bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 217
Trong tuần: 687
Lượt truy cập: 667231

DÒNG SÔNG MÁU

Đỗ Dũng

DÒNG SÔNG MÁU
Truyện ký 

  1. Lật nhanh từng trang cuốn tiểu thuyết “Lính 312 – Khúc bi tráng thời đại” của mình (650 trang khổ 14,5 x 20,5 cm) do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2019, hai thái dương mình ê ẩm. Nước mắt lại lã chã trên trang viết. Mực trào ra theo ngọn bút dưới ánh đèn nhấp nháy… Hàng trăm nghìn tia sáng xanh… đỏ từ các nơ ron thần kinh ấp xuống trang sách thân yêu mà 10 năm lăn lộn tìm ánh sáng cho đời. Trái tim mình đè nén rồi bật tung thành một khối nổ: Tâm linh! Những hình bóng bạn chiến đấu đã chết ở hàng rào cửa mở lại ầm ầm kéo về trong tiếng bom rơi, đạn nổ ở khắp các chiến trường: Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng, Quảng Trị 72, Bình Dương 1975 – Vị Xuyên 1980. Họ ùa về làn hương trầm trên bàn thờ lính Sư đoàn. Mình khóc âm thầm lan tỏa trên trang viết. Mình lặng lẽ chìm trong tư duy, suy nghĩ về cái chết của từng đồng đội… Trời ơi! Người hy sinh trong chiến trận vinh quang (kẻ bị tù đầy nhục nhã vì tham lam). Luồng tư duy kỳ lạ… Giằng xé trái tim mình. Tôi lắng mình lại (sống chậm lại) hút thêm một điếu thuốc và thả hồn theo làn khói đục mờ ảo lẫn hương bay. Họ lặng lẽ về trên di ảnh và đậu ở cành phong lan trước cửa phòng tôi. Tôi nghe trái tim mình mách bảo nhìn về hoài vọng xa xưa. Ôi Cánh Đồng Chum (Lào) ơi! Đó là những ngày 12/1971-4/1972. Thật đau đớn! Cái đau đớn tột cùng tới tức nghẹn con tim. Nhận tin 2 đồng đội Nguyễn Như Đỗ (ở Chợ Mơ Hà Nội) và Phạm Đăng Thịnh (Trực Ninh Nam Định) hy sinh xác bị phơi áo hàng rào tại cao điểm 1507 (Cách Loong Chẹn 5km) mình lại khóc. Họ chết trẻ quá. Đỗ Trung đội trưởng 25 tuổi. Thịnh 19 tuổi. Khi đi trính sát vướng mìn. Bây giờ 50 năm rồi ở tuổi 70 mình mới thấy họ chết trẻ. Thật đau thương. Tôi lại khóc, khóc bù cho những ngày xưa thân ái chưa được thỏa trí khóc.

   Đêm sâu hun hút để mặc cho tôi khóc, như chưa bao giờ được khóc. Tiếng khóc nghẹn. Anh Đỗ, anh Thịnh ơi! Hai anh đi trinh sát trận địa, chuẩn bị cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 đánh cao điểm này. Hai người chết trước tết 1972 là 10 ngày. Đêm giằng xé con tim. Những thước phim máu trào về. Đêm hôm trước chúng tôi đắp chung nhau một tấm chăn dù trên đỉnh núi mù sương Pu Pa Xay (Lào). Gió hun hút lạnh lẽo vô cùng (50 năm sau tôi mới hiểu đó là gió B.rizơ núi). Anh Đỗ tâm sự “Mai anh đi rồi! Em ở lại đài chốt giữ vững trận địa để đưa đơn vị vào đánh nhé! Phải bình tĩnh sáng suốt đấy!) Truyện đã 50 năm rồi mà óc tim tôi vẫn nhớ rành mạch như ngày hôm qua. Cuộc đời cho ta bao nỗi niềm tâm sự từ trải nghiệm đến chiêm nghiệm ở chính trái tim mình.
