bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 45
Trong tuần: 904
Lượt truy cập: 629629

LỜI THÌ THẦM

LỜI THÌ THẦM CỦA DÒNG CHÂU

 Tản văn của Hà Kim Quy

 

Tôi lớn lên đã thấy dòng sông mênh mang bên nhà.Những ngày trời nắng, dòng sông như một mảnh gương trời lấp lóa hắt những mảng sáng lên xóm bãi ven sông, soi những rặng nhãn, rặng tre xanh ngút ngàn tầm mắt.Dòng sông quê tôi chảy miên man qua những mạch nguồn tuổi thơ không bao giờ vơi cạn. Hết đời này qua đời khác, những người dân quê tôi được ngụp lặn dưới dòng nước mát trong. Từng tế bào của người dân quê tôi thấm đẫm vị ngọt lành, trong trẻo của dòng sông. Dòng sông như nguồn sữa mẹ nuôi chúng tôi khôn lớn, cũng dòng sông này nhuộm xanh bãi bờ bốn mùa trù phú, tốt tươi.

Con sông quê tôi luôn êm đềm, hiền lành, mơ màngchảy trong tiếng thoi đưa lách cách của làng dệt vải Hòa Hậu, chảy qua mảnh đất phát tích của Vương triều nhà Trần nơi thôn Bảo Lộc Mỹ Phúc. Sông gần như yên ả bốn mùa trừ những ngày mưa lũ. Vậy mà dòng chảy bình lặng ấy âm thầm xói sâu vào bên lở mà làm khuyết hao, đau lòng bờ bãi rồi lặng lẽ ném phù sa ăm ắp cho bên thương, bên bồi. Phải chăng sông cũng có những đau thương, cũng có những giận hờn? Sông cũng biết yêu, biết ghét như con người? Đi tới đâu, chỉ chạm tới tên dòng sông là tôi đã thao thiết nhớ quê nhà. Sông Châu hay Châu Giang chỉ là tên gọi mà sao nghe thân thương quá đỗi.Cái tên nghe dịu dàng, đằm thắm mà gợi lên sự trân quý, đáng yêu đúng như tên Châu của nó. Dòng sông là một đặc ân của thiên nhiên dành cho mảnh đấtnghèo khó quê nhà.

Thử hỏi nếu không có dòng sông, làm sao quê tôi có được cánh đồng bát ngát trải vàng đến tận chân trời. Làm sao có những rặng nhãn lồng xanh tươi dâng quả ngọt lành cho đất. Làm sao có những quả chuối ngự Đại Hoàng bé nhỏ vàng tươi, vỏ mỏng tang như tờ giấy mà dư vị thơm ngon, ngọt ngào đọng mãi trong tiềm thức của người dân nghèo khi hàng ngàyđược nếm trong đời thứ quả mà ngày xưa chỉ dành để tiến vua?

Nếu không có dòng sông, làm sao những đứa trẻ chúng tôi đủ tự tin để nhảy cầu phao Nhân Tiến mỗi chiều mà bơi lội dưới sông? Làm sao chúng tôi có thể bơi sang  bờ bên kia trong những cuộc tỉ thí của những đứa trẻ nhầngnhầng nhỡ nhỡ dưới con mắt tròn xoe thán phục của những đứa con gái cùng tuổi.Sông ôm ấp chúng tôi vào lòng, vỗ về và yêu thương chúngtôi.Dù có bực bội, muộn phiền, chỉ cần ta ngâm mình xuốngdòng sông là bao ưu phiền tan biến, sông trả lại cho ta sự thanh khiết của tâm hồn.Cái cảm giác dịu êm, bồng bềnh khi được dòng nước nâng ta lên, áp và vỗ nhẹ vào má lúc ta thả mình bơi ngửa, ngắm nhìn mây trôi trong chiều đang rơi phía cuối cánh đồng mới êm ả làm sao.Cả thế giới thiên nhiên thu về chỉ bằng một quả cầu lửa đỏ ối nơi chân trời rồi chìm dần trong màn đêm u tịch.

Sông Châu nối với sông Hồng bằng hai cửa Yên lệnh và Hữu Bị của tỉnh Hà Nam.Trước đây, khi đường bộ chưa phát triển, sông Châu là giao thông cho cả vùng châu thổ sông Hồng. Đây chính là con đường mà  vua Lý Công Uẩn  đã đi từ Hoa Lư, qua sông Đáy để ngược sông Hồng về thành Đại La và từ đó có quyết định rời kinh đô về đất Thăng Long năm 1010. Có một thời, sông Châu trở thành nơi chứa nước  được bơm ra từ các vùng ngập úng về mùa mưa. Có giai đoạn, sông bị ngăn lại gọi là Tắc Giang, sông bị ô nhiễm, gần đây, sông được cải tạo, lưu thông trở lại.

Bên này sông là chợ Sét nhộn nhịp với người và hàng hóa lưu thông trong vùng và cả từ mạn Ngọc Lũ, Bồ Đề, An Ninh đi về. Bên kia, đất Hòa Hậu rộn ràng thoi đưa đêm ngày của những xưởng dệt, nơi có cả một làng nức tiếng với nghề cá kho Vũ Đại, đưa món ăn bí quyết gia truyền thơm ngon đi khắp nơi trong và ngoài nước.

