bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 50
Trong tuần: 966
Lượt truy cập: 630253

NGÔI NHÀ CÓ DÀN HOA GIẤY (7)

NHỮNG ĐỨA CON CỦA MÁ
 
    Những cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ được chia làm nhiều đợt. Đoàn của Minh dưới sự chỉ huy của Sáu Bình chủ yếu đi đến những vùng chiến sự, mà đơn vị đã tham gia ở bên nước bạn Camphuchia hồi chống Mĩ. Tài liệu đa phần dựa trên trí nhớ của những người cựu binh. Còn thời gian khi đoàn làm nhiệm vụ tuy không được qui định cụ thể. Song họ vẫn phải báo cáo theo định kỳ các công việc đã làm được với đơn vị chủ quản. Khi đặt chân tới các vùng đất khác nhau, những kỷ niệm lại ùa về làm Minh bồi hồi, xao xuyến.
Tại một sóc1 nhỏ bên đất bạn, nằm ở cạnh đường biên giới với Việt Nam. Ông trưởng sóc khi thấy Minh đã reo lên gọi tên, rồi sai con cháu đi thông báo cho toàn bộ dân cư trong sóc biết tin: Thằng Minh gà ở Việt Nam đã quay lại thăm bà con! Thấy bà con khmer chỉ xúm quanh Minh tíu tít hỏi thăm. Sáu Bình cười một mình: “Sao ở đâu, dân người ta cũng chỉ nhớ tới cái tật xấu của thằng cha này vậy. Mà hồi đó, nó chỉ là liên lạc cho mình.”
 Ngày ấy, Minh đã làm nhiều việc mà khi kết thúc đợt công tác, Sáu Bình đã bắt anh phải viết bản tường trình rút kinh nghiệm.
Sau khi Lon Non làm đảo chính. Mặt trận dân tộc giải phóng Camphuchia được thành lập. Đơn vị Sáu Bình nhiều lần được cử sang giúp bạn.
    Lần Sáu Bình dẫn một số anh em đi điều nghiên, chuẩn bị cho một một chiến dịch lớn đánh phối hợp với bạn, kết hợp với việc làm công tác dân vận. Dạo đó, mọi người trong đơn vị chỉ biết bập bẹ dăm tiếng Khmer, nên khi giao tiếp với dân, nhiều lúc phải bằng ký hiệu thể hình.
Còn Minh mới ở ngoài Bắc vào, hay cười, da trắng được nhiều người dân Khmer quí mến, nhất là lũ trẻ con và các cô gái. Một lần Minh mắc võng dưới gầm nhà sàn ngủ trưa, các cô gái đứng quanh khúc khích ngắm nhìn.
Có cô còn mạnh bạo sờ vào bắp chân mà nói: “Sao mà trắng thế!”
Lần đầu tiên đặt chân tới cái sóc này, trời đã về khuya. Theo lịch trình, sáng hôm sau mọi người phải hành quân sớm. Trước khi đi ngủ, Sáu Bình căn dặn những anh em canh gác ca cuối: Phải nhớ đánh thức mọi người đúng giờ.
Nhưng chẳng hiểu sao, chỉ một lúc sau đã thấy ông chủ nhà lễ mễ bưng lên một con gà sống béo ngậy còn bốc khói. Sáu Bình ớ ra, liếc ông chủ nhà, rồi nhìn anh em ngạc nhiên như muốn hỏi lý do. Thấy thái độ của Sáu Bình, ông chủ nhà đưa tay chỉ về phía Minh.
Sáu Bình yêu cầu Minh giải thích. Khi hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện, ông chủ nhà ôm bụng cười sằng sặc, làm moi người phá lên cười theo thành tiếng.
Thì ra do ngôn ngữ bất đồng, lúc Minh nói với ông chủ nhà về thời gian đoàn phải lên đường, là vào lúc sáng sớm ngày mai. Riêng Minh có nhiệm vụ dậy sớm hơn, để nấu cơm cho cả đoàn. Thấy ông chủ nhà đứng ngây ra, không hiểu. Minh bèn giả là con gà sống vỗ cánh, cất tiếng gáy: Ò! Ó! O! O! Ông chủ nhà gật đầu ra hiệu mình đã biết điều Minh muốn nói. Ông lại cho rằng, điều Minh muốn bày tỏ là: mọi người muốn ăn thịt gà. Nhưng phải là con gà trống.
Khi hoàn thành việc điều nghiên, cả đoàn trở lại sóc nghỉ ngơi. Sáu Bình cử người quay lại Việt Nam đón đơn vị sang, chuẩn bị cho những trận đánh sắp tới. Ông cùng với Minh và số anh em còn lại trú quân tại sóc chờ đơn vị.
Rảnh rỗi, Minh mang kéo cắt tóc cho mọi người. Thấy Minh  đánh kéo, múa lược. Lũ trẻ con trong sóc xúm đếm xem, đòi bộ đội Minh cắt tóc hộ. Rồi đến lượt người lớn xúm lại nài nỉ: Tỉa hộ cái tóc trên mái đầu cho nó mát.
Mấy ngày hôm sau, khi số người lớn và đám trẻ con không còn nhu cầu, thì một số cô gái lại tìm đến với mong muốn anh xén cho mái tóc của họ đẹp như lời của một bài hát. Minh cười gật đầu, không nỡ chối từ một ai. Mỗi lần tỉa mái xong cho một cô gái, Minh lại còn ngân nga nhưng câu hát bằng tiếng Khmer cho họ nghe. Minh giải thích với mọi người, mình đang học tiếng Khmer bằng phương pháp hát. Minh muốn, khi nghe xong các cô gái sẽ đánh giá xem mức độ hiểu biết tiếng Khmer của anh đã ở mức độ nào.
Mọi người kháo nhau, có một câu Minh thường hát bằng tiếng Khmer nói về vẻ đẹp của mái tóc. Hình như là câu: “...Hình em tóc ngang vai, lượt dắt với hoa cài...”
Sáu Bình khi được thông tin lại, đã cười cho qua mọi chuyện.
Nhưng có một việc lúc biết, Sáu Bình buộc phải lên tiếng nhắc nhở, khi nghe thấy mấy cậu lính trẻ tán chuyện.
Họ nói với Minh:
- Tại sao chúng tao cũng dùng thuốc đỏ quệt vào rốn bọn trẻ con như mày, mà lũ nhóc vẫn kêu đau bụng. Còn khi mày bôi, chúng nó lại im. Rồi thi nhau mang đồ ăn đến để trả công cho mày nữa.
- Tại sao vậy?
- Thuốc đỏ nào mà chẳng giống thuốc đỏ nào .
