bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 12
Trong ngày: 173
Trong tuần: 785
Lượt truy cập: 675324

NHUỘM RÂU

NHUỘM RÂU
Truyện ngắn của
Vũ Thị Kim Liên

v.t.k.lin1
 
Ông nằm đó, thẳng đơ giữa đống chăn đệm, ga trắng toát của bệnh viện, thở hi hóp qua tấm mặt nạ nhựa trong suốt, úp chụp vào nửa dưới khuôn mặt nối với đường ống dẫn oxygen chạy loằng ngoằng từ máy tới giường bệnh. Trông ông khi này thật nhỏ nhoi so với những máy móc đồ sộ của phòng cấp cứu. Những sợi dây loằng ngoằng trong suốt như sợi chỉ nối mỏng manh phận người với cuộc sống nhờ lượng ô-xy đang được bơm đều đều vào phổi của bệnh nhân. Khi tôi bước vào, có lẽ ông đã mất hết ý thức rồi, chỉ còn phản xạ sống duy nhất là vẫn hi hóp thở. Lướt qua khuôn mặt trắng bệch như tượng thạch cao đắp dở, tôi chợt nhói tim khi mắt chạm gặp giữa bao la màu trắng ấy là sợi râu trắng phếch trên mép người bệnh đang rung rinh phơ phất theo luồng khí thở. Định thần nhìn kỹ, từ mái tóc trắng xơ đến đôi lông mày, lông mi trắng đục, bộ râu dưới cằm trắng vôi, hình như cũng đang đồng loạt ngo ngoe động đậy, tua tủa trỗi dậy chĩa về phía tôi, khiến tôi phát hoảng bởi ấn tượng không mấy tốt đẹp lần gặp ông dạo gần đây, thật dị biệt.
 
Hôm ấy tôi đang hào hứng ngồi đọc cuốn sách vừa săn được trên mạng, thì có tiếng ồn ào phía hiệu cắt nhuộm gội thời trang gần sát nhà tôi vọng tới.
 
- Mời ông vào ạ, ông tìm ai? Tiếng một nhân viên trẻ tạm ngưng tay gội, đon đả ra chào đón khách.
 
- À tôi... tôi đi tìm cháu. Một ông cụ dáng vẻ rụt rè, ngần ngại trả lời và bước chân lẩn nhanh vào sau cánh cửa kính trong suốt vừa được hé mở.
 
- Ông cần gì cứ nói với bọn cháu! Chúng cháu sẽ đáp ứng tất cả các yêu cầu của khách hàng ạ!
 
Dường như sự xởi lởi gần gũi của của cô nhân viên làm tóc đã xóa tan đi không khí gượng gạo ban đầu, ông cụ mạnh bạo cất nói ra ý định của mình:
 
- Tôi muốn nhuộm tóc... nhuộm lông mày... và râu nữa... có được không?
 
 Đêm định mệnh
 
Sau tấm rèm buông rủ phòng trong, có tiếng thì thào và tiếng cười khúc khích vọng ra:
 
- Vâng chúng cháu sẽ nhuộm tóc, sau đó thêu lông mày và thêu râu theo hình vẽ mẫu cho ông, cho trẻ đẹp ạ!
 
- Ồ không!... Tôi có râu, có lông mày... chỉ nhuộm thôi.
 
- Không được ạ, tóc chúng cháu nhuộm được, còn râu và lông mày của ông trắng hết cả rồi lên phải cạo đi mới xăm được ông ạ.
 
 - Ừ, cũng được nhưng mất bao tiền đấy? Làm luôn nhé!
 
- Dạ... dạ, thêu lông mày sáu trăm nghìn, xăm ria mép và cằm một triệu, nhuộm hai trăm tổng tiền là một triệu tám trăm ngàn đồng, ông ạ.
 
- Mất nhiều tiền thế? Lấy ông năm trăm nghìn được không? Con gái ông đi làm tóc mất năm trăm nghìn thôi!
 
- Ông ơi ông bao nhiêu tuổi ạ? Tám mươi tuổi chưa?
 
- Chưa đâu, ông mới bảy mươi bảy tuổi thôi.
 
- Trời ơi chúng cháu chịu thôi... tuổi già sợ không chịu được đau, khi xăm ‘chết’ thì căng.
 
Chả là mấy tháng trước, ông cụ này đã từng ghé qua nhà tôi chơi, cũng ngỏ ý nhờ tôi nhuộm đen cho mái tóc bạc trắng, vốn sẵn tay nghề học từ các lớp đào tạo nữ công gia chánh, tôi sốt sắng nhận lời và hẹn vài tuần nữa!
 
- Thôi không xăm mà nhuộm râu tóc cho ông nhé?
 
- Tóc nhuộm đen nhưng mặt ông già nhăn nheo kia không hợp đâu. Ông về đi nghỉ ngơi nhé, không ai nhuộm râu bao giờ ạ. Cô hàng nhuộm tóc ái ngại trả lời.
 
- Đúng là thợ dốt không biết nhuộm râu! Thợ dốt...
 
Ông cụ lẩm bẩm mắng nhân viên cắt tóc liên hồi, vẻ chừng không chịu rời đi.
 
Lời qua tiếng lại từ chủ và khách dù không ầm ĩ nhưng cũng đủ thu hút sự tò mò cho những người sống trong những căn hộ liền kề trên phố. Bản thân tôi vốn không ưa những chuyện đôi co giữa khách hàng với chủ hiệu vốn vẫn hay xảy ra như cơm bữa trên phố này, nhưng sự việc kéo dài cũng bắt buộc phải lò dò ngó ra cửa để rồi phải chuốc đến sự ngạc nhiên đến khó chịu mà há miệng thốt lên "a... á"...
 
Đến gần ngày nhuộm thì xảy ra sự cố nhỏ, khi chuẩn bị đi lấy chai thuốc nhuộm xịn từ nhà phân phối, thì tôi được ông đến tận nhà khẩn khoản nhờ:
 
- Nhờ cháu chụp cho mấy kiểu ảnh đèm đẹp nhé? Để ông chơi facebook.
 
Tuy hơi lạ, nhưng tôi cũng cầm máy và chụp cho ông mấy kiểu. Trong khi chỉnh trang tư thế cho khung hình ngay ngắn tôi mới phát hiện sự bất cập nếu nhuộm mái tóc đen cho khuôn mặt này.
 
- Ông ơi nếu nhuộm tóc, trông bên ngoài ông sẽ trẻ hơn khi mái tóc trắng trở thành đen, nhưng lông mày và râu của ông trắng phếch thế kia thì phải làm sao?
 
- Thôi, chuyên tâm vào chụp ảnh đi, tao đeo kính vào giấu đi mắt nhăn nheo là ổn, nhớ chụp ba trăm sáu mươi độ cho đẹp đấy... Chụp thôi... nói nhiều làm gì... - ông già trở giọng cằn nhằn, rồi đột nhiên thay đổi vẻ giả lả: À này... sao tự nhiên lại gọi ta là ông hả? Nhà thơ không ai gọi là chú thơ, ông thơ hay cụ thơ đâu nhé, phải gọi là anh!
 
Qua cách lý giải vòng vo về cách gọi, tôi láng máng hiểu rằng ý ông ngầm khoe, ông là hội viên một câu lạc bộ thơ ca phường nhà, đã sinh hoạt ở hội thơ địa phương từ lâu mà tôi không nhớ!
 
- Dạ vâng, cháu không biết ạ. Cháu chỉ nghĩ đơn giản gọi ông trong xưng hô là tỏ lòng tôn trọng bậc cha ông thôi ạ! Tôi lí nhí trả lời và nháy liền năm kiểu ảnh chế độ ba trăm sáu mươi độ cho ông.
 
Trên tường phòng khách tiếng chuông đồng hồ đã dóng dả điểm báo giờ anh xã và con trai tôi đi làm về.
 
