bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 153
Trong tuần: 950
Lượt truy cập: 629859

NGÔI NHÀ CÓ DÀN HOA GIẤY (Chương cuối)

Trần Ngọc Dương


ĐƯỜNG CHÂN TRỜI (Chương cuối)
 
   Lúc biết được lịch trình những nơi Minh sẽ ghé thăm, Út Mai reo lên:
- Có một số điểm trùng với nơi đoàn công tác của em sẽ đến. Anh đi sớm làm gì, đợi khởi hành cùng với bọn em cho vui.
- Mục đích của tôi là đi thăm bạn. Còn đoàn của Út Mai là khám bệnh từ thiện. Do mục đích của chúng ta khác nhau. Tôi đi cùng không hay, sợ gây phiền phức cho mọi người. Tôi e bản thân sẽ có những lời nói hoặc việc làm vô ý gây ra sự hiểu lầm đáng tiếc.
Út Mai nêu sự tương đồng của hai người:
- Việc anh đi dựng nhà giúp cho đồng bào sau cơn bão, cũng là việc làm từ thiện.
Minh khăng khăng:
- Đi dựng nhà và khám chữa bệnh là hai việc rất khác nhau.
- Thì việc chữa trị bệnh cho người khác anh vẫn làm thường xuyên.
- Nhưng đấy là những khi không có thầy thuốc nào khác. Mà lúc bấy giờ, người bệnh lại không biết trông cậy vào ai. Tôi mới dám làm những công việc của một thầy thuốc. Chứ như hiện tại, tôi nào dám múa rìu qua mắt thợ.
Út Mai khẳng định:
- Với mọi người trong đoàn, anh sẽ không cảm thấy lạc lõng đâu!
Minh ngần ngại:
- Nhưng tôi vẫn thấy nó thế nào ấy.
Út Mai cố thuyết phục:
- Đã đành kiến thức về Tây y, thì anh không bằng em với má. Nhưng về Đông y, em cam đoan cả đoàn thầy thuốc kỳ này chẳng ai bằng anh.
Thấy Minh im lặng, Út Mai nói tiếp:
- Mà người dân ở những nơi ta sẽ đến nghèo lắm. Kinh phí khám bệnh kỳ này rất hạn hẹp, thuốc men đoàn mang theo toàn loại bình thường, rất khó chữa dứt điểm được bệnh cho bà con. Em đang lo lấy đâu ra thuốc mà cấp phát cho mọi người đây. Việc khám và chữa trị bằng thuốc nam có khi phù hợp hơn. Trong đoàn cũng có một Nhà thuốc đông nam dược, có cử người đi cùng. Anh có thể đàm đạo với họ.
Thấy Minh vẫn im lặng, Út Mai cầm hai tay anh nũng nịu:
- Đi!
Minh cười:
- Cái cô này, đi đâu?
- Thì anh ở lại đi với bọn em cho vui. Đàng nào anh cũng phải chờ mấy cây cột bê tông, xà đỡ ở dưới đó cho nó có đủ thời gian đông kết, mới dỡ được cốt pha. Mới trèo lên làm mái được.
Minh hỏi lại:
- Sao cô biết cả nghề xây dựng vậy?
Út Mai say sưa lập luận:
- Mà anh cũng biết rồi còn gì, nhà ở quan trọng nhất là cái móng và hệ thống cột xà. Anh xuống đến đấy vẫn phải đợi chờ cơ mà, chẳng thể nào dỡ sớm được.
- Làm sao Mai biết?
- Thì lúc uống cà phê, anh vừa đàm thoại với mọi người về thời gian thi công. Chú Sáu Bình có hỏi về việc chuẩn bị tôn lợp và hệ thống các thanh giằng ở mái. Anh trả lời sẽ mang đến như đã hẹn, song tập kết đúng ngày sẽ tốt hơn vì không bị  mất công bảo quản.
Việc đi cùng đoàn với Út Mai giúp Minh rất nhiều. Những nơi đoàn đặt chân tới hầu hết là căn cứ của ta trong thời gian kháng chiến. Hòa bình đã lâu, nhưng nhiều nơi còn chưa có điện, cuộc sống của bà con thiếu thốn trăm bề.
Ngoài việc hỗ trợ cùng mọi người trong đoàn chữa bệnh miễn phí cho nhân dân trong vùng ra, Minh còn hướng dẫn bà con phương pháp trồng, thu hái thuốc nam để chữa một số bệnh thông thường.  
Người được anh em cựu binh hỗ trợ xây dựng lai căn nhà là Thượng sĩ Khang. Người đã sát cánh cùng Sáu Bình và Minh chiến đấu ở mặt trận biên giới phía Bắc. Do cấp bậc chỉ là Thượng sĩ trong quân đội của chính quyền Sài Gòn, nên Khang không phải theo học các đợt  có thời gian như của các sĩ quan khác.
Vì biết nghề sông nước, nên cũng có nhiều người đến rủ Khang vượt biên, song anh lắc đầu từ chối. Khang cho rằng, cái kiếp cu li thì ở đâu cũng khổ như nhau cả, ở đâu cũng phải làm mới có ăn. Gia đình anh lại có bà má vợ đã nằm liệt giường gần mười năm trời. Bà chỉ có cô con gái duy nhất là vợ anh.
Ngày đó hình như cũng đoán được những diễn biến xung quanh, vợ Khang đã ngỏ lời cương quyết: Anh cứ việc đi làm ăn ở nơi xa, còn em sẽ trụ lai nhà với má.
Hàng ngày anh cùng bạn chài dong thuyền ra khơi. Tàu bé chỉ hành nghề đánh bắt ven bờ, cá tôm kiếm về chẳng đáng bao nhiêu, song cũng đủ cho mọi người lần hồi qua ngày. Cũng may ở vùng quê này, nhà ai cũng có một chút vườn đất, có thể tự túc được một phần lương thực.
Khu rừng ngập mạnh bao quanh cù lao nơi mọi người đang ở bị tàn phá nhiều. Nguồn lợi hải sản ở ven bờ ngày càng trở lên khan hiếm.
