bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 46
Trong tuần: 740
Lượt truy cập: 625391

GIỚI THIỆU NHÀ THƠ TUỔI MÃO - THU NGUYỆT


thu_nguyet


 

Họ và tên  khai sinh : Nguyễn Thị Thu Nguyệt

Ngày sinh : 02 tháng 8 năm 1963

Quê quán : Thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp

Dân tộc : Kinh

Tôn giáo : Đạo Phật

 Hội viên Hội nhà văn Việt Nam

 

Tác phẩm thơ đã xuất bản

Điều thật (1992)

Ngộ (1997)

Cõi lạ ( 2000)

Hoa cỏ bên đường (2002)

Theo mùa (2006)

 

 

DỊU DÀNG TRONG TRẺO NHƯ LÀ… TRỜI SINH

 v_nho_tc_bch_kim

                Vũ Nho

 

Ngay khi vừa mới xuất hiện trên thi đàn, Thu Nguyệt đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn đọc. Ấy là sự tự tin, mới mẻ của cô gái ngày nay so với cô Kiều của cụ Nguyễn Du:

                        Vầng trăng ai xẻ làm đôi

                        Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường

                        Câu thơ xưa bỗng bình thường

                        Khi hôm nay kẻ lên đường là em

                                                Một nửa vầng trăng- tập Điều thật

Ấy là sự tinh tế và đằm thắm khi diễn tả cảnh chia li độc đáo và đặc sắc:

                        Mặt trời nằm trong ngực

                        Mặt trời đừng bước ra

                        Để thời gian ở mức

                        Ngày mai em đi xa

                                    Ngày mai em đi xa- tập Điều thật

Đến nay, Thu Nguyệt càng viết càng chắc tay, càng viết càng hay. Chị đã nhận giải thưởng của Văn học nghệ thuật Đồng Tháp, giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam. Nhưng điều có ý nghĩa nhất là Thu Nguyệt đã trở thành một cây bút trong làng thơ nữ  mang đậm bản sắc đồng bằng sông Cửu Long và bản sắc riêng của mình : dịu dàng trong trẻo như là… trời sinh.

           

Một hồn thơ dịu dàng trong trẻo

            Nét nổi bật trong thơ Thu Nguyệt là sự dịu dàng, trong trẻo. Tuổi thơ trong trẻo. Lớn lên làm thi sĩ, làm vợ, làm mẹ, vẫn sự trong trẻo đó : Ta trong trẻo đến khóc cười cũng trong ( Tết xưa- tập Cõi lạ). Khóc trong trẻo mà cười càng trong trẻo. Vui trong trẻo mà buồn cũng trong trẻo. Vui thì : Nghêu ngao hát với ruộng đồng/Không không, sắc sắc, không không…tằng tằng…! (Vòm tre – tập Ngộ). Hoặc nữa  buồn lẫn với vui thì : Núi ơi là núi xa rồi / Cái ngày leo núi ta cười trong mưa ( Với núi- tập Cõi lạ). Buồn thì  cũng buồn trong trẻo, đến mức như là không có buồn:

                        Giọt buồn nhễu hạt tong tong

                        Vậy mà cứ tưởng là không…

                        Thiệt tình

                                                Nhà mình- tập Cõi lạ

Trong mấy câu thơ đề từ cho tập Cõi lạ có một câu quan trọng :

                        Chuông không ai gióng mà buồn cứ ngân

Người đọc không thể không nhớ đến câu thơ Hồ Xuân Hương cũng về quả chuông lòng: Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.  Tiếng buồn ngân và tiếng sầu om của quả chuông không gióng và chẳng đánh của hai nữ sĩ, hai thân phận ở hai thời khác nhau quả thật khác nhau. Xuân Hương nghiêng về đau, còn Thu Nguyệt thì  nghiêng về trong trẻo.

            Tâm hồn dịu dàng, trong trẻo đó trăn trở về quê hương, về nỗi người, nỗi đời, nỗi mình một cách hồn nhiên, trầm tĩnh, nhẹ nhàng mà thấm thía.

