bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NHÀ GIÁO TRẦN TRUNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN PV KIM KHÁNH, PHÓNG VIÊN HTV9!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA VIDEO CLIP NÀY LÊN TRANG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ THƠ BÙI MINH TRÍ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 196
Trong tuần: 686
Lượt truy cập: 612891

DŨNG SĨ DIỆT CÁ SẤU

Phạm Trọng Thanh
 
DŨNG SĨ DIỆT CÁ SẤU VÀ NHÀ ĐỊA CHÍ THÀNH NAM
 
    Mùa hoa phượng năm 1963, trường cấp III Lê Hồng Phong Nam Định có các  học sinh tốt nghiệp lớp 10, từ biệt mái trường thân yêu tình nguyện lên đường nhập ngũ. Họ mang theo bao nhiêu ánh mắt bạn bè cùng những lời đưa tiễn ân cần từ các thầy, cô thương quý. Đợt tuyển quân này, Bộ Tư lệnh Hải quân về địa bàn  Nam Định tuyển 20 chiến sĩ đều là học sinh Lê Hồng Phong. Các anh lên xe trong trang phục những người lính biển từ biệt quê hương về thành phố Cảng Hải Phòng. Một trong những người lính tình nguyện ấy là chàng tân binh hai mươi tuổi Hoàng Dương Chương.
  Hoàng Dương Chương sinh năm 1943, trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở làng Mai Xá, xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định. Cha của anh là cán bộ hoạt động từ cách mạng tháng Tám, 1945. Ngày anh lên đường, ông trao cho con trai cây dao găm lưỡi thép không gỉ đặt trong bao da, rất tiện dụng. Đó là kỷ vật chiến lợi phẩm ông được tặng trong chiến dịch Hà Nam Ninh,1951.
   Tại Hải Phòng, Hoàng Dương Chương cùng các bạn được đưa về tiểu đoàn huấn luyện tân binh ở chân núi Đèo, Thủy Nguyên rồi được biên chế vào các đại đội khác nhau, bắt đầu những ngày đổ mồ hôi trên thao trường nắng cháy. Anh được điều về tàu tuần tiễu T.122, cảng Vạn Hoa, làm nhiệm vụ tuần tra biển. Sau đó, anh được chọn “đi công tác đặc biệt”, chuyển về doanh trại Hải quân ở Đồ Sơn. Lúc nghe phổ biến lệnh không được liên lạc với bên ngoài, Hoàng Dương Chương  mới biết mình được đào tạo để trở thành chiến sĩ đặc công nước, chuẩn bị vào Nam đánh tàu chiến địch. Vào thời điểm Hoàng Dương Chương đang luyện tập ở trường Sĩ quan Hải quân Yên Hưng thì xảy ra “sự kiện vịnh Bắc Bộ” ngày 5 tháng 8 năm 1964. Qua đài, báo và bạn bè,  anh được biết nhiều gương chiến đấu dũng cảm của các bạn cựu học sinh Lê Hồng Phong trong trận đối đầu với hải quân, không quân Hoa Kỳ ngày 5 tháng 8. Có người khi bị thương ngã xuống đã lấy máu mình viết lên bệ pháo, nói lên ý chí chiến đấu, quyết không rời vị trí. Có bạn hy sinh ở Lạch Trường, ở sông Gianh, ở Cửa Hội. Đến nay, trong số người nhập ngũ năm ấy, ai còn ai mất, anh cũng khộng biết hết bởi anh vào Nam khá sớm
