bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 31
Trong ngày: 481
Trong tuần: 1120
Lượt truy cập: 633962

\'GIỌT BIỂN\" CỦA NGƯỜI LÀM MỎ

“GIỌT BIỂN” CỦA NGƯỜI LÀM MỎ

                      Vũ Nho

Anh Nguyễn Nghiêm, một người làm mỏ cho đến khi nghỉ hưu mới bắt đầu để ý đến thơ ca. Vậy là muộn quá chăng?  Muộn thật. Nhưng điều đó cũng không mấy quan trọng. Một số người khi tuổi cao mới bắt đầu công việc nghệ thuật, nhưng nếu có khiếu,  có nội lực mạnh, cộng với quyết tâm  và các điều kiện khác nữa thì vẫn có kết quả khả quan.

Biết công việc làm thơ cũng vất vả gian nan không kém nghề làm thợ cuốc than, nghề trồng trọt “người trĩu mồ hôi, cây trĩu sai” (Vũ Quần Phương), nên Nguyễn Nghiêm đã “tầm sư học đạo” - đạo làm  văn chương. Anh theo học lớp viết văn Nguyễn Du khóa sáu. Kết thúc lớp học, anh lại tiếp tục ghi danh theo học liền 3 lớp “Sáng tác và thẩm bình văn chương” (K2, K3, K4) của khoa Viết văn và báo chí, Đại học Văn Hóa Hà Nội. Một tinh thần học tập như thế của người kĩ sư mỏ về hưu thật đáng biểu dương, trân trọng. Qua anh Đinh Đức Cường, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, tôi nhận được bản thảo tập thơ “Giọt biển” của Nguyễn Nghiêm. Tôi viết đôi dòng cảm nhận về thơ anh cũng chính vì xuất phát từ sự trân trọng một người ham học hỏi, trân trọng một tấm lòng đối với thơ ca.

          Tập thơ gồm 69 bài viết rải trong nhiều năm trong đó có cả những năm học tập ở Đại học Văn hóa Hà Nội đi thực tế sáng tác, đi giao lưu với các câu lạc bộ thơ các tỉnh bạn. Có thể  thấy là Nguyễn Nghiêm rất chịu đi, rất ham đi. Hầu hết những  di tích lịch sử, những danh thắng của đất nước từ Bắc  qua miền Trung tới miền Nam, đều in dấu chân của anh, đều lưu lại trong những bài thơ dài ngắn của anh như một dấu mốc, như một lưu niệm. Ba Bể,  Bản Giốc,  Quản Bạ,  Lũng Cú, Kiếp Bạc, Móng Cái,  Thạch Hãn,  Huế,  Quy Nhơn, Nha Trang,  Đà Lạt, Cần Thơ,  Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Quốc,…  Đến nơi đâu anh cũng có thơ. Trong số nhiều bài thơ chỉ có ý nghĩa ghi lại một thoáng cảm xúc khi gặp cảnh, gặp người, gặp chuyện, chúng ta cũng có thể bắt gặp những câu thơ ấn tượng. Chẳng hạn ở hồ Ba Bể Bắc Cạn:

          Chuông chùa An Mạ thả vào mây

          Mây sà vỗ núi tỉnh giấc say

          Gương hồ áp mặt soi đời thật

          Mơ thấy “con thuyền vỏ trấu” bay

                             ( Hồ Ba Bể)

Hoặc thấp thoáng hình ảnh cô gái không tên trên cao nguyên đá Đồng Văn:

          Ngực áp vào triền núi

          Gùi đất lên lưng trời

          Gửi ngô vào hốc đá

          Ấp ủ mùa xanh tươi

          Trán em mồ hôi rơi

          Khăn chít đầu đỏ thắm

          Cao nguyên vờn mây trắng

          Chạm ngực em bồi hồi

                 ( Cô gái Đồng Văn)

