bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 294
Trong tuần: 1464
Lượt truy cập: 650720

NÊN CÓ HỌC

Nguyễn Đăng Bảy
 
LÀM NHÀ VĂN NÊN CÓ HỌC
 
Lời người dịch: Nhà văn – Giáo sư Alexei Varlamov về Đại học Viết văn Maxim Gorky công tác từ 2006, sau một thời gian được bổ nhiệm... Quyền Hiệu trưởng, khi trong trường đang có ba... cựu Hiệu trưởng đang làm việc. Công việc hiện nay ở đây được phản ánh qua bài phóng viên báo Izvestia phỏng vấn ông – từ ngày 7-4-2016 đã đường đường chính chính ở cương vị Hiệu trưởng trường Đại học Viết văn Maxim Gorky – học đường từng bồi dưỡng hơn năm chục nhà văn nước ta, trong đó có nhiều yếu nhân của Hội Nhà văn Việt Nam, từ Chủ tịch Hữu Thỉnh cùng đồng trang lứa thời chống Mỹ cứu nước đến “thần đồng” Trần Đăng Khoa.
 IMG_4276
PV IZVESTIA: - Ông có lo chức vụ cản trở sáng tác?
NHÀ VĂN – GS – TSKH ALEXEI VARLAMOV: - Bây giờ tôi chưa chắc đã được sống trong nhịp điệu tương đối đều đều như những năm trước, mà tôi đã hiểu điều đó khi cân nhắc “nhận” hay “chối”. Tôi vừa hoàn thành cuốn tiểu thuyết đã viết trong vài năm Con sói tưởng tượng và một cuốn nữa trong bộ truyện danh nhân, về Vasily Sukshin. Vừa đặt dấu chấm hết cho hai bản thảo đó thì tôi nhận được lời đề nghị. Tất cả những gì diễn ra với từng người chúng ta đều không đơn giản như sự xếp đặt của số phận để trao cho ta những cơ hội này nọ. Đời vốn không ưa những người hay do dự. Hơn nữa, tôi thấy công việc này có thể làm tư liệu cho một cuốn tiểu thuyết nào đó, mặc dù về trường viết văn, cựu hiệu trưởng Sergei Esin đã từng ghi nhật ký hiệu trưởng và viết hẳn một cuốn tiểu thuyết.
- Trong trường có gần 300 sinh viên đang học tập. Điều gì sẽ xảy ra với họ sau đây? Ví dụ, công ăn việc làm của các nhà thơ bây giờ ra sao?
- Phần lớn đều có chỗ tuyển dụng, mà không xoàng tí nào. Trong hoàn cảnh hiện nay, người tốt nghiệp trường Viết văn đều là những người đa năng, bởi họ chịu viết và chịu đọc. Họ nhận được những kiến thức nhân văn, và đọc - không chỉ những nhà văn bậc thầy vĩ đại, mà còn đọc lẫn nhau nữa. Đó là dạng đọc đặc biệt, nó phát triển khả năng phân tích, khiến phải thẩm được ngôn ngữ và văn phong. Tốt nghiệp trường Viết văn trước hết phải là người có thẩm mỹ. Hiện nay, nhu cầu của các công ty về những con người có năng lực viết những văn bản thông minh là rất lớn. Ở các nhà thơ, cảm giác phong cách đặc biệt cao. Ta sẽ không khái quát hóa rằng nhà thơ chỉ có độ vài ba người hiện nay có thể sống bằng nhuận bút thuần túy. Nhưng nếu có nguyện vọng thì bao giờ cũng có thể tìm được công việc thú vị mà vẫn không cản trở sáng tác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà thi tuyển vào trường năm nay có tỷ lệ một chọi năm, có nghĩa các thí sinh hẳn phải có động cơ chứ.
- Điều gì hấp dẫn họ nhất, theo quan điểm của Ông?
- Bầu không khí sáng tạo. Tự bản thân tôi hiểu điều đó, mặc dù không học ở trường Viết văn. Nhưng tôi nhớ, đối với tôi, hòa vào môi trường văn chương, được nghe đánh giá những thể nghiệm của mình ngay từ thời trẻ là quan trọng ngần nào. Tôi đã đến những nhóm nhà văn, nơi xuất hiện những bạn bè văn chương và cả những kẻ thù văn chương đầu tiên của mình. Ở đó tôi thấy bạn bè thực sự hồi hộp và giao kết với nhau như thế nào. Họ có thể đánh giá rất rốt ráo tác phẩm của nhau, nhưng không được suy diễn sang việc đánh giá phẩm cách của người viết tác phẩm. Đó là một trường học lớn, là thứ luôn luôn phù hợp trong cuộc sống, bất kể anh làm việc ở đâu. Người hướng dẫn các cuộc seminar có nhiệm vụ phải biết ai là ai, không được phép dìm người có tài hay nâng đỡ kẻ bất tài nhưng giảo hoạt. Lại còn phải biết cách tách bạch con người với quan điểm, thị hiếu của anh ta, biết cả những gì mà mình chưa đồng thuận.
- Theo Ông, triển vọng của trường sẽ ra sao?
- Phải trả lại vai trò của trường Viết văn mà nó đã có trong thời Xô Viết, tất nhiên, theo chừng mực có thể. Xin nêu một ví dụ: cách đây mấy năm, tôi tham gia một đoàn có những đồng nghiệp từ những nước cộng hòa của Liên Xô cũ, từ vùng Baltic. Thoạt đầu họ còn khách khí, cố gắng tránh nói tiếng Nga, nhưng dần dà (chuyến đi của chúng tôi kéo dài vài ngày) thì tất cả đoàn đều nhớ đến tiếng Nga và nơi mình học tập - trường Viết văn. Và lại xuất hiện những tình cảm ấm áp về Tổ quốc, nó còn quan trọng hơn rất nhiều so với lớp vỏ chính trị. Chính vì thế mà chúng tôi còn một nhiệm vụ nữa: không bó hẹp trong văn học Nga. Phải phục hồi khoa dịch thuật từ các ngôn ngữ khác, trong đó có ngôn ngữ của các nước SNG và những nước láng giềng. Nếu như chúng ta có thể làm cho trường trở thành trung tâm văn học Á Âu chẳng hạn thì thật tốt. Cần mở rộng địa lý của các sinh viên nước ngoài - hiện nay trường mới có sinh viên từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Ireland đang học tập.
