệm buồn đối với ông Nam với những người là Thủ trưởng trực tiếp của ông Nam.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trung cấp nghề với số điểm cao nhất, Nam là học sinh xuất sắc trong 3 năm học, và điểm bảo vệ đồ án tốt nghiệp tuyệt đối (15 điểm/3 giám khảo). Với thân hình vạm vỡ và lực học xuất sắc đó, Nam được phân công vào ban nghề có tên rất là công nghiệp: GIA CÔNG KIM LOẠI BẰNG ÁP LỰC; thực chất là hướng dẫn sinh viên thực tập nghề RÈN, cái nghề đã gắn bó với Nam trong 15 năm với chức danh “Giáo viên trường Đại học”; đã có lúc Nam ngẫu hứng sáng tác tiểu phẩm vui “PHÓ QUẠI” trong liên hoan văn nghệ quần chúng thể hiện sự “trên đe, dưới búa một thời trai trẻ”.

***

Thầy Nam đang say sưa hướng dẫn sinh viên cách cầm búa, tư thế đứng, phương pháp nhìn ánh sáng lửa để dự đoán nhiệt độ nung thì có tiếng máy mài hai đá kêu lẹt sẹt cùng các tia lửa bắn ra từ viên đá mài quay tít. Lại một sinh viên nghịch ngợm mài trộm con dao tự sáng tác (chẳng có hình dáng gì gọi là dao). Thầy Nam ra tắt máy mài và yêu cầu sinh viên quay lại vị trí thực tập; cạnh máy mài là chiếc “mỏ lết” còn mới (thời điểm đó dụng cụ cơ khí rất quý hiếm); Không rõ của ai nên thầy Nam cất vào tủ đồ nghề chung.

Thầy Nam đang cùng nhóm sinh viên, với những thuật ngữ nghề nghiệp “Chồn là tăng tiết diện, giảm chiều cao; vuốt là giảm tiết diện, tăng chiều dài…”; “đời cha cho chí đời con, muốn vuốt cho tròn thời phải vuốt vuông…”. Đang lúc cao hứng thì Thủ trưởng (quản đốc xưởng) Nguyễn Văn Gỡ với nét mặt giận dữ, (ông có tính nóng nảy vùng miền, ông là cán bộ miền Nam tập kết): “Cậu Nam! Cậu có lấy cái mỏ lết của tôi không, cái mỏ lết tôi vừa nhận ở kho về không cánh mà bay, tôi thấy có người báo là cậu lấy cắp, cất trong tủ”

Trước mặt sinh viên, Nam tím mặt không biết giải thích thế nào trước cơn thịnh nộ của Thủ trưởng; Nam mở tủ lấy mỏ lết ra đưa cho Thủ trưởng: “em thấy nó nằm cạnh máy mài, không biết của ai nên cất vào tủ, em có tới chỗ anh đâu mà em lấy cắp, có tất cả các sinh viên đây, từ đầu giờ em chưa rời vị trí làm việc”. Thủ trường giằng chiếc mỏ lết trong tay Nam: “Vật chứng rành rành đây mà còn cãi à? Đồ ăn cắp; Tôi sẽ kiểm điểm cậu sau”, nói rồi Thủ trưởng quay gót để lại bao ngạc nhiên của nhóm sinh viên và sự xấu hổ ê chề của thầy Nam. Nam cũng tự dằn vặt mình và tự đặt câu hỏi, không có lời đáp “tại sao chiếc mỏ lết lại nằm ở đấy để Nam phát hiện và cất vào tủ; tại sao Thủ trưởng biết chiếc mỏ lết trong tủ mà kết luận Nam lấy cắp cất vào tủ”; câu chuyện oan khuất và xấu hổ của người thầy, sống mãi và là kinh nghiệm sống trong sự nghiệp làm người của Nam. Một giáo viên có tay nghề giỏi, một cảm tình Đảng nhưng... với lý do “lấy cắp dụng cụ” nên không được bình bầu và xét danh hiệu thi đua cuối năm, đồng nghĩa cắt danh sách “đối tượng Đảng”. Chỉ nhiều năm sau đó Nam mới hiểu được bản chất của vấn đề là sự ghen gét đố kị của Tổ trưởng tổ nghề đã tạo hiện trường rồi báo lại cho Thủ trưởng biết sự việc.

