GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH VỊ TƯỚNG VỚI MÙA XUÂN

 CẢM NHẬN VỀ CUỐN SÁCH “VỊ TƯỚNG VỚI MÙA XUÂN”

                    Bút kí của Nguyễn Hường, nxb Hội Nhà Văn, 2021

                                                               Vũ Nho

nh_ra_mt_sch

Trái qua: Nguyễn Hường, tướng Nguyễn Huy Hiệu, Lê Hoài Nam. Trên bục là PGS.TS. Cao Hồng

       Trước khi nói về cuốn sách của nữ nhà báo Nguyễn Hường, tôi  có ấn tượng với tướng Hiệu khi thấy đã có nhiều nhà văn, nhà báo viết về ông.

          Đó là nhà văn Lê Hoài Nam với hai cuốn sách “Bến sông tuổi thơ” và “Những bước chân không mỏi của người anh hùng”. Đó là nhà văn Kiều Bích Hậu với cuốn bút kí “Vị tướng 9 năm ở nhà con Rồng”, nhà báo Lục Hường với cuốn “Vị tướng với an ninh môi trường”, Đại tá Lê Hải Triểu với cuốn hồi kí “Một thời Quảng Trị”,  nhà báo Phạm Xuân Trường với cuốn “Ngọn đèn trong bão lửa”, nhà văn Dương Thiên Lí với cuốn tiểu thuyết “Vị tướng thành Nam”; Nhiều tác giả với cuốn “ Vị tướng với mùa thu vàng”,…

        Vị tướng trận mạc Nguyễn Huy Hiệu với 67 trận đánh,  tham gia cả 4 chiến dịch lớn của Quân đội  trong kháng chiến chống Mĩ là một đối tượng được các nhà văn, nhà báo viết ở nhiều góc độ, nhiều thể loại văn học. Điều đó rất thú vị. Nhưng cũng sẽ là một khó khăn cho nhà báo Nguyễn Hường. Nhà báo sẽ viết gì về vị tướng nổi tiếng, đã từng được các nhà văn, nhà báo đồng nghiệp nói đến trong các tác phẩm của họ về những khía cạnh tuổi thơ, những ngày trong chiến tranh khói lửa, trong thời kì làm Thứ trưởng quốc phòng, trong  giải quyết vấn đề môi trường và vấn đề chủ quyền biển đảo?

          Thật may là nữ nhà báo Nguyễn Hường với truyền thống quân đội của gia đình, với sự kính trọng và quý mến một vị tướng lĩnh tài ba trong chiến tranh và trong hòa bình xây dựng đất nước, và với nhiều dịp được gần gũi trò chuyện, phỏng vấn nhân các sự kiện lịch sử đã ghi lại những nét chân dung  trong trận mạc cũng như đời thường của vị tướng mà tác giả cùng nhiều người mến mộ.

         Nhan đề của tập sách “Vị tướng với mùa xuân” đã thể hiện những mùa xuân đất nước có ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời của người chiến sĩ quân đội Nguyễn Huy Hiệu. Từ mùa xuân đầu tiên ra trận năm 1965, đến mùa xuân chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam năm 1975, rồi đến những mùa xuân đón tết cùng chiến sĩ trên chốt ở Vị Xuyên, Hà Giang, mùa xuân thăm các chiến sĩ ở biên giới, hải đảo…

          Qua các bài viết, bạn đọc được thấy một Nguyễn Huy Hiệu binh nhì ngày nhập ngũ; một Nguyễn Huy Hiệu tiểu đoàn trưởng ( Kí ức chiến dịch 1972); rồi Nguyễn Huy Hiệu Trung đoàn trưởng ( Kí ức tháng 4…);  Nguyễn Huy Hiệu Phó tư lệnh thứ nhất Quân đoàn 1 ( Kí ức đón giao thừa ở mặt trận Vị Xuyên); Nguyên Huy Hiệu Thứ trưởng quốc phòng ( Kỉ niệm thăm chiến sĩ biên giới hải đảo dịp tết);  Nguyễn Huy Hiệu viện sĩ ( Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu). Không những thế, bạn đọc còn biết được vị tướng với bà má ân nghĩa miền Nam ( má Sáu Ngẫu), vị tướng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với con số 7 may mắn,…

          Và không chỉ trong trận mạc, bước chân của người anh hùng, vị tướng lĩnh không mỏi mệt giữa thời bình. Tướng Hiệu và chủ quyền biển đông. Tướng Hiệu và vấn đề môi trường.

          Tôi ấn tượng nhiều với bài “ Nước Nga trong trái tim tướng Việt”. Phải chăng vì tôi cũng đã 2 lần tới nước Nga, coi nước Nga như quê hương thứ hai của mình. Số ngày  sống và học tập ở Nga là 4 năm và 15 ngày. Tôi cũng rất thích các bài hát Nga như tướng Hiệu. Và ấn tượng sâu với chùm bài  4 kì báo “ Vị tướng anh hùng có duyên với con số 7”.

          Có thể nói là tập sách của nhà báo Nguyễn Hường cho bạn đọc hiểu sâu hơn những khía cạnh đời thường ân tình,  thân thiện gắn bó giữa vị tướng với các chiến sĩ, những cán bộ quân đội và nhân dân trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.

         Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu còn trực tiếp viết những cuốn sách quan trọng:

          “Kí ức tháng 4 năm 1975 và những điều suy ngẫm”;

          “ Quân đội với vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh”;

          “ Một số vấn đề về công tác đối ngoại quốc phòng Việt Nam”;

           “ Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, mô hình về hợp tá khoa học công nghệ”;

          “ Một số vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”;

          “Vận dụng phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai”;

          “ Quân đội với các chiến lược bảo vệ môi trường”;

Như vậy có thể nói tướng Hiệu không chỉ là “vị tướng của trận mạc”, mà ông còn là “vị tướng của văn hóa và khoa học”.

          Cuốn sách “Vị  tướng với mùa xuân” của Nguyễn Hường  góp phần giúp bạn đọc  thêm hiểu biết và tự hào với người anh hùng, người chỉ huy nổi tiếng, Viện sĩ Viện hàn lâm khoa học quân sự Cộng hòa Liên bang Nga –  Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

                                                  Hà Nội, tháng 4 năm 2021

         

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung