bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BẠN NHƯ NGUYỆT ĐÃ GỬI BÀI!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ ĐƯA BÀI LÊN TRANG, LÀM CHO TRANG THÊM PHONG PHÚ!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 131
Trong tuần: 773
Lượt truy cập: 625693

NGÔI NHÀ CÓ GIÀN HOA GIẤY (C3)

- Chương 3 -
 
CUỘC KIỂM TRA ĐỘT XUẤT
 
   Đoàn Thương bệnh binh của Minh ra Bắc vào dịp cuối tháng 12 năm 1975. Đoàn tập kết tại ga Thường Tín - binh trạm cuối cùng để cấp trên phân bổ số anh em về các đoàn an dưỡng.
Những ngày ấy, Thương bệnh binh ở các chiến trường dồn về đây rất đông, trạm trở nên quá tải khi phải chờ các phương tiện trung chuyển. Giống như mọi anh em có quê ở vùng Đông Bắc, Minh nằm trong danh sách về Đoàn an dưỡng 151, thuộc Quân khu Tả Ngạn. Đơn vị đóng ở Cổ Am, Hải Phòng.
   Trong khi chờ xe của các đoàn đến đón, đại đa số anh em phải ở tạm nhà dân quanh binh trạm. Riêng tốp của Minh, được phân ra nghỉ ở đình làng. Nhìn những cây giằng ngang, hàng cột còn bóng nhẫy mồ hôi tay, với các vệt hằn sâu do dấu vết dây mắc võng để lại, Minh thẫn thờ suy nghĩ: Liệu có ai tính nổi số bộ đội đã mắc võng ngủ qua đêm ở đây? Và biết có bao nhiêu người may mắn như mình, lại được mắc võng nằm nghỉ trong những ngày này.
Nô En năm ấy trời đổ rét đậm, rét hại. Sáng ra mặt nước đóng lớp băng dày như cái bánh đa, cá chết nổi trắng đồng. Gió đông bắc hun hút thổi, làm cái rét càng thêm tê tái.
Anh em trong chiến trường miền Nam ra không có quân tư trang mùa đông để chống rét, run rẩy kéo nhau lên binh trạm hỏi. Lãnh đạo binh trạm giải thích: Đoàn an dưỡng nơi tiếp đón các đồng chí, sẽ có trách nhiệm cấp phát quân tư trang cho mọi người.
   Chứng kiến cảnh những người lính co ro, rúm lại với nhau chịu cái lạnh trong những bộ quần áo phong phanh, nhân dân tìm đủ mọi cách giúp anh em chống rét. Người góp củi đốt lửa sưởi, nhà cho  rơm trải ổ, nhưng tình hình vẫn không cải thiện được là bao. Vào lúc Chúa sinh ra đời đêm hôm đó, anh em phải khiêng người lên binh trạm cấp cứu vì bị đột quỵ, do không chịu được cái rét cắt da, cắt thịt.
Hà, anh bạn cùng Sư đoàn với Minh sau khi đưa chiến sĩ bị đột quỵ đi cấp cứu trở về, đã dẫn đầu một tốp Thương binh lên ban chỉ huy của binh trạm, chất vấn những người có trách nhiệm cao nhất.
Ngay lập tức cả làng náo loạn. Nhân dân trong vùng cũng ủng hộ anh em Thương binh, bày tỏ thái độ không đồng tình của mình.
Những người có trách nhiệm nói: “Anh em cứ tự do phát biểu. Chúng tôi sẽ trung thành ghi kiến nghị của anh em, gửi báo cáo đề nghị cấp trên giải quyết.”
Mọi người  nhao nhao có ý kiến:
Nào là...
... Trời rét như thế này, các đồng chí thử ăn mặc giống như chúng tôi thử xem...
Nào là...
...Mọi người nhìn xem, đừng gọi chúng tôi là những người chiến thắng trở về nữa...
Nào là
...Những người lính thương tật, ốm yếu đi không vững như chúng tôi, có mặc gì cũng không đẹp.
Nào là
...Chúng tôi chỉ cần mặc đủ ấm thôi!
Hà gay gắt:
- Xin các đồng chí, đừng để những thằng lính như chúng tôi, những người không bị gục ngã ngoài chiến trường, nay lại bị chết tức tưởi ngay trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa nữa...
Nói chán, ghi kín nhiều trang giấy, rồi đám đông ồn ào lắng lại. Khi người dân mang tới những bộ quần áo đủ kiểu khoắc lên người các chiến sĩ, cũng là lúc mọi người mệt mỏi tản về nơi trú quân tránh rét.
Nhìn anh em chiến sĩ với những bộ đồ người dân san sẻ cho, Minh lặng đi, rồi anh thấy lòng mình ấm lại.
Người dân miền Bắc giầu có gì cho cam! Họ phải dồn hết sức người và của cải cho chiến trường miền Nam. Người ở lại sống trong thiếu thốn trăm bề. Hàng hóa tiêu dùng không có, phải phân phối từ cái kim, sợi chỉ, sự đói rách luôn luôn bám theo họ. Cái chăn anh khoắc trên người, được tạo nên bởi nhưng mảnh vải vụn đủ mầu, có nhiều mảnh chỉ to bằng hai đầu ngón tay.
Minh tự hỏi:
“Chẳng biết người bà, người mẹ, người chị nào đã thức bao nhiêu đêm để tạo nên nó?
Chẳng biết họ phải dùng hết bao nhiêu mét sợi tằm thay chỉ khâu? Mà sợi chỉ tằm thô thì còn có nhiều mấu lắm, lấy đâu ra sự óng mượt như tơ đây! Dùng nó xâu kim chắc chắn khó hơn khi dùng chỉ rất nhiều!
 Chẳng biết...
Vậy mà...”
   Đôi mắt Minh ngấn lệ, anh không dám nghĩ tới những điều tiếp theo vì sợ chẳng cầm được lòng mình, lại bật khóc thành tiếng. Khi về đến nơi ở, Minh thấy một đống lửa đang rực cháy. Thì ra các bậc cao niên trong làng bảo nhau: Dỡ cả cánh cổng nhà thờ họ, cửa đình làng làm củi cho bộ đội đốt lửa sưởi. 
**
   Ngày hôm sau, xe các đoàn an dưỡng đến sớm chở mọi người về nơi ở mới. Ngồi trên cái thùng xe Zin ba cầu, Minh vẩn vơ suy nghĩ: “Thế là binh trạm không phải lo phần trả lời các câu hỏi của anh em Thương binh.
Chẳng biết sự ồn ào hồi đêm có đến được tai các lãnh đạo?
Chẳng biết những người có trách nhiệm rút ra được bài học nào trong việc cấp phát quân trang cho đúng lúc, đúng dịp.
Chẳng biết anh bạn bị đột quỵ hồi đêm có qua nổi không?
Chẳng biết...”
   Đấy là người cả nghĩ như Minh, mới hay nghĩ ngợi lung tung như vậy. Chứ vô tư như Hà, dường như câu chuyện tối qua không khiến cậu ta bận tâm. Hà hồn nhiên pha trò, kể chuyện tiếu lâm, trêu trọc mọi người không từ một ai.
Khi xe đến gần bến phà Tân Đệ, gặp một đoàn phụ nữ đủ các lứa tuổi gồng gánh dưới phà đi lên, trong đó đa phần là các thiếu nữ. Thấy đoàn xe chở Thương binh từ miền Nam ra, mọi người ngó nhìn chăm chú. Chắc họ cũng đang mỏi mắt, trông đợi người thân của mình từ chiến trường trở về.
Các chiến sĩ đua nhau gọi váng lên.
Nào là:
- Lan ơi! Em còn nhớ anh không?
- Huệ ơi! Anh đã trở về với em đây.
- Mận ơi! Hồi đó anh đã đóng quân ở nhà em.
- Đào ơi! Em còn nhớ lời hẹn ước với anh không?
Có người giơ cái tay bị cụt ra lắc:
- Anh chẳng còn tay, làm sao mà ôm được các em thật chặt như lời hẹn ước lúc ra đi được đây?
Riêng Hà nhoài người ra ngoài, một tay vịn vào cạnh thùng xe, tay còn lại vẫy liên hồi. Mắt nhìn thẳng vào một người đàn bà đang quẩy một gánh hàng nặng trĩu, gào lên thật to:
- U ơi! Con đây! Con của u đã trở về rồi!
Thấy người đàn bà ngó mình chằm chặp, Hà gào tiếp:
- U ơi! Con là cún, thằng cún của u đây!
Ngay lập tức, người đàn bà quăng gánh hàng, quay lại chạy theo xe. Khi thấy người đàn bà ngã dúi dụi, Minh vội lên tiếng can ngăn Hà:
- Mày thôi đi, đừng đùa kiểu ấy nữa!
Đến bến phà, xe chưa kịp dừng hẳn. Hà đã nhảy xuống, chạy tới ôm chặt lấy người đàn bà, giọng ngẹn ngào:
- Trời ơi! Sao mà bác giống u con thế.
Người đàn bà xoa đầu, rờ mặt Hà thốt nên:
- Mày hệt như thằng Cún của tao, nó đi B dạo 72. Từ ngày ấy tới nay, chẳng có tin gì về nó cả.
- Đất nước hòa bình rồi! Anh ấy cũng giống như chúng con, sớm muộn rồi cũng sẽ trở về nhà với u thôi.   
   Một cô gái quẩy gánh hàng đã quăng ven đường lại cho người đàn bà. Gánh hàng chỉ có độc một món bánh khoai. Loại bánh rẻ tiền đặc trưng của người dân nghèo ở vùng quên này. Người đàn bà mở cái mẹt đậy, lấy bánh chia cho các chiến sĩ đang xúm quanh bà. Số hàng trong thúng đã  hết, nhiều anh em phải chia đôi cái bánh bé tí.
Minh lấy trong ba lô một gói đường, phần bồi dưỡng chênh lệch tiêu chuẩn ăn trong mấy ngày đi trên đường dây, do các binh trạm không lo nổi, đưa cho người đàn bà:
- Con biếu u gói đường.
Người đàn bà đẩy ra:
- U không dám nhận đâu.
Các chiến sĩ nhao nhao:
- Chúng con hư quá, không có tiền trả mà dám ăn hết gánh bánh của u.
- Giờ biết làm sao đây?
- Chúng con phải làm như dạo vượt đỉnh Trường Sơn vậy, trao đổi  bằng hàng với cái đồng bào thôi.
- Thôi, u nhận đi cho chúng con vui lòng.
Mặc cho người đàn bà xua tay từ chối, các chiến sĩ vẫn thi nhau trút vào thúng của bà đủ thứ mà họ có.
Từ gói lương khô hai phong chỉ còn lại có một, lạng mì chính được bọc rất kỹ, dăm gói mì ăn liền - thứ hàng rất lạ đối với người dân miền Bắc lúc bấy giờ - cho đến hộp sữa, mặt hàng quí chỉ giành cho người ốm. Kể cả bánh xà phòng của ai đó được giấu kín dưới đáy ba lô cho thơm.
Phà cập bến, họ đổ xô xuống phà, vừa đi vừa đồng thanh hét vang: “Nhất định chúng con sẽ về thăm u.”
Sau này, có một lần Minh trách Hà:
- Hôm ấy ông đùa hơi ác!
Hà nhìn Minh không chớp mắt:
- Mày nói không sai! Đầu tiên đúng là đùa, nhưng sau đó tao có cảm nhận, bà ấy hệt như u tao ở nhà!
**anh_bia
   Đoàn của Minh đến Cổ Am vào đầu giờ chiều. Cán bộ Đội an dưỡng số 3 Đoàn 151 ra tiếp nhận mọi người. Anh em Thương bệnh binh được tập trung vào một cái sân kho hợp tác. Sau khi điểm danh, nghe phổ biến tình hình của đơn vị, đặc điểm địa bàn nơi đóng quân và một số qui định buộc mọi người phải tuân theo.
Trước khi được lĩnh quân tư trang theo qui định, bọn Minh phải tiến hành kiểm tra ba lô. Cuộc kiểm tra đột xuất không nằm trong dự tính khiến mọi người ngỡ ngàng.
Cán bộ có trách nhiệm thông báo: Sẽ thu lại vũ khí, khí tài quân sự được quân đội trang bị. Ngoài ra sẽ giữ lại một số mặt hàng theo danh mục nếu người mang theo không chứng minh được nguồn gốc.
Ba lô của mọi người bị lục tung. Cán bộ có trách nhiệm kiếm tìm rất kỹ, chẳng ai giấu được thứ gì. Người ta giữ cả cái ăng gô với lý do: Các đồng chí không ra trận, chẳng phải dùng đến nữa.
Đến lượt Minh, khi thấy họ định thu cái bình tông Mỹ của mình, anh không chịu. Minh đã có ý kiến qua lại với họ.
Cầm cái bình tông, Minh lên tiếng:
- Các đồng chí làm theo chỉ thị của cấp trên không sai. Nhưng đây là thứ đã gắn bó với tôi nhiều năm ở chiến trường. Tôi xin giữ lại làm kỷ niệm.
Một người trong đoàn kiểm tra cố giằng lại cái bình tông, sẵng giọng:
- Chúng tôi làm theo lệnh, không có thời gian nghe mọi người trình bày.
- Nhưng đây không phải vũ khí, cũng chẳng phải đồ do quân đội cấp!
- Lệnh của trên: Những đồ vật của địch là chiến lợi phẩm phải thu.
Thấy thế anh em trong đoàn tranh nhau nêu ý kiến:
- Lệnh nào?
- Ai ký?
- Các đồng chí cho chúng tôi xem.
Minh ôn tồn giải trình:
- Hiện tại, tôi vẫn đang phải dùng nó để đựng nước uống.
Một số chiến sĩ được dịp lên tiếng:
- Sao các đồng chí lại thu ngôi sao nửa đỏ nửa xanh trên mũ của tôi?
- Nếu có giữ, các ông cũng chỉ được thu cái ăng gô không thôi! Còn phải trả lại tôi số mật ong đựng trong đó!
- Sao các ông lại bẻ đôi tất cả mấy bánh xà phòng thơm của tôi như vậy? Bây giờ tôi làm sao lấy ra làm quà tặng được cho người thân khi về thăm quê đây?
Hà chọc ngang:
- Họ sợ ông giấu vàng trong xà phòng đấy mà.
Nhìn sang Hà, người ấy khóc hu hu thanh minh:
- Tôi đã nói với họ, đó là số xà phòng tôi mua bằng tiền cửa rừng1 của đơn vị cũ trong kia phát cho. Họ vẫn khăng khăng nói phải làm theo lệnh.
Hà đứng lên nói với tốp cán bộ:
- Ở chiến trường chúng tôi cũng làm theo lệnh. Và cũng chẳng có thời gian nghĩ xem, rồi đây mình sẽ chết như thế nào.
Một cán bộ giải thích:
- Nếu các đồng chí không phối hợp thực hiện, chúng tôi chẳng thể tiếp nhận mọi người được.
Anh em Thương binh nhao nhao:
- Không nhận thì trả chúng tôi về đơn vị cũ.
- Chúng tôi sẽ ra quân tại đó.
- Chúng tôi sẽ lên tận Bộ quốc phòng, để hỏi xem đúng sai thế nào?
Không khí căng như dây đàn. Mải mê tranh cãi, chẳng ai biết các lãnh đạo trên đoàn 151 xuống kiểm tra tình hình đón tiếp Thương binh ở Đội 3.
Khi thủ trưởng Đoàn 151 lên tiếng, mọi người mới biết sự hiện diện của ông. Ông tự giấy thiệu:
- Tôi là Tuyên, đoàn trưởng Đoàn an dưỡng số 151. Xin lỗi mọi người, tôi đã đến chậm vì lý do nhỡ phà. Các đồng chí cứ bình tĩnh, phát biểu lần lượt. Bây giờ xin mọi người cứ tự do cho ý kiến. Gì đúng, tôi sẽ giải quyết luôn. Điều chi vượt thẩm quyền, tôi cùng các đồng chí sẽ làm biên bản báo cáo lên trên xin chỉ thị.
Sau khi lắng nghe ý kiến của anh em Thương binh và sự phân giải của những người làm nhiệm vụ đón tiếp, ông Tuyên hiểu rõ đầu đuôi căng thẳng giữa hai bên. Thay vì giải thích, ông ôn tồn hỏi chuyện anh em Thương binh:
- Ở đây có đồng chí nào là lính chủ lực của B2 không?
Minh, Hà và nhiều người khác cùng giơ tay. Ông Tuyên nói tiếp:
- Mình cũng là lính Miền Đông đây! Sau Mùa hè đỏ lửa 1972 bị thương, ra Bắc, rồi nhận nhiệm vụ ở đây. Việc phải làm khi đón nhận Thương bệnh binh từ chiến trường ra đã có từ rất lâu. Anh em ở trong kia ra rất phức tạp, bởi họ ở nhiều đơn vị, binh chủng khác nhau. Có người là bộ đội, nhưng lại chiến đấu trong đội hình du kích xã. Người ở các đơn vị biệt động chuyên hoạt động riêng lẻ theo nhóm, chỉ có ba người mới tỏ mặt nhau. Đặc biệt có đồng chí làm công việc chưa hề có trong danh mục của quân đội quản lý. Nhiều người sống tự do, phóng khoáng theo kiểu anh Hai nam bộ quen rồi. Nay phải sống nề nếp, gò bó chưa kịp thích nghi. Có người là bộ đội hơn chục năm nhưng chưa bao giờ được đeo sao, quân hàm.
Thấy anh em Thương binh ồ lên, đưa mắt nhìn nhau. Ông tiếp tục giải thích:
- Tôi nói điều này hoàn toàn theo sự thật. Này nhé, khi nhập ngũ huấn luyện đi B, nhiều đơn vị không có sao, quân hàm, quân hiệu cấp phát. Quân phục được lĩnh một bộ vải phin mới. Bộ còn lại của anh em khóa trước để lại, nhiều cái quần chỗ đầu gối mòn rách. Quân nhu phải cắt, may đảo lại từ đằng trước ra đằng sau để bộ đội có đồ thay đổi khi huấn luyện. Không phải chỉ có riêng các đồng chí nam giới mới phải ăn mặc như vậy. Số chiến sĩ nữ còn phải chịu khổ hơn chúng ta. Nhiều lúc họ cũng phải mặc lộn quần đàng trước ra đằng sau. Khi được các chiến sĩ làm nhiệm vụ trực ban hỏi lý do ăn mặc luộm thuộm thì họ đứng nghiêm báo cáo: Thưa thủ trưởng! Do quân nhu may nhầm - Ông Tuyên tủm tỉm nói thêm – Đặc biệt có cô còn khúc khích khi nhận lỗi: tại em mặc “lộn quần” ạ!
   Tất cả mọi người có mặt đều cười ồ lên. Đợi cho tiếng cười lắng xuống, ông Tuyên tiếp tục:
- Sau ba tháng huấn luyện, chúng ta đã phải lên đường đi B. Hành quân vượt Trường Sơn trong sáu tháng, được mang trang phục Quân giải phóng thì làm gì có sao trên mũ! Lúc Hiệp Định Pa Ri được ký kết, chỉ một số người ở các đơn vị quân giải phóng làm nhiệm vụ đặc biệt mới được cấp ngôi sao nửa đỏ, nửa xanh. Sau giải phóng số anh em Thương binh còn nằm trong viện. Sống chết chưa rõ, ở đơn vị cũ ai dám cấp quân hàm, quân hiệu cho. Giờ anh em ra an dưỡng, chuẩn bị về cuộc sống đời thường, việc làm lễ hạ sao là chắc chắn.
Tiến đến trước Minh, ông đưa tay cầm cái bình tông Mĩ hỏi mọi người:  
- Theo các đồng chí, cái bình tông của Mĩ hơn của Liên Xô ở điểm nào?
Mọi người ớ ra khi thấy ông Tuyên đột ngột thay đổi đề tài. Minh dập chân đứng nghiêm trả lời:
- Theo tôi nó rất tiện cho khi pha trà.
Vị thủ trưởng bật cười thành tiếng:
- Vì sao?
- Với gói trà Blao1 loại một lạng, ta bẻ đôi cho vào cái ca inốc này, với nước sôi có sẵn trong bình đem dốc ngược vào ca. Thế là ta đã có được bình trà đủ cho cả tiểu đội cùng uống.
Thấy ông Tuyên cười, Minh nói tiếp:
- Nếu thủ trưởng không tin, chốc nữa tôi pha trà mời đồng chí cùng uống.
Ông Tuyên tháo bình tông ra làm thử:
- Thế đồng chí không sợ nước chảy ra ngoài khi bình tông bị mở nắp, dốc ngược hay sao?
Minh giải thích:
 - Ca inốc, bình nhựa gắn chặt vào nhau, kín khíp như có gioong, nước không chảy ra được. Chứ bình tông và ca của Liên Xô đều được chế tạo bằng nhôm, không làm được như vậy.
- Ngoài việc đựng nước và dùng thay bình pha trà ra, nó còn có lợi ích gì nữa?
- Khi đi trinh sát, bình nhựa để trong ca kim loại sẽ êm, không gây ra tiếng động.
Ông Tuyên tủm tỉm:
- Đồng chí nói hoàn toàn đúng. Trà pha theo cách thức như vậy, lính miền Đông gọi là pha trà kiểu Mĩ. Tôi hoàn toàn đồng ý để đồng chí giữ lại cái bình tông này lại làm kỷ niệm. Nhưng chiến Xanh tuya rông2 của lính biệt kích Mĩ, mà đồng chí đang cầm trong tay dùng để đeo bình tông thì phải thu. Đã có những vụ xô xát xảy ra, các đồng chí Thương binh đã biến nó thành vũ khí đánh nhau.
Khi đến chỗ Hà, vị thủ trưởng chỉ vào cái bọc to được gói kỹ bằng ninon hỏi:
- Tại sao đồng chí lại cương quyết không chịu mở gói hàng này cho những người làm nhiệm vụ kiểm tra?
Hà cúi đầu:
- Tôi có lý do riêng.
Ông Tuyên hỏi lại:
- Lý do có đặc biệt không?
Hà khẳng định:
- Thưa thủ trưởng, nó vô cùng đặc biệt!
Ông Tuyên giải thích:
- Đồng chí cũng biết đấy: Quân lệnh như sơn! Ở đây không có vùng cấm. Nhất là nó lại chẳng có trong tờ kê khai quân tư trang của đồng chí.
Hà ngần ngừ:
- Tôi sợ làm phiền đến mọi người
Ông Tuyên đưa mắt nhìn quanh hỏi:
- Mọi người ở đây có ai ngại bị làm phiền không?
Đám đông đồng loạt:
- Không! Chúng tôi không ngại!
Hà nói thêm:
- Tôi lo làm mọi người sợ.
Ông Tuyên lại hỏi:
- Thế có ai sợ không?
Mọi người đồng thanh:
- Chúng tôi không sợ!
Quay sang Hà, ông Tuyên nghiêm khắc:
- Vậy, yêu cầu đồng chí mở gói hàng này ra!
Hà lặng đi, ôm gói ninon lẩm bẩm.
Ông Tuyên chỉ lên cái bàn đặt trước hàng quân:
- Đồng chí hãy mang gói hàng lên trên này, mở ra cho mọi người cùng thấy.
Hà kính cẩn đặt gói ninon lên bàn, thầm thì: “Hòa ơi! Mày tha lỗi cho tao. Tha lỗi cho tao.”
Gói hàng được mở chậm rãi. Khi những sợi dây dù không còn chức năng chằng buộc nữa. Tấm áo đi mưa bọc ngoài được trải kín cả mặt bàn. Lúc mảnh vải dù hoa bọc trong cùng từ từ được mở.
Tất cả mọi người có mặt ồ lên kinh ngạc. Một bộ xương người được xếp ngay ngắn trong mảnh dù hoa, chiếc xương sọ nhìn chằm chặp vào đám đông bằng hai hốc mắt sâu thẳm.
Hà cúi đầu:
- Xin trân trọng giấy thiệu với mọi người: Đây là Hòa, bạn thân cùng quê, nhập ngũ đi B cùng ngày với tôi. Bị hy sinh trong trận đánh vào Tiểu khu quân sự Bình Long. Tôi đã hứa sẽ mang cậu ta cùng về quê mẹ. Tôi...ôi..
Hà tức tưởi, nghẹn ngào không nói nổi thành câu.
Ngay lập tức vị thủ trưởng hô to, dõng dạc:
- Tất cả đứng dậy!
Ông đưa mắt nhìn hàng quân:
- Yêu cầu mọi người chỉnh đốn trang phục!
- Chỉnh đốn trang phục xong!
- Tất cả: Nghiêm!
- Một phút mặc niệm!
- Phút mặc niệm bắt đầu!
Cả không gian như đọng lại, mọi người chỉ còn nghe thấy nhịp đập của con tim mình. Tiếng ông Tuyên lại vang lên:
- Phút mặc niệm đã xong! Tất cả nghỉ! Mời mọi người ngồi xuống, chúng ta tiếp tục công việc.
Anh em Thương bệnh binh đồng loạt dốc ngược ba lô. Những người có trách nhiệm kiểm tra lặng lẽ đi qua. Ông Tuyên nói lời cuối cho cuộc kiểm tra:
- Nếu như không có chiến tranh, các đồng cũng như tôi chắc chắn sẽ sống một cuộc đời khác. Mai ngày khi về với cuộc đời thường, nhất định trong số chúng ta, sẽ có người thành đạt, được đứng trên đỉnh vinh quang. Nhưng cho dù chúng ta có sống cuộc đời nào đi chăng nữa, cũng không bao giờ bằng cuộc đời của những người lính đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân, đã đổ một phần xương máu cho nền độc lập tự do của đất nước này.   
**
    Không biết có phải do những người lính đã tìm được tiếng nói chung, mà buổi kiểm tra quân tư trang diễn ra thuận lợi.
Ông Tuyên tâm sự với mọi người khi công việc hoàn thiện: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi được đón một chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ, trở về hậu phương bằng cách đặc biệt này.”
Lúc thấy Hà băn khoăn khi được biết: Mọi người phải trú quân trong nhà dân, ông Tuyên hỏi:
- Đồng chí muốn đề đạt điều gì?
Hà thổ lộ:
- Tôi đã giấu anh em mang theo hài cốt của Hòa. Giờ đây, tất cả mọi người đều rõ. Tôi lại lo người dân địa phương khi biết chuyện, sẽ ngại khi phải bố trí nơi ở, do tín ngưỡng phải kiêng kị. Bản thân tôi cũng không muốn giấu chuyện này nữa.
Mọi người hiến kế:
- Ở quê tớ, người ta vẫn mang hài cốt người thân lên chùa gửi tạm, trong khi chờ được hậu táng.
- Bọn mình sẽ gửi nhờ hài cốt của liệt sĩ Hòa ở đó.
- Đợi đến khi được nghỉ phép, sẽ đến xin lại, cùng rước cậu ta về quê.
- Nhưng chẳng biết ở gần đây có ngôi chùa nào không?
Ông Tuyên ôn tồn:
- Sao lại phải mang hài cốt của liệt sĩ tới chùa để gửi. Nhà khách của đoàn còn có phòng để không. Tối nay, sẽ giành cho liệt sĩ Hòa một phòng, có người túc trực canh gác - Quay sang phía Hà, ông nói tiếp - Ngày mai, đoàn mình có xe đi công tác tại Quảng Ninh, tôi sẽ ký lệnh khẩn, với nhiệm vụ đặc biệt đưa Hòa về quê, kết hợp với việc đồng ý để cậu tranh thủ về phép thăm nhà. Hai người cùng quê mà! Đồng chí thấy sao, có ổn không?
Hà nghẹn ngào:
- Xin cám ơn thủ trưởng. Cám ơn đồng đội. Cám ơn...
Ông Tuyên kết luận:
- Vậy là đồng chí đã đồng ý. Bây giờ hãy cùng tôi về nhà khách của đoàn bộ, để sớm mai khởi hành sớm. Nhưng xe không về đến tận quê của liệt sĩ Hòa  đâu, chỉ đến Hồng Gai thôi. Chặng tiếp theo đồng chí phải đi xe khách. Đoàn sẽ tạm ứng tiền công tác, phụ cấp sinh hoạt cho đồng chí. Mọi người mới ở trong kia ra, làm gì có tiền miền Bắc. Để có người giúp đỡ, hỗ trợ nhau dọc đường, sẽ chọn trong số các đồng chí ở đây có quê ở Quảng Ninh, lấy hai người cùng đi. Tôi sẽ cấp cho những người tham gia đợt công tác đặc biệt này bảy ngày phép tất cả. Ai xung phong nào?
Minh là một trong hai người được chọn.
**
    Đoàn của Minh đến quê Hòa vào môt buổi chiều đẹp trời. Một ngày hửng nắng giữa tiết đông ken. Cái làng nhỏ nằm ven con sông biên giới xôn sao, khi thấy những người lính đầu tiên ở chiến trường xa trở về.
Thay vì về nhà, Hà lại dẫn cả đoàn lên thẳng trụ sở xã. Mọi người trình giấy tờ và Hà báo cáo với ủy ban  về chuyến công tác đặc biệt này. Rất nhanh, lãnh đạo địa phương vào cuộc, phân công mọi người lo các công việc cho buổi lễ.
Đoàn cũng được đồng chí bí thư Đảng ủy xã thông báo cho biết: Cách đây hơn một năm, địa phương đã làm lễ truy điệu Hòa khi nhận được giấy báo tử. Còn bây giờ là lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ. Mà lễ này, xã chưa làm bao giờ, chắc không tránh khỏi lúng túng.
Người dân trong làng bỏ hết mọi công việc, kéo nhau lên tập hợp ở trụ sở xã.
Khi Hoa cùng bố mẹ tới ủy ban, Minh lặng người đi khi biết rõ gia cảnh của Hòa. Nhà Hòa chỉ có hai anh em. Hoa em gái Hòa, là chiến sĩ quân y công tác tại trạm xá của bộ đội biên phòng tỉnh. Hoa cũng mới về thăm nhà, trước khi đi ôn văn hóa để theo học lớp Trung cấp y tế. Nhìn bố mẹ Hòa dắt tay nhau đi với mái tóc bạc phơ, bóng họ xiêu xiêu trên mặt đất. Minh cùng các đồng đội bước xuống bậc thềm nhà, chạy tới dìu đỡ hai vị song thân của Hòa vào hội trường ủy ban.
Buổi lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ diễn ra suôn sẻ. Trái lại với những nhận định của các chiến sĩ, không có một tiếng khóc nào bật ra trong suốt buổi lễ. Gia đình Hòa lặng lẽ tiến hành các thủ tục theo sự hướng dẫn của những người có trách nhiệm.
Nhiều người cho rằng: Họ không còn khóc được nữa, vì trong buổi lễ truy điệu liệt sĩ năm trước, gia đình Hòa đã khóc quá nhiều, nỗi đau lặn hết vào trong rồi con đâu.
Cũng có người nói nên suy nghĩ của riêng mình: Gia đình Hòa còn may mắn hơn rất nhiều, nếu so sánh với một số người khác trong xã. Bởi người thân của họ, còn nằm lại ở đâu đó trên mảnh đất phương nam xa xôi.
Tối hôm đó, Minh ngủ tại nhà Hoa. Còn anh bạn đi cùng, đã tranh thủ ghé thăm nhà ở một xã ven biển, nằm cách đấy không xa. Thoạt đầu Minh định về nhà Hà nghỉ tạm, để sớm hôm sau ra xe về quê sớm. Nhưng khi thấy bố mẹ Hòa cứ cầm tay anh lôi đi tuồn tuột, không để anh nói một câu.
Lúc đến nhà, ông bố chỉ vào cái phản kê ở gian giữa: “Đây là chỗ thằng Hòa vẫn ngủ lúc ở nhà.”
Còn bà mẹ ân cần, tỉ mẩn lau đi lau lại cái phản: “Con cứ nằm ở đây mà nghỉ!”
Trong hoàn cảnh ấy, Minh chẳng thể chối từ. Bữa cơm chiều diễn ra trong khung cảnh yên bình.
Bà mẹ mỗi lần gắp thức ăn cho Minh lại nói: “Hồi ở nhà, con vẫn thích ăn món này.”
Tối đó, Minh trằn trọc hoài, mãi tới nửa đêm anh mới chợp mắt. Trong trạng thái mơ màng, anh choàng tỉnh khi phát hiện ra bố mẹ Hòa soi ngọn đèn dầu nhìn mình ngủ.
Giọng của người bố: “Bà nhìn xem, nó nằm ngủ y hệt thằng Hòa.”
Tiếng của người mẹ: “Suỵt! Ông im đi để cho con nó ngủ.”
Những lời nói trên ngoài Minh ra, còn có Hoa nằm ở căn buồng đầu nhà nghe rõ. Giấc ngủ cũng không đến với cô.
Sáng hôm sau thay vì ra xe, Minh ở lại nhà Hoa với cái cớ: Ở lại chờ hai anh bạn đi cùng.
Mấy ngày sau, những người lính trở lại Đoàn an dưỡng đúng theo hạn định. Khi xe chạy qua thị xã quê mình, Minh không dám nhìn ra ngoài cửa vì sợ người quen bắt gặp trách: Đã đi ngang qua mà chẳng chịu ghé thăm nhà. Ngày ấy, mỗi khi có anh lính nào ở trong Nam ra, là những người dân lại đổ xô tới, hỏi thăm tin tức về người thân của mình.
Thời gian bấy giờ, mọi người trong gia đình Minh, cũng chưa một ai biết được, anh còn sống hay đã chết. Họ cũng đang mỏi mắt trông chờ tin tức về anh
**
    Ngay từ hồi còn bé, Hoa đã say mê với các công việc của nghề Y. Bố Hoa là ông Lang có tiếng trong vùng. Hoa thường theo bố lên rừng tìm hái cây thuốc. Thứ để bố dùng vào việc chữa bệnh hàng ngày, loại để trao đổi các dược liệu khác với những người thày thuốc ở bên kia biên giới. Đôi thứ, bán luôn lấy tiền Trung Quốc để mua một số mặt hàng khan hiếm dùng cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của gia đình. Mỗi lúc bố chữa bệnh, Hoa thường đứng kề bên xem và chờ ông sai bảo. Thấy Hoa ham thích, bố tỉ mẩn giảng giải mỗi khi có dịp. Đôi lúc, ông hướng dẫn cho Hoa thực hành trên cơ thể người bệnh.
Nhà Hoa là điểm dừng chân thường xuyên của các chiến sĩ biên phòng. Người dân trong vùng ốm đau gì cũng tìm đến ông. Bộ đội, công an cũng không ngoại lệ. Họ tìm đến một phần do các cơ sở chữa bệnh của nhà nước ở đây nằm khá xa, đường xá khó khăn, phương tiện giao thông khan hiếm. Phần khác, do ông nhiệt tình lại có những phương thuốc bí truyền chữa được nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Các thày thuốc bên kia biên giới cũng thường mời ông sang hội chẩn, học hỏi lẫn nhau.
Do trong vùng có nhiều Hoa kiều cùng sinh sống lẫn với người Việt, lũ trẻ con hàng ngày cắp sách đến trường cùng nhau, nên việc hiểu biết ngôn ngữ Hán đối với Hoa là việc đương nhiên. Cô thành thạo thứ ngôn ngữ tượng hình này như tiếng mẹ đẻ.
Mỗi lần lội sông sang bên đất bạn, bố thường cho Hoa đi cùng. Nhiều lần hai bố con ở lại qua đêm. Các thày lang bên đấy, dường như họ nhìn thấy ở Hoa một tài năng bẩm sinh. Hoa có trí nhớ tuyệt vời, chỉ cần nhìn phác qua, nghe ai nói một lần, được hướng dẫn cụ thể là cô có thể tự làm. Nhiều người yêu quí cô, coi Hoa như con cái trong nhà, không ngại ngần hướng dẫn chỉ bảo những chiêu độc, bí truyền trong nghề.
Một lần bố đi vắng, các anh bộ đội biên phòng cáng đến nhà Hoa một chú lớn tuổi, bị đột quỵ liệt nửa người, không nói được. Khi thấy họ băn khoăn định cáng ông xuyên rừng, đi tắt xuống phố huyện chờ xe đưa về tỉnh.
Lúc mọi người hội ý, lên phương án. Hoa ngỏ lời:
- Để cháu chữa cho!
Mọi người ngạc nhiên nhìn nhau, có người hỏi lại:
- Cháu cũng biết chữa bệnh?
- Cháu đã được bố dạy. Cháu cũng đã nhiều lần được tham gia chữa bệnh này cùng bố!
Chiến sĩ quân y đi cùng lên tiếng:
- Nhưng đây là ca bệnh nặng, liệu cháu có chữa nổi không?
Chú chỉ huy đồn biên phòng nói nhỏ với Hoa:
- Người bị bệnh là thủ trưởng cấp trên, đang trên đường đi công tác ở địa bàn này - Ông băn khoăn - Đợi xe thì phải mất ít nhất hai ngày sau mới về đến được tỉnh, sợ mọi cái khi ấy đã muộn.
Hoa lên tiếng:
- Bố cháu dạy, người bệnh được phân ra làm các loại: đại, trung và tiểu. Còn giàu nghèo sang hèn giống như nhau cả. Bác đây chỉ ở mức trung bệnh. Nhưng không được cấp cứu kịp thời, thì chỉ sau một ngày sẽ để lại di chứng rất khó chữa, lại thành ra đại bệnh.
Người chỉ huy nhìn Hoa:
- Cháu có dám chữa không?
Hoa khẳng định:
- Cháu dám!
Người chỉ huy ngần ngừ hỏi tiếp:
- Khả năng chữa khỏi là bao nhiêu?
Hoa nhìn thẳng vào cặp mắt của ông:
- Chắc chắn bác ấy sẽ tỉnh lại được!
Người chỉ huy quyết định:
- Vậy thì ta tiến hành luôn!
Đầu tiên Hoa xoa bóp cho bệnh nhân, rồi cô dùng bộ kim châm cứu bằng bạc của bố, điểm vào các huyệt đạo trên người. Như có phép nhiệm mầu, trong chốc lát những phần bị liệt cứng của bệnh nhân có phản hồi. Hoa rút kim, lần lượt châm vào những huyệt đạo với độ nông sâu và các góc độ khác nhau. Mọi người hoa mắt khi nhìn thấy đôi bàn tay đưa đi, đưa lại thoăn thoát và số kim châm Hoa sử dụng.
Thời gian trôi qua, mọi người ồ nên khi thấy người bệnh hồi tỉnh, cất tiếng hỏi xem: “Mình đang ở đâu?”
Các chú bộ đội biên phòng thở phào nhẹ nhõm khi nghe Hoa thông báo:
- Người bệnh chỉ cần nằm nghỉ, châm cứu xoa bóp trong vòng ba ngày sẽ khỏi hẳn!
Rồi Hoa bốc thuốc, sắc cho bệnh nhân uống. Một phòng bệnh cấp cứu được bộ đội biên phòng thiết lập ngay tại nhà Hoa.
Khi bệnh nhân khỏe mạnh trở lại, lúc chia tay gia đình, vị thủ trưởng ngỏ lời với bố mẹ Hoa: “Muốn xin Hoa về công tác tại trạm y tế của bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh." Bố mẹ Hoa đã đồng ý.
Hoa được gọi nhập ngũ và cô phải đi học một lớp y tá ngắn hạn của quân đội rồi mới được về công tác tại bệnh xá. Sau thời gian nghĩa vụ, Hoa muốn học thêm chuyên môn, cô xin ra quân để theo học khóa Trung cấp y của tỉnh.  
**
      Hoa tìm đến nhà Minh khi công việc nhập học ổn định. Cô mang trả lại cho Minh bộ quần áo lót anh bỏ quên lúc ở nhà mình. Bộ quần áo anh vận lúc đi vớt củi cùng Hà.
Hôm trước trời mưa to, nước sông dâng cao. Hà dẫn Minh ra sông vớt số cây từ đầu nguồn trôi về. Hà dặn Minh:
- Ta chỉ được bơi ở ven bờ.