Trước cảnh trời xanh biển biếc nơi Phú Quốc - Đảo Ngọc, người viết như được thăng hoa, nhất là  khi cùng uống rượu với em “Thơm vào anh hương sắc đảo quê nhà”;  cùng gió lộng, sóng trắng, dừa  trổ hoa trong nắng:

          Nắng nồng nàn hàng dừa trổ thêm hoa

          Cát Bãi Dài uốn mềm từng ngọn sóng

          Ta cùng em cảm hoài miền gió lộng

          Li rượu sim men ngọt đến say lòng

                            (Phú Quốc - Đảo Ngọc)

Không phải bài thơ nào đến vùng đất lạ cũng mang dấu ấn ngợi ca. Cũng có những khi người viết chợt băn khoăn, ngẫm ngợi. Điều này thể hiện ý thức của một công dân, một con dân đất Việt. Đó là khi bên  Thác Bản Giốc “ Vực thẳm đau nước rơi […] Nâng đóa thơm mới nở/ Không nguôi ngoai sự đời”. Đó là khi ở Vĩ Dạ nhưng “Vĩ Dạ xưa đã xanh màu dâu bể[…] Mưa thời gian nhòe thị thành đổi mới/ Mặc Tử ơi vườn cũ vắng xa rồi ( Vĩ Dạ xưa). Đó là khi   trong sự đô thị hóa “làng tôi lên phường/ Phá cây, chia đất mở đường/ xây nhà, phố mới. Mái trường xưa đâu?[…]  Mai ngày bến có còn không/ hay quy hoạch nốt bờ sông thành phường? (Làng Chùa). Ý thức công dân ấy đã khiến cho người viết viết những câu thơ trần trụi, thẳng thắn, như là một phóng sự phê phán đậm chất báo chí:

          Đường bao biển Hạ Long đang thành chợ cá

          Kè đá lở loang neo đậu tàu bè

          Vỉa hè tanh hôi

người đi qua bịt mũi

Kẻ bán người mua

phớt lờ di sản thiên nhiên Thế giới

Lòng ta

cay đắng ngậm ngùi

                          ( Chợ chiều Hạ Long)

Sở dĩ có giọng điệu gay gắt, có lối nói thẳng băng như thế bởi vì Hạ Long, vùng Than là nơi gắn bó cả đời của người viết. Trong tập thơ, nhiều bài được ghi ngày tháng kèm tên đất Hạ Long,  thể hiện tình cảm ưu ái đặc biệt cho Than, cho vùng mỏ. Các bài Tới than, Nhớ than, Than với mùa Xuân, Nợ một lời yêu,  Tự khúc vùng than, Dưới moong sâu, Một sớm, Miền nhớ, Màu nắng Hạ Long, Hạ Long xuân sắc là một vỉa thơ độc đáo của người làm mỏ. Trong vỉa thơ này, người viết đã nhập vào nỗi vui buồn, lo lắng của dân mỏ:

Moong xuống sâu

phễu khổng lồ hứng mong manh hơi núi

Nghe chớp xa tim đã đập đổ hồi

Quý 3 mưa rào nước dữ hơn mãnh thú

Mấy ngập, than trôi… nhìn lũ cuốn ngậm ngùi.

                   ( Nhớ than)

Nhưng chuyện moong xuống sâu, chuyện máy xúc mở tầng, chuyện nổ mìn, chuyện cứu máy, tiêu nước, thông đường… được nói đến trong thơ với tất cả tình yêu mến. Cô gái làm than hiện ra thật khỏe khoắn, xinh tươi, dù lấm láp bùn than:

Em xinh hơn, áo quần mưa  bó gọn

Tuổi dậy thì, e ấp nụ đào non

Bùn than đen dính tận đầu lấm mặt

Thân quen như nỗi khó nhọc công trường

                     ( Than mùa Xuân)

