bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 174
Trong tuần: 952
Lượt truy cập: 629963

HẠT LANH MỌC TRÁI MÙA (1)

Giàng Khánh Ly

TUỔI THƠ CAY ĐẮNG (Kỳ I)

    Hạt lanh, cây lanh, sợi lanh, đồ dùng làm từ lanh đã gắn bó từ bao đời nay với dân tộc Mông, dù là người Mông ở quốc gia nào, vùng miền nào. Khi còn sống, lanh gắn liền với cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng người Mông, đặc biệt lanh gắn liền với sự cần cù, chịu khó, chịu thương; sự dịu dàng, khéo léo của người phụ nữ Mông. Sợi lanh dùng làm dây nỏ tạo lực mạnh cho đàn ông người Mông mỗi khi đi săn thú rừng; làm dây đeo bao dao cho đàn ông người Mông mỗi khi đi rừng, đi nương; làm dây để trẻ em, người lớn đánh quay; làm thắt lưng cho đàn ông người Mông khi xã hội chưa phát triển; làm dây đeo bế của người Mông; làm váy, áo, khăn, túi,... phục vụ đời sống của người Mông. Khi chết lanh cũng cùng đi với họ đến thế giới bên kia. Người Mông chết phải mặc bộ trang phục bằng lanh, gồm quần áo, khăn, dầy, thắt lưng, đồ dùng cần thiết khác. Người Mông quan niệm rằng sang thế giới bên kia mà không có lanh thì tổ tiên sẽ không còn nhận mình là họ hàng, là người Mông nữa. Đồ dùng làm từ lanh bền vô cùng, có lẽ không có gì có thể bền như lanh. Bộ trang phục bằng lanh có thể dùng cả nửa thập kỷ, chỉ có bạc màu chứ nó khó có thể bị rách, mặc dù lanh lặn lội với sương gió, nắng mưa, ruộng nương thường ngày cùng người Mông; sợi lanh cũng khó mà dùng tay dứt được để nó đứt. Lanh bền bỉ, thủy chung, sâu sắc, chân chất, trung thực, kiên định, vững vàng như bản chất của người Mông.

   Từ đó người con gái dân tộc Mông ngoan, hiền, chịu khó, chịu thương, được bố mẹ, bản làng yêu quý nhất thường được ví như hạt lanh. Hạt lanh thường được gieo vào tháng tư dương lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 7 dương lịch hàng năm. Nó thường được các bà, các chị, các mẹ chọn những nơi đất hơi trũng, đất có nhiều màu, đất đen và tốt để gieo hạt lanh thì cây lanh mới sinh trưởng và phát triển tốt. Tại bản Lóng Luông, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La ấy từ xa xưa hạt lanh đã gắn liền với đời sống của người Mông nơi đây. Người ta kể lại rằng ở cái bản Lóng Luông ấy có một Hạt Lanh lại mọc trái mùa. Đã là trái mùa thì chẳng giống như những gì mọc theo mùa vụ bình thường. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về sự sinh trưởng và tồn tại của Hạt Lanh “đặc biệt” ấy xem sao!

caylanh1

    Bình thường hạt lanh được các bà, các mẹ, các chị gieo vào đầu mùa hè, thu hoạch và đầu mùa thu, là mùa mà có đầy đủ các điều kiện về ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ, những điều kiện tối thiểu để cho vạn vật sinh sôi nẩy nở. Tại cái bản Lóng Luông đó có cô bé người Mông mồ côi cả cha lẫn mẹ, ngay từ khi còn rất nhỏ đã phải chịu số phận không được may mắn như bao đứa trẻ cùng trang lứa trong bản. Nhưng cô bé rất ngoan, hiền, dịu dàng, chịu khó, chịu thương và nhẫn nhịn một cách lạ kỳ. Từ đó người dân nơi đây ví cô bé như “Hạt Lanh mọc trái mùa” và cái tên quen thuộc mà người dân nơi đây đặt cho cô bé là Lanh. Bây giờ nếu có ai hỏi về bố mẹ của Lanh, Lanh chỉ nhớ mang máng bố người nhỏ nhắn, thấp thấp nhưng rất hiền lành, tốt bụng và thổi khèn, nhảy khèn Mông rất giỏi. Bố thường được đông đảo người Mông các vùng lân cận mời đến thổi khèn, nhảy khèn trong đám lễ, đám tang. Bố thường cõng Lanh đi xin nắm xôi sáng cho Lanh ở trong bản, vì nhà Lanh rất nghèo khổ, nghèo nhất bản thời đó. Nhưng thực ra Lanh không thể nhớ nổi khuôn mặt của bố. Vào một ngày bố Lanh ốm nhưng vì không có tiền đi chữa bệnh nên bố qua đời, khi đó Lanh không biết khóc. Sau ngày nghe dân bản kể rằng khi bố Lanh mất Lanh bảo “Bố chết, thịt con trâu to được ăn thịt”. Còn mẹ Lanh có dáng người cao dong dỏng, rất chịu khó và thương Lanh. Bố mất rồi không ai đi tìm nương rẫy, chặt cây gỗ to ở nương cho gia đình Lanh. Mẹ và chị em Lanh phải đi ở gần họ hàng bên mẹ (bên ngoại) của Lanh cũng ở trong cái bản Lóng Luông đó để nhờ cậy họ hàng bên ngoại trong quá trình mưu sinh cuộc sống gia đình. Được ít thời gian sau khi bố Lanh qua đời thì mẹ của Lanh cũng ốm và qua đời do không có tiền chữa bệnh. Lanh cũng chẳng thể nhớ nổi khuôn mặt của mẹ nữa.