Thời gian cứ trôi, các lớp sinh viên qua thời gian học tập dù ngắn ngủi nhưng vẫn thể hiện “tôn sư trọng đạo”, thầy Nam với nhiệt huyết của tuổi trẻ dễ quên những sự hẹp hòi đố kỵ, Thủ trưởng Nguyễn Văn Gỡ ra đi nhận nhiệm vụ mới trong quê hương miền Nam, Thủ trưởng mới Trần Văn Hoàng đang là giáo viên lý thuyết môn Công nghệ, do có kinh nghiệm thực tế là công nhân kỹ thuật trước khi đi học đại học nên được đề bạt làm Xưởng trưởng.

Xưởng trưởng Trần Văn Hoàng là một người nóng tính, thẳng thắn, từ khi còn là giáo viên lý thuyết mọi người thường gọi ông là “Hoàng Bonsevich”, việc công là chính, quên cả lấy vợ, do vậy mà hơn 40 tuổi ông mới lập gia đình với bà Mai. Ở cơ quan, Thủ trưởng phụ trách công tác tổ chức và chuyên môn, còn công tác Đảng được phân công cho Bí thư.

Bí thư Xưởng trường là công nhân Rèn, trình độ văn hóa lớp 3/10, chỉ biết viết chữ “Vượng” khi ký các văn bản. Bí thư Nguyễn Văn Vượng lại có tính điềm đạm, gần gũi với mọi người, tính khí cởi mở của ông đến mức gọi là “thật thà hư”. Khi “trà dư tửu hậu” Bí thư thường nói: “Ở quê có người hỏi tớ mới đại học chữ to mà làm sao thành giảng viên trường Đại học, oách thế? Lại còn trong “bộ tứ” nữa chứ; Tớ cười bảo là nhà có mả phát”. Ông Vượng tuy trình độ văn hóa thấp nhưng ông có nhiều năm kinh nghiệm làm công nhân rèn ở Khu công nghiệp Gang thép, ông chuyển về công tác tại Xưởng trường vừa là hợp lý hoàn cảnh gia đình gần trường, đồng thời Nhà trường cũng cần những người có kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp. Các sinh viên háo hức theo dõi ông hướng dẫn cách cầm búa, cầm kìm, vị trí thợ cả, vị trí thợ phụ… vui nhất là kinh nghiệm nhịp nhàng tiếng búa nhỏ của thợ cả và tiếng búa lớn của thợ phụ, ông nói:

-           Khi rèn vật rèn không lớn, thợ phụ không cần quai búa, chỉ cần bổ, nên động tác phải nhanh, nhịp điệu theo tiếng búa nhỏ của thợ cả “keng keng bụp …keng keng bụp …keng keng bụp”; khi vật rèn lớn cần tác dụng lực lớn của búa lớn thì thợ phụ phải dùng động tác quai búa (vòng búa ra đằng sau) vẫn theo nhịp điệu búa nhỏ của thợ cả “keng bụp…keng bụp…keng bụp…keng bụp…”

Sau lời giảng là sự biểu diễn của ông với một đồng nghiệp. Nhìn ông tay trái cầm kìm lật vật rèn đỏ lửa, tay phải cầm búa nhỏ vừa làm nhịp cho thợ phụ, vừa tác dụng lực nhỏ vào vật rèn, nhịp nhàng như vũ khúc trong âm thanh chát chúa của đe, búa…thật điệu nghệ.

Trong cuộc sống đời thường, sự gần gũi, thân thiện mà Bí thư dành cho những người cấp dưới tới mức rất hòa đồng: “chú mày thế đ*** nào mà lại để cô ấy có chửa đứa thứ ba…” hoặc là “chúng mày chẳng ra cái đ** gì để lò khê rồi kìa”… sau những lời mộc mạc chân tình đó là điệu cười “hí hí”…không nhìn thấy mắt của ông.

Xưởng trưởng và Bí thư tâm đầu ý hợp bởi nhiều lẽ, ngoài việc người “nóng”, kẻ “lạnh” còn có sự giao hòa của hai người “nghiện thuốc lào”. Khi hai người trao đổi công việc luôn đồng hành tiếng cười “ha hả” của Thủ trưởng, điệu cười “hí hí” của Bí thư sau đó là tiếng điếu rít “sòng sọc” cùng chiếc xô đổ bã chè lâu ngày dày lớp có màu mốc trắng.

