bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 221
Trong tuần: 885
Lượt truy cập: 626454

NGÔI NHÀ CÓ GIÀN HOA GIẤY (C1)

 
Trần Ngọc Dương
 
NGÔI NHÀ CÓ GIÀN HOA GIẤY (Chương 1)
 
BỨC ẢNH
 
    Những ngày đầu sau giải phóng, cũng giống như nhiều anh em ở các đơn vị nhận nhiệm vụ quân quản khác, Minh phải làm nhiều việc không tên. Trong khi bạn bè giành thời gian được tự do, đi tham quan các địa danh, hoặc tìm đồng hương ở những đơn vị mới ở ngoài Bắc vào đang đóng quân trên địa bàn thành phố, để hỏi thăm tin tức về quê nhà sau những tháng năm dài cách biệt. Còn với Minh, anh lại ngồi lỳ hàng giờ ở cái quán cà phê nhỏ bé này mỗi khi có dịp.
Minh chọn cho mình cái bàn nhỏ được kê đối diện với cửa ra vào. Từ vị trí này, anh có thể quan sát rất rõ căn nhà ở phía bên kia đường.
Lần đầu tiên khi cùng đơn vị đến đây nhận nhiệm vụ, Minh không khỏi giật mình lúc nhìn thấy ngôi nhà có giàn hoa giấy. Anh vội lục tìm trong ký ức và tự hỏi xem mình đã trông thấy nó ở đâu?
Thấy anh thần người ra ngắm nhìn ngôi nhà, người bạn đi cùng lên tiếng:
- Ngôi nhà có giàn hoa giấy ba màu đẹp quá!
Minh buột miệng nhắc lại:
- Ngôi nhà có giàn hoa giấy.
Anh bạn giải thích thêm:
- Này nhé, giàn hoa nở rộ nhiều đến mức không nhìn thấy lá. Còn ngôi nhà, như được mọc lên từ thảm hoa. Mỗi khi có gió, những bông hoa nhấp nhô xao động, ta dường như thấy ngôi nhà có hồn, đang nhún nhảy vậy.
Những quãng thời gian sau đó, mỗi khi có điều kiện Minh lại lần đến cái quán cà phê nhỏ bé này lặng lẽ nhìn ngôi nhà.
Minh quan sát thật kỹ, so sánh với từng chi tiết nhỏ trong tấm ảnh mà mình còn lưu giữ, rồi lý giải: Hiện tai giàn hoa cho bông ba mầu, còn trong tấm hình đen trắng mình đang lưu giữ, hoa chỉ có một mầu. Cũng có lẽ do lâu ngày, giàn hoa chưa được cắt tỉa, dẫn đến hình dạng bên ngoài hơi khác. Hiện giàn hoa đang kỳ rộ bông, nó cũng trở nên rực rỡ hơn. Nhưng nhìn kĩ, chỗ lộ ra của ngôi nhà vẫn chỉ là một!? Đến bận bắt gặp cô gái với tà áo dài trắng từ trong cổng bước ra, Minh khẳng định: đây chính là nguyên mẫu của tấm ảnh mà anh đang lưu giữ.
*anh_bia
   Thoạt đầu Minh tự hỏi, liệu có phải tại mình là lính giải phóng lại có các cử chỉ khác lạ với mọi người ở đây, đã khiến cho bà chủ quán chú ý. Đôi lúc Minh lý giải, do tại bộ quân phục mình đang mặc lỗ chỗ vết đạn đã gây ra sự tò mò không cần thiết. Sau trên cấp phát quân trang mới, Minh ăn mặc đúng tác phong điều  lệnh đã qui định, mỗi khi tiếp xúc với dân. Vậy mà bà chủ quán vẫn quan tâm đến anh hơn mọi người, cho dù anh em bộ đội ở các đơn vị khác cũng ghé quán khá nhiều. Nhưng họ chỉ ào vào đây, uống rất nhanh rồi lại vội vã ra đi, chứ không ngồi lặng im hàng giờ như Minh. Cũng đúng thôi, họ không đóng quân trên địa bàn như đơn vị của anh. Việc tiếp xúc với người dân ở đây của những người như Minh, đã chiếm hầu hết thời gian trong ngày.
Với người dân, anh bộ đội là những người toàn năng, cái gì cũng giải quyết được, từ chuyện đảm bảo an ninh trật tự, cho đến việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày. Việc chi người dân cũng hỏi cách mạng, vướng mắc gì cũng  mang nhau ra ban quân quản nhờ phân giải.
