bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 187
Trong tuần: 997
Lượt truy cập: 630522

ĐỒNG ĐỘI

Nguyễn Đức Hậu

   Lời giới thiệu:  Bảy năm trước (tháng 6/2015) Nguyễn Đức Hậu ra Bắc nhận giải thưởng thơ và về thăm quê hương có ghé nhà tôi, ăn một bữa cơm, ngủ với tôi một đêm. Là bạn đồng môn lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du khóa 6 Yên Bái lại đồng tuế, cùng là tác giả thơ, tác giả viết truyện ngắn nên chúng tôi rất tâm đắc, thoải mái, tự nhiên không hề có chút gì khách khí. Sáng hôm sau, tôi có việc đi Thanh Sơn – Phú Thọ do một Câu lạc bộ Thơ tổ chức cuộc gặp mặt mời, tôi rủ ông cùng đi dự và sẽ đưa ông thăm Vườn Quốc gia Xuân Sơn luôn thể, tôi nói với ông:
-   Trên ấy tôi còn có một cái nhà, ở miền núi nên rất yên tĩnh không bị quấy rầy bởi các cuộc rủ rê tụ bạ, nhà đầy đủ tiện nghi kể cả máy tính để liên hệ với thế giới bên ngoài, đấy là quê vợ tôi, chúng mình có thể ở hàng tuần, thậm chí nếu đang viết tiểu thuyết thì có thể ở hàng tháng. Nhà ngay gần chợ, rau ngoài vườn mà toàn là rau sạch, cơm nước sinh hoạt tự lo, không tốn kém gì.
 Nhưng ông nói ông đã mua vé máy bay khứ hồi, sáng hôm sau phải ra sân bay về rồi, hẹn lần sau sẽ liên lạc trước để đưa vào kế hoạch cẩn thận.
   Nhưng rồi...Cái kế hoạch ấy sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội lập ra để thực hiện nữa...
 Nguyễn Đức Hậu không chỉ là một nhà thơ với cái bút danh Hậu Cốc Ngang có rất nhiều bài thơ lục bát được nhiều người biết đến. Ông còn là một cây bút truyện ngắn vững vàng trên văn đàn. Truyện ngắn của ông đã xuất hiện trên Báo Văn nghệ - Một tờ báo sang trọng trong làng văn của đất nước và nhiều tờ báo, tạp chí khác cả ở Trung ương lẫn địa phương. Ông cũng đã giành được nhiều giải thưởng về Văn học nhưng tôi không muốn liệt kê giải thưởng vì điều đó chưa thể nói nên được gì, quan trọng là chất lượng tác phẩm và cảm nhận của đông đảo bạn đọc đối với tác phẩm. Điểm mục sách  ông đã cho xuất bản 5 tập thơ, một tập truyện ngắn. Vì ông là người lính, là Anh hùng Lực lượng Vũ trang nên phần lớn truyện của ông viết về thân phận những người lính trong và sau chiến tranh, đọc truyện nào tôi cũng thấy rưng rưng khó kìm được nước mắt ứa trào. Ông làm thơ lục bát được nhiều bạn đọc khen hay, mà nó hay thật nhưng riêng tôi, tôi thích truyện ngắn của ông hơn. Đọc xong mỗi truyện của ông, tôi thấy dư vị của truyện cứ đeo đẳng, âm ỉ mãi trong lòng.

   Nhân sắp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tôi xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của ông thay cho nén tâm nhang kính cẩn dâng lên linh hồn ông ở nơi Vĩnh hằng cực lạc.                                                                                                                                                                                                                       

                                                                          Nhà văn: Cầm Sơn

 
    Lịch sử và ý nghĩa của ngày Thương binh liệt sĩ (27/7)     

