bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 6
Trong ngày: 25
Trong tuần: 683
Lượt truy cập: 623839

HẠT LANH MỌC TRÁI MÙA (3)

Giàng Khánh Ly

BẪY “ĐỊNH MỆNH” (Kỳ III)
 
    Vào một ngày mùa hè năm 1980, Lanh mang đồ đi gửi thầy giáo chủ nhiệm, chỉ mang hai bộ quần áo về và nghĩ chỉ về vài hôm thì lên, Lanh cùng người bạn tên là Cảm về Mộc Châu sau bao nhiêu năm xa quê hương. Về đến Mộc Châu Lanh chơi cùng bạn ở bản Nà Bó, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Ngày ngày Lanh cùng lũ bạn xuống ruộng đi cấy lúa, bắt cua, bắt ếch, hái rau rừng vui lắm. Sau một tuần ở cùng với bạn, mặc dù rất vui nhưng sao Lanh thấy nhớ quê, Lanh ngẩng đầu trông những đám mây trắng bồng bềnh nó cứ đi về hướng bản Lóng Luông của Lanh. Lanh nói với bạn: Mai tao về quê mấy hôm, mày chờ tao lên rồi mình mới lên trường nhé. Bạn đồng ý và ăn cơm sáng xong bạn gói cho Lanh gói cơm cá đi đường. Từ Mộc Châu về Lóng Luông chỉ khoảng ba mươi cây số nhưng Mộc Châu thời đó còn hoang sơ lắm. Không có ô tô như bây giờ, hai bên đường là những cánh rừng lau lách bạt ngàn, hoang vu, đường về quê Lanh vắng vẻ không bóng người. Lanh đi bộ từ bản Nà Bó đến cây số 64 (quốc lộ 6 cũ) thì có chú bộ đội đi xe đạp vượt Lanh rồi dừng lại và hỏi “Cháu đi về đâu mà đi một mình?” Lanh bảo: Cháu đi về bản Lóng Luông quê của cháu ạ. Chú bộ đội tốt lắm, chú bảo “Cháu lên xe chú chở về!”. Lanh cảm thấy vui mừng và nghĩ bụng: là chú bộ đội thì chắc chắn là người tốt rồi! Lanh lên xe đạp chú bộ đội chở Lanh về đến khu (Sao Đỏ bây giờ), ở đó có nhà của mấy cô giáo và gần đó là đơn vị của chú bộ đội đó. Chú bộ đội nói gì đó với cô giáo và bảo Lanh “Cháu cứ ở đây với cô giáo, tối ăn cơm và ngủ cùng cô giáo, sáng mai cháu mới về bản Lóng Luông nhé!”. Lanh ở với mấy cô giáo, ăn cơm tối và ngủ cùng cô giáo. Lanh cũng không biết chú bộ đội ấy tên gì, mấy cô giáo tên gì. Tối ngủ cùng cô giáo, cô giáo hỏi chuyện, Lanh bảo cháu đi học trên tỉnh lâu năm rồi hôm nay cháu mới về quê. Cô giáo lại hỏi về bố mẹ Lanh, Lanh bảo: bố mẹ cháu mất lâu rồi nhưng cháu về thăm họ hàng thôi. Sáng hôm sau cô giáo cho Lanh nắm xôi rồi đưa Lanh lên đường ô tô, Lanh lại tiếp tục đi bộ về quê Lóng Luông. Lanh đi được một đoạn thì có chiếc xe tải đi qua rồi dừng lại và bảo “Em lên xe để anh đưa em về!”. Lúc đó Lanh cũng thấy mỏi chân nên trèo lên xe tải với chú lái xe. Lanh ngồi lên xe rồi mà chú ấy cứ không nổ máy đi, một lúc sau chú ấy cầm tay Lanh và hình như có ý định giở trò. Lanh sợ hết cả hồn, Lanh vội mở cửa xe và nhảy xuống, xung quanh vắng vẻ, Lanh kêu to: có ai không, cứu cháu với! May sao có một bà cụ người Mường đeo cái bế đi gần đó, Lanh đành chạy đến gần bà cụ. Khi đó lái xe thấy có người nên đã nổ máy đi. Bà cụ hỏi “Cháu đi đâu, sao con gái lại đi một mình, không tốt đâu!”