bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 181
Trong tuần: 795
Lượt truy cập: 625784

NHÀ THƠ CHỬ THU HẰNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN
1. Thưa nhà thơ Chử Thu Hằng, được biết bà là Chủ tịch Hội người yêu thơ Việt. Bà có thể chia sẻ với bạn đọc tạp chí Nhân văn (Humanity) về lý do Hội này được thành lập, có bao nhiêu hội viên, và công việc Chủ tịch của bà?

CTH: Mấy thập kỷ gần đây, cùng với sự bùng nổ của Internet, hàng chục triệu người Việt Nam đã biết sử dụng công nghệ thông tin để chia sẻ, gửi gắm các sáng tác của mình. Trong đó, có nhiều tác phẩm mang giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao, làm lay động trái tim người đọc. Hàng trăm Câu lạc bộ đã ra đời, tập hợp những người cùng sở thích để chia sẻ đam mê văn chương của mình.
Nhận thấy nhiều CLB, nhiều trang thơ hoạt động đơn lẻ trên mạng, chúng tôi nảy ra ý tưởng thành lập Hội Người Yêu Thơ Việt để qui tụ các CLB thơ, liên kết hoạt động, hướng tới xây dựng một sân chơi thơ lành mạnh, mang tính nhân văn. Sau 5 năm thành lập và phát triển, hiện nay Hội Người Yêu Thơ Việt có 50 CLB thơ với khoảng 5000 hội viên, tận dụng các mạng xã hội như facebook, zalo để hoạt động cả trong và ngoài nước.
Hội Người Yêu Thơ Việt là một tổ chức xã hội tự nguyện, hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Tôi được bầu làm Chủ tịch Hội, cùng với Ban Lãnh đạo Hội là đại diện của các vùng miền. Chúng tôi kết nối các Câu lạc bộ, tổ chức các cuộc giao lưu, các hoạt động văn học nghệ thuật cho hội viên thông qua Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ. Không chỉ biết nhau trên mạng xã hội, chúng tôi còn gặp nhau khá thường xuyên trong các sự kiện được tổ chức luân phiên ở nhiều tỉnh, thành phố. Đa số các vị trong Ban Chủ nhiệm đều là những người có uy tín, được cộng đồng tin yêu, quí mến.

2. Bà thấy được ý nghĩa nào khi đảm nhiệm cương vị đó? Đó có là thách thức hay không? Và điều tuyệt vời nhất mà Hội đạt được cho đến nay là gì?

CTH: 15 năm hoạt động trên mạng xã hội, chưa bao giờ tôi muốn đảm nhiệm bất kỳ cương vị lãnh đạo nào. Như tất cả những người sáng tác, tôi chỉ muốn được yên ổn trong góc nhỏ của mình với văn chương. Tuy nhiên, vì lí do này khác, tôi cũng từng là biên tập viên cho vài trang web văn chương, là đại diện cho trang web có hàng trăm nghìn thành viên, rồi thành lập công ty xuất bản sách, chủ biên bộ sách chuyên đề văn chương và nghệ thuật… Tất cả những việc đó tôi đều làm không có thù lao, chỉ với mong muốn giúp được những người cần đến mình, dù chỉ là chút ít.
Khi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội, với kinh nghiệm của mình, tôi biết, đây là công việc hết sức nặng nề. Mạng xã hội vô cùng rộng lớn. Các mối quan hệ vừa ảo vừa lỏng lẻo, không có quyền lợi kinh tế hay chính trị nào để gắn kết. Hoạt động của Hội trước đến nay chưa có tiền lệ, gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động. Hội viên đa số nhiều tuổi, trình độ văn hóa không đồng đều, địa chỉ lại rải rác khắp nơi… Đặc điểm này rất khó cho việc tập hợp lực lượng để có tiếng nói chung vì mục đích, tôn chỉ của Hội. Thật vui vì sau 5 năm, với biết bao tâm huyết, nhiệt tình của Ban Lãnh đạo, với sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất của các bạn thơ, Hội Người Yêu Thơ Việt đã trở thành sân chơi có tổ chức, đầy tính nhân văn, được chính quyền ủng hộ. Nhiều hội viên của Hội đã xuất bản tác phẩm riêng có chất lượng, được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật.