   Còn đối với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ quân quản như Minh, do những công việc bộn bề sau ngày chiến thắng đã dồn hết vào đôi vai, khiến cho nhiều khi họ cũng không còn làm chủ được quãng thời gian tự do ít ỏi của riêng mình nữa.
Lần đầu tiên ghé quán, Minh kêu đen nóng nhưng lại ngồi lì rất lâu trước ly cà phê nguội lạnh. Bà chủ quán lặng lẽ thay bát nước sôi ngâm ly cà phê đến lần thứ ba ngập ngừng:
- Chú...ú uống đi cho nóng.
Minh nhìn bà đáp lễ:
- Vâng! 
Tuy vâng, nhưng Minh vẫn chẳng đụng đến ly cà phê. Thấy Minh vẫn giữ nguyên trạng thái im lặng như cũ, bà chủ quán hồi lâu lại lên tiếng nhắc:
- Hay chú uống đá? - Rồi bà bâng quơ - Cũng sắp đến giờ giới nghiêm rồi.
Minh choàng tỉnh, vội cầm ly cà phê chưa bỏ đường, uống một hơi cạn đáy. Anh đứng dậy trả tiền, liếc nhìn đồng hồ, ngượng ngịu nói với bà chủ quán:
- Cháu phải về đơn vị đây.
- Chú ngồi chơi thêm một lát nữa.
- Sắp tới giờ giới nghiêm rồi, mà cũng đã đến lúc bác phải dọn dẹp, đóng cửa quán.
Lần thứ hai Minh ghé quán. Cái phin cà phê không chịu nhỏ giọt, Minh cũng chẳng quan tâm mà chỉ nhìn chăm chú vào căn nhà có giàn hoa giấy ở bên kia đường.
Bà chủ quán khi thay cho anh bộ đồ pha cà phê mới, đã thanh minh:
- Tại bột cà phê mịn quá, bít kín hết lỗ, nước không chảy xuống được.
Bà nhấc chiếc phin lên, lấy thìa gạt sát đáy cho những giọt cà phê rơi tí tách.
Những lần sau mỗi khi được rãnh rỗi, Minh thường ghé quán vào những quãng thời gian khác nhau trong ngày. Một lần, bà chủ quán buột miệng khi nhìn thấy tấm ảnh Minh để trước mặt:
- Chú biết con nhỏ Út Mai?
Minh ớ ra hỏi lại:
- Bác ...ác vừa hỏi cháu?
Bà chủ quán khẳng định:
- Vâng! Tôi vừa hỏi chú, chắc chú biết con nhỏ Út Mai?
- Ai là Út Mai cơ?
Bà chỉ vào tấm ảnh:
- Đây nè, là cô gái này.
Minh hỏi lại:
- Là cô gái này?
Bà chủ quán phân trần:
- Chẳng nhẽ nhỏ lại nói với chú một cái tên khác. Mà tôi cũng không rõ khi đi học, con nhỏ có tên kêu là chi nữa? Út Mai là tên lối xóm ở đây vẫn thường gọi nó. Nhà nhỏ chỉ có hai anh em thôi.
Minh thăm dò:
- Nhà chỉ có hai anh em, nhưng sao cháu thấy cánh cửa cổng đóng suốt ngày. Mà cháu cũng chưa bao giờ trông thấy người anh cả.
- Ba dạy học, má là bác sĩ, nhưng cả hai đều có tuổi rồi. Từ ngày anh con Út Mai bị tử vong, mất xác ở mặt trận Hớn Quản vào mùa hè năm 1972, ông bà ấy buồn sọp hẳn đi.
Minh thốt lên:
- Mất tích ở Bình Long, vào chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972[1]?
Giọng bà chủ quán trùng xuống:
- Thì Hớn Quản, Bình Long hay An Lộc cũng chỉ là một, tùy theo thói quen thường gọi của mỗi người khi nói về mặt trận ấy. Dạo đó, gia đình nhỏ Mai nhận được tin máy bay của anh mình bị Giải phóng bắn rơi trên lộ 13. Phía chính quyền Sài Gòn còn nói rõ: Phi cơ bị vỡ vụn khi rớt xuống đất, không tìm thấy  người lái. Mà dạo ấy, lính Cộng Hòa tử trận ở đó nhiều lắm, phần lớn đều mất xác cả.