   Hình như có linh ứng gì chăng? Hay là trước khi đi vào cõi hư vô… kia, con người đã biết số kiếp người ta đã hết. Như ngọn đèn dầu cạn kiệt vút sáng lên chăng. Hay linh hồn ùa ập về chăng? Vâng! Họ về giục giã tôi viết… Viết nữa đi, để cho con cháu mình sau này đọc hiểu thấu đáo về Tổ quốc và dân tộc mình… Có một thời oai hùng như thế…
   Trời đất Triệu voi nhấp nhánh sao mơ… Tiếng phi cơ C130 lại ầm ì trên bầu trời. Tôi cảm nhận những phút giây này ở quê nhà, mẹ không phải nghe tiếng bom nổ (Mẹ ơi!). Tôi xoay mình tựa lưng vào anh Đỗ. Anh Đỗ ôm tôi ngủ kiểu úp thìa. 4 thằng lính nằm kiểu tỏa tim, súng sát vào hông. Chỉ có hơi ấm từ da thịt tráng niên bù đắp vào nhau thôi. Cái thời thanh xuân tươi đẹp ấy. Anh Đỗ hơn tôi 5 tuổi quân 5 tuổi đời. Anh lên Trung đội trưởng Trinh sát phó bí thư chi bộ đơn vị tôi và là người đầu tiên giới thiệu tôi và Son vào Đảng. Gần sáng! Thịnh ngủ như chết. Anh Đỗ ôm tôi vào lòng, như mẹ ôm con, anh khẽ nói “Anh có bức thư của chị Dậu (vợ anh) viết tháng trước khoe cháu Thủy con gái anh tròn 1 tuổi (Có cả ảnh nữa)”. Tấm ảnh ấy bây giờ nhòe mất rồi. Bức thư của chị Dậu thì cũng chỉ còn đọc được một ít. (Nó đã lặn vào cõi hư vô cùng Đỗ rồi). Ngọn đèn khuya trong tim tôi lại nhấp nháy đến kỳ lạ. Nhìn lên bàn thờ lính Sư đoàn anh Đỗ cười rất tươi. (Chả là từ khi cụ Nguyễn Chuông qua đời, 10 năm nay, tôi rước chân hương ở nhà cụ - Mai Dịch Hà Nội lên Thái Nguyên thờ đồng đội 312, cho tiện hương khói). Trên cao là hình ảnh cụ Nguyễn Chuông, Nguyễn Kiệm, Đỗ Trường Xuân, Trần Độ, và cụ Hoàng Lê ở Sư đoàn 312. Phía dưới là ảnh anh Đỗ và Thịnh… Họ đang cười nhìn tôi viết văn. Họ khóc đấy. Họ khóc họ. Khóc cho đời.
   Anh Đỗ dặn: “Cất kỹ đi nhé. Anh để ở đáy ba lô trong tập bản đồ ấy!” Tôi giục anh: “Ngủ đi”…
   Trời tảng sáng! Tôi choàng dậy, anh Đỗ và Thịnh đã đi trinh sát từ lúc nào rồi không rõ nữa. Nhìn sáng bên cạnh… (Hồi chiến đấu ở Lào anh em tôi hầu như ngủ trong hang đá hoặc trong lán là chủ yếu, chứ không nằm trong hầm kèo như ở Quảng Trị 72 đâu). Tôi hỏi anh Phạm Đạt – người Phủ Quốc Oai và anh Lê Hải người Huống (Thái Nguyên). Khi đó họ đang nấu cơm thì biết anh Đỗ đi cao điểm 1507 từ 4 giờ sáng cơ… Anh Đỗ ơi! Xuống suối lấy nước tôi và Son… kiếm được 2 chú cá quả to đáo để… Trời ơi! 50 năm rồi, chiến đấu ở Lào giờ chỉ còn mình tôi… (Còn Son thì đi tù chung thân) Tôi đau khổ tột độ. Tôi thấy bơ vơ trước cuộc đời này… Đỗ, Thịnh hy sinh ở cao điểm 1507 (Lào). Anh Lê Hải hy sinh ở cao điểm 1300 (Lào) sau anh Đỗ, anh Thịnh 2 tháng (3/1972). Anh Phạm Đạt chết ở Bình Dương 1990. Anh bị thương nặng ở Bình Dương 1975, khi dẫn quân đánh Sư 5 Ngụy ở Lai Khê Phú Lợi, sau đó phục viên về nhà lấy vợ. Vợ anh Đạt hơn anh 3 tuổi, là vợ liệt sĩ, có con riêng. Anh chị có 6 con cả thảy. Dân làng chê anh: “Trai tơ mà lấy nạ dòng”! Sao cơ! Lấy vợ liệt sĩ thì có tội à! Tức mình anh dẫn gia đình “vô Bình Dương” lập nghiệp và chết ở nơi anh bị thương 1975… Còn Son thì lại đi tù. Thế là Trung đội trinh sát 6 người còn “nhõn” mình tôi. Tôi phải sống thay cho các anh, viết về các anh. Trái tim đau khổ của tôi đã đặc quánh những dòng nước mắt chiến tranh và hậu thế. Tôi ngộ nhận ra rằng: “Hãy cố sống và đưa đồng đội về với gia đình”.
 chien-tranh-viet-nam3
  1. Từ 2012 (sau khi đã nghỉ hưu tròn 36 năm cầm phấn ở trường Đại học) đến nay tôi đi sang Lào, vào nghĩa trang Việt Lào ở Anh Sơn Nghệ An tới 8 lần không kể Quảng Trị 10 lần để rước các anh về. Linh hồn các anh cứ lấp loáng đâu đây giục giã tôi phải đi đi nữa Dũng ơi!
