bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 29
Trong ngày: 77
Trong tuần: 1355
Lượt truy cập: 637445

GIỚI THIỆU THƠ TS TRẦN ĐĂNG THAO ( tiếp)

 

TRẦN ĐĂNG THAO - MỘT HỒN THƠ ĐANG ĐỘ CHÍN
PGS.TS. Nhà văn Trần Thị Trâm

Giới thiệu thơ  TS TRẦN ĐĂNG THAO (TIẾP)

tran_d._thao

            TS TRẦN ĐĂNG THAO

Thơ ông có lửa và có khả năng truyền cảm hứng lớn tới bạn đọc, đánh thức ở họ tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào và ý thức trách nhiệm công dân:
- Ơi con cháu của vua Hùng Thần Thánh
Hãy nhớ mình là dân nước Văn Lang….
Nổi trống lên!
Nghìn mường vạn bản
Từ Trường sa
Tới đỉnh Trường Sơn
Biển Đông cuộn sóng ngày dâng Tổ
Nước non này
Gấm vóc đẹp tươi hơn
(Thơ dâng ngày giỗ Tổ)
- Tự hào Việt Nam
Sừng sừng trời Đại Việt
Giữa văn minh sông Hồng
(Gốm Chu Đậu)
Ý thức rất rõ về trách nhiệm của người cầm bút, ông luôn đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai đất nước:
Trời cho Việt tộc nhiều báu vật
Có giữ được không/ hỡi cháu con?
(Trưa ở Cúc Phương)
Và cả những vấn đề cấp bách có tính chất toàn cầu, liên quan tới sự sống còn của nhân loại như: biến đổi khí hậu, đại dịch hoành hành, ô nhiễm môi trường, chiến tranh và nhất là bệnh thực dụng đến từng centimet đang hàng ngày hàng giờ lên ngôi. Không ảo tưởng, ông luôn cùng bạn đọc đối diện với sự thật trần trụi và lên tiếng cảnh báo con người:
“Đừng ảo tưởng/ Lên cung trăng thì sống/ Cung trăng ư? / Phóng xạ nhiễm lâu rồi”
(Truyện ở Malayxia)
“Trái đất của chúng ta/ Liệu có phải/ là ngôi nhà hạnh phúc ?”
(Vô nghiệm)
Với cái nhìn sắc nhọn của một nhà báo nên thơ Trần Đăng Thao có tính thời sự cao. Như một chiếc ra đa thính nhạy, ông luôn phát hiện kịp thời và đưa vào thơ mình những vấn đề còn tươi mới vừa xảy ra trong cuộc sống thời 4.0: một người bạn thơ vừa ra đi vì một căn bệnh ung thư quái ác, một chiến sỹ đặc công vừa nằm xuống, mùa đại dịch covid vừa bùng phát, nạn lụt lội vừa xảy ra ở Hà Giang: “Thương bảy vùng biên ải/ sao cay cực hỡi trời?” (Lụt ở Hà Giang)…
Ông đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề thế sự, nhất là những vấn đề hậu chiến (Lòng mẹ, Người thương binh, Người hát rong) và những trớ trêu của cõi người khi mà “Những dối lừa/Bay lả tả giữa đời mê “(Vô nghiệm). Ông đặc biệt cảm thương với những ai yếu thế, thiệt thòi, những mảnh đời bất hạnh, cô đơn, buồn tủi: “Muốn chết không chết được/ Vật vờ như cỏ cây” (Bà cụ người Mông); đồng thời cũng luôn trăn trở làm thế nào để xã hội phát triển công bằng dân chủ văn minh, đất nước hòa bình hạnh phúc ấm no cho đàn chim lạc mãi bay về:
“ Sự đời muôn mối bòng bong/Sự thơ?/ Sự thế?/Sự lòng?/Sự sinh”…
(Gửi Hoàng đại ca).
Ngoài hai cảm hứng sử thi và cảm hứng thế sự, mảng thơ có tính chất trào phúng, khôi hài của ông cũng khá đặc sắc. Có tiếng cười nhằm phê phán những kẻ vô nhân tính (Khúc đồng dao). Có tiếng cười nhằm vào những thói xấu “đáng yêu” của cánh bạn thơ: một ông thi sĩ nửa mùa nhưng mê thơ thái quá (Chuyện ông anh), một ông bạn thơ có thói phong tình (Dặn một ông anh), hoặc chỉ là đùa vui tếu táo cùng bạn bè (Gửi bác Quýnh, Gửi hai cụ đốc, Gửi Trần Thi nhân…). Và nhiều khi nhà thơ lại tự cười mình một cách hài hước, hóm hỉnh: “Em giờ kiêng món thịt gà/Cũng như hai bác/ Giờ bà kiêng ông/Xót thay/ Phận cải lên ngồng/ Trả xong nợ đất mình không còn gì” (Đùa hai bác). Rồi lại tự cười cái nghèo, cái sự ngu ngơ trên mây dưới gió “dễ thương” của kẻ làm thơ vô tích sự:
- Tôi hay mắc bệnh tiên khồng
Đi đâu bà nhớ mấy đồng xùy ra
- Lạ gì thơ thẩn nhà anh
Có ôm cột điện
Cũng thành em yêu
(Đùa vợ)
Thơ Trần Đăng Thao giàu cảm xúc bởi ông là kẻ nặng tình. Thơ vốn là tiếng nói tình cảm song cảm xúc nơi ông thường cái gì cũng quá một chút nên trong thơ ông tình yêu, niềm thương, nỗi nhớ cứ giăng mắc hoài khắp nẻo: Nhớ Ý Yên, nhớ Trần Lê văn, nhớ nước Nga, nhớ con gái nhà văn, nhớ nhã Nam, nhớ Kon Tum, nhớ em, nhớ chị, nhớ bạn, nhớ giáo sư Hoàng Tụy, nhớ Vũ Từ Trang, đặc biệt là nỗi nhớ song thân đã khuất núi lâu rồi mà bóng hình mẹ cha vẫn bảng lảng đâu đây:
Cha ngồi trước hiên mài mực
Tóc bay trong gió lòa xòa
Con lạc vào miền cổ tích
Theo từng nét chữ tài hoa
(Thơ dâng cha)
Cho đến lúc đã ở tuổi thất thập, còn hóa thành chú bé con giữa ngày tháng bẩy khóc vì thương nhớ ngày xưa:
Có chú bé 72 ngồi khóc
Ngoài trời thu tầm tã mưa bay
(Tháng bảy)
Là một nhà báo có năng khiếu thi ca, có vốn văn hóa sâu và rộng lại nắm rất vững kỹ thuật làm thơ, Trần Đăng Thao bao giờ cũng có cách giật tít ngắn gọn, súc tích, mà vẫn rất thơ (Thơ, Về Thi, Tăng ơi!). Cách vào đề rất tự nhiên: “Xuân này mẹ đã 84/ Con nhìn dáng mẹ hình như hơi gầy” (Thơ dâng mẹ); “Ô cái chợ Xuân Hòa” (Xuân Hòa); “Ô kìa! Trăng muộn đã ngang đầu/Ta nhớ cô mình nhớ đã lâu” (Lại một đêm trăng)
Cái kết trong thơ ông thường là kết mở, nhẹ nhàng, tạo cảm giác hứng thú cho người đọc: “Ba nén hương thơm Con thắp/ Cha về/ Thượng hưởng/ Thưa cha!” (Thơ dâng cha);
“Thung thăng ba chén rượu/Thơ phú một vài đôi” (Hoa kiểng); “Những đỉnh núi cả triệu năm tuyết phủ/ Thành La Sa/ Lấm chấm vạn vì sao” (Qua Thành Đô)
Ông có khả năng huy động tư duy thơ, kết hợp với sự biến ảo của chữ và trường liên tưởng tinh tế rộng về không gian và sâu về chiều kích văn hóa nên câu thơ của ông luôn giàu sáng tạo và vô cùng khoáng đạt:
“Hạ chín trong lòng trái chín/ Hương thơm lựng cả trời xuân” (Thơ dâng cha)
“Trăng rắc vàng trên từng chóp núi/ Muôn ngàn ô áo bén duyên nhau!” (Về miền Quan Họ)
“Lâu rồi không lên Tam Đảo/ Trời mây, vẫn cứ trời mây/ Mà nắng vẫn vàng như nắng/ Mà thu vẫn biếc trong cây” (Nhìn về Tam Đảo)
Ông là người thông thạo nhiều thể loại thơ cổ điển phương Đông (5 tiếng, 6 tiếng, 7 tiếng của Trung Hoa) và các thể thơ dân tộc, đặc biệt là lục bát. Ông có tập thơ chữ Hán Cố nhân gồm 72 bài, trong đó có Khốc Hồ Chủ Tịch, được viết ngày 6/9/1969 khi tác giả tròn 20 tuổi. Đó là nén linh nhang ông thành kính dâng lên Bác kính yêu khi Người về cõi vĩnh hằng:
Khóc Hồ Chủ Tịch
Thắng tận anh hùng siêu vĩ nhân
Tâm như nhật nguyệt trí như thần
Sơn hà tinh kết anh hoa tại
Thiên tải hồng quang đức, nghĩa, nhân
Dịch thơ:
Khóc Hồ Chủ tịch
Hơn mọi anh hùng hơn vĩ nhân
Lòng son vằng vặc trí như Thần
Sơn hà chung đúc tinh hoa lại
Sáng vạn đời sau đức, trí, nhân.
Còn Kính Võ Đại tướng ông viết ngày 20/7/2007, khi cùng đoàn cán bộ Cựu giáo chức của Bộ Giáo dục tới thăm và chúc thọ Đại tướng tại tư dinh 30 Hoàng Diệu:
Kính Võ Đại Tướng
Bách tuế tinh anh Việt sử kỳ
Nhất sinh thống tướng cổ kim thi
Vị dân vị quốc trung can tận
Thiên tải anh hùng cẩm tú thi
Dịch thơ
