bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 159
Trong tuần: 1315
Lượt truy cập: 644921

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG THIÊN ĐƯỜNG MỘNG ẢO (TIẾP)

(TIẾP THEO)

Nguyễn Đức Tùng:
Năm 1966, ba mươi tuổi, đang là một giáo sư ở Quốc học Huế, anh bỏ vào rừng kháng chiến, đi theo con đường lý tưởng riêng của anh. Trước năm 1975, các thầy giáo dạy trung học gọi là giáo sư, và được xã hội tôn trọng xứng đáng với danh hiệu đó. Rũ áo ra đi như thế, có lẽ anh tin là mình đã chọn được hành trình lý tưởng cho cá nhân và dân tộc. Trên con đường dài, mà đối với nhiều người là đại lộ mênh mông, đầy ánh sáng của lý tưởng giải phóng dân tộc, anh có gặp một ngã rẽ hay ngõ cụt riêng tư nào không? Những ngã rẽ của bóng tối và nỗi buồn?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
À, đây chính là tâm trạng của bạn bè tôi cùng trang lứa đi theo Đảng. Hồi đó mình cứ nghĩ những chuyện buồn đều là tạm thời nhỏ nhặt, những sai lầm rồi sẽ qua đi, nên cố lấy niềm vui chung mà át nỗi buồn riêng. Nếu không có ai bắt mình thì mình cũng tự bắt mình như thế.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày nay nhìn lại, anh nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh 1954-1975 vừa qua? Anh gọi nó bằng tên gì? Hậu quả của nó ra sao?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Mình không có giết ai trong chiến tranh. Mình có một thằng bạn, Hoàng Xuân Thiệu (?), em ruột của Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Hoàng Xuân Lãm, bây giờ đã đi Mỹ. Tôi thương hắn lắm, có lần tôi nói với hắn: nếu tau gặp mi thì tau sẽ không bắn, ngay cả khi tụi mình đang ở hai bên chiến tuyến. Nếu gặp nhau ngoài chiến trường thì tôi sẽ nói: mi phải vất súng để đi theo cách mạng.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Nếu anh ấy không vất súng để đi theo cách mạng thì sao?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi sẽ nói tiếp: Thà mi giết tau chứ tau không thể giết mi.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Có thể anh đã từng chủ trương như thế thật, nhưng chiến tranh có những quy luật tàn bạo của nó. Thực tế đã không xảy ra như anh muốn, và những kẻ đứng bên cạnh anh hay đứng đối diện với anh cũng đều đã nổ súng.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng thế. Chúng ta đã nổ súng vào nhau và vết thương vẫn còn. Đó là nỗi đau buồn của dân tộc chúng ta. Nhưng hồi đó tôi quan niệm rằng cứ sống ngay thật, trong sáng với bản thân mình, mặc kệ người khác làm gì thì làm.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, trong những người dân Huế mà tôi có dịp tiếp xúc nơi này nơi khác, ngay cả những người không ai có thể gọi họ là cực đoan, vì vẫn có thái độ hòa nhã trong nhiều vấn đề của đất nước, đến nay khi nhắc đến vụ thảm sát Mậu Thân vẫn còn tỏ ra xúc động. Hầu hết những người đó đều cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường không nhiều thì ít có một phần trách nhiệm.
Đọc những bài viết và những tài liệu gần đây, tuy vậy, tôi cũng tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường không có mặt ở Huế trong vụ Mậu Thân.
Tại sao năm đó anh không được cử về đồng bằng?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lúc đó tôi cùng làm việc với Thượng Tọa Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi, giáo sư Lê Văn Hảo. Tôi là Tổng thư ký của Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình. Họ dự định sau khi vụ Mậu Thân thành công thì sẽ đưa chúng tôi về ra mắt công chúng. Nhưng cuộc tiến công bị chặn lại vì phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa phản kích dữ dội quá, bắt đầu từ lực lượng đồn Mang Cá. Mới đầu trận đánh dự định là do Trung ương phụ trách, nhưng trong thực tế thì chỉ có địa phương lo gần hết, nên thiếu thốn nhiều mặt, nhất là thiếu đạn để đánh giặc.
Vì việc không thành nên tôi không được đưa về Huế để ra mắt quần chúng.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi còn nhớ một ca khúc của Trịnh Công Sơn viết ngay sau vụ Mậu Thân, về những mồ chôn tập thể ở Huế, với giọng hát Khánh Ly náo động bàng hoàng, lúc tôi còn rất nhỏ tuổi:
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn
Và một ca khúc khác của Nguyễn Minh Khôi, với Thái Thanh như con chim trúng đạn cất tiếng kêu thương:
Chiều nay không có em mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Buồn quá. Đúng là những vết thương sâu, rất khó lành của dân tộc chúng ta.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh tham gia kháng chiến chống Mỹ là hoàn toàn tự nguyện, nhưng trường hợp những người khác thì như thế nào? Thượng tọa Thích Đôn Hậu, một người đồng hương Quảng trị của anh, chẳng hạn? Có một bài viết cho rằng ông bị bắt ép chứ không phải tự nguyện?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tưòng:
Không thể bắt ép ai cả.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tức là tự nguyện?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cũng không phải, họ thỉnh ông đi.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Thỉnh đi như thế nào?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lừa.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Xin anh nói rõ hơn.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Họ lừa ôn bằng cách nói là mời ôn đi họp. Họ đưa ông qua một cánh đồng rộng, gánh ông đi trong một cái thúng có hai người khiêng hai đầu. Rồi họ đưa ông dần từng bước một vào những việc nhỏ (dỏ) nhỏ (dỏ), từ từ, nhưng ngày càng sâu đến lúc biết ra thì đã muộn.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Cách đây nhiều năm, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, anh có nói một ý rằng vụ thảm sát Mậu Thân là do nhiều nguyên nhân, do bom đạn của Mỹ, do tai nạn chiến tranh bắn qua bắn lại vô tình, và cũng do phía cách mạng xử tội những thành phần phản động, chống lại nhân dân?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đó là cuộc phỏng vấn của Úc. Trong những cái chết do chiến tranh, phía quốc gia thì đổ lỗi hoàn toàn cho phía cách mạng, phía cách mạng thì đổ lỗi hoàn toàn cho phía quốc gia, nhưng tôi cho rằng thật ra không bên nào có thể đổ lỗi hoàn toàn cho bên nào cả, vì thế nào cũng có bên này bên kia chịu trách nhiệm. Đó là nói chung. Còn riêng trong vụ Mậu Thân thì giết lầm rất nhiều. Ví dụ như tôi nhớ rằng trong mặt trận Huế có phân công cho một người là ông (3)… tỉnh đội trưởng nắm giữ mặt trận phía trái, phụ trách vùng Phú Cam. Họ giết người nhiều ở mặt trận này.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Người bạn tặng cho tôi tập thơ Người Hái Phù Dung thì nói riêng với tôi rằng, theo anh ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người innocent. Anh cũng vừa kể rằng anh không muốn bắn một người bạn cũ của anh, như anh Hoàng Xuân Thiệu, thà mình bị anh ta bắn. Như vậy, anh nghĩ sao về những vụ giết người trong Mậu Thân có tính tội ác?
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần hết sức thận trọng, nghiêm cẩn, khi nói đến những vấn đề gây xúc động này, hết sức tránh thái độ cực đoan: từ một phía là đổ lên người khác những lỗi mà họ không có, nói thêm, nói oan cho những người vô tội, hoặc từ một phía khác là coi nhẹ, lấp liếm, di chuyển trọng tâm của vấn đề, đánh lạc hướng lịch sử.
Tôi nghĩ rằng đối với bất cứ người nghệ sĩ nào, cái chết và sự khổ đau của con người không thể là chuyện nhẹ nhàng. Dù do ai gây ra, dù đó là Mậu Thân hay Mỹ Lai, hay biết bao câu chuyện tương tự khác đã xảy ra trên đất nước chúng ta, chưa bao giờ được kể lại. Không thể là chuyện nhẹ nhàng. Đó có thể là quan điểm của các nhà quân sự, các nhà chính trị, nhưng không thể là quan điểm của các nhà thơ.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn vừa kể trên tôi có nói lầm đi, nói sai đi, một ý.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, sai hay lầm?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lầm. Tôi có nói lầm là đánh rắn thì phải đập đầu. Họ nghĩ rằng những người làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là cái đầu rắn.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Chắc anh đã từng đọc cuốn sách của Nhã Ca vốn được nhiều người nhắc đến?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi có đọc. Có ba người viết về Mậu Thân. Một là nhà văn nữ Nhã Ca, từ Sài Gòn về Huế ăn Tết vào dịp đó và chứng kiến cuộc tấn công Mậu Thân. Bà đã ghi lại chuyện này trong cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Anh nhận xét ra sao về cuốn sách đó? Có đúng với sự thực không, theo anh?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trong đó Nhã Ca viết “chắc là Phủ không về.”
 
