bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 157
Trong tuần: 780
Lượt truy cập: 674280

NHÀ THƠ BÙI ĐỨC KHIÊM VIẾT VỀ NHÀ THƠ ĐỒNG ĐỨC BỐN

15 năm ngày nhà thơ Đồng Đức Bốn qua đời

(4 / 2 / 2006 - 4 / 2 / 2021):

 

TÔI TẦM MUA ĐƯỢC “CHIM MỎ VÀNG VÀ HOA CỎ ĐỘC”

Ghi chép của BÙI ĐỨC KHIÊM

nh_bi_c_khim.

 

I.

   Đó là tên tập Tác phẩm và dư luận của nhà thơ Đồng Đức Bốn

(Nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản tháng 1 - 2006).

 Tôi nảy ý định tầm mua “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” sau khi đọc bài nhắc lại vài kỷ niệm với nhà thơ Đồng Đức Bốn trên Facebook của một người bạn. Cũng như nhiều người, tôi từng đọc và thích thơ lục bát của nhà thơ tài hoa nhưng vắn mệnh…rồi cũng đọc không ít những bài Lý luận phê bình và phân tích hiện tượng thơ Đồng Đức Bốn.

 Đã có lần tôi mua hụt “Chim mỏ vàng…”. Ấy là ngày khai mạc Ngày thơ Nguyên tiêu năm 2006 ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Hôm ấy tôi nhìn thấy “Chim mỏ vàng…” lấp ló ở một quầy sách. Sách dầy và nặng tôi phải đưa cả hai tay nâng rồi lật xem trang bìa cuối: 450.000 đồng!

 Lưỡng lự một lúc tôi đặt tập sách xuống. Chẳng phải vì giá sách không hề mỏng (gần nửa triệu bạc chứ ít đâu) mà nó hơi nặng, trong khi tôi còn phải đi lạc vào ngày thơ, nghe các diễn giả đọc thơ rồi tìm gặp mấy bạn viết như đã hẹn. Qua trưa, sau cuộc “nâng lên đặt xuống” với mấy người ở quán bia đường Văn Miếu tôi quay lại quầy sách khi sáng thì không thấy “Chim mỏ vàng…” nữa.

 Tôi lại cũng nhớ có hai lần gặp nhà thơ Đồng Đức Bốn, tình cờ và thoảng qua thôi. Năm 1988, một hôm ghé chơi với nhà thơ Hữu Thỉnh, khi đó là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội ở số 4 Lý Nam Đế. Gần trưa, định đứng dậy ra về thì một gã trung niên, trạc như tôi hoặc hơn một, hai tuổi lừ lừ xuất hiện ở cửa phòng. Anh Hữu Thỉnh hỏi: - Khiêm gặp chưa, biết ai không, từ thành phố hoa phượng đỏ lên? Tôi lắc đầu, anh Hữu Thỉnh cao giọng: - Đồng Đức Bốn lục bát, hay lắm đấy! Còn đây là Bùi Đức Khiêm thơ thiếu nhi, chuyên ăn dỗ trẻ con...

 Nhà thơ Hữu Thỉnh, rồi cả Đồng Đức Bốn níu bằng được tôi ở lại ăn thịt chó chặt và uống bia hơi đựng trong cái can nhựa nhỏ mà Bốn xách đến. Ba anh em ngồi bệt trên sàn gạch căn phòng đầu hồi ngôi nhà cổ kính cũng là nơi làm việc và chỗ ở của Hữu Thỉnh. Qua cách chuyện trò và sau này đọc ở đâu đó tôi biết Hữu Thỉnh rất quý tài năng thi ca Đồng Đức Bốn.

 Một lần khác, hình như là năm 1991 hay đầu 1992 gì đó, vợ chồng nhà thơ Trịnh Hoài Giang - Dư Thị Hoàn ra mắt công ty hay gian hàng gới thiệu hàng hóa gì đó tại một khách sạn và mời cả lớp viết văn Nguyễn Du (khoá IV) xuôi Hải Phòng. Cùng dự có một số nhà văn, nhà báo thành phố cảng, trong đó có Đồng Đức Bốn đến khí muộn. Tôi nhận ra ngay Đồng Đức Bốn, còn người thơ lục bát chắc chỉ láng máng. Trong bữa tiệc trưa đông người, Đồng Đức Bốn ghé hỏi tôi:- Hình như mình có ngồi với nhau ở đâu rồi ấy nhỉ? Tôi cười nhắc lại, Đồng Đức Bốn cụng li phân bua: - Mấy năm rồi, tớ...quên!