Có lẽ thấy cà kê thêm vài câu chuyện, nài chụp thêm vài kiểu ảnh khi có mặt đông người không tiện, nên ông cụ chỉ nán lại chơi thêm chút rồi cáo từ ra về.
 
- Có việc gì mà ông cụ lọm khọm sang chơi nhà mình nhiều thế? Sau bữa cơm tối anh xã hỏi.
 
- Dạ... cụ ấy nhờ em chụp ảnh ba trăm sáu mươi độ để chơi facebook, còn nhờ mấy hôm nữa nhuộm tóc cho cụ...
 
- Ôi mẹ ơi... thuốc nhuộm tóc là hóa chất độc hại, đừng nhận nhuộm hộ ai, kẻo không lại mang hóa chất hại vào cháu nội mẹ đấy mẹ ạ. - Con dâu tôi vội lên tiếng ngăn cản.
 
- Ừ, mẹ biết rồi, tóc ông ấy không thể nhuộm đen được vì gần tám mươi tuổi rồi không phù hợp, mẹ sẽ bảo cụ ra hiệu mà nhuộm.
 
Ý định khuyên ông cụ ra hiệu tóc kế bên nhuộm cho chuyên nghiệp còn chưa thực hiện, ngót tuần sau lại thấy ông cụ, giờ có thể gọi là ông hay cụ thơ lọm khọm mò đến, không phải để nhờ nhuộm tóc như đã hẹn, mà là đến đưa giấy mời đi họp phường. Chả là gia đình ông là người cùng phường với gia đình tôi. Sau thời gian chuyện trò mà tôi còn biết thêm, ông chính là bố đẻ của Huệ học cùng trường tôi và anh Trung là anh trai Huệ lại là người vẫn thường qua lại thân thiết cùng gia đình tôi xưa nay.
 
Ngồi chưa ấm chỗ bên chén trà, theo thói quen thường lệ, đôi mắt ông vẫn nhìn ngó, đảo thành vòng từ trần nhà xuống gậm bàn như thể tìm kiếm thứ gì. Trong khi dưới chòm râu lơ thơ lếch phếch là những câu thơ tình cụ khoe mới làm đang được dốc ra theo mớ âm thanh khi hụt khi khê nghe bập bõm, thập thõm thật khó mà lọt được vào tai người đối diện. Ông cứ đọc, dường như chẳng cần biết người nghe có đồng cảm với ý thơ của ông hay không, tứ thơ dường như cũng hổn hà hổn hển đợi đến khi ông đuối sức ngồi thở lấy thở để, mới lơ mơ vón cục thành hình. Chừng đã đọc hết các bài ông mới làm, ông mới ngửa cổ tợp ngụm trà đầu tiên, ra chiều khoái chí lắm. Nhưng hôm nay dường như có điều gì khang khác, nên sau hồi cao hứng đọc thơ, bỗng ông thở dài sườn sượt, giọng trách bồi than vãn:
 
- Đúng là tre già thì quý... chứ người già thì vô tích sự!
 
Tôi thoáng ái ngại, vội nói:
 
- Sao ông lại bi quan thế ạ? Đã là qui luật rồi, ai mà không già ạ? Nếu ước được thì ai cũng mong muốn ước mình mãi mãi ba mươi tuổi thôi.
 
- Ừ thì đương nhiên... Ta cũng buồn... vì mình... trở thành cụ già... lẩm cẩm mất rồi... hì... hì, bé yêu ạ! Vừa nói ông vừa nghiêng người cố ý đưa chòm râu lếch phếch cùng bộ lông mày trắng bệch vào sát tai tôi, lào khào, hổn hển, đôi tay xương xẩu khô đét lào quào trong không trung dường như cũng đang kiếm tìm điểm bám víu. Bất ngờ ông cụ nhoài người ôm túm lấy tôi với ánh mắt lạ lẫm...
 