Minh chống chế:
- Thế khi bôi chúng mày có xem giờ không?
- Mày chỉ giỏ bịa.
- Bôi thuốc đỏ làm gì phải  xem giờ?
Minh nghiêm giọng:
 - Mà chúng mày bôi theo kiểu đưa từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, khoanh tròn rồi mới chấm vào giữa? Hay theo kiểu kiến bò lung tung lúc vỡ tổ.
Sáu Bình giật mình khi nghe một cậu nói nhỏ:
- Tôi xin ông, thế lúc bôi thuốc đỏ cho em IMon, ông bôi vào rốn, hay vào chỗ nào?
Giọng Minh tưng tửng:
- Ông tò mò quá đấy! - Quay sang đám đông Minh hỏi tiếp - Mọi người muốn biết điều chi đây? Tôi sẽ thú thật tất cả, không những bôi thuốc đỏ, mà tôi còn dùng hai cái tay này xoa xoa, vỗ vỗ, gãi gãi vào mông của em ấy nữa.
Sáu Bình băn khoăn thầm nghĩ: "Trời ạ! Cái thằng này làm như vậy thì thật quá thể. Mình phải có ý kiến mới được. Để nguyên không nói gì, nhỡ nó làm tới. Chẳng may...”
Nhưng ông chưa kịp gặp Minh để trao đổi. Thì đêm hôm ấy, cả cái sóc nhỏ náo động vì một cô gái đau bụng đẻ. Vị trưởng sóc phàn nàn với mọi người:
- Đàn bà ở cái sóc này đẻ nhanh như gà, chẳng có ai như nó cả. Đau lên, đau xuống cả buổi mà vẫn chẳng ra con.
 Người nhà tìm đến nhờ bộ đội, vì mấy ngày vừa qua họ đều tin bộ đội Việt Nam có thày thuốc Minh cực giỏi, bệnh gì cũng chữa khỏi. Sáu Dân vò đầu bứt tai, dở khóc dở cười vì chưa biết giải quyết ra sao. Khi biết chuyện, Minh ngần ngừ:
- Thì...ì, anh cứ để em thử xem.
Thấy ông trố mắt kinh ngạc nhìn mình, Minh phân bua:
- Có một lần em đã theo Quân y sĩ của đơn vị, đi đỡ đẻ cho một chị bị chuyển bụng trên đường di tản ở giữa rừng. Lúc đó chỉ có em phụ việc cho anh ấy, nên cũng hiểu biết một đôi chút.
Lần ấy Minh gặp may, hay trời phật phù hộ cho mẹ con cô gái. Sau khi Minh tiêm cho một mũi trợ sức, bắt cô mút ba cái trứng gà sống. Chỉ một lát sau, người ta đã nghe thấy tiếng khóc của đứa trẻ.
Sáng sớm ngày hôm sau, đơn vị hành quân bước vào chiến dịch luôn. Rồi những trận đánh ác liệt liên tiếp xảy ra, vùng giải phóng của bạn được mở rộng. Sáu Bình và những người lính bị cuốn theo các trận đánh, họ không có thời gian trở lại cái sóc nhỏ ấy một lần nào nữa.
Lúc kết thúc chiến dịch, khi đơn vị quay trở về Việt Nam. Bấy giờ ông mới có thời gian gọi Minh lên hỏi mọi chuyên cho ra nhẽ. Minh thành thật trình bầy:
- Thì tiêm thuốc sốt rét, không xoa xoa, vỗ vỗ, gãi gãi vào mông cho tê tê buồn buồn đỡ đau khi bơm thuốc, thì làm sao mà tiêm nổi.
- Thế còn vụ bôi thuốc đỏ là sao?
Minh cười:
- Mấy đứa thấy em bôi thuốc đỏ cho bọn nhóc, kiếm được đồ ăn cũng bắt chước - Minh khẳng định - Nhưng thuốc của em khác của chúng nó.
- Khác ở điểm nào?
Minh nói tiếp:
- Thuốc của mấy thằng ấy là loại bình thường ta vẫn dùng. Còn lọ thuốc của em được pha thêm dầu gió, khi bôi lên bụng lũ nhóc sẽ phát sinh nhiệt. Bọn trẻ sẽ có cái cảm giác nóng nóng, tê tê, buồn buồn. Mà dạo đó chủ yếu lũ nhóc bị đau bụng là do ăn uống. Nên chỉ cần cho bọn chúng uống vài viên B1, với liều thuốc tiêu hóa, sau cho ăn cháo trắng là khỏi. Chuyện đơn giản nhỏ như con thỏ vậy, chẳng có gì là phức tạp cả. Mà thuốc tiêu hóa bao giờ em cũng giữ một bọc tướng, đề phòng bị tiêu chảy hàng loạt mà.
Sáu Bình lên tiếng nhắc:
- Đối với chúng ta, công tác dân vận là việc lớn và quan trọng, nhất là đối với nhân dân Camphuchia. Chỉ có mỗi một mình mày coi là chuyện nhỏ thôi, lúc thực hiện lại làm như đùa vậy. Mà đồng bào dân tộc thật thà lắm, họ không bao giờ biết đùa. Tao còn có một thắc mắc, tiện thể muốn mày giải thích luôn: Tại sao đến bất kỳ sóc, buôn làng nào. Hễ có thời gian là mày cũng nhờ người già dẫn đến chào, nói chuyện với các thầy mo, thầy cúng  ở đó.
Minh giải thích:
- Vì đối với đồng bào dân tộc, trong cuộc sống hàng ngày thầy mo, thầy cúng đồng thời kiêm luôn việc chữa bệnh. Ở họ, em học được nhiều bài thuốc hay, cách thức chữa bệnh độc đáo. Mà chiếm được tình cảm của họ, đồng nghĩa với việc sẽ được nhân dân nơi đó ủng hộ.
- Họ chịu dạy cho mầy?
- Thì em cứ tỉ tê hỏi chuyện, rồi nói ở đơn vị tôi hiện có người bị như thế này. Em kể triệu chứng của bệnh ra và xin thầy thuốc. Thầy ra vườn hái lá cây, hay nói cách chữa. Em cố nhập tâm, tỉ mẩn ghi chép lại, rồi đem số lá cây thầy vừa cho, tìm kiếm so sánh với các loại thực vật xung quanh. Em kiểm định lại bằng cách, mang hỏi han các người già ở những nơi khác.
Sáu Bình tủm tỉm:
- Nhưng sao mày cứ hay cười với mấy đứa con gái vậy?
- Chẳng nhẽ khi làm công tác dân vận em lại phải khóc.