Kính tặng Võ Đại Tướng
Trăm xuân minh triết lạ lùng thay
Thống tướng lừng danh Tổ quốc này
Vì nước tận trung, dân tận hiếu
Anh hùng muôn thuở cánh thơ bay
Điều đáng nói là thi sỹ họ Trần rất có ý thức đổi mới thơ truyền thống theo hướng dân tộc mà hiện đại. Với những thể Đường thi, một mặt ông tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc (vần, gieo vần, đối, luật) và thi pháp của thơ cổ điển, mặt khác ông lại chủ trương Việt hóa chúng một cách sáng tạo sao cho vừa chuyển tải những nội dung thuần Việt vừa phù hợp tâm lý và cách biểu đạt của dân tộc mình theo xu hướng cách tân:
- Anh về mẹ bảo con Xoan nó
Qua cữ giêng hai cũng lớn rồi
Mẹ bấm tết này thì 19
Anh vừa hai mốt
Đẹp duyên đôi
(Nhớ Hoàng Cầm)
- Bóng ai khuất vào lối nhỏ
Sau làn mây trắng nõn như…”
(Nhìn về Tam Đảo)
Với thể lục bát, ông có những phá cách hết sức linh hoạt, uyển chuyển:
Quê mình
Là đất Tam nguyên
Hơn đời
Cái vạt đồng chiêm ao bèo
Từ trong cái đói cái nghèo
Mẹ cha nuốt lệ
Để giao hạt vàng
(Em gái)
Chất liệu dân gian được sử dụng đắc địa nên những câu lục bát của ông thường mềm mại sang trọng bác học nhưng lại thấm đẫm hồn dân tộc:
Yêu em năm đợi mười chờ
Cánh cò chớp trắng bên bờ ca dao
(Nguyên tiêu)
- Mỏng manh là cái lưới tình
Mà sao đổ quán xiêu đình như chơi
(Gửi Vũ thi nhân)
Ngôn ngữ trong thơ Trần Đăng Thao là sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ đời sống, ngôn ngữ bác học và ngôn ngữ nôm na của dân gian: “Ơi hai thằng cháu ngoại/ Ông yêu quý nhất nhà/ Đi đâu ông cũng gọi / Ơi thằng Tô thằng Khoa” (Viết cho hai cháu).
Thỉnh thoảng xen vào những tiếng láy (gỉ gì gi, đẩu đầu đâu, xửa xừa xưa), tiếng đệm làm cho mỗi con chữ không bị xẹp lép mà căng căng phồng sức sống và thật dễ thương:
Nhớ nhau chỉ có mấy lời
Xứ Đoài mây trắng
Vũ ơi! Vũ hè!”
(Gửi Vũ thi nhân)
Ở thơ ông cũng không thiếu những từ mới lạ: mây mẩy, lở tở, lướt khướt, phì phà, thập thững, lắc thắc …
- Ngồi bắt chân chữ ngũ
Thở khói bay phì phà
(Người đánh xe thổ mộ)
- Lắc thắc lúa đương vào cữ mẩy
Trời vừa se lạnh chớm Đông về
Sông Diêm thập thững bò ra biển
Một vệt xanh mờ phía Cồn Đen
(Nhớ anh Vũ Bão)
Sinh ra trong một gia đình cha mẹ yêu thơ văn, ở một vùng quê nghèo nhưng lại có rất nhiều người biết làm thơ, tình yêu thơ ca đã ngấm vào ông từ rất sớm. Cách nhà ông trong bán kính chừng 10 km có đến 5 văn sỹ nổi tiếng: Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, cụ Tú thành Nam Trần Tế Xương, nhà thơ chân quê Nguyễn Bính, Nhà văn đất Đại Hoàng Nam Cao, nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải. Làng Họ nhỏ bé bên đường quốc lộ 21 của ông hiện có 3 người là Hội viên hội nhà văn Việt Nam. Đối với một nhà thơ, điều quan trọng nhất là phải có một vùng quê, để thương để nhớ và là nơi cho tâm hồn neo đậu. Vùng đất văn Nam Hạ với những trầm tích văn hóa ngàn đời đã in bóng rất đậm trong từng trang thơ của tác giả.
Là người ham học và cầu thị, lại có nhiều năm học tập, làm việc tại Trung Quốc, Liên bang Nga, Trần Đăng Thao đã nỗ lực chiếm lĩnh kiến thức rồi thể trở thành một nhà báo, một dịch giả, một nhà thơ có chân tài biết chơi Violong, biết viết thư pháp đẹp.
Ở độ tuổi 70, thơ ông đang độ chín và đang hứa hẹn những thành công mới.
trechantrau
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)