bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÀI VIẾT CỦA PGS.TS. LA KHẮC HÒA ( LÃ NGUYÊN)!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BS ĐINH HỮU DUNG!NƯỚC VỐI ĐẶC SẢN VÙNG ĐỒNG CHIÊM GIA VIỄN RẤT SẴN!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 10
Trong ngày: 99
Trong tuần: 809
Lượt truy cập: 626120

NHỮNG HUYỀN THOẠI TAM CỐC

NHỮNG HUYỀN THOẠI TAM CỐC

Đỗ Trung Lai

Ta đều biết, Tam Cốc - Bích Động là một danh thắng quốc gia, nằm ở Hoa Lư, Ninh Bình, nơi phát tích của nhà Đinh (968 - 980), cùng thời hai vua đầu-Thái Tổ, Thái Tông- của nhà Tống bên Trung Hoa (960 - 998).

Hiện Tam Cốc - Bích Động thuộc địa phận xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Nhưng Tam Cốc thì nằm hẳn trên đất thôn Văn Lâm, còn Bích Động là của thôn Liên Trung. Hai nơi ấy cách nhau vài cây số.

Ông Vũ Bằng, một “nhà thơ trong văn xuôi” Hà Nội có viết: “Non thiếu nước, trăng thiếu hoa, gái thiếu trai, nhất định không có cách gì tạo nên được một bài thơ ý vị”. Thế mà Tam Cốc - Bích Động, giống như chùa Hương - Suối Yến, như Phong Nha - Sông Son, đều có đủ cả non, nước, hoa và trăng (vốn là của chung, nhưng cũng có khi là của riêng -“Năm châu cũng một ông mà - Nghĩ ra thì lại mỗi nhà một ông” - thơ Tú Xương). Đã thế, ở ba vùng này, trai thì hào kiệt, gái vốn thuyền quyên nên ở đó, dứt khoát là có nhiều “bài thơ ý vị”.

Tôi sẽ không kể về những gì mà sách du lịch đã viết, tôi chỉ kể về những huyền thoại dân gian Tam Cốc, do tôi nhặt nhạnh được từ phía sau vẻ đẹp nước non vùng này. Cũng giống như người nhặt “ngọc vụn”, tôi thích vuốt ve, nhìn ngắm những vụn ngọc mà mình thâu lượm được trong những ngày đắm đuối ở đây.

Bây giờ, tôi mời các bạn cùng xem!

  1. CHUYỆN HỔ Ở TAM CỐC

Ở chân một ngọn núi trong Tam Cốc (Ba Động/Ba Hang), có một cái “hang” (nói theo kiểu chúng ta), cũng tức là có một cái “hốc” (nói theo kiểu người Văn Lâm bản địa), gọi là “Hang Hùm” (hay là “Hốc Hùm”).

Cách đây hơn 50 năm, đột nhiên có một chúa sơn lâm lừng lững về hang, “Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng - Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc” (thơ Thế Lữ). To quá, người ta gọi nó là Hùm chúa.Dân làng đem gỗ và tre cứng tới cửa hang, dựng nên một chiếc bẫy bắt hùm. Nhưng làm cách gì, Hùm chúa cũng không lộ diện! Họ bèn hè nhau chất rơm, rạ và củi đầy cửa hang rồi nổi lửa, định bụng hun cho chúa rừng mắc ngạt mà ra. Lửa tắt, khói tan mà vẫn chẳng thấy hùm đâu! Làng treo thưởng cho ai dám vào hang thám thính. Cuối cùng, có một gã trai lực lưỡng, can đảm nhất làng, nhận lời. Đi mấy chục thước, bằng ánh sáng của một cây đuốc lớn, gã trai thấy chúa rừng nằm phủ phục, oai phong trên nền đá cuối hang. May cho gã, Hùm chúa đã “thăng”! Dân làng theo gã trai, đốt đuốc cùng vào, đo từ đầu mũi đến chót đuôi, chúa rừng dài gần 5 thước! Nhìn kỹ, chiếc hang trông như họng một con rồng trong phim kinh dị Mỹ, khói cũng không sao lùa vào tới cuối hang. Họ chợt tỉnh ra và hiểu rằng, không phải họ đã hun chết chúa rừng mà chính là chúa rừng đã tìm về để “tự táng” trong họng rồng!