- Ô, sao thế ạ? Ông bị thần kinh rồi... Tôi bật dậy theo phản xạ tự vệ và chạy về phía chiếc điện thoại đang để trên kệ sách. Cầm được chiếc điện thoại trong tay khi này thật như giữa cơn hoảng loạn vì sợ hãi mà vớ được vũ khí phòng vệ. Tôi trấn tĩnh ngay và bấm máy gọi cho con trai cụ:
 
- A - lô... anh à, đến đón ông về giúp em với!
 
Tiếng anh con trai từ đầu dây bên kia vang lên trầm trầm:
 
- Bố anh sang em mời vợ chồng em ăn cỗ cưới vào chủ nhật này sao?
 
- Dạ không ạ! Ai cưới đấy anh?
 
- Thì bố anh chứ ai? Anh đang đau cả đầu đây. Lấy đứa bằng tuổi con Huệ, thôi thì mai anh cùng cô Lan, Huyền, Huệ đưa "bà ấy" đi xét nghiệm ADN thai nhi, nếu đúng máu mủ nhà anh thì mới cho ông lấy, phiền em bảo cụ về hộ vì anh đang bận triển khai chương trình bóng đá thiếu nhi...
 
Trong tâm trạng thảng thốt tôi nghe con trai cụ nói một thôi một hồi về bố, bất giác dâng trào cảm giác ớn lạnh, thậm chút là ghê sợ với cụ thơ. Bất giác đánh ánh mắt về phía bàn nước, cụ đã về từ lúc nào rồi. Tôi đoán chắc trong lúc con trai cụ và tôi trao đổi điện thoại, thì cụ đã kịp lẻn ra về, chỉ còn chiếc mũ để quên nằm tênh hênh trên ghế há hoác cái miệng đen lòm như trêu ghẹo, đe nẹt.
 
Tôi rơi vào trạng thái hoảng loạn, suy sụp tinh thần mất một thời gian, khiến gia đình, chồng và nhất là mẹ tôi phải vất vả sớm hôm an ủi chăm sóc chuyện trò. Nhưng rồi vết thương nào thời gian cũng là liều thuốc chữa hiệu nghiệm, tôi đã lấy lại được niềm vui trong công việc gia đình riêng, trong công việc chăm sóc gia đình đôi bên cha già mẹ yếu, mọi thứ lại cuốn tôi vào vòng quay đời thường bận rộn, tưởng chẳng bao giờ phải nhớ lại câu chuyện vừa bi vừa hài kia nữa thì một hôm tình cờ tôi gặp Huệ trên viện.
 
- Chào chị, có nhận ra em không?
 
- Chào em, Huệ phải không? Em gái anh Trung chị Lan mà!
 
- Hi... hi... trí nhớ chị tốt thế? Chị giữ gìn nhan sắc và dáng đẹp thế? Không như em sáu mươi tám cân rồi... híc...
 
- Béo khỏe đẹp mà em. Chị già đi chứ trẻ đẹp gì đâu? Em thăm ai hay chăm ai ở viện vậy?
 
 - Hì hì, mải ngắm chị yêu quên không cảm ơn chị ngày trước đã tốt không kiện gì bố em. Tôi kinh ngạc, vội hỏi:
 
- Em nói gì, cảm ơn gì? Ai kiện ai?
 
Huệ cúi đầu buồn bã giọng trầm xuống thì thào như sợ ai nghe thấy:
 