Sáu Bình hạ giọng:
- Nhỡ có đứa nào trong sóc nó phải lòng mày! Mày lại không kìm được, ấy nó. Nó đến đơn vị đòi cưới, hoặc ăn vạ thì mày tính sao?
- Em làm gì có cái gan ấy.
Sáu Bình truy tiếp:
- Mày đã nhận cái khăn rằn1 của đứa nào vậy?
Minh phân trần:
- Imon thấy cái khăn của em đã cũ, lại bị thủng mấy lỗ khá to do bị pháo bắn. Cô ấy đã thức trắng đêm dệt tặng cho em một cái. May quá, em cũng đang bí không có dùng, đành nhận vậy.
- Mày không biết khi con trai nhận khăn của con gái có ý nghĩa gì à?
- Em làm sao mà biết được.
- Thế mày chưa làm gì nó chứ?
- Làm gì là làm sao?  
- Mày có hứa hẹn gì với người ta không?
Minh vò đầu:
- Hứa với hẹn điều gì? Tóm lại là em không hiểu ý của thủ trưởng.
- Thế tại sao vào cái ngày đơn vị mình rời sóc. Con Imon cứ nhìn mày, rồi chạy theo ôm chặt lấy mày mà  khóc như mưa là làm sao?
Minh tưng tửng:
- Làm răng mà em biết được?
Để minh bạch, Sáu Bình vẫn bắt Minh phải viết tường trình.
Nhưng khi đọc bản tường trình, Sáu Bình không khỏi giật mình trước những dòng Minh viết: “...Ngoài ra tôi còn nhận ở chỗ cô IMon một cái xà rông1 nữa, với lý do: Cái bồng2 của tôi bị pháo bắn, có nhiều lỗ thủng to quá, không vá được. Cô ấy ngỏ lời tặng tôi một miếng vải mới khâu bồng. Tôi chưa xin ý kiến ban chỉ huy đã nhận. Khi khâu xong mang dùng, tôi mới được biết: đấy là cái váy của cô ấy...”
Nhìn Minh cầm bút nhăn nhó làm theo yêu cầu của ông. Sáu Bình tự nhủ: “Cái thằng này biết nhiều thứ ra phết! Tuy làm không giỏi, nhưng lúc cần nó cũng đáp ứng được theo yêu cầu của công việc. Nhưng mình phải để mắt đến, rèn nó thật kỹ. Mà để nó làm cần vụ cho mình thì phí quá. Đợt tới, mình sẽ cho nó xuống đơn vị chiến đấu để còn có cơ hội phát triển.”
**anh_bia
Một lần, Sáu Bình cùng mọi người trong đoàn đi đến một nơi mà đơn vị đã tác chiến sau Mậu Thân 1968. Người dẫn đoàn hôm ấy là một cựu chiến binh đã trực tiếp an táng đồng đội của mình. Trong trận ấy, phân đội của ông ta bị thương vong gần hết.
Trên đường rút lại bị pháo bầy bắn trúng đội hình. Ông bị dính thương ngất đi, lúc tỉnh lại trời đã về đêm, ông chỉ thấy còn lại có mình nằm cạnh một đồng đội đã hy sinh. Bằng chút sức khỏe còn lại, ông cố gắng kéo cái xác của người bạn vào rìa cạnh hố bom ở cạnh một con suối chôn tạm. Sau khi đánh dấu, và xác định phương hướng, ông lần ra con đường mòn mà đơn vị từng hành quân qua. Được một lát, ông lại ngất đi. Rất may ngay sau đó, một nhóm trinh sát của đơn vị khác đi ngang qua thấy ông. Họ bèn đưa ông về trạm phẫu tiền phương. Rồi ông được ra Bắc an dưỡng, được sang Đức chữa trị và ở lại làm ăn bên đó. Ông mới trở về nước vào thời gian gần đây.
Khi đến thăm nhà bạn, ông được biết gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt của người thân. Người cựu chiến binh không khỏi ân hận tự trách mình. Mặc dù ngày ấy, ông đã giao lại sơ đồ chôn cất liệt sĩ cho những người có trách nhiệm.
Ông ân hận vì không vẽ lại một bản, đưa về trao tận tay cho gia đình liệt sĩ. Ông thành thật nói với gia đình liệt sĩ và muốn trực tiếp đưa mọi người tới vị trí chôn cất.
Đoàn kiếm tìm hài cốt đồng đội lên đường. Sáu Bình cũng biết khá rõ khu vực tác chiến này. Đến nơi, sau khi thắp hương khấn vái, mọi người tiến hành khai quật ở vị trí người cựu chiến binh đã chỉ. Cái hố bom vẫn còn lưu lại dấu tích, mặc dù giờ đây nó chỉ còn là một vết lõm.
Những người đào đã reo lên, khi thấy dấu hiệu chạm cốt. Nhưng khi bới lộ hẳn ra, mọi người sững lại trước bộ hài cốt và những di vật kèm theo. Họ đã tìm thấy hài cốt của một người lính ở phía bên kia. Ngoài trang phục ra, còn có một tấm thẻ ghi rõ các thông tin cần thiết như: Họ tên, nhóm máu, số hiệu đơn vị, tôn giáo...
Sáu Bình hỏi người cựu chiến binh:
- Ông nhớ chuẩn chứ?
Người lính cũ chỉ vào tảng đá, nằm ở rìa hố bom khẳng định:
- Tảng đá này ở ngay rìa bờ suối, tôi để anh ấy nằm cạnh nó. Sau khi xong việc, tôi còn úp mặt xuống dòng suối này mà uống nước. Rồi lại ngất đi lúc nằm trên tảng đá này nghỉ tạm. Tôi làm sao quên được cảnh con kỳ đà lôi một bàn tay người chết xuống dưới suối.
Sáu Bình khẳng định:
- Nhưng đây là hài cốt của lính Cộng Hòa.
Tiếng của người mẹ liệt sĩ vang lên:
- Là ai cũng không thể để xương cốt của họ nằm trơ ra giữa thanh thiên bạch nhật như thế kia được!
Vừa nói, bà vừa tháo cái khăn vuông đang đội trên đầu, bước đến che nắng cho bộ hài cốt.