 Từ đó tôi không có dịp gặp lại. Đâu năm 2003 hay 2004 (?) có một cuộc hội thảo thơ Đồng Đức Bốn hoành tráng ở Hải Phòng, tôi có giấy mời nhưng rồi vì vướng bận công việc ở tờ báo mà không thể đi dự. Đầu tháng 2-2006, do mắc căn bệnh hiểm nghèo nhà thơ rời cõi tạm chỉ ít ngày sau khi xuất bản tập “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”...

 Vậy là sau 14 năm tôi mới tầm và mua được “Chim mỏ vàng...”. Cũng khá là kỳ công...

 

II.

Sau khi nảy ý định tầm mua bằng được "Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc" tôi chát qua Messenger với một người quen - Cô giáo Phan Bích:

- Em ở Hải Phòng có biết nhà thơ Đồng Đức Bốn không? Anh cần tìm mua tập...

- Em có nghe nói chứ không quen biết nhà thơ. Nhà em có tập "Trở về với mẹ ta thôi" của tác giả, nhưng không có Chim mỏ vàng mỏ đỏ...như anh nói!

Bích Phan nhận lời và hứa nay mai sẽ đi các hiệu sách ở Hải Phòng hỏi.

Mấy hôm sau cô giáo nhắn lại: - Em đã lùng hết mấy hiệu sách thành phố rồi, không nơi nào có...

- Đúng là khó, sách ra đã mười mấy năm rồi - Tôi gợi mở - Em có thể tầm thêm ở một số nhà mua bán sách cũ, may ra có chăng?

 Bẵng đi đến cả tuần, một tối Bích Phan nhắn tin, lần này câu chữ phấn chấn hẳn: - Anh ơi, cô học trò của em giờ làm chủ một quán cà phê sách tìm được chỗ có sách rồi. Số điện thoại đây....em cũng vừa gọi kiểm tra và được xác nhận. Giờ anh điện thoại thỏa thuận giá, hỏi địa chỉ cụ thể mai mốt em sẽ đến ứng tiền và nhận sách gửi cho anh!

 Mừng quá, tôi gọi đến số điện thoại mà cô giáo đưa. Môt người "a lô", giọng khan khàn hơi lạ làm tôi không biết là nam hay nữ, trẻ hay già nên nói chung chung:

- Tôi được một người giới thiệu nhà mình có tập sách "Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc", tôi cần mua…

- Vâng, có anh ạ...cũng chỉ còn 3 - 4 cuốn thôi!

 Hóa ra đó là chị Ngoan vợ nhà thơ Đồng Đức Bốn. Tôi nói từng có đôi lần gặp cùng uống rượu, bia với nhà thơ rồi không quên nói mấy lời chia sẻ muộn với chị Ngoan về những mất mát về người chồng đã đi xa. Chị Ngoan kể, giọng chùng xuống: - Sách in 500 cuốn, anh Bốn đem biếu tặng bạn bè, các cơ quan đoàn thể còn lại 200 cuốn. Trước khi mất anh gọi tôi và các con đến dặn, bố có nhà có ô tô để lại, ngoài ra còn từng đây cuốn sách…Sau khi bố mất mẹ con đem gửi bán đi hoặc cứ giữ lại, thể nào rồi cũng có người cần...

 Tôi nói muốn mua một cuốn, chị Ngoan nhỏ nhẹ, vương chút ngại ngùng:

- Nhưng không phải theo giá bìa đâu, mà là...anh giúp đỡ tôi.

 Tôi không biết gia cảnh hiện tại của chị Ngoan, nhưng khi nghe chị nói “anh giúp đỡ” tôi liền ngắt lời:

- Không sao đâu chị, tôi sẽ nói người đến nhà lấy sách nhé!

Ai lại nỡ nghĩ là đắt rẻ để rồi mặc cả trả giá một cuốn sách với người đàn bà góa của môt nhà thơ nổi tiếng? Chị Ngoan cho biết nhà ở Quán Toan và thường chỉ có nhà trọn thứ bảy đến 5 giờ chiều ngày chủ nhật. Từ tối chủ nhật đến hết chiều thứ sáu chị đi trông trẻ ở Phòng (thành phố Hải Phòng) và ở luôn trên đó. Hôm đó là tối thứ bảy. Tôi dặn chị Ngoan, chiều tối mai chị xách theo lên Phòng tập sách, sang tuần sẽ có người đến chỗ chị làm để gửi tiền và nhận sách...

 Tôi kể lại toàn bộ câu chuyện với người mà tôi nhờ tìm mua sách. Vậy là cũng đỡ để cô giáo Bích Phan khỏi phải đi ngược lên Quán Toan, cách thành phố Hải Phòng những 12 cây số chứ đâu có gần.

 Ngay ngày đầu tuần, cô giáo Bích Phan nhiệt tình và tốt bụng đã tìm đến chỗ chị Ngoan làm. Lấy sách về, cô giáo chụp hình tập sách và gửi qua Messenger cho tôi. Rồi nhắn: - Nếu anh cần ngay và luôn thì sẽ chuyển phát nhanh còn không thì cuối tuần em có việc đi ngang qua Hà Nội sẽ cho “Chim mỏ vàng…” bay theo lên đó…

 

III.

Sáng cuối tuần, như hẹn tôi đạp xe đến đầu đường mang tên nhà văn Nguyễn Đình Thi ven Hồ Tây. Cô giáo Bích Phan đã đứng chờ ở đó và dúi vào tay tôi túi nilon bên trong có “Chim mỏ vàng…” khi tôi vừa chờ xe tới:

- Em phải đi luôn lên xứ Đoài, nhà bao việc với lại ở đây không đỗ xe lâu được.

Nhận vội số tiền mua sách tôi đưa, Bích Phan tất tả lên ô tô rồi tự lái đi.

 Ngoắc caí túi nilon có tập sách vào ghi đông tôi đạp xe chếch sang bên kia đường. Túi thơ nặng làm tay lái của tôi có lúc như lạng sang một bên. Đến quán cà phê mà mỗi khi đạp xe vòng Hồ Tây tôi hay ngồi nghỉ, quán có view nhìn ra hồ rất đẹp. Tôi gọi một li nâu nóng rồi đặt tập sách lên cái bàn trước mặt. Ngắm bìa tập sách có con chim mỏ vàng đang chấp chới bay rồi tôi giở lướt qua các trang in: 1.110 trang, tất thảy là giấy Cuoche dầy, bìa cứng.

 Vừa nhâm nhi cà phê tôi vừa chậm rãi xem kỹ lại từ những trang đầu sách. Ngoài trang in ảnh chân dung tác giả, ba trang tiếp là cảm nghĩ về thơ Đồng Đức Bốn của ba nhà thơ gạo cội: Phạm Tiến Duật, Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm. Có thể nói đây là những lời mở sách không thể đầy đủ hơn về tác giả cũng như “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”.

 Nhà thơ Phạm Tiến Duật viết: “Cái tên người làm thơ thì củ mỉ cù mì thật thà một niềm sắp đặt mà thơ thì lãng đãng phiêu du…Chỉ có điều này là rõ rệt: đó là một cây bút tài hoa, một cá tính mạnh mẽ. Cần ném thì ném, cần giữ thì giữ. Đau đáu theo đuổi cái đẹp và bên những câu chữ rạn vỡ vẫn ẩn chứa một dòng nhạc dân gian”. Nhà thơ Tố Hữu thì ngắn gọn với một thủ bút: “Đồng Đức Bốn - Một tiếng đờn đồng điệu, ngọt ngào và chua xót”. Còn nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thì có hẳn bài “Bạn thơ” tặng Đồng Đức Bốn:

Bạn chừ đóng gạch nơi nao/Văn chương lấm láp, vêu vao mặt người./Bất ngờ bạn đến thăm tôi/Gửi cho mấy tập, ôi trời, là thơ./Câu dài câu ngắn ngẩn ngơ/Những rơm với lửa, những tơ với tình./Một người hoang dại một mình/Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân./Lòng yêu, yêu đến trong ngần/Đường xa thương vết chân trần bạn tôi./Mong sao bạn bớt bùi ngùi/Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau.