Minh trầm ngâm, im lặng nhớ lại những ngày làm nhiệm vụ chiến đấu trong Mùa hè máu lửa - theo cách gọi của những người lính ở cả hai phía - trên con lộ 13.
**
   Dạo đó, sau sáu trời hành quân vượt Trường Sơn, đoàn của Minh vào đến B2. Lúc bàn giao quân ở binh trạm cuối cùng, đoàn chỉ còn lại hai phần ba quân số so với đội hình khi xuất phát. Vậy mà cấp trên còn nói: “Như vậy là đã thành công rực rỡ, vì từ trước đến nay, hầu hết các đoàn ở ngoài Bắc vào chỉ đảm bảo được một nửa con số lúc cán đích.”
Ngay ngày hôm sau, đoàn của Minh được phân bổ vào các tiểu đoàn chiến đấu trực thuộc một đơn vị chủ lực của Miền.
Minh không khỏi ngỡ ngàng, khi nghe đồng chí Tiểu đoàn trưởng nói lúc đón nhận tân binh: “Chưa bao giờ quân số của chúng ta đầy đủ như bây giờ. Nếu tính từ ngày đồng khởi đến nay, theo danh sách của bên quân lực lưu giữ, chúng ta có thể thành lập được hai mươi bốn tiểu đoàn như hiện nay. Các đồng chí được bổ sung đúng lúc đơn vị ta đã nhận được nhiệm vụ chiến đấu. Trong chiến dịch này, mặt trận B2 của chúng ta có nhiệm vụ: Giải phóng một phần các tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh để làm bàn đạp uy hiếp Sài Gòn từ hướng bắc và tây bắc.”
Sau này, lúc đơn vị Minh tham gia đánh tiêu diệt Tiểu khu Bình Long, anh được nghe đồng đội truyền cho nhau cái tin: “Nơi này đã được chọn làm thủ đô của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.”
Cả ta và địch đều biết rất rõ tầm quan trọng của chiến dịch này. Các lực lượng mạnh nhất của hai bên đều được tung vào tham chiến. Tất cả phương tiện và vũ khí hai phía đang có đều được sử dụng tối đa. Hai bên thi nhau dùng các loại hỏa lực mạnh nhất, nhiều thứ lần đầu tiên xuất hiện ở chiến trường này.
Phía địch dùng cả máy bay chiến lược B52 ném bom rải thảm, hòng ngăn chặn bước tiến của Quân giải phóng.
Còn bên ta, lần đầu tiên sử dung các loại pháo do phương tiện cơ giới kéo và xe tăng cho các trận đánh. Tổn thất, thương vong của hai bên tăng nhanh đến mức chóng mặt.
Sau khi chiếm xong cụm cứ điểm Lộc Ninh, đơn vị của Minh được lệnh tham gia tiến công thị xã Bình Long. Cấp trên nhận định: Nếu tiêu diệt được Tiểu khu Quân sự Bình Long, sẽ kéo theo sự sụp đổ toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên đường 13. Và ngay lập tức: Đô thành Sài Gòn sẽ bị uy hiếp! Nhưng trận Bình Long ta không thành công như ý muốn.
Sau một thời gian thử lửa, đơn vị của Minh chỉ còn lại một phần ba con số so với lúc đầu tham gia chiến dịch. Không kịp củng cố lại đội hình, đơn vị nhận được lệnh lập chốt chặn trên suối Tầu Ô. Một con suối nằm trên lộ 13, đoạn giữa Chân Thành và Bình Long. Được hai ngày, trên lại cử đi tham gia trận chiến đánh vào sân bay Téc Ních1. Xong nhiệm vụ, lại quay trở lại đường 13 lập phòng tuyến mới, chuẩn bị cho việc ký Hiệp định Pa Ri.
   Để đảm bảo bí mật, đơn vị hành quân về địa điểm được phân công vào ban đêm. Khi đến gần nơi cắm chốt vào lúc chim rừng lên tiếng, mọi người dừng chân nghỉ giải lao cạnh con suối Lồ Ô, chờ bộ phận trinh sát ra đón. Qua ánh sáng của cây đèn Nghéo1, Minh nhìn rõ từng viên cuội nhỏ dưới đáy dòng suối trong vắt. Trước khi lấy đầy bình tông nước giống như tất cả anh em trong đơn vị, Minh cũng bụm tay uống thỏa thê. Đến vị trí lập chốt, mọi người phải lao ngay vào việc đào công sự chiến đấu, vậy mà mãi đến lúc mặt trời lên khá cao, công việc mới tạm ổn.