Sáu Bình vội vàng thắp hương, ông khấn to:
- Hôm nay, chúng tôi đi tìm bạn cũ, chẳng may phạm vào ông. Xin ông lượng thứ, phù hộ cho chúng tôi tìm thấy bạn mình. Người vừa che nắng cho ông là mẹ của anh ấy. Ông xem, mẹ cũng già lắm rồi, giống như má của tôi, của ông ở quê nhà vậy. Họ sẽ không yên tâm nhắm mắt khi chưa tìm thấy hài cốt của con mình. Ông và bạn cũ của chúng tôi đều được táng tại nơi này. Chắc chắn giờ đây hai người đã trở thành bạn vong! Nếu ông gặp được anh ấy, xin nói dùm: Người thân ở quê nhà đang ngày đêm mong đợi. Còn riêng ông, cho dù có tìm thấy bạn của chúng tôi hay không. Tôi cũng sẽ đưa ông trở về nhà theo những thông tin được ghi trên tấm thẻ. Sáu Bình tôi xin cúi đầu cẩn cáo.
 Bó hương bùng cháy. Lời khẩn cầu của Sáu Bình được chấp nhận. Nhiều người dân địa phương xúm quanh xem đoàn của Sáu Bình làm việc, đã bật khóc.
Sáu Bình cho mọi người bới rộng thêm quanh vị trí tìm thấy hài cốt của người lính Cộng Hòa. Một đôi dép cao su lộ ra, mọi người đã tìm thấy người lính giải phóng năm xưa.
Hai người lính - đôi bạn vong! - Họ đã chấp nhận cách giải quyết của người đội trưởng đội tìm kiếm.
Sáu Bình cho rằng, trước sự tàn khốc của chiến tranh, việc  chôn nhiều người trên cùng một vị trí không có gì lạ. Hơn nữa dưới tác động của thời gian, nhiều thứ đã trở  thành cát bụi.
**
    Kết thúc mỗi đợt qui tập, Minh lại về quê Sáu Bình nghỉ tạm. Lần đầu theo Sáu Bình về nhà, Minh mới rõ ngoài Trung úy Hoàng có quê ở đây. Còn có một số anh em lính của chế độ cũ, đã tham gia đoàn pháo binh với mình trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.
Trên đường đến thăm nhà Hoàng. Sáu Bình nói sơ qua cho Minh biết hoàn cảnh hiện tại của bà Năm - má của Hoàng.
Bà Năm là con gái của một điền chủ giàu có nức tiếng trong vùng. Lấy chồng không được sự đồng ý của ba má. Một tay bà buôn bán, chèo chống gây dưng gia đình nhà chồng. Thời gian chồng bà theo học trên Sài Gòn, được cách mạng giác ngộ, ông trở về địa phương xây dựng phong trào.
Ông bà có cả thẩy ba thằng con trai, Hoàng là út. Chồng bà đã hy sinh vào những ngày đầu tiên của đồng khởi. Anh Hai hoạt động bí mật trong nội đô. Sau Mậu Thân 68 bị địch bắt đưa đi giam ngoài nhà tù Phú Quốc, rồi mất ở đó.
Anh Ba đi quân dịch, là lính Hải quân của chế độ Sài Gòn, chết mất xác trong trận hải chiến với quân Trung Quốc ở ngoài Hoàng Sa năm 1974.
    Còn Hoàng đang học Đại học kỹ nghệ Sài Gòn thì bị bắt đi lính. Sau chiến dịch bảo vệ biên giới phía Bắc, lúc trở lại địa phương Hoàng được trả lại quyền công dân sớm hơn mọi người cùng cảnh khác, nhờ tấm giấy chứng nhận. Nhưng chẳng hiểu tại sao, thời gian sau Hoàng lại vượt biên, hiện đang định cư tại Mĩ.
**
    Sáu Bình oang oang kể:
- Bận nào về quê tao cũng tới thăm bà Năm!
Minh nhẹ nhàng hỏi:
- Bây giờ má Hoàng ở với ai? 
Sáu Bình thở dài:
- Thì bả ở một mình chứ ở với ai!
- Thế từ ngày vượt biên đến nay, Hoàng đã quay trở về quê lần nào chưa?
- Tao cũng đang muốn gặp nó, hỏi cho rõ mọi ngọn nguồn. Tại sao năm 75 có điều kiện lại không chạy di tản. Sau chiến dịch biên giới phía Bắc trở về, được trả lại quyền công dân sớm hơn mọi người nhờ có tờ giấy chứng nhận. Vậy mà trốn chui, trốn lủi ra nước ngoài như một tội nhân vậy?
- Chắc anh ấy có nỗi khổ riêng?
Sáu Bình lập luận:
- Nhưng mà khổ gì cũng không được bỏ mẹ già ở lại một mình! Tao chẳng hiểu ra làm sao cả?
Minh bênh vực bạn:
- Có lẽ anh ấy gặp phải chuyện gì? Bị đẩy đến bước đường cùng mới chọn phương án di tản ra nước ngoài.
Sáu Bình hỏi Minh:
- Chắc mày còn nhớ hồi ở biên giới phía Bắc ấy, lúc tao với nó theo mày ghé thăm bà già mù người Hoa, mẹ thằng Bẩu ấy.
- Em làm sao mà quên được! Dạo ấy đói quá, đơn vị mình toàn phải ăn bo bo luộc thay cơm.
- Lúc bấy giờ, khi biết rõ mọi chuyện của bả, thằng Hoàng đã im lặng không nói một câu.
Minh phân trần hộ bạn:
- Thì dạo ấy Hoàng cũng giống như những anh em lính Cộng Hòa khác trong đơn vị mình, họ đều có mặc cảm, đâu dám nói nhiều.
Sáu Bình tiếp tục câu chuyện:
- Lúc nó trao cho bả túi gạo, khi ấy tao thấy nó run rẩy. Tới lúc bị bả già người Hoa ấy túm chặt lấy bàn tay, rồi bả ấy ôm chầm lấy nó, đưa tay rờ lên mặt cất tiếng khóc gọi: Con ơi! Nó đã không kìm được nức nở khóc theo, bấy giờ khuôn mặt của nó cũng đầm đìa nước mắt. Vậy mà, tao chẳng hiểu sao, Hoàng để má nó ở lại một mình nơi quê nhà?
**
Bà Năm còn khỏe mạnh, minh mẫn lắm. Lúc tiếp Minh bà nói với giọng sang sảng. Chẳng cần Minh hỏi, bà đã kể cho anh nghe mọi chuyện về những đứa con của mình. Bà kể, không một lời oán trách. Bà coi đấy là nỗi khổ đương nhiên bà phải gánh chịu ở nơi trần thế:
“...Thằng Hai đáng lý được tập kết ra Bắc, song lúc tàu khởi hành lại bí mật ở lại. Tổ chức giao cho nó nhiệm vụ, nằm vùng, giữ lửa đấu tranh đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Bấy giờ tao cũng tưởng nó đang học tập ở ngoài Bắc.
