bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 25
Trong ngày: 538
Trong tuần: 1451
Lượt truy cập: 640372

GIỚI THIỆU TẬP THƠ CỦA BÙI KIM ANH

NHÀ THƠ BÙI KIM ANH với tập thơ “NHẶT LỜI CHO BÓNG LÁ”

                          BÙI MINH TRÍ

nh_bi_kim_anh

            NHÀ THƠ BÙI KIM ANH

Nhà thơ Bùi Kim Anh sinh năm 1948, quê nội Nam Trực - Nam Định, quê ngoại Tiền Hải - Thái Bình, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Chị đã tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội, là giáo viên dạy văn tại một số trường Phổ thông trung học ở Hà Nội (Cổ Loa, Bạch Mai, Trần Phú).

 

Bùi Kim Anh là một trong các nữ sĩ được nhiều người hâm mộ, mỗi người một vẻ có những nét riêng, thơ rất hay, xin dẫn ra để các độc giả cùng biết, kể theo thứ tự thời gian là:

1)Hồ Xuân Hương (1771-1822) là "Bà chúa thơ Nôm", bút pháp điêu luyện với thơ thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt . Tập thơ nổi tiếng được đánh giá cao là "Lưu hương ký" gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Một số bài thơ tiêu biểu của Hồ Xuân Hương mà ai cũng thuộc như: Bánh trôi nước, Mời trầu, Cái quạt, Đánh đu, Chơi hoa,…

2)Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848) tên thật là Nguyễn Thị Hinh. Một số tác phẩm thơ Đường luật mẫu mực để đời của bà được lưu truyền cho đến ngày nay như: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu. Chúng đều là những bài thơ mượn cảnh để tả tình.

3)Sương Nguyệt Anh (1864-1921) vừa là nhà thơ và là nữ chủ bút đầu tiên của Việt Nam. Bà sáng tác nhiều, một số bài thơ tiêu biểu như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự, Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô,...

4)Ngân Giang (1916 - 2002) tên thật là Đỗ Thị Quế, nổi tiếng là một nhà thơ nữ thời tiền chiến. Các tác phẩm tiêu biểu như: Giọt lệ xuân NXB Tân Dân 1932; Tiếng vọng sông Ngân, NXB Lê Cường 1944; Ba tập Thơ Ngân Giang, NXB Phụ Nữ 1989 - NXB Trẻ 1991 - NXB Phụ Nữ 1994....

5)Anh Thơ (1921 - 2005) tên thật là Vương Kiều Ân. Thơ của bà đậm chất đa tình, đa đoan. Các tác phẩm tiêu biểu của bà là: Bức tranh quê (1939), Xưa ( in chung, 1942), Hương xuân( in chung, 1944), Theo cánh chim câu ( 1960).

6)Xuân Quỳnh (1942 - 1988).Thơ Xuân Quỳnh giàu nữ tính, nhiều cung bậc cảm xúc. Xuân Quỳnh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Những bài thơ đã nổi tiếng như: Thuyền và biển, Sóng, Hoa cỏ may, Tự hát, Nói cùng anh. Các tác phẩm chính:Tơ tằm – Chồi biếc (thơ, in chung phần Chồi biếc, NXB Văn học, 1963), Hoa dọc chiến hào (in chung, 1968), Gió Lào, cát trắng (1974),Lời ru trên mặt đất (1978),Cây trong phố – Chờ trăng (in chung phần Chờ trăng, 1981),Sân ga chiều em đi (1984),Tự hát (1984),Hoa cỏ may (1989), Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994), Thơ tình Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ (1994),Không bao giờ là cuối ( 2011). Chị được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.Năm 2017, chị được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

7)Phan Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1943) viết đa phần là thơ tình. Năm 1999, bài thơ “Hương thầm” đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ.Tác phẩm tiêu biểu như: Tháng giêng hai (1969), Hương thầm ( 1973), Chân dung người chiến thắng (1977), Bông hoa không tặng (1987),..

8)Ý Nhi (sinh năm 1944) là nhà thơ phái nữ phía Nam. Thơ của chị được dịch ra nhiều thứ tiếng với những tác phẩm tiêu biểu như: Nỗi nhớ con đường (thơ - in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ), NXB Văn học 1984; Đến với dòng sông (thơ), NXB Tác phẩm mới 1978; Cây trong phố chờ trăng (thơ - in chung với Xuân Quỳnh),..