Chiều hôm đó tranh thủ lúc yên bình theo qui luật, Minh cùng một anh bạn được cử quay trở lại cứ lấy thêm hậu cần cho chốt. Lúc vượt qua con suối hồi đêm, hai người giật mình hoảng hốt khi nhìn thấy có hơn chục cái xương đầu lâu người, bị lũ cuốn từ đâu về dạt vào dập dờn thành đám cạnh bãi cát ven suối.
Ngày hôm sau, lúc Minh cùng anh bạn được cử đi khoét một cái giếng nhỏ, lấy nước sinh hoạt cho đơn vị. Trước khi tìm địa điểm đào giếng, hai người đã an táng toàn bộ số xương sọ trên. Cái tên Suối Đầu Lâu được mọi người truyền khẩu thành tên từ đó.
Còn trong bản đồ tác chiến, cả hai bên đều ghi đây là Chốt Cột Cờ, vì nó đều được ta và địch cắm cờ vào đúng cái đêm Hiệp định có hiệu lực. Ngọn cờ được coi làm mốc phân định, vùng đất do mỗi bên quản lý. Đơn vị của Minh trụ lại cái chốt này, cho đến khi Hiệp định Pa Ri được ký kết.
   Nhưng đối với những người lính như Minh, họ lại đặt tên cho trận địa của mình là Chốt Phi Công. Đơn giản vì cách đấy không xa, có xác một cái máy bay lên thẳng bị ta bắn hạ từ mấy ngày trước và tử thi của viên phi công nằm phơi trên mặt đất, lúc đơn vị Minh đến nhận nhiệm vụ.   
Trước sự khốc liệt của chiến tranh, Minh không sao nhớ nổi mình đã băng bó, chôn cất cho bao nhiêu đồng đội. Việc tiếp xúc với các loại xác chết cũng trở nên quá quen thuộc. Vậy mà Minh vẫn không sao quên được, cái bận mai táng lần thứ hai cho tử thi của người lính lái cái máy bay trực thăng trên.
Lần ấy, sau khi trận địa hứng chịu một đợt oanh kích của máy bay địch, anh em ở bộ phận hầm tiền tiêu báo về: Có một tử thi bị bom quăng lên trên gò mối, cách cửa hầm không xa, mùi xú khí bốc lên nồng nặc. Minh vội lấy một tân binh mới được bổ sung đi cùng để giải quyết hậu quả.
Lần theo vết xích của xe tăng M48, hai người đến được nơi cái tử thi đang kỳ phân hủy nằm phơi trên mặt đất. Thực ra ngay từ ngày đầu đến đây, lúc phát hiện ra cái xác đang bốc mùi, Minh đã lợi dụng con hào do vết xích xe tăng để lại tiến hành vùi lấp tử thi. Lần này, bom lại quật tung lên, buộc Minh phải cùng anh em trong đơn vị tiến hành chôn cất lại.
Lần đầu, Minh có đem về cái túi bay của người phi công mang bên mình. Túi bay và số tài liệu chứa trong đó, đã được Minh nộp lên trên theo qui định. Còn Minh giữ lại cho riêng mình chiếc bút bi và quyển sổ tay còn trắng tinh.
Công việc bộn bề, khiến Minh quên mất quyển sổ tay của người phi công. Cho đến cái bận bị pháo chụp bắn, chiếc ba lô của anh bị mảnh găm thủng lỗ chỗ, số tư trang ít ỏi đựng bên trong chẳng còn thứ gì nguyên vẹn. Vậy mà chẳng hiểu sao, quyển sổ nhét dưới đáy ba lô lại không việc gì. Lúc sắp xếp lại đồ, một tấm hình rơi ra từ quyển sổ tay. Minh cầm chiếc ảnh, trầm ngâm ngắm nhìn rồi lại kẹp vào giữa quyển sổ, xếp vào cái đáy ba lô đã thủng lỗ chỗ.
Chiến tranh chấm dứt, Minh ngỡ ngàng ngạc nhiên khi thấy mình còn sống. Rồi đơn vị của anh được cử về làm nhiệm vụ quân quản ở địa bàn này. Minh không khỏi sững sờ khi nhận ra nguyên mẫu của tấm ảnh mình vô tình lưu giữ.