Sau Mậu Thân mới biết con mình không đi đâu cả. Dạo đó có nhiều cơ sở của ta bị lộ, rất nhiều người bị địch bắt. Nếu không bị mật chỉ, thằng Hai đã thoát được ra chiến khu tiếp tục đứng trong hàng ngũ chiến đấu. Khi con bà bị đưa đi đầy ra ngoài Phú Quốc, rồi mất ở ngoài đó bà cũng đâu có biết. Sau ba mươi tháng tư năm bảy năm, có một bạn tù tìm về, trao lại cho  bà một số kỷ vật và lời trối trăng của nó, bà mới hay tin.
Còn thằng Ba đã chuẩn bị đồ để đến đêm giao liên sẽ tới, đón đưa ra cứ. Thì buổi chiều bị quân cảnh ráp, bắt đi quân dịch. Khi vào lính Hải quân nó đã nói với tao: Má cứ yên tâm, con ở dưới tàu biển không va với mấy ảnh đàng mình đâu. Ở nhà má móc nối được với các ảnh ấy thì nhắn tin cho con hay. Lúc bấy giờ con sẽ tìm mọi cách bỏ về.
Lần móc nối được thì nó lại lênh đênh theo tàu ở ngoài đại dương, bà không biết thông báo bằng cách chi. Bận nó về phép lại không liện lạc được với phía cách mạng. Tự động bỏ ra rừng chắc chắn sẽ bị kẹt chặt cứng giữ hai làn đạn. Tao có nói với nó: Dứt khoát mày không được tự động ra cứ, lúc chưa móc nối được, khi chưa có sự đồng thuận của bên cách mạng!
Vào cái buổi chiều định mệnh ấy, lúc đài Sài Gòn đưa tin quân Trung Cộng nổ súng đánh chiếm Hoàng Sa, bà đã đứng ngồi không yên. Rồi tin dữ đổ về, thằng Ba nằm trong số những người bị tử chiến trong trận đánh đó. Đúng sai tao nào biết trách ai đây! Số nó, số tao khổ thì phải cố mà chịu vậy thôi!
Lúc Hoàng thông báo bị bắt đi quân dịch, nhưng do là sinh viên giỏi, được sang Mĩ học tiếp về kỹ thuật. Bấy giờ tao tự an ủi mình, nó cũng còn may hơn nhiều đứa bạn cùng trang lứa khác.”
**
Sau khi tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới phía bắc trở về, cái cảm giác cô đơn càng  tăng mạnh trong Hoàng.
Anh em từng tham gia lính Sài Gòn lảng tránh mỗi khi gặp anh. Họ rỉ tai nhau: Hoàng giờ đã là quan cách mạng 79 rồi, tốt nhất là giữ một khoảng cách nhất định với ông ấy. Kẻo Hoàng lại giống như mấy tay cán bộ cách mạng 751 ở xã thì khổ.
Họ đã phải lo sợ quá nhiều thứ rồi.
Còn phía cách mạng không mấy hồ hởi mỗi khi buộc phải tiếp kiến. Cả hai phía đều có lý do chính đáng, để giữ một khoảng cách nhất định với những người như Hoàng.
Cuộc sống với cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai của anh. Không nghề nghiệp, chẳng có ruộng đất canh tác, sức khỏe lại giảm sút nghiêm trọng sau lần dính pháo của quân Trung Quốc. May mà vợ con đang định cư ở Mĩ, thi thoảng gửi cho một thùng hàng, Hoàng mang bán kiếm chút tiền trang trải qua ngày.
Một lần vợ Hoàng nhắn tin về, kỳ này nhiều người vượt biên lắm. Chỉ cần Hoàng đến được một trại tỵ nạn ở nước thứ ba, anh sẽ nhanh chóng được bảo lãnh, gia đình sẽ sớm được đoàn tụ. Vợ anh tin tưởng với tiêu chuẩn: Một sĩ quan Cộng Hòa từng du học ở Mĩ, có vợ con đã trở thành công dân của Hoa Kỳ. Việc đến được đất nước này, với Hoàng là điều dễ dàng.
Một người bạn cùng cấp bậc với Hoàng rỉ tai, tin anh ta vừa nhận được: “Những sĩ quan của chế độ cũ, chưa hoàn thành thời gian cải tạo sẽ bị tập trung đi học tập trở lại. Học bằng xong chương trình mới được trở về nhà - Anh bạn còn nói thêm - Ở bên giải phóng bố tôi đeo đến lon Trung tá! Bạn bè của ông cũng toàn là những người có chức vụ cao trong chính quyền cách mạng. Vậy mà họ cũng chẳng lo nổi cho tôi việc tạm hoãn học tập kỳ này nữa là ông. Phía cách mạng làm nghiêm lắm. Họ bất vị thân mà.”
Đúng lúc ấy, Sáu Bình phải đi công tác xa, không để lại địa chỉ. Hoàng chẳng biết hỏi ai để xác định đúng sai của thông tin.
Vào ngày hôm sau, bạn của anh Ba - người sĩ quan máy trưởng thoát chết trong trận hải chiến Hoàng Sa năm xưa - tìm Hoàng. Người máy trưởng đặt vấn đề muốn mời Hoàng tham gia vượt biên cùng. Phương tiện và mọi điều kiện cơ sở vật chất anh ta đã chuẩn bị xong. Sở dĩ người máy trưởng tìm đến Hoàng vì một phần thân thiết với anh Ba. Từ lâu đã coi Hoàng như em trai ruột. Phần khác nếu có Hoàng cùng đi, anh ta sẽ yên tâm hơn vì biệt tài xác định phương hướng, tọa độ của thiết bị. Con tàu sẽ không đi lạc trong đại dương, do thiếu các thiết bị kỹ thuật trợ giúp.
Hoàng muốn mẹ cùng đi, anh xa xôi bóng gió về khả năng định cư ở nước ngoài với vợ con của mình. Anh nói với bà ngoài việc đi Mĩ theo diện HO ra, còn có nhiều hình thức khác. Đi theo diện HO thì phải chờ khá lâu, còn đi theo cách khác sẽ nhanh hơn.
Hay chuyện, bà Năm thẳng thừng bác bỏ.
Bà nói: “Má già rồi, ngày một ngày hai sẽ đi theo ba và những thằng anh của con. Mặc dù má rất muốn gặp và sống với thằng cháu nội. Nhưng nếu chết ở bên đó, má sẽ không biết đường trở về Việt Nam đâu! Chẳng thể nào gặp được ba cha con ông ấy. Con cứ làm những việc mà bản thân coi là đúng. Nhưng phải cố gắng sống sao cho ngày một tốt hơn và nhớ không bao giờ được làm điều ác. Đừng oán trách giận hờn ai, con cứ coi mọi thứ là số phận đã an bài đi.”