 

 

Có những đêm mùa lũ, nước ngập đến mé vườn. Bà cấm lũ trẻ chúng tôi ra sông vì sợ sơ sảy. Những ngày đó, dòng sông buồn tênh không một bóng người.Những đêm không ngủ, tôi nghe rõ tiếng sóng vỗ long bong vào mạn thuyền, vào đất vườn ì oạp như tiếng thở dài của dòng sông. Tôi cũng nghe rõ cả tiếng rì rầm của  bà, của mẹ than vãn về nỗi lo mất mùa, lo lở hết đất vườn.Đêm xuống, sông mới rộn rã bởi tiếng gõ lách cách trên chiếc thuyền nan của ông già Bốn và mấy người giăng lưới. Xa xa lấp loáng những ánh đèn của thuyền câu cá bống cứ ẩn hiện dưới tàn lá sậy nhập nhòa trên sóng nước.

 Những ngày mưa trên sông, chao ơi là buồn! Tôi không bao giờ quên cái cảm giác khi ở nhà một mình ngày mưa.Mưa cứ rơi trên sông vắng, tưởng như bao nhiêu nỗi ưu tư, muộn phiền, giận hờn của đất trời trút hết xuống dòng sông. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn đến thế. Mưa trắng trời, trắng đất, mãi không hề ngưng. Mặt sông rộng ra,nước duềnh lên lênh láng.Sông cô đơn không bóng một con thuyền dù là chiếc thuyền nan bé xíu, chỉ có lục bình trôi tan tác trong ánh chớp nhì nhoằng lóe lên phía cuối chân trời.Lúc ấy tôi chỉ mong sao cơn mưa tan mau hoặc có ai đó bên tôi cho bớt đi nỗi buồn, nỗi sợ.

Rồi mưa lũ qua đi, dòng sông lắng lại, nước rút cạn dần để lại một lớp phù sa trên lá cây, trên đồng bãi. Nước dần trong trở lại, trả lại vẻ hiền hòa êm đềm vốn có cho dòng sông. Chỉ mình tôi hiểu dòng sông buồn tênh, trống vắng chả có gì khỏalấp đầy nổi nỗi nhớ trong tôi. 

Có những ngày mùa đông, sông cạn hẳn, có khi còn trơ đáy, chỉ còn một dòng chảy bé nhỏ ở giữa, lúc đó sông nhộn nhịp khác thường,người dân hai bên lội sông mò trai, mò hến, bắt tôm, bắt cá.Trẻ con hai bên dòng sông được dịp theo nhau bì bõm nghịch bùn, nghịch đấtthỏa thuê, mặc cho gió mùa thổi hanh hao, se se cả những vệt bùn đất trắng xóa trên người.

Trên bãi, những ruộng mía đang độ vào mật ngọt, lao xao lá múa như khua gươm, khoe những thân cây dài, thẳng tắp, vàng óng chờ đến ngày quay mật.Tôi nhớ nhất những ngày thu hoạch, lũ trẻ con tha hồ chạy nhảy và ăn mía.Chẳng thèm dao để tước, chỉ cần rửa nước sông rồi để ngang cây mía qua đầu gối, bẻ đôi, tước vỏ đi là có mía ăn, có ngay thứ nước thơm ngon, ngọt mát tận tới gan ruột, ăn cho đến khi rát lưỡi mới thôi. Những ngày đó, trước nhà tôi, lò quay mật nhà ông Phan, ông Thảo, ông Đan hoạt động suốt đêm ngày, tiếng  cối ép vào mía nghe răng rắc. Mùi mật thơm ngào ngạt cả một vùng bãi ven sông. Con người, cây cối được ướp bằng hương mật mía, ai cũng muốn hít hà căng đầy lồng ngực. Cho đến giờ, những lò quay mật chỉ còn trong ký ức nhưng tôi chẳng thể nào quên mùi thơm ngon, ngọt ngào ấy, mùi thơm chỉ cảm thôi mà khó lòng tả nổi bằng lời.

Ngoài triền sông, cả một cánh đồng hoa cải vàng tươinhư một bức tranh đẹp bừng lên trong nắng sớm làm lòng ai thổn thức, ấm áp suốt những ngày đông.

Dòng sông này đã nuôi những tâm hồn văn thơ đi vào lịch sử của văn học nước nhà. Làng tôi, làng Quang Xán, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định là nơi sinh Á Nam Trần Tuấn Khải, một nhà thơ yêu nước với những tác phẩm nổi tiếng như Duyên nợ phù sinh (1921), Gương bể dâu (1923), Bút quan hoài (1927),...Bên bờ kia, nơi làng Đại Hoàng, tổng Cao Đài, huyện Nam Sang, nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có một cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực (1940-1945) với các tác phẩm tiêu biểu như Đôi mắt, Sống mòn, Chí Phèo...

Sông là điệp khúc của bản nhạc ngân nga trong hồn tôi suốt cuộc đời. Ôm giữ vào lòng kỷ niệm của những tháng năm, những con người, những số phận ..., sông thân thiết như người bạn tri kỉ của tôi. Dòng sông là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu đất mẹ của những đứa con lớn lên từ mảnh đất này. Dù đi xa nhưng trong tâm thức tôi vẫn luôn nhớ về dòng sông xanh mát quê nhà, dòng Châu Giang mến thương của tôi./.

 

Tháng 10.2020

 

 

272672914_1370830996664212_514740295695227834_n

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)