3. Đã có hơn 170 thành viên của Hội người yêu thơ Việt tham gia dự án Siêu thơ (HYPER POEM). Bà có thể thay mặt họ nói lên cảm xúc cũng như kỳ vọng của bà về việc tham gia dự án này.
CTH: Khi thông báo về Dự án Siêu thơ được đưa ra, không chỉ Hội viên của Hội Người Yêu Thơ Việt hào hứng mà còn có rất nhiều nhà thơ chuyên nghiệp quan tâm, tìm hiểu thông tin. Việc tham gia các tuyển tập thơ của từng nhóm, từng địa phương hay tuyển tập thơ trong phạm vi cả nước chúng tôi đã làm nhiều lần. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên có một Dự án tập hợp tác giả toàn thế giới, với chủ đề cũng mang tính toàn cầu nên được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh. Các bài thơ tham gia Dự án được yêu cầu đăng nhiều lần trên facebook, thu hút lượng truy cập lớn. Ai cũng cảm thấy vinh dự vì được góp một tiếng thơ vào dòng chảy thơ đương đại trên thế giới. Nhiều người đã nhắn tin hỏi về tiến độ của Dự án và bày tỏ mong muốn khi hoàn thành Dự án, Ban Tổ chức sẽ in và bán tập thơ để họ mua làm kỷ niệm.

4. Bà có mong muốn gì trong việc kết nối với bạn thơ quốc tế qua dự án Siêu thơ?

CTH: Tôi thiết nghĩ, đã là người làm thơ và yêu thơ, dù ở quốc gia nào, cũng là những người yêu cái đẹp, có tấm lòng nhân hậu. Dự án Siêu thơ giúp chia sẻ các vấn đề chúng ta cùng quan tâm: nạn đói, nạn di cư, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, ca ngợi cuộc sống, chống chiến tranh, gìn giữ hòa bình cho trái đất… Bằng bài thơ của mình, chúng ta đã góp tiếng nói cùng bạn thơ quốc tế phấn đấu cho đời sống vật chất có chất lượng hơn, đời sống tâm hồn phong phú hơn. Dự án đã nối vòng tay lớn cho người yêu thơ và làm thơ trên toàn thế giới. Qua đây, mỗi người sẽ tự điều chỉnh mình để hướng thiện, sống có ích cho cộng đồng.

5. Với cảm quan của riêng bà, thì bà có thể giải thích vì sao người Việt Nam yêu thơ, và viết thơ nhiều đến vậy? Phải chăng thơ là phẩm giá của tâm hồn người Việt?

CTH: Việt Nam là đất nước của thơ ca. Người dân Việt sinh ra trong nền văn minh lúa nước, lớn lên cùng lời ru mộc mạc mà chứa đựng bao triết lí nhân sinh của cha mẹ, ông bà. Những làn điệu dân ca, những truyện thơ, kho tàng ca dao tục ngữ… là những sáng tạo văn chương- nghệ thuật độc đáo vô tận của nhân dân, là di sản văn hóa của ông cha truyền lại, nuôi dưỡng tình yêu thơ ca của các thế hệ người Việt.
Sự bùng nổ của thơ mấy thập kỷ gần đây bắt nguồn từ sự phát triển của mạng xã hội. Sức lan tỏa nhanh chóng, rộng khắp của mạng xã hội thời đại 4.0 khiến thơ có nhiều độc giả hơn. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, sự tán thưởng của một cộng đồng hiểu thơ, yêu thơ chính là chất xúc tác để người làm thơ càng thăng hoa cảm xúc, tự tin viết và công bố tác phẩm của mình.
Thơ là phương tiện hữu hiệu kết nối tâm hồn người Việt. Ngôn ngữ thơ và những sáng tạo hình tượng nghệ thuật của thơ là cách tế nhị nhất để chia sẻ những góc khuất của tâm hồn, bày tỏ tư tưởng, tình cảm của tác giả. Ai cũng có nhu cầu được nói lên chính kiến của mình, vì vậy, họ làm thơ để giải tỏa tâm trạng của chính mình; để trình bày những cảm quan của mình với thế giới và chia sẻ cùng mọi người.
6. Bà có kỷ niệm gì về nước Nga, và nhà thơ Nga nào khiến bà kính trọng nhất?

