bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 182
Trong tuần: 1325
Lượt truy cập: 645965

MỘT THOÁNG TÂY NGUYÊN

MỘT THOÁNG TÂY NGUYÊN

(Bút ký)

                      NGUYỄN THỊ LAN

 

          Nằm trên sườn Đông của dải Trường Sơn hùng vĩ mà trung tâm là năm tỉnh Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, Tây Nguyên là một vùng Địa/Chính trị, Kinh tế, Quốc phòng quan trọng của cả nước, là thủ phủ đầu tiên tại miền Nam được giải phóng.

          Có thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và nhiều danh thắng, Tây Nguyên còn là một vùng văn hoá đặc sắc với những sử thi, lễ hội, trang phục, kiến trúc nhà ở độc đáo, với những dàn cồng chiêng phát ra những phức hợp âm thanh đặc thù.

          Cuối tháng 10 năm 2014, đoàn văn nghệ sĩ Hải Dương chúng tôi đã đến đây trong một dịp đi thực tế sáng tác và đã có những trải nghiệm đáng nhớ.

 

          Gọi là "một thoáng" bởi trong hành trình 3.000km, qua 23 tỉnh thành với thời gian 12 ngày 11 đêm, chúng tôi chỉ thực sự ở trên đất Tây Nguyên 5 ngày 5 đêm. Trong trọn vẹn 5 ngày đó, chúng tôi đã sống bằng hết các giác quan của mình, cố nhìn, ngắm, nghe, và cả.. chạm vào Tây Nguyên, để có những cảm nhận nhiều nhất, sinh động và sâu sắc nhất về mảnh đất cao nguyên này. Bởi chúng tôi hiểu khó có dịp may mắn được trở lại miền đất đỏ bazan này nữa.

          Từ Hải Dương, qua 11 tỉnh đến Quảng Nam, xe chúng tôi lăn bánh vào đường Hồ Chí Minh, con đường huyền thoại, thẳng đến Tây Nguyên, vùng đất đỏ bazan hùng vĩ. Tây Nguyên dần hiện ra, cảnh vật vừa quen vừa lạ.

          Bầu trời, mặt đất, nắng, gió và cây, hoa

          Cũng bầu trời Tổ quốc "xanh, xanh lắm..." nhưng ở đây trời cao vời vợi và thăm thẳm "như rút ruột mà xanh", mây trắng nõn từng cụm. Chẳng thế mà có ai đã nói: "Hình như mây trắng là thương hiệu của cao nguyên đất đỏ". Và nhìn vào những cụm mây nõn, trinh nguyên ấy người ta "muốn làm thơ".

          Đến đây, bạn có thể thưởng thức một "đặc sản" của cao nguyên là nắng và gió. Nó vừa dữ dội nồng nàn, vừa mênh mang thảnh thơi trên cao nguyên rộng rãi bao dung. Say đắm nắng và gió nơi đây, ở trên xe chúng tôi đã hò nhau tắt điều hoà, kéo cửa kính để nắng và gió cao nguyên ùa vào.

          Tây Nguyên gợi nhớ cho chúng tôi một mảnh đất cũng ở phía Tây của Tổ quốc là Tây Bắc với núi cao, vực sâu, mây mù chờn vờn trên đỉnh núi, với màu xanh bất tận của núi rừng... chỉ có khác, núi ở đây không quá cao, vực không quá sâu, những cung đường trên sườn núi không quá chênh vênh như Tây Bắc. Rất nhiều cung đường trải nhựa phẳng lặng mịn màng để xe có thể thả ga thẳng tiến. Tây Nguyên đẹp một cách yên ả, hiền hoà.