 

Một tình quê chân chất dạt dào

Quê hương Đồng Tháp của Thu Nguyệt cũng giống như mọi miền quê, có vườn cây, có dòng mương, có cầu tre lắt lẻo, có dòng sông, có lục bình, bông điên điển… Điều khác chính là ở chỗ hình ảnh quê hương luôn xanh rười rượi trong thơ. Nó là nơi lưu giữ tuổi thơ, nơi tiễn người ra đi, nơi đón người trở lại. Đó là cội nguồn thẳm sâu và vững chắc của thơ; là sợi dây neo cho cánh diều thơ Thu Nguyệt lộng gió bốn  phương để bay cao. Chị luôn luôn trăn trở về quê:

                        Tôi trở về nhớ mãi nước mương vơi

                        Những mắt cá lìm kìm đầy cơn khát

                        Vịt có chết chìm đâu? ( Tôi buồn tôi hát)

                        Sao cá lìm kìm cắn mãi…

                                                             trái tim tôi

                                           Hát về con mương nhỏ- tập Điều thật

Những hình ảnh quê hương thành kỉ niệm, thành tài sản, thành một nỗi niềm. Nhà thơ thấp thỏm với con nước vơi đầy, với con người chân đất tay chai, với người cha một năm  một lần duy nhất : Chiều tết ba mươi chải đầu mang guốc ( Cội nguồn- tập Điều thật); với những đứa em vất vả sớm hôm bùn bết tóc,  …ngủ giấc nhà nghèo/ Lẫn trong mơ tiếng nhái kêu nhọc nhằn ( Quỳnh đêm – tập Ngộ); với những  đứa cháu …gầy bé lắm/Lá me, trái sắn…tiệc nhà vua/ Cào cào dế nhủi đều đem nướng/Bóng khách đằng xa đã chạy ùa ( Nhớ nhà- tập Ngộ). Quê hương là vòm tre, là dòng sông bình lặng chảy, là ngôi nhà thân thương :

                        Mái cũ rêu dày xanh mướt

                        Sân buồn đàn kiến hồi hương

                        Nửa mảnh gáo dừa đọng nước

                        Soi gương chú nhện sau vườn

                                                Quê buồn- tập Ngộ

 Quê hương còn là kỉ niệm tuổi thơ đằm trong lời ru với nỗi ước mơ thiệt thà mà khi xa quê  về quê bất chợt tái tê:

                        “Mẹ ơi đừng đánh con đau

                        Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ”

                        Thiệt thà sao nỗi ước mơ

                        Chỉ là rau ốc bên bờ ruộng quê

 

                        Trưa nay thành thị ta về

                        Nghe lời ru bỗng tái tê cả lòng

                                                Lời ru – tập Cõi lạ

Vì tình quê dạt dào như thế nên có khi chỉ bất ngờ một tiếng chim  cũng nhói lòng, ứa lệ :

                        Bất ngờ tiếng chim rơi cuối phố

                        Điếng lòng trong trẻo tiếng quê xa

                        Thành thị ta ngồi nghe nước mắt

                                                Nhớ nhà - tập Ngộ

Và khi nhớ quê, nhớ  cồn cào nước kinh mương thì chỉ còn cách:

                        Buồn! Đem thau nước ra soi bóng mình

Nhưng  chỉ cảm thấy nỗi vô tình nhạt nhẽo:

                        Cũng bập bềnh, cũng lung linh

                        Nhạt nhèo một mảnh vô tình như không

                                                Nhớ nước- tập Cõi lạ

Quê hương không chỉ là nỗi nhớ, niềm mong, sự băn khoăn, niềm tri ân. Quê hương còn hiện ra máu thịt trong những từ ngữ miệt vườn. Thu Nguyệt đã chọn lọc và đưa vào những phương ngữ Nam Bộ tạo thành một giọng điệu riêng, một chất quê riêng khó lẫn. Những thiệt là, thiệt tình, nhẹ hều, nhẹ bâng, nhẹ hững, rần rần, lương sương, lén khóc, mỏng xíu, mần sao… Những từ ngữ đã nghe quen, thấy quen trên sách vở mà vẫn thấy mới mẻ và sáng tạo trong câu thơ Thu Nguyệt:

                        Lá nè về ở với ta

                        Vui buồn lật lại lật qua mấy hồi

                                                Thương lá- tập Cõi lạ

                        Chồng ơi vợ nói nghe nè

                        Đan tay nhau để cùng nghe khứ hồi

                                                Tay tình- tập Cõi lạ

Những từ ngữ  rong ranh, lủ khủ, thầm thầm làm cho thơ như có nhãn tự, cảnh cú, đọc thật thích thú: 