   Một thân, một mình khoác ba lô đi tìm hư vô… Vợ tôi khóc: “Ông cứ đi đến chết à?” “Ừ!”. Tôi thản nhiên trả lời. Vì biết tính “Gàn” của chồng không thể ngăn cản được “cái ông dở hơi” này. Bà vợ chuẩn bị: “Tư tưởng, tư trang, tiền tàu xe” cho chồng rất “chu tất”…
   Tôi lần về Sư đoàn 312 đóng quân ở Phổ Yên lục danh sách liệt sĩ hy sinh ở Lào. 1657 đồng đội ở Trung đoàn 165, Sư 312 của tôi trong đó Xê 20 trinh sát hy sinh 67 người. Thật may mắn anh Lê Hải ở Huống (Thái Nguyên) tôi và Son đã đưa về quê 10 năm rồi… Còn anh Phạm Đạt thì mồ yên mả đẹp ở Bình Dương không đưa về Quốc Oai nữa chỉ còn 2 ông Đỗ, Thịnh là chưa thấy tăm hơi. Năm 2015 tôi tìm thấy anh Bàn Ngọc Hoàn quê ở Phấn Mễ (Thái Nguyên) anh Hoàng Kiếm Phong quê ở Gia Sàng (đã về quê Thường Tín Hà Nội). Hai cái mộ giả chỉ còn vài mẩu xương với chiếc dây lưng mà thôi. Họ chìm ở sông Nậm Cắn (Con Cuông Nghệ An) vì đơn vị quy tập Nghệ An chở họ bằng đường sông. Tôi buồn lắm! Tôi lộn ngược về quê các anh (Nhiều lắm, 17 anh cơ) rồi sang Tam Nông Phú Thọ lạy cụ Nguyễn Chuông (Trung đoàn trưởng 165 ở Lào) mong cụ phù hộ độ trì xem sao. Trời Thượng Nung vỡ ra sấm chớp đùng đùng. Cụ Chuông như ở trên trời rơi xuống, như ở dưới đất hiện lên: “Con sang Lào đi!” Từ biệt mộ cụ Nguyễn Chuông tôi chạy thẳng vào Lào. (Cũng may khi về hưu lương tôi cũng ổn nên đi một cuộc không có gì phải “bấn” cả).
   Tâm linh nhắn nhủ, mình sống được là nhờ các đồng đội chết thay mình. Mình không thể là một thằng hèn, khốn nạn mà không đi tìm anh em được. Năm 2016, tôi vào nghĩa trang Anh Sơn Nghệ An ngủ võng tại nghĩa trang, tìm luôn một lèo các anh Lưu Thiện Đệ, Phùng Kế Báo, Đỗ Việt Mạc, Chu Văn Dung (quê ở Yên Bái, Hà Tây, Thanh Hóa và Lào Cai) rồi hiện ra các anh Thảo (Tuyên Quang), anh Dần (Lạng Sơn) anh Điền (Lào Cai) và 2 người bạn thời ấu thơ (Luận Quyết – Quê Lào Cai).
Họ hiện ra theo hàng bia số…
Về Thái Nguyên tôi viết luôn bài “Đồng Đội” được báo Văn nghệ Thái Nguyên – tờ báo nhà đăng ngay.