Họ lặng lẽ xếp đá thành mộ chúa rừng rồi thường xuyên hương khói. Họ nhớ lại rằng, cha ông họ, xưa kia đã từng đi thuyền qua Tam Cốc, rồi dựng nên cả một ngôi đền, gọi là đền Nội Lâm (đền Rừng Trong), đề thờ chúa sơn lâm và phối thờ “Bà Bói”. “Bà Bói” thì không ai rõ tung tích, có lẽ là người đàn bà đã chế ra câu sấm “Hổ chết lưu huyết” và trỏ chỗ cho làng xây đền (còn chính chúa sơn lâm kia thì vừa hạ sơn và “tự táng” trước mắt họ). Họ cũng nhớ ra rằng, xưa nay, chỉ có người làng khác đến rừng Văn Lâm mới bị hổ vồ, chứ hổ chưa từng vồ một người dân Văn Lâm nào. Và vì thế, hổ chính là linh vật, là vật khước, là thần hộ mệnh của làng Văn Lâm. Chắc rằng xưa kia, cha ông họ đã chứng kiến nhiều điều kỳ lạ, huyền hoặc về chúa sơn lâm mà phải dựng đền Nội Lâm. Ngay cả bây giờ chữ “Lâm” trong tên làng cũng phần nào được coi là chỉ giống hùm. “Văn” còn là “nghe” trong chữ Hán. Văn Lâm là “Nghe tiếng rừng”. Tiếng rừng, vô địch là tiếng hổ.Bây giờ, đền Nội Lâm còn đó, “Hốc Hùm” còn đây. Và, vẫn có người, không chỉ nghe tiếng hổ, mà còn gặp hổ. Đó là ông Dư, trưởng thôn.Ít năm trước, tức là năm 2005, ông đi xem bẫy thú, thấy bẫy của mình sập, lông con gà mồi bay tơi tả, cây cỏ quanh bẫy dập nát, nghiêng đổ. Nhìn lên núi, ông thấy một con hổ nửa xám nửa vàng cỡ hàng tạ đang nhìn mình. Ông vội bỏ về. Mấy hôm sau, ông lại đem bẫy xuống đầm lầy, mồi là một con cuốc, rồi đứng ở đằng xa, rình đợi cho hổ xuống đầm, sa lầy mà bắt nó. Nhưng con hổ chỉ đến cách ông 500 thước thì dừng lại. Hai kẻ nhìn nhau một hồi rồi kẻ trở lại rừng, kẻ về nhà. Đã mấy lần, ông Dư định đem gà và kíp mìn đi đặt bẫy nổ, nhưng sợ kiểm lâm, lại thôi. Có người biết chuyện, bảo ông bỏ ý dịnh bắt hổ đi. Kiểm lâm là một nhẽ. Nhẽ khác, lớn hơn, là người Văn Lâm thờ hổ. Ông Dư nghe ra và bỏ bẫy.

Nhưng “Hổ chết lưu huyết” là thế nào? Ấy là, huyết hổ, ngay cả khi hổ đã bị nướng chín, vẫn cứ đỏ ròng ròng, như để khẳng định cái vị thế kỳ lạ, oai linh, vô địch của chúa sơn lâm vậy.