- Chuyện bố em đó chị, bố em tuy già rồi vẫn còn máu me lắm, dạo đó chả nhặng lên đòi lấy con bé ở đẩu đâu trọ gần nhà. Nó bằng tuổi em, đi bán các thứ lặt vặt, bọn em hay thuê nó dọn nhà... thế là được một dạo, nó vác cái bụng lùm lùm về nói có thai với ông. Sau lần gia đình em có ý định đem nó đi lên Hà Nội xét nghiệm AND cho thai nhi, thì nó bỏ trốn... vì nó ý định của nó chỉ là lừa bố em. Bọn em xấu hổ khi bố em già rồi trở tính hồi xuân muộn, cứ đi linh tinh. Mấy tháng trước ông còn bị kiện về tội ôm ấp con bé Thảo đấy. Bị đưa ra công an rồi tòa án, phải xin lỗi và mất mấy chục triệu cho nó giải quyết tình cảm chứ không bị tù và bị phạt tiền vì tội quấy dối tình dục... Huệ nói một hồi rồi thở phào nhẹ nhõm: Chị ạ, mẹ em yếu lên bố em đi đâu làm gì bà ít để ý. Sau vụ con Thảo, bố em kinh ba đời rồi. Đã thế hôm nhập viện vì bị hạ huyết áp, bố em tưởng chết rồi chị ạ. May chị Lan ở nhà đưa đi cấp cứu kịp thời nên giờ ổn rồi...
 
- Vậy là mừng cho gia đình. Tôi cắt ngang câu chuyện vì không muốn nhớ lại các cảm giác khi xưa ông cụ đã gieo vào đầu tôi, cảm giác ghê sợ, tức giận của một người bị quấy rối lạm dụng – một nạn nhân hụt của tệ quấy rối tình dục của mấy ông già quen tính lăng nhăng. Tôi nhẹ nhàng từ cáo: - Huệ à chị cũng bận đang trông mẹ ốm để khi khác mình chuyện tiếp nhé.
 
- Ui... ui... em quên. Gặp chị mừng quýnh thế này, khi bố em khai ra đã quấy dối bao nhiêu người và đã từng sai phạm với ai, ông khai ra con bé Đổi và con bé Thảo là có tí chút... hic... hic, lại khai thêm ra là chị Hường và chị là những người có văn hóa, mặc dù bố em có ý tán tỉnh gạ gẫm nhưng không thành vì các chị đã phòng vệ và phản ứng quyết liệt. Gia đình anh chị Hường và anh chị cũng không vì giậu đổ bìm leo mà đâm đơn tố cáo. Nếu thêm một người tố cáo nữa thì tình tiết tăng nặng có thể bị tù, may nhờ hai chị im lặng không truy cứu lên bố em giờ ân hận lắm, bảo anh Trung và chị em em là anh chị tốt quá, nhất là chị luôn cư xử đúng mực, điềm đạm và khoan dung độ lượng.
 
- Ừ thì bậc cha mẹ sai, mình không lên phê phán họ trước cộng đồng, chỉ phê bình và khuyên tế nhị thôi em. Thế ai nằm viện đấy? Tôi vội ngắt lời Huệ.
 
- Bố em chị ạ bị suy thận độ hai rồi. Em chào chị, tối em sang thăm mẹ chị nhé.
 
- Cảm ơn em, mẹ chị đỡ nhiều rồi. Em chăm ông tốt vào, đừng chì chiết cụ nữa em ạ. Ở đời ai cũng có cái sai, biết sửa sai là tốt. Thi thoảng về ngoại vào chị chơi em nhé.
 
Chia tay Huệ, tôi đi chậm theo cầu thang bộ dẫn vào hành lang bệnh viện, chợt mỉm cười sà vào bên mẹ:
 
- Mẹ ơi! Con vừa gặp cái Huệ con ông Nguyễn, ông ấy cũng nằm viện ở đây.
 
Mẹ tôi mỉm cười khuyên:
 
- Con đi thăm ông ấy đi, tha thứ cho họ con ạ, mặc dù họ không tốt nhưng gần đất xa trời rồi bỏ qua cho những người đã hại mình. Để họ tự biết có học, có văn hóa là thế nào con gái à. Bác sĩ vừa thông báo ba giờ chiều mai mẹ được ra viện rồi.
 
- Vâng, vậy tiện thể con sẽ sang thăm ông ấy như lời khuyên của mẹ!
 
Tôi trả lời mẹ mà thấy lòng mình thanh thản vô cùng.
 
                Chiều thu 2018
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)