   Tháng 3 năm 1965, Hoàng Dương Chương đã về với chiến khu Rừng Sác. Đây là vùng đất sình lầy ngập mặn  sông rạch chằng chịt, rộng hơn một nghìn cây số vuông, một bên là sông Đồng Tranh với quốc lộ 15, một bên là sông Soài Rạp mênh mông, chính giữa là sông Lòng Tàu, tuyến giao thông huyết mạch từ biển Vũng Tàu vào Sài Gòn. Đoàn 10 (Đơn vị 5001) đặc công Rừng Sác được thành lập. Các chiến sĩ trẻ khỏe là người Bắc, nhưng cán bộ từ phân đội trở lên là bộ đội kháng chiến chống Pháp đi tập kết trở về. Chiến đấu bám trụ trong vùng rừng mênh mông sình lầy hoang dại cửa ngõ Sài Gòn, đối đầu với lực lượng hùng hậu của kẻ địch với đủ loại hỏa lực mạnh gồm cả B52 rải thảm, bom xăng, chất độc hóa học, trực thăng cơ động, pháo bầy, tàu chiến…bộ đội đặc công Rừng Sác vẫn đứng vững với tài trí sáng tạo phi thường. Thế trận liên hoàn từ các tuyến ém quân xuất kích chiến đấu, các bộ phận hậu cần thiết yếu, chăm lo đời sống, cứu thương đến công tác dân vận, hợp đồng tác chiến, triển khai các hướng đánh địch vô cùng linh hoạt. Muốn đánh được một trận trên bến cảng thành công, bộ đội đặc công phải chân không đạp đất, bơi vượt hàng chục cây số, phải mưu trí xử lý, vượt qua những tình huống cam go, ác liệt suốt hành trình bám địch, đánh địch, thắng địch dù phải chấp nhận hy sinh, gian khổ. Chiến công vang dội là những trận đánh chìm tàu chiến Mỹ Ngụy, bắn cháy kho xăng Nhà Bè, phá hủy kho bom Thành Tuy Hạ, pháo kích Dinh Độc Lập…20210928_140742
    Một kỷ niệm không bao giờ quên của Hoàng Dương Chương trong một đêm đi trinh sát tiền tiêu, chuyển thủy lôi chạm nổ Kaber cho trận đánh tàu Victoria. Đây là lần đầu lính Mỹ cắt rừng phục kích xuồng (ghe tam bản) của ta trên sông Lôi Giang, đón lõng ta từ căn cứ trong rừng, qua rạch Tràm, qua tắc Mút Bột để vượt sông Lòng Tàu. Hoàng Dương Chương ngồi bơi ở mũi xuồng, bị thương do đại liên Mỹ trên ổ phục kích bắn. Anh lao xuống nước, lặn qua sông để thoát ổ mai phục, rồi bơi ngược lại để đón đoàn thuyền chở 7 trái thủy lôi, không để rơi vào ổ phục kích này. Đến đầu rạch Tràm khoảng 2 giờ sáng, tuy rất mệt, song lại nghĩ nếu ở đây chờ thì có thể thuyền ta gặp tàu Mỹ thả trôi đón lõng, nên anh cố bơi vào đoạn sông phía trong cho an toàn hơn. Sau khi tự băng lại vết thương, anh bơi theo dòng nước đang lên thì bất ngờ bị quái vật tấn công. Từ phía sau, nó lao theo người chiến sĩ, táp lấy ngang người anh, xiết chặt hai hàm răng làm anh tưởng bẹp tan lồng ngực. Nó ghìm anh xuống, khi chân chạm đất, người chiến sĩ đặc công lấy thế, bất ngờ đạp mạnh cả hai chân. Nó sợ mất mồi liền há miệng ra táp lại cho mồi lùi sâu vào miệng. Vừa lúc ấy, anh giật được tay trái ra khỏi miệng quái vật. Sờ lại phía sau thấy da nó nhám, xù xì …anh mới biết đó là cá sấu. Thế là dù bàn tay có bị thương, Hoàng Dương Chương vẫn cố bấm chặt năm ngón tay vào mắt nó mà giật thật mạnh. Bị đánh trả bất ngờ, nó táp lại lần nữa. Lần này, anh giật được tay phải ra rồi móc con dao găm ở hông bên phải cố sức thọc mạnh vào mũi nó. Bị đòn trời giáng, nó phải há miệng, anh tuông ra khỏi miệng con cá sấu quái ác, choài người lên bờ. Ngoái nhìn cái đuôi nó như tầu lá chuối quạt nước lấy đà lao tới, nhanh như cắt, anh cắn răng rút chốt lựu đạn Mỹ, đáp xuống. Lựu đạn trúng đích, nổ trong miệng cá. Anh thoát lên bờ, tay vẫn nắm chắc dao găm sẵn sàng…nhưng mệt và đau nên không di chuyển được nữa. Khoảng 20 phút sau, có tiếng mái chèo khua trên mặt nước, anh hỏi mật khẩu. Nhận ra đồng đội bị thương, biết Mỹ đang phục kích, anh em quay lại giấu thủy lôi và đưa Hoàng Dương Chương đi