2.CHUYỆN TRĂN, RẮN Ở TAM CỐC

Nhiều người dân ở đây đã từng trông thấy một con hổ mang chúa, thân to như cái phích nước 2 lít, nặng ước 50-60 cân, sống quanh quẩn bên núi Đá Lở, xã Ninh Mỹ, cạnh Tam Cốc. Khi tự vệ hoặc bổ mồi, nó cất đầu lên cao hơn ngọn lúa cả thước! Người ta truyền nhau, gặp hổ chúa thì thợ rắn phải bỏ đồ nghề, bỏ luôn, rồi nhanh chân mà xéo! Ông Hứa, thợ rắn/thợ ba ba ở Ninh Hải, đã từng gặp nó, nhờ bỏ chạy mà sống. Dân xã Ninh Mỹ thấy nó ra bắt vịt đàn, bèn bỏ cả đàn vịt mới thoát thân. Một anh dân quân nghe nói thế, bèn xách súng AK47 ra, thấy nó cất đầu lên thì hồn vía lên mây, bỏ cả súng, mã hồi! Đó là rắn thần, không thể làm gì nó được! Khủng khiếp nhất là lần nó vồ anh Dương, con cụ Thái ở Văn Lâm. Thấy hổ chúa bổ mình, anh cúi đầu chịu chết, may mà anh đội chiếc mũ cối bộ đội cũ, rắn bổ vào mũ chứ không vào mặt. Không hiểu sao anh chạy thoát được? Có lẽ rắn chỉ cần người ta để yên cho nó thôi chứ nó cũng không định giết người. Về nhà, giở chiếc mũ cối khỏi đầu, hai vết răng độc gần xuyên thủng mũ. Xung quanh hai vết răng, rộng cỡ nửa chiếc mũ của anh, vốn là màu xanh lá cây, đã trở nên trắng xóa. Chao ôi, nọc độc mạnh đến nỗi biến nhựa thành vôi! Nếu nó bổ vào mặt, vào đầu thì còn gì là mạng? Từ đó, Dương thôi nghề bắt rắn.

Nghe chuyện rắn, tôi ước, giá có ly rượu rắn thì tốt quá. Anh Hưởng, một tay giang hồ trong vùng, bảo, thiên hạ vốn không biết chọn rắn mà ngâm. Tôi hỏi kỹ, Hưởng bảo, nếu là rắn bắt vào mùa mưa, thì tốt nhất là băm rán, chứ ngâm làm gì. Chỉ có rắn mùa khô, khi nó tích mỡ, tích độc để qua đông, thì mới ngâm rượu được. Nói thế, tức là rắn các tháng Ba, Bốn, Năm, Sáu, Bảy, đều chỉ đáng băm rán nhắm rượu. Rắn bắt vào các tháng Tám, Chín, Mười, Một, Chạp và Giêng, Hai thì mới đáng ngâm. Nọc rắn, bảo là độc thì cực độc; bảo là tốt thì lại rất tốt. Nó chữa được nhiều bệnh. Anh Cừ, thợ rắn ở Ninh Sơn, bóp má cho hổ mang há mồm phun nọc ra mặt kính, rồi thè lưỡi liếm nọc, nuốt chửng, chỉ chiêu qua một ngụm rượu. Cừ bảo, Cừ luôn làm thế và chả tật bệnh gì bao năm nay. Nọc rắn chỉ độc khi nó đi được vào đường huyết người ta, ngoài ra thì không sao. Tôi hỏi, thế nhỡ người ta sứt môi, lưỡi, họng, ruột, dạ dày… mà nuốt vào thì thế nào? Cừ cười, chả bảo gì! Tôi nhìn Cừ, chợt thấy cả người anh ta là một bọng nọc rắn.

Từ chuyện rắn, lại sang chuyện trăn. Anh Thoa ở Văn Lâm, đi câu cùng người em trai tên là Hải. Hai anh em thấy trên mặt nước, có một cái đầu trăn nhô lên, to như quả bưởi, hai mắt thao láo! Thoa và Hải để lưỡi câu chùm trần, ném ra rồi giật, nó chẳng thèm chạy. Biết gặp trăn chúa, hai anh em bỏ về. Sau có ông Dương Át, người ở Khu tập thể Nhà máy Điện Ninh Bình, vào đánh cá đẻ, thấy cây cỏ đung đưa, nghĩ là cá chép cái vật đẻ, ông quăng ngay một mẻ chài. Nhưng có lẽ, ông đã gặp phải con trăn chúa mà anh em Thoa - Hải đã gặp. Nó đội chài chạy tuốt vào núi rồi gỡ chài bỏ lại, đi mất. Nghe chuyện, ông Sít, một thợ bẫy hổ, đi dò, thấy vết trăn, ông đặt một cái bẫy kiềng rồi buộc bẫy vào đầu một đoạn xích sắt lớn, dài. Đầu xích kia hàn chặt vào một chiếc xà beng hơn thước và đóng hết xuống đất. Hai ngày sau, đi thăm bẫy, ông thấy chỉ còn độc cái lỗ xà beng! Trong khoảng bán kính 10 thước quanh lỗ, lớn hơn cả độ dài xích sắt, cây cỏ nát bét. Con trăn đã lồng quanh, nhổ cả cột rồi tha cả bẫy, cả xích sắt, cả xà beng theo vết máu, vào núi! Từ đó, không còn ai thấy bóng trăn chúa đâu nữa…