          Nếu ở Tây Bắc, giữa trùng điệp của núi rừng bạn có thể thấy bàn tay và sức lao động của người dân miền núi qua những thửa ruộng bậc thang nhiều màu sắc như những chiếc thang mây bắc lên trời xanh; những rừng đào, rừng mận, rừng mơ, rừng thảo quả; những nương ngô, đồi chè... đẹp như tranh vẽ thì ở cao nguyên thắm đỏ sự hiện diện của bàn tay con người càng rõ hơn nếu bạn đi trên quốc lộ phẳng phiu, uốn lượn giữa những triền đồi xanh mướt, đẹp đến nao lòng là những vuông cao su thẳng cạnh, cây nối tiếp cây, hàng nối tiếp hàng quay dạt sau lưng. Rồi những đồi bắp dập dờn lá biếc, những đồi chuối xanh tươi nối dài, những vườn cà phê trĩu quả, những vườn tiêu xanh nõn, những vườn điều xum xuê... là những cây công nghiệp được trồng nhiều nhất, mang lại cuộc sống no đủ cho bà con nơi đây.

          Sự trù phú của vùng đất đỏ bazan ở ngay trên mỗi chặng đường mà xe chúng tôi đi qua. Gặp một căn nhà nhỏ bên đường, bạn hãy xuống nghỉ ngơi thư giãn. Căn nhà gỗ tềnh toàng lợp mái tranh xộc xệch giữa thổ vườn xanh nào tiêu, nào cà  phê, xoài, mít, cùng nhiều loại cây ăn trái khác. Dưới mỗi gốc cây là một cõi thiền dịu mát, ẩn chứa bao triết lý xa xăm. Thoảng trong gió là mùi hoa cà phê từ những bông hoa cuối mùa còn sót lại... Và ta chợt thấy tan biến mọi mệt nhọc trên suốt chặng đường dài.

          Bây giờ sắp sang mùa khô, hoa dã quỳ với vẻ đẹp hoang sơ, biểu tượng của sức sống Tây Nguyên ( loại hoa đặc trưng có mặt ở năm tỉnh Tây Nguyên và được chọn là logo của Năm du lịch quốc gia ) bắt đầu nở. Chúng tôi bất chợt gặp những bông hoa ấy trên đường đi, lúc vào Biển Hồ. Trong màu vàng hoang dại, hoa dã quỳ nở đánh dấu sự kết thúc của mùa mưa. Tuy không lớn như hoa hướng dương nhưng do mọc thành bụi nên khi bung nở hoa dã quỳ tạo nên một thảm vàng rực rỡ. Sắc vàng ấy như sưởi ấm cao nguyên lạnh giá, cùng với nắng gió cao nguyên, mê hoặc bất cứ ai đặt chân lên mảnh đất này.

          ... Và mưa:

          Khác ở miền Bắc có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thì ở Tây Nguyên có hai mùa: mùa Mưa và mùa Khô (mùa nắng). Mùa Mưa ở Tây Nguyên thường bắt đầu từ tháng Năm và kéo dài đến hết tháng Mười Một. Mùa Mưa là mùa cỏ cây thay áo mới, mùa người ta đi làm rẫy, trồng tỉa, mùa của ấm no.

          Chúng tôi đến Tây Nguyên vào cuối tháng Mười, vẫn là mùa Mưa. Cả Tây Nguyên xanh ngăn ngắt và chúng tôi đã "thưởng thức" mùa mưa Tây Nguyên trên đường đến thác Dray Nur, thác Gia Long ở Đắk Lắk.

          Những cơn mưa rừng mù mịt xối xả trong hoàng hôn buông xuống, trong hoang lạnh của núi rừng. Mưa trên cao nguyên thường sầm sập đổ xuống vào buổi chiều. Mưa làm nhạt nhoà núi non, mờ mịt con đường trước mặt. Mưa ướt át buông trùm trên cánh rừng lạnh lẽo. Mưa làm lút những bánh xe lăn trên đường. Mưa nhuộm trắng những cánh rừng nguyên sinh với màu xanh ngút ngàn. Ở những con thác chúng tôi đến, cơn mưa trút trên thượng nguồn làm cho dòng thác trở nên hùng vĩ và dữ dội hơn. Đi trong mưa rừng lúc đó ta thèm một khoảng trời xanh vời vợi, một ngọn lửa hồng, một mái nhà, một bàn tay ấm để xua đi cái cô đơn, hoang lạnh của một chiều mưa trên cao nguyên.

