bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 113
Trong tuần: 819
Lượt truy cập: 626171

MARIA GÁI

Nguyễn Xuân Mẫn
 
MARIA GÁI       
 
  Xuống mương nước kì cọ mãi mới sạch váng bùn vàng khè bám kín chân tay, nhưng tôi chưa rửa được nỗi ấm ức trong đầu vì chặt và vác cây cành cật lực cả ngày mà lão Khoái chỉ chấm cho tôi có tám điểm, chưa bằng hai phần ba những người khác. Phần vì không đủ sức khỏe đi thoát ly, nhưng chính là thương mẹ quanh năm ốm yếu vẫn phải nai lưng làm lụng nuôi bảy tám miệng ăn cho bố công tác ngoài xã, nên tôi đành ở nhà. Bởi thân hình gầy còm nên dù đã sang tuổi lao động chính, bao giờ tôi cũng bị họ coi là làm như trẻ con. Vừa rửa, tôi vừa nghĩ ngày mai được nghỉ sẽ lên rừng Tùng Chỉn lấy mươi khoanh mây cho mẹ đi chợ, chỉ cần đi hai ngày tôi cũng kiếm được mười đồng, bằng nửa tháng lương cán bộ xã của bố. Chợt có tiếng lão Khoái đội trưởng gọi giật ở phía sau: “Đài ơi! Lên đây tớ bảo này!” Nghe tiếng “tớ” thân mật, tôi đoán nếu không nhờ tôi làm hộ lão sổ điểm của đội, thì lão cũng giao cho việc gì đây. Khi tôi đến gần, giọng lão sao mà ngọt thế: “Biết nhà cậu đã làm đủ ba suất  dân công nghĩa vụ rồi nhưng đội mình nhiều người ốm lại bận việc nên không đi xa được. Đợt này cậu đi dân công chuyên môn  ba tháng mở đường Sả Dỉ Tý nhá! Đi thế có cái lợi là được mua gạo, mắm muối, lại được công trường trả thêm tiền mà hợp tác tính công cho cũng cao. Mấy lị, cậu ở nhà chặt cây đánh gốc khai ruộng vất vả lắm!”  Biết họ vẫn tìm cách đẩy mình đi thay để họ ở nhà hùng hục phá ruộng, phát nương riêng, tôi định trả lời không đi nhưng nghĩ rằng thoát bị họ bắt nạt ngày nào hay ngày ấy. Tiếc tiền chục khoanh mây nên tôi lưỡng lự, lão đội trưởng phân trần: “Hợp tác đòi phải có bảy người nhưng tớ kêu đang đốc thúc dọn hoang cánh khe Vông cho kịp vụ cấy, tớ nói mãi họ mới đồng ý cho cử hai người. Ban quản lý đội chúng tớ bàn rồi, cử cậu với cô Gái!” Rồi mắt lão nhấp nháy cười: “Cứ đi đi, cần đến việc nặng nhọc, con bé giúp cậu ngay ấy mà!  Thế nhá! Tớ dặn cô Gái chiều mai ở nhà đợi cậu!”