CTH: Quãng thời gian 10 năm học phổ thông của tôi (1964 – 1974) là 10 năm chiến tranh bởi không quân Mỹ trên toàn miền Bắc. Tôi phải sống xa gia đình, sơ tán từ vùng này sang vùng khác nên rất ít bạn và chỉ có niềm vui duy nhất là đọc sách. Tôi đọc tất cả những gì rơi vào tay tôi, trong tầm mắt của tôi. Từ sách thiếu nhi đến các bộ tiểu thuyết của Trung Quốc, các tác phẩm văn học Nga. “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Truyện cổ nước Nga”… tôi đã đọc từ khi vừa biết chữ. Ngày đó, nhờ sự viện trợ vô tư của nước Nga Xô viết, sách Nga được dịch và in tại Việt Nam rất nhiều với chất lượng hoàn hảo. Có thể nói, tôi đã đọc hầu hết các sách văn học Nga dịch trong thời kỳ này. Qua các tác phẩm văn học, tôi cảm thấy rất gần gũi, thân thuộc và vô cùng khâm phục, yêu mến đất nước Nga, con người Nga… Có thể nói, tâm hồn của thế hệ chúng tôi đã được nuôi dưỡng bởi tình yêu và lòng biết ơn với nước Nga Xô viết. Những bài thơ yêu thích, trong đó có nhiều bài của các nhà thơ Nga được chúng tôi học thuộc lòng, được chép tặng nhau thay lời muốn nói. Hồi đó nhà chật, nhưng tôi hay đọc thơ ngẫu hứng, “bắt” cả nhà phải nghe những bài thơ đang ám ảnh tâm trí tôi, đòi thoát ra ngoài. “Hậu quả” là các em tôi cũng rất yêu thơ, ham mê đọc sách và học giỏi môn văn.
Tôi yêu thơ Olga Berggoltz. Tôi đồng cảm sâu sắc với những bài thơ tình đắm say, đầy nữ tính của bà.

7. Bà đã từng học tập tại Tiệp khắc cũ. Vậy hiện nay bà còn mối liên hệ nào với xứ sở pha lê, và đặc biệt là bà có kết nối được với nhà thơ nào của Cộng hòa Czech ngày nay?

CTH: Tôi sống ở Praha trong ba năm, từ 1981 đến 1984, học chương trình đào tạo y tá trưởng bệnh viện theo hiệp định ký kết giữa Việt Nam và Tiệp Khắc cũ. Đó là những năm Việt Nam vừa ra khỏi cuộc chiến tranh, đời sống kinh tế cực kỳ khó khăn. Vì vậy, ngoài thời gian đi học và thực tập ở bệnh viện, chúng tôi còn tranh thủ đi làm ngoài giờ để kiếm thêm chút tiền gửi về giúp gia đình. Khi đó tôi mới 24 tuổi, gầy xanh như chiếc lá, đầy mặc cảm và rụt rè trong giao tiếp. Hơn nữa, thời gian rất eo hẹp nên hầu như chúng tôi không có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông và các nhà thơ của Tiệp Khắc cũ. Nhưng tôi luôn biết ơn sự tử tế, tấm lòng yêu thương của các thầy cô giáo và đồng nghiệp. Về nước rồi, tôi vẫn nhớ Praha vô cùng và thường mơ thấy Praha, mơ nói bằng tiếng Tiệp. Năm 2020, trong chuyến đi Châu Âu, tôi đã trở về thăm lại Praha cùng chồng tôi, kỷ niệm 38 năm chúng tôi gặp nhau ở quảng trường Václav.