Bản thân Hoàng cũng biết, nếu anh bị bắt thì đương nhiên bản thân sẽ một lần nữa mắc phải trọng tội: Phản bội tổ quốc! Lúc bấy giờ tờ giấy chứng nhận - Hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia - cũng sẽ chẳng giúp gì được cho anh.
Nhưng ở lại, Hoàng không sao lường được những gì sẽ đến với mình trong những ngày tới. Hoàng ra đi với tâm trạng hoang mang cực độ. Anh tự hỏi, liệu còn có ngày trở lại?
**
   Lần đầu tiên tiếp xúc với bà Năm, chẳng biết vô tình hay cố ý mà Minh đã hỏi về những vấn đề mà bản thân Sáu Bình rất ngại, thường lảnh tránh. Vì đây là vấn đề phức tạp của mỗi gia đình có hoàn cảnh như nhà bà Năm.
Minh thủ thỉ:
- Má ơi! Trong nhà mình, má thương đứa nào nhất?
Bà Năm không ngần ngại cho Minh biết:
- Tao thương nhất thằng Ba!
Minh lại hỏi:
- Có phải do anh ấy mất ngoài Hoàng Sa, lại không tìm thấy thi thể nên má thương anh ấy hơn mọi người khác.
Giọng bà Năm trầm trầm, bà kể:
- Tao là má nó, nên rất rõ tính nết của nó. Thằng Ba thật thà, không giấu tao điều gì cả. Cái gì nó cũng hỏi, được sự đồng ý của tao mới làm. Giá như tao không gàn, cứ để nó một mình tự động lần ra cứ. Có lẽ bây giờ, nó cũng giống như bọn bay cũng nên. Còn ông ấy và thằng Hai, đều là liệt sĩ! Mặc dù là tao không biết chính xác phần mộ của họ đang nằm ở  đâu. Nhưng cả hai đều có tên trong tấm bia thờ các liệt sĩ ở xã. Trong các ngày lễ tết, đều có nén hương thắp, được mọi người khấn vái. Còn thằng Ba thì, thân xác nó đã hòa tan trong sóng nước khơi xa. Chỉ có mình tao thi thoảng ra bờ biển gọi nó. Mà tao cũng chuẩn bị không đi được ra bờ biển nữa rồi.
**
   Sáu Bình và Minh đến nhà Bà Năm vào ngày giỗ ông Năm.  Minh xin phép bà cho họ được thắp một nén hương cho người đã khuất. Bà Năm chỉ vào cái bát hương duy nhất đặt trên ban thờ nói:
- Chúng mày cắm hương vào đây!
Thấy Minh chăm chú nhìn vào mấy cái bát hương cũ bị loại ra, còn để ở góc ban thờ. Bà Năm tủm tỉm:
- Bữa nay tao vừa hòa hợp cho mấy bố con ông ấy.
Dường như thấy rõ vẻ ngạc nhiên lộ trên khuôn mặt Minh, bà Năm nói tiếp:
- Ở đâu tao không biết! Nhưng tại cái vùng quê này, có rất nhiều gia đình có hoàn cảnh giống như nhà tao. Con cái có đứa theo Giải phóng, thằng đi lính Cộng hòa. Khi chúng nó tử trận, tao thấy khổ nhất vẫn là mẹ chúng. Đài và ti vi nói nhiều về hòa hợp dân tộc. Nhưng trên ban thờ của mỗi nhà, đều còn có các bát hương riêng rẽ thờ người thân đã mất ở hai phía. Mỗi khi thắp hương, tao cắm vào bên nào cũng thấy nghiêng cả. Tao thấy tốt nhất là dồn tất cả các bát hương thờ những người đã mất trong chiến tranh, về một bát hương để thờ chung.
Minh bàng hoàng trước câu nói của bà Năm. Anh không ngờ tới những điều bà Năm đề cập. Dân tộc hòa hợp sao được, khi một gia đình còn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thờ cúng những người đã mất trong chiến tranh. Nhưng làm được việc này quả không dễ dàng. Có phải tại trong số những người còn sống, vẫn còn ai đó bảo thủ, duy trì lòng thù hận, tự tạo ra những ngăn cách vô lý.
Không kìm được lòng mình, con tim Minh rung lên nức nở: “Xin cuộc đời mách bảo dùm cho tôi phải thưa với mẹ điều gì đây, trước những nỗi đau chiến tranh mà mẹ đang phải gánh chịu. Mẹ ơi! Lúc mẹ để bát hương của chồng nằm ở giữa, hai đứa con nằm ở hai đầu chênh vênh. Khi thắp hương, mẹ cắm vào bên nào cũng bị nghiêng cả. Còn bây giờ tất cả đã chung về một bát, tàn của những nén nhang khi thắp đều cong lại, trông giống như những dấu chấm hỏi vậy?”
**
Mấy bữa sau, bà Năm ra đi đột ngột.
Đứa cháu họ như mọi khi chạy sang, hỏi xem bà hôm nay muốn ăn gì để nó mua dùm. Hỏi mấy lần vẫn thấy bà nằm im trên võng không trả lời. Thấy khác mọi khi, nó tới lay võng. Bà đã đi từ lúc nào, cái cối giã trầu vẫn cầm chặt nơi tay. Tang lễ của bà được họ hàng, chòm xóm xúm vào lo liệu. Vì là người thân duy nhất của hai liệt sĩ, nên chính quyền xã cũng cử người xuống lo liệu.
Khi phát tang, có một sự cố đã xảy ra.
Con cháu trong họ tộc, không một đứa nào chịu thay mặt con bà đứng ra chịu tang và đáp lễ. Chúng từ chối với lý do, vì bố mẹ đẻ của họ còn sống.
Mà bà Năm lại mất vào giờ trùng tang! - Theo lời ông thầy cúng phán - Chết như vậy là độc lắm, không cẩn thận tang chủ sẽ gặp họa trùng tang!
Họ hàng, thân nhân của bà đùn đẩy cho nhau người đứng ra làm tang chủ.
Thấy họ tộc bàn bạc mãi mà không ngã ngũ. Minh đứng dậy, đề nghị với vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền địa phương và họ hàng của bà Năm:
- Tôi sẽ làm tang chủ.
Vị đại diện cho chính quyền lên tiếng hỏi:
- Đồng chí là gì với bà Năm mà làm tang chủ?
Minh từ tốn:
- Tôi là đồng đội với con má Năm.
- Đồng đội với con bà Năm?
Minh gật đầu nói:
- Vâng! Mà mẹ của đồng đội cũng là mẹ mình!
Vị đại diện hỏi lại cho rõ ràng:
- Đồng chí có thời gian hoạt động cùng đơn vị với anh Hai?
- Không, tôi chiến đấu cùng đoàn pháo binh với út Hoàng.
Vị đại diện chính quyền tròn mắt kinh ngạc:
- Ông là chiến hữu của Trung úy Hoàng?
Minh khẳng định:
- Trung úy Hoàng, sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa!
Thấy vị lãnh đạo ớ ra, không nói nổi một câu.
Minh tiếp tục giải thích:
- Chúng tôi đã sát cánh bên nhau chiến đấu và cùng bị thương một ngày trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Hiện tại tôi đang hưởng chế độ thương binh hạng ¾.
Mọi người im lặng chấp thuận theo yêu cầu của Minh.
Có một ông già trong dòng họ ái ngại khi trao cho anh cái khăn tang:
- Ông là người ngoài mà lại không sợ. Còn con cháu chúng tôi thì...ì.
Giọng ông nghẹn lại, không nói nổi thành câu.
**
 Sáu Bình nói cho Minh biết quyết định của mình:
- Kỳ này ra quân, tao sẽ ở luôn trên Sài Gòn.
Minh hỏi lại:
- Anh không định về sống ở đây nữa hay sao?
- Thì hai đứa nhà tao đều công tác ở Sài Gòn cả, chúng lập gia  đình và đã có nhà riêng trên đó rồi. Con cái ở đâu, cha mẹ phải theo thôi!
- Nhà chúng ở đâu? Mà anh định sống với đứa nào?
Sáu Bình giãi bầy:
- Tao đã kiếm được một cơ ngơi ở khu dân cư Tân cảng Sài Gòn. Nhà của tao cũng nằm gần chỗ hai đứa ở, nên thuận cho việc đi lại, dẫn cháu đi học hàng ngày. Con dâu, con rể đều muốn tao với chị mày về sống chung. Nhưng chúng tao không chịu.
- Thế sao anh không ở một nhà, chị đến với đứa còn lại cho tiện? Đàng nào anh chị chẳng phải đưa đón cháu đi học hàng ngày. Đi lại giữa mấy nơi như vậy vất vả lắm.
- Nhà của chúng nó không phải là nhà mình.
- Anh chị đã bỏ ra một phần lớn để lo cho chúng chỗ ở. Sao lai không phải là nhà của mình?
- Nhiều thứ mình dùng không quen, bất tiện lắm.
Minh động viên:
- Dần dần sẽ quen thôi mà.
Sáu Bình nói tiếp:
 - Nhưng mà khách khứa của tao lại đông, đủ các thành phần. Khi họ tụ họp ở nhà tao, họ sẽ thỏa mái hơn, vì được tự do la hét, được văng lời thả phanh. Thậm chí chửi thề cũng chẳng có ai dám cản. Chứ ở nhà bọn nó, chúng mình đâu dám dô đô tới mút mùa. Được ở trần, xoa bụng nhau ca sáu câu vọng cổ. Tao là cha đẻ ra hai đứa chúng nó mà còn ngại, nữa là tụi bay.
Nằm trên cái võng mắc ngoài sân, Minh đưa mắt nhìn bao quanh căn nhà:
- Thế còn chỗ này?
- Đây là cơ ngơi tao được bố mẹ chia cho. Giờ tao giao lại cho một thằng cháu con ông anh với lời dặn: Chỉ được ở chứ không được bán. Để thi thoảng tao về thăm quê, còn có chỗ thắp hương cho ông bà. Mà ông anh tao, chẳng biết đóng kiểu gì mà đẻ lắm thế. Ông ấy có tới bảy đứa con, giờ chúng nó ra ở riêng, lấy đâu ra đất mà chia cho chúng nó làm nhà. Mặc dù gia sản của tổ tiên để lại, phần của ông ấy là con cả chiếm tới già nửa. Phần còn lại được chia đều cho ba đứa chúng tao.
Minh đồng thuận:
- Em thấy anh sử sự như vậy được đấy. Nhưng nếu thằng Hoàng về, nhất định nó sẽ tìm đến chổ anh. Chúng mình liên lạc với nó bằng cách nào đây?
- Tao đã dặn ở nhà cách thức liên lạc nếu có ai đến tìm.
Rồi Sáu Bình lại tự trách mình:
- Thằng Hoàng phải rời quê ra đi, tao có một phần lỗi. Tại ngày ấy, tao không làm triệt để với những người có thẩm quyền. Bảo vệ tới cùng những cái mà chúng nó được hưởng. Về quê sống không được, thì tụ lại ở đâu đó, lập lên quê mới mà sống. Nhưng mà, cũng không trách cán bộ ở địa phương được. Họ cũng chỉ làm theo các công văn của trên gửi xuống - Ông cười ha hả - Mà ngay như tao đây, cũng bị mấy tay ở xã này đưa tên vào danh sách Ngụy quân, Ngụy quyền nữa là.
Sáu Bình cho Minh biết tiếp: Trên thông báo việc kiếm tìm qui tụ liệt sĩ là việc làm lâu dài. Không bao giờ hoàn thành được. Nhiệm vụ tìm kiếm các liệt sĩ của đội ta sẽ được đơn vị mới tiếp nhận. Kỳ này, ông muốn toàn bộ số anh em có thời gian sống và công tác tại đơn vị qua các thời kỳ, tụ họp lại với nhau nhân ngày thành lập đơn vị. Và lấy ngày đó là ngày truyền thống, là ngày họp mặt hàng năm
**
   Buổi họp mặt diễn ra tại nhà văn hóa nơi Sáu Bình ở.
Để lo liệu cho cuộc gặp gỡ này, Sáu Bình và Minh tốn rất nhiều công sức, chắp mối, liên lạc.
Trở về với cuộc sống đời thường đã một thời gian, nhưng những người cựu binh đều chọn bộ quần áo lính đã bạc mầu cho ngày gặp gỡ. Lúc gặp nhau, mọi người trò truyện râm ran. Họ nhận ra nhau nhờ những cái tên goi theo biệt danh. Mà cái biệt danh do lính tráng đặt cho nhau, nhiều lúc rất khó nghe.
Nào là: Hải ruợu, Minh gà, khóc khi nhớ nhà là Thắng Sen Kô Lớn còn bi bô là...
Sau lời nói khai mạc nôm na của Sáu Bình - Người có cấp bậc cao nhất khi đơn vị giải thể - Minh cầm micô làm MC dẫn chương trình.
Những thủ tục đầu tiên của các hội nghị được Minh làm đúng theo yêu cầu, trôi chảy. Đến phần giới thiệu các đại biểu mời, Minh xuống tận cuối hội trường cầm tay một đôi nam nữ thanh niên dắt nên hàng ghế trên cùng, mời họ ngồi cùng các thân nhân liệt sĩ.