          Đến Đà Lạt vẫn mưa. Ở thác Datanla, thác nước đẹp nhất Lâm Đồng, một thắng cảnh cấp quốc gia, mưa ào xuống xối xả. Sau cơn mưa, quang cảnh nơi đây trở nên trong sáng và đẹp bội phần. Mùa mưa là một phần thú vị của du lịch Đà Lạt.Mưa Đà Lạt mang nét buồn hoài cổ nhưng đẹp một cách khó quên. Thành phố cao nguyên  bốn mùa lạnh ấy như được rửa sạch bụi bặm trên từng lá thông nhọn, trên từng vạt cỏ xanh tốt ven đường. Những quán cà phê buổi sáng khách vào sau cứ tự nhiên chen vào ngồi co ro trong cái lạnh. Từ khách sạn, nhìn qua ô cửa kính, những giọt mưa bay trên phố, những chiếc xe lướt qua trong mưa cũng rất Đà Lạt. Mưa làm cho Đà Lạt thêm thi vị. Đêm mưa ở Đà Lạt, vùi mình trong chăn ấm, nghe tiếng mưa rơi thật thú vị.

          Ở Đà Lạt, bạn kể tôi nghe về lễ hội "Mưa phố núi Đà Lạt" lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 8 năm 2014. Tôi tưởng tượng cái thú đi chơi dưới mưa, từng cặp, từng cặp lứa đôi kề nhau đi trong mưa dưới những chiếc dù xinh xinh trong suốt đủ sắc màu và trong giai điệu những bài hát mưa lãng mạn, vòng tay quấn quanh mình truyền hơi ấm tình cảm. Lễ hội Mưa làm cho mùa mưa ở thành phố cao nguyên này thêm lãng mạn. Mưa Đà Lạt đã biến thành một sản phẩm du lịch, chắc chắn mùa mưa sang năm du khách sẽ đến Đà Lạt nhiều hơn.

          Những cánh rừng

          Tây Nguyên bao la hùng vĩ, Tây Nguyên tươi đẹp và Tây Nguyên còn rất hoang sơ, đây là điểm hấp dẫn những ai ưa xê dịch, khám phá. Trong những ngày ở Đắk Lắk, đoàn chúng tôi đã được anh An Quốc Bình, một hoạ sĩ trẻ, thiết kế mỹ thuật cho tạp chí Chư Yang Sin của Hội VHNT Đăk Lăk, tác giả của bức vẽ biểu tượng Đăk Lăk, làm hướng dẫn viên giúp đoàn. Trên đường đến bản Đôn, Bình đã đưa chúng tôi xuống tham quan một khu rừng khộp, loại rừng đặc hữu ở Tây Nguyên, một kiểu rừng đặc trưng với các cây thuộc họ dầu, lá rộng (to hơn lá bàng). Kiểu rừng thưa thoáng này thường có ở những vùng khí hậu phân biệt hai mùa mưa - khô rõ rệt. Bình đã nhặt cho tôi xem một mảnh gỗ trong rừng khộp: nặng, chắc nịch, nâu sẫm và rắn như thép. Anh chỉ vào một cây trong rừng đã trơ trụi lá và cho biết: mùa khô, đất đai khô cằn, các dòng suối trong rừng đều cạn kiệt khiến những ai đầu tiên đến thăm rừng khộp ngỡ là rừng chết. Những thân cây trơ cành, trụi lá đứng im lìm suốt mùa Khô. Nhưng rừng khộp có sức sống mãnh liệt, chỉ cần một cơn mưa thoáng qua là cả rừng khộp lập tức bừng màu xanh trở lại như có chiếc đũa thần đụng vào. Trong suốt mùa mưa, cây cối trong rừng khộp phát triển mạnh mẽ tốt tươi. Và trong tôi, một liên tưởng vụt hiện giữa rừng khộp và con người Tây Nguyên kiên cường, dũng mãnh, bất khuất, thuỷ chung. Phải chăng thiên nhiên ấy sẽ có những con người ấy.