***

Trong bối cảnh của thời kỳ bao cấp, mọi thứ đều tem phiếu, với Nam còn đặc biệt khó khăn hơn là bố mẹ già yếu, ốm đau, nơi nương tựa chính là Nam. Hoàn cảnh gia đình buộc lòng Nam phải sống cho phù hợp với đạo lý làm người. Nam lấy vợ, sinh con và lo kinh tế gia đình, thuốc thang cho cha mẹ, công việc ở cơ quan chỉ thực hiện cho đủ đầu việc với mức hoàn thành nhiệm vụ. Nam rất quý mến tình cảm của ông Vượng, coi ông Vượng như người anh trai, ông Vượng cũng quý Nam như người em ruột thịt, họ ở gần nhà nhau nên tối lửa tắt đèn có nhau, một chén lạc rang, một chén rượu sẻ đôi tạo nên tình tri kỉ. Nam coi ông Vượng là người trên chứ không coi là người lãnh đạo để mà thăng tiến, và ông Vượng quý Nam nhưng ông cũng không có khả năng gì tạo cơ hội cho con đường của Nam đi. Mối quan hệ chí tình, chí nghĩa ấy vô tình làm cho lâu đài nhân ái trong Nam sụp đổ, làm cho gia đình nhà Nam đã khốn khó thêm khốn khó.

Hôm ấy! Phòng làm việc của Thủ trưởng luôn dậy mùi thuốc lào và men mốc bã chè. Phòng chỉ có Thủ trưởng Hoàng và Bí thư Vượng. Sau cơn đã thuốc sảng khoái ngả người ra chiếc ghế ba nan, ông Hoàng hỏi ông Vượng:

-           Tôi thấy cậu Nam dạo này chỉn chu với công việc đấy, ngày công đảm bảo và giờ lên lớp cũng ổn định, cũng có danhh sách là đối tượng Đảng đợt cuối năm đấy; ông ở gần cậu ấy cả lúc làm và về nhà, ông có nhận xét gì về cậu ấy không?

Tớp ngụm nước chè đặc chát, vẫn điệu cười “hí hí” ông Vượng như có cơ hội khen Nam trước mặt lãnh đạo:

-      Chú ấy sống hay lắm, công việc ở cơ quan thì mọi người biết rồi, tay nghề giỏi, kiến thức rộng, các buổi lên lớp thật đĩnh đạc, truyền tải nghe cứ mê ly, tôi có biết lý thuyết nghề gì đâu nên nếu chú ấy lên lớp cho sinh viên là tôi tranh thủ nghe, như một học sinh tích cực, nhờ vậy tôi mới hiểu thêm và bổ túc cho nghề nghiệp, rồi học chú ấy để nói lại cho sinh viên. Còn ở nhà thì chú ấy giỏi, một tay nuôi cả gia đình, với đồng lương tập sự ba chín nghìn đồng còm ấy cả 2 vợ chồng năm sáu miệng ăn, sao sống nổi. Chủ nhật chú ấy đi lên La Hiên, mua thuốc lá sợi về quấn, mua đường về nấu kẹo, rồi mang giao cho các quán … nói chung không có thời gian nghỉ, đêm cô chú ấy làm đến khuya. Khổ nỗi ăn uống khem khổ một phần gạo ba phần độn. Hôm rồi cơ quan chia cho mấy cân gạo ngon cũng không giám ăn, lại mang bán cho bà Nguyệt buôn gạo. Nghĩ cũng tội.

Phụt bã thuốc lào khỏi điếu, rít một hơi dài nghe như tiếng “sóc ốc”, nuốt luồng khí nóng vào phổi rồi xả luồng khói đặc sánh ra không gian làm việc. Thủ trường Hoàng đứng phắt dậy, tay phải cầm điếu cày, tay trái Thủ trưởng Hoàng chỉ vào mặt Bí thư Vượng:

-      Hỏng! Hỏng hết! Cả anh cũng nhu nhược, làm lãnh đạo mà để quần chúng sa lầy vào “cá nhân chủ nghĩa”, “buôn bán là tính tư bản chủ nghĩa” vậy thì làm sao có thể “làm chủ tập thể” được! làm sao có thể trở thành người cán bộ “vừa hồng vừa chuyên được”. Tôi không để qua chuyện này đâu.