 ĐỒNG ĐỘI

  1. Vừa vào đến nhà , bà cụ Thoan đã nắm lấy tay tôi , giọng run run :
    - Cả làng , chỉ mỗi anh biết chỗ em nằm . Anh bớt chút thì giờ giúp bác . Gia đình bác mang ơn anh !
    - Ấy chết ! Sao bác lại nói thế ! Cháu như con bác ... như Thực nhà bác thôi mà ! Bác vào rửa mặt cho mát đã . Em lấy khăn ... tôi quay sang nhắc vợ .
    Vợ ném cho tôi một cái lườm kín đáo rồi ngúng nguẩy quay đi
    - Mời bác ! Tôi cầm cánh tay khô khỏng cuả bà giục .
    -  Cứ để mặc bác .
    Bà cụ năm nay đã ngót bảy mươi , gầy khô, thẳng như cây gậy trúc . Chân bước liêu siêu như đi ngược  gío mùa đông bắc trên bờ máng nổi . Vậy mà từ nhà quê lên Hà nội tìm tôi , bà còn lếch thếch  theo cái lồng đựng hai cặp vịt đã chéo cánh , con nào cũng mầm mầm .
    Vợ tôi nhăn cái mũi tẹt bè bè ,dè bỉu :
    - Mấy con vịt còm mà cứ tưởng to lắm . Ngoài chợ ấy à , rẻ như bèo , mười ngàn một con béo núc ních . Em ghét nhất cái giống vịt , hôi rình ! 
    - Em cứ nói thế ! Cuả một đồng , công một nén , cái chính là tấm lòng của người nhà quê .
    - Gớm ! Nếu không có công việc nhờ nhõi , người ta đã biếu anh vội . Đang mùa làm ăn lại nhận lời làm cái công việc không đâu . Rõ việc nhà thì nhác , việc chú bác thì  siêng .
    - Cô có im đi không ! Bà cụ nghe thấy thì chỉ còn cách chui vào lỗ nẻ ! Tôi quát khẽ .
    - Hừ ! nếu đúng là trái tim anh nghe thấy tiếng gọi cuả con bé nhà quê ấy , thì cứ việc . Nói xong , cô chạy thẳng về buồng mình đóng sầm cửa . 
    Tôi cắn răng đứng im, cố kìm nỗi uất ức dồn nén bao năm nay của một con chó trong gầm chạn chỉ chực bung ra cắn xé một hồi cho thoả thích .
    Cũng phải thừa nhận rằng tôi có  cuộc sống vung vinh như hiện nay là nhờ gia đình vợ . Tôi 'nhảy dù" được vào nhà này nhờ có tấm bằng kĩ sư cơ khí và cái thẻ thương binh . Nhưng hai thứ đó đã lâu chẳng còn gía trị với ông bà nhạc và cô vợ tôi . Mẹ vợ tôi có lần nửa đuà nửa thật : " Đấy , bây giờ tao cho hai đứa ở riêng , ở riêng ra mà nuôi lấy nhau . Cái tấm bằng đo đỏ ấy , thằng Bình chịu khó mang mài , may ra cũng đủ chút hồ nấu cháo ". Nói xong , bà cười rung những tảng mỡ đùn ra ở hai bên quai hàm , bên thắt lưng và bộ ngực đồ sộ chảy xuống gần cạp cái quần sít gân màu đà rất hợp với tuổi lục tuần bà đang mặc .
    Sao hồi ấy bà thích nó thế ? Tôi nghĩ thầm . Ngày ấy , tấm bằng kĩ sư đã được mẹ con bà làm son môi , làm phấn để trang điểm , thậm chí làm cả dây chuyền đeo cổ mỗi khi mấy bà bạn buôn bán đến chơi .  Còn cái thẻ thương binh là lá buà , bảo đảm con gái bà chắc chắn không trở thành goá buạ khi đất nước vẫn còn chiến tranh.Nhiều lúc tôi bực dọc với chính mình vì đã để mẹ con bà xỏ mũi dắt vào một cơ quan thương mại ở Hà nội,khiến kiến thức cơ khí học năm năm trở nên vô dụng, còn cái bằng vứt mốc meo ở xó tủ . Mấy đồng lương còm chỉ đủ cà phê thuốc lá . Cắt tóc nhiều khi vẫn phải ngửa tay xin vợ .
    Thật nhục hơn chó ! Đi làm lấy vì , nghề nghiệp chéo khoeo , uồng chè tán gẫu cho hết ngày. Được cái , cô vợ biết ý thỉnh thoảng giấu mẹ dúi cho ít tiền tiêu vặt . Vì thế đôi khi cô ta cũng tự cho mình cái quyền hạch sách . Và thằng đàn ông trong tôi chỉ còn mỗi việc gọi là ..."có tích sự '. 
    Nhưng đợt này , kiểu gì tôi cũng đi . Đó là công việc quan trọng . Tôi nhủ thầm . Ít ra mi cũng có lúc phải là mi sau bao năm bị biến thành kẻ khác !
         
    2. Tôi, Thực và Chiến chẳng có gì giống nhau từ ngoài vào trong , mà cứ dính với nhau như ba con chuồn chuồn khác màu cùng đậu trên cái que phết nhựa sung trên hàng rào . Chúng tôi học với nhau từ nhỏ đến gần xong đại học thì nhập ngũ và vào chiến đấu trong một đại đội anh hùng thuộc trung đoàn nổi tiếng đánh đường ở Tây nguyên . 
    Chiến to cao ,ít nói , ra dáng đàn ông . Mắt hắn sáng như ngôi sao hôm mọc trên khuôn mặt góc cạnh, bạch ra ở quai hàm . Nhưng có đứa nào bắt nạt tôi và Thực thì liệu hồn với cánh tay hộ pháp lông lá cuả hắn . Hắn học phất pha phất phơ trong khi chúng tôi cày như trâu , Vậy mà bao giờ hắn cũng đứng đầu lớp.
    Thực thư sinh , ẻo lả như con gái , đa cảm và tốt bụng . Không thông minh lắm nhưng chăm học .
    Còn tôi thì ục ịch , đến mức mỗi khi mặc cái áo mới , Chiến ngắm nghía rồi gật gù phán :" Thằng Thực khéo tay , lấy giấy thủ công , dán cho nó một đường sọc vào lưng là thành cái bao chỉ xanh biết đi ." Tính tôi nghịch ngầm nhưng nhát gan . Mẹ tôi bảo đẻ tôi lúc 9 giờ sángnên rất sợ bóng tối .
    Không ngờ , cuộc đời vẫn có một ngã ba đường cho chúng tôi .
     