          Nghe bạn kể về rừng khộp, tôi lại nhớ đến những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa. Các anh kể cho tôi nghe những ngày hành quân qua rừng khộp ở nước bạn Lào: nắng gay gắt, rừng thưa lá không đủ bóng mát che, chiến sĩ  ta vai mang vác nặng, nhễ nhại mồ hôi sải bước trong rừng... Rồi mùa khô, lá rừng khộp rụng đầy, khô giòn như chiếc bánh đa, lính trinh sát các anh phải lượm từng chiếc lá, mở một lối đi, tránh dẫm lên gây tiếng động khiến lũ thám báo của địch biết. Đó là những kỷ niệm khó quên về rừng khộp.

          Bạn bảo rừng khộp có giá trị về kinh tế và sinh học, sinh thái nhưng ở Tây Nguyên hệ sinh thái rừng khộp  đang bị phá vỡ, đa dạng sinh học dãy Trường Sơn đang bị xác xơ. Rừng khộp đang bị xâm hại nghiêm trọng kéo theo sự biến đổi môi trường sinh thái. Đứng ở nơi đây chúng tôi mới thấm thía câu nói: "Hết rừng khộp là hết Tây Nguyên".

          Chúng tôi đã vào khu "rừng thiêng" "rừng nghĩa địa" nằm trong rừng khộp. Ở đây có những "nhà mồ" có cái chòi nhỏ trên nấm mồ để che mưa nắng cho người chết, có hàng rào xung quanh nhà mồ và những pho tượng mồ. Trước đây, những pho tượng ở nhà mồ thường được đẽo gọt bằng gỗ, nay ở đây đã thay thế bằng xi măng. Phần lớn tượng nhà mồ là tượng người, những bức tượng với những đôi mắt âm u, trân trối, thăm thẳm. Tượng ấy được đặt vào quần thể nhà mồ với những cột trang trí, với hàng rào, với hoa văn trên mái, với cả phối cảnh địa hình cây cối nữa thì càng sinh động. Và gió, thứ gió không bao giờ ngừng thổi trên cao nguyên, lay động cây cối xào xạc những chùm tre nhạc cụ - chuông gió lại càng tăng thêm vẻ lung linh và âm thanh rộn ràng. Lúc ấy dường như tượng đang trò chuyện với cảnh quan và cả với chúng tôi nữa.

          Những thác nước:

          Nằm trên sườn của dải Trường Sơn hùng vĩ, Tây Nguyên có nhiều thác nước đẹp vào loại bậc nhất của Tổ quốc. Chỉ kể riêng ở Buôn Mê Thuột đã có những thác nước rất đẹp. Nằm cách Buôn Mê Thuột 25km đi theo quốc lộ 14, thác DrayNur là thác trung nguồn cùng với thác Gia Long nằm trên hệ thống thác của sông Sêrêpốk. Đây là những thác nước đẹp, hùng vĩ. Chúng tôi đến hai thác nước này trong một buổi chiều từ bản Đôn về. Bạn hãy tưởng tượng: Dòng Sêrêpốk đang chảy cuồn cuộn giữa rừng già, bỗng đổ thẳng xuống bậc đá sâu tạo nên dòng thác trước khi tiếp tục xuôi đi. Từ dưới nhìn lên thác Gia Long cao khoảng 50 mét, mặt thác rộng chừng 100 mét. Bụi nước tung trắng xoá như làn khói giữa núi rừng. Không khí nơi đây huyền diệu như mùa thu Bắc Bộ.

          Những hồ nước:

          Tây Nguyên còn nổi tiếng với những hồ nước rộng và tuyệt đẹp trên miền cao nguyên có độ cao trung bình từ 500-600 mét đến 1500 mét so với mực nước biển. Các hồ ở Tây nguyên luôn gắn với truyền thuyết đẹp về tình yêu lứa đôi, làm tăng thêm nét thơ mộng, lãng mạn.