Ôi Tam Cốc! Sao mà hổ, rắn, trăn xứ này, cái gì cũng to, cũng kỳ lạ đến thế! Cũng phải thôi, đất của vua Đinh, Dương Vân Nga, Lê Hoàn mà lại.

Bây giờ vào đồng rừng kiếm cá, rất nhiều lần mồi câu của cánh thợ câu đã bị rắn ra ăn mất. Và, nếu không cẩn thận, chính họ cũng bị rắn tấn công. Hốc đá, lau sậy, nước, rừng, thức ăn đều sẵn, rắn và trăn Tam Cốc luôn như ở trong xứ thần tiên của chúng.

3. CHUYỆN CÁ Ở TAM CỐC

Thoa và Hải bảo, Hưởng là "vua câu" Tam Cốc. 30 năm nay, "ngoài việc câu cá và nhậu, Hưởng không làm gì khác".Hưởng 55 tuổi.

Vì tôi, Thoa và Hải bảo Hưởng vác cần vào núi, câu cá quý về cho tôi nhậu thử. Hưởng vác cần đi nhưng nói trước: “Cuối tháng Chín ta, trời trong thế này, câu khó lắm, đi cầu may thôi”. Cả một ngày, Hưởng đem về ... một con cá chó."Thế cũng tốt" - Thoa bảo thế và xiên con cá chó duy nhất ấy vào một cành tre, nổi lửa nướng cá. Cá chín, mùi thơm ngày chăn trâu cắt cỏ bay về, đầy cả ngôi nhà sàn Thái dựng ven hồ. Con cá chó chỉ to cỡ chuôi liềm, mọi người nhường tôi khúc giữa với bộ lòng. Gọi là bộ lòng, thực ra nó chỉ bằng hai cái đầu tăm, nhưng nó còn nguyên huyết đỏ tươi như huyết hổ, ngậm vào, ngọt lừ vị quý! Cá chó chỉ khác con cá sộp ở chỗ, diềm vây mang, vây lưng và vây bụng của nó đỏ rực như lửa. Thịt nó rắn, ngọt và thơm nhất, may ra chỉ có cá tràu là địch nổi, không hề có mùi tanh.

“Ngày xưa, cá chó, cá tràu chỉ để dâng cho Đinh Bộ Lĩnh” - Hưởng kể. Hai giống cá này chuyên sống trong đầm quanh núi đá vôi. Tràu lớn nhất cũng chỉ khoảng hai cân, chó thì chỉ một, vài lạng. Các nhà hàng ở đây đặt Hưởng 800 đến 900 ngàn đồng một cân. "Nhưng tội gì mà bán cho họ. Để nhắm với nhau thích hơn nhiều" - Hưởng bảo thế. Đi câu tràu, chó cũng như câu chuối, sộp, cùng một thứ mồi, chỉ nên đi vào mùa nước lớn, lụt thì càng hay. Một ngày mùa mưa, Hưởng có thể câu được một cân chuối, sộp, một tháng bán tới vài ba mươi cân. Nhưng cả vụ câu, chỉ có thể câu được một yến tràu; chó thì còn ít hơn, Hưởng bảo, “Nơi nào bên trên là cây hoặc vách đá có tổ ong là ở dưới dễ có tràu, chó”. Chúng thích ăn ong nhất. Chú ong nào bay thấp là bị ngay. Chúng cũng biết nhảy lên bờ cho kiến bâu rồi nhảy trở xuống nước để đớp kiến nổi lên như chuối, sộp. Chúng cũng thích nhái, cào cào, châu chấu. Các loài cá nhỏ khác cũng là mồi của chúng. "Thịt cá chó ngon gấp mười lần thịt cá anh vũ. Bây giờ đi mua cá chó cũng khó như mua hổ châu Á" - Hưởng cười. Chỉ có Hưởng với bạn bè Hưởng mới được dùng mà thôi.