   Thế là cái gì đến phải đến. Liệt sĩ Phạm Đăng Thịnh là chú ruột của anh Phạm Đăng Đạt quê Trực Ninh Nam Định dẫn người nhà tìm tôi ở Thái Nguyên. Họ nói nhờ có tờ báo Văn nghệ Thái Nguyên là cầu nối “âm dương” để người chết tìm thấy người sống. Họ cảm ơn báo Văn nghệ Thái Nguyên nhiều lắm. Họ khóc ầm ỹ ở nhà tôi. Tôi lại cười ha hả vì sướng quá vì tìm thấy thân nhân của đồng đội mình. Tôi và Đạt “phi” vào nghĩa trang Anh Sơn ngay, hy vọng sẽ đưa được Thịnh về Trực Ninh quê mẹ như nguyện vọng của mẹ Thịnh và anh trai Thịnh (bố cháu Đạt) trước khi chết. Ba ngày lục tìm ở Ban quản lý nghĩa trang Việt Lào và sờ nắn từng tấm bia thì chao ôi! Hơn 6000 liệt sĩ thì 4000 liệt sĩ chưa biết tên. Trời ơi đau đớn quá, có nên nói không! Biết tìm Thịnh ở đâu bây giờ Thịnh ơi! Vô tình hay tâm linh giục giã, thì đồng chí quản trang nói: “Ngay cả cô Thủy, con liệt sĩ Nguyễn Như Đỗ ở Hà Nội vào đây 6 lần mà không thấy ông Đỗ các anh ạ! Đội quy tập trao hài cốt thiếu lung tung cả.
Tôi giật mình! Sao? Thủy nào? Tôi hỏi liên tục…
  Câu chuyện chôn anh Đỗ ở hang Thẩm Lưng (Lào) nơi nổi danh dốc “O Hòa” ở Xiêng Khoảng gọi là trọng điểm bom lại cuồn cuộn chảy về trong tôi (Tôi biết chắc chắn xác anh Đỗ và Thịnh không còn nguyên vẹn vì bom và mìn bãi nổ nát cả. Tôi mường tượng lại dốc “O Hòa” – Nơi 7 thằng lính Hải Phòng Trung đoàn 141 Sư 312 làm đường tăng đã hiếp chết 3 cô dân công Thanh Chương Nam Đàn Nghệ An rồi vác súng hàng quân Thái Lan. Chúng nó còn leo lên máy bay trực thăng Mỹ chửi láo, chửi lếu nói xấu quân đội ta. Bọn nó mà bị tôi túm được sẽ cho vài băng AK). Khốn nạn!
  Đồng chí quản trang nói tiếp: “Cô Thủy ở 285 ngõ Chợ Mơ – Bạch Mai - Hà Nội ạ!” “Thế đồng chí có số máy của Thủy không?” “Có ạ!”. Đồng chí quản trang cho tôi số máy của cháu Thủy con anh Đỗ. Tôi mừng quá gọi cho Thủy. Thủy khóc nức trên máy. Vì sao? Vì hồi chôn anh Đỗ ở Lào (1972) cả Đại đội trinh sát 20 đều nhận Thủy là con (Nếu ai trong đơn vị còn sống thì phải có trách nhiệm tìm con gái của Đại đội, của Trung đoàn 165). Lòng tôi như sát muối. Những trận đánh từ Bản Na, Sân bay Xiêng Khoảng, Phu Pha Xay, Phu Tâng, 1300 – Cao điểm đẫm máu 1664 – Nơi tranh chấp giữa ta và địch ở Lào, Loong Chẹn, Nam Cha, Đường Tăng, Gốc Chuối, Hang Cá (Nơi anh Trung Tướng Nguyễn Đức Sơn chủ nhiệm chính trị Bộ tổng tham mưu và anh Thượng tướng Nguyễn Văn Được (Chủ tịch Hội CCB Việt Nam) đã từng dẫn một đại đội đánh thốc lên nhổ chốt đường tăng ở cao điểm 1300 và cứ điểm Nam Cha 4/72.
 
  1. Dòng sông máu ư? Đây là dòng sông máu thứ nhất trong cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi của tôi. Trong từng thước phim đẫm máu ấy tôi mới hiểu bản thể nhân sinh của lí lẽ làm lính. Nếu tôi không bị thương tới 3 lần thì giờ mình ra sao? “Chắc một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực” Nếu! Thì! Trong cuộc đời này so sánh cái sai, cái đúng đều do số phận run rủi. Nếu tôi phấn đấu tới Bộ Trưởng chắc gì tôi đã trong sạch. Cha tôi dạy: “Cá to đớp mồi to”. Đúng thế, hồi đi câu ếch ở ao làng (Làng quê tôi ở miền núi cũng có cái ao to lắm đó là do sự thít lại của 2 quả núi nhỏ mà thành). Tôi câu con cá quả hơn 2 kg do 10 cái nụ mướp. Anh chàng cá quả (cá chuối – đắm đuối vì con) thấy cái nụ mướp cứ nhấp nháy, lao mình đớp liền. Chắc không phải tham ăn (vì sao ư vì sau 40 năm giảng dạy ở Trường Đại học tôi hiểu sinh thái kiếm mồi – Nó chết vì con, bảo vệ con). Những con cá xấu số kia ơi! Biết đâu trong đàn con kia sẽ lẫn đàn không phải con mình thì sao. Đời mà! Sinh vật mà!