          Đó là hồ TNưng hay còn gọi là Biển Hồ ở Pleiku Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nguyên nằm ở độ cao 1000 mét so với mực nước biển. Hồ chính là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động hàng trăm triệu năm qua. Chúng tôi đến Biển Hồ vào một buổi chiều trước khi đến Pleiku. Con đường vào hồ với hàng thông ba lá cổ thụ như thơ mộng hơn vào tiết cuối thu. Điểm xuyết trong màu xanh bạt ngàn của rừng thông tuyệt đẹp là những bông hoa dã quỳ đầu mùa khoe sắc vàng. Biển Hồ ăm ắp nước và xanh ngăn ngắt như chiếc gương khổng lồ lớn trên chót vót cao nguyên. Xung quanh Biển Bồ được vây bọc bởi những ngọn núi và rừng thông xanh mát quanh năm. Biển Hồ là "đôi mắt" của phố núi Pleiku. Đến đây chúng tôi mới hiểu vì sao trái tim nhạc sĩ Nguyễn Cường muốn tan vì "viên ngọc bích" núi rừng Tây Nguyên này.

          Trên đường đi từ Buôn Mê Thuột đi Đà Lạt, chúng tôi đã rẽ vào Hồ Lắk, một thắng cảnh tuyệt đẹp của Đắk Lắk còn nhiều dấu ấn nguyên sơ. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk. Hồ Lắk được thông với con sông Krông Ana, hồ có độ sâu lớn nhất Tây Nguyên. Đến đây bạn sẽ được dân bản địa kể cho nghe cả huyền thoại hồ sâu không đáy. Nơi đây có nhà nghỉ dưỡng của vua Bảo Đại toạ lạc trên đỉnh đồi (ông vua này thật "chịu chơi", ở Buôn Mê Thuột ông cũng có một "biệt điện" lộng lẫy). Từ trên cao nhìn xuống, mặt hồ luôn xanh thẳm phẳng lặng như gương. Xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao và cánh rừng nguyên sinh với hệ động vật phong phú. Hồ Lắk là cả một không gian bát ngát thanh bình với cảnh sơn thuỷ hữu tình, với cỏ cây hoa lá rất mực nên thơ. Bạn có thể đi dạo ven hồ với con đường nhỏ. Đến đây, lữ khách sẽ được thư giãn trút bỏ hết những mệt nhọc sau một chặng dài rong ruổi trên đường. Phong cảnh nơi đây đặc biệt thích hợp với những ai yêu thiên nhiên, thích tĩnh lặng, có tâm hồn lãng mạn cô đơn.

          Vào Đà Lạt bạn đừng quên đến hồ Xuân Hương nằm ngay trung tâm thành phố. Hồ Xuân Hương được đặt theo tên của nữ sĩ tài hoa, người được mệnh danh là "Bà chúa thơ nôm". Nhìn từ xa hồ Xuân Hương có dáng hình trăng lưỡi liềm. Đường đi quanh hồ kéo dài gần 7km đi qua nhiều địa danh của thành phố như vườn hoa thành phố, công viên Yersin, đồi Cù. Mặt hồ phẳng lặng như chiếc gương để thành phố soi bóng. Ven hồ là những thảm cỏ xanh mướt, là những cây thông ba lá to lớn thân sần sùi, là hàng cây anh đào hay hàng liễu đu mình trong gió. Tất cả tạo nên một khung cảnh rất mực nên thơ. Hồ Xuân Hương là con tim của thành phố, làm tăng vẻ yêu kiều duyên dáng cho Đà Lạt. Sẽ cô quạnh ,lạnh lẽo, đơn điệu với những rừng thông bạt ngàn nếu Đà Lạt không có hồ Xuân Hương.

          Sông Sêrêpôk, bản Đôn và những chiếc cầu treo

          Sông Sêrêpôk, con sông chảy ngược hiếm hoi ở Việt Nam. Sông không theo quy luật từ hướng Tây Bắc - Đông Nam như hệ thống sông ở Việt Nam mà dòng sông chảy ngược theo hướng Tây, lên thượng nguồn đổ vào Biển Hồ trên đất bạn Campuchia, sau đó hợp với dòng sông Mê Kông rồi mới hoà mình vào biển Đông. Ở bản Đôn, dòng Sêrêpôk cứ cuồn cuộn, réo rắt suốt đêm ngày. Nước sông chở đầy phù sa bồi đắp cho đôi bờ, bên kia là vườn quốc gia Yokdon, bên này là bản Đôn hiền hoà.