Mọi người trong nhóm bạn chài mong muốn có vốn, đóng một con tàu với công suất lớn, đủ sức vươn khơi. Song ước mơ của con nhà nghèo thường hay trở thành viển vông, vì những hiện thực mà họ phải đối đầu.
Cơn bão số 5 tuy cường độ không lớn, nhưng nó bất ngờ chuyển hướng đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho cư dân ven biển vùng quê nơi Khang sinh sống. Con tàu nhỏ bé của họ bị quăng lên bờ vỡ vụn. Nhiều căn nhà chỉ trong chốc lát sụp đổ, bị cuốn bay mất mái. Trong phút chốc họ trở thành những kẻ trắng tay.
Khi cơn bão đi qua, mọi người đổ xô đi tìm những người mất tích. Nhiều mảnh khăn trắng xuất hiện trên mái đầu trẻ thơ.
Khang cũng giống như những người mất nhà khác, anh cố gắng nhặt nhạnh, gom góp những gì còn sót lại sau bão, dựng tạm lấy căn lều lấy làm chỗ ở tạm cho cả gia đình.
Đúng lúc ấy thì anh nhận được tin báo của Sáu Bình về buổi họp mặt. Đầu tiên Khang không định đi vì chẳng có tiền, và cũng có đôi  chút mặc cảm. Song đến lúc Sáu Bình cho người đến tận nơi đón và nói: Mọi chi phí cho chuyến đi đều đã có người lo. Vì nể Sáu Bình, và một phần cũng muốn gặp lại số anh em đã có thời gian đứng chung một chiến hào ở phía Bắc với mình, Khang đã có mặt tại cuộc họp. Lúc biết rõ hoàn cảnh của Khang, khi Sáu Bình đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ của anh em. Mọi người đều nhiệt tình ủng hộ.
**
     Minh đến đúng lúc Sáu Bình đang cởi trần, hò hét gia chủ Khang phải buộc cái khăn đỏ ngang đầu khi đặt cây xà nóc. Thấy Minh đi người không, Sáu Bình lên tiếng hỏi:
- Tôn đâu mày?
- Đã chuyển về, hiện nằm một đống ở ngoài bờ kênh.
- Sao không cho mang vào?
- Em đã định bốc lên xe trâu, xong tôn có chiều dài quá khổ, xe trâu không chở được. Anh xem huy động toàn bộ anh em ra khiêng vào giúp. Tôn cũng nhẹ thôi, hai người sẽ mang được đôi tấm, chỉ đi ba lần là mang hết được số tôn về.  
- Thế thì triển khai luôn.
Minh ngó quanh:
- Sao cậu An nói đã nhờ học trò cũ trên địa bàn giúp thêm về nhân lực.
- Nó nói thật đấy!
- Sao đến giờ vẫn chưa thấy một ai?
- Chắc người ta chưa tìm được nhà. Mà tại mình làm lấy giờ, nên việc khởi công cũng hơi sớm. Ở cơ quan nhà nước, giờ mới tới thời gian làm việc mà.
- Biết thế em thuê luôn nhân công ở trên thị trấn xuống làm một thể. Giờ muốn thi công cũng không có dụng cụ mà làm.
- Dụng cụ gì?
- Thì máy bắn tôn ấy.
Sáu Bình khẳng định:
- Người ta sẽ đến! Tao đã đi với thằng An mấy lần rồi. Học trò của nó toàn Bí thư, với Chủ tịch cả, mấy khi được thể hiện tấm lòng báo đáp công ơn của thầy.
Đúng lúc đó, một tiểu đội bộ đội biên phòng mang theo dụng cụ, máy phát điện có mặt.
Người tiểu đội trưởng đứng nghiêm báo cáo với Sáu Bình lý do đến chậm: Họ phải chờ người đi mua xăng cho máy phát điện. Mà cửa hàng xăng của nhà nước chỉ mở bán đúng giờ qui định.
Lúc triển khai công việc, Minh tìm cách tiếp cận Sáu Bình dò hỏi, lý do tại sao lại nhờ được cả một tiểu đội Biên phòng.
Sáu Bình cười khùng khục mắng:
- Cái thằng, chỉ được bộ quan trọng hóa vấn đề, mọi việc cứ suy nghĩ theo chiều giản đơn đi.
Thấy Minh không chịu, muốn tìm hiểu đến cùng. Ông nói tiếp:
- Thì tay đồn trưởng đồn biên phòng ở đây là học trò cũ của An. Nó nói với tao đã điện nhờ giúp đỡ. Tao cũng đã đến đây từ mấy ngày hôm trước. Đã gặp gỡ tay trưởng đồn trao đổi trực tiếp, việc này cũng nằm trong lịch trình công tác của đơn vị. Mà quân đi giúp dân dựng nhà sau bão là lẽ đương nhiên. Mày có còn thắc mắc điều gì nữa không.
Sáu Bình nói với Minh chuyện chẳng liên quan gì đến cái nhà của Khang:
- Người Nhật, người Pháp, rồi tới người Mỹ đã lần lượt trở lại Việt Nam. Mặc dù có một thời gian họ là kẻ thù, nhưng bây giờ chúng ta gọi họ là bạn. Người bạn lớn bây giờ vẫn là bạn, lại khiến chúng ta luôn luôn phải bận tâm, lo lắng đề phòng. Còn người Việt chúng ta, cái hố ngăn cách vẫn còn, chẳng chịu san lấp. Không chịu nắm lấy tay nhau, hòa hợp dân tộc. Có thể những thế hệ sau này, sẽ trách chúng ta là những kẻ bảo thủ, chẳng chịu phá bỏ hàng rào ngăn cản giữa con người với con người. Nhiều lúc nghĩ tới, tao đau cả cái đầu. Thôi tao với chúng mày, cố gắng là người tốt. không trở thành kẻ xấu. Cố gắng sống sao để cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay.
Trưa hôm đó công việc hoàn tất, Khang làm bữa cơm tân gia mời tất cả mọi người. Trong bữa cơm chia tay, Minh nói với Sáu Bình lý do không cùng ông trở về thành phố được ngay. Anh còn một số công việc phải làm cùng với  đoàn thầy thuốc tình nguyện của Mai.
Sáu Bình trách:
- Vậy mà mày không dẫn nó đến cho anh Sáu này biết sơ qua cái mặt. Những lần trước lũ con gái mê mệt vì nụ cười và nước da trắng của mày. Mà tại ngày ấy mày còn trẻ. Bây giờ trông mày chả khác bọn chúng tao là mấy. Vậy mà vẫn có đứa để ý đến mày. Mới xa tao có vài bữa, mà đã có được những cuộc hẹn hò. Cái thằng này ghê thật, vẫn chứng nào tật ấy.
Minh phân trần:
- Người quen cũ thôi mà!
Sáu Bình tò mò:
- Liệu tao có biết người ta?
Minh thầm thì:
- Anh còn lạ gì Út Mai nữa!
Sáu Bình hỏi lại:
- Nhưng là Út Mai nào?
- Út Mai bác sĩ ở bệnh viện dã chiến của đơn vị mình hồi 79 ấy.
Sáu Bình ngẩn người:
- Nếu là con nhỏ ấy thì tao còn lạ gì nó nữa.
Minh khẳng định:
- Ngoài cô ấy ra, em có quen ai ở trong này đâu.
 Sáu Bình tò mò:
- Nhưng sao mới có mấy bữa, mà hai đứa chúng mày đã hẹn hò, đã gắn chặt lấy nhau rồi?
Minh lảng tránh:
- Vì công việc thôi.
- Thật không?
- Em đâu dám nói dối anh.
Sáu Bình gặng hỏi:
- Liệu còn có lý do nào khác?
Minh ngần ngừ:
- Với lại em cũng đã hứa với bác Vân sẽ chăm sóc Út Mai trong suốt đợt công tác này.
Sáu Bình cười vang:
- Cái thằng này chỉ giỏi bao biện, mày chăm nom nó hay nó phải lo cho mày đây.
**
   Nửa đêm hôm đó, đoàn của Út Mai thức giấc vì nhận được thông báo: Có một ca cấp cứu do bị côn trùng độc cắn.
Người bệnh nhà ở ngoài khu rừng ngập mặn đầu mom. Cái xuồng là phương tiện đi lại duy nhất đã bị bão cuốn đi mất. Ông ấy bị con gì không rõ cắn, khi đi kiểm tra những cái lờ đặt trong khu rừng ngập mặn từ buổi chiều, nhưng đến lúc đi ngủ nọc độc mới phát tác. Vợ ốm đang phải nằm viện, nhà còn ba bố con. Do chỗ ở ngoài đó chỉ có độc nhất căn nhà của họ, nên không ai có giúp đỡ ba bố con cả. Cậu con lớn thấy bố sốt cao mê man, sợ quá lội theo bờ kênh mất gần hai tiếng mới vào được đến thôn để tìm người trợ giúp.
Mọi người bàn bạc: Nếu dùng xuồng máy chở người bệnh vào đây, thì cũng chỉ do các thày thuốc trong đoàn thực hiện cấp cứu. Làm như vậy sẽ lãng phí thời gian. Tốt nhất là cử những người có kinh nghiệm với đầy đủ phương tiện thuốc men, tới hiện trường tham gia cứu chữa ngay tại chỗ.
Ngay lập tức, một tốp các thày thuốc được huy động và gấp rút lên đường. Do cả thôn chỉ còn lại cái xuồng lắp máy Cole5. Cái xuồng lại quá nhỏ, chỉ mang được tổng cộng có sáu người. Lúc về lại còn phải chở thêm bệnh nhân.
Ngoài Khang là tài công và cậu con của người bị nạn dẫn đường ra. Nhóm lên đường gồm Út Mai - bác sĩ có chuyên môn cao nhất đoàn, với một kỹ thuật viên giỏi đi phụ giúp. Minh cũng được cử cùng tham gia, vì anh có khả năng về đông y cao nhất trong những người ở đây.
Lúc chuẩn bị lên đường, Minh nói với mọi người:
- Nếu là ban ngày thì tốt quá.
Có người hỏi lại:
- Sao lại tốt?
- Sẽ kiếm được một ít con đỉa mang theo.
- Mang theo cái loài hút máu gớm giếc ấy để làm gì?
- Nó sẽ giúp được rất nhiều trong việc cấp cứu người bị trùng độc cắn.
Nghe thấy Minh nói thế, ông chủ nhà vội lên tiếng:
- Tưởng gì chứ, đỉa trong cái lu ở trong nhà có gần một cân!
Thấy mọi người lộ vẻ  ngạc nhiên, ông phân giải:
- Các cháu nhà tôi mới bắt về chiều ngày hôm qua.
- Để làm gì?
- Để bán cho thương lái. Họ mua về làm gì không rõ, nhưng trả giá cao lắm. Ở đây mấy hôm nay, dân bỏ bê công việc, đổ xô đi bắt đỉa.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các phương tiện dụng cụ, đoàn gấp rút lên đường.
Tới nơi, mọi người bắt tay ngay vào việc. Gọi là nhà cho oai, chứ nơi này chỉ là cái chòi của người gác rừng. Khi chiếc đèn măng sông được thắp sáng, cảnh nghèo túng  của gia chủ càng hiện ra  rõ nét.
Quan sát người bệnh đang sốt cao mê man, với cái chân phải sưng đẫy thâm tím. Các thành viên trong đoàn nhìn nhau, họ đều hiểu một điều: mình đã đến kịp.  
Mới khám sơ qua người bị nạn, Út Mai đã có nhận định và đưa ra phác đồ cấp cứu. Út Mai cho tiêm thuốc, rửa sạch vết cắn và  tiến hành truyền dịch.
Còn Minh dùng kim châm điểm vào một loạt các huyệt đạo. Anh nói với mọi người, để ngăn chặn cơn đau và chất độc bớt lan tỏa thêm.
Minh lại chọn ra bảy con đỉa mang theo, được nhốt trong lọ, lần lượt đặt vào các vị trí khác nhau trên cái chân đang bị sưng tím tái. Trước khi đặt chúng vào vị trí, Minh dùng kim châm, và nặn cho phọt ra một ít máu. Ngay lập tức, lũ đỉa đói bám chặt và thi nhau hút máu.
Vừa làm, Minh vừa giải thích:
- Đây là phương pháp hút máu độc của người cổ xưa rất hiệu nghiệm. Bởi giống đỉa khi hút máu, bao giờ cũng tiết ra một chất làm cho máu tự chảy.
Khi lũ đỉa no mập mạp, tự buông người cho rơi khỏi vị trí đã bám. Minh gắp lên khay, lấy dụng cụ chọc vào thân lũ đỉa. Những dòng máu đen sì phọt ra làm loang lổ cả cái khay trắng tinh. Minh lại đặt lũ đỉa đói còn lại vào các vị trí khác nhau.
Minh nói:
- Các vị trí cho đỉa bám, là những chỗ máu độc tụ lại quá nhiều, phải lấy nó ra khỏi cơ thể người bệnh. 
Cứ như thế, cho đến lần thứ ba khi thấy máu có mầu hồng tươi anh nói với mọi người:
- Về cơ bản, máu độc trong người bệnh đã bị loại trừ.
Minh tiến hành vệ sinh vết thương, các chổ cho lũ đỉa bám và bôi vào đó một loại thuốc cao mang theo.
Mọi người thở phào khi thấy bệnh nhân hồi tỉnh. Út Mai tiến hành khám cho bệnh nhân, các chỉ số đều nằm ở ngưỡng an toàn. Cơn nguy kịch đã qua, người bệnh đã được cứu sống!
Trời đã gần sáng, nhưng mọi người không thể mang bệnh nhân trở lại thôn ngay được, vì cái xuồng máy đã hết xăng. Út Mai điện về đoàn yêu cầu được chi viện.
Một lúc sau mọi người nhận được câu trả lời: “Đồn biên phòng đã cho tầu mang xăng tới. Bệnh nhân được đưa thẳng tới bệnh viện của huyện để tiếp tục điều trị, nhóm các thầy thuốc sẽ đi theo tầu. Xe của đoàn chờ đón mọi người ở trên thị trấn để cùng về thành phố, vì theo lịch trình đợt công tác đã kết thúc. Hành lý của cả nhóm đã được mọi người thu xếp mang theo.”
**
    Trong lúc đợi tầu, Minh và Út Mai ra đầu mom đón bình minh trên biển.
Hai người im lặng nhìn về phía xa xa. Chẳng mấy chốc mặt trời đã ló nên khỏi măt nước. Biển vẫn trải rộng một màu xanh thăm thẳm. Từ phía đường chân trời, xuất hiện những tia nắng vàng làm rạng rỡ cả những đám mây, phản chiếu xuống mặt nước tạo thành một vệt sáng trải dài lấp lánh, lung linh.
Chuyện hai người nói với nhau:
Út Mai hỏi:
- Đường chân trời ở đâu hả anh?
Minh giơ tay chỉ ra phía biển xa:
- Nó là giải phân cách giữa mặt đất với bầu trời. 
- Thế bên kia đường chân trời là gì?
- Là Đại dương mênh mông.
- Ở ngoài đó có gì?
- Ở phía đó có những hòn đảo.
- Trên đảo có con người sinh sống không?
- Ngay từ thủa xa xưa, người Việt mình đã in dấu chân, đã làm ăn ở đó. Còn bây giờ, trên những hòn đảo đó, có nơi có người ở, nơi không!
- Anh đã ra đấy bao giờ chưa?
- Chưa một lần.
Út Mai cười:
- Anh hay đi một mình lang thang đến khắp mọi nơi cơ mà.
Minh thủ thỉ:
- Nhưng ngoài đó là Trường sa. Chếch lên phía trên một chút là Hoàng Sa. Ở Trường Sa ngoài những người lính biển đang cầm chắc tay súng, gìn giữ đất trời. Ở đó còn có các cư dân khác đang sinh sống. Họ đã lập nên làng, nên xóm. Ngoài đó, đã có tiếng khóc của những đứa trẻ sơ sinh, tiếng học bài ê a của lũ trẻ nhỏ. Chiều chiều, còn có tiếng chuông chùa ngân nga. Nhưng muốn ra đấy, chúng mình phải đi theo tầu của bên Hải quân, hoặc tầu đánh cá của những ngư dân. Phải mất nhiều ngày lênh đênh trên biển. Chúng ta không thể một mình ra đó được. Còn ngoài Hoàng Sa thì, đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974. 
- Em cũng mong một lần trong đời được đặt chân ra đó.
- Để làm gì?
- Muốn cùng anh, ngắm xem đường chân trời ở ngoài đấy có giống nơi này không.
- Chúng giống nhau cả thôi, vì ở ngoài nơi đó, đều là biển trời của chúng ta!
**anh_bia
    Người thương lái thu mua đỉa không phải ai khác, y chính là thằng Hắm - bạn cũ của Hoa. Hắm may mắn thoát chết vì ở lại đón chờ dẫn cánh quân thứ hai trong trận chiến hôm nào.
Khi cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam kết thúc. Với khả năng và trình độ như Hắm, quân đội hiện đại của đại lục không cần đến y nữa. Hắm buộc phải ra quân và được ở lại Trung Hoa đại lục làm ăn. Do đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, y quá hiểu phong tục và tập quán của người dân Việt.
Từ khi quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc trở lại bình thường. Biên giới giữa hai nước thông thương, các cửa khẩu được mở trở lại. Hắm đã mò sang Việt Nam, bán những thứ hàng nhì nhằng, rồi lần mua những thứ mà các ông chủ lớn ở Đại Lục cần.
Bản thân Hắm cũng thấy lạ, nhiều khi ông chủ lớn chi tiền bắt mua những thứ không có giá trị mấy về kinh tế. Có lúc săn lùng mua gom các mặt hàng lạ lùng như lá điều khô, chè bẩn, hoa cau, móng chân con trâu... Khi lại thuê đất để trồng khoai lang, hoặc trồng các thứ cây ngoại lai khác.
Hắm đã quen làm theo lệnh, y chẳng cãi hỏi lý do tại vì sao, miễn là có tiền. Việc thu mua đỉa lần này cũng vậy. Theo chỉ đạo, đợt đầu y trả tiền sòng phẳng, rồi nâng mức giá lên từng ngày. Khi mặt hàng đỉa trở lên khan hiếm, y ra điều kiện chỉ mua đủ mớn hàng với một trọng lượng nhất định và trả với giá rất cao.
Một số người bản địa hám lời, đã đứng ra mua gom đỉa để đủ khối lượng Hắm yêu cầu. Hắm bí mật thuê người bán ra. Đầu nậu lại mua về để ăn chênh lệch giá. Song họ đợi hoài mà chẳng thấy y quay lại.
Không thể để mãi những con vật gớm giếc này sống quanh mình được. Có người phát bệnh mỗi khi nhìn thấy lũ đỉa đói lúc nhúc trong lu, trong bể. Che đậy không kỹ là chúng chui ra ngoài, lẩn vào mọi ngóc ngách ẩm ướt. Chờ chán, người ta lại phải tìm mọi cách tiêu hủy chúng. Người dùng hóa chất, kẻ theo phương pháp truyền thống nổi lửa đun nước luộc chín, hoặc kiếm vôi sống thả vào tôi. Lũ đỉa chết nổi lên trên mặt nước, ai nhìn thấy cũng phải rùng mình. Nhưng cũng có kẻ  không còn nhân tính, bí mật đổ lũ đỉa ra sông rạch, đầm ruộng.
Một lần Hắm được ông chủ mướn, đứng ra thuê một ngôi nhà lầu có mặt tiền thuận lợi, làm nơi khám chữa bệnh đông y gia truyền. Theo những gì được quảng cáo trên truyền hình và báo chí thì: Ở đấy toàn là các thầy thuốc nước ngoài tài năng, với các phương thuốc bí truyền, chữa được bách bệnh.
Thực ra, các con bệnh đến chủ yếu đều được truyền những chai nước không nhãn mác với giá rất cao. Các thầy thuốc, nhân viên thì rất hiếm người có chứng chỉ hành nghề theo pháp luật yêu cầu.
Có một bệnh nhân đến chữa bệnh về Trĩ. Chẳng biết sao sau khi cắt, người bệnh đang truyền nước ở buồng hậu phẫu thì nên cơn choáng, rồi tắt thở. Khi cơ quan chức năng đến sờ gáy, thầy thuốc nhân viên đã bỏ trốn hết về nước chỉ còn lại Hắm. Y bị cơ quan pháp luật sở tại bắt giam vì tội hoạt động phi pháp, dẫn đến chết người.
**
    Bà Vân nói với Minh:
- Bác làm theo cách cháu hướng dẫn, nhưng hiệu quả không được cao. Đúng là thầy thuốc chữa được cho người khác khỏi bệnh, nhưng nhiều lúc lại phải bó tay trước căn bệnh vớ vẩn của mình.
Minh thành thật:
- Kỳ này dưới chùa có mở một lớp hướng dẫn, cho những phật tử nào muốn sử dụng các cây thuốc nam có sẵn ở quanh ta. Cháu đã hứa với sư thầy sẽ đứng lớp, phụ giảng một số giờ. Nên thời gian này quả có hạn hẹp hơn trước, nhưng cháu sẽ cố gắng làm vật lý trị liệu cho bác vào buổi tối.
Bà Vân vội vàng:
- Cháu đừng bận tâm về những lời bác vừa nói. Chẳng qua là người già thì độ nhạy cảm của các huyệt đạo cũng kém theo. Những lúc cháu có thời gian, nhớ chỉ bảo thêm cho con Mai. Để sau này những lúc cháu đi vắng, còn có nó giúp bác. Bác có ý định, sẽ biến toàn bộ cái sân thượng thành nơi trồng rau xanh, và một số cây thuốc nam. Cháu giúp bác được không. Con Mai tuy có bằng Thạc sĩ y khoa, nhưng nó lại dốt về việc trồng cây thuốc lắm. Bác không mong nhờ cậy được ở nó cái khoản này. Cháu ở lại giúp bác nhé.
Minh phân trần hộ Út Mai
- Hiện tai em ấy cũng bận nhiều việc ở chỗ làm lắm rồi. Thôi bác cứ để cháu mỗi ngày cố một tý cũng được.
Lúc rời khỏi cù lao trở lại Sài Gòn. Thấy Minh có ý định đi xuống chùa ở theo lời mời của sư trụ trì. Bà Vân đã vin vào lý do trên, để níu kéo anh ở lại.
Còn Út Mai vẫn vô tư, không hề hay biết ý định của Minh.
**
   Mỹ tuyên bố xóa bỏ chính sách cấm vận với Việt Nam. Quan hệ bang giao giữa hai nước trở lại bình thường, Giêm trở lại Việt Nam với mong muốn, tìm lại những ân nhân đã cứu mạng mình năm xưa.
Ngày ấy khi về nước, Giêm đã kể cho gia đình câu chuyện anh đã gặp ở Việt Nam. Ngay từ lúc ấy, bố Giêm đã muốn bay sang Việt Nam, để tìm gặp và cám ơn người đã cứu giúp đứa con trai duy nhất của dòng họ. Song cuộc chiến không cho phép ông thực hiện những điều mình muốn.
Địa chỉ không rõ ràng, trong lúc thị lực đang bị tổn thương, Giêm chỉ nhớ được: hình ảnh ngôi nhà có sân ở trước cửa, được phủ kín bằng một giàn hoa giấy. Và hình như ngôi nhà ấy nằm ở đâu đó, gần với trục đường dẫn ra sân bay Tân Sơn Nhất.
Dạo đó, bản thân Giêm cũng chưa thực sự hồi phục sức khỏe. Rồi Hiệp định Pa ri được ký kết. Theo Hiệp định, người Mỹ phải rút khỏi Việt Nam. Thông qua một số nguồn tin đặc biệt, gia đình Giêm biết sơ qua: Người chủ của căn nhà có giàn hoa giấy ấy là một bác sĩ người Việt.
Ngày 30/4/1975 Sài Gòn thất thủ. Giêm và gia đình không thể đi tìm ân nhân theo mong ước, vì hai quốc gia chưa bình thường hóa quan hệ. Và một phần vì sợ sự thù địch mơ hồ của những ai đó đã tưởng tượng ra, cố tình gieo rắt nó trong lòng những người lính như Giêm.
Khi bố Giêm mất, ông đã di chúc để lại cho anh cả cái công ty truyền thông khổng lồ và một phần tài sản của mình. Phần còn lại ông muốn giao cho hai người Việt đã cứu sống con trai mình. Nếu không tìm thấy, Giêm buộc phải rải ngân cho các công viêc từ thiện ở Việt Nam
Giêm quay lại Việt Nam, ngay khi những văn bản cấp hai nhà nước có hiệu lực. Giêm đi tìm ân nhân và thực hiện lời hứa của mình trước khi bố mất.
**
   Bà Vân thấy một thằng Tây ba lô cứ lượn đi lượn lại mãi trước cửa nhà mình đã thấy lạ. Bà càng lạ hơn khi được người chủ tiệm cà phê điện sang thông báo: có thằng Tây đang có ý đồ dò xét nhà.
Bà Vân định tìm, đối đầu trực tiếp hỏi cho ra nhẽ, thì có tiếng chuông reo. Khi mở cổng bà thấy Giêm đứng giữa cổng cất tiếng chào bà bằng thứ tiếng Việt ngọng líu:
- Con chào Má!
Bà Vân ngạc nhiên hỏi lại:
- Mày là ai mà lại chào tao là má?
Thằng tây lại cười:
- Con là thằng Giêm!
Bà Vân xua tay:
- Tao không quen, không biết.
Thằng tây tiếp tục khẳng định:
- Con là Giêm! Giêm của Mậu Thân 68 đây.
 Vừa nói, Giêm vừa ngồi thụp xuống đất, dựa lưng vào cổng, mắt nhắm nghiềm, đưa tay ôm ngực. Nhìn thấy cảnh trên, bà Vân nhớ lại cái hình ảnh năm xưa. Bà đỡ Giêm dậy:
- Có gì thì mày vào trong này rồi hãy nói.
Khi được biết ông Vân đã qua đời, Giêm khóc tu tu như trẻ con.
Bà Vân đã từng qua Mỹ, nên biết được một phần: Người Mỹ đa số trọng danh dự, ghét người nói dối và những ai không thực hiện lời hứa. Họ sẵn sàng đi khắp trái đất để thực hiện một lời hứa cỏn con. Nhưng một khi phát hiện ra bạn là kẻ không thành thật, họ sẽ coi thường bạn, vì bạn đã làm mất lòng tin ở nơi họ. Mà đã làm mất lòng tin, đồng nghĩa với việc mất đi tất cả.
Thấy Giêm khóc nức nở, bà Vân nói:
- Sao mày khóc như cha mày chết vậy? 
- Khi cha con mất, con đã không khóc. Còn bây giờ, con không hiểu tại làm sao lại như vậy?
- Theo những gì tao được biết, người Mỹ chỉ quen xưng hô mày tao. Nhưng sao mày lại gọi tao là má và xưng là con ngọt sớt như vậy?
- Ngày ấy khi ở Việt Nam về, con đã nói với cha mẹ mình: Con mãi mãi biết ơn vì cha mẹ đã cho con có mặt trên cuộc đời này. Nhưng con cũng sẽ coi những người đã cứu sống và cưu mang con như cha mẹ. Họ là những thiên sứ được chúa trời cử xuống giúp con qua cơn hoạn nạn. Nếu con không gặp được họ. Sẽ chẳng còn có thằng con ở trên cuộc đời này với cha mẹ nữa! Có thể nói một cách công bằng rằng: Ba má đã cho con mạng sống, là những người đã sinh ra con một lần nữa trong cuộc đời này! Tại sao con không được xưng hô là con với hai người.
Khi được thông báo về số tài sản mà mình được thừa kế theo di chúc của cha Giêm. Bà Vân từ chối không nhận.
Giêm thuyết phục bà:
- Đây là nguyện vọng cuối cùng của cha con!
Bà Vân vẫn khăng khăng lắc đầu.
Giêm vẫn cố đưa ra lý lẽ:
- Con cũng không thể nào thay đổi được di chúc.
Bà Vân ân cần giải thích:
- Tao đã đọc lời thề này trong buổi lễ tốt nghiệp: “Coi nghề Thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại1.”
 Giêm đề xuất:
- Hay mình dùng số tiền này, xây một bệnh viện từ thiện cho má đứng ra trông coi.
Bà Vân phì cười:
- Mày tưởng việc điều hành một bệnh viện dễ lắm hay sao. Tao già rồi
- Má cứ làm đi. Vì nó vẫn theo đúng lời thề Hippocrates mà. Khó khăn gì đã có mọi người xung quanh giúp đỡ. Má đừng lo! Út Mai có thể giúp má đảm đương được trọng trách này
**
    Chẳng biết Minh xưng anh với Út Mai từ bao giờ. Và cũng chẳng phải ngẫu nhiên, mà hai người luôn tìm đến với nhau, để nói đôi điều vớ vẩn. Trong cuộc đời này, món quà quí giá nhất mà thượng đế đã trao cho con người là trái tim để biết yêu thương, căm giận.
Út Mai vẫn biết, hình ảnh của Hoa - người vợ chưa kịp làm đám cưới - sẽ chẳng bao giờ phai nhạt trong Minh. Đã đành, tình yêu nào cũng có những kỷ niệm khó quên. Út Mai cũng biết, có người thời gian sẽ làm xóa nhòa, hoặc giảm bớt được nỗi đau. Song cũng có người, cái chết cũng không thể nào chia lìa được lứa đôi. Nhưng Út Mai vẫn sẵn sàng cùng Minh đi nốt chặng đường còn lại của cuộc đời. Út Mai tự nhủ: Yêu anh, mình sẽ chấp nhận tất cả! Bởi vì cô thấy trong tình yêu: Kể cả tật xấu cũng có đôi nét đáng yêu.
Út Mai cũng đã nhiều lần tự hỏi: Tình yêu đích thực của con người là gì? Rồi cô lại tự trả lời: Phải chăng nó luôn bắt nguồn từ những điều đơn giản nhất. Bởi vì nó luôn thuận theo tự nhiên, khi người ta luôn quan tâm lo lắng, sống hết mình vì nhau.
Cũng có lúc Út Mai băn khoăn: Tại sao mỗi lần hai người gần nhau, Minh toàn kể cho mình nghe nhiều về các cô gái trong cuộc đời anh gặp nhỉ?
Rồi cô lại tự hỏi: Liệu mình có lỗi gì khi đến với Minh?
Lúc thấy Minh thử tìm cách để ẩn náu, chốn chạy tình yêu. Út Mai cũng đã giận hờn tự nhủ: thử xem anh ấy chạy trốn cuộc đời này đến bao giờ nữa.
Còn Minh cũng đã từng nghĩ suy: Liệu có người con gái nào dám yêu mình tới mức khi trong tâm hồn anh, hình ảnh của người vợ ngày xưa vẫn còn nguyên vẹn?
Và cả hai cũng đều biết, trong tình yêu không phải cứ cố là đạt được những điều mong muốn. Rồi họ yêu nhau từ lúc nào chẳng biết nữa. Yêu mà chưa bao giờ nói đến từ yêu. Bởi họ không tài nào phân biệt nổi, tình cảm của chính mình. Nếu có ai hỏi xem họ yêu nhau vì cái gì? Từ bao giờ? Họ sẽ lắc đầu nói câu không biết, trả lời vu vơ. Hoặc nói ra câu muôn thủa, yêu nhau chỉ vì yêu thôi.
Trong tình yêu, thánh thần trên trời cao cũng giống như những con người nơi trần thế. Sẽ luôn luôn là những kẻ dại khờ. Phải chăng, tình yêu luôn là điểm tựa vững chắc nhất cho tâm hồn của mỗi con người.
**
   Vào ngày chúa nhật, chủ một trang trại mang đến cho bà Vân số cây thuốc giống theo đơn đặt hàng. Hôm đó, bà Vân đi lễ chùa. Chỉ có Minh và Út Mai ở nhà. Hai người đang tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong ngày, sẽ cùng nhau thực thi công việc theo dự định: cắt tỉa giàn hoa giấy.
Cầm trên tay một nhành hoa giấy, Minh thích thú nói với Út Mai:
- Em nhìn xem, lần đầu tiên anh thấy đấy!
Ngó nhành hoa trên tay Minh, Út Mai cười:
- Thì nó cũng giống như những bông hoa khác.
Minh khẳng định:
- Khác thật mà.
- Đâu, anh chỉ cho em xem với.
Minh chỉ vào từng bông hoa:
- Này nhé, những nhành cây đều cho các bông hoa có mầu sắc khác nhau. Nhưng những bông nở trên cùng một cành thì chỉ mang mầu gống nhau. Còn với cành hoa này, nó lại cho các bông có đủ mầu.
Út Mai ngạc nhiên, thích thú:
- Ờ nhỉ! Vậy mà em không nhận ra.
Minh cười trao cho Út Mai:
- Xin dâng lên nữ chủ nhân nhành hoa giấy ba mầu này.
Út Mai uốn giọng đùa lại:
- Vậy bổn cô nương muốn nó được ngự trên mái tóc.
Vừa cài hoa cho Út Mai, Minh vừa thầm thì hát trêu: “Hình em, tóc ngang vai, lược dắt với hoa cài. Nét mi cong, viền đôi mắt u hoài, làm xao xuyến lòng anh...”
Vẫn là câu hát của ngày xưa Minh thường hay hát, mỗi khi cắt tóc cho các cô gái CamPhuChia.
Họ đang cài hoa cho nhau, thì vị chủ trang trại mang cây giống đến. Nhìn thấy cảnh trên, ông buột miệng:
- Cành hoa đẹp quá!
Út Mai e thẹn:
- Hoa giấy thôi mà!
Vị chủ trang trại say sưa:
- Tôi cũng rất thích loài hoa này. Tuy nó không rực rỡ như hoa cải. Khoe sắc lúc nở rộ như hoa đào. Lại chẳng giống loài hoa sen, luôn hội tụ đầy đủ những ý nghĩa về âm dương ngũ hành. Với loài hoa giấy, tôi luôn có cái cảm giác thanh nhàn, nhẹ nhõm, chẳng cần bon chen. Mỗi khi nhìn hoa giấy nở rộ, tôi tìm thấy sự bình tâm trong cuộc sống hối hả này. Hôm nay, hình ảnh hai vị đứng bên nhau, dưới giàn hoa giấy đã in đậm trong tôi. Tôi nhận thấy trong cuộc đời này, chẳng có gì đáng yêu quí bằng sự  bình yên.
Út Mai ngượng ngùng:    
- Hai đứa chúng em vẫn thường ngắm hoa như vậy.
**
Hoàng trở về nước đột ngột cũng như khi ra đi vậy.
Chỉ khác cái là lúc ra đi trốn chui, trốn lủi như tù vượt ngục. Còn ngày về, có biểu ngữ căng đón chào.
Được lãnh đạo gặp tặng hoa.
Được gọi là Việt kiều yêu nước.