Đó cũng là lý do để Thủ trưởng kết luận trong đợt xét hoàn thành 3 năm tập sự của Nam. Trong số người cùng lớp ra trường cùng ngày, cùng công tác tại trường với những công việc khác nhau trong thời gian tập sự thì Nam - Một học viên xuất sắc, tốt nghiệp loại ưu…, lại không đủ điều kiện xét hết thời gian tập sự với lý do “không làm chủ tập thể, tiếp tay cho kinh tế tư nhân, làm hàng giả kiếm lời, mang mầm mống tư bản chủ nghĩa”. Với kết luận đó thì có trong danh sách đối tượng Đảng cũng chẳng có nghĩa lý gì.

Cũng từ đó mà vài năm sau đó Nam tập trung cho hoàn thành chương trình đại học tại chức rồi xin chuyển công tác. Kết thúc thời gian vừa học vừa làm, nơi đong đầy kỷ niệm của một thời hăng say nông nổi.

***

Nghĩa trang và ngày giáp tết mọi người đi tảo mộ dịp cuối năm là nét đẹp văn hóa của người Việt, là một dịp giãi bày với ông bà, tổ tiên những chuyện đã xảy đến trong năm với cả gia đình, dòng họ; cũng là để thành tâm mời ông bà tổ tiên chuẩn bị cùng về ăn Tết với gia đình và hướng cho con, cháu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; Chiều ba mươi tết, ông Nam cùng con cháu tới nghĩa trang - nơi hai cụ thân sinh ra ông Nam an nghỉ; rất đông người thập phương tới tảo mộ. Không khí hanh khô mùa Đông cùng hương khói từ các mộ phần bốc lên mùi làng quê yên ả.

Ông Nam đã quy hoạch riêng một khu đất thoáng mát, cao ráo để đặt phần mộ hai cụ song sinh ra ông. Con trai ông Nam là kiến trúc sư thiết kế khu lăng mộ bằng đá nguyên khối đặt trong khuôn viên, dáng dấp cổ kính, bề thế trang trọng. Những cây hoa sứ (hoa đại); hàng cây ngâu được cắt tỉa chu đáo đang mùa hoa vàng óng bao quanh khuôn viên trông rất đẹp mắt. Hai tấm bia đá khắc chi tiết họ tên, ngày mất, quê quán của cha mẹ ông, thoáng nỗi buồn chạnh nghĩ tới cuộc sống khổ cực đói, nghèo của cha mẹ ông ở vùng quê lúa. Sau khi quét dọn lau chùi sạch sẽ lăng mộ cha mẹ, thắp nén trầm nhang: ông Nam thành kính mời cha mẹ về ăn tết cùng gia đình, ông thầm báo cáo với cha mẹ về cuộc sống hiện thời của gia đình, con cháu. Ông không quên nói với cha rằng “ĐIỀU ƯỚC CỦA CHA” con đã hoàn thành.

Ông Nam vừa ra khỏi khu lăng mộ của gia đình thì gặp bà Mai cùng con đi tảo mộ, sau sự chào hỏi thân mật bà Mai chỉ tay về hướng trái “anh Hoàng nằm ở kia 5 năm rồi”; theo hướng chỉ của bà Mai, ông Nam nhận ra tấm bia mộ ông Trần Văn Hoàng, ông tới thắp nén tâm nhang để tỏ lòng của một nhân viên dưới quyền người dưới mộ một thời. Ông không trách ông Hoàng về quyết định tăng thời gian tập sự của ông, không kết nạp Đảng cho ông, bởi ông Hoàng cũng là sản phẩm của các lớp tập huấn Chính trị, họ chỉ theo Nghị quyết mà họ quên đi tình người trong hoàn cảnh khốn khó, chỉ một dúm gạo, mấy đồng bạc là tạo nên sự sống hạnh phúc. Cũng có thể tâm đức của gia đình, dòng họ ông Nam đã tạo dựng nên những sự vụ ấy, hoàn cảnh ấy để ông có cơ hội đi tìm con đường mưu sinh mới, để có ngày hôm nay.

                                                          Tháng 7 năm 2021

anh_chuan_5

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)