**
    Minh không ngờ mình phải nằm viện vào những ngày đầu giải phóng. Cái mảnh đạn bé tí xíu bằng hạt thóc găm ở bắp chân phải, chẳng chịu chung sống hòa bình với cơ thể anh. Đầu tiên bắp chân của anh phát ngứa, sưng rồi tấy buốt, chỉ sau một đêm nó sưng vù, chật cả ống quần, Minh lên cơn sốt cao mê man, anh phải cấp cứu tại bệnh viện Cộng Hòa1 với bệnh án: Vết thương nhiễm trùng, phải mổ gấp lấy mảnh ra.
Lần đầu tiên trong đời Minh mặc bộ quần áo bệnh viện. Anh tự trách mình không cẩn thận, đã để cho vết thương bị nhiễm trùng lúc vượt qua con kênh nước đen đầy bùn non, bốc mùi thối hoắc ở ngoại ô Sài Gòn.
Chỉ qua mấy mũi kháng sinh liều cao, Minh đã dứt cơn sốt, chân nhỏ lại, không phải nằm bẹp trên gường. Anh có thể nhúc nhắc đi lại, trò chuyện với mọi người xung quanh. Buồng Minh nằm  có tám người, đều bị thương ở chân.
Những người lính rất dễ thân nhau, mọi người cởi mở trò chuyện như pháo ran. Căn phòng của các anh không lúc nào ngớt tiếng nói cười. Trong số bệnh nhân cùng buồng, có một người luôn lấy báo che mặt ngủ, hoặc nằm quay vào tường, tách biệt, không tham gia sinh hoạt. Mọi người  hỏi thì trả lời nhát gừng, hoặc lắc đầu không biết.
Trưa hôm đó, nhân viên khoa dinh dưỡng của viện đẩy xe, đến chia cơm cho các phòng bệnh nhân gặp khó khăn về đi lại. Minh ngớ ra hỏi cô bác sĩ trực phòng đi cùng:
- Tại sao phòng tôi tám người mà chỉ có bảy suất ăn?
- Thưa ông! Theo qui định của Uỷ Ban Quân Quản, chỉ có những người là bộ đội giải phóng mới có khẩu phần. Số bệnh nhân của chế độ cũ còn nằm lại tại bệnh viện không có tiêu chuẩn - Chỉ tay về phía người đang nằm úp mặt vào tường, người bác sĩ nói tiếp - Như người kia là phế binh của quân đội Sài Gòn nên phải tự túc mọi thứ. Bên Y vụ cũng đã thông báo cho gia đình đến đón, hoặc theo kế hoạch sẽ chuyển sang viện dân sự toàn bộ số bệnh nhân của chế độ cũ. Gia đình người này mãi dưới miền tây nên chưa tới kịp, ở dưới đó giải phóng sau Sài Gòn mà. Còn các bệnh viện dân sự khác đều nằm trong tình trạng thiếu hụt nhân viên, hoạt động rất khó khăn, chưa có đủ khả năng tiếp nhận số bệnh nhân trên. Ban giám đốc quân y viện Cộng hoà cũng biết, để các ông phải nằm xen kẽ như vậy là không được. Nhưng thành phố mới giải phóng, chẳng thể nào giải quyết được hết các việc cùng một lúc, chưa có biện pháp nào khả thi. Phía bệnh viện đã làm báo cáo xin chỉ thị của Ban quân quản, song chưa được hồi âm. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh thượng cấp, mong các ông suy xét.
Minh  nói với cô nhân viên khoa dinh dưỡng đang làm nhiệm vụ:
- Cô có thể lấy cho tôi mượn một bộ đồ ăn nữa được không?
Người bác sĩ hỏi lại:
- Thưa ông! Để làm gì ạ?
- Để đựng đồ ăn.
- Thưa ông! Tiêu chuẩn của các ông đã được khoa Dinh Dưỡng tính toán chia theo đúng qui định. Dụng cu đựng đồ ăn đều đã được khử trùng, hợp vệ sinh.
Chỉ về phía người lính Cộng Hòa, Minh giải thích:
- Tôi muốn san sẻ khẩu phần của mình với ông ta.