- Mình thấy ở giữa dòng có tụ nhiều đám cây còn tốt. Chỗ kia trông như một cái bè bị lũ cuốn vậy.
- Cậu không sai, đấy là bè của những người sơn tràng ở đầu nguồn bị lũ cuốn đưa về đây. Nhưng ở vị trí đó thuộc phạm vi đường biên do bên kia quản lý. Mình bơi ra đấy lính biên phòng Trung quốc  sẽ nổ súng chặn ngay. Không khéo bị rước vạ vào thân.
- Sao nói biên giới hai nước hòa bình hữu nghị, những lúc nước ròng mọi người thường lội sông sang thăm nhau.
- Lúc đúng khi sai, khó lường lắm, mình phòng trước vẫn hơn.
Minh hỏi lại:
- Cậu nói sao?
Hà giải thích:
- Thông thường cái gì mang lại lợi ích cho bên ấy, họ nhiệt tình giúp đỡ.
- Mình vẫn chưa thật rõ.
Hà kiên nhẫn:
- Theo thông tin mà mình vừa được phổ biến. Tình hình biên giới  hiên nay có nhiều điều bất ổn. Nếu cậu xách hàng lậu vượt biên, thứ mà họ rất cần hoặc các các mặt hàng kim loại quí. Khi cậu bị bộ đôi biên phòng bên ta tìm cách ngăn cản, họ lại sẵn sàng chạy ra tận biên xách giúp. Còn dòng sông này, chảy một quãng nữa gặp triều lên sẽ sinh ra dòng nước quẩn đẩy toàn bộ những thứ trôi nổi về phía bờ bên đấy. Dân của họ chỉ việc đứng trên bờ, lấy câu liêm lôi vào. Họ không ngăn cản cậu mới là chuyện lạ.
Chiều hôm đó, hai người đánh xe trâu ra bãi sông, kéo về nhà Hoa một đống to cả tre lẫn gỗ các loại. Hai người phân ra loại tốt để dành vào việc khác. Số còn lại đánh đống làm củi, đủ cho bố mẹ Hoa dùng trong cả năm.
Sáng hôm sau họ lên đường từ sớm, Minh đã quên không lấy bộ quần áo phơi qua đêm ở cây sào đầu hè.
**
Giống như bao người lính khác, khi trở về cuộc sống đời thường trong thời gian ấy, Minh rất khó xin việc. Một phần do anh em bộ đội về quá đông, phần khác tại không có  tay nghề. Và cũng có Công ty ngại tuyển Thương binh, họ lo anh em không đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ được phân công. Còn việc đi học Đại học, điều đó Minh hoàn toàn không dám mơ tới.
Một thời gian sau, Minh được nhận vào mỏ làm việc theo chế độ đổi người: Bố mẹ về hưu trước tuổi, con được vào thế chỗ. Sau khi xem hồ sơ lí lịch quân nhân của Minh, anh được phân công về phòng Bảo vệ quân sự mỏ.
Bấy giờ theo chủ trương của trên, mỏ than nơi anh làm việc được nâng cấp lên thành một Trung đoàn tự vệ. Để xứng đáng và có thực lực với mô hình mới, trên đã tập trung xây dựng các đơn vị tự vệ về mọi mặt. Những lãnh đạo chủ chốt của đơn vị phải tập trung học lớp quân sự quốc phòng toàn dân, đạt yêu cầu mới được bổ nhiệm. Minh được chọn làm tham mưu cho lãnh đạo về mặt quân sự.
Ngôi trường mà Hoa theo học, nằm gần khu nhà gia đình Minh trú ngụ. Do trường không có ký túc xá giành cho sinh viên, nên ngay từ những ngày đầu nhập học, Hoa đã nhờ Minh dẫn đi tìm nơi trọ. Thấy Hoa không hài lòng về những nơi hai người đặt chân tới. Minh ngỏ lời đề nghị Hoa về trọ ở nhà mình. Gia đình Minh chỉ còn có ba mẹ con, cô em gái mới đi lấy chồng. Căn nhà ngang của cô em, hiện bỏ không. Hoa có thể tự do sử dụng.
Thoạt đầu Hoa từ chối vì ngại. Sau Minh nài nỉ nói: Do đặc thù công việc, anh nhiều hôm phải đi ca ba. U lớn tuổi ở nhà một mình, anh thấy bất an. Hoa đến ở anh thấy an tâm hơn.
Công việc ở ban quân sự của mỏ bộn bề. Nhiều công việc Minh chưa hề phải làm trong thời gian tại ngũ. Đơn vị tự vệ cấp Trung đoàn nên cũng đầy đủ các binh chủng. Những cán bộ phụ trách quân sự cũ của mỏ than phiền: “Dạo chống Mĩ chỉ phải lo đánh trả máy bay. Còn bây giờ phải luyện tập cả pháo mặt đất. Phải xây dựng các trận địa chốt chặn. Học cách đánh hợp đồng với các đơn vị khác...”
Nhiều lần nhận vũ khí về, Minh lại phải tìm đến những đồng đội đã từng sử dụng ở chiến trường, nhờ họ giảng giải, hướng dẫn. Anh em nhiệt tình, họ trở thành nòng cốt trong các đơn vị tự vệ. Việc vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu đối với những người công nhân không xa lạ gì. Trong chiến tranh phá hoại, họ đã đánh hàng trăm trận, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống phi công. Còn bây giờ, họ lại ở tư thế sẵn sàng giáng trả bất cứ cuộc xâm lăng nào.
Đơn vị tự vệ của mỏ dần dần cũng đi vào ổn định. Những người công nhân với đôi bàn tay, đức tính cần cù đã quen cầm các công cụ sản xuất, bây giờ lại sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài được trang bị.
Khi sản xuất họ là những công trường, phân xưởng. Còn lúc có chiến sự, họ nhanh chóng trở thành những đại đội, tiểu đoàn. Họ có đủ bản lĩnh, bình tĩnh trong mọi tình huống.
**
    Chẳng biết từ bao giờ, Hoa thường mong chờ bước chân của Minh. Lúc anh phải đi ca hai, Hoa thường lấy cớ học bài, chong đèn đọc sách chờ anh về. Nồi nước sôi để Minh tắm gội bao giờ cũng được Hoa bỏ thêm các loại lá thơm, dược liệu. Khi nhà trên yên tĩnh, cô mới ngủ được. Những hôm Minh phải trực ca ba, Hoa lên nhà trên nằm thủ thỉ cùng u.
Còn Minh cưng chiều Hoa như cô em gái. Cưng chiều đến mức có lần cô em đến chơi phải thốt lên: “Anh ấy làm cho chị nhiều việc, mà từ trước đến giờ chưa từng bao giờ làm cho em cả.” Có suất bồi dưỡng ca ba, Minh cũng dồn lại lấy sữa, bánh ngọt mang về đưa cho u. Mà u thì mọi người trong nhà ai cũng biết, bà không thích ăn của ngọt. Còn Hoa vô tư, cố gắng ăn không để hỏng phí mất.