. Lanh bảo: cháu đi học ở tỉnh lâu ngày cháu về thăm quê. Bà bảo “Quê cháu ở đâu?” Lanh bảo: quê cháu ở bản Lóng Luông. Lanh về cùng bà cụ được một đoạn đường thì đến nhà của bà. Bà bảo Lanh vào nhà bà nghỉ đã nhưng Lanh bảo: cháu về luôn sợ tối cháu không đến nhà ạ. Lanh một mình lại tiếp tục bước trên con đường vắng vẻ. Đến chiều gần tối thì Lanh về đến bản Lóng Luông. Đến đầu bản Lanh dừng lại nghĩ một hồi: không biết đi vào nhà ai đây. Nếu vào nhà anh trai và chị dâu thì đó là nơi mà bao năm nay vẫn ám ảnh trong lòng nỗi sợ hãi mà chị dâu đối xử với Lanh những năm trước đây. Nghĩ mãi Lanh mới quyết định về nhà bà thím của Lanh. Thím của Lanh rất quý Lanh nhưng vì trước đây chị dâu không cho Lanh ở với thím. Vậy là Lanh về nhà thím. Thấy Lanh về, giờ Lanh đã là cô gái Mông xinh đẹp trắng trẻo, thím mừng lắm. Tối Lanh ngủ với thím, hai thím cháu tâm sự cả đêm, thím bảo “Trước đây nếu họ cho mày ở với tao thì mày đã không đi theo người Kinh rồi!”. Sáng hôm sau thím lấy bộ váy áo mới cho Lanh mặc đi cõng nước, lấy củi, đi nương với thím. Dân bản trông thấy Lanh lớn quá lại xinh đẹp. Họ bàn tán xôn xao “Nếu không bắt nó đi lấy chồng thì người Kinh nó bắt mất đấy!”. Lanh ở với thím được mấy ngày, Lanh nói với thím:
Mai tao đi trường rồi, thầy giáo bảo tao phải đi trường để học đấy!
 Thế thì tao giã gạo nếp để làm cơm cho mày để mày mang đi trường nhé!”.
 Sáng hôm sau thím gói cơm thịt gà cho Lanh và tiễn Lanh đến đường ô tô, Lanh đeo cái ba lô rồi chào thím, đi bộ lên Mộc Châu để cùng bạn đi trường như đã hứa với bạn ở Mộc Châu.
    Nào có ai ngờ, anh trai, chị dâu nghe dân bản nói Lanh về, không biết từ lúc nào anh trai và chị dâu đã bàn với một gia đình ở bản cách đó khoảng chừng hai mươi cây số để bàn mưu tính kế bắt Lanh đi lấy chồng. Lanh đi bộ được một đoạn thì bỗng có đám thanh niên nhảy từ bụi cây ra bắt Lanh, người khiêng chân, người khiêng đầu đưa Lanh về nhà chồng. Lanh không biết họ là ai, họ nhốt Lanh trong buồng tối om. Lanh chỉ biết khóc. Lanh chợt nghĩ kế: mình phải nói mình là người của nhà trường, nếu họ muốn lấy mình làm vợ thì bắt họ phải đến UBND xã để báo cáo với xã. Hôm sau Lanh nói với gia đình họ và họ nghe có lý, họ cử một người là trưởng bản đi cùng mấy người của gia đình họ, trong đó có cả anh trai của Lanh nữa đi đến UBND xã Kiến Thiết (xã Vân Hồ huyện Vân Hồ ngày nay) , cách bản khoảng ba chục cây số gì đó. Đến xã, Lanh tìm chị Hội trưởng phụ nữ xã tên chị Hoa. Lanh bảo:
Họ bắt ép em đi lấy chồng nhưng em không yêu họ và em còn phải đi học nên chị hãy tìm cách giúp em với!
    Thế rồi chị Hoa đã tìm cách nói với lãnh đạo xã về chuyện của Lanh. Xã giao chị Hoa đưa Lanh đi trốn ngay trong cái màn đen của người Mường rồi ra nói với những người đi cùng với Lanh “Cái Lanh nó đi trường rồi, nó bảo nó không muốn lấy chồng, nó phải đi học đấy, các anh đi về đi!”. Họ lùng sục khắp nơi để tìm và bắt Lanh nhưng không thể tìm thấy Lanh. Họ đành đi về. Hồi đó rất hiếm xe lên tỉnh. Lanh ở đó đợi xe mấy hôm. Ở bản Hang Trùng là bản dân tộc Mường. Vui lắm, tối nào đám thanh niên trong bản cũng tổ chức múa xòe. Cứ tối đến chị Hoa lại đưa cho Lanh bộ váy áo Mường mới, đội khăn piêu đi múa xèo với đám thanh niên trong bản. Mặc dù chị Hoa nói với họ là Lanh đã đi trường rồi nhưng họ vẫn không tin. Suốt cả tuần họ cử một đoàn người lén lút theo dõi quanh bản Hang Trùng, xã Kiến thiết. Một đoàn khoảng chục người  mang cả súng kíp, nếu thấy Lanh mà Lanh không chịu về với họ thì họ bắn chết. Họ rình cả dưới gầm sàn, Lanh múa xòe trên sàn nhưng vì mặc trang phục người Mường nên họ không nhận ra. Họ nói với nhau “Chắc cái Lanh nó đi trường thật rồi”. Thế là bọn họ người vác súng, người ôm dây thừng đi về bản. Lanh vẫn cứ ở với chị Hoa và vui  múa xòe với đám thanh niên trong bản. Một hôm chị Hoa lên đường ô tô đón sẵn cái xe tải rồi mới xuống nhà gọi Lanh lên. Lanh vừa bước ra khỏi nhà chị Hoa đi theo hướng đường quốc lộ 6 cũ nơi chị Hoa đang chờ đưa Lanh lên xe thì bỗng có đám thanh niên người Mông khác, người cầm súng, người cầm dao, người cầm dây thừng,... xông ra bao vây Lanh và chị Hoa. Họ bắt Lanh nghiêng như nghiêng con thú rừng về bản Lóng Luông để bắt Lanh đi lấy chồng theo ý đồ của họ. Chị Hoa không thể làm gì nổi, chị thương Lanh rồi ôm mặt khóc nức nở nhìn theo Lanh về hướng bản Lóng Luông.
Về đến bản Lóng Luông, anh trai nói:
 -  Mày không nghe lời tao, tao sẽ dùng con dao phát nương kia chặt mày thành ba khúc, vì mày đã làm cho tao phải xấu hổ với cái họ Giàng này rồi. Bây giờ mày không lấy thằng Tu thì mày phải đi lấy thằng Páo là con của bạn làm cán bộ xã với tao, cái bụng nó tốt đấy. Cái Say, cái Dở đẻ cùng mày nó có con rồi, mày không đi lấy chồng là mày già rồi không có thằng nào lấy mày đâu!
   Nào Lanh đâu có biết thằng Tu, thằng Páo là ai. Thế rồi họ không cho Lanh tiếp xúc với bất cứ ai. Lanh nhớ thầy cô, bạn bè, nhớ trường nhiều lắm. Thi thoảng có vài người Kinh mang dầu hỏa, kẹo bánh, thuốc lào đến đổi con gà, cân lúa, Lanh như trông thấy thầy cô, bạn bè, Lanh muốn gần họ để nói chuyện cho đỡ nhớ trường, nhưng họ luôn ngăn cách Lanh. Lanh chỉ biết ôm mặt khóc. Vào một buổi tối, chị dâu bảo Lanh
          -Mày cõng cái bế ngô này sang nhà bên góc bản để xay ngày mai mới có cơm đi nương!