  Tính ra (tôi nhẩm trên đầu ngón tay) 2020 Thủy cũng đã 49 tuổi. Anh Nguyễn Tuấn ở 115 Hàng Bột (Nay đổi đường Tôn Đức Thắng) Hà Nội (chết rồi). Tuấn - chàng trai dũng cảm ở Hà Nội là thần tượng của đại đội 20. Anh trinh sát nhanh nhẹn mưu trí, tháo vát, dũng cảm đã 2 lần tặng Huân chương chiến công vì có thành tích bắt tù binh Thái Lan ở Lào để khai thác. Nhưng khi anh là Thiếu tá ở quân báo mặt trận Lạng Sơn 1979-1984 đi bắt quân ở MaNiPo (Trung Quốc lại suýt bị địch tóm sống). Tuấn cùng Dương Nhú Đại tá Sư đoàn trưởng Bảo vệ Thủ đô là 2 người thân của anh Đỗ đã 5 lần 7 lượt về Chợ Mơ Bạch Mai Hà Nội tìm gia đình anh Đỗ (chỉ nhớ vợ Đỗ tên là Dậu) chắc Đỗ chết thì cũng “qua sông” rồi (gái Hà Nội mà…) Ai dại gì mà thờ chồng nuôi con). Hay là duyên trời không cho. Hai anh Nhú Tuấn rất thân anh Đỗ. Hồi còn ở Lào anh Tuấn là Tiểu đội trưởng, Nhú Trung đội phó, Đỗ Trung đội trưởng. 3 anh nhập ngũ một ngày, vào Đảng một ngày. Họ thương nhau lắm. Còn ở trên Thái Nguyên có anh Trương Công Hợi (Hợi còm)… Kể cũng là lạ ở Đại đội 20 chúng tôi rất là nhiều biệt danh hữu hình. Tuấn sứt (Vì mò vào hàng rào bị dây thép gai cào đứt tai). Đạt trâu (Cày băng băng như trâu). Hợi còm (bé loắt choắt nhưng nhanh lắm). Quang điếc quê Phố Cò (Thái Nguyên) bị điếc do vấp mìn. Quang mù (anh ở Hải Phòng) mù do chất độc hóa học. Minh 3 đùi (Đại đội trưởng) vì “cái kia” là đùi thứ ba. Văn ba toác (giáo viên cấp 2 ở Hưng Yên – nay ở 288 ngõ chợ Khâm Thiên) hay nói luyên thuyên. Anh Hoắc lùn võ giỏi (nay Đại tá là giám thị trại giam Hỏa Lò Hà Nội. Anh Hoa, anh Xô “Xồm” (chính trị viên) vì nhiều râu. Anh Phương nháy vì 2 mắt hấp háy do “lông quặm”. Anh Phổ mồm cá ngão, anh Cong quê ở Định Hóa Thái Nguyên gọi là “Cong méo” vì mồm lúc nào cũng méo. Còn rất nhiều truyện. Ba ú, Kiều lác, Tiến bạc, Long kền, và 62 cái tên. Ôi! những đồng đội thân yêu đã ra đi do chiến tranh và quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” mà ra. Tôi lặng đi trong suy tưởng. Tôi có điều kiện đến tận nhà các anh khi chết vì tôi là em các anh. Bây giờ anh Hợi còn khổ lắm (tôi là Trưởng ban LL.CCB Sư 312 nên thương anh và đỡ đần anh nhiều). Chỉ khổ thằng chết thôi. Lại còn có anh Đào Xuân Lộc quê Hà Nội lấy vợ ở Phố Cò Thái Nguyên tên Hồng em gái anh Quang điếc. (Hồi còn ở Thái Nguyên Son đã làm chế độ thương binh cho anh Quang mù nữa cơ. Cũng là cơ may! 30 tháng 4 hàng năm chúng tôi gặp nhau ở Lim (Bắc Ninh) Xê 20 gặp nhau, giúp đỡ nhau “lúc thường cũng như lúc chiến đấu” nó trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” diễn ra 30 năm nay rồi. Anh nào quá khổ thì lại “dúm dụm” nhau. Nhưng gặp nhau “khóc” là chính. Nước mắt của lính già nó đặc quánh và khô. Buồn nhiều hơn vui.