Hoàng về ở dưới quê được hai ngày, lại phải lên thành phố Sài Gòn ngay. Vì theo lịch của đài truyền hình thành phố là: Buổi gặp mặt đoàn đại biểu của Việt kiều về nước đón xuân với các lãnh đạo, có lên sóng phát hình.
Mà Hoàng là đối tượng đang được một số doanh nghiệp trong nước săn đón, trải thảm đỏ mời hợp tác.
Chương trình về nước lần này gần như khép kín. Bởi đoàn của Hoàng còn được bố trí ra thăm Trường Sa.
Lúc lên đến Sài Gòn, sau khi khớp thời gian biểu với mọi người, Hoàng tách đoàn, tìm ngay đến chỗ Sáu Bình.
Bộ ba Sáu Bình, Minh và Hoàng có thời gian cùng nhau bù khú. Hoàng thành thật kể lại cho hai người nghe lại quãng thời gian lưu lạc ở xứ người.
**
   Không giống như một số người khác, có hoàn cảnh và lứa tuổi như mình khi đến đất Mỹ, Hoàng lao vào học. Vì vào quãng thời gian ấy, hầu hết mọi người khi nhập cư đều đã không còn trẻ. Việc phải trải qua cuộc sống mới tại nơi xứ lạ quê người, tiếp thu văn hóa và đặc biệt là ngôn ngữ là điều hết sức khó  khăn đối với họ.
Những đồng tiền mà mọi người kiếm được không hề dễ dàng gi, cũng khó trang trải đầy đủ các chi phí đắt đỏ hàng ngày, đặc biệt là ước mơ có quyền sở hữu một ngôi nhà với họ là điều xa vời vợi.
Còn Hoàng có được thuận lợi hơn mọi người, là nhờ đã du học tại đây hồi thanh niên.
Hoàng học bất kể ngày đêm, cho dù điều kiện sinh sống của gia đình có lúc eo hẹp. Đôi lúc Hoàng phải ngồi hoc, trong tiếng ì xèo ca cẩm can ngăn của người thân. Hoàng học với mục đích, để mọi người xung quanh không được coi thường những người Việt như mình.
Nhờ có một số học phần đã học trước kia, nay lại được trường Đại học nơi Hoàng đăng ký công nhận kết quả này. Hoàng nhận bằng tốt nghiệp trong một thời gian ngắn.
Hoàng trở thành lập trình viên, rồi chuyên viên cao cấp cho một hãng phát triển tin học toàn cầu. Với khả năng sáng tạo của mình, Hoàng cho chào đời một số phần mềm ứng dụng có tính thực tế cao.
Khi phần mềm của anh được nhiều công ty trên thế giới áp dụng, đồng nghĩa với việc Hoàng trở thành một trong những người có thu nhập cao ở Mỹ.
Khi biết chuyện của Khang, Hoàng ngỏ lời: “Sẽ giúp Khang thực hiện ước mơ vươn ra khơi xa của mình, bằng cách góp 50% số vốn đóng tàu. Chỗ còn lại sẽ ủng hộ bạn. Minh và Sáu Bình là đại diện pháp lý cho phần góp vốn của mình.
Nhưng Hoàng cũng đặt ra điều kiện: Con tàu phải thuộc loại hiện đại, được trang bị đồng bộ. Mà muốn sử dụng có hiệu quả, Khang và các thuyền viên khác phải đi học ngay từ bây giờ. Bắt buộc phải hoàn thiện các kiến thức, theo yêu cầu của công việc. Kinh phí đào tạo sẽ do mình chi trả.”
Hoàng ngỏ lời:
- Sau khi đi Trường Sa về, sẽ bay ra Bắc để thắp hương cho chị Hoa.
 Quay sang phía Sáu Bình, Hoàng nói tiếp:
- Dứt khoát kỳ này thủ trưởng phải cùng đi với em.
Sáu Bình cười:
- Tao tưởng chúng mày không cho tao đi.
Hoàng phân công luôn:
- Minh chịu trách nhiệm đăng ký mua ngay ba cái vé máy bay. Nhớ mua luôn loại khứ hồi.
  Sáu Bình hỏi lại:
- Sao lại vé khứ hồi
- Vì có công việc ở Mỹ đòi hỏi em phải có mặt. Còn nếu hai anh muốn ở lại chơi thêm thì tùy, em đâu dám cản.
 Sáu Bình cười nêu lý do:
 - Chúng mình ra ngoài đó phải chơi lâu lâu một tý mới bõ. Vả lại tao cũng có ý định sang bên kia  biên giới, xem mấy cái lỗ thông gió mà họ làm như lỗ châu mai ấy.
- Những thành phố lớn của họ em cũng từng đặt chân tới. Còn những khu dân cư giáp với nước mình, em chưa hề một lần. Em sẽ đi cùng với anh! Nhưng em không thạo tiếng Trung đâu, phải tìm một người phiên dịch tin cậy.
- Cần gì phải tìm đâu xa, thằng Minh nó biết tiếng ở nơi đó. Nếu cần, bảo cậu Hà, bạn Minh đi cùng.
Minh bổ sung:
- Dân ở đấy cũng ít người thạo tiếng Bắc Kinh lắm. Họ nói tiếng địa phương mà.
Sáu Bình cười:
- Theo tao, thằng Hoàng cứ văng tiếng Anh ra thoải mái, họ cũng chẳng hiểu mày nói mô tê gì đâu.
Hoàng cười theo:
- Ô kê! Như vậy lịch trình đã được ba người chúng ta thông qua
Sáu Bình vội nói thêm:
- Nhưng phải mua bốn vé!
Hoàng ngạc nhiên hỏi lại:
- Ai đi nữa mà bốn?
- Thằng Minh với con nhỏ Út Mai, làm sao mà chúng nó rời xa nhau được!


                                                                                 HẾT

                                                                                T.N.D


1, Lời thề của các sinh viên y khoa khi nhận bằng tốt nghiệp, ở miền Nam  trước 30/4/1975

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)