          Bản Đôn hay còn gọi là buôn Đôn. Theo tiếng Lào (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) "bản Đôn" nghĩa là "làng Đảo". Ngôi làng được dựng lên giữa dòng của con sông Sêrêpôk, được coi là nơi giao nhau của ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia. Bản Đôn tồn tại hàng bao thế kỷ nhưng vẫn giữ nét hoang dã của núi rừng. Khách đến đây là bước vào vùng đất của trăm năm, chạm vào không gian của đại ngàn hoang dã. Đến đây du khách sẽ thấy phố xá, thị thành bỏ lại sau lưng để sống giữa một đảo nhỏ xinh xắn giữa núi rừng bao la của Tây Nguyên lộng gió. Bản Đôn nổi tiếng với nghề săn bắn, thuần dưỡng voi. Đến bản Đôn, chúng tôi đã cưỡi voi qua sông Sêrêpôk, thăm nhà sàn cổ của "vua săn voi" Khum zu cốp được hoàn thành từ năm 1885 kiến trúc theo lối Lào - Thái. Nhưng ấn tượng hơn cả là đến khu cầu treo.

          Đây là cây cầu du lịch được làm bằng vật liệu tre, nứa, song, mây có gia cố thêm cáp sắt do người Nhật giúp xây dựng. Cầu được bắc trên một bụi gùa khổng lồ hàng trăm năm tuổi bên bờ sông Sêrêpôk chảy qua bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Sêrêpôk Cây cầu dài khoảng 1km với bảy phân đoạn gắn kết với một hệ thống sàn nghỉ, nhà hàng gia công bằng gỗ cũng hoàn toàn nằm trên cây. Đến đây du khách có cảm giác được hoà mình với thiên nhiên. Trên chiếc cầu treo chúng tôi có dịp ngắm dòng Sêrêpôk cuồn cuộn chảy.

          Những trải nghiệm đi trên cầu treo cũng thật khó quên. Vẫn cảm giác "sợ kinh khủng" như khi chúng tôi đi qua cầu treo bắc qua dòng sông Mã ở Sơn La, Tây Bắc. Chiếc cầu treo đong đưa như chiếc võng khổng lồ khiến ai yếu bóng vía khó có đủ can đảm vượt qua. Bạn đi chậm cầu cũng lắc, dừng lại càng lắc, tiến thoái lưỡng nan. Vượt qua nỗi sợ hãi cuối cùng chúng tôi cũng đi qua.

          Sau khi đi dạo một vòng chúng tôi tụ họp trên sàn gỗ rộng rãi, lửng lơ trên cây. Có cảm giác như ta đang trốn tránh thú dữ thuở hoang sơ vượt dòng Sêrêpôk, rồi lắng nghe tiếng rì rầm kể chuyện của dòng sông, thưởng thức những món đặc sản của bản Đôn như cơm lam, những món ăn chế biến từ cá sông, đặc biệt món gà nướng bản Đôn được chế biến theo một công thức đặc biệt.

          Buôn Akô Dhông và những ngôi nhà dài

          Đến Đăk Lăk, bạn đừng quên đến tham quan những ngôi nhà dài. Đây là một kiểu kiến trúc nhà ở độc đáo, giàu bản sắc, rất "Tây Nguyên". Chúng tôi đã gặp những ngôi nhà dài của người Lào ở bản Đôn, của người MNông ở hồ Lăk và của người Êđê ở buôn Akô Dhông.

          Buôn Akô Dhông còn được gọi là buôn Cô thôn. Akô Dhông tiếng Êđê  nghĩa là Buôn Lũng Đầu Nguồn, có lẽ vì có nhiều con suối bắt nguồn từ đây, buôn cách trung tâm thành phố Buôn Mê Thuột khoảng 2km.

          Akô Dhông xưa kia rừng hoang phủ kín nay có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là "Buôn nhà ngói". Đây là buôn giàu nhất, lạ nhất, đặc sắc nhất Tây Nguyên, một buôn đẹp như tranh với con đường trục sạch sẽ, hai bên đường là cây xanh và những khóm hoa được cắt tỉa đẹp đẽ. Một buôn vừa hiện đại, vừa cổ xưa êm ả.

