bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 224
Trong tuần: 1354
Lượt truy cập: 637842

NHÀ NGHIÊN CỨU CHU NGA

TỪ NHÀ GIÁO TIẾNG NGA THÀNH NHÀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC VIỆT NAM XUẤT SẮC

                   Đọc “ Thả hồn theo trang sách”  nghiên cứu - phê bình của Chu Nga, Nxb Hội Nhà văn,  2023

                                                                Vũ Nho

chu_nga

          Chu Nga là một trong số 100 học sinh được Bác Hồ chọn gửi sang Nga đào tạo tiếng Nga năm 1954. Chị từng học tập tại   khoa Ngữ văn Trường Đại học sư phạm Matxcơva mang tên Lênin. Về nước được phân công về công tác tại Viện Văn học chứ không phải một trường dạy tiếng Nga.  Lại có  điều hơi trái khoáy một chút, chị không làm ở tổ bộ môn văn học Thế giới, mà lại làm ở  tổ bộ môn Văn học Việt Nam. Làm ở tổ bộ môn Văn học Việt Nam thì phải nghiên cứu về các nhà văn Việt Nam. Do vậy có thể nói “vốn liếng” của  nhà nghiên cứu trẻ hầu như rất nhỏ, ngoài kĩ năng  về  phân tích tác phẩm và nghiên cứu tác giả văn học Nga và thế giới được học ở trường Sư phạm của Liên xô.

            Tuy vậy, nhà nghiên cứu trẻ đã tập trung năng lực của mình vào việc đọc các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam đương đại. Và những bài nghiên cứu xuất sắc được lần lượt công bố trên Báo Văn Nghệ của Hội Nhà Văn Việt Nam, tạp chí  Văn học và tạp chí Nghiên cứu văn học. Những tạp chí uy tín duy nhất của Việt Nam khi đó.

             Nếu xem xét chi tiết, bạn đọc sẽ thấy ban đầu, nhà nghiên cứu trẻ tập trung vào viết các bài phê bình văn học là chính. Những bài này tập hợp trong phần thứ hai của cuốn sách. Cũng phải mất một thời gian để nhà nghiên cứu tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam được công bố lúc đó. Và vì chuyên chú vào văn học Việt Nam nên tác giả chỉ viết 2 bài về văn học ngước ngoài là nhân vật Davưđov trong tiểu thuyết “Sông Đông êm đềm” và   vấn đề con người trong tiểu thuyết “Mạnh hơn nguyên tử”. Các bài khác hoặc là viết về một hình tượng nhân vật, hoặc là viết về một cuốn sách, một vấn đề trong đời sống văn học. Rồi sau đó tác giả mới công bố các bài nghiên cứu bề thế, công phu của mình về tác giả. Khởi đầu từ Hình tượng người phụ nữ trong Vỡ Bờ của Nguyễn Đình Thi, tác giả tập hợp tư liệu, suy ngẫm để viết “ Nhà văn Nguyễn Đình Thi”, sau đó  đi sâu vào nghiên cứu, chỉ ra  “Nét độc đáo của nhà văn Nguyễn Đình Thi”.

       Với nhà văn Anh Đức cũng như vậy. bắt đầu từ việc phê bình hình tượng nhân vật chị Sứ ( 1967), nhà  nghiên cứu  trên cơ sở mở rộng tư liệu, hình thành bài nghiên cứu sâu về tác giả “ Phong cách trữ tình trong sang tác của Anh Đức” ( 1975).

            Có điều cần lưu ý rằng tuy viết phê bình, nhưng tác giả Chu Nga rất quan tâm đến các thao tác nghiên cứu, vì vậy bài phê bình được viết chặt chẽ, thuyết phục trên cơ sở nghiên cứu kĩ  hình tượng nhân vật, trong so sánh với chính tác giả và những nhà văn khác. Và khi viết nghiên cứu, tác giả không chỉ trình bày bằng loại văn hàn lâm khô cứng đầy tính chất luận lí, mà bằng ngòi bút phê bình, uyển chuyển, tươi tắn. Không phân biệt rạch ròi đâu là nghiên cứu, đâu là phê bình. Chẳng hạn, bài viết về hình tượng người phụ nữ trong “Vỡ bờ” tập 1 của Nguyễn Đình Thi, hay bài viết về nhân vật chị Sứ “ Một hình tượng văn học mang sức sống mãnh liệt”, bài  “Nhân vật Đa vư đôp trong Đất vỡ hoang của Sô lô khôp”  hoàn toàn có thể xép vào bài nghiên cứu  văn học.

Có thể nói nét độc đáo của người bút nghiên cứu phê bình Chu Nga chính là viết phê bình  với tinh thần nghiên cứu và viết nghiên cứu đậm chất phê bình.