“Tam Cốc còn có một thứ cá, hiếm quý hơn cả cá tràu, cá chó” - Hưởng làm tôi tròn mắt. Đó là cá hổ sộp, nó hệt con sộp nhưng dài hơn. Lên cạn, nó nhảy như rắn. Nó là "Hổ mang chúa" trong các loài cá. Nó có nọc độc. Để nó cắn phải là chết ngay tức khắc. Dưới nước thiếu mồi, nó lên bờ kiếm ăn.Hưởng chưa câu được hổ sộp, nhưng con chuối to nhất anh câu được nặng tới 4 cân rưỡi. Nó đớp mồi như chó đớp rồi chui tụt vào hang. May là dây câu ngoại nên không bị đứt. Hưởng kéo mãi nó mới ra, đè nó xuống đất, cởi quần, tống nó vào ống quần, mới gỡ được lưỡi câu ra. Đem về nhà, không thể chặt được, phải lấy chày đập vào sống dao, những khoanh cá mới đứt ra. Được 9 khúc lớn, khúc nào cũng kín một chiếc đĩa đường kính 15 phân. Con trắm đen to nhất của Hưởng nặng tới 6 cân rưỡi - "Tôi xin thằng em vào đồng cá của nó câu tràu. Trắm đen nó nuôi cắn phải mồi. Tôi lặng lẽ đè hai bó củi lên cá rồi dong thuyền về. Nó không biết" - Hưởng cười, mắt lấp lánh, nâng chén rượu, khà một tiếng, vuốt bộ tóc như bờm sư tử đực một cái, rồi châm một điếu thuốc lào. Hưởng bảo, cá quý, cá to để nhắm tất, "Cả đời câu mới gặp mấy lần, mình đói khát gì đâu mà phải bán".

Thoa còn kể rằng, bạn Thoa, anh Chính ở thôn Khê Đầu, đi đổ rọ rô, được nửa thuyền rồi thì câu được con tràu cân rưỡi. Bắt được tràu thì loạng choạng làm lật thuyền, mất cả nửa thuyền cá rô! Thoa bảo: "Mày ngu thế! Được con tràu cân rưỡi mà mất nửa thuyền rô". Chính cười: "Có mày ngu thì có, nửa thuyền rô là tao gửi sông Ngô Đồng, hôm khác tao bắt lại, còn con tràu này lấy đâu ra?". "Đúng là em ngu thật! Nó mới đúng" - Thoa bảo tôi thế.

Cứ vậy, hễ ngồi bên các bạn ở Tam Cốc là bao nhiêu chuyện lạ bay ra, y như ong thấy hoa kéo về. Chúng làm cho non nước Tam Cốc thêm kỳ bí, ảo huyền. Ấy thế mà lại dân dã, gần gụi.

4. HAI MẶT CỦA DANH THẮNG

  1. Tam Cốc đẹp và quí

Như đã nói, Tam Cốc - Bích Động là danh thắng quốc gia, nằm ở huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, nơi phát tích, trưởng thành và tàn lụi của nhà Đinh (968 - 980).