9)Lâm Thị Mỹ Dạ (sinh năm 1949). Chị được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật vào năm 2007.Các tác phẩm tiêu biểu của chị là: Trái tim sinh nở (thơ, 1974), Bài thơ không năm tháng (thơ, 1983), Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989), Mẹ và con (thơ, 1994),...

10)Đoàn Thị Lam Luyến (sinh năm 1953).Xuyên suốt các tập thơ của chị là tình cảm yêu thương đằm thắm của người phụ nữ đa đoan đầy truân chuyên và bất hạnh trên con đường đi tìm hai chữ "hạnh phúc".Một số tác phẩm thơ tiêu biểu của chị là: Khát vọng; Đà Nẵng; Đàn bà; Đêm cành đa; Đến hang; Bồ Nâu học đánh cờ; Đợi; Đừng hứa sẽ cho nhau;..

 

Tôi biết Bùi Kim Anh là nhà thơ cùng họ, nổi tiếng từ lâu, nhưng chưa có điều kiện tiếp xúc. Nhân việc tôi được Ban Liên lạc Họ Bùi phân công viết về HỌ BÙI VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC VĂN HỌC, tôi mới tìm hiểu kỹ hơn và đến thăm chị ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Bùi Kim Anh cùng chồng là nhà báo Trần Mai Hạnh hiện đang sống ở đây với gia đình con gái lớn và các cháu ngoại, trong đó có bé Thiện Nhân, quê ở Núi Thành, Quảng Nam, bị mẹ đẻ bỏ rơi mà Trần Mai Anh, con gái chị đã nhận làm con nuôi. Chị đón tôi niềm nở và nói chuyện thân tình.

 

Chị kể cho tôi nghe về thời gian làm cô giáo và những câu chuyện gia đình. Chị có năng khiếu văn chương và yêu thích ca hát, nhưng lại chọn ngành sư phạm làm nghề nghiệp của mình.. Chị là người yêu công việc của mình, gắn bó với sự nghiệp trồng người, quan tâm dạy dỗ các thế hệ học sinh. Tình yêu văn chương, yêu nghề đã giúp chị vượt qua nhiều thử thách trong cuộc sống. Sự thành đạt của học sinh chính là cội nguồn đem lại cho chị những niềm vui lớn lao. Chị đã say mê với nghề thơ và sáng tác hàng nghìn bài thơ in thành 11 tập thơ tại các nhà xuất bản, trên Blog Việt và trên các báo Văn nghệ, báo Hà Nội và một số báo, tạp chí khác. Ngoài ra chị còn có nhiều bản thảo tạp văn, cảm thụ văn chương chưa đem in.Thơ của chị đằm thắm, da diết và vương nỗi buồn.Tôi có hỏi chị sao thơ lại buồn? Chị tâm sự với tôi là: Cái buồn xuất phát từ nhiều nguyên nhân như vì số phận ngả nghiêng chao đảo, vì ước nguyện làm người chưa trọn, vì thế thái nhân tình và gia đình chị gặp sóng gió ngả nghiêng, chồng mắc vào vòng lao lý, dù sau đó chồng chị vẫn vẫn mải mê công việc, giữ cương vị là Phó tổng biên tập Tạp chí Phương Đông. Anh chị vẫn thường đọc những trang viết của nhau, góp ý cho nhau. Nghe chuyện tôi rất cảm phục chị vì nghị lực và bản lĩnh trong cuộc sống.

 

Chị đã làm tròn bổn phận, nghĩa vụ của mình.Chị là tấm gương của một cô giáo tận tụy bao dung. Trong gia đình chị là người vợ đảm đang, người mẹ giàu lòng yêu thương con, quan tâm đến sự tiến bộ, trưởng thành của con, người bà mẫu mực, quan tâm chăm sóc thương yêu giáo dục cho các cháu những điều hay lẽ phải về cách đối nhân xử thế ở đời... Bao nhiêu tâm sự, bấy nhiêu nỗi lòng, chi đã chọn thơ là bạn tâm giao để gửi gắm nỗi niềm của mình, chống chọi với bão giông cuộc đời.