    3. Ngồi trên xe đò từ Gia lai đi hướng Kon Tum , tôi lặng lẽ tưởng tượng trong đầu hình ảnh về Lan , mặc dù em hiện hữu ngay trước tôi một hàng ghế . Lên sau , tôi tiếc đứt ruột khi thấy em đã ngồi với chú ở hàng ghế trước . 
     Lan vẫn đẹp . Nét đẹp cuả người đàn bà một con trí thức sống trong nhung lụa làm mòn mắt tôi . Nhưng đôi mắt em như phủ làn sương khói mờ ảo ,lộ rõ một nỗi đau buồn không giấu giếm . Đôi mắt ấy đã khắc khoải đợi cả anh trai và người yêu suốt nửa cuộc đời . Nó không còn nhí nhảnh , long lanh như ngày xưa khi nắm phải tay Chiến trong rổ ngô rang , lúc ánh đèn pin không chóa trong tay tôi bật sáng , và câu nói " tay ải tay ai " của em vụột ra không níu kịp . Ngay trong những lúc rúc rích với nhau như thế , tôi đã hiểu ra ...và cảm thấy bàn tay trắng muốt thon mềm cuả em đang bóp vặn trái tim tôi đến ứa máu !
    Gặp Lan tôi biết em vừa bảo vệ luận án phó tiến sĩ sinh học ở nước ngoài về , đang nghỉ ngơi trước khi trở lại cơ quan công tác . Chồng Lan là tiến sĩ hoá , đi các nước tư bản như đi chợ nên cực giàu . Tôi cũng đọc được trong ánh mắt em nỗi thất vọng về hôn nhân ẩn chứa trong những câu giới thiệu về chồng em cho tôi nghe . Lan bảo :" Anh bận không về lo giúp mẹ em công việc trọng đại này được ".
    Bố Thực là pháo thủ hi sinh ở Quảng Bình những năm đầu Mỹ đánh phá miền Bắc , nên bây giờ mọi việc lớn trong gia đình có chú Năng đại úy quân đội về hưu lo hết .
      Lan năn nỉ , viện đủ lý do mới được ông Năng đồng ý cho đi đón Thực về. 
    Tôi khuyên em chân yếu tay mềm không nên đi rừng làm gì . Vả lại Lan mới về ở nhà nghỉ tâm sự với mẹ . Nhưng trong bụng tôi lại muốn có em bên cạnh để bù lại những năm tháng xa cách , dù vẫn biết em chưa bao giờ yêu mình . Lẽ ra , em đã thuộc về Chiến nếu Chiến không mất tích . Bỗng nhiên tôi cảm thấy căm ghét anh chàng tiến sĩ hoá nào đó mà tôi chưa hề gặp mặt . 
    Chợt phát hiện đã đến nơi ,tôi vội đập tay vào thành xe . Chiếc xe lỡ đà vọt qua cầu La tôvel  nghiêng mình ôm cua " chai lọ " - cái tên cua chỉ những người lính đơn vị tôi mới hiểu hết ý nghĩa và xuất xứ .
    Tôi nắm tay Lan đỡ em xuống xe . Một cảm giác nóng ran khắp cơ thể trong sự đụng chạm đầu tiên mà tôi cố ý lạm dụng . 
      Nhưng cảm giác ấy qua nhanh khi tôi đứng trứơc trận điạ năm xưa . Ở đó bừng lên trận đánh ,rõ ràng từng chi tiết , mặc dù đã hai mươi năm trôi qua . 
    Chúng tôi chặn đánh một đoàn xe 27 chiếc GMC hậu cần, phục vụ cho cuộc hành quân " Lam Sơn 719 ". Chiếm được cơ man nào là thực phẩm, thuốc tây , huyết thanh ,cồn 90 độ và dụng cụ y tế . Đêm đêm , các đơn vị vận tải thi nhau gùi về tuyến sau hàng tháng trời không hết . Còn chúng tôi chẳng đoái hoài gì đến cơm nhà bếp . Dưới hầm kèo chữ A chất đầy thịt hộp ,cơm sấy ,giò ba khoanh, cà phê cô, thuốc lá quân tiếp vụ và cả cồn 90 pha huyết thanh làm rượu nhâm nhi cho đời lính lên hương. Số còn lại , Chiến đề xuất một cách cắt đường rất  nghịch ngợm . Thế là xuất hiện ngay một bức tường "chai lọ " hình mái nhà chặn ngang đường 14 với hai quả DH 30 bên trong quay về hai phía ,cắt đứt mạch máu giao thông cuả địch hơn một tháng trời . 
     Nhưng chính trong trận đánh ấy , Thực đã vĩnh viễn ra đi giữa tuổi thanh xuân chưa một lần biết đến mùi tóc thơm cuả bạn gái . Mà anh chết vào phút chót cuả trận đánh mới tức chứ ! Lúc tảo trừ trận địa , thấy khẩu đại liên địch trên chiếc GMC thủng lốp nằm bẹp bên đường hộc lên , Thực chỉ kịp đẩy Chiến lăn xuống một hố pháo , thì ngực anh hứng luông loạt đạn quét ngang , phá toác tấm lưng thư sinh những lỗ như vốc tay .
    Tôi nấp sau một ụ mối , thấy Thực khựng lại vài giây ,hơi bật ngửa về phiá sau , khẩu AK trên tay anh như chiếc compa vạch lên trời một cung những chớp lửa đỏ loè, rồi đổ nghiêng xuống bãi tráng giống người nằm chơi giữa thảm cỏ lúc hoàng hôn . Tôi lao ra , lật ngửa Thực lên .Một khoảng trời Tây nguyên trong xanh thăm thẳm , điểm những đám mây trắng trôi bồng bềnh dưới hàng mi cong như mắt con gái .
    Tôi đau đớn vuốt nhẹ lên đôi mắt ấy trước khi lặng lẽ vác anh lui về tuyến sau.
    Tôi và Chiến đặt anh nằm bên con suối róc rách giữa đỉnh Chưpa cạnh hòn đá phẳng như tấm phản . Hai đứa lặng đi bên nấm mộ ! Trăng hạ tuần mòn vẹt một góc trời .Vĩnh biệt anh bằng hai loạt AK . Rừng Tây nguyên tỏa khí đá lạnh lẽo choàng lên hai cái bóng chúng tôi liên xiêu tụt dốc. 
     