   Dù mỗi người một quê nhưng ngay từ khi đặt chân lên quê mới, mọi công việc hàng ngày cứ gắn bó tôi với chị, người có tên là Gái ấy…
12345
   …Chiếc xe tải không sang bờ bên kia suối Sền Siềng được, những người miền xuôi lên khai hoang phải xuống xe gánh bộ lội qua suối. Nắng tháng mười hanh khô như hun nóng thêm con dốc ngoằn ngoèo giữa đồi gianh. Dù chỉ mỗi đầu một chiếc dó cói đựng mười lăm cân gạo, nhưng tôi đi chừng trăm mét là mồ hôi đổ đầm đìa, mồm mũi tranh nhau thở. Không theo kịp mọi người, tôi đành tụt lại sau, hạ đôi quang dó xuống giữa đường, tạt vào lùm cây lau ngồi nghỉ. Một làn gió thổi qua dịu mát nhưng chỉ lát sau, khắp người ngứa cồn cào, sau này tôi mới biết thủ phạm gây ngứa là những lông cỏ gianh nhỏ li ti, bị nắng hun khô rồi được gió tung đi khắp nơi.  Tôi định cởi quần dài san bớt gạo, giấu vào bụi rậm rồi mai ra lấy nhưng lại sợ mất. Tôi thầm nghĩ nếu có ai đi cùng đường, gánh đỡ mình một đoạn thì tôi sẽ mang ơn người ấy suốt đời. Mơ được, ước thấy, vừa lúc ấy, một người con gái đang gánh hai bao tải gì đó phăm phăm vượt dốc đi lên. Trong tấm áo gụ bạc mầu, người ấy khoe ra thân hình đẫy đà cao lớn mà con gái làng Tứ Thủy quê tôi không có được. Đổi chiếc đòn ống trên vai, chị cất giọng: “Đi rỗi! Nên qua đỉnh dốc có gốc đa ngồi nghỉ có thướng hơn không!” Tôi chỉ buông được câu trong hơi thở: M…ệ…t! Đặt quang đòn xuống đường, nhấc cả hai dó gạo của tôi để lên hai cái tải của mình rồi chị vui vẻ: “Tớ gánh đỡ một núc vậy!” Sau này tôi mới biết âm vực nằng nặng và ngọng ấy là của dân dưới vùng biển Hải Hậu, Nam Định. Nhìn chị thoăn thoắt đi trước, tôi thầm thán phục nguời con gái sao mà to khỏe thế…
   Qủa nhiên qua đỉnh dốc chừng trăm mét có cây đa to gấp ba bốn cây bàng làng tôi, gần đó là khe nước chảy róc rách. Ngồi nghỉ trò chuyện, tôi biết nhà chị ở cùng  làng mới của tôi. Gần một năm trước, hơn ba chục gia đình Công giáo ở đồng muối Đông Hải lên đây, ban đầu háo hức với đất rộng người thưa nhưng đường rừng đèo dốc, ốm đau phải cáng nhau hai chục cây số mới ra tới bệnh viện. Mấy bà mộ đạo than phiền: “Chưa làm được nhà nguyện, xa nhà thờ không đi lễ được, khéo mà mắc trọng tội với Chúa!…” Họ âm thầm bồng bế nhau về quê, cam chịu cảnh đất chật người đông, chỉ còn lại nhà chị và năm nhà nữa… 
          Nhà chị Gái được nhập vào đội sản xuất của tôi. Lấy lý do chúng tôi là thanh niên phải đầu tầu gương mẫu, nên các ông cán bộ đội sản xuất thường giao cho tôi và chị Gái phun thuốc trừ sâu, tiêm phòng dịch lợn gà và những việc không ai muốn làm. Thấy chúng tôi thường xuyên đi làm với nhau, nhiều người gán ghép là vợ chồng, tôi xấu hổ đỏ mặt, còn chị Gái thì đốp chát lại: “Thèm vào lấy thằng bé teo ấy!” Họ lại cười phá lên: “Mày thèm vào chứ có thèm ra đâu!” 
   Làng mới của tôi nằm ở ngã ba đường, tuy chỉ có vài chục nóc nhà nhưng lúc nào cũng đông người. Từ huyện đi bộ già buổi sáng  mới vào đến làng tôi. Cán bộ huyện, giáo viên, y tá…ghé qua nghỉ nhờ một đêm để lấy sức sáng mai leo dốc lên các xã rẻo cao. Đồi núi ở đây nằm trong vùng thăm dò quặng đồng, lại giàu lâm sản, nên tá túc đông nhất vẫn là công nhân địa chất, công nhân lâm nghiệp. Dẫu không thuộc hàng làm cho đổ quán xiêu đình nhưng chị Gái trở thành bông hoa hiếm hoi nở giữa ngàn trùng,  nên các chàng trai cứ như ong bướm dập dìu bay lượn xung quanh. Bất kể ban ngày hay ban tối, nhà chị lúc nào cũng có người đến chơi. Nhiều anh vào nhà chị là hăm hở cầm cuốc lên nương hay đeo dao, vác búa lên rừng chặt vầu, đẵn gỗ và cả trổ tài xay, giã, dần, sàng…Ngày nào chị cũng nhận được bốn năm lá thư, khi gửi qua bưu điện, lúc nhờ trẻ con đưa. Không rõ chẳng tán được chị rồi bịa hay là chuyện thật mà mấy chàng địa chất trọ ở làng tôi thì thầm với nhau: “Gặp con Gái ở dốc Pa Cheo, thằng Sính ở tổ tìm kiếm quặng nổi đứng tán mãi, tưởng con bé thích nên ôm chặt lấy, định tìm kiếm quặng tình. Con khỉ ấy vòng tay ghì chặt, làm thằng dê nổi cơn khoái chí. Nào ngờ bị con hộ pháp thúc mạnh đầu gối lên, hắn bị đau phát dúm người, phải ôm bộ hạ co chân chạy!”