 

Nhà thơ Bùi Kim Anh coi nỗi buồn như “gia tài” của đời mình và: Buồn vui xếp cũng đã đầy/ có thêm cũng chỉ cho dày vần thơ. Từ bài thơ đầu tiên được đăng là ở Báo Hà Nội mới, khoảng những năm 70 thế kỷ trước, cho đến hôm nay Bùi Kim Anh đã xuất bản 11 tập thơ:

1)Viết cho mình (NXB Văn học, 1995)

2) Cỏ dại khờ ( NXB Hội nhà văn, 1996)

3)Lối mưa (NXB Quân đội nhân dân, 1999)

4) Bán không cho gió (NXB Hội nhà văn, 2005)

5)Lời buồn trên đá (NXB Hội nhà văn, 2007)

6)Lục bát cuối chiều ( NXB Văn học, 2008)

7)Bắc lên ngọn gió mà cân (NXB Hội Nhà văn 2010)

Đi tìm giấc mơ (NXB Hội Nhà văn 2012)

9) Nhặt lời cho bóng lá (NXB Phụ nữ 2015)

10)Hình như mùa đã lỡ ( NXB Hội nhà văn 2017)

11)Tóc trắng nắng mai (NXB Hội nhà văn 2019).

 

 

Ở bài viết này tôi chọn giới thiệu tập thơ “NHẶT LỜI CHO BÓNG LÁ” của chị.

Tập thơ được chia thành ba phần: “Sợ rằng lục bát đã nhàu”, “Nhẹ cánh hoa rơi” và “Người ở trong thơ” – phần đầu là thể thơ lục bát; hai phần sau là thể thơ mới và thơ tự do.

 

PHẦN I. “Sợ rằng lục bát đã nhàu”. Ngay nhan đề của phần này, tác giả đã cho đôc giả biết là phần này gồm các bài thơ chuyên về lục bát mà chị cho là sở trường của mình , nhưng ở đây là lối thơ lục bát tự do, không có dấu câu:

“tôi lại trở về với tôi thôi/với câu lục bát một đời dở dang

lỡ rơi một khúc mơ màng/ngọt ngào rơi bởi ngổn ngang gió lùa”

Ngay từ những câu đầu đã thể hiện sự hụt hẫng như mình đã bị mất đi thứ gì quan trọng và nỗi niềm thương cảm cho mình, băn khoăn sợ người đời không thông cảm :

“đụng đâu cũng sợ mất rồi

thương mình cũng sợ người cười kẻ chê”

Chị đã gặp những chuyện buồn, nhưng tự riêng mình gánh chịu:

“gánh buồn nỡ sẻ cho ai

đem về chất chật buồng ngoài ngõ trong”

Chị không oán hận, chỉ tự trách mình:

“cõi riêng giữa chốn thực này

vô thường mặc kẻ đọa đày với thơ”

Có khi chị nảy ra ý định đi vào cửa thiền để cho tâm hồn được thanh thoát:

“tìm lặng yên giữa chốn thiền

lòng thơ nhẹ bớt ưu phiền được chăng

tìm nơi đây sự vĩnh hằng

tôi nghe đủng đỉnh mảnh trăng thượng tuần

lâng lâng trong tiếng chuông ngân

lời kinh nhẹ tiếng bước chân thoảng về

một đời thực vọng cơn mê

thoát ra khỏi những ủ ê cõi người”

Và vẫn với tấm lòng lương thiện thương người:

“gánh buồn đi đổ xuống sông

gặp người ngả gánh giữa dòng lại thương

gặp người đỡ một đoạn đường

ghé bờ vai mỏng vấn vương dặm dài”

Thế rồi cũng chẳng tránh khỏi cảnh sống cô đơn buồn tủi, mượn rượu để vào chiêm bao:

“vẫn ta nghiêng ngửa chén say

chếnh choáng men gió đẩy ngày vào đêm

vẫn ta chẳng giấc êm đềm

giăng tơ chăng khắp nẻo miền chiêm bao”

Thật là những câu thơ lục bát bay bổng mà nặng tinh đời!