            Dù học tập ở nước ngoài, nhưng có thể thấy tác giả Chu Nga chú trọng đến sức thuyết phục và hấp dẫn trong bài viết của mình bằng chính lập luận, phân tích và chứng minh của cá nhân. Đây là một biểu hiện của sự tự tin của người viết. Nếu xem các bài viết cùng thời với tác giả, ( và cả bây giờ nữa), ta thường gặp những trích dẫn các nhà lí luận mác xít, trích ý kiến của ông Ốp, ông Ep của  Liên xô, ông Smit của Mĩ… Các trích dẫn đó đúng chỗ cho thấy công phu của người viết. Nhưng nhiều  khi  thì lại thể hiện người viết không tự tin lắm vào bản thân mình mới viện dẫn các danh nhân.

            Ta sẽ không thấy những trích dẫn kiểu đó trong bài viết của tác giả Chu Nga.   Ngay cả việc so sánh một tác giả Việt Nam với tác giả nước ngoài, nhà nghiên cứu cũng rất kiệm lời. Chỉ khi thật cần thiết mới so sánh. Và so sánh vừa làm rõ nét giống nhau, nhưng đồng thời chỉ ra sự khác biệt. Đó là trường hợp so sánh lòng thương người của L. Tolxtoi với Nguyễn Khải (tr. 64),  so sánh Nguyễn Thành Long với K.Pau topxki (tr.78 79) : “Tuy nhiên , về cơ bản hai nhà văn đó rất khác nhau. Pau top xki  chú ý nhiều đến thế giới bên trong tâm hồn, còn Nguyễn Thành Long chú ý nhiều đến những biểu hiện bên ngoài của tình cảm”. Và trường hợp so sánh hình tượng cụ Mết ( Rừng xà nu) với một nhân vật thần thoại trong các bài ca cách mạng còn mang tính  chất lãng mạn của M.Go rơ ki ( tr. 219).

          Thao tác so sánh là một thao tác rất phổ biến trong nghiên cứu và phê bình văn học. Tác giả Chu Nga đã vận dụng rất nhiều và rất uyển chuyển trong các bài viết của mình. Chị so sánh các tác phẩm cùng viết về quân đội trong kháng chiến chống Pháp ( Xung kích) với tác phẩm trong kháng chiến chống Mĩ ( Vào lửa, Mặt trân trên cao) của nguyễn Đình Thi. Chị so sánh các nhân vật nữ của nhà văn   như Gái, Xoan, Quyên, An, Phượng trong “Vỡ bờ”. Rồi so sánh  Nguyễn Đình Thi với Võ Huy Tâm khi miêu tả người nữ công nhân (tr. 178 -179). Trong hầu hết các bài nghiên cứu và phê bình của tác giả, bạn đọc đều có thể bắt gặp những so sánh chính xác,  thú vị,  làm nổi bật sự khác biệt hay sự phát triển của vấn đề. Nguyên một đoạn văn ngắn này, chứng tỏ người viết đã nắm rất vững đặc điểm giọng văn các tác giả mà chị đề cập :

            “Nguyên Hồng góp vào dòng văn học hiện thực phê phán về căn bản vẫn là một tiếng nói yêu thương, nhân đạo, có phê phán, nhưng không mỉa mai trào lộng như Nguyễn Công Hoan, không chì chiết và đau đớn như Nam Cao, hay sâu cay nặng nề như Ngô Tất Tố, mà sôi nổi lạc quan, tràn đầy một lòng tin ở ngày mai tươi sang vì nhìn thấy được những phẩm chất đẹp đẽ ở những con người nghèo khổ hôm nay.” ( tr. 153).

            Để minh chứng cho những nhận định đánh giá của mình, nhà nghiên cứu đi sâu vào phân tích tác phẩm, phân tích nhân vật, và phân tích chi tiết. Chính ở đây, biểu hiện khả năng cảm thụ tinh tế của tác giả Chu Nga. Hầu hết các dẫn chứng, qua phân tích đều thuyết phục người đọc, dẫn dắt người đọc cùng đồng cảm, đồng ý  với nhận định của người viết. Việc phân tích tác phẩm, phân tích nhân vật có tình, có lí, dựa trên chứng cứ văn bản làm tăng tính hấp dẫn của bài viết.Theo chúng tôi, sự mẫn cảm, cảm thụ sâu sắc và phân tích khoa học các tác phẩm và các nhà văn được  nghiên cứu  đảm bảo cho các bài viết của tác giả  chẳng những chinh phục bạn đọc, mà  còn chinh phục cả những tác giả, người cha của những đứa con tinh thần.