   Lanh vốn ngoan hiền, dù trong lòng chỉ muốn biến thành con chim có cánh để bay một mạch đến với thầy cô, bạn bè, đến với nhà trường của Lanh, nhưng Lanh vẫn ngoan ngoãn cõng cái bế ngô đi xay theo chỉ bảo của chị dâu. Một mình Lanh với cái cối xay mà bình thường phải ít nhất hai người lớn mới xay nổi. Lanh một mình xay xong bế ngô đã hơn mười một giờ đêm. Lanh Cõng cái bế ngô đã xay về đến nhà anh trai chị dâu thì mọi người đã đi ngủ từ bao giờ. Lanh vừa bước vào nhà thì thấy mùi rượu nồng nặc, Lanh soi cái đèn pin thì thấy trên bàn giữa nhà có vài cái chai đựng rượu, mấy cái chén uống rượu nằm ngổn ngang trên bàn. Lanh chỉ nghĩ: Chắc anh trai có việc gì thôi, chứ đâu có ngờ họ lại một lần nữa bày mưu tính kế để bắt Lanh đi lấy chồng. Sáng hôm sau chị dâu gọi Lanh dậy thật sớm và bảo:
-  Mày đi lên mó nước trên núi cõng nước hôm nay nhà có việc đấy!
    Lanh ngoan ngoãn nghe lời chị dâu và cho mấy cái ống tre bương đựng nước vào cái bế rồi cõng lên mó nước. Lanh đi đến mó nước thì trời vừa sáng, chẳng có một bóng người, xung quanh toàn rừng núi âm u vắng vẻ. Lanh chăm chú cúi xuống múc nước cho vào ống bương. Một lát sau nước đã đầy cả bốn cái ống bương hai dóng. Lanh đang bê từng cái ống nước để cho vào bế thì bỗng có đám thanh niên người Mông khoảng tám, chín người nhảy từ bụi cây ra bao vây bắt Lanh. Lanh la hét vang vọng cả khu rừng nhưng đâu có ai đến cứu vì họ đã thông đồng với nhau từ tối hôm trước rồi. Họ khiêng Lanh như khiêng con thú rừng về đến bản Lũng Xá cách bản Lóng Luông của Lanh khoảng ba bốn cây số đường mòn, rừng sâu, núi cao. Lanh khóc thét hết cả hơi mà chẳng có một người nào cứu Lanh. Họ khiêng Lanh về đến nhà, có một người kéo Lanh qua ngưỡng cửa thì có bà cụ ôm con gà mái to cào vào lưng Lanh và nói điều gì đó Lanh không biết. Họ nhốt Lanh trong buồng tối om om và cho Lanh ngủ cùng em gái của người mà gọi là chồng ấy. Gia đình họ đông người lắm, có mấy người đàn ông trông lớn tuổi như nhau, Lanh không biết họ bắt Lanh lấy người nào. Sau đó Lanh mới biết họ bắt Lanh phải lấy người mà họ gọi là “Thằng Páo” ấy. Páo không đi học nên chẳng biết chữ cũng không biết lấy nửa tiếng Kinh bẻ đôi. Lanh nghĩ bụng: Từ nay đời mình khổ rồi! Lanh ngẩng mặt lên trời gọi: Chí Nả ơi (Bố mẹ ơi) Lanh phải làm sao bây giờ? Lanh chẳng còn tâm trí nào mà ăn với uống vì Lanh như người mất hồn, chỉ thấy nhớ thầy cô, bàn bè, nhớ trường lắm! Xung quanh cái bản Lũng Xá ấy toàn núi rừng âm u, chỉ có tiếng ve sầu kêu đến điếc cả tai, càng làm cho Lanh thêm nhớ trường, nhớ thầy cô, bạn bè da diết như đứt từng khúc ruột gan. Được ba ngày sau họ đưa Lanh về nhà anh trai chị dâu gọi là ăn hỏi theo phong tục người Mông. Đến