 
  1. Tôi hẹn cháu Thủy “mai bố từ Nghệ An ra Hà Nội – con lên Làng Vẽ - Đông Ngạc gặp bố” (vì cháu Phạm Đăng Đạt của liệt sĩ (chết cùng Đỗ) Thịnh quê Nam Định lấy vợ Hà Đông nên tôi và Đạt, Thủy gặp nhau rất dễ (Tôi gốc ở Đông Ngạc Từ Liêm Hà Nội).
   Gặp lại cô bé 49 tuổi (mình đã 70 rồi) người Chợ Mơ (Chợ Mơ là quê mẹ của tôi đã có 18 đời ở đó nay là Hoàng Mai con gái đẹp lắm. Ông nội tôi bị quy kết là địa chủ ở làng này tí tẹo bị bắn may mà có sửa sai) Chúng tôi ôm chầm lấy nhau khóc thật. Chị Dung, chị ruột tôi và các cháu gọi tôi bằng cậu ở làng Vẽ thì cười rất lớn. “Như không có gì xảy ra”. Còn Phạm Đăng Đạt (cháu Thịnh) chỉ nhìn 2 bố con tôi rơm rớm nước mắt. Anh  Phạm Đặng Thịnh chết trẻ (20 tuổi) ở C20 chưa vợ. Đạt là cháu ruột con anh cả được quyền thờ cúng Thịnh kể lể: “Chú ạ! Nguyện vọng của bố cháu và bà nội cháu chỉ ước mơ là đưa chú Thịnh về quê thôi”. Thế là cả ba chúng tôi đều khóc. Bảo, con chị Dung tôi đổ 3 cốc rượu lớn “dàn hòa”, “chúc 3 bố con của cậu ruột”. Thế là cả ba chúng tôi đều cười ầm ỹ lên. Kể cũng lạ! Nước mắt ông già 70 và 2 đứa trẻ 50 vui đáo để. Chị ruột tôi vốn là người đa cảm cũng khóc và hỏi han chị Dậu (mẹ Thủy). Thủy đẹp đoan trang kể thật thà: “Con có 2 con, chồng tử tế con làm việc ở Y học dân tộc, đời sống tạm ổn”. “Thế mẹ Dậu ở với ai”. “Mẹ ở với cậu út ạ”. Tôi ngớ người nhưng thông cảm. “Con ai” chị Dung tôi hỏi. “Con của mẹ con kiếm được ạ”??? “Với ai”. Chị tôi truy Thủy. Thủy nhấm ngụm rượu rồi bình thản tâm sự: “Bà nội Thủy mẹ đẻ anh Đỗ ở 285 ngõ Chợ Mơ (Nhà tôi ở 381 thì lạ gì ngõ đó) là một bà mẹ thức thời (còn sống thì cũng đã trên 100 tuổi rồi) – Nữ sinh trường Bưởi, chỉ đẻ có mình anh Đỗ thôi (cha anh Đỗ mất ở Điện Biên 1954) thế mà hôm nay vẫn chưa được phong mẹ Việt Nam anh hùng đâu! Thủy nói trong tiếng nấc: “Bà nói với mẹ Dậu con – Không nên đi bước nữa. Vì bà thương con dâu lắm. Dậu ơi! Mẹ biết con rất thương cháu Thủy, mồ côi cha từ lúc lọt lòng. Con ở với mẹ suốt đời. Con “kiếm” thằng con trai cho nó thờ chồng con. Mẹ Dậu khóc dữ dội. Sau nhiều năm suy nghĩ, cô quạnh, mẹ Dậu cũng “có” một cậu con trai để nuôi dưỡng tuổi già. Em con ngoan lắm bố Dũng ạ”. Bà nội con nhận nó là “đít tôn, đít chảo” và có trách nhiệm hương hỏa cho bố Đỗ”. Tôi im lặng suy tưởng. Trong cuộc đời mình cũng có dăm ba mối tình ngang trái nhưng mô tuýp này thì chưa gặp bao giờ. Thật đau xót. Nghe truyện Thủy đứa con gái C20 tôi thấy trái tim thắt lại và thương chị Dậu vô hạn. Bây giờ chị cũng đã 75 (kém chị Dung tôi 7 tuổi) còn thằng cúng cơm đã 45 (kém Thủy 4 tuổi). Tình người lạ quá.
   Tôi chợt nhớ chuyện bố tôi kể về một cô con gái 30 tuổi. Ăn, nằm với anh xã đội, thương binh ở làng tôi.