    4. Thật đúng là " hoạ vô đơn chí " . Vết thương trong tôi chưa kịp lên da non thì hai tháng sau tôi lại mất Chiến trong một trận đánh không cân sức giữa một trung đội 12 tay súng chúng tôi với 18 xe tăng địch ở khúc đường tránh cụt chữ  y cách bià rừng một vạt lầy cây xấu hổ gai góc . 
    Đau hơn , Chiến không chết mà còn sống nhăn trong hàng ngũ địch .
    Tôi nằm bẹp dưới hầm suốt buổi chiều , đọc đi dọc lại mẩu truyền đơn bằng bốn đầu ngón tay " Tiểu đội trưởng Nguyễn Quyết Chiến C2 K394 E...đã tìm đến quân lực Việt Nam Cộng Hòa ..." với nỗi hổ thẹn ê chề như một kẻ  đồng phạm !                                                                
    Chính trị viên tụt xuống hầm tôi : 
    - Bình ốm hả ? Anh hỏi khi đã tựa lưng váo vách hầm ,hai chân duỗi dài dưới gầm võng .
    - Em khỏe Anh Thái ạ . Tôi ngồi dậy với bịch thuốc rê kẹp giữa hai đầu võng.
    - Có thuốc thẳng đây . Chính trị viên ném gói " Rubi quân tiếp vụ " lên võng . 
    Tôi rút một điếu ,móc cái quẹt Zippo Inox bật châm hút . Điếu thuốc đắng ngắt !Tôi dụi đi , nằm lặng thinh nhìn cái vết sầu trên thanh nóc hầm sùi ra thứ nhựa sền sệt như máu . 
    - Anh không tin là Chiến lại làm thế , dù hoàn cảnh nào . Chúng ta không nên nghe giọng điệu cuả bọn chiêu hồi . Chiến là đứa gan lì , mưu trí , ban chỉ huy đại đội đặt nhiều niềm tin vào nó đấy. 
    Ngay đêm đó , bom B52 rải trúng đội hình trung đoàn bộ làm hai vệ binh , một bác sĩ , và cậu anh nuôi hy sinh . Lập tức toàn đơn vị dời khỏi vị trí đóng quân .
    Tôi co rúm người lại trong nỗi cô đơn ! Cảm thấy những cặp mắt đồng đội nhìn mình nửa như xa lạ , nửa như thương hại !
     Tôi thấy căm thù Chiến , đến mức nếu gặp , tôi sẵn sàng xả cả băng AK vào mặt nó ! Những ý nghĩ rất trẻ con cuả tôi lóe trong đêm tối :" Nếu sống trở về , tôi sẽ kể cho dân làng , sẽ nói thẳng vào mặt ông bà Quý  Sừng rằng con trai cuả ông bà là một tên phản quốc .Và ... cả em nữa , ta sẽ cho em biết thần tượng cuả em là như thế nào ! Sâu thẳm trong tôi sáng lên những tia hy vọng . 
    Nhưng rồi , khi về đến làng , chưa kịp đến thăm gia đình Chiến thì ông bà Quý Sừng đã chạy sang nhà tôi . Bà cụ lập cập nắm lấy bàn tay bị thương của tôi nói trong nước mắt :"Cháu đỏ ngực mà về, bố mẹ cháu sung sướng quá ! Còn em Chiến nhà bác thì đã xanh cỏ từ lâu rồi có khổ không ? ! "
    Tôi đã quên đi những suy nghĩ nông nổi hôm nào , chỉ còn biết động viên hai bác  bằng những câu vô nghĩa , sáo rỗng ! 
     Thì ra, xã đã làm lễ truy điệu Chiến với tấm bằng Tổ Quốc ghi công :" Nguyễn Quyết Chiến ....đơn vị ... đã anh dũng hy sinh tại mặt trận phía nam ". 
    Hay Chiến đã chết thật ? Và một con cọp đói nào đó đã tha xác anh đi ! Có thể lắm " muỗi vắt Kon tum , hùm Gia lai" mà. Ôi ! Chiến tranh , mọi cái đều có thể xảy ra ! 
     