nhà anh trai chị dâu, anh chị ấy mừng rỡ và khen “Cái bụng của mày tốt lắm”. Lanh không buồn nói gì vì đúng ý của họ rồi. Tối hôm đó sau  khi họ đã làm xong thủ tục ăn hỏi, anh trai gọi Lanh vào trong buồng và dạy cho Lanh một bài “Lần này mày mà còn trốn đi học thì tao không tha cho mày nữa, mày đừng bao giờ làm xấu cái họ Giàng này nữa nhé”. Lanh căm thù cái tục “Bắt vợ” của người Mông, Lanh không muốn bất cứ một người con gái Mông nào phải chịu cái cảnh giống như Lanh. Đến đây Lanh mới hiểu tại sao phụ nữ Mông nhiều nơi hay ăn lá ngón rồi chết cũng chỉ vì cái phong tục “Bắt vợ” ấy. Cái tục “Bắt vợ” ấy ngày xưa đã làm cho không biết bao nhiêu phụ nữ Mông phải tự tử vì chỉ cần họ muốn ai là họ bắt bằng được, không cần biết người con gái đó có muốn hay không. Trong người Mông họ thường chú ý đến những người con gái ngoan, hiền để bắt về làm dâu, nhất là con gái mồ côi thì càng thích vì họ nói “Lấy con dâu mồ côi nó mới toàn tâm, toàn ý với gia đình mình”. Ngày nay nhờ có chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước đã được tuyên truyền đến người dân. Chị em phụ nữ Mông cũng được đi học, biết đấu tranh cho sự bình đẳng. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn thường nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng về chuyện phụ nữ Mông tự tử do ăn lá ngón như ở Mường Nhé, Điện Biên và một số bản vùng sâu, vùng xa nơi đồng bào Mông sinh sống ở nước ta.
     Như một bóng tối bao trùm lên cuộc đời của Lanh một lần nữa. Lanh bắt đầu một cuộc sống tối tăm, nhục nhã, chồng là “Người lạ”, là cái người mà anh trai Lanh nói “Thằng Páo” ấy. Lần này thì Lanh hết hy vọng và nghĩ chỉ có con đường chết cho quên hết mọi nỗi đau. Thời đó ở cái bản Lũng Xá ấy họ trồng nhiều thuốc phiện lắm, khi đó Nhà nước chưa cấm trồng cây thuốc phiện mà Nhà nước còn thu mua nhựa thuộc phiện. Gia đình nhà chồng Lanh cũng trồng nhiều thuốc phiện lắm. Mỗi ngày đến nương thuốc phiện để thu hoạch nhựa thuốc phiện Lanh đều nghĩ: mình chỉ cần ăn một chút nhựa thuốc phiện là quên hết mọi thứ đau khổ này thôi! Lanh đã ba lần ăn nhựa thuốc phiện nhưng không biết họ lấy thứ thuốc gì cho Lanh uống mà chẳng chết nổi. Lanh phải làm người phụ nữ Mông thực thụ, phải se lanh, dệt vải, may quần áo, đi nương, làm lụng để tồn tại như bao phụ nữ Mông khác trong bản. Lanh nghĩ: cuộc đời này đến đây là chấm hết! Bao nhiêu khát vọng, ước mơ đều bị buông bỏ. Thời đó người Mông cái bản Lũng Xá ấy còn lạc hậu lắm. Người phụ nữ phải thức khuya dậy sớm để giã gạo, xay ngô, nấu cám lợn, chuẩn bị bữa sáng, bữa tối cho cả nhà. Nếu không làm được như vậy thì liền bị dân bản, họ hàng nó chê cười. Khi ăn phụ nữ chỉ được ăn trong bếp, thức