 

PHẦN II.“Nhẹ cánh hoa rơi”

Xuyên suốt phần này là tình thương yêu xa xót với con cháu ra đời không được may mắn, nỗi niềm khắc khoải của chị đối với cuộc sống nhân tình thế thái, nhưng đôi chỗ cũng ánh lên niềm hy vọng, mong ước một chút hạnh phúc. Lời thơ dung dị nhưng chất chứa ân tình sâu đậm.

Đây là nỗi buồn tắc nghẹn của con trai sớm thiệt thòi, pha vào nỗi đau thắt lòng mẹ khi nghe tái xanh lời con trẻ:

“bằng tình yêu con dành cho mẹ

bằng tình yêu đứa con trai bé bỏng sớm thiệt thòi

vượt qua những tắc nghẽn tay con bám chặt tay mẹ

thắt nhịp tim con thắt lòng mẹ tái xanh lời con trẻ”

Con gái cũng chịu số phận hẩm hiu, nên mẹ chỉ còn biết đưa lời an ủi, cho con đi hết đoạn đời còn lại được bình yên:

“con gái ơi…

ta chỉ còn biết an ủi bằng lời số phận

mẹ dựa vào cơn đau của con đi nốt quãng đời còn lại

nối những ngày bắt đầu bằng

tia nắng kết thúc ngày bằng giấc con bình yên”

Thật là xa xót khi người mẹ cho rằng đã trót sinh ra con:

“mẹ xin lỗi không hiểu gì năm tháng

đã sinh con vụng dại phận đàn bà

con cô đơn vật vã bệnh hiểm nghèo

mẹ không biết vọng vào đâu lời cầu xin thay đổi”

Thương cháu bé như một nhành non đã chịu cơn giông:

“cháu bé thế mà nỗi đau lớn thế

cơn giông đằng tây giăng bất ngờ

nỗi đau lớn nhanh mà cháu thì bé bỏng

hạt mầm mới nhú một nhành non”

Còn bé thế mà cháu đã phải an ủi mẹ, làm chỗ tựa cho mẹ:

“cháu vượt qua tuổi thơ bằng một ước ao

cháu vượt qua tuổi thơ từ những đêm không trọn giấc

cơn đau của mẹ thúc phút giây yếu mềm trở nên cứng cỏi

cháu ngồi sau lưng cho mẹ tựa những cơn ho”

Trong cảnh ấy nguồn thơ đứt mạch, bản thảo vò nhàu, muốn quên đi nỗi oán hờn:

“dang dở ngắt đứt mạch nguồn thơ

dang dở vò nhàu trang bản thảo

lui vào hoàng hôn bởi ngại tắt bóng chiều

góc xó hẹp nhặt hẹp hòi om thi tứ

dứt ồn ào đè nặng lên hơi thở

những oán hờn muốn quên để dứt đi dây rợ trói

ý nghĩ bằng nút thắt vô hình”

Cuối cùng thì cũng ánh lên một chút vui:

“cõi này dẫu chỉ cõi tạm thôi

thoang thoảng hương thơm

thoảng gió trời

trộn trạo buồn vui

nào ai nỡ

ồn ã ngoài kia tiếng của đời”

 

PHẦN III. Người ở trong ta

Xin nói ngay, người ở đây không phải là con người mà là thơ. Tác giả hội thoại, tâm sự cùng thơ và thơ của chị cũng khác người:

“ta đã viết sai ngữ pháp khi bắt đầu câu bằng liên từ và

vặn trái ý nghĩ mệt nhoài

ý nghĩ chẳng là tảng đá để ném xuống

khi qua con cầu mùa nước lớn

thôi thì thay kết thúc bằng sự khởi đầu

và ta và người

và hoa lá và rác rưởi

và buổi sớm và chiều tối”

Thế rồi chị cùng thơ đi vào biển, vào đời. Biển thì dại khờ, đời thì nhạt nhẽo, nhặt cho mình vụ xác san hô và lạ lùng nữa là:

“ta nhặt cho mình rác rưởi biển bỏ quên

đêm qua ngủ khép lòng không nghe lời biển gọi”

Chị bảo thơ cứ để cho chị khóc, còn cho thơ lang thang. Chị nén buồn đi suốt năm với 24 chữ cái. Và hơn tất cả chính là:

“người ở trong câu thơ ta

người an ủi bằng lời ta gom nhặt

người nói rằng ta chỉ yêu ta

ta nói rằng chỉ tình yêu trong thơ là có thật”

Trong cảnh đời khinh bạc, nhân cái mây và nắng xám,thái độ của chị là

“che mắt bằng một cặp kính đổi màu

che mọi nét dáng bằng khăn và áo choàng nhằng nhịt

người che người và ta che ta”

Thậm chí là:

“Đồng tiền chạy thẳng từ máy in tiền tới áo rách thơm ngậy mùi mực in ư

Cái ác đến gõ cửa cái thiện lại quay lưng chạy trốn ư”

Có những câu thơ từ năm 2015 mà sao hợp với hôm nay đến thế:

“Có lời ngọt ngào nào dành cho mái tóc rụng rời sương gió

Tình yêu lệch với năm tháng đắng cay

Mỗi bữa cơm ăn nấc nghẹn

Sẽ thử

Tiêm liều vắc xin diệt vi rút thời hiện đại

Uống một loại kháng sinh phục hồi thương nhớ”

Và thôi hết lại dành tất cả cho thơ:

“thơ không ngủ

bóng của nó ngả vào đêm tìm

hơi thở

đêm giấu a b c… vào hốc tối

nơi những chú đom đóm canh trong cỏ lạnh

giấc mơ cánh cụt bệt trên cỏ lạnh

thơ không ngủ

ngủ lại có bài thơ khác dậy

hốt hoảng

con thiêu thân quấy loãng quầng sương”

Người đàn bà buồn cô đơn, không ngủ được thì quấn lấy thơ, thương khuôn mặt thơ “xước vết cào hằn của mực bi”:

“người đàn bà nhận bài hát

buồn

nhận về những ngày buồn

lẽ ra hắt hủi buồn

người đàn bà không ngủ được và

thơ thức

họ là bạn của nhau

nhiều đêm chị gối đầu vào khúc khuỷu của câu chữ

nhiều đêm chị gọi trong tĩnh lặng

lôi cổ thơ bật dậy và nhấn và dập

khuôn mặt thơ xước vết cào hằn của mực bi”

 

  • Đôi điều về nghệ thuật thơ

Tác giả đã sử dụng rất khéo các phép tu từ nghệ thuật.

*Nghệ thuật nhân cách hóa và ẩn dụ: đủng đỉnh mảnh trăng, gánh buồn đi đổ xuống sông, lục bát đã nhàu, câu thơ lầm lũi, nói lời heo may, mua một mảnh trăng, nghị lực ngấm vào miếng ăn vào, giấc ngủ đè cơn ác mộng, nghị lực trộn vào thuốc truyền sâu sự sống, cô đơn tích thành dòng chảy tràn sang các con,

biển dại khờ biển cứ giấu đi cái hạt muối tan vào trong nước,biển vụng về tung lên bờ cỏ rác tung lên bờ mảnh vỡ của lòng đau, mặt trời dụi bình minh dậy muộn…

*Nghệ thuật so sánh: cũ như miếng trầu cay, mòn như thể lối ngày đã qua, những câu thơ chậm chạp như ký ức…

*Nghệ thuật điệp từ, từ láy: chơi vơi, chậm chậm, lắt lay, tình tang, ủ ê, chếnh choáng, bơ phờ, ngáo nghê, lợt vợt,cùn cụt …

*Nhà thơ Bùi Kim Anh làm thơ cách tân, đó là thơ mới, có khi là thơ tự do, không vần điệu kể cả thơ văn xuôi kết hợp:

“ta nén buồn

chiều cuối năm tìm khuôn đóng oản

những miền đi qua rắc vui mướt mát

rặng cây loi thoi nắng chiều

bỏ quên hơi gió

bỏ quên ta

một khoảng não trắng lơ mơ trắng

lần 24 chữ cái thời gian trùi trụi buồn

người ở trong câu thơ ta

người an ủi bằng lời ta gom nhặt”

Nhưng nhà thơ không chối từ truyền thống thể hiện bằng những bài thơ lục bát rất hay.


Xin chúc mừng nhà thơ Bùi Kim Anh,

 

Bùi Minh Trí

 

  

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)