    5. Vất vả lắm chúng tôi mới tới được đỉnh Chưpa. Lan chẳng còn ý tứ được nữa , em ngồi bệt xuống một tảng đá thở hào hển , mặt đỏ nhừ , mồ hôi chảy ròng ròng làm  những sợi tóc mềm mại dính bết vào đôi má  . Lòng tôi thoáng một chút xót xa vô duyên . 
    - Biết thế nào là Tây nguyên chưa ? Tôi đưa em ca nước và mấy viên tăng lực . Em uống mấy viên này vào là khoẻ ngay thôi. Em có nghe thấy gì không ? Tiếng reo cuả dòng sông Pôkô chào đón cô gái Hà thành đấy . Nào uống đi!
     Rừng Tây nguyên đã hồi sinh . Những vệt nham nhở B52 không còn nữa . Những mầm xanh đã nứt ra từ những thân cây bị bom đạn tiện ngang , bật lên sức sống mãnh liệt . Những cánh rừng xưa trắng xoá chất độc hoá học , nay đã được trồng mới . Và lòng đất đỏ tơi xốp màu mỡ đã vực chúng dậy , trả lại cho núi rừng Tây nguyên vẻ hùng vĩ vốn có từ bao đời .
    Chú cháu tôi đã phát quang hết những dây leo , cỏ dại um tùm quanh vị trí ngôi mộ . Mặt đất bằng phẳng, chẳng có biểu hiện gì  dấu tích ngôi mộ cả . Thật lạ ! Hòn đá phẳng còn nguyên bên suối , cây Săng lẻ thủng giữa có những cái rễ dẹt vồng lên như lá chắn khẩu pháo bên trái mộ , không mất . Tôi bắt đầu hoang mang . Mồ hôi ướt đầm chiếc sơ mi kẻ sọc bết vào da khiến tôi lạnh cả lưng . Bà con , dân làng tin tưởng vào tôi ! ...Lan  sẽ nghĩ  gì ? Bà Thoan nghĩ  gì khi chuyến đi sôi hỏng bỏng không ? Tôi chỉ là tên khoác lác lấy câu chuyện làm quà !...
    Ông Năng ngồi bệt xuống lớp lá rừng khô , với cái điếu cày hờ hững tra thuốc vào lõ , đảo mắt nhìn xung quanh . Chiếc khăn mặt bông đậu bâng quơ trên vai áo bộ đội đã sờn . Ông nhìn tôi băn khoăn :
    - Hay cháu nhớ nhầm ? Mấy chục năm nay rồi còn gì ! 
    - Mình thử đi dọc suối xem có chỗ nào giống chỗ này nữa không ? Lan xếp lại những bó hương và tiền âm phủ , giọng sốt ruột .
    Dòng suối vẫn thì thầm với lá rừng bản nhạc muôn thuở . Một chú sóc lông vàng óng ở đâu chạy tới, chựng lại bên gốc Săng lẻ đảo cặp mắt long lanh nhìn chúng tôi ngạc nhiên , nó đưa tay xoa lên mép mấy cái , rung rung những sợi râu rồi nhảy vụt vào bụi le rậm rịt .
    Tôi đo lại những khoảng cách từ các mốc theo sơ đồ,xác định chắc chắn vị trí rồi quyết định: 
    - Ta cứ đào chỗ này bác ạ . Chừng ấy năm không ai tảo mộ , đắp điếm , làm sao còn nguyên dạng được
    -Cứ xác định cho kĩ đi cháu . Công việc lấy cốt làm đêm , không thể để ánh mặt trời chiếu vào được đâu . Ông Năng đậy cả bàn tay to bè lông lá lên miệng điếu , há miệng , giọng nghẹn tắc , mỗi âm thanh cuả ông bật ra những đụn khói đặc quánh , tròn chữ o , chúng bay lên méo mó dần rồi biến thành những sợi ngoằn ngoèo tản vào các tầng lá lốm đốm nắng.
    -Chính xác chỗ này, cháu không thể nhầm được bác ạ. Tôi khẳng định .
    -Vậy ta nghỉ, cơm nước, tối đào. Ông Năng ra lệnh . 
     