quân y. Sau những ngày điều trị vết thương, anh được Đoàn 10 đưa đi báo cáo điển hình và được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cá sấu”. Từ năm 1967 đến 1969, qua nhiều trận đánh, Hoàng Dương Chương lại bị thương. Lần này, vết thương đạn pháo làm anh liệt một chân. Sau 8 tháng điều trị tại căn cứ, anh vẫn phải chống 2 nạng đi dò từng bước. Hoàng Dương Chương được chuyển ra miền Bắc tiếp tục điều trị.                                           
          Năm 1971, sau tám năm tại ngũ, chiến đấu ở chiến trường xa, ngày trở về là thương binh hạng 3/4, Hoàng Dương Chương trở lại thăm trường Lê Hồng Phong. Khó có thể nói hết cảm xúc của anh trước sự đón tiếp của các thầy, các cô cùng các bạn học sinh. Nhà trường tổ chức cho anh buổi nói chuyện với học sinh toàn trường. Chính trong không khí học tập và qua thành tích học tập (có lớp chuyên Toán hầu như cả lớp đều được đi học nước ngoài) đã tác động đến anh. Thế là anh quyết tâm ôn tập, năm đó anh thi đại học đạt 24 điểm và được tuyển đi Liên Xô học. Vì lớn tuổi và ở phổ thông học Trung văn, không biết tiếng Nga, nên năm đầu học kém. Được bạn bè động viên, thôi thúc thêm ý chí, đến năm thứ ba, Hoàng Dương Chương hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học và đoạt giải Nhì dành cho nghiên cứu khoa học của sinh viên  thành phố Khác-cốp.
    Tốt nghiệp đại học Thư viện trường đại học Văn hóa Kharcov (1973 -1977), về nước công tác, Hoàng Dương Chương có hai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và tham gia cộng tác với nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, làm thư ký khoa học cho đề tài. Những công việc này giúp anh mở rộng kiến văn, tiếp cận những vấn đề đang được đặt ra trong công tác thư viện, trong nghiên cứu sử học, văn hóa…trên miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Năm 1993, Hoàng Dương Chương bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ “trở thành người có trình độ chuyên môn cao của ngành thư viện tỉnh Nam Định”.
    Nhớ lại những ngày công tác tại Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh Hà Nam Ninh, được phân công làm thủ thư ngoại văn, anh nêu cao tinh thần làm việc “Tất cả vì bạn đọc”.  Khi là Phó giám đốc Thư viện, anh cùng đồng nghiệp rong ruổi bằng xe đạp, có chuyến đi dài cả tháng, đến khắp các xã trên địa bàn Hà-Nam-Ninh,  xây dựng thành công hệ thống thư viện cơ sở, gồm 105 thư viện xã đạt tiêu chuẩn quy định, phục vụ bạn đọc hiệu quả. Khi làm giám đốc Thư viện tỉnh, anh là “một người có công lớn đem lại thành tích cho đơn vị. Khi ngành Thư viện tổ chức xếp hạng, Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh là một trong 8 tỉnh đầu tiên trong cả nước được xếp hạng Hai. Hai năm liền (1987-1988) Thư viện Hà Nam Ninh được công nhận là Thư viện cấp tỉnh mạnh nhất toàn quốc. Lúc tham gia giảng dạy ở trường Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thư viện, anh đã dồn hết tâm huyết vào bài giảng để truyền thụ kiến thức nhiều nhất cho học sinh”. (“Hoàng Dương Chương – Người thương binh, cán bộ thư viên” – Trần Mỹ Giống, Thư viện tỉnh Nam Định).