Ra tòa, quan tòa hỏi cô gái “Này chị kia! Chồng chị là bộ đội đi bảo vệ Tổ quốc sao chị không chung thủy mà phải lòng trai”. Cô gái trả lời thẳng thắn “Tôi lúc nào cũng yêu chồng tôi, nếu đêm đêm anh ấy bay về ngủ với tôi thì tôi vẫn yêu thôi. Tôi nhớ … thèm … không chịu được. Ngủ với anh xã đội sướng lắm ạ!”. Thôi thế thì trắng án! Quan tòa tuyên bố: Chấm hết! Thời chiến mà. Thời bình cũng thế thôi. Ở đơn vị tôi có anh lấy vợ già 5 tuổi qua 3 lần sinh nở, kinh tế gia đình túng quẫn. Vợ già còn phải lo chăm sóc con cái thiết gì chuyện kia... Anh lính mới 45 (vợ 50) khỏe trẻ trả lời tòa “thưa rằng tôi ngày ăn 5 bát cơm, bà già chỉ cho có 1 bát tôi đói, tôi phải mò thêm 4 bát nữa”. Bà vợ mới cãi lý “thưa tòa, nó nói điêu đấy. Trong bếp nhà tôi đầy cơm, nó lấy mà ăn, ai hầu”. Quan tòa: Chấm hết! (Không tranh luận nữa). Chị ruột tôi có 9 đứa con, bà lau nước mắt thở dài “Rõ khổ” cho một kiếp đàn bà. Chỉ tại chiến tranh thôi cháu Thủy ạ. Biết đổ tội cho ai bây giờ. (Thủy khóc). Con bé khóc lại đẹp dữ dội. Nó giống bố Đỗ như tạc. Thủy nói: Bố cháu mà trở về có da cam hay què cụt, cháu vẫn thương yêu suốt đời. Trời ơi!
Tôi đưa Thủy trên đường đi gặp anh Dương Nhú ở Sóc Sơn Hà Nội, anh Đào Xuân Lộc, Hà Thanh Vị (tức nhà thơ Hồ Triệu Sơn) ở Thái Nguyên. Các anh buồn lắm.
   Nhân dịp chúng tôi họp bàn “truy phong danh hiệu Anh hùng cho 2 cụ Thiếu tướng Nguyễn Chuông và Trung tướng Nguyễn Kiệm tại Thái Nguyên, tôi mời Đạt, Thủy lên dự. Anh em đơn vị cũ (50 rồi) gặp nhau vui vẻ và tâm sự về chiến công cũng như đơn vị tôi C20E165F312. Chuyện nổ như ngô rang. Đạt, Thủy thấy các bác, các chú, các bố C20 đáng quý quá. Họ hẹn sẽ đưa 2 cháu về Sư đoàn 312 ở Đa Phúc để lần từ đầu xem sao…
   Dòng sông máu số 1 là đây. Những cái chết bi thương của C20 và lính ở Tiểu đoàn 4, 5, 6 cùng các đơn vị hỏa lực trong trung đoàn 165 cùng tôi đang thao thiết chảy. Chảy từ huyết quản tôi đến đồng đội mình. Ở Lào chùng tôi chiến đấu từ 2/9/1969 (cả đơn vị đội mũ sắt gạt nước mắt khóc cụ Hồ lên đường chiến đấu). Đến 15/4/1972 trải qua 3 chiến dịch, 139, 74B, chiến dịch Z … đã nhuộm máu ở các trận đánh dữ dội. Sân bay Xiêng Khoảng, Bản Na, Phu Tâng, Phu Tôn, các cao điểm 1300, 1567, 1905, 1664, Nam Cha, Loong Chẹn … dòng sông máu ấy chúng tôi hy sinh 1657 đồng đội. (Là một trong số nhỏ của 6000 liệt sỹ đã đưa về nghĩa trang quốc tế Việt Lào – Anh Sơn Nghệ An).
Thế còn dòng sông máu thứ 2 ở Quảng Trị 72 thì sao? Thảm bại, khốc liệt vô cùng. Các trận đánh trực tiếp với quân dù Ngụy và Thủy quân lục chiến thật gay go quyết liệt. Nhiều trận chúng tôi thất bại, địch thắng, tràn sang như thác lũ. Dã man, xảo quyệt, từng trận đánh ở Thành cổ Tiểu đoàn 5 (lúc đầu là 500 quân, khi rút ra chỉ còn 45 tay súng). Có trận đánh giáp lá cà bằng dao găm và lưỡi lê vì chúng tôi hết đạn B40, B41 và AK, lựu đạn. Chúng tôi 1 thắng 20 (đại đội 7 còn 8 người chống cả 1 tiểu đoàn Trâu Điên). Đại đội 1 – Tiểu đoàn 4 còn 30 tay súng chống lại một lữ đoàn thủy quân lục chiến và 15 thiết đoàn xe tăng. Anh Lê Căn Đại đội phó và số anh em chết sau cùng khi tiểu đoàn ác điểu (tiểu đoàn 6) của tên đại úy Trần Bảo người Bình Dương chặt đầu, mổ bụng các anh. Xong lấy xăng đốt, đó là trận đánh ngày 17/8/1972 ở khu nhà sắt và bờ sông Nhùng Vĩnh Định. Máu đổ tiếp máu, lênh láng mặt sông.