   Khi chỉ có hai người, chị thường kể với tôi chuyện thằng cha Lai ở đội lâm nghiệp hứa với thầy chị sẽ chặt hộ toàn gỗ ngát làm năm gian nhà như đình làng ở xuôi, thầy chị bảo hỏi con Gái xem nó có tiền thuê thợ mộc không. Hắn lấy cớ ấy lừ lừ như con gấu, xuống bếp xem chị đun chảo cám lợn. Chị cầm mủng lừa hắn: “Để em lên nhà lấy thêm cám!” rồi vào buồng chốt cửa ngủ một mạch đến sáng. Có lần chị kể: Tay Hải kỹ sư địa chất trai Hà Nội, lúc nào cũng diện cặp kính cận dầy như đít chai, nhiều hôm vào nhà chị ngồi tận khuya nhưng chị dửng dưng không thèm rót nước rồi lẻn sang nhà hàng xóm. Tôi cười: “Người danh giá thế sao không nhận lời?” Bập mạnh lưỡi búa vào thân cây dẻ đá, chị bĩu môi: “Những thằng ấy đều không đáng đàn ông!”
   Xế chiều, hai chúng tôi khiêng chiếc máy tuốt lúa đạp chân mua ở cửa hàng tư liệu nông nghiệp huyện về đến đỉnh dốc Pa Cheo. Chị Gái kêu: “Nhọc lắm rồi, nghỉ đã, đằng nào cũng tối, chờ trăng lên hẵng về. Lão Khoái đội trưởng đã nhận trả mỗi đứa mình mười tám điểm rồi, về sớm lần sau nó rút điểm!” Tôi làu bàu: “Nghỉ tý thôi, em đói bụng lắm!” Lấy trong túi đeo bên hông ra bọc giấy báo, giọng chị vui vẻ: “Ăn tạm bánh bao vậy. Biết cậu háu đói nên lúc cậu trả tiền máy tuốt lúa, tớ tạt vào cửa hàng ăn uống xin mua bốn cái. Họ bảo mỗi người được mua có hai cái, tớ chỉ sang cửa hàng tư liệu nói dối: Chồng em từ sáng sớm chưa ăn gì, có khi bị lả phải đưa vào bệnh viện! Họ cười rồi bảo đưa tiền bán cho sáu cái!”