- Thưa ông! Tôi sợ thượng cấp quở trách vì vi phạm chế độ dinh dưỡng của bệnh viện: Không được tự tiện bớt xén khẩu phần ăn của bệnh nhân.
Minh khẳng định:
- Bác sĩ không phải lo! Tôi sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về việc này - Minh nhìn mọi người nói thêm - Đây là  tiêu chuẩn của tôi, không ai có quyền ngăn cản.
Quay sang số anh em thương binh trong phòng Minh  nói tiếp:
- Thưa các đồng chí! Chúng ta là những người chiến thắng. Toàn miền Nam đã được giải phóng, nước nhà hoàn toàn thống nhất. Tất cả mọi người ở đây đều là công dân của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Tôi đề nghị, trong thời gian này phòng ta sẽ ăn chung, mỗi người chỉ cần san sẻ một chút là có thêm một suất, để tất cả mọi người trong phòng cùng được hưởng niềm vui trọn vẹn. Mừng chiến tranh chấm dứt, đất nước yên bình.
Tiêu chuẩn bữa ăn của một Thương binh bữa ấy bao gồm ba bát cơm, mấy khoanh giò hộp, một khúc cá chiên, khoảng đĩa con rau xào, ca canh. Đồ tráng miệng có quả chuối, hai cái kẹo, đôi điếu thuốc lá Ru Bi quân tiếp vụ1. Tất cả được để vào trong một cái khay bằng Inốc trắng tinh, có nhiều ngăn riêng biệt.
Khi người hộ lý mang chiếc khay không đến, Minh san khẩu phần của mình vào từng ô trống. Anh em Thương binh lần lượt làm như Minh.
Người đợi sau cùng cằn nhằn:
- Các cậu phải có ý, đến lượt tớ mới còn có chỗ đựng.
Minh lay người lính ngụy:
- Này anh bạn, dậy ăn cơm cùng với cả phòng.
Người phế binh nặng nề trở mình, Minh quay sang nhân viên phục vụ:
- Cô giúp một tay.
Nhìn chằm chặp vào khay đựng đồ ăn đầy ắp, người lính ngụy bất chợt chắp tay vái lia lịa:
- Tôi tri ân cách mạng, cám ơn anh em giải phóng. Tổ tiên phù hộ cho tôi được nằm cùng phòng với các anh. Ơn này sống để dạ, chết tôi sẽ truyền lại cho con cháu. Tôi...ôi...
Chưa nói hết câu anh ta oà lên nức nở như trẻ nhỏ. Minh vỗ vai nhè nhẹ:
- Thôi chúng ta ăn cơm đi, cho nhân viên bệnh viện còn thu đồ.
Cô bác sĩ trực phòng im lặng quan sát rất kỹ.
**
    Vết thương chưa ổn định, Minh đã xin ra viện. Ngay hôm đầu trở về đơn vị, Minh đã lần ra cái quán cà phê nhỏ bé này để làm nhiệm vụ: Nắm bắt tình hình dân cư trên địa bàn.
Thực ra mọi người tạo điều kiện cho Minh nghỉ ngơi hợp lý, đợi cái chân lành hẳn. Vì chỉ cần ngồi ở đây, là Minh có thể gặp mặt với hầu hết cư dân cần tiếp xúc.
Hôm đó, Minh trở về đơn vị vào lúc sắp tới giờ giới nghiêm. Đang nhúc nhắc bước, Minh quay phắt lại khi nghe tiếng xe máy rú ga, kèm theo tiếng la thất thanh: “Cướp! Cướp!”
Dưới ánh đèn đường phía ngã ba, xuất hiện một chiếc xe Hon Đa 65 đang được một người đàn ông nằm rạp trên yên điều khiển chạy hết tốc lực, bám sau có mấy chiếc Hon Đa 50 cũng rú ga hết cỡ. Minh nhận ra một nhóm chiến sĩ quân cảnh và thanh niên tự quản điều khiển xe áp sát cái Hon Đa 65. Minh vội nhảy ra đứng chặn giữa đường, tay cầm cái mũ cối lặng im đứng đợi. Chiếc Hon Đa 65 xịt khói đen sì, bốc hẳn bánh trước chạy đến trước chỗ Minh đứng, rồi lạng tránh qua một bên. Minh bật tung người nhảy theo, thuận tay quăng mạnh cái mũ vào người tên cướp. Chiếc xe loạng choạng lao thẳng lên vỉa hè, tên cướp ngã lăn ra đất, cái đồng hồ OMEGA nữ mặt đá văng ra. Tên cướp vừa lồm cồm bò dậy, vừa đưa tay định với cái đồng hồ. Song y vội rụt tay lại và úp mặt xuống đất khi thấy một bàn chân đeo dép cao su dẫm đè nên sợi dây đồng hồ. Cũng đúng lúc này, tốp người đuổi theo đã phóng xe đến nơi.