    Biên khảo địa chí - lĩnh vực khoa học mà thạc sĩ Hoàng Dương Chương dành nhiều tâm lực theo đuổi. Không chỉ hỗ trợ cán bộ địa chí của thư viện trong công tác, anh còn trực tiếp xắn tay vào việc. Anh tìm đến nhiều cơ quan và những nhà nghiên cứu trong tỉnh để sưu tầm tư liệu địa chí. Tìm được những người, những cuốn sách địa chí cơ bản, hạt nhân trên đất Nam Định được bổ sung cho kho địa chí Thư viện là do giám đốc Hoàng Dương Chương bỏ tiền lương cá nhân ra mua tài liệu gốc: Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục của Nguyễn Ôn Ngọc, Nam Định tỉnh chí của Ngô Giáp Đậu, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược của Khiếu Năng Tĩnh, Trà Lũ xã chí của Lê Văn Nhưng (các sách này chưa được xuất bản). Trong kho địa chí của Thư viện tỉnh Nam Định , nhiều văn bia, thần phả và các bản “hành trạng” của nhiều nhân vật Nam Định được anh sưu tầm, bổ sung.Trong công tác nghiên cứu, biên khảo địa chí phục vụ bạn đọc, thạc sĩ Hoàng Dương Chương có nhận xét sâu sắc: “Nguồn tư liệu địa chí thường tản mác trong nhiều cuốn sách, nhiều nơi khác nhau, bạn đọc nghiên cứu chuyên đề gặp rất nhiều khó khăn trong việc tra tìm và mượn tài liệu…Nếu chỉ dừng lại ở việc biên soạn các thư mục địa chí truyền thống thì tác dụng của bản thư mục này mới chỉ đạt được yêu cầu gợi ý, chỉ chỗ” (Dẫn theo bài viết của nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống – bài nêu ở  trên).
Anh chỉ đạo các chuyên viên và chính anh trực tiếp biên soạn nhiều thư mục địa chí có nội dung “vừa thông tin thư muc, vừa thông tin dữ liêu”. Đáng ghi nhận là các bản thư mục của Thư viện tỉnh biên soạn phục vụ các Hội thảo Khoa học mà anh tham gia biên soạn đã phát huy hiệu quả cao. Đó là Anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và quê hương Nam Định ( Thư mục phục vụ Hội thảo cấp quốc gia), Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Lễ hội Phủ Dày (Thư mục phục vụ Hội thảo cấp quốc gia), Văn Cao bậc tài danh thế kỷ, Tống Bí thư Trường Chinh (Thư mục nhân vật), Tác giả Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (Thư mục danh nhân), Nam Định phòng chống ma túy (Thư mục chuyên đề)…
    Hiệu quả đáng mừng là hàng năm, riêng số lượng bạn đọc nghiên cứu chuyên đề đã tăng lên, trong đó có cả bạn đọc người nước ngoài. Nhiều sinh viên làm luận văn tốt nghiệp đạt kết quả cao. Trong dịp tổng kết mười năm công tác địa chí toàn quốc (1990-2000), thạc sĩ Hoàng Dương Chương được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa Thông tin về công tác địa chí, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động Văn hóa Thông tin.20211005_145236 

  Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến những cuốn sách có nội dung địa chí, trong “nhân vật chí” với các công trình biên khảo, dịch thuật mà thạc sĩ Hoàng Dương Chương là chủ biên, đồng chủ biên hoặc tham gia biên soan  được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt như: Lược khảo tác gia văn học Nam Định (Văn học,1997), Các nhà khoa bảng Nam Định (Nam Định,1999), Tác giả Hán Nôm Nam Định (Nam Đinh, 2000)… Đặc biệt, công trình Nam Định mảnh đất con người của anh “được chọn, biên tập làm chương mở đầu” cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nam Định (NXB Chính trị Quốc gia, 2001)”…