          Người dân ở đây chủ yếu sống bằng trồng cà phê, bà con biết cách làm ăn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào khá cao, nhà ở khang trang thấm nhuần văn hoá bản địa cổ xưa mà vẫn hiện đại văn minh. Buôn Akô Dhông gợi nhớ cho chúng tôi về bản Lác ở Mai Châu, Hoà Bình. Một bản cổ xưa với 100% dân là người Thái, thu hút nhiều lượt khách du lịch đến thăm.

          Ở Akô Dhông, chúng tôi đã đến thăm một ngôi nhà dài mà nữ chủ nhân là H'Len, người Êđê, theo Thiên chúa giáo.

          Ở Tây Nguyên, những ngôi dài thường rất dài (từ 15 mét đến 100 mét). Một ngôi nhà lớn của nhiều thế hệ sống chung như một đại gia đình và là nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ người Êđê. Vì là nơi ở chung có khi cả một dòng họ nên thường được nối dài mỗi khi một thành viên trong gia đình xây dựng gia thất. Vì vậy có huyền thoại "nhà dài như một tiếng chuông", bởi đứng đầu nhà mà đánh chuông thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi mất luôn không còn nghe thấy gì nữa.

          Nhà của H'Len kết cấu theo kiểu nhà sàn thấp dài khoảng 15 mét được làm bằng gỗ, tre, nứa, lợp mái ngói, theo hướng truyền thống Bắc - Nam. Xung quanh nhà là những gốc cây cổ thụ, cây xanh làm tăng thêm vẻ hoang dã của ngôi nhà. Cầu thang được đẽo gọt bằng tay và được trang trí hình hai bầu vú (thể hiện tín ngưỡng phồn thực rõ nét của người Êđê) và hình trăng khuyết (tượng trưng cho sự chung thuỷ). Từ cầu thang, qua sân khách vào nhà, các cột kèo được trang trí bằng hình ảnh các con vật, gần gũi với người Tây Nguyên và được đẽo tay với cây rìu truyền thống. Sàn nhà có ghế con, ghế chủ, ghế dài kpan, bếp chủ. Trên vách nhà treo cồng chiêng là các nhạc cụ truyền thống và các cung nỏ, các bộ sừng thú. Khu vực bếp có quả bầu khô đựng nước, nồi, gạo...

          Ở buôn Akô Dhông (và cả ở nhà H'Len) thấp thoáng sau nếp nhà dài truyền thống là những căn nhà bê tông kiểu biệt thự hay mái bằng. Guồng quay đô thị, rừng bị phá huỷ, căn nhà dài chật hẹp không thể nối thêm cho những đứa con lần lượt trưởng thành. Nhưng để giữ hồn cốt Êđê, những ngôi nhà bê tông này xây sau lưng những nhà dài truyền thống. Người Êđê buôn Akô Dhông đã làm theo đúng lời dặn của già làng Ama Hrin: "Mất nhà dài coi như mất cồng chiêng, mất sử thi, mất ghế kpan, mất cả Giàng, mất cả hồn cốt người Êđê." Đến đây chúng tôi càng thấm thía về việc bảo tồn văn hoá dân tộc khi tận mắt chứng kiến những ngôi nhà dài mang vẻ đẹp hoang sơ, đầy vẻ kiêu hãnh, chẳng thể phôi phai trong guồng quay của thời đại.