ăn dành hết cho đàn ông, phụ nữ chờ khi đàn ông ăn hết còn gì thì ăn, không còn thì chỉ ăn cơm với nước sôi và muối gừng, nhưng đều phải nhẫn nhịn, không ai được nói gì hết thì mới là dâu ngoan, vợ hiền theo nghĩa của người Mông. Lanh nghĩ: tại sao phải sống cuộc sống bất công như vậy chứ, nhưng đâu có thay đổi được điều gì? Khi đó cả bản Lũng Xá đi làm nương tại xã Xuân Nha là xã toàn người Mường, người Thái. Vì bản Lũng Xá ở trên núi cao, thời tiết lạnh không trồng được lúa nương. Được hai năm sau thì bố mẹ chồng Lanh tách vợ chồng Lanh ra ở riêng. Lanh vốn chịu khó cần cù nên gia đình cũng đủ sống như bao gia đình khác trong bản, nhưng trong lòng Lanh vẫn canh cánh tìm đường để thoát khỏi cảnh sống cực khổ này. Gia đình Lanh cũng đi làm nương lúa ở bản Mường An, xã Xuân Nha của huyện Mộc Châu lúc bấy giờ. Trên quả đồi nương lúa của Lanh cách đó không xa có một gia đình người Thái cũng làm nương ở đó. Hàng ngày có anh chị tên chị Mai, anh Xuồi thường gánh quả chuối sang chỗ Lanh để đổi lúa. Lanh thường nói chuyện với anh chị ấy bằng tiềng Kinh. Anh chị Mai, Xuồi về kể cho dân bản nghe  “Ở lều nương người Mông bên kia đồi có một người con gái Mông rất xinh đẹp và nói tiếng Kinh giỏi lắm”. Thời đó ở quê Lanh không có một người phụ nữ Mông nào biết tiếng Kinh, đàn ông chỉ một số ít mới biết tiếng Kinh nên khi có phụ nữ Mông biết nói tiếng Kinh là điều lạ và hiếm thấy đối với người dân vùng này. Tiếng lành đồn xa, dân bản Mường An thi nhau đến xem Lanh, nói chuyện với Lanh không biết chán. Họ nghe Lanh kể chuyện đời của mình cho họ nghe, thi thoảng Lanh lại hát cho họ nghe. Với họ thì là thú vui, nhưng với Lanh thì như có thêm động lực để tiếp tục sống, vì trên đời này còn có những người tốt như chị Mai, anh Xuồi và dân bản Mường An. Cứ như thế dần dần Lanh quen thân với anh chị, thi thoảng Lanh lại cõng con sang ngủ cùng chị Mai ở lều nương của chị ấy và hai chị em tâm sự suốt cả đêm không ngủ. Lanh kể hết hoàn cảnh của Lanh cho chị Mai nghe, chị Mai thương Lanh nhiều lắm và anh chị nhận Lanh làm em gái kết nghĩa, chị Mai cũng mồ côi cha mẹ từ nhỏ như Lanh. Dù không cùng dân tộc, không cùng huyết thống nhưng chị Mai và Lanh, sau này bọn trẻ nữa đều coi nhau như chị em ruột thịt. Các con của anh Xuồi, chị Mai gọi Lanh là dì. Các con của Lanh gọi chị Mai, anh Xuồi là bác. Mỗi khi có chuyện vui hay buồn hai gia đình thường xuyên có nhau. Từ đó Lanh là người “Nông dân” thực sự. Lanh nghĩ: Ông trời sắp xếp rồi thì mình phải chấp nhận thôi! Khi đó Lanh cũng không biết được tương lai sẽ ra sao nữa? Lanh thả mình trôi theo thời gian, năm tháng, phó thác cuộc đời cho số phận và ông trời.                               