Nguyễn Đức Tùng:
Phủ là ai?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Phủ là tôi đó. Bà ấy viết “chắc là Phủ không về”; “mà nếu có về chắc cũng không giết người”.
Người thứ hai là giáo sư Lê Văn Hảo, người lên rừng cùng với tôi. Ông có viết rằng tôi và ông ấy đều không về Huế, mà chỉ có hai người về là Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Còn người thứ ba?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(nghe không rõ)
 
Nguyễn Đức Tùng:
Cuộc chiến tranh vừa qua, mặc dù đã chấm dứt từ lâu, vẫn còn tiếp tục chia rẽ mọi người. Và sẽ còn lâu dài, xuyên suốt các thế hệ. Điều này thường bị cố tình coi nhẹ (underestimated). Đọc lịch sử, tôi tin là người Việt Nam rất yêu nước và đã từng chiến thắng nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược. Thế mà năm 1975, theo lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lần đầu tiên có chuyện lạ lùng là nửa nước thì vui, nửa nước thì buồn. Hiện nay, cuộc chiến tranh Nam Bắc đối với một số người từ cả hai phía vẫn còn là hận thù, đối với một số người khác là phẫn nộ trước lịch sử, và đối với nhiều người khác là vết thương tâm hồn, là sự hoài niệm về một nền Cộng hòa đã bị xóa bỏ, một nền tự do mà theo tôi nửa là hoàn toàn có thật, nửa là chưa bao giờ kịp có thật.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi không bao giờ muốn chia rẽ dân tộc. Khi lên rừng đi kháng chiến chống Mỹ tôi chỉ nghĩ đến một chính phủ hòa hợp. Sau 1975 tôi tin rằng chúng ta đã có cơ hội để làm được điều này, nhưng rồi chúng ta để lỡ dịp may đó.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi tin vào suy nghĩ ở thời điểm này của anh, nhưng tôi cũng không nhất thiết cho rằng đó là những suy nghĩ bất di bất dịch. Điều đó là dễ hiểu. Đối với nhiều người đi theo Mặt trận Giải phóng miền Nam vào những năm sáu mươi, có khi đó chỉ là một khẩu hiệu dân vận, và vấn đề họ quan tâm hơn, nói thẳng ra là, chiến thắng tuyệt đối về quân sự và chính trị.
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi tâm sự với anh thế này: sau vụ Mậu Thân xong tôi suy nghĩ mãi, tôi buồn quá, tôi muốn một mình ra một hoang đảo ở một mình và sẽ không chọn một phe phái nào cả.
 
Nguyễn Đức Tùng:
Nếu trong Tết Mậu Thân anh được cử về thành thì anh sẽ làm gì, có thái độ như thế nào trước những vụ giết người?
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi sẽ không làm gì được, nhưng tôi biết chắc là tôi sẽ không giết người. Có lần, trên một dốc núi, một người bạn của tôi là anh Lê Hữu Bôi, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, đã bị giết. Anh ấy cũng người cùng quê Quảng Trị mình, tuy học ở Sài Gòn nhưng về Huế đi tu ở chùa Tường Vân, rồi bị bắt đi từ chùa Tường Vân trong Tết Mậu Thân. Trường hợp ấy nếu gặp tôi, tôi sẽ tha. Còn những vụ giết người hàng loạt, tôi chỉ nghe nói chứ không chứng kiến, nhưng tôi biết là mình không thể hành động như thế.
Tính tôi có lẽ hợp với đi tu, thấy chuyện máu me dư (như) rứa tôi rất gớm (lắc đầu). Tôi không làm được. Hồi nhỏ, tôi không thể giúp mẹ tôi làm được việc cắt cổ gà.

unnamedmn


Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)