 Cứ như Nguyễn Khoa Điềm viết: “Bạn chừ đóng gạch nơi nao/Văn chương lấm láp…” thì nhiều người lầm nghĩ Đồng Đức Bốn từng làm công nhân đóng gạch, ngói?. Không phải. Theo bài viết của nhà thơ Phạm Tiến Duật ở phần Dư luận của tập sách này: Chữ “Gạch” chỉ là tượng trưng thôi, chứ Bốn chưa từng là thợ xây, thợ thổ hay thợ ngõa…Gạch ấy không làm bằng đất thó mà bằng văn chương, chữ nghĩa…

  Đồng Đức Bốn làm gì ở ngoài đời? Sinh năm 1948, Đồng Đức Bốn có quá trình công tác: 1975 - 1985 làm thợ gò ô tô, Xí nghiệp ô tô 20 -7; 1985 - 1987 làm ở phòng kế hoạch, Xí nghiệp ô tô 20 -7; 1987 - 1994 làm việc tại Công ty Xuất nhập khẩu súc sản gia cầm rồi làm Giám đốc Chi nhánh Văn hóa doanh nhân Việt Nam tại Hải Phòng (Tập Nhà văn Việt Nam hiện đại - Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2010).

 Công việc như vậy, nhưng Đồng Đức Bốn làm được nhiều thơ, mà là thơ hay để đến một người như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng phải thốt lên câu cảm thán “…Ôi trời, là thơ” thì liệu có mấy ai?

Sang phần nội dung chính của “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”, Đồng Đức Bốn mở đầu bằng một bài tuyên ngôn thơ cho riêng mình:

Đã mang cây bút của trời

Thơ viết phải để cho người yêu nhau

Bây giờ không thấy Thị Mầu

Nhưng con mắt ấy còn lâu mới già.

Bao nhiêu là thứ bùa mê

Cũng không bằng được nhà quê của mình

Câu thơ nấp ở sân đình

Nhuộm trăng trăng sáng nhuộm tình tình đau.

Thế là trời đổ mưa ngâu

Cơn mưa mãi đẩu mãi đâu mưa về

Từ trong méo nắn lệch kê

Tôi ngồi thương nhớ đồng quê một mình.

(xin lưu ý mấy từ “...thương nhớ đồng quê…” của bài thơ này).

 Cứ xuyên suốt một mạch thi ca như thế, “…ôi trời, là thơ” của Đồng Đức Bổn tuôn chảy cho đến trang in thứ 529 (non nửa số trang của tập sách). Số trang in còn lại là phần Dư luận với gồm 42 bài lý luận phê bình, phân tích thơ và 36 nhạc phẩm phổ thơ của Đồng Đức Bốn. Vụng nghĩ, để thu hút được ngần ấy các bạn văn, bạn thơ, nhà lý luận phê bình tên tuổi để mắt đến, rồi nữa từng ấy nhạc sĩ lấy thơ làm lời cho một ấn phẩm nhạc hoàn chỉnh với một tác giả thơ ở trong nước trước nay chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay (?).

Nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp có những bốn bài viết ở phần Dư luận của tập sách. Trong đó, ba bài nói về thơ, rằng: “Đồng Đức Bốn vị cứu tinh của thơ lục bát” và một truyện ngắn (Đưa sáo sang sông) mà Đồng Đức Bốn chính là nguyên mẫu nhân vật chính. Giới văn bút Hải Phòng và Hà Nội đồn rằng, sinh thời Đồng Đức Bốn giao du với Nguyễn Huy Thiệp còn trên cả mức thân tình. Như thế nào không biết, chỉ biết ngoài những bài viết như vừa điểm, Nguyễn Huy Thiệp còn có một truyện ngắn nổi tiếng được chuyển thể thành phim và cũng có tiếng vang vào giữa những năm 90 thế kỷ trước: “Thương nhớ đồng quê”. Khi đọc truyện và xem phim tôi cứ ngờ ngợ là Nguyễn Huy Thiệp cũng lấy chính bối cảnh vùng quê của Đồng Đức Bốn làm nền(?). Thì đây, đoạn mở đầu của truyện ngắn: “ Tôi là Nhâm. Tôi sinh ra ở quê, lớn lên ở làng quê. Đi trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên cánh đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Đông Sơn, trông thì gần nhưng từ làng tôi lên đấy phải năm mươi cây số. Làng tôi gần biển, mùa hè vẫn có gió biển thồi về”.