    Khi Lanh được sinh ra thì chỉ thấy trong nhà có bố, mẹ và một chị gái sống chung tên Sế. Sau này nghe dân bản kể rằng “ Bố Lanh vì nghèo, không có bạc trắng để cưới vợ nên phải lấy chị dâu làm vợ sau khi anh trai họ qua đời”. Vì thế các anh, chị mà đã xây dựng gia đình rồi thì chỉ cùng mẹ với Lanh, chứ không phải cùng bố với Lanh”. Sau khi cả bố và mẹ Lanh mất thì chỉ còn một người chị gái (chị Sế) chưa có gia đình ở với Lanh. Bố mẹ mất hết, nóc nhà của gia đình Lanh bị xóa sổ trong cái bản Lóng Luông ấy. Thời đó người Mông bản Lóng Luông quê Lanh quan niệm rằng: Nhà không có đàn ông là nhà không có nóc. Hai chị em Sế và Lanh phải đi ở với anh trai cùng mẹ, khác cha và chị dâu. Được ít lâu sau chị gái của Lanh đi về nhà chồng, chỉ còn một mình Lanh ở với gia đình anh trai. Lúc đó Lanh còn rất nhỏ nhưng phải lao động nặng nhọc theo sự sai bảo của bà chị dâu. Chị dâu cũng không thương Lanh, chỉ biết bắt Lanh làm lụng vất vả như con trâu, con ngựa để trả nợ cho gia đình anh trai và chị dâu, vì khi mẹ của Lanh mất, anh chị ấy đã mổ một con trâu để làm ma cho mẹ của Lanh.

   Trời Lóng Luông của cái thời ấy, về mùa đông, sương muối, băng giá ngập cả bản. Mỗi sáng gà mới gáy canh một, Lanh với bộ váy áo cũ rách, đôi chân trần nhỏ bé đã phải dậy đi giã gạo, xay ngô; đi cõng nước dưới hủm, cõng củi trên núi cao, đi nương làm lụng để có cuộc sống. Cái bế của Lanh cõng là bế của người lớn, mỗi lần cõng trên lưng nhỏ bé của Lanh cũng trên 20 cân. Nếu không được như thế thì chị dâu đánh đập, chửi bới thậm tệ. Cái tên quen thuộc mà chị dâu đặt cho Lanh thời đó là “Con ma” và những bãi nước bọt chị dâu dành cho Lanh kèm những lời chửi rủa mà có lẽ chỉ có trẻ mồ côi như Lanh mới được “Thưởng thức”. Khi đi cõng củi hay cõng nước về đến nhà, cả gia đình đã dùng bữa sáng xong. Chị dâu nói và chỉ tay sang cái chõ xôi cũ kỹ “Cơm của mày ở trong đó, mày ăn rồi đi làm hợp tác xã”. Lanh đến ngó vào cái chõ xôi thì thấy một chút mèn mén đã mùi mốc và ngả sang mầu xanh. Âm thầm lặng lẽ lấy một chút cho vào bát, chan ít nước sôi và “chan” cả nước mắt rồi dùng bữa sáng. Sau đó lấy một chút cho vào cái ếp cơm để dùng bữa trưa rồi đi nương hợp tác xã theo lũ bạn trong làng. Cứ ngày qua tháng lại với cuộc sống đó mà Lanh cảm thấy như sống trong một biển sương mù mịt, tối tăm không ánh sáng. Không có ai làm váy, áo mới cho Lanh. Mỗi năm Lanh thêu cho bà thím của Lanh một cái chân váy để thím làm cho Lanh chiếc váy mới đi chơi tết. Ngày thường Lanh được các bà, các thím họ hàng trong bản cho một ít váy áo cũ của con họ cho Lanh dùng. Giường ngủ của Lanh là mấy cái phên tre cũ nát, cái chiếu và cũng là chăn để đắp là chiếc ni lông đã bị rách chị dâu cho Lanh dùng suốt cả mùa đông cũng như mùa hè. Một thời thơ ấu mà đáng lẽ có được tình thương yêu, ấp ủ của cha mẹ; được đến trường, đến lớp học hành, vui chơi như bao bạn bè cùng trang lứa thì Lanh chỉ có số “Không”. Quãng đời này của Lanh đâu có gì hay ho, tốt đẹp mà sao nó cứ in sâu mãi trong tâm trí của Lanh vậy chứ? Muốn cho nó vào dĩ vãng mà sao không thể! Ngay từ nhỏ Lanh đã không sợ khổ, với Lanh có khổ và vượt qua những nỗi khổ mới là người trưởng thành. Song Lanh lại nghĩ mình “May mắn” có quãng đời như vậy nên mới có đủ nghị lực để vượt qua những thăng trầm, những chông gai trong cuộc sống ngắn ngủi mà dài lâu của một đời người. Lanh chẳng biết trách ai, chỉ trách vì “Hạt Lanh mọc trái mùa” mà thôi.

    Ngày đó Lanh không hiểu biết gì hết, nhưng chỉ khát khao làm sao để thoát khỏi cảnh tối tăm, mù mịt ấy và đến với một nơi có ánh sáng. Lanh nghe người lớn ở bản nói “Bác Hồ tốt lắm; Đảng tốt lắm, người Kinh tốt lắm và thương người nghèo khổ lắm”. Hồi đó Lanh cũng chẳng biết Bác Hồ là ai, Đảng là ai, người Kinh là ai, nhưng trong lòng Lanh đã ấp ủ niềm hy vọng để được đến nơi mà có Bác Hồ, có Đảng, có người Kinh ấy. Đó chính là mục tiêu để sau này Lanh trốn đi học cái chữ.

                                                                    (Kỳ sau: Đi tìm "Cái chữ")

Click vào đường link bên dưới để đọc các chương sau:

http://clbvanchuong.com/hat-lanh-moc-trai-mua-b79.html 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)