8. Thơ có ý nghĩa thế nào với cuộc đời bà, có tạo nên thay đổi lớn lao nào trong đời sống tinh thần của bà?

CTH: Sách và Thơ, đó là hành trang quí giá nhất tôi đem theo suốt cuộc đời. Dù làm nhiều nghề để mưu sinh, tình yêu của tôi dành cho văn chương nói chung và thơ nói riêng vẫn không bao giờ thay đổi. Văn chương là ốc đảo cho tôi trú ngụ, là nơi tôi gửi gắm những buồn vui của mình.
12 tuổi, tôi viết những bài thơ đầu tiên. Vài bài được đăng báo càng làm tình yêu thơ trong tôi cháy bỏng và nhen nhóm mơ ước trở thành một nhà thơ. Tôi tự đánh giá mình là một phụ nữ không thành công. Vì vậy, thơ tôi thường viết về nỗi buồn, sự cô đơn và những khát khao hạnh phúc. Tôi tâm niệm hạnh phúc không chỉ là cơm ăn, áo mặc mà còn là một đời sống tinh thần phong phú, một cuộc sống thăng hoa, có ích, mang lại niềm vui cho mọi người.
Tôi khó kết bạn và thường cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Nỗi cô đơn của một- hạt- bụi- người trong vũ trụ. Những khi ấy, chỉ còn thơ là tri âm để tôi trút tâm tư. May mà có thơ tôi mới vượt qua được những giai đoạn khó khăn của cuộc đời, mới giữ được thăng bằng cho mình bước tiếp. Đến bây giờ, có thể nói, nhờ thơ, tôi đã có được sự bình yên trong tâm hồn.
9. Bà có thể chia sẻ với bạn đọc của Humanity một vài bài thơ do bà sáng tác, mà đến nay, bà thấy tự hào nhất?
 C.T.H.

RỖNG
Ngày rỗng
Vẩn vơ đi vào đi ra
Thèm lắm một người chia sẻ
Ai?
Danh bạ cả ngàn cái tên
Mở ra - Đóng lại.
Không ai!
Đêm rỗng
Lật qua lật lại
Vụt đến rồi trượt đi
Không thể nắm bắt
Không cả tiếng thở dài.
Lòng rỗng
Lấp gì đầy trống vắng?
Chẳng viết nổi câu ru mình
Khóc cười đều không thể
Lặng đau
Và…
Lặng thinh.

CÕI RIÊNG
nửa kiếp nhân sinh
vẫn hoài mơ... Ai người tri kỷ?
ngọt bùi chua cay đủ vị
vẫn ngơ ngác
dại khờ
như chưa một lần yêu...
vầy vò nỗi cô đơn
khi cười
khi khóc
khi úp mặt vào đêm
trằn trọc.
nhặt vui hờ che sóng cồn biển động
nửa kiếp nhân sinh
thăm thẳm cõi riêng mình…

CÓ KHÔNG, TRI KỶ TRI ÂM?
Tìm đâu tri kỷ tri âm
Nhân gian - cõi tục - bụi lầm… Em ơi!
Sỏi nhiều mà ngọc hiếm hoi
Ta cần ai? Biết ai người cần ta?
Ngoài tươi trong héo… Xót xa
May chăng, chỉ phận đàn bà hiểu nhau.
Ngàn xưa cho tới muôn sau
Xuân Hương, Thị Kính còn đau thấu trời
Này em, thương lấy mình thôi
Mượn son phấn, giấu khóc cười đi em
Mượn thơ mà trút nỗi niềm
Mượn đêm mà nén tình riêng phập phồng…
Tri âm tri kỷ đừng mong
Độc hành Trăng giữa mênh mông Thiên hà.
10. Xin chia sẻ vắn tắt tiểu sử văn học của bà, kèm bức ảnh ưng ý nhất của bà để chúng tôi in lên tạp chí.

Chử Thu Hằng là một người bình thường, sinh ra và sống suốt đời ở khu phố cổ Hà Nội nên thường viết về Hà Nội xưa và nay. Đã xuất bản 7 tập thơ và văn xuôi. Hiện là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội Người Yêu Thơ Việt.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
+2
 
 
Bạn, Nguyễn Xuân Lai, Chử Thu Hằng và 99 người khác
 

 

 
 

 
 
 

 
 

 

127 bình luận

 
 


 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
13-12-2022 19:32:54 VŨ NHO 085 589 0003

CHÚC MỪNG NHÀ THƠ CHỬ THU HẰNG VỚI BÀI TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CHÂN THÀNH VÀ ẤN TƯỢNG!

Trả lời

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)