Vì sao tôi biết rõ thế - Bạn đọc sẽ hỏi?
   Vâng! Ngày 30/4/1975 chúng tôi túm gọn cả Trung đoàn 8 Sư đoàn 5 Ngụy ở ngã 6 Bà Trẹo tại Thủ Dầu Một. Tên Trần Bảo lúc này đã là cấp Trung đoàn đeo lon Thiếu tá. Hắn gặp tôi ở Bình Dương rất bất ngờ. Hắn khai ra hết. Hắn tưởng  tôi sẽ thủ tiêu hắn trả thù. Không! Hôm 2/5/1975 tôi ký giấy cho hắn trả về địa phương quê Bến Tre (nay hắn có 5 con, có con là cô giáo dạy ở Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh). Dòng sông máu 72 Quảng Trị chảy tiếp ở các địa điểm Tích Tường, Như Lệ, Động Ông Do, Đá đứng trên sông Ba Lòng, Ngầm Phương Thúy, cao điểm 105, 134, Tân Téo, Bắc sông Mỹ Chánh, Động Toàn, Động Tiên,…
   Ngày nào các anh Sư 312, 304, 308, 320, 324, 325… đều dính bom, pháo B52 rải chéo cánh xẻ chiếu vào cả 3 Trung đoàn (141, 165, 209-F312) cán bộ Sư đoàn bị thương (cụ Chuông, cụ Kiệm) hy sinh rất lớn do pháo từ Hạm đội 7 nã vào. Nào pháo khoan, pháo chụp, bom Na Pan, Bom cháy, Súng phun lửa chỉ tính riêng Trung đoàn 165 từ 2/6/1972 cho đến ngày ký Hiệp định ngừng bắn 27/3/1973 chúng tôi ném vào sông máu hơn 4000 lính (7 tháng trời). Chả trách mang tên: “Quảng Trị cối xay thịt 72” không ngoa tí nào. Nếu tổng kết cả mặt trận B5 thì trung bình 24 giờ (1 ngày đêm) ta thiệt hại 1 Đại đội là phải. Con số này có đến hàng vạn bộ đội ta hy sinh. Động Ông Do có 14km2 thì cứ 1km2 nhận 600 tấn bom đạn (Bây giờ đất nhão bùng nhùng xe đặc chủng mới vào được) có đồng đội chết đi chết lại 5, 6 lần do bom cày lên. Ví như Nguyễn Văn Hiển ở Tiểu đoàn 6, gia đình có em là Thượng tướng đã “lật tung cả Quảng Trị” mà không thấy hài cốt 48 năm qua. Còn chiến thắng tốc chiến ở Bình Dương 1975 chúng tôi (cả Sư đoàn) thương vong có 200 người thôi. Dù ít hay nhiều vẫn là máu. Dòng sông Thạch Hãn nuốt chửng 100 người của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165 Sư 312 khi vượt sông vào Thành Quảng Trị. Bom pháo dữ dội. Trước đó 50 ngày đêm các Sư đoàn 304, 308, 320, 324, 325 cũng đã ném vào dòng sông Thiêng Thạch Hãn biết bao bát máu. Chết thảm khốc, bi ai và đau đớn. Xác vật vờ trên sông. Xác chìm sâu dưới lòng sông chôn vùi tuổi 20 ra biển cả. Máu tười tràn trên các cao điểm từ Cam lộ (544) đến Động Ông Do, trong làng Vạn Hoa, Long Hưng, Cầu Sải, Na Vang, Ái Tử, Tích Tường Như Lệ và dòng sông Ba Lòng uốn khúc. Lửa! Máu! Xương cốt đồng đội tôi vẫn cháy. Cháy âm ỉ từ trái tim tôi 48 năm trời. Tôi gục đầu lên tường Thành cổ, tay bấu vào mảnh bom gắn vào từng viên gạch. Biết đâu máu mình đã nhỏ xuống để cho tượng đài Sinh viên cỏ mọc xanh non tơ.
                                                                  Thái Nguyên 2/9/2020
                                                                                Đ.D
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)