            Một điều đáng chú ý là nhà nghiên cứu bình đẳng với  các tác giả, là bạn đọc, nhưng cũng là người đồng hành với các tác giả. Nhà nghiên cứu Chu Nga đã  nhiệt tình, thẳng thắn khẳng định những điều thành công, nhưng cũng không ngần ngại, chân thành nêu ra những điều còn hạn chế, còn chưa tới của người viết. Ví dụ với Nguyễn Đình Thi. Nhà nghiên cứu khẳng định : “Tuy nhiên, chính những yếu tố đã làm nên vẻ độc đáo trong thơ Nguyễn Đình Thi cũng lại là những yếu tố đã đẻ ra cả nhược điểm của thơ anh. Đó là lúc trí tuệ và tình cảm trong thơ anh bị tách rời nhau hoặc lấn át nhau” ( tr. 36). Ví dụ khác về tác phẩm và nhân vật của Nguyễn Khải : “Vì quá mạnh tay trong việc hạ thấp nhân vật của mình, nên ở những trang cuối cùng của tác phẩm, khi Nguyễn Khải muốn một lần nữa nâng họ lên, thì không nổi nữa, vì cả anh và nhân vật đều đã cùng đuối sức. Việc hạ thấp và nâng cao nhân vật  theo kiểu như vậy vừa gượng gạo, vừa làm cho tính cách của nhân vật trở thành dở dang, đáng tiếc.” ( tr. 61). Đối với Nguyễn Thành Long, nhà nghiên cứu sau khi khẳng định  những thành công đáng ghi nhận, nhưng cũng không bỏ qua yêu cầu cao : “Mà viết về con người thì đâu chỉ đòi hỏi có con mắt quan sát tinh vi và nghệ thuật viết văn điêu luyện.Yêu cầu trước tiên và trên hết ở đây là phải hiểu sâu sắc đối tượng của mình, nghĩa là phải đến được thật gần với họ để họ có đủ tin cậy mà mở lòng ra cho mình thấy. Nguyễn Thành Long chưa làm được điều này. Và vì vậy dù thật lòng yêu mến, dù viết về họ với tất cả nhiệt tình, nhiều lúc anh vẫn có vẻ chỉ là một người ca ngợi một cách khách quan.” ( tr. 79 -80). Với nhà văn Nguyên Hồng, tác giả đã khẳng định mặt mạnh và cả những chỗ chưa mạnh của nhà văn. Chị thẳng thắn đánh giá : “Nhà văn còn có chỗ bị  hạn chế, anh cũng chưa có được một cái nhìn sáng suốt đối với bản chất của bọn này. Có lẽ cũng vì vậy mà, dưới ngòi bút của tác giả, các nhân vật thuộc giai cấp tư sản như Giáng Hương, Huệ Chi và chả Thy San nữa, đã hiện lên với nhiều nét đẹp.Thực ra mà nói, có lẽ anh chỉ nhìn thấy cái bề ngoài đẹp đẽ giả tạo của chúng, chứ chưa thấy hết cái xấu xa bên trong, cái bản chất bóc lột, ăn bám và thối nát của chúng.” ( tr.151).   

            Cần phải khẳng định rằng với tất cả sự say mê, với tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, với sự cảm thụ và phân tích văn học tinh tế, sắc sảo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Chu Nga đã có được những bài viết có giá trị khi đó và lâu dài sau này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, một đồng nghiệp của tác giả Chu Nga ở Viện văn học đã đánh giá :

            “Vốn là một người làm khoa học văn chương có bản lĩnh, am hiểu thấu đáo văn học nghệ thuật “đãi cát tìm vàng” của mỗi nhà văn, tôn trọng tính thực chứng, khách quan, liên văn bản của  tác phẩm nghệ thuật ngôn từ, chị luôn luôn xem xét  tác phẩm trong nhiều mối quan hệ giữa cái khách quan và cái chủ quan, hiệu quả thực tế của tác phẩm để tác giả không rơi vào tình trạng “lực bất tòng tâm” cần tránh. Từ những trang viết, Chu Nga đã không áp đặt ý kiến riêng của mình cho tác giả và công chúng, mà đã luôn coi trọng mở ra sự đối thoại dân chủ, tôn trọng lẫn nhau,tranh luận bình đẳng có văn hóa để giữa các bên chủ thể:  nhà sáng tác, nhà nghiên cứu-phê bình,  người thưởng thức có được mối qua hệ thân thiện “tâm phục khẩu phục” lẫn nhau…”( Cây bút nữ  nghiên cứu-phê bình, dịch văn học đặc sắc,  tr.12).

            Đó là một đánh giá  chân thành công tâm  về đóng góp của nhà nghiên cứu, phê bình Chu Nga.

            Chắc chắn những bài viết của tác giả trong cuốn sách  sẽ  rất có ích cho bạn đọc và những người làm công việc nghiên cứu phê bình sau này.

            Tôi  là một người viết nghiên cứu phê bình, cũng được học tập ở Liên xô như tác giả Chu Nga, hiểu biết thấu đáo nỗi vất vả của công việc thầm lặng đồng hành cùng người viết,  thật sự vui mừng chia sẻ những thành công xuất sắc của chị!

                                                Hà Nội, 10/12/2023

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)