   Tôi nhìn chị mà thấy xốn xang tâm trí. Chị và tôi chênh lệch nhau nhiều chuyện. Chị rất hiểu tính nết của tôi từ việc làm đến nết ăn ở còn tôi lại rất vô tâm với chị và cả bản thân mình. Chị tuổi Thân còn tôi tuổi Tý, chênh nhau tới bốn tuổi.  Lúc ở cửa hàng tư liệu, đứng lên cân bàn, tôi chỉ có bốn mươi hai cân cả quần áo, còn chị vừa đứng lên, vạch cân đã chỉ tới con số sáu mốt. Chị kêu nửa tháng vỡ ruộng hoang, tớ thút hai cân đấy! Tuy là con trai nhưng sức tôi yếu nên làm việc gì cũng phải cố, còn chị làm mọi việc đều phăm phăm. Nhiều chàng trai dập dìu tìm đến với chị, còn tôi chẳng gặp được ánh mắt cô gái nào. Hai người đang vui vẻ cùng ngồi trên đòn khiêng ăn bánh, tôi hỏi có đúng chị bị tay Sính trêu ghẹo không? Dí tay lên trán tôi, chị nghiêm giọng: “Còn nhẹ đấy, mạnh tý nữa, nhà nó mất giống rồi!” Tôi cười: “Điều hai trong Kinh cải tội bảy mối có dạy: …Hãy nhịn, chớ hờn giận… mà chị đánh người suýt mất giống là mắc trọng tội rồi!” Chị bảo: “ Chả nhẽ để chúng nó coi mình như trò chơi mà được à!” Nghe tôi đọc làu làu hết bài Kinh thú nhận mà các giáo dân vẫn đọc, chị cười: “Sao cậu thuộc bài kinh ấy!” Tôi bảo: “Ngày ở quê, đi học cùng các bạn Công giáo nên vẫn được họ cho mượn sách kinh, em vẫn nhớ bài này có ba câu, bảy mươi sáu chữ!” “Có đông bạn nữ đi đạo không vậy?”  “Có chứ, lớp bảy của em có tám bạn, ngày nào chả đi với nhau bốn cây số lên trường!” Chị nheo mắt cười: “Tiếc qúa, giá mà còn ở xuôi có khi làm rể bên nhà thờ nhỉ!” Ngó nhìn hai đầu dốc vắng vẻ, chị ghé sát vào tai tôi: “Lấy vợ đi ông tướng!” Tôi cũng ghé vào tai chị nói rất  khẽ: “Lấy chồng trước đi!”. Chị chép miệng: “Phơi mình trên đồng muối trắng từ lúc sáu bảy tuổi, da đen như chấy nên không ai lấy, lên đây rừng xanh núi đỏ, da đỡ đen nhưng chẳng lấy được ai, chắc chết già thôi!!!”  Mặt chị rực đỏ như đi giữa nắng hè, nhưng với vẻ trầm ngâm như suy tư sâu xa lắm nhưng bất ngờ chị kêu rú lên: “Ối! Ối!!! Ngứa quá! Buốt quá!!!” Tức thì chị giật tung cúc áo, lật ngược xu chiêng lên giục tôi: “Mau lên! Tìm giúp với, nhiều con gì như kiến bọt đốt người ta sắp chết rồi! Nhanh nhanh lên!!!” Chị cởi phăng hai áo ra giũ phần phật, miệng van nài: “Tìm kỹ hộ đi, buốt lắm, gãi hộ đi, ngứa quá!!!” Trời chưa tắt nắng, tôi căng mắt ra cũng chẳng trông thấy gì mà tìm mà gãi trên tấm thân đồ sộ, rắn chắc của người con gái. Trái tim đập thình thịch làm tôi quên đi giới hạn hàng ngày, giục hai bàn tay tôi run run úp vào bộ ngực căng tròn. Chị lặng người, mắt lim dim vì bị nọc kiến quá buốt hay vì tâm trí đang lạc vào chốn mê cung. Mấy phút sau choàng tỉnh, cầm áo vụt túi bụi vào người tôi, chị nghiêm giọng: “Của con, không phải của cậu đâu mà động vào! Bắt đền đấy! Phải mặc áo cho người ta rồi về! Hở chuyện này ra tớ giết! Suýt nữa tớ phạm phải điều răn thứ sáu của Chúa! Bà nội tớ bị ốm nặng, tuần sau tớ phải về xuôi chăm bà nên phải đến nhà thờ xin rửa tội vừa nãy!”
   Phải về xuôi chăm sóc bà nội ốm nặng, Gái có xưng tội hay không, tôi chẳng rõ. Nhưng từ đó tôi và Gái không gặp được nhau. Máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt, trong miền Nam, lính Mỹ  - ngụy và bọn lính chư hầu ngày càng đàn áp nhân dân rất dã man. Cả miền Bắc mở cuộc tổng động viên tuyển quân, tôi làm đơn  tình nguyện và được lên đường nhập ngũ. Không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt nên giao thông quá khó khăn. Hơn chục lá thư tôi gửi về nhà và gửi về quê cũ cho Gái nhưng đều không có hồi âm. Đơn vị tôi chỉ huấn luyện chừng hai tháng đã phải  hành quân vượt Trường Sơn. Bẩy năm trên chiến trường Tây Nguyên rồi xuống đồng bằng sông Cửu Long, tôi từng nhiều lần chung chiến hào với các nữ du kích, cùng các nữ dân công đi gùi hàng, nhưng không gặp được người như Gái.