Nền giáo dục nhân văn của Nga có chất lượng không chỉ ở ngôn ngữ mà ở cả văn hóa: cơ hội tham dự các buổi thuyết trình, tọa đàm bao giờ cũng được chúng ta mở ra. Để cho sinh viên thoải mái dự các hội thảo - truyền thống tốt đẹp ấy của chúng ta cần được ủng hộ và khích lệ. Phải mời vào trường thật nhiều người thú vị, khác nhau, không đơn điệu.
- Tình hình phê bình văn học bây giờ ra sao?
- Đấy là thể loại mong manh nhất, còn mong manh hơn cả thơ. Những tập thơ bây giờ phát hành với số lượng cực ít so với thời Xô Viết. Nhưng thơ không chết được, thơ biết giữ mình mặc dầu nhà thơ bây giờ không thu hút được cử tọa đông đảo như trước. Thơ có thể tồn tại trong không gian thính phòng.
Còn phê bình văn học là thứ mảnh dẻ hơn, tinh tế hơn. Thập niên 1990 là thời kỳ thịnh vượng của nó, còn bây giờ nó bị thay thế bằng những bài giới thiệu. Giới thiệu sách là thứ khá láu lỉnh bởi vì nó thường theo đơn đặt hàng. Phê bình văn học là công việc trẻ trung và thận trọng. Tôi biết khá nhiều người hồi trẻ khá sừng sỏ trong giới phê bình nhưng càng trưởng thành thì họ rút dần khỏi nghề làm phê bình. Hình như người ta đã bày tỏ hết mình nên muốn một thứ lao động nhà văn nào đó yên hàn hơn, có thể gọi là “tham nhũng tình bằng hữu”…
- Nhưng để làm một nhà phê bình văn học thì phải có kinh nghiệm ghê gớm trong sự đọc. Còn trẻ thì lấy đâu ra kinh nghiệm?
- Có một mâu thuẫn ở chỗ này - lúc nào cũng muốn tăng nhiệt cho đời sống văn học.
- Hay là phê bình văn học rút cả vào internet?
- Rút vào đấy thì vô vàn, và xuất hiện một vấn đề rất riêng của văn chương mạng: hoàn toàn vắng rào cản, mà vắng rào cản thì văn chương không tồn tại được đâu. Chúng ta chửi bới thời Xô Viết, nhưng ngoài sự kiểm duyệt về mặt chính trị còn có kiểm duyệt về thẩm mỹ. Thời Xô Viết thì thói cuồng viết không thể ra công khai. Bây giờ người nào cũng có thể xuất bản sách chứ còn chưa nói tung lên mạng. Đang có nạn chẳng coi văn chương ra gì. Bắt đầu xuất hiện quá nhiều giải thưởng văn chương làm như để bảo vệ, để lấy chuẩn mực cho chất lượng văn học. Nhưng giải thưởng văn chương lớn chỉ có độ 5-6, và danh sách cuối cùng của mấy giải thưởng này mới là chỉ số của văn học hiện đại.
- Xin trở lại chuyện trường Viết văn. Có thể chăng - dạy cho người ta viết hay?
- Chỉ cần nhớ lại lịch sử trường Viết văn và những nhà văn từng học ở đây là đủ. Đây là trung tâm thẩm định văn học: tạo bầu không khí giúp người ta muốn viết, nhiệt huyết của người tài sẽ tăng đến mức làm cho nhà văn khai thông tối đa năng lực của mình. Thời còn Liên Xô, trường khá là phóng khoáng: những sách tự xuất bản, sách hải ngoại vào đây nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác. Trên bệ cửa sổ giảng đường có thể thấy Lolita (V. Nabokov), Trái tim chó (M. Bulgakov), Hố móng (A. Platonov). Đó cũng chính là những bài học.
Tất nhiên, viết như thế nào thì không chỉ bảo được. Nhưng đích xác cái gì có thể làm được, diễn đạt như thế tưởng hay nhưng thực ra liệu có nên? Thường thì con người ta không hiểu cho lắm việc gì mình làm tốt hơn, việc gì làm kém hơn, cho nên nhiệm vụ của các thầy cô là phải giúp trò nhìn lại chính mình và hiểu đúng giọng mình: trầm, trung hay cao. Và điều rất quan trọng là những gì diễn ra trong thảo luận nhóm. Đấy là một nhà hát nho nhỏ tác động đến tâm hồn mạnh hơn và giúp tài năng bộc lộ nhanh hơn. Thảo luận xong có người gạt nước mắt, có người chịu trận hết, và chính ở đó, nhân cách con người được kiểm định.
 Gorky2
  Hiệu trưởng Alexei Varlamov
Nhà văn - Gs. TsKh Alexei Varlamov: sinh ngày 23.6.1963 tại Moskva, tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Moskva (MGU, 1985) rồi lần lượt bảo vệ luận văn Tiến sĩ và Tiến sĩ Khoa học với đề tài Cuộc sống như một sáng tạo trong nhật ký và văn xuôi nghệ thuật của Prishvin, nhiều năm giảng dạy văn học Nga đầu thế kỷ XX tại MGU, đồng thời hướng dẫn các hội thảo sáng tác ở Đại học Viết văn. Là hội viên Hội nhà văn Nga từ 1993, thành viên Hội đồng xã hội của Báo Văn (đến 1997), Hội đồng biên tập tạp chí Hôm trước (1995), Học tập văn chương, Tháng Mười, Báo Tiểu thuyết (từ 1998) và được mời thuyết giảng về văn học Nga tại nhiều trường đại học Âu Mỹ. Với tư cách nhà văn, ông trình làng tác phẩm đầu tay năm 1987, đã xuất bản tập văn xuôi Ngôi nhà ở Ostozhe (1990), tiểu thuyết Đồ ngốc (1995), truyện vừa Sinh hạ (1995, nhận giải Antibuker) và là tác giả thường xuyên của bộ sách truyện danh nhân với các cuốn về Mikhail Prishvin, Alexandr Grin, Alexei Tolstoy, Grigori Rasputin, Mikhail Bulgakov, Andrei Platonov. 