                                                Gió lùa lá rụng rong ranh

                                                Ta buồn chân giẫm loanh quanh dấu mình

                                                                                    Thương lá- tập Cõi lạ

                                                Thiên hạ nôn nao đón chào mới cũ

                                                Mình bộn bề lủ khủ những buồn vui

                                                                                    Sẽ đến rồi qua- tập Cõi lạ

                                                Núi ngồi ngắm biển ngàn năm

                                                Sóng ầm ầm sóng, núi thầm thầm xanh

                                                                                    Núi ở biển- tập Cõi lạ

 

Một nỗi buồn mang mang cõi người

            Dễ nhận ra thơ Thu Nguyệt có một giọng buồn. Nỗi buồn  mang mang không giấu diếm. Không coi buồn là gia tài hay đặc sản, cứ tự nhiên mà buồn vậy thôi. Bởi vì cuộc đời quả thật cũng lắm nỗi buồn hơn là niềm vui. Điều đó lại càng đúng với một tâm hồn nhạy cảm và đa cảm. Cũng có lúc buồn không có nguyên cớ, chỉ là Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn như Xuân Diệu thuở nào. Nhưng buồn trong thơ Thu Nguyệt phần nhiều là nỗi buồn cụ thể. Có thể buồn vì chợt  nhớ bóng cha già lẻ nguyên khi đón tết. Có thể buồn vì  “Nao lòng chợt nhớ cánh hoa xưa” ( Thời gian nơi xa- tập Điều thật). Có thể buồn vì ngày mồng tám tháng ba : “Không anh em tự mua hoa tặng mình” ( Thơ ngày 8-3 – tập Điều thật). Có thể buồn vì “Con sóng vô tình cay nghiệt/ Xô hoài nỗi nhớ trong nhau” ( Mình biết- tập Điều thật). Có thể buồn vì “Điều bâng quơ cũng có khi đốt lòng” ( Nghe hát lí qua cầu trên sông- tập Điều thật). Có thể buồn vì  bất chợt soi gương : “ Thời gian người tính tháng ngày/ Đời buồn vui tính trên vài nếp nhăn” ( Soi gương- tập Cõi lạ). Nỗi buồn ấy có khi vì những nguyên cớ rộng hơn, lớn hơn. Đó là buồn vì “Kiếp phù du, giấc phù hoa” ( Ru đá- tập Cõi lạ). Buồn vì “Ngỡ ngàng như một giấc mơ/ Chút mong manh có bất ngờ thành không ( Miền tình- tập Cõi lạ). Đó là nỗi buồn thế sự “ Nụ cười lạ hoắc bon chen đầy đường” ( Quen- tập Theo mùa).

            Buồn phiền đấy, nhưng Thu Nguyệt đã ngộ được nhiều điều. Quy luật cuộc đời là vĩnh cửu, tất yếu : Tháng ngày nhẹ hững đi qua/ Những điều gần đó rồi xa…thật thường ( Sẽ đến rồi qua- tâp Cõi lạ). Thời gian là một vòng luân hồi : Ngày tháng bây giờ, ngày tháng xa xưa/ Ngày tháng mai sau…luân hồi vậy vậy/ Mọi vật hồn nhiên mất rồi có đấy ( Sinh nhật ta- tập Cõi lạ). Bên kia nỗi buồn là niềm vui, hay vui và buồn là một vòng nối tiếp, hết buồn thì sẽ là vui: Buồn vui như một cái vòng/ Điểm đầu tiên điểm cuối cùng gặp nhau  ( Hồn nhiên- tập Theo mùa). Có lẽ vì thế mà buồn trong thơ Thu Nguyệt là một nỗi buồn trong trẻo, nỗi buồn cần thiết để con người sống thánh thiện hơn.

 

Tự cười mình để làm vui

Điều độc đáo ở Thu Nguyệt chính là  thơ chị có một nụ cười  hài hước, trào lộng. Chính  nụ cười này đã làm cho những nỗi buồn trở nên nhẹ nhõm, không quá nặng nề. Có thể gặp nụ cười ấy ở nhiều cung bậc khác nhau, nhiều tình huống khác nhau. Trước hết là cái cười tự trào hồn nhiên và hóm hỉnh:

                        Rằng nay có nhỏ Nguyệt khùng

                        Từ trong thành phố ra rừng ngồi chơi

                        …

                        Rất mộng mơ, bỗng hiên ngang

                        Mặt mày có nét đàng hoàng công dân

                                                            Tấm ảnh- tập Cõi lạ

Khi tự bạch về mình chị luôn nhấn mạnh gốc gác nhà quê, quê mùa tóc dính đầy rơm khô,  mặt mũi lấm lem tóc cháy hoe vàng, cũng không quên kèm lời tự giễu:

                        Tôi là con bé nhà quê

                        Đôi khi nhấp chút bùa mê thị thành

                        Chút văn minh, chút lanh chanh

                        Chút trăn trở…

                                                thế là thành nhà thơ

                                                      Chọn lựa – tập Ngộ

Trình bày lí do vì sao mình làm thơ, chị cho rằng vì  ước mơ của thời thơ ấu, và cái chính là chẳng  thể làm nghề gì khác :

                        Lớn lên vào đời xuôi ngược loay hoay

                        Không thể làm thầy, không kham làm thợ

                        Vụng về làm mẹ, ngu ngơ làm vợ

                                                   Tự bạch – tập Ngộ

Chị tự giễu sự nhạy cảm và  nỗi vui buồn mộng mơ của mình như là sự thừa thãi trong hành trang:

                        Khóc cười khẽ chạm là tuôn

                        Hành trang thừa thãi vui buồn mộng mơ

                        Ắp đầy lộn xộn vần thơ

                                                Lạy mình- tập Cõi lạ

Phát hiện về sự độc đáo của bông So đũa, cũng là hoa nhưng chỉ để nấu lẩu mà không để cắm bình, chị cũng tự giễu mình:

                        Hoa vô tư nở bên đời

                        Ta vô tình lại học đòi xót xa

                                                So đũa hoa – tập Cõi lạ

Con người hay cười, dịu dàng, hiền lành  ấy biếm hoạ mình:

                        Chơn tình lúc nhớ lúc quên

                        Biểu đồ bản tính lúc hiền lúc hung

                        Thân –sơ…đảo lộn lung tung

                        Nụ cười tiếp thị đi cùng khắp nơi

                                                Đi cùng đồ giả - tập Theo mùa

Nhiều bài thơ khác cũng vẫn là cái giọng tự trào khơi khơi, nhẹ nhàng như Phù phiếm, Cỏ dại ( tập Ngộ); Sóng rơi, Nhân chi sơ, Soi gương, Lá khô, Sự mình…( tập Cõi lạ) Cạn, Con kiến lơ ngơ, Ta nghe nhọc lòng, Phận ta, Thiền giả ( tập Theo mùa)…

Tự cười mình, dám đem mình ra để cười diễu là một biểu hiện của sự tự tin. Nhưng hơn thế, là biểu hiện của người hóm hỉnh, hài hước, sống vui. Có lẽ  không phải là quá đáng hay bốc đồng khi cho rằng Thu Nguyệt là trường hợp nhà thơ nữ tự cười mình, tự giễu mình nhiều nhất trong lịch sử thơ ca dân tộc.

            Thu Nguyệt đã in  năm tập thơ. Chị có cả một địa chỉ trên mạng về tác phẩm của mình. Những điều viết trên đây chỉ là những điều  cơ bản  cảm nhận được từ một gia tài thơ giàu có của tác giả.  Có thể coi  bài viết là một kỉ niệm với Thu Nguyệt tôi biết từ ngày chị đi học trường viết văn Nguyễn Du : Một chút tình pha lê/Như giọt sương bên ánh mặt trời rực rỡ ( Bước nhỏ- tập Cõi lạ).

                                                                             Hà Nội,  26/8/2008

 

           

 

 

THU NGUYỆT VÀ KHOẢNH KHẮC

TỪ LÚC ẤY

 

TỪ LÚC ẤY

Gởi T.H

Em ngồi hoá đá thành thơ

Trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu

Em ngồi hoá đá thành chiều

Trả anh cái nụ hôn liều ngày xưa

Em ngồi hoá đá thành mưa

Trả anh cái phút anh đưa qua cầu...

Xa nào anh có hay đâu

Đã từ lúc ấy bắt đầu hoá em...

                                                                                           1988


Lời bình

Bài thơ vẻn vẹn tám câu mà đã có đến bốn lần biến hoá và ba lần trả nợ. Mới hay nợ tình -  một thứ nợ đâu có dễ dàng trang trải như các loại nợ khác của đời thường. Vậy nên cô gái mới phải hoá đá nhiều lần đến thế.

Em ngồi hoá đá...