  Ở trên tôi có lưu ý mấy từ trong câu kết của bài tuyên ngôn thơ của Đồng Đức Bốn: “…thương nhớ đồng quê…”. Có thể có người muốn biết: “…Thương nhớ đồng quê” thơ có trước hay “Thương nhớ đồng quê” truyện ngắn có trước? Không quan trọng, một nhà văn, một nhà thơ chơi gan ruột, hết mình với nhau thì họ bổ sung cho nhau cảm xúc, ý tứ…âu cũng là chuyện thường!

VĨ THANH

Nhắc lại, “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”: 1.110 trang in, tất thảy là giấy Cuoche dầy, bìa cứng. Tôi đã lại tỉ mẩn làm thêm cái việc cụ thể, chi tiết nữa là đặt “Chim mỏ vàng…” lên bàn cân xem nó nặng bao nhiêu để mọi người hình dung đầy đủ về một tập sách: Gần 4,5 ki-lô-gam!

  Quả là nó dầy và nặng so với một tập thơ hay lý luận phê bình. Người ta không thể tay cầm “Chim mỏ vàng…” đọc mà phải đặt lên bàn hoặc kê lên đầu gối để lật giở từng trang. Nghe nói, trước khi đưa tập bản thảo đi nhà xuất bản cũng đã có người can: - Nghiến rằng lược bớt đi, nhất là phần Dư luận chỉ nên giữ lại một số bài lý luận phê bình và đôi ba nhạc phẩm tiêu biểu... để khổ chủ đỡ tốn kém! Đồng Đức Bốn quả quyết: - Không! Biết để ai, bỏ ai...bạn bè đã yêu quý mình, tốn kém cũng được - Đúng là khí chất của người Hải Phòng. Thì nhà văn Lê Lựu - Giám đốc Trung tâm văn hóa doanh nhân Việt Nam, cấp trên một thời của Đồng Đức Bốn đã chẳng viết: “Nhà thơ Đồng Đức Bốn một tài năng ngang tàng” đó sao!

 Đó là định tính định lượng của tập sách, còn nếu có ai hỏi về giá trị thơ lục bát của Đồng Đức Bốn dầy và nặng bao nhiêu thì không thể đem cân đong, đo đếm. Thực ra thì bút danh Đồng Đức Bốn đã định hình trên văn đàn nước Việt từ sau hai lần ông nhận Giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1995 và 2000, rồi Giải thưởng cuộc thi thơ và tặng thưởng thơ hay nhất của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998-2000. Như thế, việc xuất bản “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc” của Đồng Đức Bốn chỉ là một sự tập hợp, nhắc lại. Để rồi 14, 15 năm sau vẫn còn có nhiều người tầm mua “ Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”.

Tôi chỉ là một ví dụ. Mới sáng hôm rồi đây, sau khi đọc Facebook của tôi, nhà thơ Trần Đăng Thao - Nguyên Tổng biên tập Báo Giáo dục và Thời đại đã nhắn tin xin bằng được số điện thoại của chị Ngoan. Chỉ ngay sau đó, anh Trần Đăng Thao đã điện thoại, hồ hởi khoe: Đã liên hệ được và ngày mai sẽ nhờ một thằng cháu đến gặp vợ nhà thơ để rồi “Chim mỏ vàng…” sẽ lại “bay” lên Hà Nội trong vài ngày tới. Một người nữa, họa sĩ Lê Trọng Lân ở Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng nhắn tin nhờ tôi bằng cách nào đó mua giúp “Chim mỏ vàng…”, bao nhiêu tiền họa sĩ sẽ trả…

 Nhiều năm nữa, người ta sẽ còn nhắc đến tài thơ lục bát của nhà thơ Đồng Đức Bốn:

 Bao nhiêu là thứ bùa mê

Cũng không bằng được nhà quê của mình.

 

Hà Nội, tháng cuối năm 2020.

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)