Tiên Hoàng Đinh Bộ Lĩnh ở ngôi đế 12 năm (960 - 972) thì bị Đỗ Thích sát hại cùng với con cả Đinh Liễn. Con út là Đinh Hạng Lang (con Dương Vân Nga) thì trước đó đã bị Đinh Liễn giết. Người con trai giữa còn lại là Đinh Toàn (có sách gọi là Đinh Tuệ), nối ngôi được 8 tháng thì bị Lê Hoàn và Phạm Cự Lượng phế đi để tôn Lê Hoàn lên ngôi, lập ra nhà Tiền Lê (980). Vì thế mà Đinh Toàn được gọi là Phế Đế (Hoàng đế bị phế bỏ).

Lê Hoàn lên ngôi, cũng ở Hoa Lư. Nhà Tiền Lê kéo dài 30 năm, trải 3 đời vua: Đại Hành (980 - 1005), Trung Tông (bị Lê Long Đĩnh giết sau 3 ngày ở ngôi - 1005), Lê Long Đĩnh (1005 - 1009).Một năm sau (1010), Lý Công Uẩn lập ra nhà Lý và dời đô ra Thăng Long, Hoa Lư chấm dứt vai trò của một kinh đô. Nó chỉ còn là cố đô. Nhưng tên nước Đại Cồ Việt mà Đinh Tiên Hoàng đặt ra thì còn mãi đến thời Lý Thánh Tông mới đổi thành Đại Việt (1054).

Thế là, tính từ khi Đinh Tiên Hoàng Đế lên ngôi (968) đến khi Lý Công Uẩn dời đô (1010), Hoa Lư là kinh đô Đại Cồ Việt 43 năm, đương thời với ba vua đầu Tống thời Trung Hoa: Thái Tổ, Thái Tông và Chân Tông (960 - 1022).

Các triều đại sau này vẫn luôn tôn trọng cố đô Hoa Lư. Nhà Trần lập hành cung ở Vũ Lâm, Hoa Lư. Bây giờ, trên đường vào Tam Cốc, còn có đền Thái Vi, thờ hai vua đầu đời Trần là Thái Tông, Thánh Tông. Tam Cốc thuộc thôn Văn Lâm, đối trọng về chữ với Vũ Lâm.

Nhắc lại một số sự kiện lịch sử ấy, để thấy rằng, Tam Cốc - Bích Động - Trường Yên - Hoa Lư là một cụm di tích lịch sử - chính trị - kinh tế - văn hóa - kinh đô vào hạng nhất nước, kể từ khi ở ta có chế độ phong kiến tập quyền.

Ngoài ra, vùng này còn là một kỳ quan thiên nhiên, một “Hạ Long trên cạn”. Bích Động được coi là “Nam thiên đệ nhị động”, sau “Nam thiên đệ nhất động” Hương tích.Nhưng bây giờ, sẽ chỉ nói về Tam Cốc.

Tam Cốc hoàn toàn nằm trên địa phận thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư ngày nay (Bích Động là ở thôn Liên Trung, cùng xã, cách Tam Cốc vài cây số).

Con sông Ngô Đồng từ trong vùng núi đá vôi phía tây chảy ra, luồn qua Ba Hang (Tam Cốc), về hồ Tam Cốc dưới chân núi Cửa Quen. Hang một, hay còn gọi là Hang Cả, dài gần 150 thước. Hang hai và hang ba thì ngắn dần, chỉ mấy chục thước. Du khách phải vào ra Ba Hang bằng thuyền trên con sông ấy. Mùa nước xuống, khách còn ngồi được. Mùa nước lên, khi qua Ba Hang, khách phải nằm xuống thuyền. Dân làng ở đây kể rằng, xưa kia, hai bên sông là hai rừng ngô đồng. Không phải thứ ngô đồng trồng trong chậu cảnh, mà là thứ ngô đồng cao, lớn cỡ người ôm, lá không giống với lá ngô đồng chậu cảnh (mà giống với loài ngô đồng trong thơ cổ Trung Hoa : “Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng tri thu” (Một lá ngô đồng rụng - Ai cũng biết thu về), hay trong thơ Lý Bạch : “Ngô đồng sào yến tước - Chỉ cức thê uyên loan” (Kìa trên dãy ngô đồng - Én, sẻ về xây tổ - Kìa trong bụi cây gai - Uyên ương còn dọn chỗ); hoặc trong thơ Bạch Cư Dị: “Tỉnh ngô lương diệp động - Lân chử thu thanh phát” (Bên giếng ngô đồng xào xạc lá - Chày ai đập vải bãi thu sương)...Trong phủ Khai Phong của Bao Thanh Thiên đời Tống, trồng tới 300 cây ngô đồng loại ấy. Tống triều, đương thời với nhà Đinh ta, nên chí ít ngô đồng Tam Cốc cũng đương thời với ngô đồng Bao phủ. Bây giờ, chỉ còn mấy cây mới trồng bên hồ Tam Cốc. Và bên hồ này, người ta trồng bạch đàn, một thứ cây chả phải đàn, chả phải liễu, chỉ được cái phá đất, thật phí của quá!