   Sau này có người nói với Lanh “Mày bảo không yêu họ sao lại có bằng ấy con”. Lanh thở dài: Biết nói thế nào nhỉ? Thôi hãy coi như con trâu con bò đi cho dễ hiểu. Con trâu con bò nó chỉ cần có con đực con cái là có con thôi, đâu có cần phải yêu chứ! Trời ơi! Đó chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ với nhau hay nói cách khác là “Để cho trời không có dông bão, đất không có sạt lở” với cái họ Giàng, cái tổ tiên này mà thôi. Cho đến bây giờ nếu nói “Tình yêu” và “Hạnh phúc” thì đối với Lanh chỉ là trong sách vở, nó xa vời vợi với cuộc sống của Lanh. Lanh đâu có phải búp bê, Lanh cũng là con người mà! Đã là con người bằng da bằng thịt thì cũng như bao con người khác trong xã hội này chứ! Có những lúc khi buồn tủi hay mệt mỏi, Lanh cũng khát khao một bờ vai để ngả mình một phút, chỉ một phút thôi! Hay sự âu yếm, vòng tay ôm ấp của người mình yêu dấu mà không thể có được! Trong suốt 22 năm sống chung với “Người lạ” Lanh chưa bao giờ có được một phút giây gọi là “Hạnh phúc” đúng nghĩa của nó. Thực ra chỉ thấy sợ như nỗi sợ của người bị cưỡng bức hay gọi là “Bạo lực” thì đúng hơn. Trong 22 năm ấy bạn bè, thầy cô giáo của Lanh nghĩ Lanh đã không còn tồn tại trên thế gian này nữa. Bạn bè cùng học với Lanh ngày xưa thường nói với nhau “Nếu các cậu đi công tác ở các huyện trong tỉnh thì thử hỏi xem cái Lanh lớp mình nó có còn sống không hay nó chết rồi, nếu còn sống thì nó đang làm gì, ở đâu nhé”. Mãi sau này, khi Lanh đã lên huyện công tác rồi và thường đi dự những hội nghị liên quan ở tỉnh mới được gặp lại thầy cô, bạn bè cũ ngày xưa ấy và nghe chúng nó kể lại với Lanh như vậy. Có những lúc gặp bạn bè và tâm sự, có những người bạn nay đã rất thành đạt nói với Lanh “Ngày xưa anh rất yêu em nhưng không dám nói mà chỉ yêu thầm. Cái thời bao cấp ấy, chuyện yêu đương nặng nề, tối kị quá mà mình lại đang là học sinh”. Lanh nói đùa mà cũng là thật: “Tại sao anh không nói với em để chúng mình đợi nhau mà lại để cho em phải bị ông Mèo bắt cóc vậy?” Khi đang công tác, có người họ cũng tốt, thương Lanh nhưng các con của Lanh chưa trưởng thành nên Lanh không nhận lời. Lanh chỉ nghĩ: Cuộc đời này Lanh đã phải trả một cái giá quá đắt, không muốn các con của Lanh phải “Mọc trái mùa”. Lanh hay theo dõi các chương trình trên truyền hình, trong đó có những người khuyết tật như nhân vật Nguyễn Minh Châu và nhiều mảnh đời khuyết tật khác nữa mà họ cũng có nửa kia đích thực của mình, có hạnh phúc tràn ngập và ấm áp. Những người già cô đơn sống chung trong bệnh viện phong, các cụ cũng có những sẻ chia về tinh thần trong cuộc sống của những năm tháng cuối cuộc đời... Lanh cảm thấy thèm khát niềm hạnh phúc nho nhỏ ấy mà đâu có tìm thấy! Có những lúc Lanh tự nhủ: Hay cuộc đời này ông trời vốn không cho Lanh nửa còn lại thật rồi! Hay cái thế giới “Đàn ông” này không còn tồn tại trên cõi đời này nữa, nói cách khác là “Nửa ấy” của mình vốn không có tồn tại trên cõi đời này! Một thời đáng ra phải tràn đầy nhựa sống, được thực hiện những ước mơ, khát vọng của một đời người thì Lanh phải “Sống hoang, sống phí” trong biển sươn mù tối tăm, đáng sợ ấy. Bạn bè cùng trang lứa đã “Đơm hoa, kết trái, thậm chí đã “Thu hoạch” với cả mùa “Bội thu” thì Lanh vẫn luẩn quẩn chưa tìm thấy lối thoát. Lanh không dám trách ông trời hay trách ai cả, Lanh nghĩ: Chung quy chỉ tại “Hạt Lanh mọc trái mùa”!


                                                                              Kỳ sau: Khát vọng




 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)