Do cũng không nắm được hết anh em trong đơn vị qua từng thời kỳ. Minh cho rằng việc để mọi người biết về nhau là vô cùng quan trọng. Minh phân anh em ra từng quãng thời gian mà giới thiệu. Rồi anh nhắc lại những chiến dich, các trận đánh quan trọng mà đơn vị đã trực tiếp tham gia.
Minh nói về Sáu Bình:
- Kính thưa hội nghị! Buổi họp mặt của chúng ta hôm nay đông đủ anh em qua từng thời kỳ. Có người chỉ công tác ở đoàn ta trong một thời gian ngắn, rồi chuyển đi nhận nhiệm vụ ở các đơn vị mới. Nhưng có một người tham gia đơn vị từ ngày đầu tiên được thành lập, cho đến lúc giải thể. Xin trân trọng giới thiệu với mọi người: Đồng chí Sáu Bình, nguyên Thiếu úy của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa!
Thấy mọi người ồ lên, Minh đưa mắt nhìn bao quanh hội trường, anh đợi tiếng ồn ào lắng xuống, rồi tiếp tục nói:
- Nguyên Trung tá pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguyên Đảng ủy viên Sư đoàn. Nguyên đoàn trưởng đoàn ta lúc đơn vị giải thể; Và còn nhiều thứ nguyên khác nữa. Xin kính mời đồng chí có đôi lời tâm sự với toàn thể anh em
Sáu Bình bước lên bục, ông e dè khi kể về mình bao nhiêu. Thì sau đó, lúc nói về các trận đánh điển hình của đơn vị, ông lại nhắc nhiều đến anh em cùng tham gia một cách hùng hồn bấy nhiêu. Khi được ông nhắc tên, một số anh em mặt đỏ bừng, ngượng nghịu đứng dậy chào mọi người.
Phần giới thiệu đồng đội, Minh chia ra làm bốn giai đoạn.
Đầu tiên là những người công tác ở đơn vị từ ngày đầu thành lập đến mùa xuân 1968. Tiếp theo là các chiến sĩ được bổ sung về đơn vị sau Mậu Thân. Giai đoạn thứ ba tính khởi điểm từ khi Hiệp định PaRi được ký kết. Và cuối cùng là các chiến sĩ về đơn vị nhận nhiệm vụ sau 30/4/1975 đến ngày đơn vị giải thể. Khi nói đến thời kỳ nào, Minh yêu cầu anh em lần lượt đứng dậy chụp ảnh kỷ niệm.
Công việc theo dự kiến diễn ra suôn sẻ, Minh đưa mắt nhìn về đôi thanh niên ngượng ngùng khi phải ngồi hàng ghế đầu. Hình như, họ chưa quen với các cuộc hội họp như thế này của các bậc cha chú. Minh đến bên họ, yêu cầu hai người đứng dậy. Giọng Minh vang lên, anh xúc động nói:
- Trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia phía bắc. Đoàn ta có tham gia nhiều trận đánh, lập được nhiều chiến công xuất sắc và cũng bị tổn thất không nhỏ. Trong một trận đấu pháo với quân Trung Quốc, đoàn ta bị hỏng một khẩu ca nông lựu1 loại 155ly. Trong trận ấy, tôi, trung úy An và trung úy Hoàng đều bị thương phải vào quân y viện tiền phương điều trị. Hôm nay ngoài tôi ra, còn có sự hiện diện của trung úy An. Mà trung úy An của ngày ấy đã đeo lon trung tá khi giảng dạy ở học viện quân sư. Hiện tại đồng đội An của chúng ta đã chuyển ngành, đang giữ chức vụ phó trưởng khoa triết của Học viện Hành Chính Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh. Còn chiến hữu Hoàng giờ đã định cư tại Mỹ, chưa liên lạc được. Đặc biệt ngày hôm đó, chúng tôi bị hy sinh hai người -  Minh chỉ vào đôi nam nữ thanh niên - Và đây là con của hai người ấy.
Cả hội nghị ồ lên, nhìn vào đôi thanh niên. Rồi tất cả hội trường lặng đi khi nghe Minh nói:
- Xin thưa với mọi người! Chắc hẳn chúng ta còn nhớ những con số mà ngay từ lúc đầu cuộc họp mặt, do đồng chí Sáu Bình công bố.   Con số thương vong của chúng ta không nhỏ. Nhưng đây là những trường hợp hy sinh cuối cùng, ngay tại trận đánh trước khi đoàn ta giải thể. Chuẩn úy khẩu đội trưởng Sơn vừa tốt nghiệp trường quân chính - Minh ôm chàng trai - là bố cháu Hải đây! Cháu Hải sinh ra chỉ biết mặt cha qua tấm ảnh để trên ban thờ - Minh đưa tay kéo  cô gái sát lại gần Hải, anh nói tiếp - Còn cháu Trang đây cũng vậy! Bố cháu tên Hạ, nguyên là thiếu úy của quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi cũng không biết do số phận, hay sự tình cờ mà họ lại là bạn thân, học cùng lớp với nhau. Hai cháu hiện đang theo học khoa tiếng Anh, tại một trường Đại học ở thành phố này - Minh nghẹn ngào - Mai đây, thế hệ các bác, các chú rồi cũng qua đi. Có thể trong số các bác, các chú ở đây còn đôi người bảo thủ. Chưa mạnh dạn đổi mới cách nghĩ suy. Cũng không đủ sức làm những công việc mà lòng mong muốn. Nhưng tương lai của đất nước này sẽ thuộc về các cháu. Những gì mà thế hệ của các bác, các chú hôm nay chưa làm được. Thì thế hệ của các cháu, chắc chắn sẽ hoàn thiện nó trong lương lai. Cầu mong sao sự tốt lành nhất sẽ đến với hai cháu!
 


1, Đơn vị dân cư nhỏ nhất của đồng bào khmer
1, Loại khăn Quân giải phóng miền Nam hay dùng. Khăn có nhiều tác dụng như: Dùng làm khăn rửa mặt. choàng lên đầu hành quân khi trời nắng, để che quấn ngang bụng thay quần lót khi tắm ở suối. Lúc bị thương có thể dùng thay băng...
1 , Váy của đồng bào khmer
2 , Ba lô tự khâu của quân giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
1, Chỉ một số cán bộ cơ hội biến chât, đã làm mất lòng tin của người dân. Những người này mới tham gia cách mạng từ 30/4/1975.
1 , Pháo mặt đất loại 155 ly tầm trung.

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)