Ước gì ven sông, người ta khôi phục lại được hai rừng ngô đồng, mép hồ thì trồng liễu rủ cũng đẹp, để cho Tam Cốc thơ mộng, cổ xưa như cũ, hơn cũ; để thu Tam Cốc có “Ngô đồng muôn diệp lạc”, hơn cả thơ cổ Trung Hoa. Quanh hồ Tam Cốc và ở hòn đảo giữa hồ, đã bị đá hóa, bê - tông hóa mất rồi. Đò khách đi về giữa đá với bê - tông! Có nhiều khách nước ngoài, vừa đến hồ đã quay lại. Họ bảo: “Lần trước đến đây, hồ còn đầy cây cỏ thiên nhiên, thậm chí còn đầy chim chóc. Bây giờ chỉ thấy đá và bê - tông như đô thị Châu Âu, chả muốn vào xem nữa!”

2. Tam Cốc đò

Bây giờ, nói về những con đò. Trước kia, đó là những chiếc thuyền thúng, bây giờ toàn là đò tôn đáy phẳng. Ừ thì thuyền thúng dễ lật, hay phải tát nước ra, vì sảm không thể kín mãi, nhưng sao lại không phải là những con thuyền gỗ? Mà đây là đất cố đô, thuyền gỗ còn có thể là thuyền rồng ấy chứ!

Cứ nghĩ thì biết, nắng hè - thu đổ xuống đá và bê - tông, đổ xuống thuyền tôn không mui, khách sẽ nóng nực thêm mấy lần? Sao không để thuyền rồng gỗ có mui, chở khách đi về trong bóng ngô đồng xanh biếc, bên thân liễu mềm như thân Tây Thi? Mùa nước lớn, thuyền có thể bỏ mui để qua Ba Hang.

Vẫn nói về đò. Những con đò, dù còn bằng tôn, cũng đã nói hộ người dân Tam Cốc rất nhiều.