Dạo này u của Minh đi đâu cũng nói với mọi người những điều tốt lành đẹp đẽ về Hoa.
Nào là cái chân đau của tôi uống bao nhiêu loại thuốc cũng không khỏi. Vậy mà, chỉ dùng có mấy ấm lá, tôi đã đi lại bình thường, quẩy được cả gánh hàng nặng xuống chợ.
Nào là, con gái đẻ ra cũng chưa bao giờ xách cho tôi xô nước tắm. Vậy mà nó đun nước lá cây cho tôi xông giãn gân cốt, đỡ mỏi mệt. Mình thì ngại phiền, nó lại thoải mái: “Bác để cháu cọ lưng cho!”  
Cô em gái của Minh bị động thai, ra máu. Bệnh viện nói: “Không giữ được cái thai!”
Hoa nghỉ một buổi học, bắt Minh đi cùng leo núi tìm đào bằng được củ gai, mang về sắt mỏng, kết hợp với vài thứ cây khác, sắc cho uống. Chưa đầy một tuần cái thai ổn định, mọi người hai bên nội ngoại mừng ra mặt.
Chẳng những thế các bác sĩ khi khám thai đã phải thốt nên: “Lạ quá đi thôi, kỳ trước thai nằm nghịch, giờ đã chuyển sang vị trí thuận!”
Thực ra, trong những lần khám thai cho cô, Hoa đã làm các thủ thuật xoay dần cái thai về vị trí có lợi cho thai phụ. Cô em gái của Minh lại chủ quan, gần đến ngày sinh vẫn vô tư không biết. Lúc chuyển dạ vỡ ối mới cuống lên gọi mẹ. Hoa khám sơ qua rồi nói: “Đẻ đến nơi rồi! Có cáng lên viện cũng rơi con dọc đường mất. Cứ để em ấy ở nhà, cháu đỡ cho. Ca này cũng dễ thôi mà, đã nhìn thấy đầu đứa bé thò ra rồi.” Chỉ bằng mấy cây kim châm cứu, cơn đau đẻ bớt đi rất nhiều. Chưa kịp sôi ấm nước, mọi người trong nhà đã nghe thấy tiếng trẻ con khóc: Oe! Oe! Mẹ tròn con vuông, hai bên nội ngoại coi Hoa là ân nhân, là người thân trong gia đình. Mọi người có gì đều để giành cho cô.
Người dân trong vùng tin tưởng, có bệnh là tìm đến Hoa xin ý kiến. Bản thân Hoa lại không nề hà, cô coi việc giúp được mọi người là niềm vui của mình. Tự nhiên, Minh trở thành trợ thủ cho cô trong việc chữa bênh cho mọi người.
Những ngày nghỉ, họ thường cùng nhau nên núi hái thuốc. Hoa tỉ mẩn hướng dẫn Minh phương thức thu hái, tác dụng của từng loại dược liệu, và cách thức pha chế bảo quản. Khi Hoa học bài, thường nhờ Minh xem tài liệu, nghe đúng sai phần trả lời của mình. Có lần Minh cười nói với cô: “Cứ như thế này, đến khi em nhận bằng, anh cũng tốt nghiệp luôn.”   
Một hôm hai người trèo lên một quả núi đá, kiếm tìm một loại dược liệu quí. Lúc quay xuống, vô tình Hoa trượt chân ngã va vào một tảng đá. Nhìn cái chân tím bầm, rơm rớm máu khi Hoa kéo ống quần xem vết xước, Minh cuống lên dìu Hoa đi. Khi đến bên dưới mặt bằng, chẳng nói, chẳng rằng mặc cho Hoa phản đối, Minh vẫn xốc Hoa lên lưng mà cõng. Mặc kệ người đi đường chỉ trỏ.
Không biết do xấu hổ, hay tại hạnh phúc đã khiến Hoa phải che nón, giấu mặt vào bờ vai của Minh mà tủm tỉm cười.
Cũng chẳng biết có phải như người đời vẫn nói: Khi con người ta ở gần nhau, quan tâm đến nhau sẽ phát sinh tình cảm. Hay tại duyên phận của mỗi con người, đều được định đoạt tại nơi thiên mệnh. Mà không một ai trong số chúng ta có thể cưỡng lại được.
Người ta yêu nhau bằng trái tim, nên sẽ chẳng có một ai đó đủ khôn ngoan làm chủ được bản thân trong mỗi cuộc tình. Trong cặp mắt của những kẻ đang yêu, rặt những anh hùng và mỹ nhân. Còn những người ngoài cuộc, lại luôn luôn coi họ là những kẻ dại khờ.
Thủa hồng hoang Ađam và Eva đến với nhau, vì họ không có quyền lựa chọn. Hai người đó lựa chọn làm sao được, khi hành tinh của chúng ta lúc bấy giờ có ai ngoài họ.
Còn bây giờ, xung quanh Minh và Hoa đâu có thiếu gì tài tử, giai nhân. Những người này, cũng thường thầm yêu trộm nhớ, sẵn sàng xin “chết”. Sẵn sàng đi đến cùng trời cuối đất với một trong hai người, khi nhận được tín hiệu phản hồi.
Vậy mà Minh và Hoa lại đến với nhau. Họ yêu nhau đơn giản chỉ vì yêu thôi. Họ đến với nhau theo lẽ tự nhiên của cuộc đời. Bản thân hai người cũng không hiểu mình yêu nhau vì cái gì nữa? Họ lặng im lo lắng cho nhau qua từng hơi thở.
**
    Tình hình biên giới giữa hai nước trở nên căng thẳng. Người Hoa ồ ạt kéo về nước. Các địa phương vùng giáp biên trống vắng, nhiều nơi cần đến sự hỗ trợ của tuyến sau.
Trên chủ trương lấy các cán bộ gương mẫu, có năng lực từ các mỏ bổ sung cho toàn tuyến biên giới. Những người thuộc dân chính đảng quản lý, được điều về tham gia lãnh đao các xã vùng biên. Còn số anh em bộ đội tái ngũ, phần lớn nhận nhiệm vụ ở các huyện đội.
Gọi là chỉ lấy những người tình nguyện, nhưng thực ra là do trên phân bổ xuống, yêu cầu các đơn vị buộc phải chấp hành.
Khi được lãnh đạo mỏ gọi lên quán triệt. Minh đã gật đầu chấp nhận theo sự gợi ý của cấp trên. Anh được nghỉ phép lo việc riêng tư trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới.
 -------------------
1, Tiền do các đơn vị chiến đấu thanh toán cho các Thương bệnh binh khi ra Bắc an dưỡng sau 30/4/1975
1 , Một loại trà nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975.
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)