Minh cúi cầm cái đồng hồ nói với mọi người:
- Chắc đây là tang vật của vụ cướp?
Cô gái đi cùng những người mới tới lên tiếng:
- Đây là cái đồng hồ em vừa bị giật ở ngoài ngã ba.
Minh quay sang phía cô gái vừa nói, anh lúng túng nhân ra Út Mai:
- Của...ủa cô?!
Út Mai gật đầu xác nhận:
- Dạ!
Mọi người áp giải tên cướp về phường. Thấy Minh bước đi nhúc nhắc, Út Mai hỏi nhỏ:
 - Chân anh vẫn còn đau? - Thấy Minh ngạc nhiên, cô gái nói tiếp - Tại vết thương chưa lành anh đã đòi ra viện. Anh lên xe, em sẽ chở anh đến nơi cần đến
Trên đường đi, hai người trò chuyện. Minh tần ngần hỏi:
- Làm sao cô biết tôi bị thương?
- Thì em là bác sĩ ở buồng anh nằm điều trị.
Minh ngớ ra, vội thanh minh:
- Tại khi làm việc, mọi người đều mang khẩu trang, mũ công tác và các trang bị khác kín mít. Tôi làm sao mà nhận ra được.
Út Mai giãy bày:
- Những ngày đầu mới giải phóng, các khoa trong quân y viện Cộng Hòa thiếu nghiêm trọng các thày thuốc. Phần do các bác sĩ quân y của Sài Gòn lo sợ bị phe cách mạng trả thù đã di tản, số khác tìm mọi cách tạm lánh, chờ đợi nghe ngóng tình hình. Bên phía cách mạng lại chưa kịp bổ sung các thày thuốc. Ban quân quản đã động viên huy động các bác sĩ mới tốt nghiệp, chưa có việc làm, kể cả số sinh viên ngành y đang học năm cuối đảm nhận một phần công việc trong quân y viện Cộng Hòa.
**
    Một lần, Út Mai mời Minh ghé nhà chơi. Thấy anh cầm trong tay cuốn Đại số lớp 12, Út Mai hỏi:
- Chương trình trong này có giống như ở ngoài Bắc không?
- Các môn khác tôi chưa đọc nên chẳng rõ. Còn chương trình học kỳ hai của các môn tự nhiên, không có trong giáo trình của chúng tôi.
Út Mai ngần ngừ:
- Anh đang ôn tập?
Minh thổ lộ:
- Tôi được đơn vị cho ôn thi Đại học.
- Anh đang ôn thi Đại học?
Minh tâm sự:
- Chẳng biết có làm nên cơm cháo gì không? Ngày đi bộ đội cũng không kịp tham dự kỳ thi tốt nghiệp cấp ba.
- Thế anh phải tham gia kỳ thi lấy bằng tú tài, xong rồi mới thi vào Đại học.
- Không! Bằng tốt nghiệp cấp ba đã được ưu tiên xét cấp trước ngày nhập ngũ.
- Bằng đặc cách?
Minh bày tỏ:
- Kiến thức lâu ngày rơi vãi nhiều, giờ học lại mệt quá! Có chỗ không hiểu chẳng biết hỏi ai? Cứ tự mày mò tốn khá nhiều thời gian, mà hiệu quả lại không cao. Tài liệu nghiên cứu hầu như không có, tôi cũng chẳng biết mượn ở đâu nữa?
- Nhà em có nhiều giáo trình phù hợp với việc ôn thi, anh cần dùng quyển gì cứ đến lấy. Hay anh học ngay tại đó cũng được, nhà có phòng đọc, yên tĩnh lắm. Những gì chưa rõ, anh có thể hỏi ba em. Ông là giáo sư dạy môn tự nhiên. Mà không, em cũng đủ khả năng giải đáp những vướng mắc của anh trong quá trình học tập!
Từ đó, Minh thường xuyên đến căn nhà có giàn hoa giấy học ôn bài.