Lúc mới tổ chức, tất cả có 400 đò. Sau đó, cứ ai lấy vợ, lấy chồng và tách hộ, thì được một “số đò” mới - có “số đò” thì mới được chở khách. Thế là trai, gái mới lớn chả đi học nữa, cưới nhau thật nhanh để có “số đò”. Bây giờ, tổng “số đò” đã là hàng ngàn, tương đương với ngần ấy hộ gia đình (lúc còn là 400 “số đò”, có hộ còn được hơn 1 số). Thế là phải phân phối “số đò”. Bây giờ bình quân mỗi ngày, chỉ có từ vài trăm đò được hoạt động. Mỗi đò, mỗi tháng hóa ra chỉ được đi có 5-6 chuyến (ngày lễ, Tết thì đông hơn ngày thường). Mỗi chuyến đò, được chở cao nhất là 4 khách “ta”, hoặc 2 khách “tây” và chủ đò được nhận 30.000-50.000 đồng. Thế là lại phải tính: lần này có “số đò ta”, thì lần sau cầm “số đò tây”. “Đò tây” khác “đò ta” ở chỗ, “tây” hay “boa” còn “ta” thì không; “tây” mua hàng lưu niệm - đồ thêu Văn Lâm, còn “ta” thì không. Do đó, khi chở “tây” thì ngoài lái đò, còn có một người bán hàng trên thuyền, vừa bập bẹ tiếng Anh vừa ra hiệu để chào hàng.Kết quả là, mỗi nhà thu nhập hàng tháng từ con đò, được khoảng 300.000-500.000 đồng. Tiền “boa”, tiền bán hàng lưu niệm cộng vào thì được khoảng 800.000 đồng. Ngoảnh lại nhìn: Ruộng đất đã mất đi nhiều (ruộng đất ở đây vốn ít) vì đã được “đền bù” với giá rẻ để làm khu du lịch. Tiền ấy tiêu không đủ một đời, thậm chí chỉ đủ mua chiếc xe máy cho con, sao có thể nuôi người cả ngàn đời như ruộng? Thanh thiếu niên không đi học nữa, ở nhà chèo đò, hoặc sắm lấy chiếc máy ảnh đi chụp dạo qua ngày, đi bán hàng lưu niệm và làm các dịch vụ khác. Nghề thêu xuất khẩu truyền thống cũng mất dần. Lớp trẻ không học nghề nữa. Cái gọi là hàng thêu lưu niệm Văn Lâm bây giờ, thực chất là hàng đặt, chất lượng kém, từ Hà Nam, Hà Tây, Hải Dương, thậm chí là hàng Tầu, đưa về. Cả làng bây giờ chỉ còn một vài cụ già là còn có thể thêu được “Cửa võng”, “Đại tự”, hàng trắng. Đồng thời, tệ nạn xã hội gia tăng, an toàn xã hội giảm dần... Vả lại khi số hộ - “số đò” tăng lên mãi, thì đò không còn là vật bảo đảm cho cuộc sống nữa. Lúc ấy, xếp liền những con đò lại thì thành ra cái “cầu phao” dài bằng cả con sông Ngô Đồng, việc gì còn phải chèo đò nữa! Một vài thế hệ thất học rồi, sinh sống ra sao? Trông vào du lịch thì Tam Cốc cách Hà Nội có già một trăm cây, khách thăm thú xong, thừa sức về Hà Nội, mấy ai ngủ lại? Mà sắp tới, nếu khách sang muốn ở lại, thì họ sẽ ở tại “Dự án Hà Lan” làm trong núi, là những biệt thự sinh thái, lẩn trong núi, giữa cây rừng, “quân hàm” cỡ 4-5 sao. Người ta khôn thật! Ẩn trong núi, họ đã không phải đền bù đất cho dân và lâm vào bát trận đồ “Giải phóng mặt bằng”, lại đắc địa, đắc lợi giữa non nước cổ xưa tinh khiết, hớt lấy khách sộp, ăn quả trên ngọn. Dân Văn Lâm rồi sẽ chỉ còn đứng gốc nhìn và nhặt hoa rơi quả rụng, chứ làm sao đua nổi?

Danh thắng là tài nguyên quốc gia, là lộc trời ban cho dân bản địa, là không gian sống ngàn đời của họ. Đầu tư khai thác là việc nên làm, “tây” cũng được mà “ta” cũng được. Nhưng sao không cho dân bản địa, xã bản địa, huyện bản địa, góp đất thay tiền để thành cổ đông - cả đất thổ cư, đất giao khoán lẫn đất danh thắng - để tương lai họ ngày càng tươi sáng, lâu dài? Sau 30 hoặc 50 năm, hợp đồng cũ hết hạn, mọi tài sản ấy lại trở thành của dân, của địa phương, và họ lại có quyền ký những hợp đồng liên doanh mới phù hợp với thời điểm mới. Những chủ đầu tư đến đây liên doanh thật đáng hoan nghênh, nhưng chỉ khi làm lợi cả cho dân bản địa, họ mới thực sự được tôn trọng và có an ninh - an toàn lâu dài, bền vững. Làm như kiểu bây giờ, khác nào “tịch thu” không gian sống ngàn đời của dân địa phương, khác nào “tịch thu” cả lộc trời đất ban cho họ từ thượng cổ đến giờ. Có lẽ, đó là mặt thứ hai của Tam Cốc.

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)