   Hòa bình, khoác ba lô về quê mới, ngồi nghỉ trên đỉnh dốc Po Pảo, trông về rừng núi phía tây bắc, làng Tứ Thủy của tôi đang bình yên trong màn sương lảng bảng. Lòng dạ tôi bồi hồi liệu còn được gần mùi mồ hôi chua chua, dìu dịu thân thuộc của Gái, hay Gái đang đèo bòng ba bốn đứa con trong làng Tứ Thủy kia hoặc là một nơi xa…
   Nhà Gái ở ngay đầu làng nên tôi tạt vào trước khi về nhà mình. Bác Nhỡ, mẹ của Gái vác cuốc ra ngõ, mừng mừng tủi tủi quẳng cuốc, ôm chầm lấy tôi khóc: “Gái ơi! Con ở đâu??? Anh Đài từ biển lửa rừng bom về mà con không ở nhà đón bạn con!!!” Tiếng khóc não lòng như mũi dao vô hình khứa vào tận tim tôi, phải bình tâm lắm, tôi mới ghìm không để rơi nước mắt. Nghẹn ngào mãi, bác Nhỡ mới kể: “Cháu đi rồi, ở nhà nhiều người đến hỏi nhưng nó đều lắc đầu không bằng lòng. Bố nó bảo biết mày không lấy chồng, tao cho đi dòng tu Mến thánh giá khi mày còn bé! Nó cười bảo thầy ơi! Chúa có ơn gọi mới được hồng phúc ấy! Đêm ngủ, nó vẫn thủ thỉ với bác: U ơi, dứt khoát anh Đài sẽ về. Đêm nào con cũng mơ thấy anh ấy mà. Bây giờ to khỏe hơn cả con đấy! Rồi nó ôm chặt lấy bác, rúc rích cười: Chồng trẻ dễ chiều, u nhỉ!!! Nào có ngờ đâu nó không chờ được cháu về…”
… Mưa to kéo dài hai chục ngày liền, khu đồi sau trại lợn hợp tác bị sạt lở, tất cả xã viên phải ra di chuyển đàn lợn đi nơi khác gần một buổi chiều. Khi còn một con lợn mẹ vừa đẻ lại bị chết hết con, nên nó rất hung dữ, không ai dám lại gần. Mọi người bảo thế nào đói nó cũng phải tìm đến đàn để ăn, nhưng trời càng mưa to hơn, Gái bảo sợ nó bị cảm hoặc đất sạt vùi lấp nó. Không hiểu bằng cách nào mà Gái nhử dần, nhử dần được nó ngoan ngoãn đi theo. Bất ngờ một hòn đá to hơn cái thúng từ trên đồi lăn xuống đè vào người Gái. Người ta đưa Gái đi bệnh viện tỉnh cấp cứu nhưng bốn ngày sau, Gái ra đi. Trước khi về với Chúa Trời, Gái dặn lại mẹ: “Anh Đài về, u lấy quyển sổ tay của con để trong rương đưa cho anh ấy!”
   Cầm quyển sổ bìa hồng bác Nhỡ đưa, tôi lật ra xem. Những dòng chữ ở trang đầu tiên, Gái nắn nót ghi: Ngày… “…Hôm Đài đi bộ đội mình lại phải về quê chăm bà nội. Nếu biết Đài đi chiến trường, mình phải tìm cách giữ cho anh một đứa con vì vào trận mạc chẳng may Đài có mệnh hệ gì thì sao?... ” Không đọc hết trang, mắt nhòa đi, tôi đành gấp quyển nhật ký, đến bàn thờ thắp thêm hương cho Gái. Tôi đứng lặng người hồi lâu trước ảnh Gái đang mỉm cười, đôi mắt ánh lên ánh sự chờ đợi. Bên dưới tấm ảnh là dòng chữ: Maria Trần Thị Gái. Tôi lẩm bẩm một mình: Maria của tôi không vào nhà tu nhưng trọn đời là nữ đồng trinh.

                                                                                                        N.X.M
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)