Niềm vui, niềm tự hào của người làm than ở vùng biển Đông Bắc của Tỏ quốc về ngành mình, nghề mình thật đáng trân trọng:

Than vẫn ra, than đầy những đoàn tàu

Cá nặng thuyền, mái chèo khua trăng vỗ

Binh đoàn than nâng vóc tầm thành phố

Ta dựng xây nối lại những nhịp cầu […]

Ta yêu than yêu nguồn sống tuôn trào

                                  ( Tự khúc vùng Than)

Trên đây, tôi đã nói tới hai vỉa chính của tập thơ “Giọt biển”. Tác giả còn suy ngẫm về tiền nhân, suy ngẫm về lịch sử,  về Thái sư Lê Văn Thịnh, về tình yêu,  về thời sự, về  những chiếc máy bay Su-30 và CASA, về chuyện vay nợ bà chúa Kho, chuyện Gạc Ma,… Điều đó thể hiện bút lực, ý thức công dân và sự trăn trở của người viết. Trong những mạch thơ này, đáng chú ý là  tình cảm với biển đảo, với biên cương của Tổ Quốc. Ở thác Bản Giốc:

            Nằm sấp hôn ngực đất

 Thấy nóng bừng đôi môi

Ngồi quì ôm cột mốc

Mắt rưng rưng nghẹn lời

             (Bản Giốc chiều sương)

Tác giả có không ít bài thơ về chủ để biển đảo:  Hoa sóng, Cát vàng, Khúc hát ra khơi,  Màu nắng Hạ Long,  Hạ Long xuân sắc,  Tím tình yêu, Giọt Biển,…  Ngợi ca biển đẹp và thơ “ Hạ Long bao ngàn mĩ đảo/ Bấy ngàn thi hứng mộng mơ”, người viết không quên nhắc: Biển đảo của đất nước là di sản mà cha ông đã dùng máu xương để giữ cho con cháu. Bởi vậy mà chúng ta  có trách nhiệm  bảo vệ, giữ gìn. Bởi vậy không thể quên các chiến sĩ đã hi sinh ở  Trường Sa, ở đảo GạcMa:

Chim gọi phía rừng lòng ta nhớ đảo

Sóng gầm phía biển hồn anh nơi đâu

 Niềm tin dại khờ suốt đời đau nợ

 Tung chăn đứng dậy, sương giăng trắng đầu[…]

Khói hương trầm lòng vỡ òa giông tố

Bài ca bi tráng đảo Gạc Ma

                      ( Hoa sóng)

              ***

Bài thơ “Ta yêu” kết thúc tập thơ có  một khổ đáng chú ý:

          Ta yêu trái đất bầu trời

          Ta yêu sự sống muôn loài

          Ta yêu cỏ cây hoa lá

          Ta yêu sông núi con người

Yêu nhiều như thế chứng tỏ người yêu phải có một tình cảm đủ sâu, đủ lớn.

          Nhà thơ  nổi tiếng đời Đường của Trung Hoa  là Bạch Cư Dị có một quan niệm khá chuẩn về thơ. “Cảm động lòng người, trước hết không gì bằng tình, đầu tiên không gì bằng lời, tha thiết không gì bằng thanh, sâu xa không gì bằng nghĩa. Vậy đối với thơ : Tình là gốc, lời là cành, thanh là hoa, nghĩa là quả” (Thư gửi Nguyên Cửu – theo Khâu Chấn Thanh – Lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, Mai Xuân Hải dịch, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 2001, trang 412). Thơ  như là một cái cây, mà tình là gốc. Gốc khỏe quyết định và ảnh hưởng mạnh mẽ  đến cành, đến hoa, đến quả. Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa ảnh hưởng đến cây thơ. “Giọt biển” là kết quả  sau năm tháng chắt chiu của một cây thơ vùng mỏ. Cổ nhân ta nói “Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”. Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Nghiêm và trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

                                                      Hà Nội, 3 tháng Tư, năm 2017

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)