    Và mới đây, cuốn Địa danh Thành Nam xưa & nay do anh chủ biên, Thư viện tỉnh Nam Định, Nhà xuất bản Thanh Niên vừa in tháng 10/2021. Một cuốn sách quý, bố cục mạch lạc, in thơ cổ, văn bia, trích dẫn thư tịch cổ kèm chữ Hán. Địa danh Thành Nam suốt chiều dài lịch sử qua các triều đại, qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại đến hôm nay, hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, được biên khảo thấu đáo, cặn kẽ đến từng tên làng tên phố, từng danh thắng quốc gia trên địa bàn thành phố với nguồn tư liệu sử học, địa chí, văn hóa chính thống khá đầy đủ, liền mạch tiến trình lịch sử. Đây là kết quả của hàng chục năm dày công sưu tầm, tra cứu, đối chiếu, biên khảo công phu của tác giả Hoàng Dương Chương. Công trình địa danh Thành Nam bề thế được tác giả công bố vào tuổi 78 cũng là cuốn sách tâm huyết của người thương binh chống Mỹ rời quân ngũ vừa đúng 50 năm, dành tặng Thành Nam yêu dấu.
   Nghĩ về anh, một cựu thủy thủ khiêm nhường, không thích nói nhiều về mình, sống điềm đạm, giữ gìn tình đồng chí, đồng đội bền lâu. Cùng với danh hiệu “Dũng sĩ diệt cá sấu”, “Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến”, phân đội phó  Phân đội I Hoàng Dương Chương còn được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai và hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.
    Năm 2004, chúng tôi có dịp về thăm chiến khu Rừng Sác nay đã thành khu du lịch sinh thái mênh mông, thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Bên tượng đài Dũng sĩ đặc công Rừng Sác, dọc theo “đường sạn đạo” được phục dựng bằng thân cây quanh co dưới tán rừng ngập mặn, cạnh hố bom đìa nước, nhìn xuống đầm, chúng tôi “gặp” hành động anh hùng trong  khóm tượng composite thả nổi giữa làm nước xanh dậy sóng: Dũng sĩ đặc công Hoàng Dương Chương mình trần, quần cộc, bên hàm cá sấu. Anh đang thọc mũi dao găm sáng loáng, ra đòn trời giáng vào mắt con quái vật, máu chảy đỏ lòm…
   Viết về anh, một nhà nghiên cứu sưu tầm, hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhiều thành tựu; hội viên Bộ môn Nghiên cứu – Sưu tầm Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định; một cán bộ quản lý, chuyên viên hàng đầu của ngành Văn hóa tỉnh Nam Định, nhiều năm là chiến sĩ thi đua, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn hóa – Thông tin”, Huy chương “Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ”, Huy chương “Vì sự nghiệp Văn hóa Quần chúng”…Anh xứng đáng là chiến sĩ trên Mặt trận Văn hóa như nhiều đồng nghiệp nhận xét.
Với những cống hiến liên tục nhiều thập niên qua trong công tác địa chí quê hương Nam Định, thạc sĩ Hoàng Dương Chương xứng đáng là nhà địa chí Thành Nam thời kỳ đổi mới, vẫn còn những công trình mới phía trước chờ anh.                                        
                                                                                                    P.T.T                                                                       
--------------
Chú thích ảnh:
 Thạc sĩ Hoàng Dương Chương.
 Dũng sĩ diệt cá sấu Hoàng Dương Chương (tượng composite) khu Du lịch Rừng Sác, Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)