            Em ngồi lặng im, em ngồi như đá, em thành ra đá. Như bao lứa đôi chờ đợi nhớ thương nhau. Chỉ có bấy nhiêu thôi thì cũng chẳng có gì đặc biệt. Vì đời này đã có không phải một hòn vọng phu, không phải chỉ một hòn chồng, hòn vợ. Hơn nữa những tượng đài chung thuỷ ấy kích thước khổng lồ so với bức tượng cô gái hoá thành. Nhưng cô gái không chỉ hoá đá. " Em ngồi hoá đá " ấy là thể phách. Còn tinh anh của em lại thành thơ, một sản phẩm tinh thần mà bạn thơ Vũ Xuân Hương định nghĩa : " Thơ -  cái vắt tim ra -  là vật báu cuối cùng " ( đề tặng ). Hoá đá để thành thơ, để có thể " trả anh ngày tháng anh chờ lúc yêu ". Em hoá đá hiện tại để trở về cùng quá khứ. " Em ngồi hoá đá thành chiều ". Thời gian là sản phẩm của tạo hoá. Nhưng em đâu có muốn thành tạo hoá, sánh cùng tạo hoá. Thành chiều chính là để trở lại một chiều xưa, ngày anh tặng " nụ hôn liều". Có lẽ tất cả ngày tháng " anh chờ lúc yêu " đáng nhớ thì nụ hôn liều, cái hôn táo bạo bồng bột của tình yêu không kìm nén được, là điều đáng nhớ nhất. Và cùng với nó là cái" phút  anh đưa qua cầu". Cây cầu con lắt lẻo dòng kinh Nam Bộ hay cây cầu giải yếm trong ca dao, cây cầu hò hẹn " áo bay, nhẫn rơi " trong dân ca quan họ bao giờ cũng đầy những kỷ niệm mà đôi lứa chẳng thể nào quên.

            Nhưng ba lần " trả anh " như thế, ta chẳng hiểu cô gái có ý định gì. Đọc kỹ hai câu  thơ kết mới vỡ lẽ rằng đó không phải là sự "hoàn lại", càng không phải là một sự " thanh toán ". Mà trả là đền bù, là  bồi đắp cho những gì chưa đủ với anh ( và cũng là cho cả chính mình ).

Xa nào anh có hay đâu

Đã từ lúc ấy bắt đầu hoá em...

            Lần biến hoá thứ tư này khác ba lần đầu. Đá hoá thành em. Đặc sắc nhất của bài thơ chình là ở đó. Hoá đá một chiều là chất thơ trong chuyện cổ dân gian. Còn sự biến hoá qua lại hai chiều em hoá đá rồi đá hoá em là trường hợp riêng trong thơ Thu Nguyệt. Hình như việc "trả" anh dồn dập thế, mà không phải là để cắt dứt, để giã từ hay đoạn tuyệt là bởi cô gái đang ân hận thì phải. Hẳn là ngày chưa xa, khi ở bên nhau em cũng đã có lúc "hoá đá" trước anh. Mà chỉ có đá không thôi. Bây giờ xa rồi, khoảng cách đó đủ để cho em nhìn lại mình và đem cho em tâm trạng :

"Có gì lạ quá đi thôi

Khi gần thì mất... xa xôi lại còn "

(Nguyễn Duy)                            

            Vì vậy mà em tiếc nuối, muốn đền muốn trả cho anh...

            Nhưng càng đền bù, càng bồi đắp, càng trả... càng thấy mình mắc nợ. Có hoá đá đến vĩnh cửu cũng vậy thôi. Cho nên đá ngày ấy và đá của bây giờ lại hoá em. Cũng là em, nhưng sau bao lần biến hoá đã thành một con người khác. Bây giờ em dịu dàng, em rộng lượng,em vị tha, em mềm mại thịt da với trái tim đôn hậu. Sỏ dĩ như vậy vì ngày xưa chỉ có đá lạnh lùng. Còn bây giờ đằng sau đá là thơ, là chiều, là mưa, là lòng em đắm trong kỷ niệm xưa.

            Khi em " hoá đá thành mưa " thì chắc là cũng không chỉ có mưa của ngày ấy, mưa của thiên nhiên, mà hình như có mưa của bây giờ -  những giọt lệ đang rơi mưa ở trong lòng người viết. Lời thơ giản dị sẽ còn gợi nhiều liên tưởng giàu thi vị, đôi khi vượt ra ngoài ý của tác giả Thu Nguyệt. Nhưng có sao đâu. Mỗi người đọc đều có một hoàn cảnh và một cái mốc "từ lúc ấy" của riêng mình !

 

Hà Nội mùa xuân 1989

 anh_chuan_5

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)