    6. Lan thắp hương xung quanh xin với các sơn  thần thổ điạ để được đưa anh trai về quê hương bản quán . Em cắm ba nén nhang lên đầu ngôi mộ phía hòn đá phẳng , quỳ xuống chắp tay cầu nguyện . Gương mặt xinh đẹp bất động , siêu thoát như một ni cô đang thiền . Ánh lửa bập bùng soi rõ cặp mắt trang nghiêm nhìn sâu vào màn đêm se lạnh.
    Chú cháu tôi thay nhau đào . Ông Năng bảo " phải kiêng cho người sống , tuyệt đối không để xẻng cuốc va chạm nhau "
     Cái hố chữ nhật rộng đến hai thước , sâu dần , chỗ thấp nhất đã ngang ngực tôi . Lạ thật ! Tôi chống xẻng vẩn vơ nghĩ ngợi , tâm trạng bồn chồn không yên . Có một cái gì đang xoáy vào gáy tôi , nóng ran . Từng chùm hoa cải tí tách bùng lên quanh đống lửa . Có tiếng động xung quanh tôi rất nhẹ . Tôi ngoảnh phắt lại . Không có gì cả!Rừng đêm im ắng , bí hiểm . Dòng sông PôKô  rì rào hát . Cảm giác có đôi mắt nào đang theo dõi từng động tác cứ bám riết lấy tôi . Người hay thú ?! Tim tôi đập thình thịch, bấn loạn .
    - Chú Năng bật Ắccu lên hộ cháu với cho sáng . Tôi vội nói như thế để xua đi những nỗi sợ hãi ngấm ngầm vây buả .
    Vội gì cháu , Ắc cu để dùng cho giai đoạn cuối , rửa ráy mới sạch sẽ được . Ông Năng gạt đi.
    - Không có gì ở dưới ấy đâu . Đừng đào , vô ích ! Giọng nói bật ra sau lưng tôi trong bóng đêm nghe sắc bén và giá buốt .
    Tóc tôi dựng đứng . Tôi cố trấn tĩnh , từ từ quay đầu lại . Một người đàn ông mặt đầy lông lá ,khoác bộ da thú xám ngoét , không biết là da con gì , từ bóng đêm bước ra . 
     Chân tay tôi như chết cứng , không đủ sức giữ  cán xẻng , nó đổ kềnh , gác đốc cán vào thành hố . Máu trong người tôi như ngừng chảy . Mồ hôi tứa ra chảy dài trên má .Tôi lấm lét quan sát gã, đề phòng . Gã vẫn  đứng im , từng chòm lông ở ngực , ở mặt rậm rịt như Tôn Ngộ Không . Liếc sang ông Năng , gương mặt chữ điền điềm tĩnh , không một cử động nhưng đôi mắt đục lờ cuả ông  bập bùng ánh lửa , khiến nó đỏ lên như hai hòn than , nhìn chăm chăm vào gã khoác da thú . Tôi cảm thấy các bắp tay ông đang săn lên trong tư thế sẵn sàng . 
     Lan quay mặt đi , không dám nhìn con thú quái đản , gớm ghiếc .Em bám vào một thân cây , từ từ sụm xuống gốc .
    - Thu dọn đồ đạc đi theo tôi . Cái miệng phủ đầy lông động đậy ra lệnh .
    Ông Năng ý tứ đưa mắt cho tôi . Hắn có một mình , chúng tôi hai người đàn ông khoẻ mạnh . Máu trong người tôi đã chảy đều lại .Tôi liếc cái xẻng . Chỉ cần một động tác nhanh , gọn mình sẽ phạt cái xẻng  vào giữa bộ mặt xồm xoàm kia .Nghĩ vậy ,tôi chụp nhanh cán xẻng. 
    Đoàng ! Tiếng nổ khô khốc , đanh , chớp lửa xé toạc màn đêm , vách núi dội lại âm vang khu rừng tĩnh mịch .
     Người tôi nhủn ra như thể viên đạn đạn xuyên vào đầu . Cán xẻng rời ra đổ xuống chân . 
    - Chống cự vô ích .Gã khoác da thú nhỏ nhẹ , kiên quyết . Miệng gã huýt lên một tiếng sáo rít gióng .
    Ngay tức khắc một đàn khỉ có đến hai chục con lừng lững như hắc tinh tinh từ các cành cây rào rào nhảy xuống . Chúng cướp tất cả đồ đạc , dụng cụ của chúng tôi chạy biến vào rừng . Một con khỉ nhỏ chộp cái túi vải nhảy lên ngồi chễm chệ giữa chạc ba cây khoọc , hai chân ôm lấy túi , hai tay nhặt những thẻ hương đưa lên mùi ngửi rồi quăng bừa xuống đất . Cái miệng đầy lông lại huýt lên hiệu lệnh . Con khỉ vội túm miệng tay nải chuyền sang một cây khác , mất dạng .           
     Tôi vụt nhớ tới một trận đánh khác gần con suối cạn mà anh em trong đơn vị tôi gọi là trận "Suối đá" . Đó là trận đánh theo chiến thuật bao vây công kích . Địch chốt trong công sự làm theo kiểu nhà âm vững chắc . Chúng tôi bí mật khép vòng vây . Gần đến nơi , cứ thấy rào rào trên đầu ,tiếng kim khí va vào cây lách cách . Ai nấy giật mình ngẩng lên . Toàn khỉ ! Mỗi con một khẩu súng kéo lê . Đại trưởng Huấn ra lệnh không được bắn . Chúng tôi tiếp tục thắt chặt vòng vây . Khi nổ súng , không có một tiếng súng nào kháng cự . Lúc dẫn lũ tù binh lếch thếch ra thì trời đã sáng rõ . Chúng tôi mới  vỡ ra rằng lũ khỉ đã  ăn cắp hết súng ống cuả bọn nó rồi .
     Chúng tôi đành làm theo lệnh gã . Khẩu  Col12 lăm lăm sau lưng ba thày trò tôi . Tới cửa hang đá chồng, những hòn đá to nhu mái nhà úp lên nhau như  phơi bát, sừng sững đen thẫm bóng đêm .Gã đẩy chúng tôi qua cửa hang trước đại sảnh. Lũ khỉ nhảy nhót vui mừng kêu choeng choéc , làm như thủ lĩnh của chúng vừa bắt được yêu quái . Những ngọn đuốc lồ ô được thắp lên soi sáng lòng hang rộng chừng ba chục thưôc vuông , vách đá lồi lõm ri rỉ ướt . Theo lệnh cuả gã khoác da thú , lũ khỉ lẳng lặng ngồi yên vị trên những mỏm đá nhô ra từ vách hang , đưa mắt nhìn đám tù binh chúng tôi một cách tò mò . Mọi đồ đạc của chúng tôi được xếp gọn trên phiến đá rộng ngay chính diện .
    Gã dẫn ba chúng tôi sang một ngách hang khác . Chắc nó nhốt chúng tôi trong cái hang hẹp lạnh lẽo này . Tôi lo lắng nghĩ . Không , gã đẩy chúng tôi từng nguời qua một cửa hang hẹp hình tam giác do ba hòn đá chồng nhau tạo thành . Bên này , lòng hang rộng hơn đại sảnh nhiều . Hàng mấy trăm cái hòm bằng đá được đục đẽo cẩn thận có nắp đậy vuông vức , xếp ngay ngắn , hàng lối dưới sàn hang phẳng . " Hắn sẽ giết chúng tôi ở đây " . Tôi hoang mang đến cực độ . Chúng tôi đi hàng một gữa khoảng hở của các dãy hòm và dừng lại ở cuối hang . Gã nhặt cái chổi cũng bằng lông thú , quyét bụi trên nắp một cái hòm nhẵn bóng , xinh xắn. Không nhìn chúng tôi, gã cong người bưng cái nắp. Tôi nín thở theo dõi động tác cuả gã . Cái nắp đã được nhấc ra khỏi vị trí cuả nó , đặt ra bên cạnh. Như có một con rắn bò dọc sống lưng tôi, lạnh toát! Người tôi sởn gai ốc. Trong hòm, xếp ngay ngắn thứ tự, vị trí bộ xương người màu vàng lốm đốm đen .
     Lan bấu lấy người tôi run cầm cập .Tôi vội xốc nách đỡ em .Người Lan mềm nhũn như không xương. Gã khoác da thú cúi xuống nhặt cái lọ pênicilin trong hòm đưa cho tôi . Tôi dìu Lan ngồi xổm bên cái hòm đã mở , lập cập rút tờ giấy trong lọ soi vào ánh đuốc lồ ô đỏ đọc, ma quái. Dòng chữ nắn nót nhảy trên tay tôi. Dòng chữ cuả tôi cách đây hơn hai mươi năm đã hơi mờ ố: " Phạm Trung Thực C2 K394 E..." 
      Nước mắt tôi bỗng trào ra, nóng hổi, chảy qua môi mằn mặn nhỏ xuống mảnh giấy có cái tên thân thiết ấy. Tôi ngoảnh sang ông Năng đang đứng im như khúc gỗ trắc, theo dõi mọi chuyện, lắp bắp : 
    - Bác ơi! Thằng ... thằng Thực ... nó ... nó đây rồi! 
    Ông Năng ngồi thụp ngay xuống bên hòm đá, bàn tay thô nhám, to bè cuả ông xoa nhẹ lên cái sọ trơn bóng như vuốt ve mớ tóc thằng cu Thực lon ton trên sân mỗi bận ông sang bên anh trai mình .
      Tôi vội kéo Lan ra xa cái hòm một chút đề phòng nước mắt em nhỏ lên người Thực. Rất nguy hiểm, có thể mù như chơi .
      Tôi và Lan cùng nhìn  trân trân vào gương mặt lông lá. Đôi mắt gã sáng rực như ngôi sao hôm những đêm hành quân tôi thường nhìn vào đó để định hướng . Đôi mắt ấy đang chớp chớp, những túm lông trên mặt giật giật lia lịa. Chân gã dịch chuyển như có kiến cắn. Tay gã giơ ra phác một cử chỉ đón đợi rồi vội rụt về chắp lại sau lưng . 
    Lan như bị thôi miên, mắt em ngây dại , từ từ tiến về phiá gã mặc da thú. Tay em dang ra như định ôm choàng lấy gã, rồi bất ngờ vụt chạy. Tôi đứng im như tượng, nhìn xoáy vào gã. Trời ơi!  Đôi mắt!  Đôi mắt có cái gì thân thuộc gần gũi biết chừng nào! Ngôi sao hôm mọc trên khuôn mặt góc cạnh và đầy cương nghị. 
    Khắp người tôi nổi da gà, chân tay thừa ra vô tích sự. Tôi buột miệng như trong cơn mơ :
    - Chiến!  Ôi! Chiến! Chiến ơi! 
     
                                                                                                                        N.Đ.H


 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)