          Thuỷ điện Tây Nguyên và những hệ luỵ

          Tây Nguyên hiện còn gần 300 dự án thuỷ điện. Riêng các dự án đang vận hành đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện quốc gia, nộp ngân sách 1800 tỷ đồng thuế và phí các loại. Song hệ luỵ từ những dự án này ngày một nghiêm trọng, di hại lâu dài và "không tính được bằng tiền". Bao cảnh quan sinh thái bị phá vỡ, làm đảo lộn trật tự sinh thái và môi trường bị phá huỷ nặng nề, gây ngập úng về mùa lũ, hạn hán về mùa khô cho hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu ở hạ du tỉnh Đắk Lắk. Người dân mất đất sản xuất, không đảm bảo không gian sinh tồn cho đồng bào các dân tộc. Những cánh rừng già vĩnh viễn nằm dưới lòng hồ thuỷ điện. Chẳng con thú nào dám ở đây. Việc xây dựng thủy điện ố ạt trên sông SêSan và sông  Sêrêpôk - hai trong số những dòng sông chính ở Tây Nguyên đã tác động mạnh mẽ và thiếu bền vững tới hệ sinh thái tự nhiên. Tây Nguyên không còn bình yên từ khi công trình thủy điện chặn nước trên các sông. Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nơi mình đến: con thác Gia Long "đẹp như mơ" nay cũng hao gầy đi vì thuỷ điện chặn nước, không còn ào ạt chảy xiết và  dòng sông lớn Sêrêpôk lấp lánh ánh nắng không còn đầy đặn nước êm trôi giữa đôi bờ rừng khộp mênh mông, đến nỗi qua bản Đôn  cưỡi voi qua sông mà nhìn thấy cả đáy. Thuỷ điện đang "tàn phá các giá trị Tây Nguyên".

          Con người "cải tạo thiên nhiên", "chinh phục thiên nhiên" để mang lại cái lợi trước mắt, nhưng chính con người đang huỷ hoại thiên nhiên, tự mình tước đi những hưởng thụ văn hoá mà thiên nhiên mang lại (từ những con thác, những dòng sông, những cánh rừng...). Nguy hại hơn, con người đang phải gánh chịu những biến đổi khí hậu mà chính bàn tay con người gây ra. Và chúng tôi, lòng thấy tắc nghẹn, tiếc nuối một vẻ đẹp mãi mãi rời xa mà nay chỉ còn gặp trong kí ức, hoài niệm.

Rừng Tây Nguyên xanh và những trăn trở

          Tây Nguyên vốn được xem là biểu tượng của rừng Việt Nam với những cánh rừng bạt ngàn hùng vĩ. Thế nhưng, tỉ lệ rừng che phủ vùng này hiện nay lại thấp hơn mức trung bình của cả nước. Rừng Tây Nguyên suy giảm nghiêm trọng diện tích và chất lượng do tình trạng khai thác gỗ trái phép, lâm tặc phá rừng, do lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác sản xuất nông nghiệp và trồng cây công nghiệp, do thuỷ điện  đang "giết chết" rừng. Nơi đây đang là điểm nóng phá rừng của cả nước. Ở đây đã có bao nhiêu cánh rừng bị mất đi, bao nhiêu núi đồi bị sạt lở, bao nhiêu sông suối bị vơi cạn. Theo các số liệu thống kê, rừng Tây Nguyên đang bị thu hẹp kinh khủng. Nhiều nơi như chỉ còn trong cổ tích. Nhiều khu rừng... không cây, cho nên một nhà văn Tây Nguyên đã phải kêu lên: “đứng giữa rừng mà lại nhớ rừng”.

          Người Tây Nguyên sống cùng rừng, chết cùng rừng, hoà quyện với rừng, tan chảy trong đời sống rừng, làm nên một "văn hóa rừng" bền vững và đậm chất nhân văn, hợp với quy luật tự nhiên và lẽ sống. Cái "văn hoá rừng" ấy đang trôi vì Tây Nguyên đang dần mất rừng. Tây Nguyên chỉ còn là Tây nguyên khi Tây Nguyên còn rừng và văn hóa.

Vĩ thanh

“ Một thoáng” năm ngày trên cao nguyên Tây Nguyên.

Ấn tượng về một Tây Nguyên với núi, với rừng, với sông suối và bình nguyên đất đỏ bazan rộng lớn thật sâu đậm.

Yêu Tây Nguyên và cũng còn rất nhiều băn khoăn, trăn trở: bao giờ rừng xanh lại ngàn cây, bao giờ sông lại sâu và suối lại đầy; hay tất cả những gì đẹp đẽ, tốt tươi, lành lặn của cao nguyên đất đỏ này đã và đang lùi dần vào dĩ vãng?

Tạm biệt Tây Nguyên và mong có ngày trở lại.

                                                          Hải Dương, tháng 11 năm 2014

img_9275

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)