 Gorky1

  Trường Đại học Viết văn Maxim Gorky  

  Thành lập năm 1933, ban đầu, theo sáng kiến của Gorky là “Đại học Viết văn Công nhân tại chức” và có tiền thân là Trường cao học Văn chương nghệ thuật Briusov. Từ năm 1936 chính thức có danh xưng như hiện hành. Từ 1942 có hệ chính quy và hệ tại chức. Năm 1953 bắt đầu mở khóa cao học. Từ tháng 7.2014 được chuyển từ Bộ Giáo dục - Khoa học sang Bộ Văn hóa.
* Các đời hiệu trưởng: nhà văn Fyodor Gladkov (1945 - 1948), nhà nghiên cứu văn học Vasily Sidorin (1948 - 1950), cán bộ TƯ Đảng CS Liên Xô Dmitri Polikarpov (1950 - 1954), nhà nghiên cứu văn học Ivan Sereghin (1954 - 1955), nhà phê bình văn học Vitaly Ozerov (1955 -1958), nhà nghiên cứu văn học Alexei Migunov (1958 - 1964), nhà nghiên cứu văn học Vladimir Pimenov (1964 - 1985), tiến sĩ khoa học văn học Vladimir Egorov (1985 - 1987), nhà phê bình văn học, cựu Bộ trưởng Bộ Văn hóa Liên bang Nga Evgeny Sidorov (1987 - 1992), nhà văn Sergei Esin (1992 - 2006), nhà văn - nhà nghiên cứu văn học Boris Tarasov (2006 - 2014), nhà xã hội học Liudmila Tsareva.

                                                                                                                                        N.Đ.B
 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)