Hôm đến giờ Minh trở về đơn vị. Út Mai ngần ngừ:
- Mai nhà em có chút việc, anh tạm nghỉ một bữa. Nếu cần tài liệu gì anh cứ cầm về xem trước, có gì chưa rõ em sẽ giải thích sau. 
- Mai tôi cũng rỗi, có việc chi cần tôi làm không?
Út Mai buột miệng:
- Mai là ngày giỗ của anh Hai em!
Minh giật mình, lẩm nhẩm: “Ngày giỗ của anh em!?”
Lúc đến ôn bài vào tối hôm sau ngày giỗ, như mọi bận Minh định đến chào ba Út Mai. Cô ngăn lại:
- Ba em mệt, vừa chợp mắt được một tý.
Minh hỏi thăm:
- Bác ốm hay sao? Bệnh chi vậy?
- Từ hôm qua, ba em kêu mệt chỉ ăn uống qua quýt rồi đi nằm.
Minh ân cần:
- Sao không đưa đi viện, hoặc truyền cho bác mấy chai nước.
Út Mai tâm sự:
- Không sao đâu! Năm nào giỗ anh hai em, ba cũng buồn bỏ bữa. Hôm qua ba còn nói: Mọi năm loạn lạc không nói làm gì, bây giờ hòa bình rồi, ba phải đi tìm mang hài cốt của anh hai về. Khi mọi người bảo, chẳng biết cụ thể địa điểm làm sao mà tìm được. Ba em không chịu nghe, cho rằng: Nhất định mình sẽ tìm được. Thấy cả nhà chẳng ai đồng ý với phương án mình vạch ra, ba em dỗi nói: Tao đi tìm một mình. Sẽ mang bằng được hài cốt của con trai về an táng tại nghĩa trang của dòng họ. Phương án ba em vạch ra là: Cắm trại tìm kiếm dài ngày trên tọa độ máy bay rơi, theo tài liệu sơ đồ chính quyền cũ đã cung cấp cho gia đình.
Minh buột miệng:
- Từ Sài Gòn lên trên đấy xe chỉ chạy mất khoảng hơn hai tiếng, có thể đi về trong ngày được!
Út Mai hỏi lại:
- Làm sao anh biết?
Minh ngần ngừ:
- Thì...ì tôi là người chôn anh ấy.
Út Mai thốt lên kinh ngạc:
- Là người chôn anh Hai của em???
Minh gật đầu xác nhận, rồi ngần ngại kể cho Út Mai toàn bộ việc mình đã làm. Anh chuyển trả lại cho Út Mai quyển sổ tay và tấm hình - Ngôi nhà có giàn hoa giấy - mà mình lưu giữ.
**
    Tranh thủ vào một ngày chúa nhật, Minh đưa gia đình Út Mai tới vị trí hài cốt của người phi công mà mình đã chôn cất.
Công việc khai quật và an táng anh Hai Hạnh của Út Mai hoàn tất trong vòng một ngày. Mọi người trong đơn vị không ai biết hôm đó Minh đi đâu, làm gì?
Khi chia tay gia đình Út Mai trở lại đơn vị, ba má cô ngoài lời cám ơn Minh ra, còn muốn tặng anh một vật kỷ niệm đắt tiền. Minh đã từ chối và chỉ xin lại bức ảnh - Ngôi nhà có giàn hoa giấy - làm kỷ niệm.  
Lý do Minh từ chối không nhận cái đồng hồ quí, có cái giá bằng cả một chiếc xe máy mới thật đơn giản: Anh không muốn mình gặp rắc rối, phải giải trình nguồn gốc của món quà, khi đơn vị tiến hành kiểm tra quân tư trang.
---------------------------- 

[1] Chiến dịch này được mở tại Miền Đông Nam Bộ - Nằm trong Chiến dịch Xuân Hè 1972 - Phía  chính quyền Sài Gòn gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa, còn Mỹ gọi là Easter Offensiver. 
1 , Sân bay do người Pháp xây dựng. Là căn cứ của sư đoàn 1 Kỵ binh bay và sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Anh cả đỏ của Mỹ.
1 , Đèn pin đặc biệt được trang bị cho lính biệt kích của Mỹ
1, Quân y viện lớn nhất của chính quyền Sài Gòn
1 , Loại thuốc lá giành riêng cho quân đội Sài Gòn.
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)